TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10792:2015 VỀ HOA HUBLÔNG – LẤY MẪU VÀ CHUẨN BỊ MẪU THỬ
TCVN 10792:2015
HOA HUBLÔNG – LẤY MẪU VÀ CHUẨN BỊ MẪU THỬ
Hops – Sampling and preparation of test sample
Lời nói đầu
TCVN 10792:2015 được xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đồ uống châu Âu EBC 7.1 (2004) Sampling of hops and hop products và AOAC 945.20 Preparation of hops for chemical analysis. Grinding method;
TCVN 10792:2015 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F9 Đồ uống biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
HOA HUBLÔNG – LẤY MẪU VÀ CHUẨN BỊ MẪU THỬ
Hops – Sampling and preparation of test sample
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử đối với hoa hublông.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
2.1. Lô hàng (lot)
Lượng hoa hublông xác định mà từ đó mẫu được lấy ra để xác định một (hoặc nhiều) đặc tính.
2.2. Lấy mẫu (sampling)
Hoạt động lấy hoặc thành lập mẫu.
CHÚ THÍCH Theo 1.3.1 của TCVN 8244-2:2010 (ISO 3534-2:2006) [5]
2.3. Mẫu ban đầu (increment)
Lượng vật liệu được lấy tại một thời điểm từ các điểm lấy mẫu riêng lẻ trong khắp lô hàng.
CHÚ THÍCH Theo 5.2.7 của TCVN 8244-2:2010 (ISO 3534-2:2006)[5]
2.4. Mẫu chung (aggregate sample)
Mẫu tổng hợp (composite sample)
Tập hợp của hai hoặc nhiều mẫu ban đầu (2.3), được gộp lại và trộn đều.
2.5. Mẫu rút gọn (reduced sample)
Một lượng hoa hublông thu được bằng việc giảm mẫu chung.
2.6. Mẫu thử nghiệm (laboratory sample)
Phần mẫu nhỏ đại diện cho chất lượng của lô hàng, thu được từ mẫu chung (2.4) hoặc mẫu rút gọn (2.5) và được dùng để kiểm tra trong phòng thử nghiệm.
CHÚ THÍCH Theo 2.6 của TCVN 7521:2005 (ISO 2292:1973)[3].
2.7. Đơn vị bao gói (packed unit)
Lượng sản phẩm được đóng trong bao, túi hoặc bao bì bán lẻ.
3. Thiết bị và dụng cụ
LƯU Ý: Các dụng cụ lấy mẫu phải khô, sạch và không chứa tạp chất.
Sử dụng các thiết bị, dụng cụ thông thường của phòng thử nghiệm và như sau:
3.1. Xẻng lấy mẫu hoặc dụng cụ lấy mẫu thích hợp khác (dùng để lấy mẫu không bao gói và lấy mẫu dạng bột).
3.2. Dao cắt mẫu, dùng cho mẫu đựng trong bao gói.
3.3. Máy đồng hóa, dùng cho mẫu dạng lỏng.
3.4. Máy nghiền, tốt nhất là loại có 12 răng nghiền.
3.5. Vật chứa kín khí, đã được khử tĩnh điện (ví dụ: hộp kim loại, lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa thích hợp).
3.6. Vật chứa (ví dụ: hộp thiếc, lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa), có dung tích thích hợp, ví dụ 50 ml.
3.7. Túi polyetylen (dùng để đựng phần mẫu nghiền).
4. Lấy mẫu
4.1. Yêu cầu chung
4.1.1. Việc lấy mẫu phải do các chuyên gia lấy mẫu thực hiện hoặc được sự đồng ý của các bên có liên quan.
4.1.2. Mẫu phải đại diện cho các lô hàng và vì thành phần của các lô hàng thường không đồng nhất nên cần lấy mẫu chung từ các vị trí khác nhau của lô hàng, trộn đều để thu được mẫu ban đầu. Mẫu thử nghiệm phải thu được thông qua việc rút gọn liên tiếp mẫu chung. Việc lấy mẫu hoa hublông bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển hoặc trong điều kiện xấu, cũng như bị rơi vãi phải được tiến hành riêng. Các sản phẩm này không được trộn lẫn với sản phẩm tốt và được đánh giá riêng.
4.1.3. Đảm bảo rằng tất cả các dụng cụ lấy mẫu phải sạch, khô và không có mùi lạ. Việc lấy mẫu phải được thực hiện sao cho các mẫu sản phẩm, dụng cụ lấy mẫu và vật chứa mẫu không bị nhiễm bẩn ngẫu nhiên, ví dụ như mưa, bụi v.v… Chất bám dính bên ngoài dụng cụ lấy mẫu phải được loại bỏ trước khi đổ mẫu ra.
4.2. Phương pháp lấy mẫu
4.2.1. Lấy mẫu hoa hublông dạng cánh
4.2.1.1. Sản phẩm dạng rời (không bao gói)
Lấy các phần mẫu thử bằng nhau từ 5 đến 10 phần khác nhau của khối sản phẩm để rời. Từ mẫu gộp, lấy khoảng 200 g phần mẫu thử trên bề mặt và ở các độ sâu khác nhau.
4.2.1.2. Sản phẩm bao gói
Từ mỗi đơn vị bao gói, lấy ngẫu nhiên 200 g. Trong đó, chỉ 10 % số mẫu lấy trực tiếp từ lớp bề mặt.
Số đơn vị bao gói cần lấy bằng căn bậc hai của số đơn vị bao gói, làm tròn đến số nguyên gần nhất.
Trong mỗi đơn vị bao gói, lấy các mẫu từ 10 g đến 15 g tại các điểm khác nhau trên mỗi bao gói. Nếu cần, dùng thiết bị lấy mẫu tự động.
4.2.2. Lấy mẫu các sản phẩm hoa hublông dạng bột và dạng viên
4.2.2.1. Đối với các đơn vị bao gói lớn
Từ mỗi đơn vị bao gói, lấy ngẫu nhiên 100 g. Trong đó, chỉ 10 % số mẫu lấy trực tiếp từ lớp bề mặt.
Số mẫu cần lấy bằng 0,2 % số đơn vị bao gói, làm tròn đến số nguyên gần nhất và ít nhất là 3 mẫu.
4.2.2.2. Đối với các đơn vị bao gói nhỏ
Lấy ngẫu nhiên các đơn vị bao gói và lấy toàn bộ lượng chứa bên trong.
Số mẫu cần lấy bằng 0,2 % số đơn vị bao gói, làm tròn đến số nguyên gần nhất và ít nhất là 3 mẫu.
4.2.3. Lấy mẫu các sản phẩm dạng đồng phân hóa (isomerised)
4.2.3.1. Sản phẩm dạng bột
Lấy ngẫu nhiên các đơn vị bao gói và lấy toàn bộ lượng chứa bên trong.
Số mẫu cần lấy bằng 0,2 % số đơn vị bao gói, làm tròn đến số nguyên gần nhất và ít nhất là 3 mẫu.
4.2.3.2. Sản phẩm dạng lỏng
Lắc đều vật chứa mẫu, sau đó lấy ngẫu nhiên từ mỗi đơn vị bao gói 50 g (xem 4.2.4.2).
Số mẫu cần lấy bằng 0,1 % số đơn vị bao gói, làm tròn đến số nguyên gần nhất và ít nhất là 3 mẫu.
4.2.4. Lấy mẫu chất chiết hoa hublông (cao hoa hublông)
4.2.4.1. Yêu cầu chung
Các sản phẩm chất chiết hoa hublông có thể ở dạng hoàn toàn là nhựa hoa (resin) hoặc dạng resin có bổ sung các chất hòa tan trong nước (glucose hoặc chất chiết tannin). Sản phẩm chứa một lượng các chất hòa tan trong nước thường không đồng nhất vì có chứa chất không hòa tan. Do đó, cần lấy mẫu cẩn thận để có mẫu đại diện.
4.2.4.2. Đối với các đơn vị bao gói lớn
Trộn đều mẫu, sau đó lấy ngẫu nhiên mỗi đơn vị bao gói 50 g. Trước khi lấy mẫu, gia nhiệt vật chứa mẫu đến nhiệt độ không lớn hơn 40 oC cho đến khi mẫu được trộn kỹ.
Số mẫu cần lấy bằng 0,1 % số đơn vị bao gói, làm tròn đến số nguyên gần nhất và ít nhất là 3 mẫu.
4.2.4.3. Đối với các đơn vị bao gói nhỏ
Lấy ngẫu nhiên các đơn vị bao gói và lấy toàn bộ lượng chứa bên trong.
Số mẫu cần lấy bằng 0,1 % số đơn vị bao gói, làm tròn đến số nguyên gần nhất và ít nhất là 3 mẫu.
4.3. Bao gói và gửi mẫu
4.3.1. Mẫu dạng khô
Mẫu phải được cho ngay vào vật chứa kín khí đã khử tĩnh điện (3.5), bảo vệ tránh ánh sáng và có thể đổ đầy nếu cần. Vật chứa nên được rút chân không và thổi khí trơ (cacbon dioxit hoặc nitơ). Có thể sử dụng lá kim loại cán mỏng để ghép nắp sau khi rút chân không.
4.3.2. Mẫu dạng lỏng
Mẫu được cho vào vật chứa dung tích 50 ml (3.6), chú ý khi rót mẫu tránh tạo bọt khí và đảm bảo vật chứa kín khí.
4.3.3. Vận chuyển và bảo quản mẫu
Tránh nhiệt độ cao trong suốt quá trình vận chuyển, nên bảo quản mẫu trong tủ lạnh. Để mẫu đạt đến nhiệt độ phòng trước khi mở vật chứa để kiểm tra hoặc phân tích.
4.3.4. Ghi nhãn mẫu
Các thông tin trên nhãn phải ghi bằng mực không xóa được và rõ ràng. Thông tin trên nhãn của mẫu thử nghiệm thông thường bao gồm các nội dung sau:
a) bản chất của sản phẩm;
b) khối lượng đại diện;
c) số nhận biết lô hàng;
d) số hợp đồng (nếu cần);
e) ngày lấy mẫu;
f) vị trí và điểm lấy mẫu;
g) tên của người lấy mẫu.
4.4. Báo cáo lấy mẫu
Báo cáo lấy mẫu có thể bao gồm một vài hoặc tất cả các thông tin sau:
a) ngày lấy mẫu;
b) tên và chữ ký của những người được ủy quyền lấy mẫu; nếu cần, kèm theo:
1) tên và chữ ký của người bán hàng;
2) tên và chữ ký của người mua hàng;
3) tên và chữ ký của người chuyển mẫu;
c) mô tả sản phẩm, bao gồm:
1) mẫu đối chứng;
2) khối lượng mẫu;
3) cỡ lô;
4) nguồn gốc xuất xứ của mẫu (ví dụ, xilô phẳng, xilô đứng, xe tải);
d) mô tả thao tác lấy mẫu, bao gồm:
1) vị trí và điểm lấy mẫu;
2) số lượng mẫu ban đầu trên một lô;
3) số lượng mẫu thử nghiệm trên một lô;
4) quy trình lấy mẫu đã sử dụng (dụng cụ, sản phẩm ở dạng tĩnh/dòng chảy v.v..);
5) nơi gửi mẫu, ví dụ tên và địa chỉ mà mẫu được gửi đến;
6) các ý kiến, nếu có;
e) các điều kiện vận chuyển và bảo quản.
5. Chuẩn bị mẫu thử để phân tích các chỉ tiêu hóa học
Tiến hành nghiền mẫu ngay trước khi phân tích. Mẫu bảo quản trong tủ lạnh được để đến nhiệt độ phòng trước khi nghiền.
Dùng máy nghiền (3.4) để nghiền từ 50 g đến 75 g mẫu. Loại bỏ từ 5 g đến 10 g mẫu nghiền đầu tiên. Đặt túi polyetylen (3.7) trùm lên đầu ra của máy nghiền sao cho mẫu nghiền rơi trực tiếp vào túi. Đưa mẫu vào máy nghiền với tốc độ chậm và đều, cẩn thận để cửa nạp liệu không bị tắc nhằm tránh cho mẫu bị quá nhiệt.
Trộn kỹ phần mẫu nghiền đến khi đồng nhất và bảo quản trong vật chứa kín khí, để nơi tối và mát. Trong một số trường hợp, có thể trộn các phần mẫu nghiền từ một số mẫu và phân tích mẫu kép từ phần mẫu thử đã trộn.
Đối với phép phân tích nhựa (resin) hoa hublông, thực hiện phép xác định trong ngày sau khi nghiền mẫu vì resin dễ bị oxi hóa.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 5609:2007 (ISO 1839:1980) Chè – Lấy mẫu
[2] TCVN 6539:1999 (ISO 4072:1982) Cà phê nhân đóng bao – Lấy mẫu
[3] TCVN 7521:2005 (ISO 2292:1973) Hạt cacao – Lấy mẫu
[4] TCVN 9027:2011 (ISO 24333:2009) Ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc – Lấy mẫu
[5] TCVN 8244-2:2010 (ISO 3534-2:2006) Thống kê học – Từ vựng và ký hiệu – Phần 2: Thống kê ứng dụng
[6] AOAC 945.19 Sampling of hops
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10792:2015 VỀ HOA HUBLÔNG – LẤY MẪU VÀ CHUẨN BỊ MẪU THỬ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN10792:2015 | Ngày hiệu lực | 17/06/2015 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Khoa học - Công nghệ An toàn thực phẩm |
Ngày ban hành | 17/06/2015 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |