THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 07/2009/TTLT-BCA-BQP-BTC HƯỚNG DẪN QUYẾT ĐỊNH 41/2008/QĐ-TTG QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH ĐẤU TRANH CHỐNG TỘI PHẠM VỀ MA TÚY DO BỘ CÔNG AN – BỘ QUỐC PHÒNG – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ CÔNG AN – BỘ QUỐC PHÒNG – |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2009/TTLT-BCA-BQP-BTC |
Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2009 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 41/2008/QĐ-TTG NGÀY 18/3/2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH ĐẤU TRANH CHỐNG TỘI PHẠM VỀ MA TUÝ
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.
Căn cứ Quyết định số 41/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm về ma tuý.
Liên Bộ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi dưỡng, đối với lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm về ma tuý như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
1. Đối với Bộ Công an:
– Sỹ quan, hạ sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ, trinh sát viên, điều tra viên trực tiếp hoặc phục vụ trực tiếp các hoạt động nghiệp vụ phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về ma tuý.
– Cán bộ, chiến sỹ chuyên trách trực tiếp làm công tác tham mưu phòng chống ma tuý thuộc Văn phòng thường trực phòng, chống ma tuý.
2. Đối với Bộ Quốc phòng:
– Sỹ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trực tiếp hoặc phục vụ trực tiếp các hoạt động nghiệp vụ phát hiện điều tra, xử lý tội phạm về ma tuý.
3. Đối với Bộ Tài chính:
– Cán bộ, nhân viên Hải quan trực tiếp hoặc phục vụ trực tiếp các hoạt động nghiệp vụ phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về ma tuý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Đối với Bộ Công an:
a) Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về ma tuý:
– Lãnh đạo cấp Cục, Phòng, Đội, Trinh sát viên, điều tra viên, Cán bộ chiến sĩ làm công tác huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý;
– Lãnh đạo cấp Phòng, Đội, trinh sát viên, điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Chỉ huy cấp Đội, trinh sát viên, điều tra viên thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Đối với Công an các huyện chưa thành lập Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, mới có tổ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý được biên chế trong Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội hoặc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, thì trinh sát viên, điều tra viên trong Tổ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý là đối tượng được áp dụng hưởng chế độ bồi dưỡng, nhưng phải có Quyết định phân công nhiệm vụ chuyên trách của cấp có thẩm quyền.
b) Cán bộ, chiến sỹ phục vụ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về ma tuý:
– Lãnh đạo, chỉ huy cấp Phòng, Đội, sĩ quan, hạ sĩ quan làm công tác: Tham mưu, chính trị, hậu cần, xử lý thông tin tội phạm, văn thư, giao liên, lái xe phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nhưng không được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Thông tư này.
c) Cán bộ, chiến sĩ chuyên trách trực tiếp làm công tác tham mưu phòng, chống ma tuý:
Lãnh đạo cấp Cục, Phòng; Đội; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên trách làm công tác tham mưu chính trị, hậu cần, xử lý thông tin, văn thư, lái xe phục vụ trực tiếp công tác tham mưu phòng, chống ma tuý thuộc Văn phòng thường trực phòng, chống ma tuý/ Tổng cục Cảnh sát/ Bộ Công an.
2. Đối với Bộ Quốc phòng:
a) Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về ma tuý:
– Chỉ huy cấp Cục, Phòng, Đoàn, Đội, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc các Phòng nghiệp vụ, Đoàn, Đội đặc nhiệm, Đội huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Cục phòng chống tội phạm ma tuý/ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
– Chỉ huy cấp Phòng, Đội, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc Phòng, Đội đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố;
– Sỹ quan, hạ sĩ quan, binh sỹ, quân nhân chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ chuyên trách trực tiếp phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc các Đồn biên phòng, Hải đoàn biên phòng;
– Chỉ huy cấp Phòng, Ban, Cụm đặc nhiệm, sỹ quan, hạ sĩ quan, binh sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc Phòng phòng, chống tội phạm ma tuý; Cụm đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Cục Cảnh sát biển/ Bộ Quốc phòng.
– Chỉ huy cấp Phòng, Điều tra viên, sĩ quan, nhân viên Phòng điều tra án ma tuý thuộc Cục điều tra hình sự/ Bộ Quốc phòng.
b) Cán bộ, chiến sĩ phục vụ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về ma tuý:
– Chỉ huy cấp Phòng, Đoàn, Đội, Sĩ quan, Hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng làm công tác: Tham mưu, chính trị, xử lý thông tin về tội phạm, văn thư, lái xe, hậu cần phục vụ công tác phòng chống tội phạm ma tuý thuộc Cục phòng, chống tội phạm ma tuý/ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng làm công tác xử lý thông tin về tội phạm, văn thư, lái xe, tàu, thuyền, hậu cần phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Phòng phòng, chống tội phạm ma tuý, Cụm đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma tuý/ Cục Cảnh sát biển/ Bộ Quốc phòng nhưng không được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
3. Đối với lực lượng Kiểm soát phòng, chống ma tuý thuộc Tổng cục Hải quan/ Bộ Tài chính:
a) Cán bộ, nhân viên Hải quan trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về ma tuý:
– Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu/ Tổng cục Hải quan, được phân công chuyên trách trực tiếp chỉ huy, điều hành công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý;
– Cán bộ, nhân viên Phòng Kiểm soát ma tuý, Đội Kiểm soát ma tuý thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu/ Tổng Cục Hải quan;
– Cán bộ, nhân viên Đội Kiểm soát phòng, chống ma tuý trực thuộc Cục hải quan tỉnh hoặc liên tỉnh; thành phố; Cán bộ, nhân viên Tổ Kiểm soát ma tuý thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu.
– Cán bộ, nhân viên Tổ Kiểm soát ma tuý thuộc Đội Kiểm soát Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh hoặc liên tỉnh, thành phố.
– Cán bộ nhân viên huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu/ Tổng Cục Hải quan, Cục hải quan tỉnh hoặc liên tỉnh, thành phố;
– Cán bộ, nhân viên Đội cơ động tác chiến thuộc Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma tuý/ Cục Điều tra chống buôn lậu/ Tổng cục Hải quan.
b) Cán bộ, nhân viên Hải quan phục vụ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm
– Cán bộ, nhân viên làm công tác: Tham mưu tổng hợp, xử lý thông tin tội phạm, tổ chức, hành chính, hậu cần, lái xe phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Phòng Kiểm soát ma tuý, Đội Kiểm soát ma tuý thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan và Đội Kiểm soát phòng, chống ma tuý trực thuộc Cục Hải quan tỉnh hoặc liên tỉnh; thành phố nhưng không được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 2 Thông tư này.
Điều 3. Mức bồi dưỡng.
1. Mức bồi dưỡng 500.000 đồng/người/tháng áp dụng đối với đối tượng trực tiếp đấu tranh được quy định tại điểm a, khoản 1; điểm a, khoản 2; điểm a, khoản 3, Điều 2.
2- Mức bồi dưỡng 400.000 đồng/người/tháng áp dụng đối với đối tượng phục vụ trực tiếp đấu tranh được quy định tại điểm b và c, khoản 1; điểm b, khoản 2; điểm b, khoản 3, Điều 2.
Điều 4. Điều khoản thi hành.
1. Các đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 – Điều 2 Thông tư này khi đã được tính hưởng chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này thì thôi hưởng các chế độ bồi dưỡng khác; khi không còn làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về ma tuý thì thôi hưởng chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này.
– Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đến nhận công tác tại các đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (hoặc chuyển đi làm công tác khác) trong tháng thì được hưởng mức bồi dưỡng như sau:
+ Nếu đến nhận công tác từ ngày 01 đến ngày 15 trong tháng (hoặc chuyển đi từ ngày 16 đến ngày 31 trong tháng) thì được hưởng 100% mức bồi dưỡng của tháng đó;
+ Nếu đến nhận công tác từ ngày 16 đến ngày 31 trong tháng (hoặc chuyển đi từ ngày 01 đến ngày 15 trong tháng) thì được hưởng 50% mức bồi dưỡng của tháng đó;
2. Các trường hợp đi học, bị đình chỉ công tác từ 3 tháng trở lên, thì thời gian đó không được hưởng chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này.
3. Kinh phí bồi dưỡng của lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc cơ quan, đơn vị nào thì do cơ quan, đơn vị đó chi trả.
4. Chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này được tính trả hàng tháng và không được tính để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ bồi dưỡng khác mà không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
5. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này được bố trí trong dự toán kinh phí của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma tuý hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính. Riêng việc chi trả chế độ bối dưỡng quy định tại Thông tư này, năm 2008 các đơn vị bố trí từ dự toán kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma tuý năm 2008 để chi trả. Trường hợp nguồn dự toán kinh phí năm 2008 không đủ chi trả các đơn vị bố trí từ dự toán kinh phí năm 2009 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma tuý được giao để chi trả.
Việc lập dự toán và thanh quyết toán kinh phí bồi dưỡng này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 57/2008/TTLT-BTC-BCA ngày 25 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính – Bộ Công an và các quy định hiện hành của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ngân sách Nhà nước.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày Quyết định số 41/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Công Nghiệp |
KT. BỘ TRƯỞNG Phan Trung Kiên |
KT. BỘ TRƯỞNG Lê Thế Tiệm |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 07/2009/TTLT-BCA-BQP-BTC HƯỚNG DẪN QUYẾT ĐỊNH 41/2008/QĐ-TTG QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH ĐẤU TRANH CHỐNG TỘI PHẠM VỀ MA TÚY DO BỘ CÔNG AN – BỘ QUỐC PHÒNG – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 07/2009/TTLT-BCA-BQP-BTC | Ngày hiệu lực | 07/09/2009 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch | Ngày đăng công báo | 21/08/2009 |
Lĩnh vực |
Bộ máy nhà nước, nội vụ Lao động - tiền lương |
Ngày ban hành | 24/07/2009 |
Cơ quan ban hành |
Bộ công an Bộ quốc phòng Bộ tài chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |