THÔNG TƯ 55/2022/TT-BCA NGÀY 16/11/2022 QUY ĐỊNH PHÙ HIỆU, GIẤY CHỨNG NHẬN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT, TRANG PHỤC HUẤN LUYỆN, TRANG PHỤC CHIẾN ĐẤU CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 01/01/2023

BỘ CÔNG AN
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 55/2022/TT-BCA

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHÙ HIỆU, GIẤY CHỨNG NHẬN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT,  TRANG PHỤC HUẤN LUYỆN, TRANG PHỤC CHIẾN ĐẤU CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Căn cứ Luật Cảnh sát cơ động ngày 14 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tư lệnh Cảnh sát cơ động;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết khoản 2 Điều 24 Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 về phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.

2. Tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức và mẫu trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc cấp, quản lý, sử dụng phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt và trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động

1. Phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động phải được quản lý chặt chẽ, cấp đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

2. Trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động được sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và ra quân thực hiện nhiệm vụ.

Chương II

PHÙ HIỆU, GIẤY CHỨNG NHẬN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Điều 4. Phù hiệu Cảnh sát cơ động

1. Phù hiệu của Cảnh sát cơ động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ quy định cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016).

2. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi sử dụng trang phục chiến đấu và trang phục huấn luyện mang phù hiệu kết hợp với cấp hiệu.

Điều 5. Giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động

1. Hình dáng, kích thước: hình chữ nhật, chiều dài: 85,6 mm ±0,1 mm, chiều rộng: 54,0 mm ±0,1 mm.

2. Nội dung

a) Mặt trước: nền đỏ tươi, xung quanh có viền vàng kích thước 49 mm x 81 mm. Từ trên xuống theo thứ tự: Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”; “SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM”; ký hiệu Cảnh sát cơ động đủ màu đường kính 23 mm; dòng chữ “GIẤY CHỨNG NHẬN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT” và “CERTIFICATION OF SPECIAL DUTY”; các dòng chữ màu vàng.

b) Mặt sau: nền xanh nhạt, xung quanh có viền màu xanh, giữa khung in chìm hình Công an hiệu đường kính 21 mm, xung quanh hoa văn hình rẻ quạt. Phía dưới bên trái có tem bảo mật, dưới tem có dòng chữ “Số:…..”, màu đen; bên phải có bốn dòng chữ, màu đen theo thứ tự từ trên xuống: “Hà Nội, ngày… tháng… năm…”“Hanoi, Date… month… year…”; “BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN”“MINISTER OF PUBLIC SECURITY”. Có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Công an, đóng dấu của Bộ Công an, họ và tên Bộ trưởng.

3. Ban hành kèm theo Thông tư này mẫu giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động.

Điều 6. Đối tượng được cấp và trường hợp sử dụng giấy chứng nhận công tác đặc biệt

Giấy chứng nhận công tác đặc biệt được cấp cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong trường hợp được giao thực hiện phương án tác chiến chống khủng bố và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

Điều 7. Thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại, giao, thu hồi, tiêu hủy giấy chứng nhận công tác đặc biệt

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cấp, đổi, cấp lại, tiêu hủy giấy chứng nhận công tác đặc biệt.

2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh) quyết định giao giấy chứng nhận công tác đặc biệt cho các đơn vị thuộc quyền.

3. Thủ trưởng các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm giao giấy chứng nhận công tác đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý và thu hồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Việc giao, thu hồi giấy chứng nhận công tác đặc biệt phải được thể hiện bằng văn bản.

Điều 8. Trường hợp đổi, cấp lại giấy chứng nhận công tác đặc biệt

1. Giấy chứng nhận công tác đặc biệt bị hư hỏng, rách, nát không sử dụng được thì được đổi.

2. Giấy chứng nhận công tác đặc biệt bị mất thì được cấp lại.

Điều 9. Thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy chứng nhận công tác đặc biệt

1. Công an cấp tỉnh tổng hợp số lượng giấy chứng nhận công tác đặc biệt cần cấp, đổi, cấp lại gửi Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

2. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tổng hợp số lượng giấy chứng nhận công tác đặc biệt cần cấp, đổi, cấp lại của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an cấp tỉnh; trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cấp, đổi, cấp lại.

Điều 10. Thủ tục tiêu hủy giấy chứng nhận công tác đặc biệt

1. Giấy chứng nhận công tác đặc biệt được tiêu hủy trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng.

2. Công an cấp tỉnh tổng hợp số lượng giấy chứng nhận công tác đặc biệt thuộc trường hợp tiêu hủy gửi về Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

3. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tổng hợp số lượng giấy chứng nhận công tác đặc biệt thuộc trường hợp tiêu hủy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an cấp tỉnh; báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định tiêu hủy.

4. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thành lập hội đồng tiêu hủy do 01 đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động làm Chủ tịch Hội đồng. Việc tiêu hủy phải được thành lập thành biên bản.

Điều 11. Trách nhiệm quản lý giấy chứng nhận công tác đặc biệt

1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm lập sổ theo dõi việc cấp, đổi, cấp lại, giao, thu hồi giấy chứng nhận công tác đặc biệt.

2. Định kỳ hàng tháng đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng được giao giấy chứng nhận công tác đặc biệt phải kiểm tra việc quản lý, sử dụng và báo cáo kết quả về Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

3. Hàng năm Công an cấp tỉnh báo cáo việc quản lý, sử dụng giấy chứng nhận công tác đặc biệt thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an việc quản lý, sử dụng giấy chứng nhận công tác đặc biệt.

Điều 12. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ được giao sử dụng giấy chứng nhận công tác đặc biệt

1. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi được giao sử dụng giấy chứng nhận công tác đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 6 Thông tư này phải có trách nhiệm bảo quản, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và nộp lại cấp có thẩm quyền ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

2. Báo cáo ngay cho Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý khi giấy chứng nhận công tác đặc biệt bị mất, hỏng, rách, nát.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân

Khi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động xuất trình giấy chứng nhận công tác đặc biệt cùng Chứng minh Công an nhân dân thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quyết định, yêu cầu của người đó theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Luật Cảnh sát cơ động.

Chương III

TRANG PHỤC CHIẾN ĐẤU CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Điều 14. Danh mục trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động

Trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động, gồm:

1. Trang phục chiến đấu chung.

2. Trang phục chiến đấu của Cảnh sát đặc nhiệm.

3. Trang phục Cảnh sát bảo vệ mục tiêu.

4. Trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay của Không quân Công an nhân dân.

5. Trang phục nghi lễ đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh.

6. Trang phục biểu diễn đặc thù của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.

Điều 15. Trang phục chiến đấu chung

1. Danh mục trang phục xuân hè, gồm:

a) Công an hiệu;

b) Mũ mềm gắn Công an hiệu;

c) Mũ bảo hiểm Cảnh sát cơ động gắn Công an hiệu;

d) Áo: Cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; trước ngực bên phải gắn số hiệu; ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

đ) Ký hiệu Cảnh sát cơ động;

e) Số hiệu Công an nhân dân;

g) Huy hiệu Công an nhân dân;

h) Phù hiệu kết hợp;

i) Áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động;

k) Dây lưng chéo;

l) Quần;

m) Dây lưng;

n) Giầy ghệt;

o) Bít tất;

p) Găng tay.

2. Danh mục trang phục thu đông, gồm:

a) Công an hiệu;

b) Mũ mềm gắn Công an hiệu;

c) Mũ bảo hiểm Cảnh sát cơ động gắn Công an hiệu;

d) Áo mùa đông: cánh tay trái áo gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; may nhiều lớp; trước ngực bên phải gắn số hiệu; trước ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

đ) Ký hiệu Cảnh sát cơ động;

e) Số hiệu Công an nhân dân;

g) Huy hiệu Công an nhân dân;

h) Phù hiệu kết hợp;

i) Áo khoác mùa đông có mũ (chống rét): cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; chất liệu giữ ấm; trước ngực bên phải gắn số hiệu; trước ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

k) Áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động;

l) Dây lưng chéo;

m) Quần;

n) Dây lưng;

o) Giầy ghệt;

p) Bít tất;

q) Găng tay.

3. Đối tượng sử dụng trang phục chiến đấu chung: cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh; Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu (trừ các đơn vị Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Không quân Công an nhân dân).

Điều 16. Trang phục chiến đấu của Cảnh sát đặc nhiệm

1. Danh mục trang phục xuân hè, gồm:

a) Công an hiệu;

b) Mũ mềm gắn Công an hiệu;

c) Mũ bảo hiểm Cảnh sát đặc nhiệm gắn Công an hiệu;

d) Mũ chống nhận diện;

đ) Áo: cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát đặc nhiệm; trước ngực bên phải gắn số hiệu; ngực trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

e) Ký hiệu Cảnh sát cơ động;

g) Số hiệu Công an nhân dân;

h) Huy hiệu Công an nhân dân;

i) Phù hiệu kết hợp;

k) Áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát đặc nhiệm;

l) Dây lưng chéo;

m) Quần;

n) Dây lưng;

o) Giầy ghệt;

p) Bít tất;

q) Găng tay.

2. Danh mục trang phục thu đông, gồm:

a) Công an hiệu;

b) Mũ mềm gắn Công an hiệu;

c) Mũ bảo hiểm Cảnh sát đặc nhiệm gắn Công an hiệu;

d) Mũ chống nhận diện;

đ) Áo: cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát đặc nhiệm; trước ngực bên phải gắn số hiệu; ngực trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

e) Ký hiệu Cảnh sát cơ động;

g) Số hiệu Công an nhân dân;

h) Huy hiệu Công an nhân dân;

i) Phù hiệu kết hợp;

k) Áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát đặc nhiệm;

l) Áo mùa đông: cánh tay trái áo gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; nhiều lớp; ngực phải gắn số hiệu; ngực trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

m) Áo khoác mùa đông có mũ (chống rét): cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát đặc nhiệm; chất liệu giữ ấm; ngực phải gắn số hiệu; ngực trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

n) Dây lưng chéo;

o) Quần;

p) Dây lưng;

q) Giầy ghệt;

r) Bít tất;

s) Găng tay.

3. Đối tượng sử dụng trang phục chiến đấu của Cảnh sát đặc nhiệm: cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an cấp tỉnh.

Điều 17. Trang phục Cảnh sát bảo vệ mục tiêu

1. Cảnh sát bảo vệ mục tiêu sử dụng trang phục của lực lượng Cảnh sát nhân dân được quy định tại Quyết định số 9350/QĐ-BCA-H03 ngày 26/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1625/QĐ-BCA ngày 05/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an triển khai thi hành Nghị định số 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/12/2007 quy định cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân.

2. Bổ sung danh mục quân trang cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, gồm:

a) Áo bông;

b) Mũ bông;

c) Quần, áo xuân hè dài tay;

d) Găng tay trắng;

đ) Dây lưng chéo;

e) Giầy da.

3. Đối tượng sử dụng trang phục của Cảnh sát bảo vệ mục tiêu: cán bộ, chiến sĩ đơn vị bảo vệ mục tiêu và đơn vị bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Công an cấp tỉnh.

Điều 18. Trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay của Không quân Công an nhân dân

1. Danh mục trang phục nghiệp vụ bay của Không quân Công an nhân dân, gồm:

a) Mũ mềm gắn Công an hiệu;

b) Công an hiệu;

c) Lót mũ bay.

d) Áo: trước ngực áo bên phải gắn số hiệu Công an nhân dân và huy hiệu Công an nhân dân; trước ngực áo bên trái gắn quốc kỳ Việt Nam; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; vai áo đeo cấp bậc bay;

đ) Số hiệu Công an nhân dân;

e) Huy hiệu Công an nhân dân;

g) Ký hiệu Cảnh sát cơ động;

h) Cấp bậc bay;

i) Áo khoác bay mùa đông: chất liệu da kết hợp; ngực áo bên phải gắn số hiệu Công an nhân dân; ngực áo bên trái gắn quốc kỳ Việt Nam; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu CSCĐ;

k) Quần: kiểu cạp rời, dây chun điều chỉnh hai bên, cửa quần kéo khóa;

l) Dây lưng;

m) Giầy nghiệp vụ bay;

n) Bít tất;

o) Găng tay nghiệp vụ bay mùa hè và găng tay nghiệp vụ bay mùa đông.

2. Danh mục trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay, gồm:

a) Mũ mềm gắn Công an hiệu;

b) Công an hiệu;

c) Mũ bảo hiểm cuốn vành gắn Công an hiệu;

d) Ốp tai chống ồn;

đ) Áo: trước ngực áo bên phải gắn số hiệu Công an nhân dân; trước ngực áo bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; phía sau lưng áo thêu chữ “KHÔNG QUÂN CÔNG AN NHÂN DÂN”;

e) Số hiệu Công an nhân dân;

g) Huy hiệu Công an nhân dân;

h) Ký hiệu Cảnh sát cơ động;

i) Quần;

k) Giầy vải;

l) Bít tất;

m) Găng tay kỹ thuật.

3. Đối tượng sử dụng trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay:

a) Đối tượng sử dụng trang phục nghiệp vụ bay: phi công, thành viên tổ bay, lực lượng dù;

b) Đối tượng sử dụng trang phục cơ vụ sân bay: cán bộ làm công tác kỹ thuật thuộc đơn vị Không quân Công an nhân dân.

Điều 19. Trang phục nghi lễ đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh

1. Danh mục trang phục nghi lễ đặc thù của đơn vị Cảnh sát cơ động kỵ binh, gồm:

a) Mũ kỵ binh gắn Công an hiệu;

b) Công an hiệu;

c) Áo: cổ áo đeo cành tùng; vai áo đeo cấp hàm dùng chung gắn logo kỵ binh; hai đầu vai áo đeo tua rua; trước ngực áo bên trái gắn cuống huân huy chương; trước ngực áo bên phải gắn huy hiệu Công an nhân dân; cánh tay áo bên trái có logo Cảnh sát cơ động kỵ binh;

d) Cành tùng;

đ) Cấp hàm dùng chung gắn logo Cảnh sát cơ động kỵ binh;

e) Phụ kiện tua rua gắn đầu vai áo;

g) Cuống huân huy chương;

h) Huy hiệu Công an nhân dân;

i) Ký hiệu Cảnh sát cơ động kỵ binh;

k) Quần nghi lễ;

l) Giầy dáng ủng cao cổ;

m) Bít tất;

n) Găng tay.

2. Đối tượng sử dụng trang phục nghi lễ đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh: cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghi lễ thuộc Cảnh sát cơ động kỵ binh.

Điều 20. Trang phục biểu diễn đặc thù của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân

1. Danh mục trang phục biểu diễn của Nhạc trưởng, gồm:

a) Mũ biểu diễn gắn Công an hiệu;

b) Công an hiệu;

c) Áo: họa tiết cách điệu, đeo cấp hiệu biểu diễn chung cho toàn khối quân nhạc; hai đầu vai áo đeo tua rua; trước ngực áo bên phải đeo huy hiệu Công an nhân dân; trước ngực áo bên trái đeo cuống huân huy chương; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân;

d) Cấp hiệu biểu diễn;

đ) Huy hiệu Công an nhân dân;

e) Cuống huân huy chương;

g) Ký hiệu Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân;

h) Phụ kiện tua rua gắn đầu vai áo;

i) Dây lưng;

k) Quần biểu diễn;

l) Giầy biểu diễn;

m) Ủng biểu diễn;

n) Bít tất;

o) Găng tay.

2. Danh mục trang phục biểu diễn của Nhạc công, gồm:

a) Mũ biểu diễn gắn Công an hiệu;

b) Công an hiệu;

c) Áo: họa tiết cách điệu, đeo cấp hiệu biểu diễn chung cho toàn khối quân nhạc; hai đầu vai áo đeo tua rua; trước ngực áo bên phải đeo huy hiệu CAND; ngực áo bên trái đeo cuống huân huy chương; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân;

d) Cấp hiệu biểu diễn chung cho toàn khối quân nhạc;

đ) Huy hiệu Công an nhân dân;

e) Cuống huân chương, huy chương;

g) Ký hiệu Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân;

h) Phụ kiện tua rua gắn đầu vai áo;

i) Dây lưng;

k) Quần biểu diễn;

l) Giầy biểu diễn;

m) Ủng biểu diễn;

n) Bít tất;

o) Găng tay.

3. Đối tượng sử dụng trang phục biểu diễn đặc thù của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân:

a) Đối tượng sử dụng trang phục biểu diễn của Nhạc trưởng: cán bộ, chiến sĩ là Nhạc trưởng của Đội nhạc lễ thuộc Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân;

b) Đối tượng sử dụng trang phục biểu diễn của Nhạc công: cán bộ, chiến sĩ là nhạc công của Đội nhạc lễ thuộc Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.

Chương IV

TRANG PHỤC HUẤN LUYỆN CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

Điều 21. Danh mục trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động

Trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động, gồm:

1. Trang phục huấn luyện chung.

2. Trang phục huấn luyện đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh; đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; đơn vị Không quân Công an nhân dân.

Điều 22. Trang phục huấn luyện chung

1. Danh mục trang phục huấn luyện chung, gồm:

a) Mũ mềm gắn Công an hiệu;

b) Công an hiệu;

c) Áo: trước ngực áo bên phải gắn số hiệu Công an nhân dân; trước ngực áo bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp;

d) Số hiệu Công an nhân dân;

đ) Huy hiệu Công an nhân dân;

e) Ký hiệu Cảnh sát cơ động;

g) Phù hiệu kết hợp;

h) Áo khoác mùa đông;

i) Dây lưng chéo;

k) Quần;

l) Giầy huấn luyện;

m) Bít tất.

2. Đối tượng sử dụng trang phục huấn luyện chung: Cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh và các đơn vị dự bị chiến đấu.

Điều 23. Trang phục huấn luyện đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh, đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và đơn vị Không quân Công an nhân dân

1. Cảnh sát cơ động kỵ binh, các đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ sử dụng trang phục quy định tại Điều 14 Thông tư này và trang phục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư số 12/2021/TT-BCA ngày 27/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức, trang bị, quản lý, nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ đặc thù (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 44/2022/TT-BCA ngày 28/10/2022).

2. Đơn vị Không quân Công an nhân dân sử dụng trang phục quy định tại Điều 18 Thông tư này để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ đặc thù.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 và thay thế Thông tư số 31/2014/TT-BCA ngày 24/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của lực lượng Cảnh sát cơ động.

2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất quản lý giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động; phối hợp với Cục Trang bị và kho vận xây dựng mẫu các loại trang phục quy định tại Thông tư này.

2. Viện Khoa học và công nghệ có trách nhiệm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật bảo an tài liệu, tổ chức sản xuất, cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng giấy chứng nhận công tác đặc biệt.

3. Cục Trang bị và kho vận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu, tiêu chuẩn định mức, tổ chức sản xuất, đảm bảo chất lượng đối với trang phục huấn luyện và trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động theo quy định tại Thông tư này.

4. Cục Kế hoạch và tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị có liên quan trong việc lập dự toán, bố trí nguồn kinh phí, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí phục vụ mua sắm, sản xuất giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

5. Trong thời gian xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn định mức về trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động, các đơn vị có liên quan đảm bảo trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu đáp ứng yêu cầu công tác của Cảnh sát cơ động theo các quy định hiện hành của Bộ Công an.

6. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

Nơi nhận:
– Các đồng chí Thứ trưởng;
– 
Như Điều 25;
– Lưu: VT, V03, K02. BĐT. (136b).

BỘ TRƯỞNG

Đại tướng Tô Lâm

THÔNG TƯ 55/2022/TT-BCA NGÀY 16/11/2022 QUY ĐỊNH PHÙ HIỆU, GIẤY CHỨNG NHẬN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT, TRANG PHỤC HUẤN LUYỆN, TRANG PHỤC CHIẾN ĐẤU CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 55/2022/TT-BCA Ngày hiệu lực 01/01/2023
Loại văn bản Thông tư Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính
Ngày ban hành 16/11/2022
Cơ quan ban hành Bộ công an
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản