THÔNG TƯ 69/2012/TT-BCA HƯỚNG DẪN “QUYẾT ĐỊNH 73/2011/QĐ-TTG QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI CÔNG, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỐNG DỊCH” TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN BAN HÀNH
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2012/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2012 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA “QUYẾT ĐỊNH SỐ 73/2011/QĐ-TTG NGÀY 28/12/2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỐNG DỊCH” TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (sau đây viết gọn là Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg);
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg trong Công an nhân dân như sau:
Điều 1. Về phạm vi và đối tượng áp dụng quy định tại Điều 1 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg
1. Phạm vi áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù y tế trong Công an nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, gồm:
a) Phụ cấp thường trực;
b) Phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật;
c) Phụ cấp chống dịch.
2. Đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù y tế trong Công an nhân dân theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 1 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, gồm:
a) Sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân, viên chức và lao động hợp đồng (sau đây gọi chung là cán bộ và lao động hợp đồng) được xếp lương theo các bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, hiện đang làm việc tại các cơ sở y tế trong Công an nhân dân;
b) Thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch và cộng tác viên, tình nguyện viên thuộc lực lượng Công an nhân dân được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chống dịch.
3. Đối tượng không áp dụng: Lao động hợp đồng không trong định mức quy định của Bộ hoặc không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đang làm việc tại các cơ sở y tế trong Công an nhân dân.
Điều 2. Về chế độ phụ cấp thường trực quy định tại Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg
1. Nguyên tắc thực hiện chế độ thường trực
Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
2. Định mức nhân lực trong phiên trực
a) Định mức nhân lực cho 01 phiên trực tại các cơ sở y tế có giường bệnh trong Công an nhân dân như sau:
– Đối với các bệnh viện đã được phân hạng thì thực hiện định mức nhân lực trong phiên trực theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
– Đối với các bệnh viện chưa được phân hạng, việc xác định số người trong một phiên trực theo công thức:
Số người trong một phiên trực |
= |
12 |
x |
Quy mô giường bệnh của Bệnh viện đã được Bộ quy định |
100 giường bệnh |
Khi xác định số người trong 01 phiên trực theo công thức trên, nếu kết quả là số thập phân thì được làm tròn theo nguyên tắc: Sau dấu thập phân từ 5 trở lên được làm tròn thành 01 đơn vị, ngược lại thì bỏ.
Ví dụ 1: Bệnh viện Công an tỉnh A hiện có quy mô 25 giường bệnh, số người bố trí trong 01 phiên trực là: 12/100 x 25 = 3 (người);
Ví dụ 2: Bệnh viện Công an tỉnh B hiện có quy mô 30 giường bệnh, số người bố trí trong 01 phiên trực là: 12/100 x 30 = 3,6 = 4 (người);
– Đối với bệnh xá và các cơ sở y tế còn lại trong Công an nhân dân thì tùy theo tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ, Thủ trưởng đơn vị xem xét quyết định bố trí từ 02 đến 05 người/phiên trực. Trường hợp đặc biệt cần phải bố trí số lượng người trực/phiên trực nhiều hơn thì lãnh đạo Tổng cục chủ quản báo cáo Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) xem xét, quyết định bổ sung cho phù hợp.
b) Định mức nhân lực trong phiên trực quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này là định mức nhân lực cao nhất. Thủ trưởng đơn vị, địa phương căn cứ công suất sử dụng giường bệnh thực tế để xác định số người trong phiên trực cho phù hợp.
3. Chế độ đối với cán bộ và lao động hợp đồng tham gia thường trực
a) Cán bộ và lao động hợp đồng tham gia thường trực được thực hiện các chế độ: Phụ cấp thường trực, chế độ hỗ trợ tiền ăn và chế độ nghỉ bù theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c, khoản 3 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
Riêng chế độ phụ cấp thường trực đối với cán bộ và lao động hợp đồng ở các bệnh xá và các cơ sở y tế khác trong Công an nhân dân, mức phụ cấp thường trực thực hiện theo quy định như đối với bệnh xá quân dân y.
* Ví dụ về cách tính hưởng chế độ khi tham gia thường trực:
Ví dụ 3: Đồng chí Nguyễn Văn C làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ tại Khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện 19/8, được hưởng chế độ thường trực như sau:
– Trực vào ngày thường: Mức phụ cấp thường trực là: 1,5 x 115.000 đồng = 172.500 đồng; hưởng chế độ tiền ăn là 15.000 đồng và được nghỉ bù 01 ngày.
– Trực vào ngày Thứ bảy, Chủ nhật: Mức phụ cấp thường trực là: 1,3 x 172.500 đồng = 224.250 đồng; hưởng chế độ tiền ăn là 15.000 đồng và được nghỉ bù 01 ngày.
– Trực vào ngày lễ, Tết: Mức phụ cấp thường trực là: 1,8 x 172.500 đồng = 310.500 đồng; hưởng chế độ tiền ăn là 15.000 đồng và được nghỉ bù 02 ngày.
Ví dụ 4: Đồng chí Trần Văn D làm nhiệm vụ thường trực 16/24 giờ tại Khoa khám bệnh – Bệnh viện Y học cổ truyền, được hưởng chế độ thường trực như sau:
– Trực vào ngày thường: Mức phụ cấp thường trực là: 0,75 x 90.000 đồng = 67.500 đồng và được nghỉ bù ít nhất 12 giờ.
– Trực vào ngày Thứ bảy, Chủ nhật: Mức phụ cấp thường trực là: 1,3 x 67.500 đồng = 87.750 đồng và được nghỉ bù ít nhất 12 giờ.
– Trực vào ngày lễ, Tết: Mức phụ cấp thường trực là: 1,8 x 67.500 đồng = 121.500 đồng và được nghỉ bù ít nhất 12 giờ.
b) Cán bộ và lao động hợp đồng được huy động làm việc vào thời gian nghỉ bù thì sẽ được sắp xếp nghỉ bù vào thời gian khác. Tạm thời chưa thực hiện chế độ tiền lương làm thêm giờ.
Điều 3. Về chế độ phụ cấp chống dịch quy định tại Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg
1. Thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch (do Bộ Công an quyết định thành lập); cán bộ, lao động hợp đồng, cộng tác viên, tình nguyện viên thuộc lực lượng Công an nhân dân được huy động tham gia làm nhiệm vụ chống dịch trong thời gian có dịch cũng được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
2. Sĩ quan, hạ sĩ quan được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch đồng thời thuộc đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ quy định ở các văn bản khác thì chỉ được hưởng mức bồi dưỡng cao nhất.
Điều 4. Về chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật quy định tại Điều 4 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg
1. Đối tượng và mức phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
2. Căn cứ quy định của Bộ Y tế về phân loại phẫu thuật, thủ thuật; danh mục các thủ thuật được hưởng phụ cấp thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật; Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật hướng dẫn thực hiện đối với các cơ sở y tế trong Công an nhân dân.
Điều 5. Về trách nhiệm chi trả theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg
1. Thủ trưởng các cơ sở y tế trong Công an nhân dân có trách nhiệm chi trả các chế độ phụ cấp đặc thù y tế quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg cho cán bộ và lao động hợp đồng thuộc phạm vi quản lý.
2. Việc chi trả chế độ phụ cấp chống dịch đối với những người thuộc Công an nhân dân là thành viên Ban Chỉ đạo, cộng tác viên, tình nguyện viên do cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch hoặc được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ chi trả.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2012. Bãi bỏ Công văn số 2560/BCA(X13) ngày 26/12/2003 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ thường trực chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế của lực lượng Công an nhân dân theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2003/TTLT-BYT-BTC-BNV ngày 29/9/2003 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2012.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập, báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Tài chính) dự toán kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù y tế để tổng hợp gửi Bộ Tài chính theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
2. Cục Tài chính có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg do Công an các đơn vị, địa phương báo cáo và lập dự toán nhu cầu kinh phí của Bộ Công an gửi Bộ Tài chính theo quy định.
3. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật và Cục Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương thực hiện Thông tư này.
4. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc; các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật) để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG Thượng tướng Trần Đại Quang |
THÔNG TƯ 69/2012/TT-BCA HƯỚNG DẪN “QUYẾT ĐỊNH 73/2011/QĐ-TTG QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI CÔNG, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỐNG DỊCH” TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 69/2012/TT-BCA | Ngày hiệu lực | 28/12/2012 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Chính sách công an |
Ngày ban hành | 12/11/2012 |
Cơ quan ban hành |
Bộ công an |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |