THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ, NGUYÊN TẮC KIỂM SOÁT GIÁ VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THUÊ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHUNG DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH – BỘ XÂY DỰNG – BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 01/03/2014

BỘ TÀI CHÍNH – BỘ XÂY DỰNG – BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ, NGUYÊN TẮC KIỂM SOÁT GIÁ VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THUÊ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHUNG

Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng (sau đây gọi là công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung); quy định về miễn, giảm giá phục vụ hoạt động công ích quốc phòng, an ninh.

Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung ngoài đô thị, khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê quy định tại Thông tư liên tịch này như các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong đô thị.

2. Đối tượng áp dụng: chủ sở hữu quy định tại Điều 10 Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đầu tư, quản lý và ký hợp đồng sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Điều 2. Quy định về công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật là việc các tổ chức, cá nhân bố trí, lắp đặt đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng,… (gọi chung là đường dây, cáp); đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng (gọi chung là đường ống) vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

2. Công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung là các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây, cáp và đường ống, bao gồm: cột ăng ten; cột treo cáp (dây dẫn); cống cáp; hào và tuy nen kỹ thuật; đường đô thị, hầm đường bộ; hầm đường sắt; cống ngầm; cầu đường bộ và cầu đường sắt.

3. Quy định về sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung thực hiện theo quy định tại Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.

Điều 3. Nguyên tắc, căn cứ xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Nguyên tắc xác định giá thuê

a) Giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng; chi phí quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng; chi phí khác theo quy định của pháp luật, gắn với chất lượng dịch vụ, phù hợp với các chế độ chính sách, các định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để kinh doanh dưới hình thức cho thuê thì giá thuê được xác định trên cơ sở chi phí theo quy định và lợi nhuận hợp lý.

2. Căn cứ xác định giá thuê

a) Chi phí sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với chất lượng dịch vụ.

b) Quan hệ cung cầu, giá thị trường.

c) Sự thay đổi, biến động về giá và cơ chế chính sách của nhà nước; lộ trình điều chỉnh giá thuê được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).

d) Điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương có tác động đến giá thuê.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. CƠ CHẾ, NGUYÊN TẮC KIỂM SOÁT GIÁ THUÊ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHUNG

Điều 4. Cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước thực hiện kiểm soát giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thuê, bên cho thuê và lợi ích chung của xã hội theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Việc kiểm soát giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (sau đây gọi tắt là giá thuê) được thực hiện thông qua phương thức kiểm soát giá thuê và phương pháp xác định giá thuê quy định tại Thông tư liên tịch này.

Điều 5. Các phương thức kiểm soát giá thuê

1. Thông báo đăng ký giá thuê.

2. Hiệp thương giá thuê.

3. Niêm yết giá thuê.

4. Kiểm tra các yếu tố hình thành giá thuê.

Điều 6. Thông báo đăng ký giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Tổ chức, cá nhân căn cứ quy định tại Điều 3 và phương pháp xác định giá thuê tại Thông tư liên tịch này để định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do mình đầu tư (ngoài nguồn ngân sách nhà nước) và thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng; đồng thời thực hiện đăng ký giá thuê với cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư liên tịch này theo hình thức thông báo đăng ký giá thuê. Trường hợp các bên không thỏa thuận được giá thuê, cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này.

2. Thông báo đăng ký giá thuê bao gồm các nội dung:

a) Mức giá thuê được tính theo quy định tại Điều 3 và phương pháp xác định giá thuê quy định tại Thông tư liên tịch này gắn với chất lượng và thông số kinh tế, kỹ thuật chủ yếu;

b) Các thông tin về yếu tố hình thành giá thuê; so sánh với giá thuê của công trình cùng loại hoặc tương tự trên địa bàn (nếu có);

c) Quy định điều kiện áp dụng để làm cơ sở thỏa thuận mức giá thuê cụ thể với khách hàng như: các trường hợp được hưởng chính sách ưu đãi, chiết khấu, giảm giá đối với các đối tượng khách hàng thuê với số lượng lớn; điều kiện thanh toán trả tiền trước…; tỷ lệ hoặc mức giảm cụ thể;

d) Thời gian áp dụng giá thuê;

đ) Mẫu thông báo đăng ký giá thuê tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch này.

3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi trực tiếp; hoặc bằng đường bưu điện; hoặc thư điện tử (có chữ ký điện tử) một (01) văn bản thông báo đăng ký giá thuê đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư liên tịch này.

4. Khi có sự thay đổi, biến động các yếu tố hình thành giá thuê và chế độ chính sách của Nhà nước tác động đến giá thuê, trường hợp tổ chức, cá nhân điều chỉnh lại giá thuê thì thực hiện thông báo đăng ký lại giá thuê đã được điều chỉnh theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 7. Hiệp thương giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Hiệp thương giá chi thực hiện đối với giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung thuộc thẩm quyền quyết định giá của tổ chức, cá nhân.

2. Nội dung, trình tự hiệp thương giá thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá.

Điều 8. Niêm yết giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Tổ chức, cá nhân phải niêm yết giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung bằng Đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc niêm yết giá thuê phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do Nhà nước định giá thì niêm yết giá thuê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định gắn với chất lượng, thông số kinh tế – kỹ thuật chủ yếu và thực hiện đúng giá niêm yết.

Ngoài hình thức niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch, tổ chức, cá nhân lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác.

3. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do tổ chức, cá nhân định giá thì niêm yết giá thuê do tổ chức, cá nhân đã thông báo đăng ký giá thuê với cơ quan có thẩm quyền gắn với chất lượng, thông số kinh tế – kỹ thuật chủ yếu, điều kiện áp dụng giá và không được cho thuê cao hơn giá đã niêm yết.

Điều 9. Kiểm tra yếu tố hình thành giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá thuê thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước;

b) Khi giá thuê có biến động bất thường và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá thuê đối với công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung thuộc thẩm quyền định giá của mình.

4. Nội dung, trình tự kiểm tra yếu tố hình thành giá thuê thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá.

Điều 10. Quy định miễn, giảm giá thuê phục vụ hoạt động công ích quốc phòng, an ninh

1. Hoạt động công ích phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp miễn, giảm giá thuê; phương án miễn, giảm giá thuê cụ thể cho từng đối tượng theo quy định của cấp có thẩm quyền.

3. Cơ chế tài chính đối với trường hợp miễn, giảm giá thuê phục vụ hoạt động công ích quốc phòng, an ninh: thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

MỤC 2. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THUÊ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHUNG

Điều 11. Phương pháp xác định giá thuê

1. Phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung quy định tại Thông tư liên tịch này bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

2. Căn cứ vào tính chất đặc thù của công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, tình hình thị trường, tổ chức, cá nhân lựa chọn phương pháp xác định giá thuê phù hợp với công trình cần định giá.

Điều 12. Phương pháp chi phí

1. Các yếu tố hình thành giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung:

a) Chi phí đầu tư xây dựng công trình;

b) Chi phí quản lý vận hành (nếu có);

c) Chi phí bảo trì, bảo dưỡng;

d) Chi phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có);

d) Lợi nhuận dự kiến.

2. Công thức xác định giá thuê

Gt =

CPđt + CPvh + CPbtbd + CPk + LNdk

SLg

Trong đó: Gt là giá cho thuê trong 1 năm (đồng/đơn vị tính giá/năm). Trường hợp giá thuê theo tháng bằng giá thuê trong 1 năm chia 12 tháng.

a) CPđt: là chi phí đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (đồng/năm) được xác định bằng (=) tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình chia (:) số năm tính khấu hao công trình.

– Tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình: là toàn bộ chi phí hợp lý, hợp pháp thực hiện đầu tư xây dựng công trình và đưa công trình vào khai thác sử dụng theo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Trường hợp phải đưa công trình vào sử dụng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình, thì tổng chi phí đầu tư xây dựng tạm tính theo báo cáo quyết toán của chủ đầu tư; sau khi được cấp có thẩm quyền quyết toán vốn đầu tư công trình, điều chỉnh chi phí đầu tư xây dựng công trình theo số được quyết toán.

– Số năm tính khấu hao: tính theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung chỉ theo dõi hao mòn ghi sổ hạch toán, CPđt là chi phí gia công, lắp đặt hạng mục có liên quan đến công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (đồng/năm).

b) CP­vh: là chi phí quản lý vận hành hàng năm (đồng/năm), bao gồm:

– Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp, chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản trích nộp khác từ quỹ lương cho bộ máy thuộc đơn vị quản lý vận hành công trình. Chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở định biên cán bộ công nhân viên và mức lương, phụ cấp lương, các khoản trích nộp khác từ quỹ lương theo quy định hiện hành của nhà nước;

– Chi phí văn phòng phẩm, bàn ghế văn phòng làm việc, dụng cụ, vật rẻ tiền mau hỏng của đơn vị quản lý vận hành;

– Chi phí điện, nước sinh hoạt cho bộ máy văn phòng làm việc của đơn vị quản lý vận hành; chi phí khác liên quan đến quản lý vận hành;

– Chi phí khấu hao tài sản cố định của đơn vị quản lý vận hành. Việc quản lý, sử dụng khấu hao tài sản cố định được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trực tiếp quản lý vận hành, không thành lập bộ máy quản lý vận hành riêng thì chi phí quản lý vận hành xác định theo chi phí thực tế hợp lý phục vụ cho công tác quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

c) CP­btbd: là chi phí bảo trì, bảo dưỡng công trình bình quân năm (đồng/năm), bao gồm: toàn bộ chi phí cho việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất theo định mức kinh tế – kỹ thuật và quy định của pháp luật về bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo công trình hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng.

d) CPk: là chi phí thực tế hợp lý khác theo quy định của pháp luật nếu có (đồng/năm) liên quan trực tiếp đến giá cho thuê nhưng chưa được quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này.

đ) LNdk: là lợi nhuận hợp lý dự kiến trong giá thuê (đồng/năm) được xác định tối đa là 10% tổng chi phí từ điểm a đến điểm d khoản 2 Điều này.

e) SLg: là sản lượng tính giá được xác định trên cơ sở công suất thiết kế của công trình và công suất sử dụng thực tế phù hợp với tình hình thị trường. Đơn vị tính của sản lượng tính giá thuê là: dây, cáp; hoặc đường ống; hoặc cột; hoặc chiều dài công trình; hoặc diện tích thuê công trình hoặc đơn vị tính giá khác phù hợp với đặc điểm của từng công trình như: đường dây, cáp hoặc đường ống trên một đơn vị chiều dài công trình sử dụng chung,…

3. Trường hợp các khoản chi phí hình thành giá thuê tại khoản 2 Điều này có liên quan đến nhiều sản phẩm, dịch vụ khác thì phải được phân bổ chi phí cho các sản phẩm, dịch vụ khác theo tiêu thức thích hợp.

4. Không được tính vào giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bố trí; hao mòn tài sản ghi sổ hạch toán tài sản của đơn vị; các khoản ưu đãi như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật về quản lý thuế; các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá thành, giá bán sản phẩm, dịch vụ khác của doanh nghiệp.

Điều 13. Phương pháp so sánh

1. Khái niệm

Phương pháp so sánh là phương pháp xác định giá thuê không qua việc tiến hành phân tích, so sánh mức giá thuê gắn với các đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của công trình cùng loại hoặc công trình tương tự được giao dịch trên thị trường địa phương (nếu có) hoặc địa phương khác trong nước.

2. Công trình cùng loại với công trình cần tính giá thuê có sự giống nhau về các phương diện, bao gồm:

a) Đặc điểm kinh tế kỹ thuật của công trình (như vật liệu cấu thành, thông số kinh tế – kỹ thuật chủ yếu, chức năng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, tính chất cơ lý hóa và các tiêu chí khác có liên quan);

b) Quy cách, chất lượng công trình;

c) Vị trí công trình.

3. Công trình tương tự với công trình cần định giá thuê có các đặc trưng cơ bản giống nhau, bao gồm:

a) Có cùng chức năng, mục đích sử dụng; có đặc điểm kinh tế kỹ thuật tương tự (như được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương); có thông số kinh tế – kỹ thuật chủ yếu tương tự;

b) Quy cách, chất lượng tương đương nhau;

c) Vị trí công trình tương tự nhau.

4. Khi sử dụng phương pháp so sánh phải căn cứ vào các yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến giá trị của công trình cần định giá, gồm:

a) Mức giá thuê hiện đang giao dịch gắn với chất lượng công trình;

b) Điều kiện thuê (thời gian, hình thức thanh toán và các tiêu chí khác có liên quan);

c) Các đặc trưng cơ bản của công trình như đặc điểm tài sản, các thông số kỹ thuật chủ yếu, các yếu tố chi phí đầu vào;

d) Vị trí công trình, chất lượng công trình, thời gian sử dụng;

đ) Các tiêu chí khác có liên quan.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Bộ Tài chính

a) Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch này và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Chủ trì tổ chức hiệp thương giá theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch này và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Phối hợp với cơ quan chủ trì tổ chức hiệp thương giá theo quy định pháp luật.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch này và các văn bản pháp luật có liên quan.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cụ thể các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch này và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Sở Tài chính chủ trì tiếp nhận văn bản thông báo đăng ký giá thuê của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung tại đô thị trong phạm vi địa phương; chủ trì, phối hợp với các Sở quản lý chuyên ngành xem xét, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của thông báo đăng ký giá thuê. Sau đó Sở tài chính có trách nhiệm gửi 01 bản sao (bản photo) thông báo đăng ký giá thuê về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Xây dựng (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Kinh tế xây dựng), Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông).

c) Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hiệp thương giá theo thẩm quyền; kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá tại Thông tư liên tịch này và các văn bản pháp luật có liên quan.

5. Tổ chức, cá nhân

a) Chấp hành quy định về quản lý giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung tại Thông tư liên tịch này, quy định của pháp luật về quản lý giá và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin có liên quan đến giá thuê khi cơ quan nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân báo cáo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các số liệu, tài liệu báo cáo.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông để được xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
THỨ TRƯỞNG

Lê Nam Thắng

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ XÂY DỰNG
THỨ TRƯỞNG

Cao Lại Quang

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Hiếu

 Nơi nhận:
– Ban Bí thư TW, Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– VP Tổng Bí thư; VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TTTT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp;
– Công báo;
– Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ TTTT;
– Các đơn vị thuộc BTC, BXD, BTTTT;
– Lưu: Bộ Tài chính (VT, QLG); Bộ Xây dựng (VT, Vụ KTXD, Cục QLCSHT); Bộ Thông tin và Truyền thông (VT, Cục VT).

 

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTT ngày 30/12/2013 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông)

TÊN ĐƠN VỊ THỰC HIỆN THÔNG BÁO ĐĂNG KÝ GIÁ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ………/………..
V/v Thông báo đăng ký giá thuê CTHTKTSDC

………, ngày……. tháng…… năm…….

 

Kính gửi: … (Tên cơ quan tiếp nhận thông báo đăng ký giá thuê)

Thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng – Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung;

… (tên đơn vị) thông báo đăng ký mức giá thuê … (tên công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung) áp dụng từ ngày …./…./…. Thông báo đăng ký giá kèm theo văn bản này.

… (tên đơn vị) báo cáo và chịu trách nhiệm về nội dung Thông báo đăng ký giá thuê theo đúng quy định pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu:

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)

 

TÊN ĐƠN VỊ THỰC HIỆN THÔNG BÁO ĐĂNG KÝ GIÁ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 

………, ngày……. tháng…… năm…….

 

THÔNG BÁO ĐĂNG KÝ GIÁ THUÊ

– Tên công trình:…………………………………………………………………………………………………….

1. Bảng tổng hợp giá thuê:

STT

Tên công trình

Chất lượng/thông số KTKT chủ yếu

Đơn vị tính

Mức giá hiện hành

Mức giá mới (điều chỉnh)

1

Cột treo cáp Bê tông… đ/dây cột/tháng hoặc đ/ cột năm hoặc…

2

Cống cáp Bê tông… đ/dây.km/tháng hoặc đ/ống.m/tháng hoặc …

2. Chi tiết yếu tố chi phí hình thành giá thuê

STT

Khoản mục chi phí

ĐVT

Thành tiền

Ghi chú

1

Sản lượng

2

Chi phí

a

Chi phí đầu tư xây dựng công trình

b

Chi phí quản lý vận hành (nếu có)

c

Chi phí bảo trì, bảo dưỡng

d

Chi phí khác (nếu có)

đ

Lợi nhuận dự kiến

3

Giá thuê chưa thuế

4

Thuế giá trị gia tăng (nếu có)

5

Giá thuê (đã có thuế)

So sánh với giá thuê của công trình tương tự hoặc công trình cùng loại (nếu có).

3. Điều kiện áp dụng để làm cơ sở thỏa thuận mức giá thuê cụ thể với khách hàng.

4. Thời gian áp dụng (ghi cụ thể áp dụng từ ngày… tháng… năm… thay thế Thông báo đăng ký giá thuê tại công văn số … /… ngày… tháng… năm… của… (tên đơn vị)./.

 

 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ, NGUYÊN TẮC KIỂM SOÁT GIÁ VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THUÊ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHUNG DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH – BỘ XÂY DỰNG – BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT Ngày hiệu lực 01/03/2014
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày đăng công báo 20/01/2014
Lĩnh vực Tài chính công
Xây dựng
Ngày ban hành 30/12/2013
Cơ quan ban hành Bộ tài chính
Bộ xây dựng
Bộ thông tin và truyền thông
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản