THÔNG TƯ 23/2011/TT-BGDĐT VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC SƯ PHẠM KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC DO BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BAN HÀNH
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2011/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2011 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC SƯ PHẠM KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2011.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ quan quản lý các đại học, học viện, trường đại học và Hiệu trưởng các trường đại học có thực hiện chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: – Văn phòng Chính phủ; – Ban Tuyên giáo TƯ; – UBVHGDTNTNNĐ của QH; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP; – Cục KTrVBQPPL (Bộ Tư pháp); – Kiểm toán nhà nước; – Như Điều 3; – Công báo; – Website Chính phủ; – Website Bộ GDĐT; – Lưu: VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD. |
BỘ TRƯỞNG Bùi Văn Ga |
QUY ĐỊNH
VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC SƯ PHẠM KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 23/2011/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học.
2. Quy định này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học (sau đây gọi chung là trường) có thực hiện chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học là một tổ hợp bao gồm mục tiêu, chuẩn đầu ra; danh mục, thời lượng, nội dung môn học; phương thức tổ chức đào tạo, đánh giá và các nguồn lực đảm bảo để triển khai đào tạo một ngành học.
2. Chất lượng của chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học là sự đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật giáo dục, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.
3. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học là mức độ yêu cầu và điều kiện mà chương trình cần đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Điều 3. Mục đích ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học là công cụ để nhà trường tự đánh giá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; để người học có cơ sở lựa chọn ngành học và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Chương II
TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC SƯ PHẠM KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
Điều 4. Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra
1. Mục tiêu của chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học (sau đây gọi là chương trình) phù hợp với mục tiêu giáo dục đại học quy định tại Luật giáo dục, sứ mạng của nhà trường và yêu cầu sử dụng nhân lực của xã hội; được định kỳ rà soát và điều chỉnh.
a) Phù hợp mục tiêu giáo dục đại học quy định tại Luật giáo dục;
b) Phù hợp với sứ mạng của nhà trường và yêu cầu sử dụng nhân lực của xã hội;
c) Được định kỳ rà soát và điều chỉnh.
2. Chuẩn đầu ra của chương trình thể hiện đầy đủ những yêu cầu cần đạt được về phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng của người học; khả năng cập nhật kiến thức, sáng tạo trong công việc; định hướng đến vị trí làm việc cụ thể của người học sau khi tốt nghiệp và khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường.
Thể hiện đầy đủ yêu cầu cần đạt được về phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành theo mục tiêu đào tạo sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học;
Định hướng đến những vị trí làm việc cụ thể mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp và khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường;
Thể hiện được đầy đủ các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học.
Điều 5. Tiêu chuẩn 2: Chương trình đào tạo
1. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tham khảo các chương trình đào tạo cùng lĩnh vực ở trong nước và quốc tế.
a) Được xây dựng dựa trên chương trình khung và các quy định khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Hướng đến việc thực hiện mục tiêu và đáp ứng chuẩn đầu ra;
c) Có tham khảo các chương trình đào tạo cùng ngành của các trường có uy tín ở trong nước và quốc tế.
2. Chương trình đào tạo được xây dựng với sự tham gia của các giảng viên, cán bộ quản lý, chuyên gia cùng ngành, nhà tuyển dụng và người tốt nghiệp. Định kỳ lấy ý kiến của các đối tượng trên nhằm rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình.
a) Có sự tham gia của các cán bộ quản lý và giảng viên trong xây dựng chương trình;
b) Có sự tham gia của các chuyên gia cùng ngành, nhà tuyển dụng và người tốt nghiệp trong xây dựng chương trình;
c) Định kỳ lấy ý kiến nhằm rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình theo hướng tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng.
3. Chương trình đào tạo có cấu trúc hợp lý, khoa học, cân đối giữa lý thuyết và thực hành; có tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và với các chương trình đào tạo khác.
a) Cấu trúc chương trình quy định rõ các khối kiến thức, đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống, có sự phân bố hợp lý giữa lý thuyết và thực hành;
b) Có các học phần lựa chọn, học phần tích hợp, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực cần đạt theo mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình;
c) Cấu trúc chương trình hợp lý, đảm bảo có tính liên thông giữa các trình độ đào tạo trong mỗi trường và giữa các chương trình đào tạo ở trong và ngoài trường.
4. Nội dung chương trình đào tạo được xây dựng nhằm thúc đẩy hoạt động học tập hiệu quả, phát triển các năng lực của người học.
a) Giúp người học chủ động lựa chọn các học phần, lộ trình học tập, phương thức và thời gian học tập có hiệu quả;
b) Giúp người học phát triển năng lực thu thập và xử lý thông tin, năng lực tư duy hệ thống, tư duy phê phán và năng lực giải quyết vấn đề;
c) Giúp người học phát triển các năng lực sư phạm như giao tiếp, thuyết trình, thực hành giảng dạy, tổ chức quản lý lớp học và xử lý các tình huống sư phạm.
5. Nội dung chương trình đào tạo đảm bảo tính khoa học, cập nhật được những tri thức hiện đại, công nghệ tiên tiến, thể hiện được quan điểm giáo dục hiện đại, xác định rõ kết quả dự kiến.
a) Đảm bảo tính khoa học, cập nhật được những tri thức mới, hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến;
b) Thể hiện được phương pháp học tiên tiến, hiện đại;
c) Xác định rõ kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và nghiệp vụ sư phạm cần đạt và cách thức đánh giá kết quả môn học.
6. Đề cương chi tiết, giáo trình, tài liệu tham khảo có đủ cho các học phần/môn học và được định kỳ rà soát, điều chỉnh.
a) Có đủ đề cương chi tiết cho các học phần/môn học;
b) Có đủ giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo cho các học phần/ môn học;
c) Đề cương chi tiết được định kỳ rà soát, điều chỉnh dựa trên ý kiến phản hồi của người học, người tốt nghiệp, giảng viên, người tuyển dụng lao động.
7. Giáo trình đáp ứng được yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học.
a) Có quy trình tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức;
b) Giáo trình các môn học đáp ứng yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học, cập nhật tri thức mới, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực;
c) Định kỳ thu thập và sử dụng những nhận xét đánh giá của người học, giảng viên, chuyên gia để cải tiến nâng cao chất lượng giáo trình.
8. Bài giảng được định kỳ cập nhật những tri thức mới, đáp ứng yêu cầu của từng học phần.
a) Biên soạn bài giảng đúng quy trình, chuyển tải được các yêu cầu của chuẩn đầu ra;
b) Bài giảng bao gồm các kiến thức cơ bản, nâng cao, các câu hỏi, bài tập thực hành, ôn tập và có sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin;
c) Bài giảng được định kỳ cập nhật những tri thức mới, khoa học công nghệ tiên tiến.
Điều 6. Tiêu chuẩn 3: Hoạt động đào tạo
1. Công tác tuyển sinh của chương trình được thực hiện theo kế hoạch của nhà trường và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
a) Thực hiện công tác tuyển sinh rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Có các biện pháp thu hút người học đối với chương trình;
c) Định kỳ rà soát và đánh giá nhu cầu đào tạo để điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí và quy trình tuyển sinh.
2. Tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi học phần, xét và công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo hệ thống tín chỉ; định kỳ rà soát và cải tiến việc triển khai thực hiện.
a) Có kế hoạch, quy trình và quy chế triển khai hệ thống tín chỉ phù hợp với cơ cấu tổ chức, nguồn lực của nhà trường;
b) Tổ chức triển khai có hiệu quả hệ thống tín chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Định kỳ rà soát quy trình, quy chế triển khai hệ thống tín chỉ theo hướng từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
3. Đa dạng hoá phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; đảm bảo đánh giá chính xác, khách quan và phản hồi kịp thời tới người học.
a) Có quy định rõ ràng về quy trình, phương pháp kiểm tra đánh giá theo quy chế hiện hành và được công bố công khai, phổ biến tới người học;
b) Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đa dạng, đảm bảo chính xác, khách quan theo các mục tiêu của học phần/môn học;
c) Kết quả kiểm tra, đánh giá được lưu trữ an toàn và phản hồi kịp thời đến người học để điều chỉnh việc học tập.
4. Hoạt động thực hành bộ môn của chương trình được tổ chức hiệu quả.
a) Nội dung, quy trình thực hành bộ môn đáp ứng mục tiêu đào tạo sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học;
b) Nội dung thực hành phù hợp với thực tiễn, trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ;
c) Định kỳ thu thập ý kiến đánh giá nội dung, quy trình thực hành nhằm điều chỉnh, cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động thực hành.
5. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động nghiệp vụ sư phạm có hiệu quả; hằng năm lấy ý kiến phản hồi và có biện pháp cải tiến chất lượng các hoạt động nghiệp vụ sư phạm.
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động nghiệp vụ sư phạm có hiệu quả. Quy trình, nội dung và phương pháp nghiệp vụ sư phạm được công bố công khai cho giảng viên, người học;
b) Có biện pháp giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động nghiệp vụ sư phạm;
c) Định kỳ thu thập và sử dụng các ý kiến phản hồi của người học, người hướng dẫn, giảng viên để cải tiến quy trình, phương pháp và nội dung của các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
6. Hoạt động thực tập sư phạm được tổ chức hiệu quả.
a) Nội dung, quy trình thực tập nghiệp vụ sư phạm đáp ứng mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình; phù hợp với thực tiễn khoa học kỹ thuật, công nghệ;
b) Tổ chức thực hiện kế hoạch thực tập sư phạm có hiệu quả;
c) Định kỳ thu thập ý kiến phản hồi về nội dung, quy trình thực tập sư phạm để điều chỉnh, cải tiến nâng cao hiệu quả thực tập sư phạm.
7. Tạo môi trường học tập thuận lợi nhằm thúc đẩy khả năng tự học và nghiên cứu khoa học của người học.
a) Tạo môi trường giảng dạy và học tập tích cực, thân thiện hướng đến người học;
b) Tạo cơ hội học tập tương tác nhằm thúc đẩy tính chủ động, sự say mê và hứng thú học tập của người học;
c) Có biện pháp hỗ trợ tự học và nghiên cứu khoa học cho người học.
8. Các hoạt động đào tạo được triển khai theo kế hoạch và được định kỳ giám sát, đánh giá để nâng cao chất lượng đào tạo.
a) Có các văn bản quy định về công tác quản lý, phối hợp các hoạt động đào tạo của chương trình; có kế hoạch đào tạo năm học, từng học kỳ, chi tiết đến từng học phần, cụ thể cho các giờ học lý thuyết, thực hành, thực tập;
b) Định kỳ giám sát, kiểm tra đánh giá tiến độ, chất lượng và hiệu quả thực hiện kế hoạch đào tạo;
c) Hằng năm thu thập các ý kiến phản hồi của giảng viên, người học để cải tiến các hoạt động đào tạo.
Điều 7. Tiêu chuẩn 4: Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên
1. Đội ngũ giảng viên thuộc chương trình có đủ số lượng, phù hợp với yêu cầu đào tạo; có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình.
a) Có số lượng phù hợp với quy mô đào tạo, phù hợp với cơ cấu môn học, trong đó đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo và có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo quy định; đảm bảo hợp lý tỷ lệ sinh viên/giảng viên;
b) Có phẩm chất đạo đức, có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn đáp ứng yêu cầu của chương trình;
c) Có nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình.
2. Định kỳ đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên.
a) Công bố công khai quy trình và các tiêu chí đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên;
b) Hằng năm, giảng viên được đánh giá năng lực giảng dạy theo quy trình, tiêu chí rõ ràng, đúng quy định;
c) Kết quả đánh giá được sử dụng làm căn cứ để bố trí giảng dạy và xây dựng các chính sách đãi ngộ.
3. Giảng viên tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.
a) Sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học tích cực;
b) Sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hoạt động giảng dạy;
c) Định kỳ trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ với đồng nghiệp ở trong hoặc ngoài nước.
4. Giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.
a) Có chính sách khuyến khích giảng viên tham gia và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học;
b) Giảng viên tích cực tham gia các đề tài, dự án;
c) Giảng viên có bài báo, công trình công bố trong các kỷ yếu hội thảo, các tập san thông tin khoa học, tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
5. Giảng viên được bố trí giảng dạy phù hợp với trình độ chuyên môn, được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học.
a) Được bố trí giảng dạy phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và có số giờ giảng phù hợp với quy định;
b) Được tạo điều kiện tham gia biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy;
c) Được khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học.
6. Quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch cho giảng viên đảm bảo đúng quy định, công khai và minh bạch.
a) Việc tuyển dụng giảng viên thực hiện đúng quy định; đảm bảo công khai, khách quan, công bằng;
b) Việc bổ nhiệm, nâng ngạch cho giảng viên thực hiện đúng quy định; đảm bảo công khai, khách quan, công bằng;
c) Định kỳ rà soát quy trình, tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch giảng viên để điều chỉnh và cải tiến.
7. Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý.
a) Có đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định;
b) Có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai thực hiện có hiệu quả;
c) Được định kỳ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
8. Đội ngũ nhân viên có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; được định kỳ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
a) Đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
b) Được định kỳ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
9. Có quy hoạch và chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên đáp ứng định hướng phát triển của chương trình và được định kỳ đánh giá, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
a) Có quy hoạch và chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, phù hợp với định hướng phát triển của chương trình;
b) Định kỳ đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên;
c) Các kết quả đánh giá là căn cứ để triển khai các hoạt động bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ và xây dựng chính sách trả lương, phụ cấp, khen thưởng.
Điều 8. Tiêu chuẩn 5: Người học
1. Người học được cung cấp đầy đủ các thông tin về chương trình giáo dục, các dịch vụ hỗ trợ trong quá trình học tập.
a) Được phổ biến đầy đủ về quy chế đào tạo, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp và các quy định về quyền và nghĩa vụ của người học;
b) Được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ăn, ở, giải trí và được đảm bảo các chế độ chính sách xã hội theo quy định;
c) Các dịch vụ hỗ trợ người học được định kỳ cải tiến, nâng cao chất lượng dựa trên các ý kiến phản hồi của người học.
2. Người học được rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức và kỹ năng sống; được tạo điều kiện để rèn luyện nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể.
a) Chủ động và tích cực tham gia rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức và kỹ năng sống;
b) Được tạo điều kiện rèn luyện nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, được cung cấp các dịch vụ y tế học đường theo quy định;
c) Được tạo điều kiện và tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, hoạt động xã hội.
3. Người học tích cực học tập nhằm phát triển các năng lực chuyên môn và thực hành nghề nghiệp.
a) Chủ động vận dụng các phương pháp học tập tích cực;
b) Tích cực rèn luyện kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm;
c) Chủ động phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp.
4. Người học được rèn luyện kỹ năng thực hành trên các thiết bị và công nghệ tiên tiến.
a) Được thực hành trên các thiết bị và công nghệ tiên tiến;
b) Được các nhà chuyên môn của các doanh nghiệp tham gia hướng dẫn thực hành;
c) Tích cực tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.
5. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học được thực hiện có hiệu quả.
a) Người học được huấn luyện, tư vấn về các kỹ năng tìm việc làm;
b) Người học được cung cấp thông tin về tình hình việc làm, phát triển nghề nghiệp;
c) Chương trình có mối liên hệ thường xuyên với các nhà tuyển dụng và cựu sinh viên để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học.
6. Người tốt nghiệp được khảo sát, đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; người tốt nghiệp đáp ứng mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra và yêu cầu của thị trường lao động.
a) Được định kỳ khảo sát, đánh giá kiến thức, kỹ năng chuyên môn, thái độ nghề nghiệp theo mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình;
b) Có kỹ năng sư phạm đáp ứng yêu cầu của các cơ sở giáo dục và dạy nghề;
c) Có khả năng thích ứng với thị trường lao động và phát huy được chuyên môn đã được đào tạo.
Điều 9. Tiêu chuẩn 6: Cơ sở vật chất phục vụ chương trình
1. Hệ thống thư viện của nhà trường đáp ứng yêu cầu đào tạo của chương trình.
a) Có thư viện điện tử, đáp ứng yêu cầu truy cập thông tin của cán bộ, giảng viên, người học;
b) Có đủ đầu giáo trình, sách tham khảo chính, tạp chí, tài liệu chuyên ngành và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình và được bổ sung, cập nhật thường xuyên;
c) Công tác thư viện phục vụ có hiệu quả các hoạt động đào tạo của chương trình.
2. Hệ thống thiết bị, vật tư và công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả việc dạy và học, đáp ứng yêu cầu của chương trình.
a) Có đủ thiết bị, vật tư đáp ứng các yêu cầu học tập, thực hành, thí nghiệm;
b) Có đủ máy tính, hệ thống mạng được khai thác và sử dụng hiệu quả phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu;
c) Có đủ các phần mềm tin học hỗ trợ các hoạt động đào tạo và quản lý.
3. Hệ thống phòng chức năng, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành phục vụ chương trình đủ về số lượng, đảm bảo về diện tích, được khai thác sử dụng có hiệu quả.
a) Có đủ phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành theo quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu triển khai kế hoạch đào tạo;
b) Phòng học, phòng thí nghiệm, phòng/xưởng thực hành được khai thác và sử dụng hiệu quả;
c) Được định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
4. Cơ sở thực hành liên kết ở bên ngoài trường đáp ứng yêu cầu đào tạo của chương trình.
a) Có mối liên hệ với các cơ sở giáo dục, dạy nghề để đảm bảo sẵn sàng hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm;
b) Có sự thỏa thuận, giúp đỡ của các doanh nghiệp đảm bảo hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập nghề có hiệu quả;
c) Cơ sở thực hành liên kết ở bên ngoài trường có các thiết bị công nghệ tiên tiến phù hợp với chương trình giáo dục.
Điều 10. Tiêu chuẩn 7: Công tác tài chính phục vụ chương trình
1. Có kế hoạch tài chính, phân bổ tài chính đúng quy định, công khai, đảm bảo phục vụ hiệu quả các hoạt động của chương trình.
a) Có kế hoạch tài chính thực hiện theo quy định và được công bố công khai;
b) Có sự tham gia của các đơn vị thực hiện chương trình trong việc xây dựng kế hoạch và phân bổ tài chính cho các hoạt động của chương trình;
c) Đảm bảo kinh phí được phân bổ đúng quy định, phục vụ hiệu quả các hoạt động của chương trình.
2. Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo về tài chính của chương trình theo quy định.
a) Có quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo đúng quy định và công khai;
b) Có cơ chế tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính của chương trình;
c) Hằng năm có báo cáo quyết toán và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính phục vụ hoạt động của chương trình.
3. Tạo nguồn tài chính hợp pháp hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan đến chương trình và nâng cao đời sống cán bộ, giảng viên và nhân viên thuộc chương trình.
a) Có nguồn tài chính hợp pháp hỗ trợ các hoạt động của chương trình;
b) Có nguồn tài chính hợp pháp hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học;
c) Có nguồn tài chính hợp pháp hỗ trợ nâng cao thu nhập cho cán bộ, giảng viên và nhân viên.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của trường thực hiện chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học
Các trường có thực hiện chương trình giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học phải căn cứ vào tình hình cụ thể của trường để lập kế hoạch xây dựng chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn và có các biện pháp thực hiện tốt kế hoạch đề ra.
Điều 12. Trách nhiệm của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục căn cứ vào các tiêu chuẩn này để đánh giá, xem xét và công nhận chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn./.
THÔNG TƯ 23/2011/TT-BGDĐT VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC SƯ PHẠM KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC DO BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 23/2011/TT-BGDĐT | Ngày hiệu lực | 25/07/2011 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 26/06/2011 |
Lĩnh vực |
Giáo dục đại học |
Ngày ban hành | 06/06/2011 |
Cơ quan ban hành |
Bộ giáo dục vào đào tạo |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |