THÔNG TƯ 65/2014/TT-BQP HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG THƯỜNG XUYÊN VÀ TRƯỚC THỜI HẠN ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP VÀ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG HƯỞNG LƯƠNG TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 28/07/2014

BỘ QUỐC PHÒNG
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-

Số: 65/2014/TT-BQP

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG THƯỜNG XUYÊN VÀ NÂNG BẬC LƯƠNG TRƯỚC THỜI HẠN ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP VÀ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG HƯỞNG LƯƠNG TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng:

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với quân nhân chuyên nghiệp và người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân (sau đây gọi là quân nhân chuyên nghiệp) đang xếp hưởng lương theo bảng lương QNCN hoặc bảng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu; công nhân viên chức quốc phòng và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (sau đây gọi là công nhân viên chức quốc phòng) đang xếp hưởng lương theo các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau gọi tắt là Nghị định 204/2004/NĐ-CP).

2. Đối tượng không áp dụng:

Chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp đã có quyết định thôi phục vụ tại ngũ hoặc đã xếp hưởng bậc lương cuối cùng trong nhóm thuộc bảng lương quân nhân chuyên nghiệp; công nhân viên chức quốc phòng đã có quyết định thôi việc hoặc đã xếp hưởng bậc lương cuối cùng trong ngạch thuộc các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP .

Điều 2. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm, ngạch thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn trong suốt thời gian giữ bậc lương sau:

1. Điều kiện nâng bậc lương thường xuyên

a) Thời gian giữ bậc lương để xét nâng bậc lương thường xuyên:

– Quân nhân chuyên nghiệp được phong, phiên quân hàm cấp Thiếu úy trở xuống; công nhân viên chức quốc phòng chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C của bảng 2, bảng 3 và bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (bảng 4) quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP , thì sau 02 năm đủ (24 tháng) giữ bậc lương trong nhóm, ngạch được xét nâng một bậc lương.

– Quân nhân chuyên nghiệp được phong, phiên quân hàm cấp Trung úy trở lên, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm của bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân (bảng 7); công nhân viên chức quốc phòng chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP , thì sau 03 năm đủ (36 tháng) giữ bậc lương trong nhóm, ngạch được xét nâng một bậc lương.

b) Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật;

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học, thực tập, công tác ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

– Thời gian đi học, thực tập, công tác ở trong nước, ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

– Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và thời gian không làm việc ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Tổng thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm này được tính tròn tháng.

2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này có đủ thời gian giữ bậc trong nhóm, ngạch quy định tại Khoản 1 Điều này qua đánh giá đạt đủ 02 tiêu chuẩn sau trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:

a) Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

b) Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, tước danh hiệu quân nhân.

3. Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên

Trong suốt thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, tước danh hiệu quân nhân thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này như sau:

a) Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp bị kỷ luật một trong các hình thức: giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, tước danh hiệu quân nhân;

b) Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

c) Không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm, thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng;

d) Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng thời gian bị kéo dài quy định tại các Điểm a, b, c Khoản này.

4. Trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là oan, sai sau khi bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam, bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, tước danh hiệu quân nhân) thì thời gian này được tính lại các chế độ nâng bậc lương thường xuyên, truy lĩnh tiền lương, truy nộp bảo hiểm xã hội theo các bậc lương đã được tính lại.

Điều 3. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn

1. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:

a) Điều kiện, tiêu chuẩn nâng bậc lương trước thời hạn

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đạt đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trở lên) đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm, ngạch và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

b) Tỷ lệ nâng bậc lương trước thời hạn;

– Tỷ lệ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% tổng số quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn (trừ các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này).

– Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của đối tượng; nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến thành tích khác; trường hợp nhiều người có thành tích như nhau thì thực hiện ưu tiên theo quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.

c) Số lần được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:

Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng nhóm, ngạch

Ví dụ 1: Đồng chí Trần văn A là Quân nhân chuyên nghiệp, cấp bậc Thượng úy được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ từ bậc 3 hệ số lương 4,55 nhóm 1 loại QNCN cao cấp lên bậc 4 hệ số 4,90 nhóm 1 loại QNCN cao cấp tính từ ngày 15/7/2010. Hai năm liền 2010 – 2011, đồng chí A hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Theo quy định, không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích suất sắc nên đồng chí A chỉ được xét nâng bậc lương thường xuyên từ bậc 4 lên bậc 5 nhóm 1 loại QNCN cao cấp từ ngày 15/7/2013. Đến ngày 15/7/2015 (sau khi đủ 24 tháng giữ bậc 5 nhóm 2 loại QNCN cao cấp), nếu đồng chí A đủ điều kiện xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc thì thành tích của đồng chí A trong khoảng thời gian từ 16/7/2010 đến 15/7/2015 được tính để xem xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Ví dụ 2: Đồng chí Nguyễn Thị B, công nhân viên quốc phòng được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ từ bậc 2 hệ số lương 2,06 ngạch công chức B lên bậc 3 hệ số 2,26 ngạch công chức B tính từ ngày 15/12/2012. Đến 22/12/2013 đồng chí B được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho thành tích công tác giai đoạn 2007 – 2012 (thành tích này của đồng chí A được ký sau ngày 15/12/2012 được tính để xét nâng lương trước thời hạn cho lần sau). Nhưng theo quy định không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích suất sắc nên đồng chí B chỉ được xét nâng bậc lương thường xuyên từ bậc 3 lên bậc 4 ngạch công chức B từ ngày 15/12/2014. Đến ngày 15/12/2015 (sau khi đủ 12 tháng giữ bậc 4 ngạch công chức B), nếu đồng chí B đủ điều kiện xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc thì thành tích của đồng chí B trong khoảng thời gian từ 16/12/2012 đến 15/12/2015 được tính để xem xét nâng bậc lương trước thời hạn.

2. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đã có quyết định nghỉ chuẩn bị hưu:

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đã có quyết định nghỉ chuẩn bị hưu, nếu thời gian giữ bậc đạt đủ 02 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm, ngạch và kể từ ngày có quyết định nghỉ chuẩn bị hưu đến trước ngày nghỉ hưu thì được nâng một bậc lương trước thời hạn là 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

3. Trường hợp đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu, thì được chọn một trong hai chế độ nâng bậc lương trước thời hạn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ vào Thông tư này xây dựng quy chế nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Xem xét quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp hiện hành nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Định kỳ vào quý IV hằng năm, có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tình hình và những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với các đối tượng thuộc đơn vị quản lý.

2. Cục Quân lực-BTTM chủ trì phối hợp với Cục Cán bộ – TCCT, Cục Tài chính- BQP kiểm tra thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với các cơ quan, đơn vị.

3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng thực hiện thu bảo hiểm xã hội và tính hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng theo đúng chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn quy định lại Thông tư này. Nếu phát hiện việc nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn không đúng quy định thì Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị người có thẩm quyền quản lý đối tượng thực hiện lại theo đúng chế độ quy định, sau đó mới giải quyết các quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với đối tượng được hưởng (đồng thời gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 01 bản để chỉ đạo).

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2014 và bãi bỏ Thông tư số 07/2005/TT-BQP ngày 05 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn chế độ nâng bậc lương đối với quân nhân chuyên nghiệp và công chức, viên chức quốc phòng hưởng lương từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước và Khoản 1 Mục II Thông tư số 102/2005/TT-BQP ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn bổ sung thực hiện chế độ tiền lương đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Bộ (qua Cục: Tài chính, Quân lực, Cán bộ) để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
– Bộ trưởng (để b/c);
– Các đầu mối trực thuộc BQP;
– Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính;
– Cục: Tài chính, Quân lực, Cán bộ;
– BHXH/BQP;
– Vụ Pháp chế/BQP;
– Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ,
– Cổng thông tin điện tử BQP;
– Lưu VT, THBĐ; K92b.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Thượng tướng Lê Hữu Đức

 

 

 

THÔNG TƯ 65/2014/TT-BQP HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG THƯỜNG XUYÊN VÀ TRƯỚC THỜI HẠN ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP VÀ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG HƯỞNG LƯƠNG TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG
Số, ký hiệu văn bản 65/2014/TT-BQP Ngày hiệu lực 28/07/2014
Loại văn bản Thông tư Ngày đăng công báo 02/07/2014
Lĩnh vực Lao động - tiền lương
Quốc phòng
Ngày ban hành 13/06/2014
Cơ quan ban hành Bộ quốc phòng
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn
Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản