THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 78/2009/NĐ-CP VỀ HƯỚNG DẪN LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM DO BỘ TƯ PHÁP – BỘ NGOẠI GIAO – BỘ CÔNG AN BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 15/04/2010

BỘ TƯ PHÁP – BỘ NGOẠI GIAO – BỘ CÔNG AN
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–

Số: 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2010

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 78/2009/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc tiếp nhận, thẩm tra và chuyển giao hồ sơ quốc tịch; thông báo kết quả giải quyết các việc về quốc tịch; giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài hết thời hạn; giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch theo Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam; đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và thông báo có quốc tịch nước ngoài; xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận là người gốc Việt Nam; ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh thông tin về quốc tịch.

Điều 2. Tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam

1. Khi tiếp nhận hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp (sau đây gọi là Cơ quan tiếp nhận hồ sơ) ghi vào Sổ thụ lý hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, đồng thời cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định và phải được đóng dấu treo của Cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì Cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho đương sự bổ sung, hoàn thiện theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc thẩm tra hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam nhằm kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ và tính xác thực của các thông tin về người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh nếu thấy có những điểm chưa rõ ràng, thiếu chính xác về họ tên, địa chỉ, quan hệ gia đình, mục đích xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, thông tin chứng minh về sự đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam có lợi cho Nhà nước Việt Nam hoặc các thông tin khác liên quan.

3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập danh mục các giấy tờ có trong từng hồ sơ và danh sách những người được đề nghị giải quyết các việc về quốc tịch theo mẫu quy định.

4. Đối với hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm phân loại thành hồ sơ thuộc diện được miễn xác minh về nhân thân theo quy định tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam và hồ sơ thuộc diện cần phải xác minh về nhân thân. Trường hợp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam thuộc diện được miễn xác minh về nhân thân, thì thời hạn của giấy tờ bảo đảm cho nhập quốc tịch nước ngoài phải còn ít nhất là 120 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; trường hợp không được miễn thủ tục xác minh về nhân thân thì thời hạn phải còn ít nhất là 150 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Điều 3. Chuyển giao hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (thông qua Bộ Ngoại giao), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) gửi Bộ Tư pháp văn bản đề xuất ý kiến kèm theo danh sách những người được đề nghị giải quyết và hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Khi gửi văn bản đề xuất ý kiến về việc giải quyết hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng thời gửi cho Bộ Tư pháp danh sách những người được đề nghị giải quyết vào địa chỉ thư điện tử của Bộ Tư pháp: quoctich@moj.gov.vn.

2. Sau khi nhận được văn bản đề xuất ý kiến kèm theo danh sách những người được đề nghị giải quyết và hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam nêu tại khoản 1 Điều này, Bộ Tư pháp ghi vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và đăng tải danh sách những người được đề nghị giải quyết các việc về quốc tịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cập nhật tiến độ kết quả giải quyết hồ sơ vào danh sách đã được đăng tải.

Điều 4. Thông báo kết quả giải quyết hồ sơ cho người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam

1. Trường hợp người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở trong nước, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi cho người được nhập, được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam bản sao Quyết định đó kèm theo bản trích sao danh sách những người được nhập, được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam, đồng thời gửi 01 bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận hồ sơ để theo dõi, quản lý, thống kê các việc đã giải quyết về quốc tịch.

2. Trường hợp người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi bản sao Quyết định này kèm theo danh sách những người được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam cho Bộ Ngoại giao để chuyển cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã tiếp nhận hồ sơ. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao Quyết định, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thông báo bằng văn bản cho người được trở lại, được thôi quốc tịch Việt Nam, trong đó ghi rõ: số Quyết định; ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; nội dung Quyết định.

3. Trường hợp Bộ Tư pháp thấy không đủ điều kiện để trình Chủ tịch nước giải quyết cho nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc không được Chủ tịch nước đồng ý cho nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam, thì thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (thông qua Bộ Ngoại giao) hoặc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo cho người nộp hồ sơ biết.

Điều 5. Thông báo cho cơ quan đăng ký hộ tịch việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam

1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có Quyết định của Chủ tịch nước về việc cho nhập, cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp, nơi công dân Việt Nam đã đăng ký khai sinh trước đây, hoặc nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh của chế độ cũ để ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh theo hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư liên tịch này. Trường hợp trước đây đương sự đã đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), thì sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh để ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp người được nhập, được thôi quốc tịch Việt Nam trước đây đã đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì thông báo được gửi cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nơi đã đăng ký khai sinh; nếu Sổ đăng ký khai sinh đã chuyển lưu 01 quyển tại Bộ Ngoại giao, thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo tiếp cho Bộ Ngoại giao để ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh lưu tại Bộ Ngoại giao.

2. Trong trường hợp người được trở lại quốc tịch Việt Nam mà trước đó đã ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh việc thôi quốc tịch Việt Nam, thì việc thông báo và ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh việc trở lại quốc tịch Việt Nam cũng được thực hiện như hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này.

3. Trong trường hợp nhận được thông báo về việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam mà cơ quan đã đăng ký khai sinh không còn lưu được Sổ đăng ký khai sinh trước đây, thì cơ quan tiếp nhận thông báo lại cho Bộ Tư pháp theo dõi, quản lý.

Điều 6. Giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài hết thời hạn

1. Trường hợp việc giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam bị chậm mà dẫn đến giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài hết thời hạn, thì Bộ Tư pháp thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thông báo cho người xin thôi quốc tịch Việt Nam biết và làm thủ tục xin gia hạn hoặc xin cấp mới giấy tờ đó.

2. Nếu người xin thôi quốc tịch Việt Nam đề nghị, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có biện pháp hỗ trợ làm thủ tục xin gia hạn hoặc xin cấp mới giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài.

3. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam nộp giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài đã được gia hạn hoặc được cấp mới cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để chuyển cho Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam.

Điều 7. Giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch theo Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam

1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Cơ quan công an cấp tỉnh), Ngoại vụ và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan xây dựng Kế hoạch giải quyết việc nhập quốc tịch cho những người không quốc tịch mà không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 01/7/2009, hiện đang cư trú trên địa bàn địa phương để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Căn cứ vào Kế hoạch được phê duyệt, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, lập danh sách những người thuộc đối tượng giải quyết nêu trên hiện đang cư trú trên địa bàn địa phương.

2. Cơ quan Công an cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan hữu quan tại địa phương xác minh về nhân thân và thời gian cư trú của người không quốc tịch trên địa bàn địa phương.

Trường hợp người không quốc tịch thuộc đối tượng giải quyết nêu trên đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, thì Cơ quan Công an cấp tỉnh liên hệ với Cơ quan Công an của các địa phương mà người đó đã từng cư trú để xác minh về nhân thân và thời gian cư trú của người đó.

Điều 8. Đăng tải danh sách Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và tiếp nhận thông báo có quốc tịch nước ngoài

Bộ Ngoại giao đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao danh sách các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền theo địa hạt thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và tiếp nhận thông báo có quốc tịch nước ngoài của công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Danh sách này đồng thời được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Điều 9. Văn bản pháp luật và giấy tờ dùng để xác định quốc tịch Việt Nam đối với người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài áp dụng các văn bản pháp luật về quốc tịch Việt Nam được ban hành từ năm 1945 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 để xác định người đăng ký giữ quốc tịch có hay không có quốc tịch Việt Nam tại thời điểm đăng ký, bao gồm các văn bản sau đây:

– Sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

– Sắc lệnh số 73/SL ngày 07 tháng 12 năm 1945 quy định việc nhập quốc tịch Việt Nam;

– Sắc lệnh số 25/SL ngày 25 tháng 02 năm 1946 sửa đổi Sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

– Sắc lệnh số 215/SL ngày 20 tháng 8 năm 1948 ấn định những quyền lợi đặc biệt cho những người ngoại quốc giúp vào cuộc kháng chiến Việt Nam;

– Sắc lệnh số 51/SL ngày 14 tháng 12 năm 1959 bãi bỏ Điều 5, 6 Sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

– Nghị quyết số 1043/NQ-TVQHK6 ngày 08 tháng 02 năm 1971 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xin thôi hoặc nhập quốc tịch Việt Nam;

– Quyết định số 268/TTg ngày 12 tháng 9 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho thôi và cho trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài;

– Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Các giấy tờ về nhân thân, hộ tịch, quốc tịch do các chế độ cũ cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là căn cứ để Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, xác định quốc tịch Việt Nam của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

3. Khi áp dụng các văn bản pháp luật Việt Nam về quốc tịch hoặc xem xét các giấy tờ để xác định quốc tịch Việt Nam nêu tại khoản 1 Điều này, trong các trường hợp cụ thể, nếu có vướng mắc thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phản ánh về Bộ Ngoại giao để phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Công an kịp thời hướng dẫn.

Điều 10. Xác minh quốc tịch Việt Nam của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

1. Trường hợp người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam không có đủ giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh không rõ, thì ngoài các thông tin trong Tờ khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam còn phải nộp thêm Tờ khai lý lịch và các giấy tờ sau (nếu có) để phục vụ việc xác minh về quốc tịch của người đó:

– Bản sao các giấy tờ về nhân thân, hộ tịch, quốc tịch của ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột, con;

– Bản sao giấy tờ có nội dung liên quan đến quốc tịch của đương sự do chế độ cũ cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975;

– Bản sao giấy tờ trên đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, đối với những trường hợp cần phải xác minh để xác định người đăng ký có quốc tịch Việt Nam hay không, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản đề nghị xác minh về Bộ Ngoại giao kèm theo bản sao các giấy tờ, thông tin phục vụ việc xác minh do người đăng ký cung cấp.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao gửi Bộ Công an văn bản đề nghị xác minh về nhân thân, đồng thời gửi Bộ Tư pháp văn bản đề nghị tra cứu xem đương sự có tên trong danh sách đã được thôi hoặc đã bị tước quốc tịch Việt Nam hay không.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác minh, Bộ Công an thực hiện việc xác minh về nhân thân và trả lời Bộ Ngoại giao về kết quả xác minh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị tra cứu, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tra cứu danh sách những người đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam, danh sách những người đã bị tước quốc tịch Việt Nam trong hệ thống lưu trữ và trả lời Bộ Ngoại giao về kết quả tra cứu.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời về kết quả xác minh và tra cứu nêu tại khoản 2 Điều này, Bộ Ngoại giao gửi văn bản thông báo kết quả xác minh, tra cứu cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để hoàn tất thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Điều 11. Thông báo có quốc tịch nước ngoài

1. Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam trực tiếp hoặc thông qua cha, mẹ, người giám hộ của người đó nộp thông báo bằng văn bản về việc có quốc tịch nước ngoài cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Sở Tư pháp nơi người đó cư trú (sau đây gọi là Cơ quan tiếp nhận thông báo). Văn bản thông báo phải được làm theo mẫu quy định, có chữ ký của người thông báo.

Trường hợp không có điều kiện thực hiện việc thông báo như trên, thì người thông báo có thể gửi văn bản thông báo có quốc tịch nước ngoài cho Cơ quan tiếp nhận thông báo qua đường bưu điện, kèm theo bản sao giấy tờ tùy thân.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo có quốc tịch nước ngoài, Cơ quan tiếp nhận thông báo ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh trước đây theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư liên tịch này, nếu việc đăng ký khai sinh trước đây đã được thực hiện tại Cơ quan tiếp nhận thông báo. Việc xác định nơi đăng ký khai sinh trước đây được căn cứ vào khai báo của đương sự trong văn bản thông báo.

Trường hợp việc đăng ký khai sinh trước đây được thực hiện tại nơi khác, thì Cơ quan tiếp nhận thông báo phải có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nơi trước đây đương sự đã đăng ký khai sinh để thực hiện ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh. Nếu việc đăng ký khai sinh trước đây thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, thì sau khi tiếp nhận thông báo, Sở Tư pháp thông báo tiếp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã để ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp nhận được thông báo về việc có quốc tịch nước ngoài của công dân mà cơ quan đã đăng ký khai sinh không còn lưu được Sổ đăng ký khai sinh trước đây, thì Cơ quan tiếp nhận thông báo thông báo lại cho Bộ Tư pháp.

Điều 12. Báo cáo kết quả đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, đăng ký công dân, thông báo có quốc tịch nước ngoài

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi tiếp nhận việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và tiếp nhận thông báo có quốc tịch nước ngoài định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Ngoại giao danh sách người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và danh sách công dân Việt Nam đã thông báo có quốc tịch nước ngoài. Bộ Ngoại giao thông báo cho Bộ Tư pháp và Bộ Công an về danh sách đó.

Hằng năm, Bộ Ngoại giao thông báo cho Bộ Tư pháp và Bộ Công an biết kết quả đăng ký công dân ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ việc giải quyết, quản lý, tổng hợp, thống kê các việc về quốc tịch.

2. Sở Tư pháp nơi tiếp nhận việc thông báo có quốc tịch nước ngoài của công dân định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp danh sách công dân Việt Nam đã thông báo có quốc tịch nước ngoài. Bộ Tư pháp thông báo cho Bộ Ngoại giao và Bộ Công an về danh sách đó.

Điều 13. Xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận là người gốc Việt Nam

1. Khi có nhu cầu xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam, người yêu cầu gửi Đơn xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam đến Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Sở Tư pháp nơi người đó cư trú, trong đó ghi rõ mục đích của việc xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu danh sách những người đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam và danh sách những người bị tước quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Tư pháp tra cứu hệ thống lưu trữ quốc tịch và trả lời kết quả.

Căn cứ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và kết quả tra cứu của Bộ Tư pháp, nếu xét thấy có đủ cơ sở để khẳng định người đứng đơn có quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp trả lời bằng văn bản trong đó xác nhận người đó có quốc tịch Việt Nam.

2. Khi có nhu cầu xin xác nhận là người gốc Việt Nam, người yêu cầu gửi Đơn xin xác nhận là người gốc Việt Nam đến Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Sở Tư pháp nơi người đó cư trú, trong đó ghi rõ mục đích của việc xin xác nhận là người gốc Việt Nam, kèm theo bản sảo giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch đó được xác định theo huyết thống.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị xác nhận là người gốc Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu danh sách những người đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam và danh sách những người bị tước quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Tư pháp tra cứu trong hệ thống lưu trữ quốc tịch và trả lời kết quả.

Căn cứ kết quả kiểm tra và tra cứu, nếu xét thấy có đủ cơ sở để khẳng định người đứng đơn là người gốc Việt Nam, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục kiểm tra, xem xét, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp trả lời bằng văn bản trong đó xác nhận người đó là người gốc Việt Nam.

3. Trường hợp không đủ cơ sở để khẳng định người đứng đơn có quốc tịch Việt Nam hoặc là người gốc Việt Nam, thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người đó biết.

Điều 14. Ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam

Khi nhận được thông báo về việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam, cơ quan đang lưu Sổ đăng ký khai sinh theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư liên tịch này ghi chú vào cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh. Nội dung ghi chú bao gồm: số Quyết định; ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; nội dung Quyết định. Cán bộ thực hiện ghi chú phải ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm trực thuộc ghi chú.

Điều 15. Ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh việc thông báo có quốc tịch nước ngoài

1. Khi nhận được thông báo về việc có quốc tịch nước ngoài, cơ quan đang lưu Sổ đăng ký khai sinh theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư liên tịch này ghi chú vào cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh việc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Nội dung ghi chú phải bao gồm: quốc tịch nước ngoài hiện có, thời điểm có quốc tịch nước ngoài, cách thức có quốc tịch nước ngoài. Cán bộ thực hiện ghi chú ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm thực hiện ghi chú.

2. Sau khi đã ghi chú việc thông báo của công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, thì phần ghi về quốc tịch của người đó trong Giấy khai sinh khi cấp lại bản chính Giấy khai sinh hoặc cấp bản sao Giấy khai sinh từ Sổ đăng ký khai sinh được ghi cả quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2010.

Định kỳ hàng năm, Bộ Tư pháp thống kê, tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả giải quyết các việc về quốc tịch./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG

Nguyễn Văn Hưởng

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Thanh Sơn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG

Đinh Trung Tụng

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
– Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP;
– Bộ trưởng Bộ Tư pháp (để báo cáo);
– Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (để báo cáo);
– Bộ trưởng Bộ Công an (để báo cáo);
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
– Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước;
– Công báo, Cổng Thông tin điện tử (VPCP);
– Cục KTVBQPPL, Cổng Thông tin điện tử (Bộ Tư pháp);
– Cổng Thông tin điện tử Bộ Ngoại giao;
– Lưu: VT, Vụ HCTP (BTP); VT, Cục LS (BNG); VT, VPC(BCA)

 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 78/2009/NĐ-CP VỀ HƯỚNG DẪN LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM DO BỘ TƯ PHÁP – BỘ NGOẠI GIAO – BỘ CÔNG AN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA Ngày hiệu lực 15/04/2010
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày đăng công báo 28/04/2010
Lĩnh vực Dân sự
Ngày ban hành 01/03/2010
Cơ quan ban hành Bộ công an
Bộ tư pháp
Bộ ngoại giao
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản