THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY NÔNG, LÂM NGHIỆP, GIỐNG VẬT NUÔI VÀ GIỐNG THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020 DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN – BỘ TÀI CHÍNH – BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 15/04/2012

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN – BỘ TÀI CHÍNH – BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY NÔNG, LÂM NGHIỆP, GIỐNG VẬT NUÔI VÀ GIỐNG THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015;

Thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020;

Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Tài chính – Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến quy hoạch, đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước, tín dụng, ưu đãi về đất đai và thủy lợi phí để thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án giống).

2. Kinh phí thực hiện Đề án giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan Trung ương trực tiếp quản lý được ngân sách Trung ương bảo đảm để đầu tư nghiên cứu, sản xuất các giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản chủ yếu trong phạm vi cả nước và vùng.

3. Kinh phí thực hiện Đề án giống do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý được cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ của ngân sách Trung ương để đầu tư nghiên cứu, sản xuất các giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản chủ yếu, có lợi thế so sánh của địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng là các đơn vị được giao thực hiện 7 nhiệm vụ từ khoản 1 đến khoản 7, Mục III, Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

a) Ở Trung ương: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có chức năng nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương.

b) Ở địa phương: Trung tâm giống; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân có chức năng nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống.

2. Đối tượng theo loại giống, gồm: Các giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo khoản 8, Mục III, Quyết định số 2194/QĐ-TTg trên.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân phải sử dụng kinh phí Đề án giống đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; cuối năm và kết thúc dự án thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Các khái niệm chuyên môn về giống sử dụng trong Thông tư này được quy định như sau:

a) Về giống gốc; cây giống đầu dòng đối với các cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm và cây lâm nghiệp; vườn cây đầu dòng đối với các cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm và cây lâm nghiệp; hạt giống siêu nguyên chủng; hạt giống nguyên chủng; vườn giống cây lâm nghiệp; rừng giống; phục tráng giống; khảo nghiệm giống; kiểm nghiệm giống; kiểm định giống; công nhận giống mới theo quy định tại Điều 3, Chương I của Pháp lệnh về giống cây trồng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2004 (số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004).

b) Về đàn giống cụ kỵ; đàn giống ông bà; đàn giống bố mẹ; đàn hạt nhân, đàn nhân giống sử dụng trong nhân giống gia súc lớn; giống thuỷ sản quý hiếm; khảo nghiệm giống; kiểm nghiệm giống; kiểm định giống; công nhận giống mới theo quy định tại Điều 3, Chương I của Pháp lệnh giống vật nuôi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2004 (số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004).

c) Giống gốc đối với thủy sản (hay còn gọi là dòng thuần) được hiểu là những giống mới được chọn tạo ở trong nước hoặc được nhập nội từ nước ngoài có tiềm năng áp dụng trong sản xuất đại trà.

2. Phân loại các cây trồng, vật nuôi theo chu kỳ sản xuất kinh doanh được ưu tiên đầu tư tại khoản 8, Mục III, Quyết định số 2194/QĐ-TTg như sau:

a) Các cây trồng, vật nuôi ngắn ngày gồm: Lúa, ngô, lạc, đậu tương, mía, dứa, cây có củ, rau, đậu đỗ, hoa, nấm, cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, gia cầm, ong, tằm.

b) Các cây trồng, vật nuôi dài ngày gồm: Cây ăn quả lâu năm, cà phê, ca cao, cao su, chè, dâu, lợn, bò, trâu, dê, cừu, động vật quý hiếm, cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ, loài lâm sản ngoài gỗ.

c) Đối với các loài thủy hải sản, việc phân loại theo chu kỳ sản xuất kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sắp xếp trong từng dự án.

3. Khái niệm về vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao (chỉ sử dụng trong lĩnh vực trồng trọt và thuỷ sản) sử dụng trong Thông tư này được hiểu là những địa điểm sản xuất giống chủ lực của vùng để cung ứng giống cho nhiều địa phương, có quy mô từ 10 ha trở lên. Các địa điểm này áp dụng quy trình sản xuất giống tiên tiến để tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ.

Chương 2.

QUY HOẠCH HỆ THỐNG NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO, SẢN XUẤT VÀ CUNG ỨNG GIỐNG

Điều 4. Trách nhiệm quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản trên phạm vi cả nước.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chung của cả nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Điều 5. Trình tự và nội dung quy hoạch

1. Trình tự quy hoạch: Việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch thực hiện theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.

2. Nội dung chủ yếu của quy hoạch là đánh giá thực trạng hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống; đề xuất phương án bố trí hợp lý và các giải pháp đầu tư để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được xác định tại Mục II, Quyết định số 2194/QĐ-TTg.

Điều 6. Kinh phí lập dự án quy hoạch

Kinh phí lập dự án quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành.

Chương 3.

CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 7. Nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Đề án giống:

1. Ngân sách Trung ương:

1.1. Nguồn kinh phí sự nghiệp:

1.1.1. Kinh phí sự nghiệp khoa học đầu tư:

– Nghiên cứu chọn tạo; sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, và khu vực hóa các giống mới; phục tráng, gia hóa đối với thủy sản những giống có đặc tính tốt; nghiên cứu quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản giống.

– Nhập nội nguồn gen, thu thập, lưu giữ nguồn gen cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản.

1.1.2. Kinh phí sự nghiệp kinh tế:

a) Ngân sách Trung ương đầu tư:

– Duy trì giống gốc, chăm sóc sau thời kỳ kiến thiết cơ bản (đối với cây nông nghiệp là vườn cây đầu dòng; đối với cây lâm nghiệp là rừng giống, vườn giống; đối với chăn nuôi là giống cụ kỵ, ông bà, đàn hạt nhân và đàn giống gốc; đối với thuỷ sản là các giống gốc đã được đầu tư từ giai đoạn trước) phục vụ cho sản xuất các cấp giống giai đoạn sau; Nhập nội giống gốc, giống bố mẹ (hoặc mua trong nước) những giống trong nước chưa có hoặc còn thiếu đối với cây nông nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy hải sản ngắn ngày; Nhập công nghệ sản xuất giống; Mua bản quyền tác giả đối với những giống mới trong nước chưa có; Hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản giống; Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống đã được cấp có thẩm quyền công nhận; Thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp công nghệ phức tạp đòi hỏi trình độ cao mà các chuyên gia trong nước chưa thể đảm nhận được; Đào tạo ngắn hạn cho cán bộ nghiên cứu và người sản xuất giống trong và ngoài nước theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Mở rộng, khai thác quỹ gen phục vụ cho công tác nghiên cứu và sản xuất giống theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không bao gồm các nội dung sự nghiệp khoa học tại tiết 1.1.1 nêu trên).

– Tăng cường quản lý chất lượng về giống của cơ quan quản lý nhà nước: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giống; Thanh tra, kiểm tra chất lượng giống; Xuất bản các ấn phẩm phục vụ quản lý giống; Đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý giống của Trung ương và cấp tỉnh.

– Chi hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án giống.

b) Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư 01 lần để sản xuất giống:

– Đối với trồng trọt: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống gốc, giống đầu dòng (hoặc tương đương); giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng bố mẹ dùng để sản xuất hạt lai F1. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích phát triển.

– Đối với chăn nuôi: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống cụ kỵ, ông bà. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống bố mẹ đối với gia súc nhỏ; giống gốc đối với ong, tằm.

– Đối với lâm nghiệp: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống gốc, giống đầu dòng.

– Đối với thuỷ sản: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống bố mẹ tôm sú, tôm chân trắng sạch bệnh, giống cá tra và một số giống thủy hải sản chủ lực khác. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích phát triển.

Việc lựa chọn giống lai cần khuyến khích phát triển, giống thủy hải sản chủ lực do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

1.2. Nguồn kinh phí xây dựng cơ bản:

1.2.1. Đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp: Ngân sách Trung ương đầu tư thực hiện các nội dung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

– Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, lưu giữ, quản lý, sản xuất, chế biến, bảo quản giống.

– Nhập nội (hoặc mua trong nước) giống mới đối với các giống cây trồng, vật nuôi dài ngày, đối với lâm nghiệp bao gồm cả chi phí thu hái giống (nếu có).

– Trồng và chăm sóc vườn giống cây lâu năm đầu dòng trong nông nghiệp; Trồng và chăm sóc rừng giống, vườn giống trong lâm nghiệp; Nuôi giữ các giống thủy hải sản; Nuôi tân đáo, nuôi thích nghi đàn giống cụ kỵ, ông bà đối với con giống đã được nhập nội hoặc mua trong nước thuộc kinh phí xây dựng cơ bản quy định ở trên.

1.2.2. Đối với các doanh nghiệp:

Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tưXây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, xử lý chất thải) tại các địa điểm sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao, mức tối đa không quá 50% chi phí để thực hiện các nội dung này.

2. Ngân sách địa phương:

2.1. Đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, Trung tâm giống:

Ngân sách địa phương đầu tư, hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp và vốn xây dựng cơ bản như quy định tại điểm 1.1 và tiết 1.2.1, điểm 1.2, khoản 1 của Điều này.

2.2. Đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân:

2.2.1. Nguồn kinh phí sự nghiệp:

a) Kinh phí sự nghiệp khoa học đầu tư:

– Nghiên cứu chọn tạo; sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, và khu vực hóa các giống mới; phục tráng, gia hóa những giống có đặc tính tốt; nghiên cứu quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản giống;

– Nhập nội nguồn gen, thu thập, lưu giữ nguồn gen cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản.

b) Kinh phí sự nghiệp kinh tế:

– Ngân sách địa phương đầu tư:

+ Duy trì giống gốc, chăm sóc sau thời kỳ kiến thiết cơ bản vườn cây đầu dòng đối với cây nông nghiệp; đối với lâm nghiệp là rừng giống, vườn giống; đối với chăn nuôi là giống cụ kỵ, ông bà, đàn hạt nhân và đàn giống gốc; đối với thuỷ sản là các giống gốc đã được đầu tư từ giai đoạn trước phục vụ sản xuất các cấp giống giai đoạn sau.

+ Hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản giống; Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống đã được cấp có thẩm quyền công nhận; Đào tạo ngắn hạn cho cán bộ nghiên cứu, sản xuất giống trong và ngoài nước theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư 01 lần để sản xuất giống:

+ Đối với trồng trọt: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống gốc, giống đầu dòng (hoặc tương đương); giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng bố mẹ dùng để sản xuất hạt lai F1. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích phát triển.

+ Đối với chăn nuôi: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống cụ kỵ, ông bà. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống bố mẹ đối với gia súc nhỏ; giống gốc đối với ong, tằm.

+ Đối với lâm nghiệp: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống gốc, giống đầu dòng.

+ Đối với thuỷ sản: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống bố mẹ tôm sú, tôm chân trắng sạch bệnh, giống cá tra và một số giống thủy hải sản chủ lực khác. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích phát triển.

Việc lựa chọn giống lai cần khuyến khích phát triển và giống thủy hải sản chủ lực của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2.2.2. Nguồn kinh phí xây dựng cơ bản:

a) Về điều kiện để ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.

b) Ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tưXây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, xử lý chất thải) tại các địa điểm sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao, mức tối đa không quá 50% chi phí để thực hiện các nội dung này.

c) Về thủ tục, hồ sơ:

– Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sở tại nêu rõ tên đơn vị, cá nhân, quy mô đất hiện có, các chỉ tiêu tài chính, lượng giống sản xuất ra hàng năm, những hạng mục đề nghị nhà nước hỗ trợ.

– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Căn cứ đơn đề nghị và điều kiện để được nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này xác định đơn vị, cá nhân đủ điều kiện; trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho phép lập dự án; hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng dự án; phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức thẩm định.

– Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Hội đồng thẩm định (có sự phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan) tổ chức thẩm định; trên cơ sở biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định xem xét trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án hỗ trợ cho dự án.

– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung hỗ trợ đầu tư, mức hỗ trợ đầu tư trên cơ sở khả năng ngân sách địa phương; giao cho Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đảm bảo cân đối nguồn vốn theo dự án được duyệt; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các chủ dự án sử dụng vốn đúng mục đích.

d) Mức vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Trung ương cho các địa phương để triển khai Đề án giống thực hiện theo khoản 4, Mục IV, Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Điều 8. Nội dung chi và mức chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế

Các tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước chi cho Đề án giống phải thực hiện theo đúng định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số nội dung chi sau:

1. Hỗ trợ chi phí sản xuất giống: Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí nhân công và vật tư để sản xuất giống trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (không bao gồm trang thiết bị, nhà xưởng trong tổng mức chi phí dự án).

2. Chi đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước cho người làm công tác giống:

2.1. Đào tạo trong nước

a) Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng: Cán bộ làm công tác quản lý giống ở Trung ương và địa phương; cán bộ nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư; cán bộ địa phương và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện các nội dung sự nghiệp của dự án.

b) Nội dung chi:

Chi in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ lớp học; văn phòng phẩm; nước uống; thuê phương tiện, hội trường, trang thiết bị phục vụ lớp học; vật tư thực hành lớp học (nếu có); chi bồi dưỡng cho giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật, chi tiền đi lại, tiền ở, phiên dịch (nếu có); Hỗ trợ tiền ở, tiền ăn, tiền đi lại theo giá vé ô tô khách cho học viên không hưởng lương ngân sách; chi khác: Khai giảng, bế mạc, in chứng chỉ, tiền y tế cho lớp học.

c) Mức chi:

– Chi bồi dưỡng giảng viên và hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 7/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và văn bản hướng dẫn.

Bộ Nông nghiệp quy định thời gian đào tạo, mức chi trả thù lao cho giảng viên và hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật cho phù hợp.

– Chi cho học viên: Tất cả các học viên được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học, hỗ trợ tiền ăn đối với học viên không hưởng lương ngân sách tối đa không quá 50.000 đồng/người/ngày thực học.

2.2. Đào tạo ngắn hạn cho cán bộ nghiên cứu, quản lý và người sản xuất giống ở ngoài nước:

Thực hiện theo Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí.

3. Về chi thuê chuyên gia:

Căn cứ mức độ cần thiết triển khai các nhiệm vụ và khả năng kinh phí đã được duyệt, Thủ trưởng đơn vị được giao chủ đầu tư dự án quyết định:

– Việc thuê chuyên gia trong nước hoặc nước ngoài;

– Hình thức thuê (theo thời gian hoặc theo sản phẩm) cho phù hợp;

– Mức chi theo hợp đồng thực tế thoả thuận với chuyên gia bảo đảm chất lượng và hiệu quả (đối với mức thuê chuyên gia từ 1.000 USD/người/tháng trở lên phải được sự thống nhất của Bộ trưởng các Bộ đối với các dự án thuộc các Bộ quản lý; Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất đối với các dự án thuộc địa phương quản lý).

Điều 9. Điều kiện được ngân sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư

1. Điều kiện được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản:

a) Các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ từ khoản 1 đến khoản 7, mục III, Điều 1, Quyết định số 2194 /QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ được xác định là đối tượng áp dụng tại khoản 1, Điều 2 Thông tư này.

b) Các đơn vị được xác định tại điểm a, khoản 1 Điều này phải thực hiện các dự án phát triển các loại giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo khoản 8, Mục III, Điều 1, Quyết định số 2194 /QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Các dự án phải thuộc danh mục dự án giống trong quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao phải có thỏa thuận về chuyên môn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt.

d) Các dự án đầu tư được duyệt theo tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

đ) Các dự án giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư.

e) Các chủ đầu tư phải có cam kết đầu tư vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục trong dự án được duyệt (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước). Trường hợp vay vốn Ngân hàng để góp vốn thực hiện dự án phải có ý kiến thống nhất của Ngân hàng cho vay. Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ thực hiện của dự án tương ứng với tỷ lệ đầu tư vốn thực tế của đơn vị trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

g) Các hạng mục đầu tư trong dự án bằng vốn xây dựng cơ bản chưa được nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách của Nhà nước.

2. Điều kiện được ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất giống từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:

a) Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt về sản xuất giống trong quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

b) Dự án có địa điểm triển khai sản xuất giống (địa điểm do chủ đầu tư được giao quản lý, sử dụng đất và cam kết của các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất tham gia triển khai dự án trên địa điểm đó).

c) Cam kết về đảm bảo nguồn vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện sản xuất giống gốc (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước).

d) Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ thực hiện của dự án tương ứng với tỷ lệ đầu tư vốn thực góp của đơn vị trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

đ) Chưa nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ nguồn kinh phí của Nhà nước.

Điều 10. Thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư

1. Đối với nguồn vốn sự nghiệp kinh tế:

1.1. Mức thu hồi:

a) Đối với nội dung hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống:

– Đầu ra của nội dung này là quy trình công nghệ; trong thực tế, có loại giống khi hoàn thiện quy trình công nghệ có sản phẩm bán ra, có loại không có sản phẩm bán ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định loại giống cây trồng, vật nuôi khi thực hiện nội dung hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống có sản phẩm thu hồi.

– Đối với các dự án giống hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống có thu hồi sản phẩm; sản phẩm thu hồi bán ra theo giá thị trường, nộp ngân sách nhà nước 70% giá trị, còn lại 30% giá trị được để lại bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tăng cường cơ sở vật chất của đơn vị. Đối với sản phẩm thu hồi chưa có giá bán trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá bán để thực hiện theo quy định trên.

b) Đối với nội dung xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống: Mức thu hồi nộp ngân sách nhà nước bằng 30% số kinh phí ngân sách nhà nước đã đầu tư thực hiện nội dung này.

c) Đối với nội dung sản xuất giống được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư 01 lần: Mức thu hồi nộp ngân sách nhà nước bằng 30% số kinh phí ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đầu tư để thực hiện nội dung này.

Đối với các dự án giống lâm nghiệp, mức thu hồi vốn để thực hiện sản xuất giống tối đa bằng 30% số kinh phí ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đầu tư để thực hiện nội dung này. Trường hợp giá trị giống bán ra thấp hơn mức phải thu hồi, mức thu hồi nộp ngân sách nhà nước bằng giá trị giống bán ra của dự án.

1.2. Thời gian thu hồi kinh phí của từng dự án:

a) Thời gian thu hồi nộp ngân sách nhà nước: Do cơ quan phê duyệt dự án xem xét quyết định; tối đa không quá 12 tháng sau khi dự án kết thúc thì chủ dự án phải nộp đủ ngân sách nhà nước số kinh phí phải nộp.

b) Miễn, giảm thu hồi nộp ngân sách nhà nước: Trường hợp dự án phải ngừng triển khai do nguyên nhân khách quan gây thiệt hại cho dự án, như bão, lụt, hỏa hoạn thì được xem xét miễn giảm kinh phí thu hồi. Khi gặp các trường hợp nêu trên, các đơn vị chủ trì dự án có báo cáo cụ thể bằng văn bản cho cơ quan quản lý cấp trên để kiểm tra, xác nhận về quá trình triển khai thực hiện và lý do phải ngừng triển khai dự án; khả năng hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan Trung ương kiểm tra xác nhận và quyết định mức miễn giảm kinh phí thu hồi trên cơ sở thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với các dự án thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra xác nhận và phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với các dự án thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương).

2. Đối với nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản:

a) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các Viện nghiên cứu, Trường đại học chuyên ngành, Trung tâm giống quốc gia, các Trung tâm giống vùng, các Trung tâm giống cấp tỉnh; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, cây đầu dòng, giống cụ kỵ giống ông bà, đàn hạt nhân, vườn giống, rừng giống, giống thuỷ sản; Cơ sở vật chất cho hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng giống mà chủ đầu tư là các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan quản lý nhà nước: Sau khi dự án hoàn thành, giá trị vốn đầu tư được ghi tăng vào giá trị tài sản nhà nước do đơn vị quản lý sử dụng.

b) Đối với rừng giống, vườn giống cây lâm nghiệp do ngân sách trung ương đầu tư được triển khai trên địa điểm đầu tư trên đất của đơn vị thuộc địa phương quản lý, khi dự án kết thúc thì rừng giống, vườn giống được bàn giao cho địa phương quản lý để tiếp tục đầu tư, chăm sóc, bảo vệ, duy trì khai thác giống lâu dài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bàn giao tài sản cho địa phương, để địa phương giao cho đơn vị quản lý theo quy định hiện hành.

c) Đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân được ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, xử lý chất thải) tại vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao: Không thu hồi kinh phí hỗ trợ.

Chương 4.

CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG, ƯU ĐÃI VỀ ĐẤT ĐAI VÀ THUỶ LỢI PHÍ

Điều 11. Chính sách tín dụng

1. Các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân đầu tư sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ (đối với các giống lai), cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân, đàn nhân giống, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống, giống mới sử dụng công nghệ cao theo các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển theo quy định hiện hành.

2. Thủ tục vay, hình thức vay, mức vay vốn để đầu tư sản xuất các giống như khoản 1 nêu trên theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu.

3. Các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân có các dự án thử nghiệm về sản xuất, chế biến giống, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ về giống được vay vốn từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và quỹ phát triển khoa học, công nghệ của địa phương. Phương thức hỗ trợ tài chính của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được quy định tại Điều 13, thủ tục xét chọn cho vay được quy định tại Điều 14, Nghị định 122/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Điều 12. Ưu đãi về đất đai

1. Các tổ chức sử dụng đất vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất các cấp giống trước giống thương phẩm được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2, Điều 33 của Luật Đất đai năm 2003.

2. Các tổ chức sử dụng đất vào mục đích sản xuất giống thương phẩm được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 60 của Luật Đất đai năm 2003. Được hưởng mức ưu đãi cao nhất về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 về thu tiền sử dụng đất, Nghị định số 44/2008/NĐ-CP ngày 9/4/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 198/2004/NĐ-CP và Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 198/2004/NĐ-CP .

3. Các doanh nghiệp thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất giống ngoài diện tích đã được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê được ưu đãi về tiền thuê đất theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ.

Điều 13. Ưu đãi về thuỷ lợi phí

Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất để nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thuỷ sản được Nhà nước cho miễn nộp thuỷ lợi phí. Việc miễn thủy lợi phí thực hiện theo Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/2/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP .

Chương 5.

LẬP, CHẤP HÀNH VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 14. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước

1. Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế, kinh phí nghiên cứu khoa học cấp cho Đề án giống thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 26/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và quy định tại Thông tư này; Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 2/1/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.

2. Việc lập dự toán và thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

– Lập dự toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 26/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.

– Việc cấp phát thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

– Về báo cáo quyết toán năm: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm.

– Về quyết toán vốn đầu tư của dự án hoàn thành thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

3. Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện Đề án giống:

– Căn cứ các dự án giống của địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch và khả năng ngân sách của địa phương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập dự toán phần kinh phí đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện các dự án giống gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án giống (bao gồm kinh phí các dự án giống do các Bộ, cơ quan Trung ương quản lý và kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án giống của địa phương) cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Căn cứ vào khả năng ngân sách của Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với vốn đầu tư phát triển), Bộ Tài chính (đối với vốn sự nghiệp) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét mức bổ sung hỗ trợ có mục tiêu ngân sách để thực hiện các dự án giống của địa phương; tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 15. Công tác báo cáo, thanh tra và kiểm tra

– Định kỳ 6 tháng và một năm, các đơn vị chủ đầu tư dự án giống có trách nhiệm lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ và Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi cơ quan quản lý đầu tư theo phân cấp hiện hành.

– Các Bộ, cơ quan Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổ chức kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất về tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí Đề án giống đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.

Chương 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản giai đoạn 2011-2020 trong phạm vi cả nước; quản lý các dự án giống, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về giống thuộc phạm vi của Bộ theo quy định hiện hành.

2. Phê duyệt định mức kinh tế – kỹ thuật (bao gồm vật tư, nhân công) thực hiện các nội dung sử dụng vốn sự nghiệp đối với các dự án do các Bộ, cơ quan Trung ương quản lý.

3. Tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án giống, bao gồm: kinh phí các dự án giống do các Bộ, cơ quan Trung ương quản lý và kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án giống của địa phương vào thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Giữa kỳ và kết thúc thời gian triển khai thực hiện Đề án giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả trên phạm vi toàn quốc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Điều 17. Trách nhiệm các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chỉ đạo, phê duyệt, tổng hợp nhu cầu dự toán kinh phí thực hiện các dự án giống do các đơn vị thuộc Bộ làm chủ đầu tư vào thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

2. Chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí các dự án giống; nghiệm thu, quyết toán dự án theo quy định hiện hành và quy định tại Điều 15 về chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra của Thông tư này.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

1. Tổng hợp cân đối kinh phí (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phần vốn xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính chủ trì phần vốn sự nghiệp) cho các dự án giống đã được các Bộ, ngành phê duyệt; bổ sung có mục tiêu theo quy định của Luật Ngân sách cho các địa phương thực hiện Đề án giống đưa vào dự toán ngân sách hàng năm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

2. Phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện các dự án giống của các Bộ, ngành và địa phương.

Điều 19. Trách nhiệm của UBND các tỉnh

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo Đề án giống trên phạm vi địa phương; quản lý các dự án giống của địa phương theo quy định hiện hành; thẩm định, phê duyệt các dự án giống do địa phương quản lý.

2. Phê duyệt định mức kinh tế – kỹ thuật (chỉ bao gồm vật tư, nhân công) thực hiện các nội dung sử dụng vốn sự nghiệp đối với các dự án do tỉnh quản lý; hướng dẫn mức hỗ trợ đầu tư, mức và hình thức thu hồi kinh phí đối với các dự án giống do các doanh nghiệp không có đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân được ngân sách địa phương hỗ trợ.

3. Thực hiện các báo cáo, thanh tra, kiểm tra về tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí các dự án giống, nghiệm thu, quyết toán theo quy định hiện hành và quy định tại Điều 15 về chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra của Thông tư này.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2012 và thay thế Thông tư liên tịch số 15/2007/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 8/3/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước chi cho Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp và Thông tư số 56/2001/TTLT-BTC-BTS ngày 9/7/2001 của Bộ Tài chính, Bộ Thủy sản hướng dẫn chế độ quản lý tài chính các dự án khuyến khích phát triển giống thủy sản do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, giải quyết kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Thị Minh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
THỨ TRƯỞNG

Cao Viết Sinh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
THỨ TRƯỞNG

Bùi Bá Bổng

 

Nơi nhận:
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Các Đoàn thể, Hội quần chúng ở TW;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở Tài chính, KBNN, Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Sở KH và ĐT, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư Pháp;
– Công báo;
– Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
– Website Bộ KH&ĐT; Website Bộ NN&PTNT;
– Lưu: VT Bộ Tài chính, Bộ KH &ĐT, Bộ NN&PTNT.

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHI CHO ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY NÔNG, LÂM NGHIỆP, GIỐNG VẬT NUÔI VÀ GIỐNG THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020 DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN – BỘ TÀI CHÍNH – BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT Ngày hiệu lực 15/04/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày đăng công báo 14/03/2012
Lĩnh vực Tài chính công
Ngày ban hành 01/03/2012
Cơ quan ban hành Bộ tài chính
Bộ kế hoạch và đầu tư
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản