TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10500:2014 (ISO 3011:1997) VỀ VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RẠN NỨT TRONG MÔI TRƯỜNG CÓ OZON Ở ĐIỀU KIỆN TĨNH
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10500:2014
ISO 3011:1997
VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RẠN NỨT TRONG MÔI TRƯỜNG CÓ OZON Ở ĐIỀU KIỆN TĨNH
Rubber – or plastics-coated fabrics – Determination of resistance to ozone cracking under static conditions
Lời nói đầu
TCVN 10500:2014 hoàn toàn tương đương với ISO 3011:1997.
ISO 3011:1997 đã được rà soát và phê duyệt lại vào năm 2013 với bố cục và nội dung không thay đổi.
TCVN 10500:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RẠN NỨT TRONG MÔI TRƯỜNG CÓ OZON Ở ĐIỀU KIỆN TĨNH
Rubber – or plastics-coated fabrics – Determination of resistance to ozone cracking under static conditions
CẢNH BÁO – Người sử dụng tiêu chuẩn này phải có kinh nghiệm làm việc trong phòng thí nghiệm thông thường. Tiêu chuẩn này không đề cập đến các vấn đề an toàn, nếu có liên quan khi sử dụng tiêu chuẩn. Người sử dụng tiêu chuẩn phải có trách nhiệm thiết lập các biện pháp an toàn, bảo vệ sức khỏe phù hợp và tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật.
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền rạn nứt của vải tráng phủ cao su hoặc chất dẻo trong môi trường có ozon ở điều kiện tĩnh.
Phương pháp này được dùng để xác định độ bền rạn nứt tương đối của vải tráng phủ cao su hoặc chất dẻo khi bị tác động ở điều kiện biến dạng tĩnh với không khí chứa ozon và không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Giống như tất cả các phép thử lão hóa, phương pháp này được xem là phương thức để so sánh các mặt hàng có cùng thành phần và cùng ứng dụng, nhưng không phải là chuẩn tuyệt đối. Để giới hạn tầm quan trọng của phép thử, tốt nhất xem nó chỉ là phương thức kiểm soát khi vải dệt đạt được độ bền tốt hơn so với ngưỡng được cho khi so sánh với loại suy giảm chất lượng đã biết.
Lưu ý rằng, các kết quả thu được tại thời điểm thử nghiệm không thể dùng để dự đoán tuổi thọ của sản phẩm.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 7837-1 (ISO 2286-1), Vải tráng phủ cao su hoặc chất dẻo – Xác định đặc tính cuộn – Phần 1: Phương pháp xác định chiều dài, chiều rộng và khối lượng thực.
ISO 1431-1:1989, Rubber, vulcanized or thermoplastic – Resistance to ozone cracking – Part 1: Static and dynamic strain testing (Cao su, lưu hóa hoặc nhiệt dẻo – Độ bền rạn nứt trong môi trường có ozon Phần 1: Phép thử biến dạng tĩnh và động).
3. Nguyên tắc
Mẫu thử được cho tiếp xúc với ozon trong các điều kiện quy định. Tác động của ozon được đánh giá bằng việc đo thời gian mà tại thời điểm đó xuất hiện vết rạn nứt đầu tiên hoặc thời gian tiếp xúc mà không xuất hiện vết rạn nứt, khi thích hợp.
4. Thiết bị, dụng cụ
4.1. Buồng thử và thiết bị, dụng cụ phụ trợ, theo quy định của ISO 1431-1.
4.2. Dụng cụ giữ mẫu thử, bao gồm một trục và các kẹp (xem Hình 1).
Đường kính của trục phải gấp 2, 5, 10 hoặc 20 lần độ dày của mẫu thử, theo thỏa thuận giữa các bên liên quan, nhưng không được nhỏ hơn 0,8 mm. Trục và các kẹp phải được làm bằng vật liệu không hấp thụ ozon, ví dụ, thép không gỉ, polymetacrylat, gỗ được phủ sơn không hấp thụ ozon, hoặc hợp kim nhôm, và phải được hoàn thiện trơn nhẵn.
Hình 1 – Dụng cụ giữ mẫu thử
5. Mẫu thử
5.1. Kích thước mẫu thử
Mẫu thử phải có kích thước đủ để có thể đánh giá được chính xác bề mặt được tiếp xúc sau khi thử, và đáp ứng được việc so sánh các mẫu thử khác nhau. Kích thước mẫu thử tốt nhất là rộng 25 mm và dài 100 mm.
5.2. Lấy mẫu
Mẫu thử phải được lấy cách biên vải của mẫu ít nhất 50 mm và phải đại diện được cho toàn bộ hàng hóa, phù hợp với TCVN 7837-1 (ISO 2286-1).
5.3. Số lượng
Chuẩn bị ba mẫu thử theo mỗi hướng của vải đối với mỗi bề mặt tráng phủ.
6. Khoảng thời gian trước khi thử
Trừ khi có quy định khác vì lý do kỹ thuật, phải áp dụng các yêu cầu sau đây:
Đối với phép thử mẫu chưa phải là sản phẩm, thời gian tối thiểu từ khi sản xuất đến khi bắt đầu phép thử là 16 h. Thời gian tối đa từ khi sản xuất đến khi thử nghiệm là 4 tuần.
Đối với phép thử sản phẩm, thời gian tối thiểu từ khi sản xuất đến khi bắt đầu phép thử là 120 h, trong suốt khoảng thời gian này, mẫu thử phải được giữ ở nhiệt độ phòng thí nghiệm chuẩn. Thời gian tối đa từ khi sản xuất đến khi thử nghiệm là ba tháng, và thời gian tối đa từ khi nhận sản phẩm bởi phòng thử nghiệm và thử mẫu là hai tháng.
Đối với việc đánh giá để so sánh, các phép thử phải được tiến hành sau các khoảng thời gian và nhiệt độ như nhau.
7. Điều kiện thử
7.1. Nồng độ ozon
Nồng độ ozon phải phù hợp với các yêu cầu của Điều 8.1 trong ISO 1431-1:1989.
7.2. Nhiệt độ
Nhiệt độ của phép thử phải phù hợp với các yêu cầu của Điều 8.2 trong ISO 1431-1:1989.
7.3. Gắn mẫu thử dưới điều kiện chịu ứng suất và điều hòa
Mẫu thử phải được quấn quanh trục của dụng cụ giữ mẫu thử với bề mặt cần thử quay ra ngoài và các đầu của mẫu thử được kẹp đủ chặt để trục chỉ có thể quay tự do trong mẫu thử.
Có thể quấn nhiều mẫu thử có cùng độ dày quanh một trục.
Khi thử lớp phủ nhiều lớp, có thể thử như với vải một lớp, được lưu hóa dưới cùng điều kiện như các sản phẩm nhiều lớp thành phẩm. Nếu không thực hiện được, thì hợp chất cao su này phải được thử theo ISO 1431-1.
Mẫu thử đã lắp vào trục, phải được điều hòa trong môi trường không có gió lùa và ozon tại nhiệt độ phòng thí nghiệm chuẩn trong 48 h, sau đó mẫu phải được đặt vào trong buồng thử.
8. Cách tiến hành
CẢNH BÁO – Ozon có độc tính cao. Phải sử dụng phương pháp thích hợp để giảm thiểu sự tiếp xúc của người thực hiện.
Thực hiện qui trình theo Điều 9 của ISO 1431-1:1989, sắp xếp mẫu thử trong buồng thử sao cho chúng cách nhau và cách thành buồng ít nhất 10 mm.
Kiểm tra mẫu thử bằng cách sử dụng kính khuếch đại gấp 7 lần.
9. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:
a) viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) tất cả các chi tiết cần thiết để nhận biết mẫu;
c) độ dày của mẫu thử và đường kính trục;
d) nồng độ ozon và phương pháp đo;
e) nhiệt độ thử;
f) thời gian, tính bằng giờ mà tại đó xuất hiện vết rạn nứt đầu tiên hoặc thời gian tiếp xúc mà không xuất hiện vết rạn nứt, khi phù hợp.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10500:2014 (ISO 3011:1997) VỀ VẢI TRÁNG PHỦ CAO SU HOẶC CHẤT DẺO – XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN RẠN NỨT TRONG MÔI TRƯỜNG CÓ OZON Ở ĐIỀU KIỆN TĨNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN10500:2014 | Ngày hiệu lực | 31/12/2014 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Khoa học - Công nghệ |
Ngày ban hành | 31/12/2014 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |