THÔNG TƯ 94/2010/TT-BTC HƯỚNG DẪN HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/2010/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2010 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU
Căn cứ quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Thuế GTGT;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế;
Căn cứ điểm 1(c) mục III Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2600/TTg-KTTH ngày 30/12/2009 về việc đẩy mạnh xuất khẩu kiểm soát nhập siêu;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá thực xuất khẩu như sau:
Điều 1. Thực hiện tạm hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá thực xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng
1. Đối tượng được tạm hoàn thuế GTGT quy định tại Thông tư này là các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu có hàng hoá thực xuất khẩu đang trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu, trừ các trường hợp phải kiểm tra trước khi hoàn thuế sau đây:
– Hoàn thuế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trong đó có quy định phải kiểm tra trước khi hoàn thuế;
– Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu, trừ trường hợp người nộp thuế sản xuất, gia công hàng xuất khẩu có cơ sở sản xuất tại địa phương nơi hoàn thuế được tạm hoàn thuế GTGT;
– Người nộp thuế đã có hành vi trốn thuế, gian lận về thuế trong thời hạn 02 (hai) năm tính từ thời điểm đề nghị hoàn thuế trở về trước. Hành vi trốn thuế, gian lận về thuế theo mức quy định tại Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
– Người nộp thuế sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu cơ sở kinh doanh, chấm dứt hoạt động kinh doanh; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, khi thực hiện quyết toán thuế tại thời điểm sáp nhập, hợp nhất… có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết hoặc có số thuế GTGT nộp thừa;
– Hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc không chứng minh được số thuế khai là đúng.
2. Số thuế GTGT được tạm hoàn đối với hàng hoá thực xuất khẩu, chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng bằng 90% (chín mươi phần trăm) số thuế GTGT đầu vào được hoàn của hàng hoá xuất khẩu theo hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế.
Ví dụ 1: Công ty A có hợp đồng xuất khẩu hàng hoá, đã thực xuất khẩu hàng hoá, đang trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu, số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu là 100 triệu đồng thì Công ty A được tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá thực xuất khẩu tương ứng là 90 triệu đồng.
– Trường hợp hàng xuất khẩu thanh toán theo phương thức chậm trả hoặc từng kỳ, được ghi rõ trong hợp đồng xuất khẩu trong thời gian chưa đến hạn thanh toán; chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hoặc phía nước ngoài đã có thanh toán hoặc tạm ứng trước thì người nộp thuế được hoàn toàn bộ số thuế GTGT đầu vào theo hướng dẫn tại điểm 1.3(c.3) mục III Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT.
Ví dụ 2: Công ty C có hợp đồng xuất khẩu hàng hoá, trong hợp đồng xuất khẩu ghi rõ phương thức thanh toán chậm trả, thời hạn chậm trả, hàng hoá đã thực xuất khẩu, đang trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu, số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu là 100 triệu đồng thì Công ty C được tạm hoàn 100% số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá thực xuất khẩu tương ứng là 100 triệu đồng. Đến thời hạn thanh toán ghi trên hợp đồng xuất khẩu, Công ty C phải xuất trình chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định.
– Trường hợp người nộp thuế đã thực xuất khẩu hàng hoá, đã được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu một phần giá trị hàng hoá thực xuất khẩu, nếu người nộp thuế có hồ sơ đề nghị tạm hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá xuất khẩu (bao gồm cả phần giá trị hàng hoá xuất khẩu đã được thanh toán và phần giá trị hàng hoá xuất khẩu chưa được thanh toán), nếu đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ thuế, hoàn thuế thì được hoàn thuế GTGT đầu vào như sau: Phần giá trị hàng hoá đã có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hoàn toàn bộ; Phần giá trị hàng hoá còn lại chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến hạn thanh toán theo hợp đồng xuất khẩu thì được tạm hoàn 90%, đến hạn thanh toán theo hợp đồng xuất khẩu người nộp thuế xuất trình đủ chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì được hoàn tiếp 10% số thuế GTGT chưa được hoàn.
Ví dụ 3: Công ty A có hợp đồng xuất khẩu hàng hoá, đã thực xuất khẩu hàng hoá, số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu là 100 triệu đồng. Sau khi đã được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu tương ứng 80% giá trị hàng hoá thực xuất khẩu, giá trị hàng hoá còn lại chưa đến hạn thanh toán. Công ty A có hồ sơ đề nghị tạm hoàn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu thì được hoàn thuế như sau:
+ Công ty A được hoàn 80 triệu đồng (đối với số hàng hoá xuất khẩu đã có đủ chứng từ thanh toán); được tạm hoàn 18 triệu đồng (20 triệu x 90%), được hoàn tiếp 2 triệu đồng (10% còn lại) khi có đủ chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định.
+ Trường hợp như nêu trên nhưng đã đến hạn thanh toán theo hợp đồng Công ty mới lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế và chưa có chứng từ thanh toán của 20% giá trị hàng hoá xuất khẩu thì Công ty được hoàn 80 triệu đồng đối với số hàng hoá xuất khẩu đã có đủ chứng từ thanh toán; Số hàng hoá chưa có chứng từ thanh toán theo quy định chưa được hoàn.
3. Ngoài đối tượng và mức tạm hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu nêu trên, để giải quyết hoàn thuế kịp thời cho người nộp thuế có hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc các đối tượng và trường hợp khác (bao gồm hoàn thuế trước, kiểm tra sau và kiểm tra trước, hoàn thuế sau), trong quá trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, nếu cơ quan thuế xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn thì giải quyết tạm hoàn số thuế đã đủ điều kiện hoàn, không chờ kiểm tra xác minh toàn bộ hồ sơ mới thực hiện hoàn thuế; đối với số thuế cần kiểm tra xác minh, yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung hồ sơ thì xử lý hoàn thuế khi có đủ căn cứ.
Điều 2. Hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu trong một số trường hợp khác:
1. Trường hợp xuất khẩu uỷ thác thì bên nhận uỷ thác xuất khẩu lưu giữ hoá đơn GTGT bán hàng xuất khẩu (liên 2) do bên uỷ thác xuất khẩu lập theo quy định. Bên nhận uỷ thác sau khi được khách hàng nước ngoài thanh toán tiền hàng xuất khẩu uỷ thác phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng (như đối với trường hợp xuất khẩu hàng hoá) cho bên uỷ thác.
Trường hợp bên nhận uỷ thác xuất khẩu thực hiện xuất khẩu cùng một loại hàng hoá theo từng chuyến hàng của nhiều chủ hàng khác nhau, giao hàng cho nhiều khách hàng và giá cả cũng khác nhau thì bên nhận uỷ thác phải xác nhận về số lượng hàng hoá thực tế đã xuất khẩu kèm theo bảng kê chi tiết tên hàng hoá, số lượng, đơn giá và doanh thu hàng đã xuất khẩu và phải sao gửi: tờ khai hải quan, hợp đồng xuất khẩu và chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho bên uỷ thác (đơn vị sao gửi ký tên, đóng dấu).
2. Trường hợp người nộp thuế có hợp đồng xuất khẩu bán hàng hoá cho khách hàng nước ngoài, đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu hàng hoá, sau đó người nộp thuế có thoả thuận với phía nước ngoài điều chỉnh giá bán hàng hoá; nếu người nộp thuế có phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và điều chỉnh hoá đơn GTGT và doanh số hàng hoá xuất khẩu theo giá bán hàng hoá đã điều chỉnh, nếu hàng hoá xuất khẩu đảm bảo đủ điều kiện về khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá xuất khẩu thì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hàng hoá đã xuất khẩu được kê khai khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.
3. Trường hợp hàng hoá xuất khẩu tăng/giảm trọng lượng, thể tích tự nhiên trong quá trình vận chuyển do tính chất lý hoá của hàng hoá (theo kết quả giám định độc lập của bên xuất khẩu và bên nhập khẩu) thì người nộp thuế được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hoá thực xuất khẩu nếu đáp ứng các điều kiện khác theo quy định. Trường hợp này, doanh thu bán hàng hoá xuất khẩu được xác định căn cứ vào số tiền phía nước ngoài thực thanh toán qua ngân hàng theo quy định phù hợp với thoả thuận của hai bên mua và bên bán trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng, nếu có) có liên quan. Số thuế GTGT được hoàn tính trên toàn bộ giá trị hàng hoá thực tế đã xuất khẩu.
Đối với hàng hoá thực tế đã xuất khẩu nêu tại các khoản 1, 2 và 3 điều này chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được tạm hoàn thuế GTGT theo quy định tại Thông tư này.
4. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu bị khách hàng nước ngoài trả lại không được hoàn thuế. Trường hợp cơ quan thuế đã hoàn thuế cao hơn số thuế được hoàn thì thực hiện thu hồi số thuế không được hoàn tương ứng với giá trị hàng hoá xuất khẩu bị trả lại. Số thuế thu hồi hoàn được xử lý theo quyết định của cơ quan thuế. Nếu sau đó người nộp thuế tiếp tục bán số hàng hoá bị trả lại này thì phải kê khai nộp thuế và được khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.
Điều 3. Hồ sơ hoàn thuế
1. Hồ sơ hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 mục I Phần G Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; riêng Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN đối với trường hợp tạm hoàn thuế GTGT thực hiện theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với người nộp thuế đề nghị tạm hoàn thuế khi chưa có chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu qua ngân hàng thì người nộp thuế phải cam kết sẽ xuất trình Bảng kê chứng từ đã thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng chậm nhất là 05 (năm) ngày sau ngày người nộp thuế đã được thanh toán tiền hàng xuất khẩu. Ngày doanh nghiệp đã được thanh toán tiền hàng xuất khẩu là ngày thanh toán ghi trên hợp đồng xuất khẩu; trường hợp trên hợp đồng xuất khẩu không ghi rõ thời hạn khách hàng nước ngoài phải thanh toán qua ngân hàng thì căn cứ phương thức thanh toán tiền bán hàng hoá trên hợp đồng xuất khẩu để xác định.
2. Đối với 10% (mười phần trăm) số thuế GTGT chưa được hoàn theo hồ sơ hoàn thuế, người nộp thuế không phải lập và gửi lại hồ sơ hoàn thuế đã gửi cơ quan thuế nếu không có sự điều chỉnh, bổ sung hồ sơ đã gửi; người nộp thuế chỉ gửi bổ sung cho cơ quan thuế:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN (mẫu số 01/ĐNHT nêu trên).
– Bảng kê chứng từ thanh toán qua ngân hàng (theo quy định tại điểm 2.1 mục I Phần G Thông tư số 60/2007/TT-BTC nêu trên).
3. Người nộp thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp lệ, hợp pháp và chính xác của hồ sơ, chứng từ, hoá đơn và các tài liệu khác có liên quan trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cơ quan thuế.
Điều 4. Thủ tục và thời gian giải quyết hoàn thuế
1. Cơ quan thuế có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, xem xét hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế và giải quyết hoàn thuế theo quy định.
Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ đề nghị hoàn thuế trong đó vừa có số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, vừa có số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá bán trong nước thì cơ quan thuế kiểm tra xác định nếu hàng hoá dịch vụ bán trong nước có thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thuộc trường hợp được hoàn thuế thì xem xét giải quyết theo quy định, riêng đối với hàng hoá xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thực hiện tách số liệu liên quan đến thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng để giải quyết tạm hoàn thuế tương ứng 90% thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu. Trường hợp người nộp thuế không kê khai tách tiêng thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu thì thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu được xác định tương ứng theo tỷ lệ % doanh thu hàng hoá xuất khẩu với tổng doanh thu hàng hoá bán ra trong kỳ kê khai hoàn thuế.
Trường hợp hồ sơ đề nghị tạm hoàn thuế GTGT thuộc đối tượng được tạm hoàn trước kiểm tra sau thì cơ quan thuế kiểm tra tính đầy đủ, đúng thủ tục, hợp pháp của hồ sơ đề nghị hoàn làm căn cứ ra lệnh hoàn trả (theo mẫu số C1-04/NS hoặc mẫu số C1-05/NS ban hành kèm theo Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua Kho bạc Nhà nước) cho người nộp thuế; trong lệnh hoàn trả, chỉ tiêu [Lý do hoàn trả] ghi rõ tạm hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu theo hồ sơ đề nghị của người nộp thuế.
2. Cơ quan thuế thực hiện hoàn tiếp 10% số thuế GTGT chưa được hoàn của hồ sơ hoàn thuế khi người nộp thuế có đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
3. Thời gian giải quyết hoàn thuế:
– Đối với hồ sơ đề nghị tạm hoàn thuế GTGT của hàng hóa xuất khẩu, chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (90%) đảm bảo tính đầy đủ, đúng thủ tục, hợp pháp thì thời hạn giải quyết tạm hoàn thuế tối đa không quá 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế.
– Đối với hồ sơ đề nghị hoàn tiếp số thuế GTGT còn lại của hàng hóa xuất khẩu, chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (10%) thì thời hạn giải quyết hoàn thuế tối đa không quá 04 (bốn) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý thì cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn tiếp 10% về Cục Thuế để giải quyết (không gửi đến Chi cục Thuế). Nếu hồ sơ đầy đủ chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định thì Cục Thuế giải quyết hoàn ngay 10% số thuế còn lại cho người nộp thuế trong thời hạn nêu trên; trường hợp cần thiết phải xác minh chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì Cục Thuế thông báo cho Chi cục Thuế để xác minh.
– Đối với các trường hợp được tạm hoàn thuế khác theo kết quả kiểm tra hồ sơ hoàn thuế:
+ Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì thời hạn giải quyết tạm hoàn thuế tối đa không quá 08 (tám) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế.
+ Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau: Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế phải thực hiện tổ chức kiểm tra số thuế đề nghị hoàn. Thủ tục và thời gian kiểm tra hoàn thuế tại trụ sở người nộp thuế thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế hiện hành. Tổng thời gian kiểm tra, xác minh và ra lệnh hoàn trả đối với từng trường hợp này không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế.
Trong quá trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, nếu cơ quan thuế xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn thì ra lệnh hoàn trả ngay tương ứng với số thuế đã đủ điều kiện hoàn; đối với số thuế cần kiểm tra xác minh, giải trình, bổ sung hồ sơ thì phải có thông báo gửi người nộp thuế biết.
Điều 5. Kiểm tra và xử lý vi phạm:
1. Đối với doanh nghiệp được hoàn thuế trước kiểm tra sau, cơ quan thuế phải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Căn cứ kết quả kiểm tra nếu phát hiện gian lận, trốn thuế (bao gồm cả việc không thực hiện thanh toán qua ngân hàng và không cung cấp được chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo đúng thời hạn) thì cơ quan thuế thu hồi lại số tiền thuế GTGT đã tạm hoàn vi phạm, đồng thời xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế.
2. Trường hợp chưa đến thời hạn thanh toán mà hai bên mua bán có thoả thuận điều chỉnh thời hạn thanh toán có liên quan, đồng thời người nộp thuế đã được cơ quan thuế giải quyết tạm hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá thực tế xuất khẩu, thì người nộp thuế phải cung cấp ngay văn bản thoả thuận điều chỉnh thời hạn thanh toán có liên quan cho cơ quan thuế trong thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ ngày ký, làm căn cứ xác định thời hạn phải xuất trình chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định.
3. Trường hợp đến thời hạn thanh toán theo hợp đồng xuất khẩu, nếu người nộp thuế chưa xuất trình được chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu thì ngoài việc bị thu hồi số tiền thuế đã tạm hoàn tương ứng, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi khai sai dẫn tới tăng số tiền thuế được hoàn theo hướng dẫn tại mục III Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên.
Trường hợp người nộp thuế không được khách hàng phía nước ngoài thanh toán do khách hàng bị phá sản hoặc không có khả năng thanh toán thì bị thu hồi số thuế GTGT đã tạm hoàn tương ứng, nhưng không bị xử phạt vi phạm nếu xuất trình được văn bản của toà án phía nước ngoài xác định khách hàng nước ngoài bị phá sản hoặc văn bản liên quan xác định nguyên nhân phía nước ngoài không có khả năng thanh toán. Thời hạn phải xuất trình văn bản nêu trên chậm nhất không quá 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày đến hạn phải thanh toán theo hợp đồng; quá thời hạn 60 ngày người nộp thuế không xuất trình được chứng từ thanh toán qua ngân hàng hoặc các văn bản nêu trên thì cơ quan thuế thu hồi số tiền đã tạm hoàn thuế GTGT của hàng hoá xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng tương ứng và xử phạt về hành vi khai sai theo hướng dẫn tại Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên.
4. Trường hợp hợp đồng xuất khẩu không ghi rõ thời hạn thanh toán thì sau 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày được tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá thực xuất khẩu trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuât khẩu, nếu người nộp thuế chưa xuất trình chứng từ thanh toán qua ngân hàng, cơ quan thuế thực hiện thông báo yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình (theo mẫu số 01/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC nêu trên); nếu người nộp thuế không có giải trình phù hợp thì cơ quan thuế thực hiện kiểm tra sau hoàn thuế, làm rõ lý do chậm xuất trình chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp xác định doanh nghiệp có sai phạm không đáp ứng điều kiện hoàn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu thì thu hồi tiền thuế GTGT đã tạm hoàn và xử phạt vi phạm về thuế theo pháp luật.
5. Trường hợp đến thời hạn phải xuất trình chứng từ thanh toán qua ngân hàng mà người nộp thuế chưa xuất trình được thì cơ quan thuế thực hiện thu hồi số tiền thuế đã hoàn đối với hàng hoá xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế. Nếu sau đó người nộp thuế được phía nước ngoài thanh toán, xuất trình chứng từ thanh toán thì được kê khai khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.
6. Trong các trường hợp cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế GTGT trước kiểm tra sau việc xem xét giải quyết hoàn thuế xác định theo hồ sơ. Người nộp thuế phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và đúng đắn của hồ sơ. Nếu người nộp thuế lập hồ sơ không đúng dẫn tới cơ quan thuế hoàn thuế sai thì người nộp thuế phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền được hoàn thuế sai, nếu là hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 6. Báo cáo tạm hoàn thuế
Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm mở hồ sơ theo dõi và báo cáo, đánh giá tình hình tạm hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá thực xuất khẩu đang trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu.
Tổng cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thực hiện theo dõi và báo cáo tạm hoàn thuế GTGT quy định tại Thông tư này.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 04/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoàn thuế GTGT theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ. Các nội dung không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT nếu không trái với hướng dẫn tại Thông tư này.
Đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT của hàng hoá xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng người nộp thuế đã gửi cơ quan thuế trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nếu thời gian cơ quan thuế xem xét giải quyết hoàn thuế sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Đỗ |
THÔNG TƯ 94/2010/TT-BTC HƯỚNG DẪN HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 94/2010/TT-BTC | Ngày hiệu lực | 14/08/2010 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xuất nhập khẩu Thuế - phí - lệ phí |
Ngày ban hành | 30/06/2010 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |