THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 01/2005/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BTC HƯỚNG DẪN QUYẾT ĐỊNH 182/2004/QĐ-TTG VỀ VIỆC TÍNH THỜI GIAN ĐỂ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN DO BỘ Y TẾ – BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2005/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BTC |
Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2005 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 182/2004/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM 2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC ĐỂ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Thi hành Quyết định số 182/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tính thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, Liên tịch: Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Đối tượng được tính thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là cán bộ y tế làm việc tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), được đào tạo chuyên môn theo chương trình thống nhất của ngành y tế và có bằng cấp (bác sĩ, y sĩ, y tá, nữ hộ sinh. dược sĩ, dược tá, lương y), được hưởng sinh hoạt phí theo Quyết định số 123/HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nhưng chưa được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước, liền sau đó được cấp có thẩm quyền ký hợp đồng làm việc tại trạm y tế cấp xã theo quy định tại các điểm a và b khoản 1, Điều 2 Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở.
2. Đối tượng được truy nộp bảo hiểm xã hội là cán bộ y tế cấp xã được hưởng lương theo Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 131/TTg ngày 04 tháng 3 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điểm trong Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở.
3. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Cán bộ y tế do Ủy ban nhân dân cấp xã ký hợp đồng và tự tạo nguồn thu để trả thù lao theo công việc.
b) Cán bộ y tế cấp xã nghỉ việc đã nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
II. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG
1. Cán bộ y tế cấp xã được tính thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi có đủ cả 2 điều kiện sau:
a) Đã làm việc tại trạm y tế cấp xã trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 và được hưởng sinh hoạt phí theo Quyết định số 123/HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi chế độ chính sách đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn.
b) Có tên trong danh sách cán bộ của trạm y tế cấp xã đến 31 tháng 12 năm 1994, liền sau đó được ký hợp đồng làm việc tại trạm y tế cấp xã và được hưởng tiền lương theo ngạch, bậc lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.
2. Cán bộ y tế làm việc tại trạm y tế cấp xã trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2002 được hưởng tiền lương theo ngạch, bậc lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ theo quy định tại Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 131/TTg ngày 04 tháng 3 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ, nếu chưa đóng bảo hiểm xã hội thì được truy nộp bảo hiểm xã hội.
III. CÁCH TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC VÀ TRUY NỘP BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Tính thời gian công tác từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 đến ngày 31 tháng l2 năm 1994 để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội:
a) Cán bộ y tế cấp xã có đủ điều kiện quy định tại điểm 1 Mục II của Thông tư này thì trong khoảng thời gian làm việc tại trạm y tế cấp xã từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 1: Y tá Nguyễn Thị A công tác liên tục tại trạm y tế xã từ tháng 10 năm 1982, từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 được hưởng sinh hoạt phí theo Quyết định số 123/HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1987, từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 y tá Nguyễn Thị A được ký hợp đồng làm việc để tiếp tục làm việc tại trạm y tế xã. Thời gian công tác của y tá Nguyễn Thị A từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 được cộng với thời gian công tác tại trạm y tế từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở đi có đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ2: Y sĩ Nguyễn Văn B công tác liên tục tại trạm y tế xã từ ngày 01 tháng 01 năm 1990 và được hưởng sinh hoạt phí theo Quyết định số 123/HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1987, từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 y sĩ Nguyên Văn B được ký hợp đồng làm việc để tiếp tục làm việc tại trạm y tế xã. Thời gian công tác của y sĩ Nguyễn Văn B từ ngày 01 tháng 01 năm 1990 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 được cộng với thời gian công tác tại trạm y tế từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở đi có đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm xã hội.
b) Trường hợp cán bộ y tế cấp xã có thời gian công tác bị gián đoạn do được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, nghiệp vụ, đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc bị ốm đau phải đi điều trị điều dưỡng, liền sau đó tiếp tục làm việc tại trạm y tế cấp xã thì được tính là thời gian công tác liên tục để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
2. Truy nộp bảo hiểm xã hội để được tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội:
a) Cán bộ y tế cấp xã có đủ điều kiện quy định tại điểm 2 Mục II của Thông tư này, nếu từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2002 mà chưa đóng bảo hiểm xã hội, thì được truy nộp một lần vào quỹ bảo hiểm xã hội cho thời gian trên để được tính hưởng bảo hiểm xã hội.
b) Mức đóng bảo hiểm xã hội bằng 15% tiền lương tháng theo hợp đồng làm việc. Trong đó, ngân sách địa phương đóng với mức 10%, bản thân cán bộ y tế xã đóng với mức 05% tiền lương tháng theo Hợp đồng làm việc vào quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
c) Tiền lương làm cơ sở truy nộp bảo hiểm xã hội là mức tiền lương tháng theo hợp đồng làm việc được hưởng theo hệ số của bảng lương y tế quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và phụ cấp khu vực (nếu có), tính theo mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 3: Y sĩ Nguyễn Văn B có thời gian công tác tại trạm y tế xã nhưng chưa đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 1999. Diễn biến lương của y sĩ B như sau: từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 1996 có hệ số lương là l,69; từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 đến ngày 31 tháng 12 năm 1998 nâng bậc lên l,81; từ ngày 01 tháng 01 năm 1999 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 nâng bậc lương lên 2,05. Mức bảo hiểm xã hội y sĩ B phải truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội là:
– Thời gian y sĩ B chưa tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 1999 = 60 tháng.
– Tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm y sĩ B truy nộp bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội vào tháng 01 năm 2005 là 290.000 đồng. Tổng số tiền truy nộp bảo hiểm xã hội của y sĩ B được tính như sau:
{(l,69 x 290.000 đồng x 24 tháng) + (l,81 x 290.000 đồng x 24 tháng) + (2,05 x 290.000 đồng x 12 tháng)} x 15% = (11.762.400 đồng + 12.597.600 đồng + 7.134.000 đồng) x 15% = 4.724.100 đồng.
– Tổng số tiền truy nộp bảo hiểm xã hội là 4.724.100 đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách địa phương đóng 10% = 3.149.400 đồng;
+ Y sĩ Nguyễn Văn B đóng 5% = 1. 574.700 đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của ngành mình quản lý.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện tính thời gian công tác, truy thu bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ đối với cán bộ y tế cấp xã theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau dây gọi chung là cấp tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
a) Sở Y tế có trách nhiệm:
– Hướng dẫn Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) lập danh sách, hồ sơ cán bộ y tế cấp xã thuộc đối tượng tính thời gian công tác từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 và đối tượng được truy nộp bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2002.
– Tổng hợp danh sách cán bộ y tế cấp xã thuộc đối tượng được tính thời gian công tác từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 và đối tượng được truy nộp bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2002; Lập dự toán kinh phí truy nộp bảo hiểm xã hội cho tổng số cán bộ y tế cấp xã được truy nộp bảo hiểm xã hội gửi Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh duyệt cấp. Danh sách tổng hợp và dự toán kinh phí gửi Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để theo dõi giải quyết.
– Chỉ đạo việc lập hồ sơ cho cán bộ y tế cấp xã theo quy định như sau:
+ Hồ sơ tính thời gian công tác từ ngày 01 tháng 9 năm 1987 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 bao gồm:
* Danh sách cán bộ y tế cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp xã lập được Ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt vào làm việc tại các trạm y tế cấp xã khi thực hiện Quyết định số 123/HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1987 theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/TT-LB ngày 28 tháng 10 năm 1987 của Liên Bộ Y tế – Tài chính hướng dẫn về chế độ sinh hoạt phí và phụ cấp đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn;
* Các giấy tờ có liên quan để chứng minh thời gian công tác liên tục từ khi vào làm việc đến ngày 31 tháng 12 năm 1994.
Trường hợp cán bộ y tế cấp xã không đủ các loại giấy tờ quy định trên do thiên tai, hỏa hoạn hoặc bị mất thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sưu tập các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác của cán bộ y tế cấp xã như lý lịch đoàn viên, lý lịch đảng viên (nếu có) hoặc các loại giấy tờ khác để xem xét, xác nhận và lập biên bản về quá trình làm việc tại trạm y tế cấp xã, qua Trung tâm Y tế cấp huyện xác nhận từng trường hợp cụ thể.
+ Hồ sơ truy nộp bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2002 bao gồm:
* Quyết định hoặc hợp đồng làm việc của cấp có thẩm quyền;
* Quyết định nâng bậc lương của từng thời kỳ.
b) Sở Tài chính có trách nhiệm: Căn cứ thực tế phân cấp chi sự nghiệp y tế cấp xã ở địa phương chủ trì và phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để truy nộp bảo hiểm xã hội cho số cán bộ y tế cấp xã chưa tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2002.
c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, tập hợp vướng mắc về chính sách đề nghị Liên Bộ xem xét, giải quyết.
4. Đối với số cán bộ y tế cấp xã nghỉ việc do hết tuổi lao động từ năm 2000 đến trước ngày ban hành quyết định số 182/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2004 nhưng chưa giải quyết chế độ được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này về tính thời gian công tác và truy nộp bảo hiểm xã hội. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính tập hợp danh sách (theo mẫu đính kèm Thông tư này) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và chuyển hồ sơ đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh giải quyết dứt điểm trong năm 2005. Thời gian được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nhận đủ thủ tục hồ sơ của cán bộ y tế cấp xã theo quy định.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Không giải quyết lại đối với cán bộ y tế cấp xã đã nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày ban hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên Bộ để xem xét, giải quyết./.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ Trần Thị Trung Chiến |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Nguyễn Thị Hằng |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH Nguyễn Sinh Hùng |
DANH SÁCH
CÁN BỘ Y TẾ CƠ SỞ HẾT TUỔI LAO ĐỘNG NGHỈ VIỆC
Từ năm 2000 đến 10/2004
(kèm theo Công văn số ………. ngày ……./ …../ 200…)
Số thứ tự |
Họ và tên |
Năm sinh |
Quê quán |
Trình độ chuyên môn |
Thời gian công tác tại TYT xã |
Số năm công tác từ 9/87-12/94 |
Số năm công tác đã đóng BHXH |
Tháng, năm nghỉ việc |
Tổng số năm công tác được hưởng chế độ BHXH |
Hệ số lương (khi nghỉ việc) |
Ngày…. tháng…. năm 200…
Giám đốc Sở Tài chính Giám đốc Sở LĐTBXH Giám đốc Sở Y tế
(Ký tên, đóng dấu)
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 01/2005/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BTC HƯỚNG DẪN QUYẾT ĐỊNH 182/2004/QĐ-TTG VỀ VIỆC TÍNH THỜI GIAN ĐỂ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN DO BỘ Y TẾ – BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 01/2005/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BTC | Ngày hiệu lực | 16/02/2005 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch | Ngày đăng công báo | 01/02/2005 |
Lĩnh vực |
Bảo hiểm Bộ máy nhà nước, nội vụ Thể thao Y tế |
Ngày ban hành | 18/01/2005 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính Bộ lao động-thương binh và xã hội Bộ y tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |