THÔNG TƯ 45/2020/TT-BCT VỀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HÀM LƯỢNG THỦY NGÂN TRONG ĐÈN HUỲNH QUANG DO BỘ CÔNG THƯƠNG BAN HÀNH
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2020/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2020 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HÀM LƯỢNG THỦY NGÂN TRONG ĐÈN HUỲNH QUANG
Căn cứ Công ước Minamata về thủy ngân;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006:
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ–CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về việc phê duyệt Hiệp định Minamata về thủy ngân;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hóa chất;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang.
Ký hiệu QCVN 02:2020/BCT.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Cục trưởng Cục Hóa chất có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Hóa chất; Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – Lãnh đạo Bộ Công Thương; – Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp); – Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp; – Công báo; – Website Chính phủ, Bộ Công Thương; – Lưu: VT, PC, HC. |
BỘ TRƯỞNG Trần Tuấn Anh |
QCVN 02:2020/BCT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HÀM LƯỢNG THỦY NGÂN TRONG ĐÈN HUỲNH QUANG
National technical regulation on mercury content in fluorescent lamp
Lời nói đầu
QCVN 02:2020/BCT do Tổ soạn thảo xây dựng, Cục Hóa chất trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kèm theo Thông tư số: 45/2020/TT-BCT, ngày 21 tháng 12 năm 2020.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HÀM LƯỢNG THỦY NGÂN TRONG ĐÈN HUỲNH QUANG
National technical regulation on mercury content in fluorescent lamp
I. Quy định chung
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử và các quy định về quản lý đối với hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang được quy định tại Phụ lục của Quy chuẩn này.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đèn huỳnh quang có chứa thủy ngân được quy định tại Phụ lục của Quy chuẩn này, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
3.1. Mức giới hạn tối đa của thủy ngân là khối lượng tối đa của thủy ngân được phép có trong một bóng đèn huỳnh quang.
3.2. Đèn huỳnh quang là loại đèn thuộc loại thủy ngân áp suất thấp, trong đó phần lớn ánh sáng được phát ra từ một hoặc một số lớp vật liệu phốt pho bị kích thích bởi bức xạ cực tím do phóng điện.
3.3. Đèn huỳnh quang compact (Compact fluorescent lamps – CFLs) là bóng đèn phóng điện trong hơi thủy ngân áp suất thấp có một đầu đèn, có bộ khởi động tích hợp
3.4. Đèn huỳnh quang ống thẳng (Linear fluorescent lamps – LFLs) là loại bóng đèn huỳnh quang ống dài.
3.5. Đèn huỳnh quang ca tốt nguội cho màn hình điện tử (Cold cathode fluorescent lamps for electronic displays – CCFL) là bóng đèn huỳnh quang đường kính nhỏ có ca tốt nguội gắn bên trong bóng đèn, trong đó hầu hết ánh sáng được phát ra bởi kích thích lớp phốt pho phủ trong thành ống phóng điện và được sử dụng để chiếu sáng phông trong màn hình điện tử.
3.6. Đèn huỳnh quang điện cực ngoài cho màn hình điện tử (External electrode fluorescent lamps – EEFL) là bóng đèn huỳnh quang đường kính nhỏ có ca tốt nguội gắn bên ngoài bóng đèn, trong đó hầu hết ánh sáng được phát ra bởi kích thích lớp phốt pho phủ trong thành ống phóng điện và được sử dụng để chiếu sáng phông trong màn hình điện tử.
3.7. IEC (International Electrotechnical Commission) là Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế, được thành lập năm 1906.
II. Quy định về kỹ thuật
1. Tài liệu viện dẫn
1.1. Công ước Minamata về thủy ngân (Minamata Convention on Mercury), được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 11 tháng 10 năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 9 năm 2017.
1.2. TCVN 10172:2013 (IEC 62554:2011) Chuẩn bị mẫu để đo mức thủy ngân trong bóng đèn huỳnh quang.
1.3. IEC 62321-4:2017 (Xác định một số chất trong sản phẩm kỹ thuật điện, Phần 4: Thủy ngân trong polyme, kim loại và chất điện tử bằng CV-AAS, CV-AFS, ICP-OES và ICP-MS).
2. Yêu cầu kỹ thuật
Giới hạn hàm lượng cho phép của thủy ngân trong đèn huỳnh quang phải đạt các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Bảng 1.
Bảng 1 – Giới hạn hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang
STT |
Loại đèn huỳnh quang |
Mức giới hạn tối đa (mg/bóng) |
Phương pháp thử |
1 |
Đèn huỳnh quang compact (CFL) dùng cho mục đích chiếu sáng thông thường ≤ 30 W |
5 |
IEC 62321-4:2017 |
2 |
Đèn huỳnh quang ống thẳng (LFLs) dùng cho mục đích chiếu sáng thông thường |
|
IEC 62321-4:2017 |
a |
Triband phosphor < 60 W |
5 |
|
b |
Halophosphate phosphor ≤ 40 W |
10 |
|
3 |
Đèn huỳnh quang catot nguội và đèn huỳnh quang điện cực bên ngoài (CCFL và EEFL) cho màn hình điện tử |
|
IEC 62321- 4:2017 |
a |
Chiều dài ≤ 500 mm |
3,5 |
|
b |
Chiều dài > 500 mm và ≤ 1.500 mm |
5 |
|
c |
Chiều dài > 1.500 mm |
13 |
3. Phương pháp thử
3.1. Phương pháp chuẩn bị mẫu thực hiện theo TCVN 10172:2013 – Chuẩn bị mẫu để đo mức thủy ngân trong bóng đèn huỳnh quang.
3.2. Hàm lượng thủy ngân trong bóng đèn huỳnh quang được xác định theo Tiêu chuẩn IEC 62321-4:2017 (Xác định một số chất trong sản phẩm kỹ thuật điện, Phần 4: Thủy ngân trong polyme, kim loại và chất điện tử bằng CV-AAS, CV-AFS, ICP-OES và ICP-MS).
III. Quy định về quản lý
1. Quy định về công bố hợp quy
1.1. Các loại đèn huỳnh quang có chứa thủy ngân trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp với Quy chuẩn này.
1.2. Việc công bố hợp quy đối với đèn huỳnh quang có chứa thủy ngân được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 36/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
2. Quy định về đánh giá sự phù hợp
2.1. Việc đánh giá sự phù hợp
Hoạt động nhập khẩu đèn huỳnh quang có chứa thủy ngân: Thực hiện theo phương thức 1 quy định tại Phụ lục II của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi tắt là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (sau đây gọi tắt là Thông tư số 28/2012/TT- BKHCN).
Hoạt động sản xuất đèn huỳnh quang có chứa thủy ngân trong nước: Thực hiện theo phương thức 5 quy định tại Phụ lục II của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN .
2.2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư số 36/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
3. Quy định về sử dụng dấu hợp quy
Việc sử dụng dấu hợp quy phải tuân thủ theo khoản 2 Điều 4 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
IV. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các loại đèn huỳnh quang có chứa thủy ngân phải bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa và các quy định tại Quy chuẩn này.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các loại đèn huỳnh quang có chứa thủy ngân sau khi công bố hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 36/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
V. Tổ chức thực hiện
1. Cục Hóa chất có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.
2. Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về chất lượng các loại đèn huỳnh quang lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật và Quy chuẩn này.
3. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này trên địa bàn quản lý.
4. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu, tiêu chuẩn được viện dẫn trong Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM ĐÈN HUỲNH QUANG PHẢI ĐẢM BẢO YÊU CẦU THEO QCVN :2020/BCT
STT |
Loại đèn huỳnh quang |
Mã HS |
1 |
Đèn huỳnh quang compact (CFL) dùng cho mục đích chiếu sáng thông thường ≤ 30 W |
8539.31.30 8539.31.90 |
2 |
Đèn huỳnh quang ống thẳng (LFLs) dùng cho mục đích chiếu sáng thông thường |
8539.31.90 |
a |
Triband phosphor < 60 W |
|
b |
Halophosphate phosphor ≤ 40 W |
|
3 |
Đèn huỳnh quang ca tốt nguội và đèn huỳnh quang điện cực bên ngoài (CCFL và EEFL) cho màn hình điện tử |
8539.39.30 |
a |
Chiều dài ≤ 500 mm |
|
b |
Chiều dài > 500 mm và ≤ 1 500 mm |
|
c |
Chiều dài > 1.500 mm |
|
THÔNG TƯ 45/2020/TT-BCT VỀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HÀM LƯỢNG THỦY NGÂN TRONG ĐÈN HUỲNH QUANG DO BỘ CÔNG THƯƠNG BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 45/2020/TT-BCT | Ngày hiệu lực | 01/07/2022 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Thương mại |
Ngày ban hành | 21/12/2020 |
Cơ quan ban hành |
Bộ công thương |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |