TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 449:2001 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH CÂY DÂU LAI F1 TRỒNG BẰNG HẠT DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH

Hiệu lực: Hết hiệu lực Ngày có hiệu lực: 05/01/2002

TIÊU CHUẨN NGÀNH

10 TCN 449:2001

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH CÂY DÂU LAI F1 TRỒNG BẰNG HẠT
The technical procedure for planting, caring and harvesting of hybridized mulberry race
(Ban hành theo quyết định số: 121/2001/QĐ/BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 21 tháng 12 năm 2001)

1. Phạm vi áp dụng:

Qui trình này áp dụng cho tất cả các vùng trồng cây dâu lai F1.

2. Qui trình kỹ thuật:

2.1. Mục tiêu kinh tế:

– Sau khi trồng cây dâu được hai năm thì sẽ cho năng suất lá ổn định.

– Năng suất lá bình quân trên 1 hecta trong một năm sẽ đạt 40-45 tấn.

2.2. Chuẩn bị đất trước khi trồng:

2.2.1. Chọn đất để trồng dâu:

– Qui hoạch đất trồng dâu thành vùng tập trung để tiện lợi trong công tác quản lý.

– Vùng đồng bằng cần chọn loại đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ, thoát nước, tầng đất dày 0,7 m, mạch nước ngầm từ 1,20-3,0 m.

– Vùng đồi núi có độ dốc dưới100.

– Đất trồng ở cách xa các khu sản xuất gạch ngói, khu trồng cây thuốc lá, thuốc lào từ 1000 m trở lên. Cách xa nhà máy sản xuất nhôm 10.000 m….

– Đất nhiễm mặn thì hàm lượng muối tổng số phải nhỏ hơn 0,3%.

– Đất có độ pHkcl từ 5-7.

2.2.2. Điều chỉnh mặt bằng đất:

– Trước khi trồng cần phải cày, bừa, nhặt sạch cỏ dại và điều chỉnh mặt bằng để ruộng dâu không bị đọng nước khi trời mưa. Nếu khu vực đất trồng dâu có diện tích lớn thì có thể phân ra thành một số lô nhỏ để thuận lợi cho việc điều chỉnh mặt bằng.

– Đối với đất đồi thì cần dựa vào độ dốc, độ dầy tầng đất canh tác mà phân chia ra từng khu vực riêng.

– Cần phải thiết kế đường đi, hệ thống mương tưới, tiêu nước.

2.3. Thời vụ trồng dâu:

– Vùng đồng bằng sông Hồng thời vụ trồng dâu tiến hành vào vụ xuân, vụ hè và vụ thu. ở đất bãi ven sông do bị ngập lũ nên vụ hè cần trồng vào thời điểm sau khi hết lũ.

– Đất nhiễm mặn nên trồng vào mùa mưa.

– Vùng Duyên Hải miền Trung và Cao nguyên Bảo Lộc thì thời vụ trồng dâu vào mùa mưa (tháng 8-10).

2.4. Tiêu chuẩn cây giống:

Cây dâu con được ươm từ hạt trước khi trồng phải đạt một số tiêu chuẩn sau:

– Tuổi cây dâu từ 60-70 ngày (gieo ở vụ hè); 80-90 ngày (gieo ở vụ xuân).

– Chiều cao cây từ 25-30 cm

– Đường kính thân cây (cách gốc 5 cm) là 0,2-0,3 cm.

– Cây dâu không bị sâu bệnh. Nếu cây dâu ươm ở trong dàn che thì phải đưa ra ngoài ánh sáng tự nhiên từ 10-15 ngày trước khi nhổ đem trồng.

2.5. Xử lý cây dâu trước khi trồng:

Cây dâu trồng ở vụ xuân hoặc vụ thu cần phải bấm ngọn, ngắt lá (chừa lại cuống) ở nửa đoạn về phía ngọn cây. Nếu trồng ở vụ hè thì phải cắt bỏ một nửa chiều cao cây.

2.6. Mật độ trồng:

– Đất đồng bằng thì khoảng cách trồng từ 1,30-1,20 m (hàng xhàng) và 0,20 m (cây x cây).

– Đất đồi, cao nguyên thì khoảng cách trồng là 1,10 -1,20 m (hàng x hàng) và 0,20 m (cây x cây).

2.7. Kỹ thuật trồng:

– Rãnh đào sâu 20 cm, rộng 20 cm. Bón lót phân hữu cơ, phân lân và kali xuống dưới đáy rãnh rồi lấp đất đầy rãnh.

– Lượng phân hữu cơ bón lót cho 1 hecta là 27-30 tấn, phân lân 800kg, phân kali 270kg.

– Trồng mỗi hốc từ 1-2 cây. Khi trồng hai cây một gốc thì khoảng cách giữa hai cây là 5 cm.

– Sau khi trồng dùng tay chèn chặt đất ở xung quanh gốc cây, vun đất vào gốc sao cho không để nước đọng ở gốc.

– Tưới nước kịp thời ngay sau khi trồng.

2.8. Chăm sóc cây dâu ở năm đầu:

– Trồng dâu ở thời điểm nóng, hạn ít mưa cần tưới nước định kỳ từ 3-4 ngày một lần kể từ khi trồng đến khi cây dâu mọc mầm.

– Sau khi các cây dâu đều đã nảy mầm, ra cành nhánh tiến hành kiểm tra phát hiện cây bị chết phải trồng dặm kịp thời.

– Cây dâu sau khi trồng được 30-45 ngày tiến hành bón thúc phân đạm. Lượng phân đạm urê cần bón là 500-540kg/ha. Bón theo hốc, cách gốc cây dâu 5 cm.

– Số lần bón thúc ở năm đầu tuỳ thuộc vào thời vụ trồng dâu. Trồng ở vụ xuân thì bón thúc 4 lần, ở vụ hè 3 lần, vụ thu 1 lần.

– Khai thác lá dâu ở ruộng dâu mới trồng cần dựa vào nguyên tắc “Khai thác là phụ, bồi dưỡng cây là chính”. Khi cây dâu sinh trưởng đạt chiều cao từ một mét trở lên thì có thể khai thác từ 30-40% lượng lá có trên cây. Tuyệt đối không hái lá khi cây dâu còn nhỏ.

2.9. Chăm sóc cây dâu đã định hình:

2.9.1. Đốn tạo hình:

– Đốn tạo hình cần tiến hành vào vụ đông và khi cây dâu đã sinh trưởng được từ 8-12 tháng tuổi. Những cây dâu do sinh trưởng kém, đường kính thân cây nhỏ hơn 0,5 cm thì để lại năm sau.

– Đốn tạo hình ở thân chính cách mặt đất từ 15-20 cm sau năm thứ nhất, vết đốn hơi vát. Vụ xuân năm thứ hai trên thân chính sẽ mọc ra một số mầm, khi mầm cao 30-40 cm tiến hành tỉa và chỉ chừa lại 3 mầm ở trên thân chính(cành cấp 1). Vụ đông năm thứ hai đốn tạo hình ở thân chính và cành cấp 1 chừa lại 20 cm so với thân cây. Vụ xuân năm thứ 3 tỉa định mầm chỉ chừa lại 3-4 mầm ở trên mỗi cành cấp 1, trên một cây dâu sẽ có từ 9-12 cành cho thu hoạch lá. Từ vụ đông năm thứ 3 trở đi, hàng năm vết đốn năm trước cách vết đốn của năm sau 3-4 cm.

2.9.2.Đốn hàng năm để thu hoạch lá:

– Đốn dâu ở vụ đông: tiến hành đốn vào thời điểm trước hoặc sau đông chí một tuần. Đốn ở vụ này cây dâu ít bị tác hại sinh lý, do đốn nhưng thời vụ cho lá dâu tập trung chủ yếu ở vụ hè.

– Đốn dâu ở vụ hè: tiến hành đốn vào tháng 5, thời vụ đốn thường nóng và mưa nhiều gây tác hại rất lớn đến sinh lý của cây dâu. Nhưng có ưu điểm là giảm lượng lá ở vụ hè, tăng lượng lá ở vụ xuân và vụ thu.

– Để hạn chế nhược điểm của đốn vụ hè, cần luân phiên hai thời kỳ đốn.

2.9.3. Bón phân cho cây dâu:

2.9.3.1. Phân hữu cơ:

– Lượng phân hữu cơ cần bón là 25-30 tấn /ha

– Thời vụ bón chủ yếu ở vụ đông, hoặc vụ hè.

– Phân hữu cơ được bón theo rạch, cách gốc 25-30cm, rãnh sâu 20-25 cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Các năm sau rãnh sẽ chuyển sang phía khác của tán cây.

2.9.3.2. Phân vô cơ:

– Cần phải bón cân đối giữa các loại phân vô cơ theo tỉ lệ N:P:K là 10:4:5 (với ruộng dâu nuôi kén ươm) và 5:3:4 (với ruộng dâu nuôi nuôi kén làm giống). Như vậy lượng phân tiêu chuẩn cụ thể bón cho 1 hecta là 500 kg urê, 510 kg lân và 230 kg kali.

– Phân đạm cần chia ra 6 lần bón: vụ xuân và vụ thu 2 lần, vụ hè 4 lần.

– Phương pháp bón theo hốc hoặc rạch. Sau mỗi lần bón phải cách ly 15-20 ngày mới thu hái lá cho tằm.

– Phân lân bón tất cả vào vụ đông cùng với phân hữu cơ. Phân kali chia hai lần bón (vụ đông và đầu vụ hè).

2.9.4. Phòng trừ sâu bệnh hại dâu:

1. Bệnh hại:

a, Bệnh nấm hại rễ:

– Bệnh nấm hại rễ gồm có hai loại:

Bệnh nấm tím (Helicobasidium mompa) và bệnh nấm trắng (Rosellinia necatrix Berlesse). Cây dâu bị bệnh này có triệu chứng lá nhỏ, toàn cây bị héo rũ rồi chết.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Kiểm tra đất trước khi trồng dâu, nếu đất có nguồn nấm bệnh phải bón vôi theo liều lượng 1000 kg/ha.

+ Không sử dụng cây dâu thực sinh có nấm bệnh. Nếu cần thì xử lý rễ cây trước khi trồng bằng dung dịch clorua đồng 1% hoặc nước vôi 20% trong 1 giờ .

+ Kiểm tra đồng ruộng phát hiện có cây bệnh thì lập tức đào bỏ cây đem đốt. Xử lý vôi bột ở gốc cây.

b, Bệnh do virus

– Bệnh virus hại cây dâu thường biểu hiện ở hai dạng: hoa lá (lá có đốm vàng xen kẽ màu xanh của lá) và xoăn lá. Bệnh thương phát triển mạnh ở điều kiện nhiệt độ từ 20-280C. Khi nhiệt độ cao trên 300C thì bệnh ủ lại ở trong cây mà không phát ra.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Khi nhân giống dâu theo phương pháp vô tính cần chọn nguồn hom ở ruộng dâu không nhiễm bệnh.

+ Tăng cường chăm sóc ruộng dâu: không để ruộng bị úng ngập, bón phân cân đối N, P, K.

+ Xử lý sớm cây dâu bị bệnh để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

+ Luân phiên thời vụ đốn dâu giữa vụ đông và vụ hè.

c, Bệnh bạc thau (Phyllactinia moricola).

Bệnh nấm này thường phát sinh ở thời kỳ ẩm độ cao, nhiệt độ thấp. Lá dâu bị bệnh nặng thì chất lượng lá giảm, lá có mùi hôi nên tằm không ăn.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Chọn giống chống bệnh.

+ Mật độ trồng dày hợp lý để tạo cho ruộng dâu thông thoáng .

+ Bón phân phối hợp N, P, K.

+ Vệ sinh đồng ruộng ở vụ đông

+ Phun thuốc hoá học:

* Dung dịch lưu huỳnh vôi nồng độ 0,3-0,40B

* Kasurane 0,2%

* PCP 1/100

Các loại thuốc trên tốt nhất phun ở mùa đông để diệt nguồn nấm bệnh ký sinh.

d, Bệnh gỉ sắt (Alcidium mori).

Bệnh này thường xuất hiện ở cuối vụ xuân, đầu vụ hè, khi lá bị bệnh lúc đầu có vết màu nâu nhạt sau chuyển thành màu vàng nâu giống gỉ sắt. Lá hoặc ngọn cành bị nhiễm bệnh thì uốn cong theo hình thù khác nhau và dễ gẫy.

Biện pháp phòng trừ tương tự như bệnh bạc thau.

e, Bệnh mề gà:

Bệnh mề gà hay còn gọi là bệnh cao dán do hai loại nấm gây ra, tạo nên vết bệnh có màu nâu hoặc màu tro. Vết bệnh màu nâu do nấm Septobasidium Tanakae, vết bệnh màu tro do nấm Septobasidium Bogoriense. Hai loại nấm này về hình thức ký sinh thì giống nhau nên nhìn bề ngoài rất khó phân biệt. Bệnh mề gà thường phát sinh trên cây dâu cùng với sự xuất hiện của Rệp vảy ốc ở cành dâu (Pseudaulacapsis Pentagona). Rệp vảy ốc tiết ra chất dịch giúp cho sợi nấm nảy mầm, rệp vẩy ốc là môi giới truyền bệnh mề gà.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng, tiêu nước kịp thời.

+ Dùng dao cạo sạch các vết bệnh rồi quét dung dịch lưu huỳnh vôi 0,50B hoặc nước vôi 20%.

+ Diệt trừ rệp vảy ốc bằng dung dịch xà phòng và dầu hoả. Pha theo tỉ lệ 2 cân xà phòng bột với một lít dầu hoả và 25 lít nước. Dùng vải thấm dung dịch xoa trên thân cành dâu có Rệp.

.2. Sâu hại cây dâu:

Cây dâu thường bị một số loại sâu hại lá, hại thân phá hoại. Phương pháp phòng trừ theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật. Nhưng khi sử dụng thuốc hoá học cần chú ý thời gian cách ly để hái lá cho tằm tuỳ thuộc từng loaị thuốc và nồng độ sử dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn của từng loại thuốc.

Chú ý: không dùng chế phẩm thuốc Bacillus thuringiensis cho cây dâu

 

 

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 449:2001 VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH CÂY DÂU LAI F1 TRỒNG BẰNG HẠT DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 10TCN449:2001 Ngày hiệu lực 05/01/2002
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành 21/12/2001
Cơ quan ban hành Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tình trạng Hết hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản