THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH – BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BAN HÀNH
BỘ TÀI CHÍNH – BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN |
Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2009 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Để thống nhất quản lý và sử dụng kinh phí thuộc ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật theo các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan, liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Thông tư này hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCKT), bao gồm: lập quy hoạch, kế hoạch, rà soát, chuyển đổi, xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ, ngành, địa phương) theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Điều 2. Nguồn kinh phí xây dựng TCVN, QCKT
1. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương để chi cho hoạt động xây dựng TCVN và QCKT.
2. Các nguồn kinh phí khác bố trí trong dự toán của các Bộ, ngành, địa phương để chi cho hoạt động xây dựng TCVN và QCKT.
3. Kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân khác (nếu có).
4. Các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Công tác quản lý, xây dựng TCVN, QCKT là nhiệm vụ theo chức năng của các Bộ, ngành, địa phương được cấp có thẩm quyền quy định. Trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng TCVN, QCKT trong năm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch, rà soát, chuyển đổi, xây dựng, thẩm định TCVN, QCKT cho phù hợp với tiến độ triển khai nhiệm vụ.
Đối với các khoản kinh phí tài trợ, hỗ trợ của tổ chức cá nhân, các nguồn thu hợp pháp khác phục vụ cho việc xây dựng TCVN, QCKT cũng được quản lý, sử dụng và quyết toán theo quy định của Thông tư này và các quy định khác của nhà tài trợ (nếu có).
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nội dung chi
1. Nội dung chi trực tiếp cho việc xây dựng TCVN và QCKT:
a) Chi công lao động thuê ngoài đối với các cán bộ, chuyên gia trực tiếp tham gia xây dựng TCVN, QCKT; chi thuê chuyên gia tư vấn;
b) Chi mua vật tư, nguyên, nhiên vật liệu, tiêu chuẩn, quy trình, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho việc xây dựng dự thảo TCVN, QCKT;
c) Chi tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học về các nội dung của dự thảo TCVN, QCKT;
d) Chi dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và dịch TCVN, QCKT sang tiếng nước ngoài;
đ) Chi cho công tác khảo sát, khảo nghiệm trong nước, ngoài nước về các nội dung của dự thảo TCVN, QCKT;
e) Một số khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc xây dựng dự thảo TCVN, QCKT.
2. Nội dung chi phục vụ công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động xây dựng TCVN, QCKT, gồm: chi tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch, rà soát chuyển đổi TCVN, QCKT; chi họp Hội đồng thẩm tra, Hội đồng thẩm định dự thảo TCVN, QCKT; chi nhận xét đánh giá phản biện của thành viên Hội đồng thẩm tra, Hội đồng thẩm định có báo cáo phản biện, đánh giá thẩm định về dự thảo TCVN, QCKT; chi tiền tàu xe, công tác phí cho các thành viên Hội đồng thẩm định theo chế độ công tác phí hiện hành (nếu có); các khoản chi văn phòng phẩm, chi phí in ấn, phô tô tài liệu liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động xây dựng TCVN, QCKT.
Điều 4. Khung mức chi cho việc xây dựng TCVN, QCKT
Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng TCVN, QCKT được áp dụng theo các mức chi quy định của Thông tư số 100/2006/TT-BTC ngày 23/10/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; do tính chất đặc thù trong việc xây dựng TCVN, QCKT Thông tư này quy định một số khung định mức chi đặc thù như sau:
1. Khung mức chi:
a) Chi lập dự án xây dựng TCVN, QCKT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức chi tối đa là 700.000 đồng/01 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Chi công lao động thuê ngoài đối với cán bộ, chuyên gia trực tiếp xây dựng dự thảo TCVN, QCKT (nếu có): Mức chi tối đa là 12.000.000 đồng/01 dự thảo đối với TCVN, QCKT không cần phải khảo sát, khảo nghiệm; mức chi tối đa 30.000.000 đồng/01 dự thảo đối với TCVN, QCKT cần phải khảo sát, khảo nghiệm. Đối với các TCVN, QCKT đặc biệt phức tạp hoặc mang tính liên ngành, Bộ, ngành, địa phương quyết định mức chi cụ thể trong phạm vi dự toán kinh phí được giao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
c) Chi nhận xét đánh giá phản biện hoặc thẩm tra hoặc thẩm định của thành viên Hội đồng thẩm tra, Hội đồng thẩm định đối với dự thảo TCVN, QCKT: Mức chi tối đa 500.000 đồng/01 báo cáo phản biện hoặc báo cáo thẩm tra hoặc báo cáo thẩm định.
d) Chi họp hội đồng thẩm tra, thẩm định dự án TCVN, QCKT, mức chi như sau:
– Chủ tịch Hội đồng: Tối đa 150.000 đồng/người/buổi.
– Các thành viên Hội đồng: Tối đa 100.000 đồng/người/buổi.
đ) Chi tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề tham gia góp ý cho dự thảo TCVN, QCKT, mức chi như sau:
– Chủ trì cuộc họp: Tối đa 150.000 đồng/người/buổi.
– Các thành viên tham dự: Tối đa 70.000 đồng/người/buổi.
e) Chi thuê tư vấn: Tuỳ theo nội dung công việc triển khai và khả năng dự toán kinh phí được giao, Thủ trưởng cơ quan chủ trì xây dựng TCVN, QCKT quyết định thuê tổ chức, chuyên gia tư vấn có đủ điều kiện để hỗ trợ, tư vấn, đánh giá, giám sát và triển khai thực hiện. Phương thức thực hiện theo hình thức Hợp đồng kinh tế giữa cơ quan chủ trì xây dựng TCVN, QCKT với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trường hợp phải thuê chuyên gia theo tháng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì xây dựng TCVN, QCKT quyết định mức thuê chuyên gia trong khung mức chi từ 1.600.000 đồng đến 4.800.000 đồng/1 người/tháng, tuỳ theo trình độ của chuyên gia và nhiệm vụ tư vấn, với điều kiện chuyên gia bảo đảm thời gian làm việc liên tục trong tháng theo quy định.
2. Các định mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa, căn cứ vào khả năng ngân sách và tính chất phức tạp của mỗi loại TCVN, QCKT, các Bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng TCVN, QCKT quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp, nhưng không được vượt quá mức chi tối đa quy định tại Thông tư này.
3. Trường hợp các nội dung chi về vật tư, hoá chất, nguyên nhiên vật liệu, chi phí khảo nghiệm không có các định mức kinh tế kỹ thuật do các Bộ, ngành chức năng ban hành thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng TCVN, QCKT quyết định mức chi cho các nội dung này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Điều 5. Lập dự toán, phê duyệt dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT
1. Lập và phê duyệt dự toán kinh phí của dự án xây dựng TCVN, QCKT:
– Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch xây dựng TCVN, QCKT thuộc lĩnh vực quản lý và đề nghị của các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT theo quy định của Thông tư này tổng hợp chung vào dự toán của Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
– Các tổ chức được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng TCVN, QCKT căn cứ vào nội dung, yêu cầu khối lượng công việc xây dựng các đề án TCVN, QCKT; căn cứ vào các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, xây dựng dự toán kinh phí của dự án xây dựng TCVN, QCKT trình cơ quan chủ quản.
– Căn cứ vào nguồn dự toán kinh phí hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương quyết định dự toán đối với từng dự án xây dựng TCVN, QCKT thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương.
2. Quản lý và sử dụng kinh phí:
– Tổ chức chủ trì, người được giao nhiệm vụ chủ trì dự án xây dựng TCVN, QCKT phải thực hiện đúng các quy định về quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCKT theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
– Người chủ trì dự án phải chịu trách nhiệm về các nội dung và kết quả nghiên cứu xây dựng TCVN, QCKT theo dự án đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm báo cáo và thuyết minh số liệu quyết toán kinh phí thực hiện dự án với tổ chức chủ trì.
– Tổ chức chủ trì dự án có trách nhiệm quản lý theo dõi và thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện dự án, chịu trách nhiệm kiểm tra, xét xuyệt quyết toán kinh phí thực hiện dự án xây dựng TCVN, QCKT và tổng hợp vào báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị và gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.
– Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát, cấp phát, thanh toán kinh phí thực hiện dự án xây dựng TCVN, QCKT theo các quy định hiện hành và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
– Cơ quan tài chính cùng cấp phối hợp với cơ quan phê duyệt dự án định kỳ kiểm tra tài chính, thẩm định quyết toán kinh phí của dự án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
3. Quyết toán kinh phí của dự án xây dựng TCVN, QCKT:
– Kinh phí xây dựng TCVN, QCKT được sử dụng và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đối với các dự án xây dựng TCVN, QCKT có thời gian thực hiện trên một năm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, kinh phí chưa sử dụng hết đến cuối năm được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng cho việc xây dựng TCVN, QCKT trong thời gian thực hiện dự án đã được phê duyệt.
– Việc sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCKT phải bảo đảm đầy đủ chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành.
– Kinh phí xây dựng TCVN, QCKT được quyết toán phù hợp với nguồn kinh phí sử dụng và phù hợp với mục chi tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành và tổng hợp trong báo cáo quyết toán hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Ngoài các đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1 của Thông tư này, các cơ quan nhà nước khi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình được áp dụng các quy định của Thông tư này, nguồn kinh phí thực hiện do thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt trong phạm vi dự toán ngân sách được giao hàng năm.
Điều 7. Đối với kế hoạch xây dựng TCVN và QCKT trong năm 2009, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2009 để bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xây dựng TCVN và QCKT của đơn vị mình.
Điều 8. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp xử lý./.
KT. BỘ TRƯỞNG Trần Quốc Thắng |
KT. BỘ TRƯỞNG Phạm Sỹ Danh |
Nơi nhận: |
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH – BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN | Ngày hiệu lực | 31/08/2009 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch | Ngày đăng công báo | 12/08/2009 |
Lĩnh vực |
Tài chính công Xây dựng |
Ngày ban hành | 17/07/2009 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |