THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 01/2008/TTLT-BTT&TT-BQP HƯỚNG DẪN THIẾT LẬP, DUY TRÌ CÁC ĐIỂM TRUY NHẬP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG TẠI CÁC ĐƠN VỊ QUỐC PHÒNG PHỤC VỤ NHÂN DÂN KHU VỰC BIÊN GIỚI DO BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG – BỘ QUỐC PHÒNG BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 19/04/2008

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG – BỘ QUỐC PHÒNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–

Số: 01/2008/TTLT-BTT&TT-BQP

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC THIẾT LẬP, DUY TRÌ CÁC ĐIỂM TRUY NHẬP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG TẠI CÁC ĐƠN VỊ QUỐC PHÒNG PHỤC VỤ NHÂN DÂN KHU VỰC BIÊN GIỚI

Thi hành Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010; nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông thiết yếu của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ khu vực biên giới, Liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1.1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong việc thiết lập, duy trì và quản lý sử dụng các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng đặt tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng khu vực biên giới.

Các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng được thiết lập, duy trì và quản lý sử dụng ở các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng theo hướng dẫn tại Thông tư này thuộc phạm vi Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

1.2. Đối tượng áp dụng bao gồm:

a) Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện kế hoạch cung ứng dịch vụ viễn thông công ích của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được thiết lập các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, gồm: các đồn Biên phòng, các đơn vị kinh tế – quốc phòng và các đơn vị khác thuộc Bộ Quốc phòng khu vực biên giới (sau đây gọi tắt là đơn vị quốc phòng);

c) Người sử dụng dịch vụ viễn thông tại các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng ở các đơn vị quốc phòng, gồm: nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội (sau đây gọi tắt là người sử dụng dịch vụ).

2. Dịch vụ viễn thông cung ứng tại các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng ở các đơn vị quốc phòng phải đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật về dịch vụ viễn thông công ích do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

3. Tài sản tham gia việc thiết lập các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng của doanh nghiệp viễn thông đầu tư thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tài sản do các đơn vị quốc phòng đóng góp thuộc sở hữu của các đơn vị quốc phòng theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng và người sử dụng dịch vụ viễn thông tại các điểm này được hưởng chính sách hỗ trợ cung ứng dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của Nhà nước.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Xây dựng kế hoạch phát triển, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng.

Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, căn cứ vào nhu cầu thực tế để đề xuất kế hoạch hàng năm về việc thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng, báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Căn cứ đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt kế hoạch hàng năm về thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng và lựa chọn doanh nghiệp viễn thông thực hiện.

2. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển mới và duy trì hoạt động điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng.

2.1. Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, căn cứ vào kế hoạch hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện những công việc sau:

a) Ký hợp đồng thỏa thuận với các doanh nghiệp viễn thông để tổ chức thực hiện kế hoạch được giao. Đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp ký hợp đồng là:

– Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố (đối với các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng đặt tại các đồn Biên phòng);

– Chỉ huy trưởng các Đoàn kinh tế – quốc phòng (đối với các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng đặt tại các đơn vị kinh tế – quốc phòng);

– Đối với các đơn vị khác thuộc Bộ Quốc phòng: do Bộ Quốc phòng chỉ định và thông báo cho doanh nghiệp viễn thông biết để phối hợp thực hiện.

b) Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xác định vị trí lắp đặt điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng, điểm giao dịch với người sử dụng dịch vụ đặt tại các đơn vị quốc phòng, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bí mật công tác của đơn vị quốc phòng, an toàn cho thiết bị của doanh nghiệp viễn thông và thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ.

c) Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố), Đoàn kinh tế – quốc phòng và Đơn vị tương đương phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng tại các đơn vị quốc phòng để các doanh nghiệp viễn thông sử dụng lâu dài xây dựng nhà trạm thiết lập, duy trì điểm truy nhập viễn thông công cộng.

Trường hợp doanh nghiệp phải lắp đặt thiết bị thu phát vệ tinh thì hệ thống thiết bị này được lắp đặt trong đơn vị quốc phòng, còn điểm giao dịch với người sử dụng dịch vụ được bố trí theo quy định tại tiết b, điểm 2.1.

Trường hợp đơn vị quốc phòng bố trí được nhà trạm có sẵn cho các doanh nghiệp viễn thông thiết lập điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng thì do hai bên thỏa thuận.

Doanh nghiệp viễn thông không phải trả chi phí cho các đơn vị quốc phòng về sử dụng đất và các nhà trạm này.

d) Bố trí, kết hợp sử dụng nguồn điện để phục vụ hoạt động của các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng (bao gồm điện vận hành các thiết bị viễn thông, thiết bị phụ trợ, điện chiếu sáng…). Đơn vị quốc phòng và doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thống nhất mức chi phí năng lượng cho điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng.

Trường hợp đơn vị quốc phòng chưa có điện lưới quốc gia, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh (thành phố), Đoàn kinh tế – quốc phòng và Đơn vị tương đương, nơi có điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng phối hợp với doanh nghiệp viễn thông để thống nhất phương án bảo đảm nguồn điện cho việc duy trì hoạt động của điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng.

đ) Bố trí lực lượng quản lý, khai thác điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của nhân dân địa phương nhưng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị quốc phòng. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố), Đoàn kinh tế – quốc phòng và Đơn vị tương đương thống nhất với doanh nghiệp viễn thông về hình thức, mức thù lao cho cán bộ, chiến sỹ thực hiện các công việc trực tại điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng.

e) Quản lý, đảm bảo an toàn tài sản của các doanh nghiệp viễn thông, khai thác đúng quy trình các thiết bị của điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng đặt tại các đơn vị quốc phòng. Khi trang thiết bị hư hỏng, kịp thời thông báo cho đại diện của doanh nghiệp viễn thông chủ quản nơi gần nhất để khắc phục.

g) Niêm yết công khai bảng cước các dịch vụ viễn thông trong thời gian hoạt động tại điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng; thu cước sử dụng dịch vụ viễn thông công cộng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và nộp số tiền cước thu được cho các doanh nghiệp viễn thông theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp viễn thông.

h) Cho phép cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp viễn thông (theo danh sách được doanh nghiệp viễn thông cung cấp) đến bảo trì, bảo dưỡng, duy tu,… định kỳ, đột xuất thiết bị phục vụ đến điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng đặt tại các đơn vị quốc phòng.

2.2. Các doanh nghiệp viễn thông sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thiết lập, duy trì điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng, thực hiện các công việc sau:

a) Chủ động làm việc với Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh (thành phố), các Đoàn kinh tế – quốc phòng và Đơn vị tương đương để phối hợp triển khai thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng.

b) Xác định phương án kỹ thuật, nhu cầu đất xây dựng nhà trạm, đầu tư xây dựng nhà trạm, lắp đặt trang thiết bị cho điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng, bốt đàm thoại, máy điện thoại, các thiết bị tính cước, thiết bị phụ trợ, biển chỉ dẫn, bàn ghế, sổ sách theo dõi và các trang bị cần thiết khác phục vụ người sử dụng dịch vụ viễn thông.

c) Lập quy trình vận hành, khai thác hệ thống thiết bị viễn thông tại các đơn vị quốc phòng và hướng dẫn cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trực, bảo quản, vận hành thiết bị của doanh nghiệp viễn thông, tính cước, thu cước của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

d) Cung cấp đầy đủ, kịp thời bảng cước dịch vụ viễn thông để các đơn vị quốc phòng niêm yết tại các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng.

đ) Đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông tại các điểm theo quy định của Nhà nước.

e) Khắc phục kịp thời các sự cố thiết bị viễn thông, thiết bị phụ trợ để đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng.

g) Cung cấp danh sách cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp khi đến làm việc tại các đơn vị quốc phòng.

3. Các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng đặt tại các đơn vị quốc phòng sau khi thiết lập xong phải gắn biển chỉ dẫn “ĐIỂM TRUY NHẬP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG” do doanh nghiệp viễn thông cấp trong suốt quá trình hoạt động.

4. Việc bảo đảm trách nhiệm của mỗi bên (Các doanh nghiệp viễn thông, Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh (thành phố), các Đoàn kinh tế – quốc phòng và Đơn vị tương đương) theo hình thức hợp đồng kinh tế. Nội dung hợp đồng phải bao gồm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định tại Thông tư này và các quy định liên quan của pháp luật.

5. Khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông tại các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng đặt tại các đơn vị quốc phòng có trách nhiệm và quyền lợi:

5.1. Tuân thủ các quy định an ninh, an toàn khi ra vào khu vực đơn vị quốc phòng: thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng dịch vụ tại các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng; bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp viễn thông.

5.2. Chi trả các khoản cước sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật, đồng thời được hưởng chính sách hỗ trợ cung ứng dịch vụ viễn thông công ích của Nhà nước.

6. Trách nhiệm của các Sở Bưu chính Viễn thông và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

6.1. Các Sở Bưu chính Viễn thông

a) Phối hợp, đôn đốc các đơn vị quốc phòng, các doanh nghiệp viễn thông triển khai kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông về thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng và kiểm tra việc chấp hành các quy định có liên quan của Nhà nước đối với hoạt động của các điểm này tại địa phương;

b) Thực hiện xác nhận hoạt động của các điểm này theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để doanh nghiệp viễn thông được hưởng hỗ trợ cung ứng dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của Nhà nước.

6.2. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam: thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp viễn thông thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng theo quy định của Nhà nước về hỗ trợ cung ứng dịch vụ viễn thông công ích.

7. Chế độ báo cáo, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm

7.1. Hàng năm Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng tình hình thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng.

7.2. Định kỳ hoặc đột xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Quốc phòng phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình thiết lập, duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng.

7.3. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, an ninh – quốc phòng khi thiết lập, duy trì, sử dụng các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng tại các đơn vị quốc phòng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng: Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố), các đồn Biên phòng, các Đoàn kinh tế – quốc phòng và Đơn vị tương đương; các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông: Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Viễn thông, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục quản lý Chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; các Sở Bưu chính Viễn thông, Tổng giám đốc (Giám đốc) các doanh nghiệp viễn thông được giao thực hiện chương trình, kế hoạch cung ứng dịch vụ viễn thông công ích của Nhà nước và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG

Phan Trung Kiên

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Đức Lai


Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao;
– Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
– Sở BCVT các tỉnh, thành phố;
– Các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Lưu: VT, Vụ KHTC (Bộ TT&TT); VT (Bộ QP), VT (BTLTTLL).

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 01/2008/TTLT-BTT&TT-BQP HƯỚNG DẪN THIẾT LẬP, DUY TRÌ CÁC ĐIỂM TRUY NHẬP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG TẠI CÁC ĐƠN VỊ QUỐC PHÒNG PHỤC VỤ NHÂN DÂN KHU VỰC BIÊN GIỚI DO BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG – BỘ QUỐC PHÒNG BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 01/2008/TTLT-BTT&TT-BQP Ngày hiệu lực 19/04/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày đăng công báo 04/04/2008
Lĩnh vực Công nghệ thông tin
Bộ máy nhà nước, nội vụ
Ngày ban hành 04/03/2008
Cơ quan ban hành Bộ quốc phòng
Bộ thông tin và truyền thông
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản