TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 142:2006 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG THẢO QUẢ DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
04TCN 142:2006
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG THẢO QUẢ
1. QUY ĐỊNH CHUNG.
1.1. Nội dung, mục tiêu
Quy trình này quy định những nguyên tắc, nội dung và yêu cầu kỹ thuật trồng thảo quả để lấy quả, từ khâu xác định điều kiện gây trồng, sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ đến khâu thu hái, sơ chế và bảo quản quả thảo quả.
1.2. Đối tượng, phạm vi
Quy trình này áp dụng cho mọi thành phần kinh tế có nhu cầu trồng Thảo quả ở các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự.
2. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG
2.1.Khí hậu: Thảo quả thích hợp với khí hậu vùng nhiệt đới núi cao.
– Nhiệt độ trung bình năm: 150C-200C.
– Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất: 90C.
– Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất: 200C.
– Lượng mưa trung bình năm: trên 1.800 mm.
– Độ ẩm không khí trung bình: trên 85%.
– Số ngày có sương mù: trên 150 ngày/năm.
2.2.Địa hình và đất đai:
– Độ cao từ 1.000-2.000 m so với mực nước biển.
– Đất ferralit mùn trên núi cao, tầng đất mặt có màu xám đen, hàm lượng mùn trên 7%, thành phần cơ giới trung bình, tơi xốp, độ ẩm cao, chua yếu (pH từ 4,2 – 5,3).
2.3. Thực bì:
Thảo quả trồng thích hợp ở dưới tán rừng trồng, rừng tự nhiên, có nhiều cây gỗ lá rộng, thường xanh che bóng, chiều cao vút ngọn trung bình trên 8 m, chiều cao dưới cành trung bình trên 5 m, độ tàn che 0,4 – 0,6.
3. SẢN XUẤT CÂY GIỐNG
3.1. Sản xuất cây giống từ hạt
3.1.1. Hạt giống
– Hạt giống được thu hái từ khóm cây mẹ từ 7-10 tuổi, có 5-10 nhánh, cây sinh trưởng phát triển tốt, có chiều cao trung bình trên 2m, thân khí sinh mập, các cây trong khóm sai quả (từ 25 quả/chùm trở lên), năng suất ổn định.
– Thời gian thu hái: Quả chín từ tháng 10 đến tháng 11, khi vỏ quả chuyển từ màu vàng sang màu nâu đỏ hay nâu xám.
– Chọn quả to, đều, có đường kính quả trên 2,5 cm.
– Sau khi thu hái, quả được tách bỏ vỏ, chà sát cho sạch lớp áo xơ của hạt, chọn hạt chắc. Hạt sau khi chế biến tốt nhất là đem gieo ngay. Nếu không gieo ngay, có thể bảo quản lạnh ở nhiệt độ 50C – 80C hoặc ủ cả quả trong đất hoặc cát ẩm với tỷ lệ 1 hạt/3 cát, để ở nơi râm mát trong thời gian không quá 3 tháng.
3.1.2. Vườn ươm và làm đất
1).Chọn địa điểm lập vườn ươm:
– Nơi lập vườn ươm có điều kiện khí hậu, đất đai tượng tự như điều kiện gây trồng (mục 2), thông thoáng, thoát nước tốt, gần nguồn nước tưới, gần hiện trường trồng rừng, thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ.
– Có thể lập vườn ươm nhỏ, tạm thời ngay trong rừng trồng thảo quả hoặc ngoài rừng.
2). Chuẩn bị đất gieo :
– Luống gieo rộng 1,0 m, dài tuỳ điều kiện cho phép, cao 15-20 cm, rãnh luống rộng 35 – 40cm.
– Đất trên mặt luống được cuốc sâu khoảng 20 cm, đập đất nhỏ đường kính dưới 5mm, làm sạch cỏ, loại bỏ các tạp vật, trộn đều với phân chuồng hoai (liều lượng 1kg/1m2 ) và phân NPK tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5 (liều lượng 80 gam/1m2), san phẳng.
– Trước khi gieo 5-7 ngày, đất được xử lý bằng Benlát nồng độ 0,5% với liều lượng 0,5 lít/1m2 để chống nấm.
3). Tạo bầu để gieo hạt:
– Tạo bầu: vỏ bầu bằng polyetylen có đáy hoặc không đáy, kích thước bầu 9 x 12 cm. Thành phần ruột bầu gồm: 94-95% đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc thịt trung bình, hàm lượng mùn cao, độ pH từ 5-6, đất được đập nhỏ, đường kính dưới 1 cm, nhặt hết cỏ, tốt nhất là đất được lấy từ lớp đất mặt trong rừng trồng thảo quả trộn với 5% phân chuồng hoai, 1-2% phân NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5).
– Tạo luống đặt bầu: dẫy sạch cỏ, san phẳng và lên luống rộng 1m, chiều dài luống tuỳ theo điều kiện cụ thể, rãnh luống rộng 50 cm, nện chặt mặt luống. Trước khi đặt bầu 5-7 ngày phun Benlát nồng độ 0,5% với liều lượng 0,5 lít/1m2 diệt trừ nấm và sâu bệnh. Tuỳ mức độ thoát nước của vườn mà luống được đắp nổi hay ngang bằng với mặt đất.
– Đóng và xếp bầu: trộn đều hỗn hợp ruột bầu theo tỷ lệ nói trên, cho đất vào đáy bầu khoảng 2-3 cm, lèn chặt để định hình bầu và giữ đất trong bầu không bị rơi ra. Sau đó cho đất đầy tới miệng bầu. Bầu sau khi được đóng xếp sát nhau trên luống. Chung quanh luống đắp gờ cao 5-6 cm để giữ ẩm và giữ bầu không bị đổ.
3.1.3.Xử lý và gieo hạt
1) Xử lý hạt: hạt được gieo ươm trước khi trồng 9-12 tháng, tốt nhất là vào vụ đông- xuân từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
– Trường hợp gieo hạt ngay sau khi thu hái: có thể gieo hạt không qua sử lý hoặc sử lý bằng cách ngâm hạt trong nước lã từ 4-6 giờ, vớt ra rửa sạch cho vào cát ẩm ủ với tỷ lệ 1 hạt/3 cát theo khối lượng. Khi nứt nanh đem gieo trên luống.
– Trường hợp gieo hạt đã qua bảo quản: trước khi gieo, xử lý hạt bằng cách ngâm hạt trong nước ấm khoảng 400C (2 sôi + 3 lạnh) từ 6 đến 8 giờ, sau đó vớt ra, rửa sạch bằng nước lã và cho vào trong cát ẩm ủ, đến khi nứt nanh đem gieo như trường hợp gieo hạt ngay sau khi thu hái.
2) Gieo hạt:
a) Gieo hạt trực tiếp vào luống đất:
– Trường hợp gieo để lấy cây mạ cấy vào bầu thì lượng hạt gieo là 1kg hạt/1 m2
– Trường hợp gieo để lấy cây con đem trồng bằng rễ trần thì khoảng cách giữa các hạt gieo sẽ là 10×10 cm hoặc 10 x 20 cm.
– Dùng đất mịn rắc đều phủ kín hạt giống dày 0,5 cm, rồi phủ một lớp cỏ hoặc rơm rạ lên trên.
– Dùng ô doa có lỗ nhỏ hoặc bình phun thuốc trừ sâu đã rửa sạch để tưới, bảo đảm cho đất luôn đủ ẩm. Nếu thời tiết khô hanh có thể tưới 2 lần/ngày.
– Làm dàn che với độ che từ 0,4-0,6.
– Làm cỏ 10-15 ngày 1 lần trong 2 tháng đầu.
– Khi cây mầm cao 5-7 cm, có 2-3 lá, chọn mầm khỏe cấy vào bầu.
b) Gieo hạt trực tiếp vào bầu:
Hạt sau khi được xử lý hoặc nứt nanh đem gieo trực tiếp vào bầu, dùng đất mịn phủ kín hạt dày khoảng 0,5 cm, rồi phủ trên mặt luống bầu một lớp cỏ hoặc rơm rạ.
Việc che bóng và chăm sóc thực hiện theo quy định tại điểm a) trên đây.
3) Cấy cây mầm vào bầu:
– Tưới nước cho bầu đủ ẩm trước khi cấy 1 ngày, xếp lại các bầu bị nghiêng đổ, bổ sung đất vào những bầu bị vơi đất.
– Tưới nước vào luống gieo cây mầm cho thật ẩm trước khi nhổ cây mầm đem đi cấy.
– Cây mầm sau khi nhổ được đựng vào khay có chứa nước.
– Cây cấy vào bầu sao cho rễ ở tư thế tự nhiên, tiếp xúc tốt với đất, cây thẳng, không bị dập nát. Cấy cây vào lúc thời tiết râm mát.
– Cấy xong cần tưới nhẹ bằng nước sạch. Sau khi cấy 7-10 ngày tiến hành cấy dặm vào bầu có cây chết.
3.1.4.Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây con.
1) Chăm sóc cây con:
– Trong 30 ngày đầu sau khi gieo hoặc cấy, nếu trời khô hanh (không có mưa) cây mầm cần được tưới nước 2 lần / ngày. Sau đó tưới 1 lần/ ngày (tuỳ theo điều kiện thời tiết cụ thể). Trước khi đem đi trồng 10-15 ngày thì ngừng tưới.
– Làm cỏ, phá váng thường xuyên (15-20 ngày/1 lần).
– Đối với cây con được nuôi dưỡng trong bầu, sau 3 tháng, cần phân loại, xếp cây có cùng kích thước vào một luống để có chế độ chăm sóc thích hợp, trước khi đem trồng 15-30 ngày cần đảo bầu.
– Có thể bón thúc cho cây 2 lần bằng phân NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5), nồng độ 2-3%, liều lượng 2 lít/1 m2. Lần 1 tưới khi cây đạt 6 tháng tuổi, lần 2 khi cây đạt 9-12 tháng tuổi. Sau khi tưới phân phải tưới nước sạch rửa lá. Không bón phân vào ngày mưa nhiều.
2) Phòng trừ sâu bệnh: thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh để phòng chống kịp thời. Nếu xuất hiện nấm tiến hành phun Benlát nồng độ 0,1% với liều lượng 1 lít/10m2.
3.1.5. Tiêu chuẩn cây con đem trồng
– Tuổi cây: 12-24 tháng tuổi;
– Chiều cao từ 25 cm trở lên;
– Đường kính cổ rễ từ 0,5 cm trở lên, có ít nhất 5 lá.
– Cây không bị đứt rễ, không bị sâu bệnh, dập nát.
– Trước khi xuất cây con đem trồng, phải tưới cho luống bầu đủ ẩm. Sau đó bứng hoặc nhấc từng bầu xếp vào khay cho bầu thẳng đứng. Tránh làm vỡ bầu, dập nát thân cây, đứt rễ trong quá trình bốc xếp và vận chuyển. Những cây khoẻ mạnh nhưng còn nhỏ chưa đủ tiêu chuẩn đem trồng được tập trung một chỗ, tiếp tục chăm sóc để trồng sau.
– Cây con xuất khỏi vườn ươm tốt nhất là trồng ngay. Trong trường hợp không trồng ngay, cần chọn nơi râm mát để lưu cây và tưới nước đủ ẩm. Thời gian lưu cây không quá 7 ngày.
3.2. Sản xuất cây giống từ hom gốc
3.2.1. Chọn khóm cây mẹ lấy hom:
Hom gốc được tách từ khóm cây mẹ có tiêu chuẩn quy định như cây lấy hạt giống (mục 3.1.1.).
3.2.2. Chọn hom gốc:
Chọn hom gốc non hoặc bánh tẻ, có từ 2 mắt mầm trở lên, chiều dài mắt mầm dưới 5 cm, mắt mầm và thân hom tươi, không bị dập nát.
3.2.3. Tách và chăm sóc hom gốc:
– Từ khóm cây mẹ đã được chọn, tách hom gốc có phần hân ngầm dài từ 7-10 cm. Thời gian tách hom từ tháng 11 năm trước đến tháng 9 năm sau. Số hom tách ra không quá 1/3 số cây trong khóm.
– Nếu cây quá cao thì cắt bỏ phần ngọn để lại phần gốc có chiều cao từ 35-45 cm.
– Nếu bộ rễ quá dài có thể cắt ngắn còn khoảng 15-20 cm.
– Nếu có điều kiện, nên hồ rễ với hỗn hợp đất hoà loãng với nước trước khi trồng. Tốt nhất tách hom gốc ngày nào trồng ngay vào ngày đó.
– Nếu chưa trồng ngay, phải giâm hom gốc trong đất ẩm, dưới độ tàn che khoảng 0,4- 0,6, tốt nhất giâm ngay trong rừng trồng thảo quả.
4. KỸ THUẬT TRỒNG
4.1. Phương thức trồng
Thảo quả có thể trồng theo đám dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng, ở những nơi có đủ điều kiện gây trồng như quy định ở mục 2.
4.2. Thời vụ trồng
– Trồng bằng hom gốc: vụ xuân từ tháng 1 đến tháng 4.
– Trồng bằng cây con rễ trần hoặc cây con có bầu ươm từ hạt
+ Vụ xuân: từ tháng 1 đến tháng 4.
+ Vụ hè thu : từ tháng 6 đến tháng 9.
Chọn ngày râm mát để trồng.
4.3. Mật độ trồng
– Mật độ trồng: 1100 cây/ha (cự ly 3 x3 m); 1660 cây/ha (cự ly 2×3 m); 2500 cây/ha (cự ly 2×2 m).
4.4. Xử lý thực bì
4.4.1.Đối với rừng tự nhiên:
Xử lý thực bì theo đám,. trên đám trồng, phát toàn bộ thảm tươi, cây bụi, dây leo, bụi rậm dưới tán rừng, băm nhỏ rồi rải đều trên mặt đất hoặc gom lại 1 chỗ để đắp vào gốc cây mới trồng, để lại cây gỗ và cây gỗ tái sinh có giá trị. Rẫy, phát cỏ và cuốc xới xung quanh hố trồng đường kính rộng 1,0-1,2m. Điều chỉnh độ tàn che của tầng cây cao như quy định ở mục 2.
4.4.2.Đối với rừng trồng:
Phát toàn bộ thảm tươi, cây bụi, dây leo, bụi rậm dưới tán rừng, băm nhỏ, rải đều trên mặt đất hoặc gom lại 1 chỗ để đắp vào gốc cây mới trồng. Điều chỉnh độ tàn che của rừng như quy định ở mục 2. Rẫy, phát cỏ và cuốc xới xung quanh hố trồng đường kính rộng 1,0-1,2m hoặc theo rạch có bề rộng 1 m.
4.5. Làm đất
Làm đất cục bộ trước khi trồng ít nhất là 20 – 30 ngày.
– Cuốc hố: hố được bố trí theo hàng song song với đường đồng mức. Khi cuốc hố, để riêng lớp đất mặt 1 bên ở phía trên dốc.
+ Kích thước hố 30x30x30 cm cho trồng bằng hom gốc và cây con gieo từ hạt có bầu.
+ Kích thước hố 20x20x20 cm cho trồng bằng cây con gieo từ hạt rễ trần .
– Bón lót phân NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5) bón 200 gam/cây.
– Lấp toàn bộ lớp đất mặt đã loại bỏ rễ cây, sỏi, đá trước khi trồng ít nhất là 7-15 ngày.
4.6. Trồng cây
4.6.1.Trồng bằng hom gốc:
Dùng cuốc, moi đất, khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt hom cây. Đặt cây hom đúng giữa hố, nghiêng 1 góc 25-300 so với phương thẳng đứng, lấp đất đầy hố, lèn chặt xung quanh gốc, không lấp đất quá cổ rễ và tránh làm tổn thương đến mắt mầm.
4.6.2.Trồng bằng cây con từ hạt được nuôi dưỡng trong bầu:
Dùng cuốc moi đất khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt bầu cây. Rạch bỏ vỏ bầu, đặt bầu cây thẳng đứng trong lòng hố, lấp đất, lèn chặt gốc.
4.6.3. Trồng bằng cây con rễ trần:
Dùng cuốc moi đất khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt cây, đặt cây thẳng đứng trong lòng hố sao cho rễ cây không bị gấp, quăn, lấp đất, lèn chặt gốc, không lấp đất sâu quá cổ rễ. Cắm que giữ cho cây thẳng đứng.
4.7. Chăm sóc sau khi trồng
4.7.1.Chăm sóc khi cây chưa cho quả
– Số lần chăm sóc:
+ Năm đầu: nếu trồng vào vụ xuân chăm sóc 2 lần, nếu trồng vào vụ thu, chăm sóc 1 lần, lần chăm sóc đầu tiên được tiến hành sau khi trồng 1-2 tháng.
+ Các năm tiếp theo, mỗi năm chăm sóc 2-3 lần vào các tháng 3, 7, 11.
– Nội dung chăm sóc: phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn, xới đất xung quanh bụi thảo quả với đường kính rộng từ 1,0- 1,5m. Chú ý không được làm tổn thương đến mầm cây đang sinh trưởng dưới mặt đất. Bón thúc được kết hợp với lần chăm sóc đầu tiên trong năm, liều lượng bón thúc là 0,1 kg NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5)/khóm. Lần chăm sóc đầu tiên kết hợp kiểm tra cây chết để trồng dặm. Khi trồng dặm phải chọn cây tốt có kích thước tương đương với cây đã trồng.
Nếu trồng bằng thân ngầm sau 2-3 năm bắt đầu cho quả. Nếu trồng bằng cây con gieo ươm từ hạt, sau 3-4 năm cho quả. Từ năm thứ 5 trở đi cho quả nhiều.
4.7.2. Chăm sóc khi cây cho quả
– Số lần chăm sóc: mỗi năm 2 lần vào các tháng 3 và tháng11.
– Nội dung chăm sóc:
+ Lần 1: phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn. Vun đất xung quanh bụi thảo quả, đường kính từ 1,0- 1,5m, kết hợp với bón phân NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5), 0,1 kg/khóm. Chú ý không được làm tổn thương đến mầm cây đang sinh trưởng dưới mặt đất.
+ Lần 2: phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn, chặt bỏ thân khí sinh già kết hợp với bón thúc đón chồi bằng phân NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5), 100-200gam/khóm hoặc bón tro và phân gà hoai, 0,5 kg/khóm.
Để cây sai quả cần bón thêm phân vi lượng MD 95 qua lá bằng cách hoà phân vào nước với nồng độ 10g/10 lít nước sạch và phun lên mặt lá, lượng tưới 1 lít dung dịch/1m2 tán lá.
4.8. Bảo vệ
– Chống người và gia súc phá hoại cây trồng.
– Phòng chống cháy rừng.
5. THU HÁI VÀ BẢO QUẢN QUẢ
5.1. Kỹ thuật thu hái quả
– Thời gian thu hoạch chính vào tháng 8 đến tháng 10, khi quả chín, vỏ quả chuyển từ màu vàng sang màu đỏ thẫm.
– Dùng dao sắc, cắt lấy chùm quả, sau đó tách quả.
5.2. Sơ chế và bảo quản quả
5.2.1. Sơ chế quả:
Có thể sơ chế bằng các cách sau:
+ Sơ chế bằng sấy khô: quả tươi được đặt lên giàn sấy thành một lớp dầy từ 5-10 cm. Đốt lửa dưới lò, ngọn lửa luôn được duy trì và kiểm soát không để bị cháy giàn sấy. Đảo quả 5-7 lần/ngày. Sau 36-48 giờ ( khi quả khô khoảng 50%) phủ lá cây thảo quả lên . Thời gian sấy trung bình khoảng 72 giờ.
+ Sơ chế bằng phơi nắng: quả tươi được rải trên sàn phơi, hàng ngày, đảo quả 3-5 lần. Thời gian phơi tuỳ thuộc vào thời tiết.
+ Sơ chế bằng ngâm trong nước sôi: quả tươi cho vào nước sôi 2-3 phút rồi vớt ra, rải đều cho ráo vỏ và đem phơi hoặc sấy khô.
5.2.2. Bảo quảnؠquả:
Quả khô, để nguội cho vào túi ni lôngؠbuộc chặt đểؠtrên gác bếpؠhoặcؠsàn nhà nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Thỉnh thoảng phải kiểm tra, nếu phát hiện thảo quả bị ẩm phải mang phơi hoặc sấy ngay.
TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 142:2006 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG THẢO QUẢ DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 04TCN142:2006 | Ngày hiệu lực | 29/12/2006 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 29/12/2006 |
Cơ quan ban hành |
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Tình trạng | Không xác định |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |