THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 38/2006/NĐ-CP VỀ BẢO VỆ DÂN PHỐ DO BỘ CÔNG AN- BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
CÔNG AN – BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC |
Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2007 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 38/2006/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 4 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO VỆ DÂN PHỐ
Ngày 17 tháng 4 năm 2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP về Bảo vệ dân phố, Liên tịch Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Thông tư này hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động và chế độ chính sách đối với Bảo vệ dân phố.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Nghị định số 38/2006/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng Điều ước quốc tế đó.
II. NHIỆM VỤ CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ:
1. Nắm tình hình an ninh trật tự, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các vụ vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường, phản ánh cho cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân phường có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, tham gia hòa giải, giải quyết kịp thời không để những hậu quả xấu xảy ra. Cụ thể là:
1.1. Tình hình hoạt động của bị can, bị cáo đang tại ngoại; người chấp hành xong hình phạt tù; người bị kết án tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo; người bị cải tạo không giam giữ, người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn, hoặc tạm đình chỉ thi hành; những người thuộc diện nói trên đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án, của cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được xóa án, chưa hết hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
1.2. Các dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, hiện tượng tụ tập gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện đông người, chia rẽ mất đoàn kết nội bộ nhân dân, lôi kéo, kích động quần chúng chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; các vụ việc về an ninh, trật tự, các tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa bàn.
1.3. Tình hình có liên quan đến an ninh trật tự trong các cơ quan, đơn vị trường học, bệnh viện và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và trong nội bộ nhân dân; kịp thời báo cáo, phản ánh với chi bộ Đảng, chính quyền, Cảnh sát khu vực hoặc Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Công an phường biết để có biện pháp ngăn chặn.
1.4. Tình hình biến động về dân cư, đặc biệt là những người ở nơi khác đến làm ăn, sinh sống chưa đăng ký thường trú, tạm trú. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc khai báo tạm trú, tạm vắng. Nắm thông tin về hộ khẩu, đối tượng có liên quan đến an ninh trật tự phản ánh cho Cảnh sát khu vực hoặc báo cáo chỉ huy Công an phường.
1.5. Nắm tình hình cư trú, đi lại, quan hệ người nước ngoài trong địa bàn, phát hiện kịp thời những hoạt động vi phạm pháp luật để có biện pháp phối hợp ngăn chặn, xử lý theo chỉ đạo và hướng dẫn của Công an cấp trên.
2. Phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự nhằm vận động nhân dân trong phường tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các quy tắc, quy ước, nội quy về bảo vệ an ninh trật tự; tham gia xây dựng phường, cụm dân cư, hộ gia đình an toàn về an ninh trật tự, không có tội phạm, tệ nạn xã hội.
Bằng nhiều hình thức (bản tin, gặp gỡ cá biệt, tờ rơi…) Bảo vệ dân phố thường xuyên phổ biến tuyên truyền, nâng cao cảnh giác, ý thức phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác về an ninh trật tự. Căn cứ vào tình hình thực tế khu vực, Bảo vệ dân phố thường xuyên đề xuất cấp ủy, chính quyền, Cảnh sách khu vực về nội dung, hình thức, biện pháp phát động, duy trì và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự; kết hợp phát động phong trào với việc phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nổi lên của nhân dân thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn quy định.
3. Đôn đốc, nhắc nhở nhân dân trong phường chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; sử dụng, quản lý Chứng minh nhân dân và giấy tờ tùy thân khác; quy định về đăng ký hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy.
3.1. Thực hiện những quy định về công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu; đặc biệt là các quy định về tạm trú, tạm vắng:
a. Thường xuyên bố trí người trực tại địa điểm làm việc của Bảo vệ dân phố để tiếp nhận việc khai báo tạm trú, tạm vắng và tình hình liên quan đến an ninh trật tự do nhân dân phản ánh;
b. Phối hợp cùng Cảnh sát khu vực kiểm tra hộ khẩu thường trú, tạm trú, nắm tình hình tạm vắng, kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3.2. Đối với công tác đăng ký, quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: Cần nắm vững các quy định về an ninh trật tự đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để đôn đốc nhắc nhở các cơ sở, cá nhân tham gia hành nghề nghiêm túc thực hiện. Vận động nhân dân thu, nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kịp thời phát hiện và phối hợp với lực lượng Cảnh sát khu vực, công an phường ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của nhà nước.
3.3. Đối với công tác giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy:
a. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và hướng dẫn của Công an phường, Bảo vệ dân phố có kế hoạch tham gia công tác giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức lực lượng quần chúng tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy;
b. Nhắc nhở các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và các vi phạm khác nhằm đảm bảo trật tự, an toàn, thông suốt trên các tuyến đường, lối đi trong địa bàn; phối hợp với các lực lượng xử lý các vi phạm theo quy định. Khi có hiện tượng ùn tắc giao thông, tụ tập gây rối trật tự công cộng, tụ tập đua xe trái phép cần có biện pháp chủ động hoặc phối hợp với lực lượng Công an có biện pháp giải quyết ùn tắc, giải tán đám đông, ngăn chặn hành vi quá khích, không để xảy ra hậu quả xấu;
c. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhân dân trong khu vực chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; có kế hoạch, phương an chủ động phòng chống cháy, nổ trong địa bàn.
4. Vận động nhân dân tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ và quản lý những người đã chấp hành xong hình phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trung tâm cai nghiện, người chưa thành niên phạm tội, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Phối hợp với các cơ quan tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục giúp đỡ những đối tượng đang trong diện quản lý, giáo dục tại phường. Vận động, thuyết phục người thân của các đối tượng đang bị truy nã, trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn để tác động họ ra đầu thú.
4.1. Bảo vệ dân phố phải nắm được số lượng, lai lịch, hoàn cảnh của từng đối tượng trong địa bàn để vận động nhân dân tham gia cảm hóa giáo dục và trực tiếp tham gia cảm hóa giáo dục.
4.2. Phối hợp với Cảnh sát khu vực, các tổ chức, đoàn thể quần chúng thực hiện tốt công tác vận động, thuyết phục, cảm hóa để họ chấp hành tốt pháp luật, quy định của nhà nước.
4.3. Thuyết phục người thân của các đối tượng đang bị truy nã, trốn thi hành án, đối tượng phạm tội lẩn trốn để họ tác động người thân ra đầu thú với chính quyền để hưởng lượng khoan hồng của nhà nước.
5. Khi có vụ việc phức tạp về ANTT xảy ra trong địa bàn, phải kịp thời có mặt và tìm mọi cách báo ngay cho Công an phường; bảo vệ hiện trường, tham gia sơ cứu người bị nạn, giải cứu con tin, bắt giữ người phạm pháp quả tang, tham gia chữa cháy, cứu tài sản và thực hiện các công việc khác theo sự phân công, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và Công an phường.
5.1. Khi có vụ việc về an ninh trật tự xảy ra trong địa bàn, cụm dân cư, Bảo vệ dân phố phải kịp thời có mặt và tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc để vận động nhân dân tham gia hỗ trợ giải quyết vụ việc; báo ngay cho Công an phường và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường; cấp cứu người bị nạn; bắt, tước hung khí, thu giữ tang vật của người vi phạm pháp luật, người gây ra vụ việc; áp giải đối tượng về trụ sở Công an phường để giải quyết.
5.2. Khi tham gia giải quyết vụ việc phải nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, tính xung kích trong công việc; đồng thời chú ý bảo vệ lực lượng, chủ động không để đối tượng tấn công, ngăn chặn đối tượng tiếp tục hành động…
6. Phối hợp với lực lượng dân phòng và bảo vệ chuyên trách các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để bảo vệ an ninh trật tự theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và Công an phường. Tổ chức tuần tra, kiểm soát và tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm khác về trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.
6.1. Bảo vệ dân phố cần chủ động có kế hoạch phối hợp với các lực lượng dân phòng và bảo vệ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân phường xây dựng kế hoạch phối hợp hành động chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác về trật tự an toàn xã hội.
6.2. Có quy chế và thực hiện quy chế phối hợp tổ chức tuần tra kiểm soát giữa lực lượng Bảo vệ dân phố với lực lượng dân phòng và bảo vệ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong khu vực, nhằm phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm và tệ nạn xã hội ngay tại cơ sở. Xây dựng phường, cụm dân cư lành mạnh không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
III. QUYỀN HẠN CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ:
1. Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm pháp quả tang, người đang bị truy nã trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo đúng quy định của pháp luật:
Bảo vệ dân phố chỉ được bắt người khi xác định đúng người đó đang phạm pháp quả tang hoặc đang có lệnh truy nã của cơ quan Công an. Việc tước bỏ hung khí phải đi liền với việc bắt đối tượng nếu thấy đối tượng có sử dụng hung khí và phải áp giải ngay đối tượng đến Công an phường để xử lý.
2. Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định về an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự an toàn xã hội.
Khi thực hiện quyền hạn này, Bảo vệ dân phố phải có sự phối hợp với các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khu vực, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Thanh tra giao thông công chính, Thanh tra xây dựng, Thanh tra y tế… Trong trường hợp không có các lực lượng trên, Bảo vệ dân phố có quyền nhắc nhở, yêu cầu cá nhân, tổ chức có vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng, kiểm tra chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.
3.1. Theo sự phân công hướng dẫn của lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng khác, Bảo vệ dân phố được tham gia truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, người trốn thi hành án hoặc kiểm tra tạm trú, tạm vắng, kiểm tra Giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tuỳ thân khác của người tạm trú, người có biểu hiện nghi vấn đến cư trú trên địa bàn.
3.2. Nghiêm cấm Bảo vệ dân phố tự ý kiểm tra giấy tờ, hàng hóa, phương tiện hoặc vào nơi ở của công dân để kiểm tra, kiểm soát trái quy định của pháp luật.
4. Ngoài các quyền theo quy định tại Điều 6 của Nghị định, Bảo vệ dân phố còn được sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điểm 1 Điều 12 của Nghị định.
Khi sử dụng quyền này, Bảo vệ dân phố cần chú ý: Việc sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ phải đảm bảo an toàn, đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Phải được phép khi mang vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ theo người.
IV. TỔ CHỨC CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ:
1. Mỗi cụm dân cư (theo địa bàn công tác của Cảnh sát khu vực) thành lập một Tổ Bảo vệ dân phố do tổ trưởng phụ trách. Tùy theo đặc điểm tình hình và số lượng dân cư, mỗi Tổ Bảo vệ dân phố có từ 3 đến 7 tổ viên. Đối với tổ Bảo vệ dân phố có từ 5 tổ viên trở lên có thể bầu thêm 1 tổ phó giúp việc.
Cảnh sát khu vực có trách nhiệm phối hợp với cấp ủy chi bộ đường phố, Ban điều hành cụm dân cư lựa chọn, giới thiệu người vào Tổ dân phố, dự kiến Tổ trưởng, tổ phó và tổ chức cuộc họp gồm cán bộ cơ sở, đại diện các hộ gia đình trong khu vực để bầu bằng hình thức biểu quyết. Trên cơ sở kết quả biểu quyết, Cảnh sát khu vực báo cáo trưởng công an phường để trưởng công an phường báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định công nhận.
2. Mỗi phường, thị trấn thành lập một Ban Bảo vệ dân phố gồm: Trưởng ban, từ 1 đến 2 Phó Trưởng ban và các ủy viên. Thành viên Ban Bảo vệ dân phố đồng thời là tổ trưởng tổ Bảo vệ dân phố ở các cụm dân cư. Số lượng thành viên Ban Bảo vệ dân phố tuỳ thuộc vào số lượng Tổ bảo vệ dân phố. Trưởng ban, các Phó Trưởng ban Bảo vệ dân phố do tập thể Ban Bảo vệ dân phố bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trưởng Công an phường có trách nhiệm tổ chức cuộc họp Ban Bảo vệ dân phố để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban; dự kiến nhân sự Trưởng ban, Phó trưởng ban để hội nghị Ban Bảo vệ dân phố bầu. Căn cứ kết quả bầu Trưởng ban, Phó trưởng ban, trưởng Công an phường làm văn bản báo cáo đề nghị Ủy ban nhân dân phường ra quyết định công nhận.
3. Căn cứ kết quả bầu và báo cáo đề nghị của Trưởng Công an phường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định thành lập Ban Bảo vệ dân phố, quyết định công nhận Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các ủy viên, và các Tổ bảo vệ dân phố, tổ trưởng, tổ phó và tổ viên tổ bảo vệ dân phố.
4. Nhiệm kỳ hoạt động của Ban Bảo vệ dân phố là 5 năm. Trong nhiệm kỳ, việc thay đổi, bãi nhiệm, bổ sung các chức danh của bảo vệ dân phố được thực hiện như sau:
4.1. Nếu Trưởng ban, Phó trưởng ban và các ủy viên Ban Bảo vệ dân phố mà khuyết (do chết, không còn đảm bảo sức khỏe, xin nghỉ việc…) hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tập thể Ban và nhân dân tín nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật, pháp luật… thì Trưởng Công an phường báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho tổ chức cuộc họp tập thể Ban Bảo vệ dân phố để bầu bổ sung hoặc lấy ý kiến đề nghị bãi nhiệm và bầu người thay thế.
4.2. Nếu tổ trưởng, tổ phó và các tổ viên Tổ Bảo vệ dân phố mà khuyết hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được nhân dân tín nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật, pháp luật thì Cảnh sát khu vực cùng với Trưởng Ban Bảo vệ dân phố báo cáo đề xuất với Trưởng Công an phường cho tổ chức cuộc họp gồm cán bộ cơ sở, đại diện các hộ gia đình trong cụm dân cư để bầu bổ sung hoặc lấy ý kiến đề nghị bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.
4.3. Việc công nhận và bãi nhiệm Trưởng ban, Phó Trưởng ban, tổ trưởng và các tổ viên Bảo vệ dân phố phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra quyết định bằng văn bản.
V. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN THAM GIA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ:
Điều kiện, tiêu chuẩn tham gia lực lượng Bảo vệ dân phố được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP. Cần lưu ý một số điểm sau đây:
1. Cư trú ổn định tại địa bàn là người đã đăng ký thường trú, hoặc tạm trú có thời hạn từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi đăng ký.
2. Không có tiền án, tiền sự bao gồm cả những người đã có quyết định xóa án hoặc đương nhiên xóa án; những người hết thời hạn thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
3. Đối với chức danh Trưởng ban Bảo vệ dân phố ngoài tiêu chuẩn chung quy định cho Bảo vệ dân phố cần có thêm tiêu chuẩn là có năng lực tổ chức thực hiện công tác phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở.
4. Ưu tiên lựa chọn Bảo vệ dân phố trong những người đã tham gia quân đội, Công an hoặc tham gia công tác trở về địa phương. Không đưa vào lực lượng Bảo vệ dân phố những người không đủ năng lực hành vi.
VI. LỀ LỐI LÀM VIỆC, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ:
1. Lề lối làm việc:
Theo quy định tại Điều 9 của Nghị định. Khi thực hiện cần chú ý:
1.1. Hàng tháng các tổ trưởng tổ Bảo vệ dân phố phải tập hợp tình hình công tác an ninh trật tự và hoạt động của tổ Bảo vệ dân phố để báo cáo Ban Bảo vệ dân phố biết, cho ý kiến chỉ đạo.
1.2. Hàng tuần tổ Bảo vệ dân phố tổ chức họp để đánh giá kết quả và triển khai công tác giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực có sự tham gia của cấp ủy, ban điều hành cụm dân cư, Cảnh sát khu vực để cùng phối hợp thực hiện.
1.3. Hàng ngày Ban Bảo vệ dân phố và tổ Bảo vệ dân phố phải bố trí người có mặt tại địa điểm làm việc để thường trực giải quyết công việc theo quy định.
2. Mối quan hệ công tác:
Theo quy định tại Điều 10 của Nghị định. Cần chú ý:
2.1. Đối với cấp ủy chi bộ Đảng và Ban điều hành cụm dân cư: Tổ Bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo điều hành chung của cấp ủy chi bộ và phối hợp với Ban điều hành cụm dân cư nhằm bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng cụm dân cư văn hóa an toàn về mọi mặt, phòng chống các tệ nạn xã hội.
1.2. Đối với Cảnh sát khu vực, Bảo vệ dân phố vừa chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác giữ tìn an ninh trật tự, vừa phối hợp, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát khu vực trong công tác.
VII. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH, TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN VÀ KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO VỆ DÂN PHỐ:
1. Chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố
1.1. Bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân phường chi trả. Mức phụ cấp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện, khả năng cụ thể và cân đối ngân sách của từng địa phương để đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phê duyệt mức phụ cấp hàng tháng cho Bảo vệ dân phố theo từng chức danh: Trưởng ban, Phó trưởng ban, Tổ trưởng, tổ phó và các tổ viên tổ Bảo vệ dân phố. Trường hợp Bảo vệ dân phố giữ nhiều chức danh khác nhau thì phụ cấp sẽ được hưởng theo chức danh cao nhất.
1.2. Bảo vệ dân phố trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh theo quy định tại Điều 3, Điều 11 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thì được xem xét xác nhận là người được hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sỹ. Thủ tục hồ sơ xác nhận thực hiện theo hướng dẫn tại mục II, mục V phần I của Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
1.3. Bảo vệ dân phố được bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh trật tự. Trong thời gian tập trung bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, Bảo vệ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp đi lại, ăn ở như quy định đối với Công an xã.
1.4. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, hướng dẫn, chỉ đạo công tác cho Bảo vệ dân phố thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân Bảo vệ dân phố được xét thi đua khen thưởng hàng năm, nếu có thành tích đột xuất thì được xét khen thưởng theo luật thi đua khen thưởng.
2. Trang bị phương tiện cho Bảo vệ dân phố
2.1. Vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trang bị cho Bảo vệ dân phố gồm: gậy, dùi cui cao su, roi điện, gậy điện…
Bộ Công an (Tổng cục Cảnh sát) chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ cho Bảo vệ dân phố theo đúng các quy định của pháp luật.
2.2. Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh của Bảo vệ dân phố:
2.2.1. Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh của Bảo vệ dân phố do địa phương tự in theo mẫu thống nhất sau đây:
a. Giấy chứng nhận Bảo vệ dân phố (có mẫu kèm theo): hình chữ nhật, kích thước 6 x 9cm. Mặt trước: Nền màu đỏ, xung quanh có khung màu vàng, nét khung có kích thước 0,1cm và cách mép ngoài của giấy 0,5cm. Ở giữa, phía trên in hình huy hiệu Vì An Ninh Tổ Quốc, phía dưới, dòng thứ nhất in dòng chữ: “GIẤY CHỨNG NHẬN”, mẫu chữ in hoa, nét 0,1cm màu vàng, chiều cao: 0,4cm. Dòng thứ 2 in: “BẢO VỆ DÂN PHỐ”, mẫu chữ in hoa, nét đậm 0,2cm màu vàng, chiều cao 0,5cm. Mặt sau: Nền trắng, có hoa văn bảo vệ, hình huy hiệu Vì an ninh Tổ quốc và khung diềm màu xanh nhạt, nét trong mảnh, nét ngoài đậm. Góc trên bên phải của giấy in, để ghi tên địa phương, theo thứ tự từ trên xuống: phường, thị trấn; Quận, huyện; Tỉnh, thành phố; Số giấy chứng nhận (dùng 3 chữ số bắt đầu từ số 001 theo từng phường, thị trấn; Số giấy chứng nhận với số ghi trên biển hiệu là cùng một số); Phía dưới có khung, kích thước 3cmx4cm dùng để dán ảnh. Bên trái, theo trình tự từ trên xuống là: Quốc hiệu; chữ: CHỨNG NHẬN màu đỏ, chữ in hoa nét đậm 0,1cm, chiều cao 0,3cm; chữ: Ông, bà… dùng để ghi đầy đủ họ, tên, tên đệm của Bảo vệ dân phố; Tiếp theo là: Chức vụ… dùng để ghi rõ: trưởng ban, phó trưởng ban, ủy viên…; dòng Ban Bảo vệ dân phố, khu phố cụm dân cư: dùng để ghi tên khu phố hoặc cụm dân cư của Ban Bảo vệ dân phố đó (Ví dụ: Khu phố I hoặc cụm dân cư 15); dòng tiếp theo ghi nơi cấp giấy (phường, thị trấn) và ngày, tháng, năm cấp giấy; cuối cùng là: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn, dành cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ký, đóng dấu và ghi rõ họ, tên.
Mẫu giấy Chứng nhận Bảo vệ dân phố:
b. Biển hiệu Bảo vệ dân phố (có mẫu kèm theo): hình chữ nhật, màu trắng, kích thước 5cm x 8cm, in một mặt, xung quanh có khung màu đỏ, nét 0,1cm, cách mép ngoài biển hiệu 0,3cm; 1/3 phía trên có 2 dòng chữ, dòng thứ nhất in UBND phường, thị trấn dùng để ghi tên phường, thị trấn của Bảo vệ dân phố. Dòng thứ hai in chữ BẢO VỆ DÂN PHỐ, màu đỏ, chữ in hoa, nét đậm, chiều cao: 0,6cm. 2/3 phía dưới, bên phải có khung dùng để dán ảnh 3×4; Bên trái, dòng trên cùng để trống để ghi họ, tên Bảo vệ dân phố, kèm theo số hiệu (trùng với số của giấy chứng nhận), ví dụ: Nguyễn Văn Hải – 135, kiểu chữ in hoa, nét đậm, chiều cao 0,3cm; dòng thứ 2 ghi chức danh của Bảo vệ dân phố như: trưởng ban, phó trưởng ban, ủy viên…; dòng tiếp theo in: Ban Bảo vệ dân phố khu phố, cụm dân cư… dùng để ghi tên khu phố hoặc cụm dân cư của Bảo vệ dân phố đó.
Mẫu biển hiệu Bảo vệ dân phố:
UBND PHƯỜNG, THỊ TRẤN………………
BẢO VỆ DÂN PHỐ |
|
…………………………… Chức vụ:………………… Ban BVDP khu phố, cụm dân cư……………………
|
c. Băng chức danh Bảo vệ dân phố màu đỏ, rộng 10cm, dài 40cm may tròn để lồng được vào tay áo, mép trên có băng cài để cài vào áo khi sử dụng. Phía trên và dưới của băng có viền màu vàng, nét 0,5cm, vòng hết chiều dài của băng chính giữa trên mặt của băng in hoặc thuê dòng chữ: “BẢO VỆ DÂN PHỐ” màu vàng, chữ in hoa nét đậm 0,5cm, chiều cao chữ 4cm; chiều rộng chữ 1,5cm, khoảng cách giữa các chữ trong một từ là: 0,2cm, khoảng cách giữa các từ là 0,6cm.
2.2.2. Giấy chứng nhận, biển hiệu được cấp cho Bảo vệ dân phố. Khi không làm Bảo vệ dân phố nữa, người được cấp Giấy chứng nhận, Biển hiệu phải nộp lại cho Tổ, Ban Bảo vệ dân phố để nộp lại cho Ủy ban nhân dân phường. Khi mất hỏng phải báo với tổ, ban để truy tìm và đề nghị Ủy ban nhân dân phường xét cấp lại nếu không truy tìm được. Băng chức danh được để tại nơi làm việc của Tổ, Ban Bảo vệ dân phố. Khi làm nhiệm vụ, Bảo vệ dân phố phải mang đầy đủ Giấy chứng nhận, Biển hiệu, băng chức danh bảo vệ dân phố và có trách nhiệm bảo quản. Tuyệt đối không được cho người khác mượn, sử dụng Giấy chứng nhận, Biểu hiệu, Băng chức danh Bảo vệ dân phố.
2.2.3. Giấy chứng nhận, Biển hiệu, Băng chức danh Bảo vệ dân phố chỉ được sử dụng trong khi làm nhiệm vụ. Khi sử dụng, Biểu hiệu được đeo ở giữa ngực bên trái, mép trên của biển hiệu ngang với cúc áo thứ nhất từ trên xuống. Băng chức danh được đeo ở giữa khuỷu trên tay trái, hàng chữ “BẢO VỆ DÂN PHỐ” được quay ra phía ngoài cánh tay.
2.3. Ngoài Giấy chứng nhận, Biển hiệu, băng chức danh, Bảo vệ dân phố được trang bị các phương tiện cần thiết khác như: Đồng phục, còi, đèn pin, sổ ghi chép.
2.4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường có trách nhiệm bố trí địa điểm làm việc cho Bảo vệ dân phố; cấp và quản lý việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận, biển hiệu và băng chức danh Bảo vệ dân phố; căn cứ số lượng Bảo vệ dân phố và nhu cầu trang bị, tập hợp số liệu trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, Giấy chứng nhận, biển số hiệu, Băng chức danh và các phương tiện cần thiết khác, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh duyệt cấp kinh phí cho việc trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, in Giấy chứng nhận, Biển hiệu, Băng chức danh và các phương tiện cần thiết khác phục vụ công tác của Bảo vệ dân phố.
2.5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, tổ chức in, cấp Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh, đồng phục và các phương tiện cần thiết khác cho Bảo vệ dân phố theo quy định của Nghị định và Thông tư này.
2.6. Bộ Công an (Tổng cục Hậu cần Công an nhân dân) có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn mẫu trang phục dành cho Bảo vệ dân phố để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
3. Kinh phí bảo đảm hoạt động của Bảo vệ dân phố
3.1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Bảo vệ dân phố gồm:
a. Ngân sách địa phương theo quy định của luật Ngân sách nhà nước;
b. Quỹ an ninh trật tự của địa phương;
c. Đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
3.2. Quản lý sử dụng kinh phí:
a. Việc trang bị phương tiện làm việc, cấp phát trang phục và chi trả chế độ phụ cấp cho Bảo vệ dân phố phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi được cấp có thẩm quyền quyết định.
b. Công tác lập, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Bảo vệ dân phố thực hiện theo quy định của luật ngân sách nhà nước; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật ngân sách nhà nước; Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07/01/2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; và Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn.
Hàng năm, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm lập kế hoạch, báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp phê duyệt kinh phí trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Bộ Công an để phục vụ công tác của Bảo vệ dân phố.
c. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của từng thời kỳ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc huy động, quản lý và sử dụng quỹ an ninh, trật tự hoặc quỹ Quốc phòng, An ninh (theo Pháp lệnh dân quân tự vệ) trên địa bàn.
Việc quản lý, sử dụng Quỹ và các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân phải thực hiện công khai tài chính theo chế độ quy định hiện hành.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH Trần Văn Tá |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Hùynh Thị Nhân |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN Trần Quang Đại |
Nơi nhận:
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính;
– Giám đốc CA các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Sở LĐTB-XH, Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Website Chính phủ;
– Đăng Công báo;
– Lưu: VP (Bộ Công an, Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính)
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 38/2006/NĐ-CP VỀ BẢO VỆ DÂN PHỐ DO BỘ CÔNG AN- BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC | Ngày hiệu lực | 25/04/2007 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch | Ngày đăng công báo | 10/04/2007 |
Lĩnh vực |
Bộ máy nhà nước, nội vụ Văn hóa |
Ngày ban hành | 01/03/2007 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính Bộ công an Bộ lao động-thương binh và xã hội |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |