THÔNG TƯ 80/2006/TT-BTC HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH LÂM NGHIỆP DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 06/10/2006

BỘ TÀI CHÍNH

*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 80/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 30  tháng 8  năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH LÂM NGHIỆP

Căn cứ Hiệp định tín dụng Phát triển số 3953 – VN ký giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) ngày 04/4/2005 về dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp;
Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và IDA ký ngày 04/4/2005 về khoản đồng tài trợ của Quỹ Môi Trường toàn cầu (GEF) số TF 053397 ủy thác qua IDA để thực hiện dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp;
Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và IDA ký ngày 04/4/2005 về khoản đồng tài trợ (Thông qua Quỹ ủy thác đa phương – MTDF) của Chính phủ Hà Lan số TF 054523 và Chính phủ Phần Lan số TF 054524 uỷ thác qua IDA để thực hiện dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 06/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 1067 QĐ/BNN-LN ngày 27/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp;
Sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính cho Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp như sau:

Mục 1:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1.  Phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn các vấn đề về quản lý tài chính nhà nước đối với dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp. Có thể các vấn đề về mở tài khoản, lập kế hoạch tài chính, định mức chi tiêu hành chính, các thủ tục rút vốn, kiểm tra, báo cáo, kiểm toán, chính sách thuế áp dụng đối với dự án và quản lý tài sản hình thành từ dự án, và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong vấn đề quản lý tài chính nhà nước đối với dự án.

2. Giải thích từ ngữ: Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Dự án: Là dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp được phê duyệt tại Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 06/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp.

b) Cơ quan chủ quản dự án: là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  như quy định tại Quyết định 332/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

c) Chủ dự án: là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi, Ngân hàng Chính sách xã hội. Để thực hiện phần dự án liên quan, các Chủ dự án thành lập các ban quản lý dự án như quy định tại các Điểm h-m Khoản này.

d) Các Hợp phần phi tín dụng: là các hợp phần của dự án do Bộ  nông nghiệp và phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân 4 tỉnh dự án trực tiếp thực hiện để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động trồng rừng sản xuất trong Dự án.

e) Hợp phần Tín dụng: là một phần thuộc hợp phần 2 của Dự án do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện để cung cấp tín dụng cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu vay vốn để phát triển rừng sản xuất trong vùng Dự án, như quy định tại Quyết định 332/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

h) Ban điều phối dự án  trung ương : Là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập để điều phối chung hoạt động của dự án, và trực tiếp quản lý hợp phần phi tín dụng, có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Quyết định thành lập.

i) Ban quản lý Quỹ bảo tồn Việt Nam : Là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập để quản lý dự án hợp phần Quỹ bảo tồn, có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Quyết định thành lập.

k) Ban quản lý dự án hợp phần tín dụng : Là đơn vị được Ngân hàng Chính sách Xã hội thành lập để quản lý dự án phần tín dụng, có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Quyết định thành lập.

l) Ban quản lý dự án (BQLDA) tỉnh (4 tỉnh) do Ủy ban nhân dân các tỉnh trong Dự án thành lập, có quyền hạn và trách nhiệm được quy định trong các quyết định thành lập. 

m) Ban thực hiện dự án huyện và Tổ công tác xã: là các đơn vị thực hiện Dự án được thành lập theo quyết định của Uỷ ban nhân dân  huyện/ Uỷ ban nhân dân xã, có chức năng, quyền hạn được qui định tại các quyết định thành lập.

n) Cơ quan kiểm soát chi: là hệ thống Kho bạc nhà nước (KBNN) đối với các hợp phần phi tín dụng, là Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) đối với hợp phần tín dụng.

o) Vốn đối ứng: là nguồn vốn đóng góp của Chính phủ Việt Nam được bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh dự án theo phân cấp NSNN hiện hành, và phần vốn đóng góp của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong dự án.

p) Ngân hàng vay lại: là Ngân hàng Chính sách Xã hội.

q) Ngân hàng phục vụ: là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam .

r) (Các) tài khoản đặc biệt : là (các) tài khoản bằng Đô la Mỹ (USD) do Ban điều phối dự án trung ương, Ban quản lý Quỹ bảo tồn, Ban quản lý dự án hợp  phần tín dụng mở tại Ngân hàng phục vụ để tiếp nhận vốn tạm ứng từ nguồn vốn vay/ viện trợ  cho dự án.

s) Ban quản lý dự án được rút vốn nước ngoài: là Ban điều phối dự án trung ương, Ban quản lý Quỹ bảo tồn, Ban quản lý dự án  hợp phần tín dụng được uỷ quyền thực hiện các giao dịch rút vốn vay, viện trợ từ nước ngoài về, và đã giới thiệu chữ ký mẫu với Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại).

3. Nguyên tắc quản lý:

a) Các nguồn vốn vay, vốn viện trợ tài trợ cho Dự án là nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước và được quản lý theo các quy định quản lý vốn Ngân sách nhà nước và các quy định của nhà tài trợ. 

b) Hệ thống KBNN nơi cấp phát cho dự án có trách nhiệm thực hiện việc kiểm soát chi, kiểm tra, xác nhận giá trị vốn đủ điều kiện thanh toán/tạm ứng để các đơn vị thực hiện dự án rút vốn nước ngoài, đồng thời cấp phát trực tiếp phần vốn đối ứng cho dự án (trừ hợp phần tín dụng do Ngân hàng vay lại thực hiện).

c) Dự án được bố trí kinh phí từ hai nguồn, vốn trong nước và vốn nước ngoài. Vốn trong nước được bố trí theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Vốn nước ngoài được cấp phát/cho vay lại tới đơn vị thụ hưởng theo các quy định của Thông tư này, phù hợp với các quy định trong nước và của nhà tài trợ.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh thực hiện dự án và Ngân hàng vay lại có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, đúng nội dung dự án được duyệt và phù hợp với các điều kiện đã cam kết trong các Hiệp định, và các văn bản liên quan kèm theo các Hiệp định.

 e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh thực hiện dự án và Ngân hàng vay lại có trách nhiệm quản lý, giám sát các tài sản của dự án, của các ban quản lý dự án trực thuộc theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

f) Trong quá trình thực hiện rút vốn vay và viện trợ, Ngân hàng phục vụ được hưởng phí dịch vụ ngân hàng theo quy định hiện hành về thu phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Khoản phí dịch vụ nói trên được tính vào tổng chi phí của dự án.

Mục 2:

 CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mở tài khoản:

a) Tại Ngân hàng phục vụ

– Ban điều phối dự án trung ương mở 1 Tài khoản đặc biệt để tiếp nhận vốn IDA cho hợp phần phi tín dụng và 1 Tài khoản đặc biệt để tiếp nhận vốn viện trợ theo Hiệp định TF 054523 cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho hợp phần phi tín dụng;

– Ban quản lý Quỹ bảo tồn mở 2 Tài khoản đặc biệt, một cho nguồn vốn viện trợ GEF, một cho nguồn vốn viện trợ theo Hiệp định TF 054524;

– Ngân hàng vay lại mở 1 Tài khoản đặc biệt để tiếp nhận vốn IDA cho hợp phần tín dụng của dự án.

b) Tại KBNN tỉnh, các ban quản lý dự án tỉnh mở Tài khoản cấp phát vốn để tiếp nhận, cấp phát vốn đối ứng và theo dõi việc thanh toán, ứng vốn và hoàn vốn nước ngoài cho dự án tại tỉnh.

c) Các ban quản lý dự án có thể mở các tài khoản tiền gửi tại hệ thống KBNN theo qui định trong nước hiện hành để tiếp nhận vốn thanh toán cho các chi tiêu hợp lệ của ban quản lý dự án.

2. Lập kế hoạch tài chính dự án (không áp dụng đối với hợp phần tín dụng)

a) Kế hoạch tài chính năm được duyệt của dự án (đối với các hợp phần phi tín dụng ) là cơ sở cho kiểm soát giải ngân. Nội dung kế hoạch tài chính năm của dự án cần thể hiện chi tiết các công việc sẽ được thực hiện trong năm kế hoạch, nguồn vốn đối ứng, nguồn vốn vay, vốn viện trợ, chi tiết theo quý, theo các hoạt động chính và đơn vị thực hiện của dự án.

b) Việc lập kế hoạch tài chính năm dự án thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2003/TTLT-BKH-BTC ngày 17/3/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

c) Căn cứ vào dự toán ngân sách năm được Thông báo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Uỷ ban nhân dân các tỉnh  phân bổ dự toán cho Dự án/phần Dự án thực hiện tại tỉnh chi tiết theo các nội dung nêu tại Điểm a) Khoản này.

d) Sau khi có kế hoạch tài chính năm được duyệt, Ban điều phối dự án trung ương/Ban quản lý Quỹ bảo tồn đăng ký kế hoạch tài chính với Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và KBNN nơi kiểm soát chi tiêu của dự án để thẩm tra và làm cơ cở theo dõi, kiểm soát chi, cấp phát vốn; Ban quản lý dự án tỉnh, Ban quản lý dự án  khu bảo tồn đăng ký kế hoạch tài chính cho KBNN nơi kiểm soát chi tiêu làm cơ sở theo dõi, cấp phát vốn.

 e) Đối với Hợp phần tín dụng thực hiện qua Ngân hàng vay lại, Ngân hàng vay lại chủ động xây dựng và phê duyệt kế hoạch tài chính, bố trí vốn đối ứng để thực hiện phù hợp với tiến độ rút vốn vay.

3. Định mức, đơn giá thanh toán trong việc sử dụng vốn vay, vốn viện trợ, vốn đối ứng:

a)  Định mức chi tiêu hành chính

 – Áp dụng các định mức quy định tại Quyết định số 112/2001/QĐ-BTC ngày 9/11/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA vay nợ; Thông tư số 118/2004/TT- BTC ngày 08/12/2004 của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước (Phần chi thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác và thanh toán khoán tiền công tác phí); Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí, và các văn bản sửa đổi, bổ sung các Quyết định, Thông tư này.

– Riêng đối với các hoạt động sử dụng 100% nguồn vốn viện trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thoả thuận với nhà tài trợ để ban hành trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính.

b) Định mức kinh tế, kỹ thuật

– Áp dụng các định mức theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và quy định hiện hành của Nhà nước.

– Trường hợp chưa có định mức, đơn giá, ban quản lý dự án thuộc các hợp phần liên quan trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Ngân hàng vay lại đối với hợp phần tín dụng) ban hành để áp dụng cho Dự án, trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính.

c) Định mức chi cho chuyên gia tư vấn

– Việc tuyển chọn chuyên gia tư vấn thực hiện theo các quy định trong nước và quy định của các nhà tài trợ. Kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu, ký kết hợp đồng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt tuỳ Trường hợp, với các quy định phù hợp về tiến độ, điều khoản thanh toán hợp đồng… căn cứ các quy định trong nước và quy định của nhà tài trợ.

– Chuyên gia tư vấn trong nước:  Trường hợp thuê chuyên gia tư vấn cá nhân sử dụng nguồn vốn vay, hoặc vốn viện trợ có sử dụng vốn đối ứng, áp dụng qui định tại Quyết định 112/2001/QĐ-BTC và Quyết định sửa đổi Quyết định này.  Trường hợp thuê chuyên gia tư vấn cá nhân sử dụng 100% nguồn vốn viện trợ (không có vốn đối ứng tham gia), ban quản lý dự án thuộc các hợp phần liên quan trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Ngân hàng vay lại đối với hợp phần tín dụng) ban hành để áp dụng cho Dự án, trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính.

d) Định mức đối với vốn tín dụng: áp dụng quy định của Sổ tay Tín dụng của Ngân hàng vay lại, căn cứ các nguyên tắc quy định tại phần này.

4. Thủ tục rút vốn và tạm ứng, thanh toán từ nguồn vốn nước ngoài:

Việc rút vốn và tạm ứng, thanh toán từ nguồn vốn nước ngoài thực hiện theo qui định tại Thông tư 78/2004/TT-BTC ngày 10/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý việc rút vốn đối với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, với một số quy định có thể đối với Dự án như sau:

a) Rút vốn nước ngoài: thủ tục này được thực hiện ở cấp trung ương, do các đơn vị quản lý dự án được phép mở và quản lý tài khoản đặc biệt theo văn kiện Dự án (gồm Ban điều phối dự án trung ương, Ban quản lý Quỹ bảo tồn, Ban quản lý dự án hợp phần tín dụng)  thực hiện.

Đối với hợp phần tín dụng, để rút vốn về Tài khoản đặc biệt, Ban quản lý dự án hợp phần tín dụng gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) các tài liệu sau:

– Đề nghị rút vốn và đơn rút vốn theo mẫu của nhà tài trợ;

– Bảng kê đã cho vay tới các cá nhân/ đơn vị trồng rừng do ngân hàng vay lại lập và có xác nhận của ngân hàng vay lại trung ương;

– Sao kê theo mẫu của nhà tài trợ.

b) Cấp phát vốn từ Tài khoản đặc biệt đối với các hợp phần phi tín dụng

– Việc cấp phát từ Tài khoản đặc biệt thực hiện trên cơ sở các khoản chi tiêu hợp lệ: đúng nội dung dự án, có trong kế hoạch tài chính được duyệt và đã được đăng  ký, đúng chế độ, đúng phân cấp quản lý và kiểm soát chi của dự án.

– Việc xác nhận các khoản thanh toán cho dự án tại cấp trung ương (thanh toán cho chi tiêu của Ban điều phối dự án trung ương hoặc Ban quản lý Quỹ bảo tồn) thực hiện qua KBNN nơi các ban này  mở tài khoản cấp phát vốn.

– Việc xác nhận các khoản thanh toán cho dự án tại cấp tỉnh thực hiện tại KBNN tỉnh. Đối với Trường hợp này, sau khi kiểm tra khối lượng công việc đủ điều kiện thanh toán hoặc đủ điều kiện tạm ứng, KBNN có văn bản xác nhận yêu cầu thanh toán hợp lệ gửi lại ban quản lý dự án tỉnh. Ban quản lý dự án  tỉnh gửi đề nghị thanh toán/tạm ứng có xác nhận của KBNN lên Ban điều phối dự án trung ương để rút vốn thanh toán từ Tài khoản đặc biệt của dự án. Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị thanh toán/tạm ứng của Ban quản lý dự án tỉnh có xác nhận của KBNN, Ban điều phối dự án trung ương chuyển tiền thanh toán/tạm ứng cho hoạt động dự án tại tỉnh.

– Trường hợp các UBND tỉnh bố trí được nguồn vốn ứng trước cho dự án tại tỉnh, căn cứ Thông báo chi tiết của UBND tỉnh về nguồn vốn ứng trước, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn quy trình  kiểm tra, cấp ứng và hoàn vốn tại một văn bản riêng.

5. Cấp phát, thanh toán cho các ban quản lý  khu bảo tồn:

Để giải ngân cho các hoạt động bảo tồn, ban quản lý khu bảo tồn mở tài khoản tiếp nhận vốn tại một ngân hàng thương mại nhà nước tại địa bàn, và gửi đề nghị tạm ứng vốn cho Ban quản lý Quỹ bảo tồn.

Đối với các tiểu dự án của ban quản lý khu bảo tồn đã được cấp có thẩm quyền và nhà tài trợ phê duyệt có thời hạn thực hiện đến một năm, căn cứ đề nghị tạm ứng của ban quản lý khu bảo tồn, Ban quản lý Quỹ bảo tồn thực hiện tạm ứng số tiền bằng 50% vốn nước ngoài của tiểu dự án  từ Tài khoản đặc biệt của hợp phần Quỹ bảo tồn vào tài khoản của ban quản lý khu bảo tồn.

Đối với các tiểu dự án của ban quản lý khu bảo tồn đã được cấp có thẩm quyền và nhà tài trợ phê duyệt có thời hạn thực hiện trên một năm, căn cứ đề nghị tạm ứng của ban quản lý khu bảo tồn, Ban quản lý Quỹ bảo tồn thực hiện tạm ứng cho ban quản lý khu bảo tồn thành 2 đợt từ Tài khoản đặc biệt của hợp phần Quỹ bảo tồn vào tài khoản của ban quản lý khu bảo tồn. Đợt 1 tạm ứng số tiền bằng 50% vốn nước ngoài của tiểu dự án. Đợt 2 tạm ứng số tiền bằng 40% vốn nước ngoài của tiểu dự án.

Ban quản lý khu bảo tồn quản lý số vốn được tạm ứng và thực hiện chi tiêu theo chế độ tài chính hiện hành (đúng đơn giá, định mức, nội dung chi tiêu, tỉ lệ tài trợ từ nguồn vốn nước ngoài). Việc bổ sung tiếp số vốn còn lại căn cứ theo kế hoạch tài chính năm được duyệt, tiến độ công việc thực tế của dự án và tính hợp lệ của các khoản chi tiêu từ số vốn ứng đợt trước.

Việc kiểm soát chi của KBNN đối với các hoạt động chi tiêu của các ban quản lý khu bảo tồn là kiểm soát chi trước.

Để bổ sung tiếp số vốn còn lại theo kế hoạch tài chính năm được duyệt, ban quản lý khu bảo tồn gửi Ban quản lý Quỹ bảo tồn các tài liệu sau:

– Đề nghị bổ sung vốn;

– Bảng kê các khoản đã chi có xác nhận của KBNN cùng cấp;

Báo cáo tiến độ các công việc đã thực hiện và dự kiến tiến độ cho giai đoạn tiếp theo, chi tiết theo thời gian và từng hoạt động có thể. Đối với các công việc thực hiện theo hợp đồng từ 20.000 USD trở lên, ban quản lý khu bảo tồn gửi kèm theo bản sao hợp đồng. Đối với các công việc thực hiện theo hợp đồng dưới 20.000 USD, ban quản lý khu bảo tồn chỉ phải cung cấp bảng kê chi tiết hợp đồng.

Sau khi xem xét các tài liệu trên, Ban quản lý Quỹ bảo tồn đề nghị ngân hàng phục vụ chuyển tiền từ Tài khoản đặc biệt về tài khoản của ban quản lý khu bảo tồn để bổ sung vốn cho tiểu dự án của ban quản lý khu bảo tồn.

Số vốn nước ngoài còn dư sau khi tiểu dự án kết thúc phải được chuyển trả về Tài khoản đặc biệt thuộc hợp phần Quỹ bảo tồn trong vòng 2 tháng sau khi kết thúc tiểu dự án, trừ Trường hợp nhà tài trợ và Bộ Tài chính cho gia hạn giải ngân.

6. Cấp phát, thanh toán vốn đối ứng:

Trên cơ sở kế hoạch vốn đối ứng năm (có phân bổ cho cấp trung ương và cấp địa phương) được duyệt của dự án, hệ thống KBNN thực hiện việc quản  lý và cấp phát vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện dự án, phù hợp với các quy định về quản lý, cấp phát vốn hiện hành.

7. Sao kê của Ngân hàng phục vụ, lãi tiền gửi:

a) Hàng tháng, Ngân hàng phục vụ gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) sao kê Tài khoản đặc biệt của dự án tại Ngân hàng, thể hiện số tiền rút về trong tháng; số sử dụng chi tiết theo từng lần sử dụng và tỉ giá; phí ngân hàng, lãi phát sinh, số dư cuối tháng.

b) Trong khi khoản tiền vay, tiền viện trợ trên Tài khoản đặc biệt chưa sử dụng có phát sinh lãi tiền gửi (lãi suất tiền gửi không kỳ hạn), hàng năm, trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính, Ngân hàng phục vụ chuyển tiền lãi phát sinh còn dư (sau khi đã trừ phí ngân hàng trong kỳ) trên tài khoản vào Ngân sách Nhà nước (tài khoản Quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ). Số tài khoản 331.213.020.1, hoặc một tài khoản khác do Bộ Tài chính Thông báo.

– Riêng đối với Tài khoản đặc biệt nguồn vốn IDA cho hợp phần tín dụng, lãi tiền gửi phát sinh trên tài khoản là nguồn thu của Ngân hàng vay lại.

8. Kế toán, Kiểm tra, Kiểm toán, Báo cáo và Quyết toán:

a) Kế toán

– Các ban quản lý dự án mở sổ sách riêng theo dõi các nguồn vốn của dự án và thực hiện việc hạch toán kế toán, thống kê theo quy định hiện hành của Nhà nước.

– Các KBNN địa phương thực hiện việc hạch toán, thống kê theo hướng dẫn của KBNN Trung ương.

b) Kiểm tra

– Cơ quan quản lý cấp trên của dự án, cơ quan quản lý chức năng ở Trung ương, địa phương và KBNN có trách nhiệm kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch, chế độ quản lý tài chính và thực tế triển khai của chủ dự án và phản ánh kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong quá trình quản lý với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư để có biện pháp giải quyết.

– Những sai phạm (nếu có) được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra được xử lý theo các quy định hiện hành.

– Các khoản cấp phát dự án sử dụng không đúng mục đích, sai chế độ phát hiện qua thanh tra, kiểm tra được thu hồi và nộp vào Ngân sách Nhà nước.

c) Kiểm toán

Hàng năm, Tài khoản đặc biệt, Báo cáo tài chính, sổ sách và hồ sơ kế toán của dự án phải được cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán phù hợp với các quy định của Nhà nước, các Hiệp định. Một trong những nội dung chính của việc kiểm toán là kiểm tra việc các ban quản lý dự án chấp hành các qui định quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước, kể cả các qui định của Thông tư này. Tài liệu kiểm toán sẽ được gửi cho Bộ Tài chính và là một trong những căn cứ để xem xét việc rút vốn bổ sung cho Tài khoản đặc biệt hoặc rút vốn từ Tài khoản đặc biệt để chi trả cũng như là căn cứ để đánh giá việc thực hiện dự án.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lựa chọn công ty kiểm toán để kiểm toán chung các hoạt động tài chính của tất cả các hợp phần phi tín dụng theo qui định hiện hành.

d) Chế độ báo cáo

– Hàng tháng, ban quản lý dự án tỉnh, ban quản lý khu bảo tồn có trách nhiệm lập và gửi báo cáo thực hiện, báo cáo tài chính cho Sở Tài chính và KBNN tỉnh nơi cấp vốn đồng gửi Ban điều phối dự án trung ương; ban quản lý khu bảo tồn có trách nhiệm lập và gửi báo cáo thực hiện cho Sở Tài chính và KBNN huyện, tỉnh nơi cấp vốn, đồng gửi Ban quản lý Quỹ bảo tồn. Nội dung báo cáo cần thể hiện rõ tình hình thực hiện dự án, số lượng các hợp đồng đã ký, tình hình thanh toán vốn theo các hợp đồng, nguồn và sử dụng vốn, tình hình mua sắm, quản lý tài sản dự án, và các nội dung khác theo quy định hiện hành.

– Các KBNN tỉnh nơi cấp vốn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo KBNN Trung ương và Sở Tài chính tình hình cấp phát vốn và ứng vốn tại địa bàn. Hàng quý, trên cơ sở báo cáo của các KBNN tỉnh, KBNN Trung ương tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.

– Hàng quý, Ban điều phối dự án trung ương có trách nhiệm báo cáo chi tiết về các khoản chi tiêu từ Tài khoản đặc biệt, và tổng hợp chung các báo cáo của các ban quản lý dự án thuộc các hợp phần phi tín dụng và tín dụng gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan theo quy định về tình hình sử dụng vốn vay, vốn viện trợ, vốn đối ứng, tình hình mua sắm, quản lý tài sản dự án, và các nội dung khác theo quy định hiện hành.

– Ban điều phối dự án trung ương thảo luận với các ban quản lý dự án để thống nhất hướng dẫn chi tiết chế độ mẫu biểu báo cáo của dự án.

e) Quyết toán vốn hàng năm và quyết toán khi kết thúc dự án (không áp dụng đối với hợp phần tín dụng)

– Ban quản lý dự án tỉnh lập báo cáo quyết toán theo quy định hiện hành đối với phần chi tại địa phương có xác nhận của KBNN tỉnh nơi cấp phát vốn báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt, đồng gửi Ban điều phối dự án trung ương.

Ban điều phối dự án trung ương lập báo cáo quyết toán theo quy định hiện hành đối với phần chi tại trung ương của hợp phần phi tín dụng có xác nhận của cơ quan cấp phát vốn, trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quyết toán kinh phí thực hiện và quyết toán khi kết thúc dự án với Bộ Tài chính; đồng thời tổng hợp toàn bộ quyết toán của dự án để làm việc với các cơ quan liên quan khi cần thiết.

f) Quyết toán hợp phần tín dụng: thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

9. Chính sách thuế áp dụng đối với dự án:

Chính sách thuế áp dụng đối với dự án thực hiện theo qui định của pháp luật hiện hành về thuế. Dự án được hưởng các ưu đãi về thuế như sau:

– Hàng hóa nhập khẩu thuộc nguồn vốn ODA không hoàn lại không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

– Hàng hóa nhập khẩu của dự án bằng nguồn vốn ODA được xét miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu theo qui định tại Khoản 6, 10 và 18, Mục I, Phần D Thông tư 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

– Việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các dự án sử dụng vốn ODA được thực hiện theo qui định tại Khoản 6, mục I, phần D Thông tư 120/TT2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng.

10. Quản lý tài sản hình thành từ dự án:

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng vay lại chịu trách nhiệm quản lý, kê khai, đăng ký tài sản hình thành từ Dự án theo qui định hiện hành. Việc quản lý và xử lý tài sản thuộc dự án khi dự án kết thúc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 116/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi dự án kết thúc.

Mục 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng vay lại và các cơ quan khác liên quan cần phản ảnh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung./.

 Nơi nhận:
– Bộ NN và PTNT;
– NHCSXH, NHNo;
– BĐPDA TW, các BQLDA;
– UBND, Sở TC 4 tỉnh dự án;
– Cóc KTVB (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– KBNN, KBNN 4 tỉnh dự án;
– Vụ NSNN, CST;
– Vụ Pháp chế;
– Website Chính phủ;
– Lưu VT, TCĐN.

KT. BỘ TRUỞNG
THỨ TRƯỞNG


Trần Xuân Hà

THÔNG TƯ 80/2006/TT-BTC HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH LÂM NGHIỆP DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 80/2006/TT-BTC Ngày hiệu lực 06/10/2006
Loại văn bản Thông tư Ngày đăng công báo 21/09/2006
Lĩnh vực Tài nguyên - môi trường
Ngày ban hành 30/08/2006
Cơ quan ban hành Bộ tài chính
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản