TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10054:2013 (ISO 11643:2009) VỀ DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU CỦA MẪU NHỎ ĐỐI VỚI DUNG MÔI

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 31/12/2013

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10054:2013

ISO 11643:2009

DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU CỦA MẪU NHỎ ĐỐI VỚI DUNG MÔI

Leather – Tests for colour fastness – Colour fastness of small samples to solvents

Lời nói đầu

TCVN 10054:2013 hoàn toàn tương đương với ISO 11643:2009.

TCVN 10054:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 120 Sản phẩm da biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Lời giới thiệu

Phép thử da để xác định độ bền màu đối với dung môi có thể được thực hiện theo nhiều phương pháp đối với các mục đích khác nhau. Mẫu da nhỏ có thể được thử để đánh giá độ bền màu đối với dung môi của thuốc nhuộm da và màng trau chuốt, hoặc của da tự nhiên có trau chuốt.

Phương pháp thử được qui định trong tiêu chuẩn này chỉ bao gồm phép thử mẫu da nhỏ, khi không có bất kỳ vật liệu nào khác (phụ liệu, chất kết dính, v.v…), mà có thể ảnh hưởng đến độ sạch với dung môi của chi tiết hoàn tất. Ngoài ra, phương pháp thử này không xem xét sự thay đổi các tính chất của da, như các đặc tính gia công hoặc độ ổn định diện tích, do mẫu quá nhỏ. Do đó, tiêu chuẩn này không được sử dụng để cung cấp các hướng dẫn làm sạch hoặc tẩy đốm và vết dây màu bằng dung môi trên trang phục hoàn chỉnh.

Màu sắc của da một phần là do hàm lượng dầu. Khi được xử lý với dung môi, một vài sự thay đổi màu sắc là do dầu bị hòa tan vào dung môi. Mục đích của việc xử lý với triolein là để khôi phục màu sắc do sự thay đổi hàm lượng dầu có trong da. Phương pháp với mức triolein có thể đưa ra hướng dẫn cho việc khôi phục dầu. Do hàm lượng dầu ở mỗi loại da là khác nhau, phạm vi của phép thử khôi phục dầu là cần thiết để thiết lập mức khôi phục chính xác.

DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU CỦA MẪU NHỎ ĐỐI VỚI DUNG MÔI

Leather – Tests for colour fastness – Colour fastness of small samples to solvents

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này qui định phương pháp xác định độ bền đối với dung môi của da được nhuộm màu và được trau chuốt, chưa qua sử dụng và chưa được tẩy sạch. Tiêu chuẩn này không qui định cho vật liệu tổng hợp hoặc trang phục da hoàn chỉnh. Tiêu chuẩn này cũng không được sử dụng để đưa ra các hướng dẫn về qui trình làm sạch trang phục.

Trong quá trình thử, màu sắc của da có thể thay đổi và vải thử kèm được sử dụng có thể bị dây màu. Ngoài ra, màng trau chuốt của da cũng có thể bị hư hại.

Sự có mặt của nước bị hấp thụ trong da, trong vải thử kèm hoặc trong dung môi không phải là yếu tố quan trọng khi đánh giá độ bền màu.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 5466 (ISO 105-A02), Vật liệu dệt. Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu;

TCVN 5467 (ISO 105-A03), Vật liệu dệt. Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A03: Thang màu xám để đánh giá sự dây  màu;

TCVN 7835-F10 (ISO 105-A03), Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần F10: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm đa xơ.

ISO 105-A04:1989, Textiles – Tests for colour fastness – Part A04: Method for the instrumental assessment of the degree of staining of adjacent fabrics (Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần A04: Phương pháp thiết bị để đánh giá độ dây màu của vải thử kèm);

ISO 105-A05, Textiles – Tests for colour fastness – Part A05: Instrumental assessment of change in colour for determination of grey scale rating (Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần A05: Đánh giá bằng thiết bị về sự thay đổi màu sắc để xác định chỉ cấp số thang xám).

3. Nguyên tắc

Mẫu thử ghép da và vải thử kèm được khuấy cùng thanh thủy tinh PTFE trong dung môi có thể chứa triolein (và có thể là một chất tẩy rửa), sau đó được vắt và được làm khô ở nhiệt độ phòng. Sự thay đổi về màu sắc của mẫu thử và sự dây màu của vải thử kèm được đánh giá bằng thang xám và (nếu áp dụng), ghi lại các thay đổi bất kỳ trên màng trau chuốt của da.

4. Thiết bị, dụng cụ và vật liệu

Sử dụng thiết bị, dụng cụ phòng thí nghiệm thông thường và các thiết bị, dụng cụ sau đây.

4.1. Thiết bị cơ học phù hợp, để khuấy cơ học bình chứa (4.2) bằng cách quay với tốc độ 40 r/min ± 5 r/min và có khả năng duy trì ở nhiệt độ 30 0C ± 2 0C. Và, nếu cần thiết, thiết bị được chọn phải được lắp thiết bị làm mát.

4.2. Bình chứa, được làm bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ, dung tích khoảng 500 ml, có thể đậy kín được. Ví dụ sử dụng vòng đệm bền với dung môi, và phù hợp để khuấy mẫu thử ghép trong dung môi lựa chọn.

4.3. Thanh PTFE (polytetrafloetylen), 20 chiếc, mỗi chiếc có đường kính khoảng từ 7 mm đến 9 mm và chiều dài là 20 mm ± 2 mm.

4.4. Vải đa xơ dệt vân điểm, chiều rộng khoảng 100 mm, được sử dụng làm vải thử kèm. Thường sử dụng loại vải đa xơ DW theo TCVN 7835-F10 (ISO 105-F10).

4.5. Dung dịch dung môi, chứa ít nhất một trong những dung môi sau:

– Tetracloetylen (cũng thường được gọi là percloetylen hoặc “per”), loại tẩy/giặt khô, được bán trên thị trường. Dung môi được bảo quản bằng cách cho thêm natri cacbonat khan vào để trung hòa bất kỳ axit clohyđric được hình thành nào.

– Hyđrocacbon nguồn gốc dầu mỏ, nhiệt độ sôi từ 182 0C đến 200 0C, loại tẩy khô, được bán trên thị trường;

Hoặc dung môi thông thường khác được sử dụng để tẩy khô trong phạm vi có liên quan. Nếu sử dụng dung môi khác thì phải chỉ rõ và nêu trong báo cáo thử nghiệm.

CẢNH BÁO – Do đa phần dung môi có tính độc, vì vậy, sử dụng quạt thông gió phù hợp và tránh tiếp xúc với da.

CHÚ THÍCH: Percloetylen là dung môi được xem là có hiệu quả làm sạch mạnh hơn một chút so với các dung môi có nguồn gốc dầu mỏ. Thông thường màu sắc không bị ảnh hưởng bởi percloetylen sẽ không bị ảnh hưởng bởi dung môi có nguồn gốc dầu mỏ, nhưng ngược lại thì không như vậy.

4.6. Glyxerol tri(cis-9-octadecenoat) (cũng được gọi là glyxerol trioleat hoặc “triolein”), loại tinh khiết kỹ thuật.

5. Mẫu thử

Cắt mẫu thử da có kích thước khoảng 40 mm x 100 mm. Đặt một mảnh vải thử kèm (4.4) có kích thước khoảng 40 mm x 100 mm lên mặt thịt đối với da cật, hoặc trên mặt mặc vào trong đối với các loại da khác, sử dụng ghim thép để ghim tại một đầu của mẫu thử. Ngoài ra, có thể khâu vải thử kèm và da với nhau tại một đầu của mẫu thử.

6. Cách tiến hành

6.1. Các dung dịch dung môi được sử dụng phải là một trong những dung dịch dung môi được chuẩn bị theo qui định trong Bảng 1

Bảng 1 – Dung dịch dung môi

Dung dịch dung môi

Dung môi

Triolein

g/l

Số thứ tự 1 Percloetylen

Số thứ tự 2 Hyđrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ

Số thứ tự 3a Percloetylen

30

a Cho thêm một lượng triolein thích hợp vào dung môi và khuấy cho đến khi dung dịch trong suốt

CHÚ THÍCH 1: Đối với một số mục đích, có thể hữu ích khi cho thêm các lượng triolein khác vào dung dịch.

CHÚ THÍCH 2: Đối với một số ứng dụng, có thể phù hợp khi cho thêm một chất tẩy rửa vào dung dịch (xem Phụ lục A).

6.2. Nếu cần thiết, lắp bộ kiểm soát nhiệt độ vào thiết bị khuấy (4.1) và gia nhiệt trước đến khoảng 30 0C.

Cho mẫu thử ghép (Điều 5), 100 ml ± 5 ml dung dịch dung môi (4.5) và 20 thanh PTFE (4.3) vào trong bình chứa (4.2) và đặt bình chứa vào trong thiết bị khuấy. Quay bình chứa với tốc độ 40 r/min ± 5 r/min trong 30 min, duy trì ở nhiệt độ 30 0C ± 2 0C.

6.3. Lấy mẫu thử ghép ra khỏi bình chứa, đặt mẫu vào giữa hai tờ giấy thấm, nén đều với tải trọng 4,5 kg và duy trì áp lực trong 1 min. Lấy mẫu thử ra và đặt lên một lưới sắt nằm ngang sao cho mẫu da và vải thử kèm không tiếp xúc với nhau. Để dung môi bay hơi ở nhiệt độ phòng có chụp hút phù hợp được thông gió tốt.

CẢNH BÁO: Khi lấy và làm khô mẫu thử, sử dụng quạt thông gió phù hợp và tránh để dung môi tiếp xúc với da.

Khi mẫu khô, kiểm tra nếu xơ và vật liệu rời bị dính với vải thử kèm; Cẩn thận dùng mặt dính của băng keo sạch để gỡ các vật liệu này.

6.4. Đánh giá trực quan sự thay đổi về màu sắc của da bằng thang xám theo TCVN 5466 (ISO 105-A02).

Đánh giá trực quan sự dây màu của mỗi loại xơ của vải thử kèm bằng thang xám thích hợp theo TCVN 5467 (ISO 105-A03).

Ngoài ra, sự thay đổi màu sắc của da theo thang xám và sự dây màu của mỗi loại xơ của vải thử kèm có thể được đánh giá bằng thiết bị tương ứng theo ISO 105-A05 và ISO 105-A04.

6.5. Ghi lại bất kỳ sự thay đổi nào trên bề mặt trau chuốt của da, nếu áp dụng.

7. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) mô tả loại da được thử;

c) chi tiết về thiết bị, dụng cụ sử dụng;

d) chi tiết về dung môi sử dụng;

e) Cấp số thang xám đối với sự thay đổi màu trên mẫu thử da;

f) Cấp số thang xám đối với sự dây màu của vải thử kèm, nêu kết quả đánh giá riêng cho mỗi loại xơ khác nhau;

g) chi tiết của bất kỳ sự thay đổi nào trên bề mặt trau chuốt của da, nếu áp dụng;

h) chi tiết của bất kỳ sai lệch nào so với qui trình.

 

Phụ lục A

(Tham khảo)

Chuẩn bị dung dịch tẩy khô có chứa chất tẩy rửa

A.1 Chất tẩy rửa

Chuẩn bị chất tẩy rửa như dưới đây.

Trong khi khuấy, thêm từ từ 21 phần theo khối lượng 3-metoxypropylamin vào 79 phần theo khối lượng axit dodexylbenzensulfonic. Không được phép để nhiệt độ tăng quá 80 0C. Sau khi hoàn thành việc cho thêm 3-metoxypropylamin, duy trì nhiệt độ nằm trong khoảng từ 70 0C đến 80 0C. Pha loãng 1 g hỗn hợp này với 100 ml nước và đo pH. Nếu giá trị pH không nằm trong giới hạn từ 4 đến 7, thì thêm một lượng nhỏ axit dodexylbenzensulfonic hoặc 3-metoxypropylamin vào hỗn hợp và kiểm tra lại giá trị pH. Tiếp tục qui trình cho đến khi giá trị pH nằm trong giới hạn yêu cầu. Để nguội hỗn hợp xuống nhiệt độ phòng.

A.2 Dung dịch tẩy khô

Ngoài ra, có thể sử dụng một trong những dung dịch tẩy khô được chuẩn bị theo qui định trong Bảng A.1 dưới đây:

Bảng A.1 – Dung dịch tẩy khô có chất tẩy rửa

Dung dịch tẩy khô

Dung môi (4.5)

Triolein (4.6)

g/l

Chất tẩy rửa (A.1)

g/l

Nước

g/l

STT. 3a

Percloetylen

30

1,0

0,25

STT. 4b

Percloetylen

1,0

0,25

a Thêm một lượng thích hợp triolein, chất tẩy rửa và nước vào dung môi và khuấy mạnh cho đến khi dung dịch trong suốt.

b Thêm một lượng thích hợp chất tẩy rửa và nước vào dung môi và khuấy mạnh cho đến khi dung dịch trong suốt.

 

Phụ lục B

(Tham khảo)

Nguồn cung cấp thiết bị, dụng cụ và vật liệu

Ví dụ về sản phẩm phù hợp bán sẵn trên thị trường được nêu dưới đây. Thông tin này nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng tiêu chuẩn và không phải là chỉ định của tiêu chuẩn.

B.1 Các chi tiết thiết bị phù hợp đối với việc khuấy cơ học bao gồm:

– trống nhuộm da kích cỡ phòng thí nghiệm nhỏ nếu được làm bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ và được lắp nắp bịt bền với dung môi.

Nguồn cung cấp thiết bị, dụng cụ thử vật liệu dệt phù hợp:

– thiết bị, dụng cụ thử nhuộm và độ bền màu AATCC Launder-Ometer;

– thiết bị, dụng cụ thử độ bền màu và nhuộm phòng thí nghiệm Linitest.

Hãng cung cấp hai thiết bị trên: Atlas Material Testing Technology LLC, 4114 North Ravenswood Ave, Chicago, llinois 60613, USA.

B.2 Ví dụ về nguồn cung cấp vải đa xơ DW

– Hiệp hội nhuộm và sơn màu, P.O. Box 244, Bradford, West Yorkshire, BD1 2JB, UK;

– Testfabrics Inc., P.O 26, West Pittiston, PA 18643, USA;

– EMPA Testmaterials, Movenstrasse 12, CH-9015 St, Gallen, Switzerland.

B.3 Hóa chất có thể nhận được từ các nhà cung cấp hóa chất phòng thí nghiệm.

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10054:2013 (ISO 11643:2009) VỀ DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU CỦA MẪU NHỎ ĐỐI VỚI DUNG MÔI
Số, ký hiệu văn bản TCVN10054:2013 Ngày hiệu lực 31/12/2013
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nặng
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản