Thông tư liên tịch 32/2009/TTLT-BLĐTBXH-BNV hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo trợ xã hội công lập do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Bộ Nội vụ ban hành

Hiệu lực: Hết hiệu lực Ngày có hiệu lực: 15/11/2009

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ NỘI VỤ
————-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————-

Số: 32/2009/TTLT-BLĐTBXH-BNV

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2009

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ ĐỊNH MỨC CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CỦA CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 05 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 68/2008/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức và định mức cán bộ, nhân viên của cơ sở bảo trợ xã hội công lập như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ sở bảo trợ xã hội công lập, do cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ của cơ sở bảo trợ xã hội công lập

1. Tiếp nhận, quản lý các đối tượng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP bao gồm:

a) Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

b) Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định cho từng thời kỳ) thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

c) Người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ thuộc hộ gia đình nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

d) Người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

đ) Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, thuộc hộ gia đình nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống.

e) Các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp: Trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

g) Những người không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội nêu tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều này nhưng không có điều kiện sống ở gia đình và có nhu cầu vào sống ở cơ sở bảo trợ xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí.

h) Các đối tượng xã hội khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

2. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng (đối với cơ sở bảo trợ xã hội công lập có nhiệm vụ phục hồi chức năng): phải có cán bộ y tế, trang thiết bị dụng cụ y tế, thuốc điều trị và phục hồi chức năng phù hợp.

3. Tổ chức học văn hóa, học nghề.

Cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm cho trẻ em đang nuôi dưỡng được học văn hóa trong các trường phổ thông công lập, dân lập hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc tại cơ sở bảo trợ xã hội; việc học nghề thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67/2007/NĐ-CP).

4. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí

Cơ sở trang bị tủ sách, phòng đọc; cung cấp sách, báo, tạp chí, đài, ti vi để đáp ứng nhu cầu về giải trí và thông tin cho các đối tượng; hàng tuần tổ chức hoạt động dạy hát, dạy nhạc hoặc sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với sức khỏe cho từng đối tượng.

5. Nuôi dưỡng

Cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm chất lượng các bữa ăn hàng ngày cho đối tượng nuôi dưỡng. Ngoài chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP , cơ sở bảo trợ xã hội huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và tổ chức lao động tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho đối tượng.

6. Cung cấp dịch vụ về công tác xã hội theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP bao gồm:

a) Tư vấn, tham vấn để giải quyết sự căng thẳng về quan hệ, tình cảm và trợ giúp tiếp cận các dịch vụ xã hội; tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi để tìm ra khó khăn và cách thức giải quyết khó khăn; trợ giúp về thức ăn, chỗ ở tạm thời; hỗ trợ khám, chữa bệnh và học tập; trợ giúp học nghề, tìm việc làm, nâng cao thu nhập và vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần;

b) Nâng cao năng lực cho cán bộ liên quan ở cộng đồng, thành viên các gia đình để họ tự giải quyết các vấn đề phát sinh, vượt qua hoàn cảnh khó khăn;

c) Tổ chức các hoạt động trợ giúp cộng đồng, nâng cao năng lực phát hiện vấn đề, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực thông qua các chương trình, dự án; tổ chức thực hiện kế hoạch có sự tham gia của người dân, người cao tuổi, người tàn tật và trẻ em, thúc đẩy cộng đồng phát triển.

Điều 3. Quyền hạn của các cơ sở bảo trợ xã hội công lập

1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc cơ sở bảo trợ xã hội; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội, chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên thuộc thẩm quyền quản lý của cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

2. Thực hiện tự chủ về biên chế cán bộ, nhân viên và kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo cơ sở bảo trợ xã hội công lập gồm có Giám đốc và các Phó giám đốc.

2. Cơ cấu tổ chức

a) Phòng Tổ chức – Hành chính;

b) Phòng Nghiệp vụ;

c) Các phòng, khoa hoặc bộ phận có tên gọi khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cơ sở bảo trợ xã hội công lập, căn cứ vào nhiệm vụ, quy mô, số lượng đối tượng nuôi dưỡng và số lượng cán bộ, nhân viên, để quy định cơ cấu tổ chức thành các phòng, khoa hoặc bộ phận cho phù hợp.

Điều 5. Định mức cán bộ, nhân viên

1. Lãnh đạo cơ sở bảo trợ xã hội công lập gồm Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.

2. Mỗi phòng nghiệp vụ gồm Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các nhân viên. Số lượng nhân viên của mỗi phòng nghiệp vụ được xác định theo vị trí công tác và khối lượng công việc thực tế phải đảm nhiệm.

3. Số lượng cán bộ, nhân viên trực tiếp làm các nhiệm vụ: chăm sóc các đối tượng, làm công tác dinh dưỡng, làm công tác phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy nghề được tính theo định mức quy định tại Điều 13 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và phù hợp với nhiệm vụ, số lượng đối tượng đang chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội và khả năng ngân sách của địa phương.

4. Biên chế cán bộ, nhân viên còn lại, ngoài quy định tại khoản 3 Điều này của cơ sở bảo trợ xã hội công lập được xác định vị trí công tác của các chức danh nhưng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ, ngành có cơ sở bảo trợ xã hội công lập và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ:

a) Rà soát lại nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức cán bộ, nhân viên của các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để xây dựng phương án kiện toàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng quản lý cán bộ, nhân viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc, bảo đảm cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động có hiệu quả.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2009.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ

Trần Văn Tuấn

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Nguyễn Thị Kim Ngân

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc CP;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Các đơn vị, Website thuộc Bộ LĐTBXH và Bộ Nội vụ;
– Lưu: BLĐTBXH (VT, cục BTXH),
Bộ Nội vụ (VT, Vụ TCBC).

 

Thông tư liên tịch 32/2009/TTLT-BLĐTBXH-BNV hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo trợ xã hội công lập do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – Bộ Nội vụ ban hành
Số, ký hiệu văn bản 32/2009/TTLT-BLĐTBXH-BNV Ngày hiệu lực 15/11/2009
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bộ máy nhà nước, nội vụ
Ngày ban hành 21/09/2009
Cơ quan ban hành Bộ lao động-thương binh và xã hội
Bộ nội vụ
Tình trạng Hết hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản