THÔNG TƯ 31/2016/TT-BLĐTBXH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO VÀ TIỀN THƯỞNG TRONG CÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN DO BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BAN HÀNH
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2016/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2016 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO VÀ TIỀN THƯỞNG TRONG CÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Căn cứ Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương;
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong các tổ chức được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của Luật Chứng khoán.
Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý trong các tổ chức được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của Luật Chứng khoán, bao gồm:
1. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
2. Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
3. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này sau đây gọi tắt là tổ chức chứng khoán.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
2. Thành viên Ban kiểm soát.
3. Người quản lý chuyên trách và không chuyên trách bao gồm: Thành viên chuyên trách và thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng.
4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng theo quy định tại Thông tư này.
Mục 2. QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN BAN KIỂM SOÁT VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 3. Xếp lương, tiền lương, tiền thưởng của thành viên Ban kiểm soát
1. Thành viên Ban kiểm soát xếp lương theo thang lương, bảng lương do tổ chức chứng khoán xây dựng theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương và Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
2. Thành viên Ban kiểm soát được hưởng tiền lương, tiền thưởng từ quỹ tiền lương, quỹ tiền thưởng của người lao động quy định tại Điều 4 Thông tư này.
3. Căn cứ quy chế trả lương, quy chế thưởng, Hội đồng quản trị quyết định tạm ứng tiền lương, xác định tiền lương, tiền thưởng và trả lương, tiền thưởng cho các thành viên Ban kiểm soát theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Ban kiểm soát và từng thành viên Ban kiểm soát.
Điều 4. Quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương, tạm ứng tiền lương phân phối tiền lương, tiền thưởng
1. Các tổ chức chứng khoán thực hiện quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương kế hoạch, đơn giá tiền lương, tạm ứng tiền lương, quỹ tiền lương thực hiện, phân phối tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo quy định tại Mục 2; Điều 9, 10, 13 Mục 3 và Mục 4 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH).
2. Khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với năng suất lao động bình quân và lợi nhuận theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH thì năng suất lao động được tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu như sau:
a) Năng suất lao động bình quân kế hoạch
(1)
Trong đó:
Wkh: Năng suất lao động bình quân kế hoạch.
ΣTkh: Tổng doanh thu kế hoạch.
Lbqkh: Số lao động bình quân kế hoạch, được tính theo hướng dẫn tại Khoản 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH.
b) Năng suất lao động bình quân thực hiện trong năm (hoặc thực hiện của năm trước liền kề).
(2)
Trong đó:
Wth: Năng suất lao động bình quân thực hiện trong năm (hoặc thực hiện của năm trước liền kề).
ΣTth: Tổng doanh thu thực hiện trong năm (hoặc thực hiện của năm trước liền kề).
Lbqth: Số lao động bình quân thực tế sử dụng trong năm (hoặc thực tế sử dụng của năm trước liền kề), được tính theo hướng dẫn tại Khoản 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH.
Chỉ tiêu tổng doanh thu để tính năng suất lao động (gồm doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ, tài chính và thu nhập khác thực hiện theo chế độ tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) được xác định theo quy định về quản lý tài chính đối với tổ chức chứng khoán.
Điều 5. Loại trừ các yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương của người lao động
1. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận của tổ chức chứng khoán để loại trừ khi xác định tiền lương của người lao động được quy định tại Điều 11 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH.
2. Ngoài yếu tố khách quan quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức chứng khoán loại trừ yếu tố khách quan do thị trường chứng khoán làm tăng hoặc giảm doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận, bao gồm:
a) Đối với Sở Giao dịch Chứng khoán, doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ thay đổi do biến động các yếu tố: số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch và khả năng đáp ứng điều kiện niêm yết; khối lượng chứng khoán giao dịch và giá giao dịch; số lượng thành viên giao dịch; giá trị trái phiếu trúng thầu, kế hoạch và quy mô huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ, tín phiếu; giá trị chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán; khối lượng và giá trị cổ phần đấu giá; số dư hợp đồng tương lai trên tài khoản; số dư hợp đồng tương lai chuyển khoản; giá trị tài sản thế chấp.
b) Đối với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ thay đổi do biến động các yếu tố: khối lượng chứng khoán lưu ký thực hiện trong năm; giá trị đăng ký chứng khoán (lần đầu) thực hiện trong năm và số lần đăng ký chứng khoán bổ sung; giá trị thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tín phiếu Chính phủ; số lần thực hiện quyền và số lượng cổ đông tương ứng với mỗi lần thực hiện quyền; số lần và giá trị chuyển khoản chứng khoán; giá trị chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán; số lượng thành viên lưu ký; số lần sửa lỗi giao dịch trong năm; số lượng thành viên bù trừ; số dư hợp đồng tương lai trên các tài khoản; số dư hợp đồng tương lai chuyển khoản; giá trị tài sản thế chấp.
Khi xác định mức tiền lương bình quân và quỹ tiền lương, nếu có yếu tố khách quan quy định tại điểm a và điểm b, khoản 2 Điều này làm doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ tăng từ 7% trở lên thì phải giảm trừ phần doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ tăng cao hơn 7% làm cơ sở để xác định năng suất lao động, lợi nhuận. Trường hợp yếu tố khách quan làm doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ giảm từ 3% trở lên thì được cộng thêm phần doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ bị giảm cao hơn 3% làm cơ sở để xác định năng suất lao động, lợi nhuận.
Mục 3. QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ
Điều 6. Xếp lương đối với thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng
1. Việc xếp lương đối với người quản lý chuyên trách được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH).
2. Khi xếp lương theo Khoản 1 Điều này, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị chuyên trách được chuyển xếp lương theo chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên chuyên trách hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách; chức danh thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị được chuyển xếp lương theo chức danh thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên.
Điều 7. Xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng và trả lương, thù lao, tiền thưởng
1. Việc xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch; xác định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng; trả lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 3, 9, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18 và Khoản 1, 3, 4, 5, 6 Điều 10 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH.
2. Khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý, trường hợp bảo đảm đủ các điều kiện: bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; nộp ngân sách theo quy định; năng suất lao động bình quân không giảm và lợi nhuận kế hoạch cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định như sau:
TLbqkh = TLcb + Hln x TLcb (3)
Trong đó:
– TLbqkh: Mức tiền lương bình quân kế hoạch.
– TLcb: Mức lương cơ bản tính theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH.
– Hln: Hệ số tiền lương tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với quy mô lợi nhuận như sau: Lợi nhuận kế hoạch dưới 100 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,5; Lợi nhuận kế hoạch từ 100 tỷ đến dưới 200 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,7; Lợi nhuận kế hoạch từ 200 tỷ đồng trở lên thì Hln được tính tối đa bằng 1,0.
Năng suất lao động bình quân làm căn cứ xác định tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý được tính theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư này.
Điều 8. Loại trừ yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương, thù lao
1. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận để loại trừ khi xác định tiền lương của người quản lý được quy định tại Điều 13 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH.
2. Ngoài yếu tố khách quan quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức chứng khoán loại trừ yếu tố khách quan do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán làm tăng hoặc giảm doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
Mục 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Tổng giám đốc tổ chức chứng khoán có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Hội đồng quản trị tổ chức chứng khoán có trách nhiệm:
a) Thực hiện các nhiệm vụ như quy định đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tại Điều 18 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và Điều 20 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH. Khi gửi các báo cáo tiền lương, tiền thưởng cho cơ quan đại diện chủ sở hữu thì đồng thời gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát chung.
b) Xác định mức tiền lương kế hoạch, tạm ứng tiền lương đối với thành viên Ban kiểm soát cùng thời điểm xác định quỹ tiền lương, tạm ứng tiền lương của người lao động.
c) Xác định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phương án tiền lương thực hiện, tiền thưởng kèm theo báo cáo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thành viên Ban kiểm soát cùng thời điểm báo cáo tiền lương, tiền thưởng của người lao động.
d) Quyết định tiền lương, tiền thưởng và trả lương, tiền thưởng đối với thành viên Ban kiểm soát gắn với việc thực hiện nhiệm vụ được giao sau khi báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.
3. Thành viên Ban kiểm soát tổ chức chứng khoán có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của Ban kiểm soát về việc kiểm tra, giám sát, thẩm định, kiến nghị các nội dung về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức chứng khoán do Bộ Tài chính quy định.
4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu tổ chức chứng khoán (Bộ Tài chính) có trách nhiệm:
a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 20 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và Điều 22 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH. Khi gửi ý kiến cho tổ chức chứng khoán về quỹ tiền lương, tiền thưởng hàng năm thì đồng thời gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát chung.
b) Tiếp nhận, rà soát, có ý kiến về các yếu tố khách quan (nếu có) ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận làm cơ sở để tổ chức chứng khoán xác định tiền lương của người lao động và người quản lý.
c) Tiếp nhận, xem xét phương án tiền lương, tiền thưởng của thành viên Ban kiểm soát của tổ chức chứng khoán. Trường hợp phát hiện việc xác định tiền lương, tiền thưởng của thành viên Ban kiểm soát không đúng quy định thì chỉ đạo Hội đồng quản trị tổ chức chứng khoán sửa đổi, bổ sung theo quy định.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2016. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Thông tư số 43/2013/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong các tổ chức được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo quy định của Luật Chứng khoán hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Người quản lý chuyên trách tiếp tục xếp lương theo hạng tổ chức chứng khoán được xếp. Sau 3 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức chứng khoán thực hiện việc xếp hạng theo quy định chung của nhà nước.
4. Các tổ chức chứng khoán áp dụng mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động và người quản lý theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và Khoản 4, Điều 25 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Chính phủ; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc CP; – Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; – HĐND, UBND TP Hà Nội, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh; – Sở Tài chính TP Hà Nội, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); – Công báo; – Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; – Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH; – Lưu: VT, LĐTL, PC. |
KT. BỘ TRƯỞNG Phạm Minh Huân |
THÔNG TƯ 31/2016/TT-BLĐTBXH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO VÀ TIỀN THƯỞNG TRONG CÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN DO BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 31/2016/TT-BLĐTBXH | Ngày hiệu lực | 10/12/2016 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 24/11/2016 |
Lĩnh vực |
Lao động - tiền lương |
Ngày ban hành | 25/10/2016 |
Cơ quan ban hành |
Bộ lao động-thương binh và xã hội |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |