THÔNG TƯ 55/2021/TT-BTC HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, TẠM ỨNG VÀ HOÀN TRẢ CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2021/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2021 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, TẠM ỨNG VÀ HOÀN TRẢ CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại (sau đây gọi là cưỡng chế) theo quy định tại Điều 44, Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại (sau đây gọi là Nghị định số 44/2020/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người ra quyết định cưỡng chế.
2. Cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế (sau đây gọi là cơ quan ra quyết định cưỡng chế), cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế.
3. Pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án (sau đây gọi là đối tượng bị cưỡng chế).
4. Cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp.
5. Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý chi phí cưỡng chế
1. Pháp nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP.
2. Pháp nhân thương mại bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp toàn bộ chi phí cưỡng chế cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế theo quy định của Thông tư này.
Điều 4. Nội dung chi phí cưỡng chế
1. Việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP.
2. Nội dung chi:
a) Các chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.
b) Riêng chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế như sau:
Mức chi cho người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, mức chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
Điều 5. Cấp phát chi phí cưỡng chế
Việc cấp phát chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
Điều 6. Nộp và tạm ứng chi phí cưỡng chế
1. Trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế. Dự toán chi phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng chế, lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.
Dự toán chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế, quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp (đối với biện pháp phong tỏa tài khoản) để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác). Đồng thời, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải gửi tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp và cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp (trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP).
Trường hợp thực hiện việc cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại, số tiền khấu trừ không được vượt quá số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp thì tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại, công ty chứng khoán nơi pháp nhân thương mại mở tài khoản chứng khoán phải khấu trừ tiền trong tài khoản và chuyển cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp.
2. Trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp hoặc lý do khách quan khác, căn cứ dự toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) đề nghị cơ quan ra quyết định cưỡng chế tạm ứng chi phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế để thực hiện. Mức tạm ứng tối đa bằng dự toán kinh phí cưỡng chế được giao của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
3. Hồ sơ tạm ứng bao gồm dự toán năm được cấp có thẩm quyền giao, văn bản phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giấy rút dự toán ngân sách (tạm ứng) theo quy định.
Điều 7. Quyết toán và hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế
1. Khi kết thúc việc thi hành quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt quyết toán chi phí cưỡng chế. Cơ quan ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt cho đối tượng bị cưỡng chế (trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã nộp chi phí cưỡng chế).
Nếu số tiền quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt thấp hơn số tiền đối tượng bị cưỡng chế đã nộp thì cơ quan ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm hoàn trả lại cho đối tượng bị cưỡng chế số tiền chênh lệch. Trường hợp quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt cao hơn số tiền đối tượng bị cưỡng chế đã nộp thì đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp số tiền còn thiếu cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
2. Trường hợp đã thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này, căn cứ quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan ra quyết định cưỡng chế có thông báo bằng văn bản về quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt gửi cho đối tượng bị cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác).
Chậm nhất 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp chi phí cưỡng chế cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế. Khi thu được tiền từ đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải làm thủ tục hoàn ứng cho ngân sách nhà nước.
3. Trường hợp thu được tiền chi phí cưỡng chế từ tiền bán đấu giá tài sản (theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP), sau khi đã khấu trừ chi phí bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) thực hiện hoàn trả chi phí cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã thực hiện nộp chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) trả lại số tiền chi phí cưỡng chế từ khoản thu bán đấu giá tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế.
4. Trường hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế bị phá sản, giải thể mà không còn tiền, tài sản để nộp chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế báo cáo người ra quyết định theo quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Định kỳ hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, người ra quyết định cưỡng chế báo cáo việc sử dụng kinh phí tạm ứng để thực hiện việc cưỡng chế bao gồm: số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu hồi được; số kinh phí chưa thu hồi được; số kinh phí không có khả năng thu hồi (nếu có); nguyên nhân chưa thu hồi và kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp.
Hồ sơ hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành về hoàn tạm ứng dự toán.
Điều 8. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán
1. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan ra quyết định cưỡng chế thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Kinh phí cưỡng chế được giao trong dự toán hàng năm của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
2. Cuối năm, đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, số dư dự toán chưa sử dụng sẽ bị hủy bỏ theo quy định, số dư tạm ứng chi phí cưỡng chế còn lại sẽ thu hồi bằng cách chuyển vào số tạm ứng năm sau trong phạm vi dự toán hàng năm của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2021.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
THÔNG TƯ 55/2021/TT-BTC HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, TẠM ỨNG VÀ HOÀN TRẢ CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 55/2021/TT-BTC | Ngày hiệu lực | 25/08/2021 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Thương mại Thuế - phí - lệ phí Tố tụng |
Ngày ban hành | 08/07/2021 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |