TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10805:2015 (ISO 19238:2014) VỀ BẢO VỆ BỨC XẠ – TIÊU CHÍ VỀ NĂNG LỰC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI PHÒNG THỬ NGHIỆM DỊCH VỤ TIẾN HÀNH ĐO LIỀU SINH HỌC BẰNG PHƯƠNG PHÁP DI TRUYỀN HỌC TẾ BÀO
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10805:2015
ISO 19238:2014
BẢO VỆ BỨC XẠ – TIÊU CHÍ VỀ NĂNG LỰC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI PHÒNG THỬ NGHIỆM DỊCH VỤ TIẾN HÀNH ĐO LIỀU SINH HỌC BẰNG PHƯƠNG PHÁP DI TRUYỀN HỌC TẾ BÀO
Radiological protection – Performance criteria for service laboratories performing biological dosimetry by cytogenetics
Lời nói đầu
TCVN 10805:2015 hoàn toàn tương đương với ISO 19238:2014
TCVN 10805:2015 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 85 Năng lượng hạt nhân biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố
Lời giới thiệu
Việc sử dụng rộng rãi bức xạ ion hóa cho các mục đích y tế, công nghiệp, nghiên cứu và quân sự làm tăng mức rủi ro phơi nhiễm quá liều đối với nhân viên bức xạ và các cá nhân sống trong cộng đồng. Phép đo liều sinh học dựa trên nghiên cứu về sai hình nhiễm sắc thể, chủ yếu là xét nghiệm xác định sai hình nhiễm sắc thể hai tâm động, đã trở thành một xét nghiệm thường thấy trong đánh giá liều tai nạn. Qua kinh nghiệm áp dụng xét nghiệm này trong hàng trăm trường hợp phơi nhiễm quá liều được xác nhận hoặc còn nghi ngờ, người ta đã chứng minh giá trị của phương pháp này và cũng chỉ rõ những giới hạn của phương pháp, cần nhấn mạnh rằng phân tích di truyền học tế bào được sử dụng như một loại liều kế và cung cấp dữ liệu đầu vào cho bản tóm tắt thông tin cần thiết để đánh giá sự cố phóng xạ.
Nhiều nghiên cứu trên động vật và con người đã chỉ ra rằng, có thể thiết lập mối tương quan tốt giữa các kết quả thu được trong cơ thể sống và trong phòng thử nghiệm để cho các mối tương quan hiệu ứng – liều từ các mẫu máu chiếu xạ được xác lập trong phòng thử nghiệm có thể được sử dụng như những đường chuẩn. Số lượng sai hình nhiễm sắc thể hai tâm phụ thuộc vào đặc tính bức xạ và suất liều với mục đích là thông tin về các sai lệch này cần phải được thiết lập cho mỗi lần điều tra. Nếu nhận biết được, các đặc điểm phơi nhiễm này là quan trọng để sàng lọc các kết quả đánh giá liều. Nhìn chung, thực tế đặc trưng của kỹ thuật này được nâng cao chỉ bởi một sai hình nhiễm sắc thể hai tâm động được quan sát thấy trên 1.000 lần phân bào nguyên phân giai đoạn kỳ giữa trong cộng đồng dân cư bình thường, và tần suất này gần như độc lập với độ tuổi và giới tính. Độ chụm của kỹ thuật này phụ thuộc vào số lượng tế bào được quan sát, mức phông nền và đường chuẩn được sử dụng. Về mặt lý thuyết, phương pháp này có thể phát hiện mức phơi nhiễm thấp khoảng 0,01 Gy. Tuy nhiên, đối với những liều rất thấp như thế này, cần phải phân tích đến hàng chục nghìn lần phân bào nguyên phân ở kỳ giữa. Thực tế, mức phát hiện này hoặc là không khả thi hoặc không cần thiết. Các giới hạn trên để phát hiện liều mở rộng hợp lý đến khoảng liều gây chết người.
Trước hết tiêu chuẩn này cung cấp hướng dẫn cho tất cả các phòng thử nghiệm để thực hiện xét nghiệm sai hình nhiễm sắc thể hai tâm sử dụng các quy trình đã được chứng minh bằng tài liệu và được thẩm định. Thứ hai, tiêu chuẩn này có thể tạo điều kiện cho việc so sánh các kết quả thu được ở các phòng thử nghiệm khác nhau, đặc biệt đối với việc so sánh chéo hoặc phối hợp quốc tế. Cuối cùng, các phòng thử nghiệm vừa mới được ủy quyền thực hiện xét nghiệm sai hình hai tâm phải thích ứng với tiêu chuẩn này để thực hiện một cách chính xác và có thể tái lập.
Tiêu chuẩn này được viết dưới dạng các quy trình được chấp nhận áp dụng để đo liều sinh học đối với các trường hợp phơi nhiễm quá liều, chủ yếu liên quan đến một vài trường hợp thương vong. Các tiêu chí bắt buộc cho các phép đo này thường phụ thuộc vào cách áp dụng các kết quả: quản lý bảo vệ bức xạ, quản lý y tế khi cần, lưu giữ hồ sơ và các yêu cầu pháp lý. Trong trường hợp đặc biệt khi thương vong do bức xạ lớn và nguồn lực giới hạn, kỹ thuật này có thể được áp dụng để phân tích nhằm chọn để chữa trị khẩn cấp theo thứ tự ưu tiên. Tiêu chuẩn khuyến nghị ghi rõ các tiêu chí để sau đó sẽ tùy chỉnh cho phù hợp với tình huống.
Một phần thông tin trong tiêu chuẩn này có trong các hướng dẫn quốc tế và các ấn phẩm khoa học khác, chủ yếu trong Tuyển tập các Báo cáo Kỹ thuật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về Phép đo liều sinh học. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này mở rộng và chuẩn hóa việc bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng, các tiêu chí cho việc công nhận và đánh giá việc thực hiện. Nhìn chung, tiêu chuẩn này phù hợp với TCVN ISO/IEC 17025, với sự cân nhắc đặc biệt đến các yêu cầu cụ thể của đo liều sinh học. Cách biểu thị độ không đảm bảo trong những kết quả đo liều đưa ra trong tiêu chuẩn này tuân theo hướng dẫn về cách biểu thị độ không đảm bảo trong phép đo [TCVN 9595-1 (ISO/IEC Guide 98-1)] và TCVN 6910 (ISO 5725) về độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của các phương pháp và kết quả đo.
BẢO VỆ BỨC XẠ – TIÊU CHÍ VỀ NĂNG LỰC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI PHÒNG THỬ NGHIỆM DỊCH VỤ TIẾN HÀNH ĐO LIỀU SINH HỌC BẰNG PHƯƠNG PHÁP DI TRUYỀN HỌC TẾ BÀO
Radiological protection – Performance criteria for service laboratories performing biological dosimetry by cytogenetics
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra các tiêu chí để đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng, đánh giá năng lực thực hiện và chứng nhận hợp chuẩn của phép đo liều sinh học được tiến hành bởi các phòng thử nghiệm dịch vụ xét nghiệm bằng phương pháp di truyền học tế bào.
Tiêu chuẩn này giải quyết các nội dung sau:
a) Bảo mật thông tin cá nhân đối với khách hàng và phòng thử nghiệm dịch vụ,
b) Các yêu cầu an toàn phòng thử nghiệm,
c) Các nguồn hiệu chuẩn và dải liều hiệu chuẩn có ích để thiết lập các đường cong hiệu ứng – liều tham chiếu, đóng góp vào việc đánh giá liều từ tần suất sai hình nhiễm sắc thể và các liều tối thiểu có thể phân giải,
d) Quy trình xác định các sai hình nhiễm sắc thể không ổn định dùng trong đo liều sinh học,
e) Các tiêu chí chuyển tần suất sai hình đo được thành ước lượng liều hấp thụ,
f) Cách báo cáo kết quả,
g) Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng,
h) Các Phụ lục tham khảo đưa ra các hướng dẫn mẫu dành cho khách hàng, bảng câu hỏi điều tra mẫu, mẫu báo cáo, cách làm khớp đường cong đáp ứng – liều thấp bằng phương pháp ước lượng khả năng xảy ra tối đa và cách tính sai số của việc đánh giá liều, phương pháp tỉ số cơ may một nửa đối với các trường hợp phơi nhiễm nghi ngờ với liều thấp và bảng số liệu mẫu để ghi lại các sai hình nhiễm sắc thể.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.
2.1
Không chứa tâm động (acentric)
Đoạn nhiễm sắc thể xen giữa hoặc cuối thuộc mọi kích thước, thường được xem là đoạn nhiễm sắc thể không tâm thừa, khi nó được hình thành một cách độc lập với sai hình nhiễm sắc thể hai tâm hoặc nhiễm sắc thể hình nhẫn.
2.2
Mức phông nền (background level)
Tần suất (hoặc số lượng) sai hình nhiễm sắc thể ngẫu nhiên ghi được trong các mẫu đối chứng hoặc các cá nhân kiểm soát.
2.3
Độ chệch (bias)
Sai số phép thử hoặc lấy mẫu thống kê gây ra bởi một số tác động ưa thích một cách hệ thống hơn là các tác động khác.
2.4
Nhiễm sắc thể hình nhẫn (centric ring)
Nhiễm sắc thể hình tròn dị thường sinh ra do kết nối hai vị trí đứt trên các nhánh riêng biệt của cùng một nhiễm sắc thể.
CHÚ THÍCH: Nhiễm sắc thể hình nhẫn thường đi cùng một đoạn nhiễm sắc thể không chứa tâm động.
2.5
Tâm động (centromere)
Vùng nhiễm sắc thể co thắt một cách đặc biệt xuất hiện trong suốt quá trình phân bào nguyên nhiễm và liên kết cặp nhiễm sắc tử (thể nhiễm sắc) với nhau.
2.6
Khoảng tin cậy (confidence interval)
Khoảng thống kê về một đại lượng được ước tính trong đó giá trị của đại lượng được cho rằng sẽ xuất hiện với một xác suất cụ thể.
2.7
Nhiễm sắc thể (chromosome)
Cấu trúc gồm các bó DNA và protein rời rạc mang thông tin di truyền, kết đặc để tạo thành những thể có hình dáng đặc trưng trong quá trình phân chia nhân tế bào.
2.8
Nhiễm sắc tử (chromatid)
Một trong hai sợi của một nhiễm sắc thể kép được liên kết bởi một tâm động duy nhất và phân ly trong quá trình phân bào để trở thành hai nhiễm sắc thể riêng.
2.9
Nhiễm sắc thể hai tâm (dicentric)
Nhiễm sắc thể bất thường mang hai tâm động được tạo ra do liên kết các phần của hai nhiễm sắc thể bị đứt gẫy.
CHÚ THÍCH: Nhiễm sắc thể hai tâm thường đi kèm một đoạn nhiễm sắc thể không tâm.
2.10
FISH
Kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ (flourescence in situ hybridization)
Kỹ thuật sử dụng các chuỗi DNA đặc hiệu như những đầu dò đối với các phần riêng biệt của bộ gen, cho phép các vùng nhiễm sắc thể trở nên nổi bật hoặc được “sơn” các màu khác nhau bằng cách gắn các thuốc nhuộm huỳnh quang khác nhau.
2.11
Kỳ trung gian (interphase)
Giai đoạn trong chu kỳ tế bào giữa các lần phân chia nguyên phân (phân bào nguyên nhiễm).
2.12
LET
Hệ số truyền năng lượng tuyến tính (linear energy transfer)
Tỷ số dE/dl, như được định nghĩa bởi Ủy ban Quốc tế về các phép Đo và Đơn vị Bức xạ (ICRU), trong đó dE là năng lượng trung bình mà một hạt mang điện với năng lượng nhất định truyền cục bộ vào môi trường hấp thụ khi vượt qua quãng đường dl.
2.13
Ngưỡng phát hiện dưới của liều (lower threshold of dose)
Đại lượng nhỏ nhất có thể đo (ví dụ như tần suất hoặc liều), được phát hiện với xác suất không phát hiện là β (Sai số loại II) trong khi chấp nhận xác suất α của việc quyết định sai rằng một đại lượng dương (không bằng không) có trong một mẫu phông nền thích hợp (Sai số loại I).
2.14
Kỳ giữa (metaphase)
Giai đoạn phân bào nguyên nhiễm khi màng nhân bị hòa tan, các nhiễm sắc thể co ngắn tối đa và xếp hàng đề phân chia.
2.15
Liều tối thiểu có thể phân giải (minium resolvable dose)
Liều thêm vào nhỏ nhất sao cho có 97,5 % khả năng là liều nhận được trong trường hợp vượt quá mức phông nền bình thường một giá trị lớn hơn 0, với giới hạn tin cậy Poisson thấp 95 % là lớn hơn 0.
2.16
Độ chụm (precision)
Khái niệm được sử dụng để mô tả sự phân tán của các kết quả đo ứng với phép đo vị trí hoặc xu hướng hướng tâm.
2.17
Bảo đảm chất lượng (quality assurance)
Các hành động có kế hoạch và hệ thống cần để đưa ra độ tin cậy thích đáng mà một quá trình, kết quả đo hoặc dịch vụ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đặt ra, ví dụ như các yêu cầu ghi rõ trong giấy phép.
2.18
Kiểm soát chất lượng (quality control)
Phần bảo đảm chất lượng dự kiến để xác nhận các hệ thống và bộ phận cấu thành phù hợp với các yêu cầu xác định trước.
2.19
Phòng thử nghiệm dịch vụ (service laboratory)
Phòng thử nghiệm thực hiện các phép đo liều sinh học.
3 Xét nghiệm sai hình hai tâm
Tần suất các sai hình nhiễm sắc thể không ổn định quan sát được tại kỳ giữa (nguyên phân) ở tế bào lympho trong máu ngoại vi của người được nuôi cấy là phương pháp được khuyến nghị áp dụng cho phép đo liều sinh học. Các sai hình nhiễm sắc thể được sử dụng là sai hình hai tâm, hoặc hình nhẫn và hai tâm. Để áp dụng tiêu chuẩn này, phòng thử nghiệm dịch vụ sẽ phải lựa chọn loại sai hình để ghi lại cho mục đích đánh giá liều đo được và sẽ nhất quán hoàn toàn từ đầu đến cuối. Do vậy, các sai hình nhiễm sắc thể thường được nói đến là nhiễm sắc thể hai tâm nhưng cũng có thể bao gồm các nhiễm sắc thể hình nhẫn nếu được xác định bởi phòng thử nghiệm dịch vụ.
Các tế bào lympho được nuôi cấy bằng một phương pháp cho phép nhận biết các kỳ giữa của lần phân chia thứ nhất để phân tích (xem 9.1). Công việc này yêu cầu toàn bộ máu, hoặc các tế bào lympho đã tách khỏi các thành phần khác của máu, được nuôi ủ trong môi trường nuối cấy mà sẽ cho phép ghi lại các tế bào tại kỳ giữa thế hệ đầu tiên. Một tác nhân làm dừng quá trình nguyên phân, colcemid hoặc colchicin, được thêm vào để ngăn chặn các tế bào lympho đang phân chia ở kỳ giữa nguyên phân. Khoảng thời gian nuôi cấy tế bào và thời gian bổ sung tác nhân làm ngừng được tối ưu hóa để bảo đảm ưu thế của các kỳ giữa lần phân chia đầu tiên và chỉ số nguyên phân thích hợp.
Các kỳ giữa được thu lại từ môi trường nuôi cấy bằng ly tâm, đặt vào trong một dung dịch muối nhược trương và cố định trong hỗn hợp cồn và axit axetic. Các tế bào đã được cố định được đặt trên tiêu bản kính hiển vi và được nhuộm màu. Cách thức nuôi tế bào, thu lấy các kỳ giữa và nhuộm màu chính xác được tiến hành bởi phòng thử nghiệm dịch vụ phải được minh chứng bằng văn bản chính thức (xem Điều 12).
Tiêu bản kính hiển vi chứa các tế bào đã nhuộm màu được soi cẩn thận để nhận dạng các kỳ giữa của lần phân chia thứ nhất phù hợp và ghi lại các sai hình hai tâm (xem 9.2). Tần suất sai hình hai tâm được quan sát trong một số lượng thích hợp các kỳ giữa đã ghi lại được chuyển thành kết quả ước tính liều bức xạ bằng cách tham chiếu với các dữ liệu hiệu chuẩn (xem Điều 10).
4 Trách nhiệm của khách hàng
Điều này bao gồm các nội dung không được kiểm soát bởi phòng thử nghiệm dịch vụ. Trước khi lấy mẫu máu, phải có sự phối hợp giữa khách hàng và phòng thử nghiệm dịch vụ. Các yêu cầu thiết yếu phải được giải thích cho khách hàng và việc này có thể được thực hiện thông qua bản chỉ dẫn đã chuẩn hóa như được minh họa trong Phụ lục A. Các điểm chính gồm:
a) Phải sử dụng hệ thu mẫu máu chứa heparin lithium làm chất chống đông máu, được phòng thử nghiệm dịch vụ gửi đến hoặc chỉ định để lấy mẫu máu.
b) Máu cần được thu thập (lý tưởng là khoảng 10 ml), dán nhãn chính xác và rõ ràng, được lưu giữ trong nhiệt độ phòng (khoảng 20°C) và được gửi đến phòng thử nghiệm dịch vụ sớm nhất có thể.
c) Cần áp dụng cách đề phòng để đảm bảo tính toàn vẹn của vật chứa mẫu và giám sát ngăn ngừa thất thoát mẫu trong suốt quá trình vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển, các mẫu máu phải được giữ mát (tức là từ 6 °C đến 30 °C). Nhiệt độ phải được ghi lại trong tài liệu để kiểm soát nhiệt độ trong quá trình vận chuyển. Đóng gói và dán nhãn phải tuân theo các quy định quốc gia và quốc tế. Nếu thực hiện vận chuyển bằng đường hàng không, cần có một máy đo liều vật lý để giám sát xem liệu mẫu có bị chiếu xạ trong quá trình vận chuyển hay không.
d) Phải hoàn thiện bảng câu hỏi điều tra do phòng thử nghiệm dịch vụ cung cấp và gửi lại ngay.
e) Phòng thử nghiệm dịch vụ cần phải cảnh giác với các mẫu bị nhiễm bẩn sinh học.
5 Trách nhiệm của phòng thử nghiệm dịch vụ
5.1 Thiết lập và duy trì chương trình bảo đảm chất lượng (QA program)
Phòng thử nghiệm dịch vụ phải thiết lập và duy trì chương trình QA (xem Điều 12), bao gồm tất cả các khía cạnh của dịch vụ. Chương trình QA phải đề cập đến các vấn đề sau:
a) Chương trình QA của phòng thử nghiệm phải bao gồm các lần kiểm tra nội bộ định kỳ về vận hành thiết bị, tính phù hợp của thuốc thử và các bài kiểm tra năng lực thực hiện khác nhau (nghĩa là các bài tập so sánh nội bộ, đánh giá trình độ của nhân viên vận hành, cách thức làm mẫu, cách ghi, ước tính liều, tạo báo cáo,…).
b) Chương trình QA của phòng thử nghiệm phải bao gồm cả kiểm tra định kỳ của bên ngoài về các hoạt động của phòng thử nghiệm. Những đánh giá bên ngoài này phải bao gồm sự xem xét lại tài liệu về vận hành thiết bị của phòng thử nghiệm dịch vụ, tính phù hợp của thuốc thử và các lần kiểm tra năng lực khác nhau (nghĩa là bài tập so sánh chéo giữa các phòng thử nghiệm, đánh giá trình độ nhân viên thực hiện, tính toàn vẹn quá trình vận chuyển mẫu,…).
5.2 Trách nhiệm trong quá trình thực hiện dịch vụ
Phòng thử nghiệm dịch vụ phải cung cấp bản hướng dẫn, các quy trình cần thiết và báo cáo để đưa ra đánh giá liều bằng phương pháp di truyền học tế bào đáp ứng yêu cầu dịch vụ. Các hoạt động dịch vụ phải đề cập những vấn đề sau:
a) Phòng thử nghiệm dịch vụ phải có hồ sơ tài liệu, do một chuyên gia được đào tạo rà soát và phê duyệt (nghĩa là nhà sinh học phóng xạ hoặc phòng thử nghiệm dịch vụ tương đương), bao gồm các phần sau:
1) Một bản hướng dẫn được gửi cho khách hàng mô tả các quy trình vận chuyển (Phụ lục A).
2) Bảng câu hỏi điều tra phải luận ra được sự đồng ý của bệnh nhân và thông tin về phơi nhiễm toàn bộ hoặc một phần cơ thể, nguồn bức xạ và chất lượng bức xạ, tình trạng phơi nhiễm, địa điểm phơi nhiễm (quốc gia, thành phố, công ty, v.v.), ngày giờ bị phơi nhiễm, phơi nhiễm bức xạ nghề nghiệp hoặc phơi nhiễm y tế trước đây, tình trạng sử dụng các loại thuốc, bệnh truyền nhiễm, thói quen hút thuốc và các khả năng phơi nhiễm có ý nghĩa với bất kỳ tác nhân gây tổn thương ADN khác (như các dung môi hữu cơ hoặc kim loại nặng) (Phụ lục B).
3) Các quy trình từng bước để xử lý mẫu máu từ khi nhận mẫu đến khi báo cáo liều hấp thụ.
b) Nếu được yêu cầu, hệ lấy mẫu máu (10 ml) có chứa heparin lithium làm chất chống đông máu phải được gửi đến cho khách hàng, với vật liệu đóng gói ghi sẵn địa chỉ gửi và được dán nhãn đúng cách để cho phép gửi mẫu trở lại phòng thử nghiệm dịch vụ. Đóng gói phải phù hợp với các quy định quốc gia và/hoặc quốc tế đối với việc vận chuyển các mẫu bệnh phẩm có khả năng truyền nhiễm (xem 12.2.4).
c) Sau khi tiếp nhận mẫu máu, phải tiến hành các bước sau:
1) Ghi lại việc nhận mẫu máu (ngày, giờ, người nhận) vào tài liệu chính thức;
2) Tạo mã cho mẫu máu;
3) Ghi lại vị trí lưu giữ cho đến khi thiết lập việc nuôi cấy;
4) Thiết lập các mẫu cấy đồng thời với việc ghi chép ngày, giờ và người thực hiện càng sớm càng tốt;
5) Ghi rõ tất cả các thuốc thử được dùng để nuôi cấy với các số đánh dấu mẻ phù hợp;
6) Ghi rõ việc bổ sung các thuốc thử và kết thúc quá trình nuôi cấy (ngày, giờ, người thực hiện).
7) Ghi rõ cách bảo quản mẫu ngắn hạn và dài hạn cho đến khi làm tiêu bản.
8) Ghi rõ các mã số tiêu bản, số tiêu bản và vị trí cất giữ,
9) Ghi rõ các kết quả đếm sai hình.
10) Lưu giữ các tiêu bản và các tài liệu trường hợp vào một nơi thích hợp để lưu giữ trong ít nhất 30 năm để có thể tiến hành đánh giá lại pháp y đối với trường hợp này.
d) Phòng thử nghiệm dịch vụ phải diễn giải các kết quả và chuẩn bị các báo cáo (Phụ lục C).
e) Phòng thử nghiệm dịch vụ phải duy trì đối thoại với người yêu cầu, các trường hợp tái ưu tiên như yêu cầu và cung cấp các kết quả cho người yêu cầu.
6 Sự bảo mật của thông tin cá nhân
6.1 Tổng quan
Các điều tra bằng đo liều sinh học do một phòng thử nghiệm dịch vụ thực hiện phải bảo đảm tuân thủ các quy định quốc gia về bảo mật thông tin. Các quy định này thường bao gồm tiền phải trả để bảo mật mã số nhận dạng, dữ liệu y tế và tình trạng xã hội của bệnh nhân. Ngoài ra, bí mật thương mại của người thuê lao động và bất kỳ các tổ chức liên quan nào khác của bệnh nhân trong tai nạn/sự cố bức xạ cần được tuân thủ.
Yêu cầu này mở rộng đối với 1) những thỏa thuận bằng văn bản, dạng điện tử hoặc lời nói giữa phòng thử nghiệm và cá nhân/tổ chức yêu cầu phân tích và nhận báo cáo, và 2) việc bảo vệ an ninh thông tin bảo mật được giữ trong tổ chức nơi đặt phòng thử nghiệm dịch vụ.
6.2 Áp dụng nguyên tắc bảo mật
6.2.1 Việc ủy thác trách nhiệm trong phòng thử nghiệm
Người đứng đầu phòng thử nghiệm có thể cho phép một số giới hạn nhân viên phòng thử nghiệm xử lý các hồ sơ liên quan đến việc phân tích. Các cá nhân có quyền này phải ký vào bản cam kết bảo mật liên quan đến nhiệm vụ của họ trong phòng thử nghiệm.
Người đứng đầu phòng thử nghiệm phải lưu giữ các bản thỏa thuận bảo mật đã được ký và bảo đảm an toàn, an ninh cho tất cả các tài liệu bảo mật.
6.2.2 Các yêu cầu phân tích
Phụ thuộc vào quy định quốc gia, yêu cầu phân tích thường phải do một bác sỹ đại diện cho bệnh nhân, do chính bệnh nhân đưa ra, hoặc có thể được yêu cầu do những yêu cầu của luật pháp. Trong mọi trường hợp, việc lấy mẫu máu để phân tích nhiễm sắc thể phải được thực hiện với sự đồng ý của bệnh nhân. Người đứng đầu phòng thử nghiệm, tùy thuộc vào quy định quốc gia, có thể được yêu cầu phải lưu giữ văn bản thể hiện sự đồng ý chính thức của bệnh nhân.
6.2.3 Chuyển thông tin bảo mật
Bất kể phương thức thỏa thuận đã chọn là gì, việc bảo mật phải sẽ được bảo đảm trong suốt quá trình trao đổi thông tin và các báo cáo giữa phòng thử nghiệm dịch vụ và người yêu cầu phân tích.
Trưởng phòng thử nghiệm cần xác định tất cả các thủ tục để chuyển thông tin và bảo đảm tính bảo mật
6.2.4 Tính nặc danh của mẫu
Người đứng đầu phòng thử nghiệm cần có các giao thức thiết lập sẵn để giữ tính nặc danh cho các mẫu phân tích. Để tránh việc nhận dạng bệnh nhân trong khi vẫn đảm bảo khả năng truy nguyên phân tích, các mẫu máu phải được mã hóa ngay khi được chuyển đến phòng thử nghiệm dịch vụ. Việc mã hóa phải được thực hiện bằng một phương thức rõ ràng, tuân theo một quy trình tiêu chuẩn. Mã số giống nhau của mỗi mẫu được sử dụng trong tất cả các giai đoạn phân tích. Mã số này phải được đưa ra bởi người có trách nhiệm theo quy định trong 6.2.1. Việc giải mã, giải thích kết quả và hoàn thiện báo cáo cũng phải do người được phép thực hiện.
6.2.5 Báo cáo kết quả
Báo cáo cuối cùng chứa các kết quả và diễn giải kết quả (nếu cần thiết) được trao đổi với người yêu cầu phân tích. Phụ thuộc vào các quy định quốc gia mà các bản sao báo cáo kết quả với những phê chuẩn phù hợp có thể được chuyển cho những người có trách nhiệm khác.
6.2.6 Lưu giữ
Người đứng đầu phòng thử nghiệm phải xác định các dữ liệu và kết quả được lưu giữ như thế nào. Tất cả các tài liệu liên quan đến trường hợp phân tích của phòng thử nghiệm mà có thể cho phép bệnh nhân và/hoặc người sử dụng lao động nhận diện được sẽ phải lưu giữ tại một nơi mà chỉ những cá nhân được phép mới có thể truy cập. Các tài liệu phải được lưu giữ ở nơi thích hợp để có thể tái đánh giá pháp y về trường hợp phân tích trong ít nhất 30 năm. Việc thải bỏ cuối cùng đối với các tài liệu phải được thực hiện bằng các biện pháp bảo đảm như nghiền vụn.
7 Các yêu cầu về an toàn phòng thử nghiệm
7.1 Tổng quan
Nhân viên phải tuân thủ các quy định của tổ chức và điều luật quốc gia về an toàn trong các phòng thử nghiệm. Có một số điểm cụ thể liên quan đến sự an toàn trong phòng thử nghiệm dịch vụ đáng để lưu ý. Các đặc điểm này bao gồm các khía cạnh về vi sinh, hóa học và quang học.
7.2 Các yêu cầu an toàn vi sinh
Việc quản lý máu người tạo ra một số nguy cơ lây bệnh hoặc nhiễm các ký sinh vật trong máu cho nhân viên phòng thử nghiệm. Tất cả các mẫu vật cần phải coi là có khả năng gây ra lây nhiễm, thậm chí ngay cả khi chúng được biết rõ lấy ra từ những cá nhân hoàn toàn mạnh khỏe. Các mẫu vật phải được mở ra và xử lý trong một phòng an toàn vi sinh nhóm 2. Việc thiết lập các mẻ nuôi cấy trong phòng này tạo ra lợi ích phụ là giảm thiểu nuôi cấy hỏng do nhiễm vi sinh vật. Việc sử dụng các vật nhọn, ví dụ như các kim tiêm dưới da, cần phải giữ ở mức tối thiểu để giảm nguy cơ tổn thương. Phải có sẵn các chất tẩy trùng phù hợp để xử lý các trường hợp làm đổ hoặc làm tràn chất lỏng. Tất cả chất thải sinh học và dụng cụ dùng một lần bằng chất dẻo đã qua sử dụng phải được khử trùng, ví dụ bằng cách hấp nhiệt hoặc đốt, trước khi thải bỏ cuối cùng.
Các nhân viên cần được chích sẵn các vacxin chống lại các bệnh truyền nhiễm qua đường máu. Các quy tắc pháp luật và đạo đức đối với xét nghiệm HIV cho các mẫu máu ngay khi tiếp nhận khác nhau giữa các quốc gia, và các nhà nghiên cứu phải tuân theo các quy định của quốc gia họ. Cần phải lưu ý rằng, khi các mẫu máu được chuyển đến từ nước ngoài, tùy thuộc vào nước xuất xứ mà các hãng hàng không có thể yêu cầu người gửi phải đưa ra giấy chứng nhận xác nhận rằng các mẫu máu đã kiểm tra và âm tính với HIV.
7.3 Các yêu cầu an toàn hóa học
Các hóa chất và thuốc nhất định thường được sử dụng trong các quy trình được bao gồm trong tiêu chuẩn này. Khi có mặt trong các mẫu nuôi cấy hoặc được sử dụng trong các quá trình nhuộm, chúng chủ yếu được sử dụng với lượng nhỏ và ở dạng pha loãng thường không gây nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng được chuẩn bị và bảo quản trong các dung dịch gốc dạng đậm đặc. Các thuốc thử chính cần quan tâm và các báo cáo về độ rủi ro (số H) theo hệ thống phân loại GHS phù hợp chuẩn của chúng được liệt kê dưới đây:
Axit axetic | H226, H290, H314; |
Benzylpenicillin | H317, H334; |
Bromodeoxyuridine (BrdU) | H351; |
Colcemid | H300, H361; |
Cytochalasin B | H300, H310, H330, H361; |
Thuốc màu Giemsa | H225, H301, H311, H331, H370; |
Heparin | H315, H319, H334; |
Thuốc màu Hoechst (Bisbenzimid) | H302, H315, H319; |
Metanol | H225, H301, H311, H331, H370; |
Phytohaemagglutinin | H302, H317, H332; |
Streptomycin sulfat | H302, H332, H317, H334, H361. |
CHÚ DẪN
H225 Chất lỏng và hơi rất dễ cháy;
H226 Chất lỏng và hơi dễ cháy;
H290 Có thể ăn mòn kim loại;
H300 Gây tử vong nếu nuốt phải;
H301 Gây nhiễm độc nếu nuốt phải;
H302 Gây hại nếu nuốt phải;
H310 Gây tử vong khi tiếp xúc với da;
H311 Gây nhiễm độc nếu tiếp xúc với da;
H314 Gây bỏng da và tổn thương mắt nặng;
H315 Gây kích ứng da;
H317 Có thể gây phản ứng da dị ứng;
H319 Gây kích ứng mắt nghiêm trọng;
H330 Gây tử vong nếu hít phải;
H331 Gây nhiễm độc nếu hít phải;
H332 Gây hại nếu hít phải;
H334 Có thể kích ứng hoặc các triệu chứng hen suyễn hoặc khó thở nếu hít phải;
H351 Có thể gây ung thư;
H361 Có thể gây hại khả năng sinh sản và trẻ chưa sinh;
H370 Gây nguy hại tới các cơ quan nội tạng.
7.4 Các yêu cầu an toàn quang học
Khi sử dụng các đèn cực tím để khử trùng bên trong các phòng an toàn vi sinh hoặc để phơi các tiêu bản trong suốt quá trình nhuộm màu huỳnh quang Giemsa (FPG), nhân viên phòng thử nghiệm phải tuân thủ các quy trình che chắn và làm việc để tránh bị chiếu xạ trực tiếp lên mắt và da
7.5 Kế hoạch an toàn
Người đứng đầu phòng thử nghiệm phải quy định các thủ tục an toàn bằng văn bản để bảo vệ chống lại các nguy hiểm vi sinh, hóa học và quang học.
Người đứng đầu phòng thử nghiệm phải lưu giữ hồ sơ về các tai nạn và các giao thức hoặc quy trình để tránh lặp lại các tai nạn tương tự.
8 (Các) Đường chuẩn
8.1 Nuôi cấy
Các điều kiện nuôi cấy giống nhau phải được sử dụng để thiết lập đường chuẩn cũng như để phân tích sai hình nhiễm sắc thể trong trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm quá liều.
Giao thức chính xác để xét nghiệm sai hình hai tâm động phải do phòng thử nghiệm dịch vụ thiết lập, và một số điểm quan trọng phải tuân thủ như được liệt kê dưới đây:
a) Máu phải được nuôi ủ tối thiểu 2 h ở 37 °C ngay sau khi chiếu xạ và trước khi nuôi cấy.
b) Các tế bào phải được nuôi ở 37 °C ± 0,5 °C hoặc với toàn bộ máu, huyền phù tế bào lympho đã làm giàu (Buffy coat), hoặc chỉ gồm các tế bào lympho đã tách riêng.
c) Bình nuôi cần phải vô trùng và được sử dụng theo cách phù hợp để tránh nhiễm bẩn vi sinh.
d) Cần phải sử dụng môi trường nuôi đặc hiệu cho phép tế bào lympho máu ngoại vi sinh sôi. Các môi trường này thường được bổ sung huyết thanh bào thai bò (Foetal Bovine Serum – FBS) (từ 10% đến 20%), 200 mM L-glutamin và Penixilin/Steptomyxin (100 IU·ml-1/100 µg·ml-1) (xem Tài liệu tham khảo [8]).
e) Mitogen (hóa chất kích thích phân bào nguyên nhiễm, ví dụ phytohaemagglutinin hoặc PHA) phải được bổ sung vào môi trường để kích thích các tế bào lympho bước vào giai đoạn phân bào nguyên nhiễm.
f) Phải áp dụng một phương pháp phù hợp để đảm bảo việc ghi các kỳ giữa của lần phân bào đầu tiên (xem 9.1).
g) Phải bổ sung colxemid hoặc colxixin vào dịch nuôi cấy tế bào tại thời điểm và với nồng độ được xác định bởi phòng thử nghiệm để làm ngừng các tế bào đang trong giai đoạn phân bào nguyên nhiễm.
h) Thời gian thu hoạch tế bào là rất quan trọng để tối đa hóa số lượng tế bào ở kỳ giữa của lần phân chia đầu tiên và phải làm phù hợp theo các điều kiện nuôi cấy chuẩn đối với phòng thử nghiệm dịch vụ. Thời gian nuôi cấy khuyến nghị là 48 h, nhưng dưới những điều kiện nhất định khi dự đoán quá trình phân bào bị trễ, có thể cần thời gian dài hơn.
i) Các tế bào được ly tâm để tách riêng khỏi môi trường nuôi cấy. Sau đó, các tế bào phải được xử lý bằng dung dịch nhược trương như KCI 0,075 M trong khoảng từ 10 min đến 15 min để làm phồng các tế bào trước khi cố định.
j) Sau khi ly tâm, phần chất nổi trên mặt được loại bỏ và các tế bào sẽ phải được cố định trong dung dịch cố định vừa mới chuẩn bị (ví dụ hỗn hợp axit axetic:metanol theo tỷ lệ 1:3) và rửa ba hoặc bốn lần với cùng dung dịch cố định cho đến khi thấy rõ huyền phù tế bào.
k) Nếu cần bảo quản tế bào đã cố định, thì dịch huyền phù tế bào được giữ đông lạnh ở -20 °C.
l) Các tiêu bản cần phải được chuẩn bị để cho phép nhận dạng rõ các sai hình nhiễm sắc thể. Các điều kiện độ ẩm và nhiệt độ có thể phải điều chỉnh để làm tăng mức độ trải rộng.
m) Các tiêu bản cần phải được làm khô ít nhất 1 h trước khi nhuộm màu. Các tiêu bản phải được nhuộm bằng Giemsa. Nếu phương pháp nhuộm Giemsa đánh dấu huỳnh quang (PPG) được dùng để nhận dạng kỳ giữa của lần phân chia đầu tiên, quá trình nhuộm FPG phải được thực hiện với Hoechst 33258, sau đó chiếu tia tử ngoại (UV).
n) Để tránh bị phai màu, các tiêu bản đã nhuộm cần phải được bảo quản trong phòng tối ở nhiệt độ phòng. Để lưu giữ được tốt hơn, các tiêu bản phải được phủ bằng môi trường phủ thích hợp.
8.2 (Các) Nguồn hiệu chuẩn
Phòng thử nghiệm dịch vụ phải đưa ra báo cáo đã được rà soát và xác nhận bởi một chuyên gia được đào tạo (nghĩa là, nhà vật lý bức xạ hoặc người đứng đầu phòng thử nghiệm dịch vụ), đề cập các nội dung sau:
a) Mô tả về tất cả (các) nguồn hiệu chuẩn bức xạ được sử dụng để lập các đường chuẩn in vitro trong phòng thử nghiệm [ví dụ, Máy phát tia X Philips với chiều dày lớp bán hấp thụ (HVL) là 2,1 mmCu, điện áp đỉnh 250 kVp, dòng sợi nung 12,5 mA, và khoảng cách từ nguồn đến bề mặt (SSD) là 50 cm];
b) Đặc trưng của (các) nguồn hiệu chuẩn bức xạ được sử dụng để tạo ra mỗi đường chuẩn in vitro và liên kết chuẩn tới chuẩn bức xạ quốc tế/quốc gia;
c) Mô tả giao thức đo liều, quy trình để chứng nhận rằng phương pháp đo liều đã được hiệu chuẩn theo một tiêu chuẩn, phương pháp được sử dụng để đo độ đồng nhất của liều trong chuỗi xét nghiệm, và viết các quy trình và văn bản để kiểm định những kết quả xác định liều và suất liều cho mỗi thử nghiệm riêng biệt;
d) Cung cấp báo cáo đo liều sơ lược cho mỗi đường cong đáp ứng – liều ứng với nguồn hiệu chuẩn.
8.3 Thiết lập (các) đường chuẩn
Trong cả hai trường hợp bức xạ photon có hệ số truyền năng lượng tuyến tính (LET) cao và thấp cần phải chọn tối thiểu bảy liều, phân bố đều trong các thành phần cấu thành tuyến tính và bậc hai của đường cong đáp ứng liều. Các giá trị liều để lập đường chuẩn điển hình thay đổi từ 0,1 Gy đến 4 Gy.
Các tần suất sai hình hai tâm quan sát (Y) phải được làm khớp với các mô hình tuyến tính và tuyến tính – bậc hai [Công thức (1)]. Đối với phần lớn các bức xạ LET cao, mô hình tuyến tính cần phải phù hợp hơn.
Y = C(SEC) + αDT(±SEα)+βDT2 (±SEβ) (1)
Trong đó:
DT là liều;
α, β, C là các hệ số làm khớp với mô hình tuyến tính – bậc hai;
SE là sai số chuẩn của các hệ số.
Hai phương pháp được đề xuất làm khớp đường cong, phương pháp bình phương tối thiểu có cân đối tương tác và phương pháp xác suất cực đại (xem Phụ lục D). Đối với số liệu quá phân tán không phân bố theo Poisson (nghĩa là đối với loại bức xạ LET cao), các trọng số cần phải tính đến độ quá phân tán. Nếu giá trị [Khi-bình phương (c2)] thu được cao hơn bậc tự do, sai số chuẩn sẽ tăng lên theo tỷ lệ
(Khi bình phương /bậc tự do)1/2
Phòng thử nghiệm dịch vụ phải cung cấp báo cáo đã được phê duyệt và bảo đảm bởi chuyên gia có trình độ (nghĩa là, nhà vật lý bức xạ hoặc tương đương của phòng thử nghiệm dịch vụ), đề cập các nội dung sau:
a) Mô tả việc bố trí phơi nhiễm thực nghiệm (dụng cụ giữ mẫu, kiểm soát nhiệt độ, v.v.) và các quy trình kiểm định khả năng tái lập của phơi nhiễm cho các thực nghiệm riêng lẻ;
b) Chi tiết hóa các dữ liệu hiệu chuẩn in vitro và cách làm khớp chúng với đường chuẩn, cần phải nêu rõ ưu điểm của cách làm khớp và ý nghĩa của các hệ số khớp tuyến tính và bậc hai.
Phòng thử nghiệm dịch vụ phải sử dụng phần mềm làm khớp đường chuẩn đã được thẩm định là tốt và hợp lệ. Các ví dụ về phần mềm như vậy phải rất sẵn có và được phát triển bởi cộng đồng đo liều sinh học quốc tế. Một số phần mềm khác có thể được tìm thấy trong thư viện mở và trên mạng. Bất kể phần mềm nào được dùng, việc thẩm định phải bao gồm việc thử nghiệm với số liệu đã công bố.
8.4 Phép đo liều tối thiểu có thể phân giải
Liều tối thiểu có thể phân giải là một hàm số của các mức phông nền kiểm soát đo được về sai hình hai tâm của phòng thử nghiệm, các hệ số của đường chuẩn và số lượng tế bào được ghi trong phép phân tích, và được giới hạn với liều thấp nhất dùng trong đường chuẩn thích hợp. Một phòng thử nghiệm được công nhận phải có khả năng cung cấp báo cáo đề cập đến liều tối thiểu có thể phân giải;
Giới hạn này phải được gửi đến bác sỹ y khoa yêu cầu ước tính liều. Liều tối thiểu có thể phân giải được khuyến nghị khoảng 100 mGy.
Khi liều bức xạ nghi ngờ là thấp, việc tính tỉ số cơ may một nửa có thể được bổ sung vào báo cáo (xem Phụ lục E)
9 Ghi các sai hình nhiễm sắc thể không ổn định
9.1 Quy trình ghi các kỳ giữa của lần phân chia đầu tiên
Một khía cạnh quan trọng của việc nuôi cấy các mẫu máu để ước tính liều bằng xét nghiệm sinh học phân tích sinh học sai hình nhiễm sắc thể hai tâm động là thời gian thu hoạch để gom được kỳ giữa. Tần suất các sai hình nhiễm sắc thể không ổn định tối đa trong các tế bào lympho gom được từ các cá nhân bị phơi nhiễm bức xạ, xảy ra ở các tế bào đang trong kỳ giữa lần phân bào đầu tiên sau chiếu xạ. Phương pháp tiêu chuẩn được sử dụng để bảo đảm rằng chỉ các tế bào giai đoạn kỳ giữa lần phân chia đầu tiên được ghi lại là dựa trên kỹ thuật nhuộm Giemsa đánh dấu huỳnh quang (FPG) với yêu cầu bổ sung BrdU trong khi nuôi cấy. Một quy trình có thể chấp nhận được là kiểm tra một tiêu bản sao khác của cùng mẫu nuôi cấy nhuộm bằng FPG và nếu tần suất xuất hiện kỳ giữa thứ hai hoặc sau đó là thấp (dưới 5 %) thì một tiêu bản sao mới chỉ được nhuộm bằng Giemsa có thể được dùng để đếm. Đối với các mẫu nuôi cấy có hơn 5% lần phân chia thứ hai thì chỉ các vật liệu được nhuộm FPG mới được ghi nhận. Các kỹ thuật thay thế khác có thể chấp nhận được miễn là phương pháp thực hiện được minh chứng bằng văn bản và được thẩm định. Các tiêu bản đã được nhuộm màu được khuyến nghị để lưu giữ lâu dài.
9.2 Các tiêu chí để ghi sai hình
9.2.1 Mã hóa các mẫu và tiêu bản
Tất cả các mẫu, tiêu bản và các tiêu chuẩn thẩm định liên phòng thử nghiệm phải được mã hóa. Cần phải lưu giữ các hồ sơ mã hóa hoàn chỉnh.
9.2.2 Các kỹ thuật ghi
Người đứng đầu phòng thử nghiệm cần phải thiết lập và thực hiện các quy trình cho các kỹ thuật đếm sai hình sử dụng. Khi việc đếm ít nhất được thực hiện một phần bằng ứng dụng phân tích hình ảnh và/hoặc tìm kiếm kỳ giữa với trợ giúp của máy tính thì hệ thống được sử dụng cần phải được kiểm tra bảo đảm chất lượng trước với các kết quả được ghi lại bằng văn bản.
Việc quét các tiêu bản cẩn thận có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm phân tích hoàn tất mà không đếm bất kỳ một tế bào nào nhiều hơn một lần. Nên ghi đếm hơn một tiêu bản cho mỗi mẫu máu.
Trong khi các sai hình nhiễm sắc thể hai tâm luôn luôn được sử dụng để ước tính liều, thì thực hành tiêu chuẩn trong các phòng thử nghiệm dịch vụ là ghi lại tất cả các bất thường nhiễm sắc thể. Một bản ghi tiêu chuẩn phải được sử dụng với các dữ liệu ghi được sao cho có thể biết được các sai hình trong mỗi tế bào đã ghi lại (Phụ lục F). Khi có nhiều người tham gia ghi lại thì mỗi người phải phân tích một số lượng các kỳ giữa có thể so sánh được.
9.2.3 Sự thành thạo trong việc ghi sai hình của phòng thử nghiệm
Việc phân tích kỳ giữa phải được tiến hành bởi những người quan sát đã được đào tạo và có kinh nghiệm, rất quen thuộc với việc ghi các sai hình nhiễm sắc thể không ổn định gặp thường thấy trong đo liều sinh học. Văn bản chứng nhận sự thành thạo chuyên môn của họ phải được lưu giữ.
Người đứng đầu phòng thử nghiệm chịu trách nhiệm lưu giữ các tiêu chí về việc ghi sai hình và năng lực của những người chuyên ghi sai hình riêng biệt. Tất cả những người chuyên ghi phải tham gia các hoạt động so sánh trong chính phòng thử nghiệm hoặc liên phòng thử nghiệm.
Người ghi được xem là thành thạo nếu kết quả đo của họ nằm trong khoảng giới hạn tin cậy Poisson 95% của giá trị tham chiếu mong đợi nhận được từ đường chuẩn của phòng thử nghiệm.
Xem những chi tiết bổ sung dưới đây đối với sự thành thạo ghi sai hình qua các kiểm tra năng lực thực hiện thông qua nghiên cứu so sánh chéo của phòng thử nghiệm (12.2.2) và các lần kiểm tra định kỳ của những người ghi riêng biệt (12.2.3).
10 Các tiêu chí chuyển đổi tần suất sai hình đo được thành ước tính liều hấp thụ
10.1 Tổng quan
Tần suất sai hình hai tâm đã đo, được chuyển thành liều hấp thụ dựa trên việc tham chiếu đến đường chuẩn phòng thử nghiệm (chuẩn in vitro) thích hợp đã được tạo ra với bức xạ có chất lượng tương đương trong chính phòng thử nghiệm. Việc làm này cho phép ước lượng về liều toàn thân trung bình. Trong các trường hợp thông thường, cần ghi ít nhất 500 tế bào từ mẫu vật của trường hợp, trừ khi số lượng sai hình lớn, vì khi đó không cần thiết phải ghi quá 100 sai hình nhiễm sắc thể hai tâm. Trong trường hợp đặc biệt, khi có quá nhiều sai hình nhiễm sắc thể hai tâm nhưng chỉ một số kỳ giữa được trải, có thể báo cáo liều xạ sau khi ghi ít hơn 100 sai hình nhiễm sắc thể hai tâm.
10.2 So sánh với các đối chứng
Phòng thử nghiệm dịch vụ phải đưa ra mức phông nền sai hình nhiễm sắc thể hai tâm của nó trong các báo cáo trường hợp (ví dụ được nêu trong Phụ lục G). Nếu lượng sai hình đo được không khác biệt một cách có nghĩa với tần suất đối chứng thì giá trị ước tính liều tốt nhất được đưa ra là 0 với giới hạn tin cậy trên của nó. Nếu lượng sai hình đo được lớn hơn mức đối chứng một cách có nghĩa thì giá trị ước tính liều với độ không đảm bảo của nó cần phải được xác định và báo cáo.
10.3 Phép thử phân bố các sai hình trên từng tế bào
Các sai hình hai tâm động tạo thành với các tế bào lympho người trong giai đoạn G0 do phơi nhiễm đồng nhất bởi bức xạ LET thấp được phân bố trong các tế bào theo phân bố Poisson. Trong các trường hợp chiếu xạ không đồng nhất hoặc sau khi phơi nhiễm với bức xạ LET cao, sự phân bố tế bào có sai hình hai tâm có xu hướng quá phân tán (phương sai lớn hơn giá trị trung bình). Vì các phương pháp làm khớp đường cong dựa trên phân bố Poisson, sự phân bố các tế bào hai tâm phải được kiểm tra đối với tất cả các liều đã dùng để xây dựng đường cong hiệu ứng – liều. Việc này phải được thực hiện bằng phép thử u, là đơn vị chuẩn hóa của chỉ số phân tán D = s2/y (phương sai/giá trị trung bình). Đối với phân bố Poisson, D phải thống nhất, các giá trị M lớn hơn 1,96 cho biết sự quá phân tán (mức ý nghĩa, α = 0,025).
(2)
Trong đó:
D là chỉ số phân tán;
N là số lượng tế bào phân tích;
X là số sai hình hai tâm phát hiện được.
10.4 Xác định liều toàn thân ước tính và các giới hạn tin cậy
10.4.1 Khái quát
Trong các báo cáo kết quả, phòng thử nghiệm dịch vụ sẽ đưa ra liều toàn thân ước tính và các giới hạn tin cậy. Độ không đảm bảo thường được biểu thị như là các giới hạn tin cậy là 95 % mặc dù các giá trị phần trăm khác có thể được nêu ra, nếu đã điều chỉnh phù hợp với một trường hợp cụ thể. Nếu giới hạn tin cậy dưới rơi xuống dưới liều không thì chỉ giới hạn trên được nêu ra.
10.4.2 Các giới hạn tin cậy về lượng sai hình hai tâm động
Có một số phương pháp để suy ra các giới hạn tin cậy về lượng sai hình hai tâm động được quan sát. Các giới hạn tin cậy trong các quan sát Poisson có thể thu được từ các bảng chuẩn, bằng phép tính chính xác hoặc xấp xỉ. Nếu một sai hình đo được là quá phân tán (rời rạc) đối với phân bố Poison thì độ không đảm bảo thu dược từ hàm phân bố Poison phải được tăng lên bằng căn bậc hai của tỷ số giữa giá trị phương sai và giá trị trung bình (xem 10.3).
Nếu không sử dụng bảng chuẩn, có thể sử dụng Công thức (3) và (4) để tính ngay khi số lượng tế bào lớn hơn 15:
(3) |
|
với |
(4) |
10.4.3 Các giới hạn tin cậy về liều
Phương pháp chính thức nhất để đánh giá độ không đảm bảo về liều là bằng cách kết hợp các giới hạn tin cậy về tần suất với độ không đảm bảo về đường cong. Sau đó, giá trị giới hạn tin cậy cao hơn phải được báo cáo trong đường cong hiệu ứng – liều thấp hơn và giá trị tin cậy thấp hơn được báo cáo trong đường cong hiệu ứng – liều cao hơn.
Trong các báo cáo kết quả, phòng thử nghiệm dịch vụ phải mô tả phương pháp đã dùng để xác định độ không đảm bảo mở rộng, ví dụ khoảng tin cậy 95 %, như được định nghĩa trong TCVN 6910-1 (ISO 5725-1).
Người đứng đầu phòng thử nghiệm cần phải định rõ các phương pháp được sử dụng để xác định các giới hạn tin cậy.
10.5 Các trường hợp phơi nhiễm cấp và không cấp
Nếu một trường hợp phơi nhiễm được biết đã nhận liều cấp, tức là dưới 0,5 h, thì giá trị ước tính liều có thể xác định được bằng cách tham chiếu tới một đường chuẩn in vitro cấp. Nếu trường hợp phơi nhiễm được biết đã kéo dài hơn 24 h thì giá trị ước tính liều có thể nhận được bằng cách tham chiếu chỉ tới mức phông nền và các hệ số tuyến tính của đường chuẩn cấp. Đối với các trường hợp phơi nhiễm từ 0,5 h đến 24 h, thì lượng đo được nếu sẵn có thể được diễn giải từ một đường chuẩn không cấp phù hợp. Một lựa chọn khác, đường chuẩn cấp toàn phần có thể được sử dụng nhưng với sự giảm thiểu hệ số điều chỉnh liều. Hệ số này có thể được tính bằng phương pháp hàm G. Giải thích rõ hơn về hàm G có thể tìm được trong các báo cáo kỹ thuật của IAEA.
Nếu việc phơi nhiễm quá liều được biết là không liên tục thì phải giả định rằng các phần phân đoạn liều riêng lẻ là độc lập, tức là các hiệu ứng của chúng được cộng vào với nhau, nếu khoảng thời gian giữa hai lần phơi nhiễm trên 5 h. Nếu dưới 5 h, một hệ số tương tác cần phải được đánh giá bằng cách sử dụng hằng số thời gian là 2 h.
Trong các báo cáo kết quả, phòng thử nghiệm dịch vụ phải nêu rõ phương pháp được sử dụng để hiệu chuẩn các giá trị ước tính liều phơi nhiễm không cấp và trong trường hợp thích hợp, cũng phải luận giải về phương pháp đó.
10.6 Các trường hợp phơi nhiễm một phần cơ thể và tiền phơi nhiễm
Trong trường hợp phơi nhiễm một phần cơ thể với bức xạ LET thấp, tùy thuộc vào các tình huống cụ thể, có thể diễn giải số lượng sai hình nhiễm sắc thể đo được dưới dạng một phần bị chiếu xạ và liều trung bình của nó. Các giá trị này được rút ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật Qd1) hoặc Poisson nhiễm bẩn phóng xạ của Dolphin.
Trong phương pháp Poisson nhiễm bẩn phóng xạ, tần suất sai hình hai tâm của phần bị chiếu xạ (Y) được ước tính theo Công thức (5) và giải giá trị Y bằng phép lặp.
(5)
Trong đó:
Y là giá trị sai hình hai tâm động trung bình của phần bị chiếu xạ;
e-y là các tế bào bị tổn thương từ phần bị chiếu xạ;
N là số lượng tế bào được ghi;
X là số lượng sai hình hai tâm quan sát được;
n0 là số lượng tế bào không bị sai hình hai tâm.
Để tính các giới hạn tin cậy 95 % đối với Y, phải tuân theo cách tiếp cận được chỉ ra trong 10.4.2. Tỷ lệ các tế bào được ghi bị chiếu xạ (f) có thể được tính theo Công thức (6):
(6)
Để ước tính tỷ lệ các tế bào bị phơi nhiễm ban đầu (F), cần sử dụng Công thức (7):
(7)
Trong đó:
f là tỷ lệ các tế bào được ghi bị chiếu xạ;
p là tỷ lệ các tế bào bị chiếu xạ đã đạt tới kỳ giữa, có tính đến sự trễ phân chia nguyên phân và chết trong kỳ trung gian. Giá trị p được ước tính theo Công thức (8).
(8)
Trong đó:
DT là liều ước tính;
DT0 là liều xạ được cho là giết chết 37 % tế bào.
Trong trường hợp không có dữ liệu cụ thể, giá trị mặc định cho DT0 là 3,5 Gy phải được thừa nhận đối với chiếu xạ photon.
Với phương pháp Qd, sử dụng Công thức (9) để ước tính liều nhận được tỉ lệ chiếu xạ.
Trong đó:
X là số lượng sai hình hai tâm (dic);
Cu là số tế bào có các sai hình nhiễm sắc thể không ổn định (các nhiễm sắc thể hai tâm hoặc các đoạn nhiễm sắc thể không tâm)a
Y1 và Y2 là các giá trị dự kiến của sai hình hai tâm dic và không tâm thừa.
Y1 và Y2 là các hàm số của liều và được xác định từ đường cong đáp ứng – liều in vitro. Các liều ước tính đạt được bằng quá trình lặp lại. Trong trường hợp này, các sai số chuẩn được tính toán có xét đến phương sai của dic trong số các tế bào không ổn định. Bằng phương pháp Qd, thông tin về phần tế bào được ghi là đã được chiếu xạ và phần tế bào phơi nhiễm ban đầu được suy ra bằng cách chuyển liều ước tính thành giá trị và sau đó sử dụng Công thức (6) và Công thức (7).
Phơi nhiễm xảy ra trong một khoảng thời gian dài trước khi phân tích có xu hướng bị đánh giá thấp bởi xét nghiệm sai hình hai tâm. Nếu biết thời điểm và khoảng thời gian của lần phơi nhiễm cũ thì tần suất sai hình hai tâm đo được cần phải được điều chỉnh bằng cách giả định thời gian bán rã là ba năm. Trường hợp các phơi nhiễm trước dù để gây ra những phản ứng tất định thì giả định thời gian bán rã ngắn hơn có thể phù hợp.
Trong mọi trường hợp, phòng thử nghiệm dịch vụ phải nói rõ phương pháp được sử dụng để hiệu chính đối với các trường hợp phơi nhiễm một phần cơ thể và phơi nhiễm trước trong báo cáo kết quả, và cũng phải luận giải về giả định của phương pháp đó khi phù hợp.
11 Báo cáo các kết quả
11.1 Khái quát
Theo thường lệ, báo cáo cần chứa các thông tin liên quan do khách hàng cung cấp vì điều này có thể ảnh hưởng tới việc diễn giải các kết quả đánh giá trong phòng thử nghiệm dịch vụ. Tất cả các sai hình quan sát được phải được liệt kê và diễn giải dựa trên hiểu biết hiện tại về các cơ chế hình thành sai hình nhiễm sắc thể do bức xạ.
Báo cáo cần phải được chia thành các mục dưới đây.
11.2 Nội dung của báo cáo (xem Phụ lục C về mẫu báo cáo chuẩn)
Báo cáo phải bao gồm những thông tin sau:
a) Tiêu đề báo cáo, tức là, “Báo cáo thử”;
b) Tên và địa chỉ của phòng thử nghiệm thực hiện phân tích;
c) Nhận dạng báo cáo bằng một mã số duy nhất, tức là số tài liệu riêng do cơ quan đăng ký cung cấp;
d) Tên và địa chỉ của khách hàng, ngày yêu cầu/đặt hàng;
e) Nhận dạng phương pháp phân tích, tức là cung cấp số hiệu và tên của phương pháp như đã mô tả trong hệ thống chất lượng nội bộ, và mọi sai khác so với phương pháp thử nếu liên quan;
f) Nhận dạng rõ ràng về mẫu, tức là tên, mã số nội bộ, và ngày sinh của đối tượng;
g) Mô tả trường hợp, tức là tất cả thông tin có liên quan do khách hàng cung cấp liên quan tới việc diễn giải kết quả phải được nêu rõ (cũng có thể được xử lý trong phần diễn giải các kết quả);
h) Ngày và vị trí lấy mẫu máu, ngày mẫu chuyển đến phòng thử nghiệm, ngày thiết lập nuôi cấy (nếu khác nhau), và ngày hoàn thành phân tích;
i) Kết quả thử, tức là số lượng tế bào được ghi, số lượng và loại sai hình tìm thấy;
j) Diễn giải các kết quả thử (xem 11.3)
k) (Các) tên, (các) tiêu đề, (các) chức vụ, (các) chữ ký làm căn cứ cho báo cáo và thông tin liên lạc.
11.3 Diễn giải các kết quả
Điều này thay đổi tùy thuộc vào các tình huống của mỗi trường hợp nhưng báo cáo phải có một hoặc nhiều hơn các nội dung sau:
a) Ước tính liều dựa trên tần suất các sai hình hai tâm động (hoặc sai hình hai tâm động và sai hình hình nhẫn) được biểu thị bằng các đơn vị liều hấp thụ (Gy) trong hệ SI;
b) Công bố về xác suất mà bất cứ sai hình nào được sử dụng để ước lượng liều liên quan đến sự cố bức xạ cụ thể này;
c) Mức phông nền sai hình hình nhiễm sắc thể hai tâm của phòng thử nghiệm và các hệ số của đường chuẩn được sử dụng để chuyển số lượng sai hình nhiễm sắc thể thành giá trị liều;
d) Định lượng độ không đảm bảo trong phép ước lượng liều; giá trị này thường sẽ là giới hạn tin cậy trên, và trường hợp thích hợp là giới hạn tin cậy dưới, và mức phần trăm của độ tin cậy;
e) Công bố xem liệu ước lượng liều đã được thực hiện với giả định chiếu xạ cấp hay kéo dài, và nếu là chiếu xạ trường diễn thì sự kéo dài đó đã được tính đến như thế nào;
f) Trường hợp thích hợp thì việc diễn giải kết quả cần phải xem xét đến chiếu xạ một phần cơ thể và khoảng thời gian trễ quá dài giữa lúc xảy ra tai nạn và thời điểm lấy mẫu máu;
g) Và nếu phù hợp, bình luận về diễn giải liều lượng của các tế bào được quan sát với tổn thương phức tạp;
h) Những nhận xét liên quan đến tần suất của các kiểu loại sai hình khác đã được ghi lại nhưng không được dùng để ước tính liều.
i) Bản tóm tắt các yếu tố chính cần thiết từ các điểm trên. Việc này thường bao gồm ước tính tốt nhất về liều dựa trên những khám phá trong lĩnh vực di truyền học tế bào.
j) Cuối báo cáo, cần có lời mời khách hàng liên lạc với phòng thử nghiệm nếu họ yêu cầu làm rõ hơn hoặc giải thích thêm về kết quả và/hoặc xét nghiệm.
12 Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng
12.1 Tổng quan
Quản lý chất lượng phải đảm bảo sự cải tiến liên tục các thao tác vận hành. Các thủ tục đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng trong phòng thử nghiệm theo TCVN ISO/IEC 17025 phải được tuân thủ theo tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn này xác định các thủ tục đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng cụ thể cho các phòng thử nghiệm thực hiện đo liều sinh học bằng phương pháp di truyền học tế bào.
12.2 Các yêu cầu cụ thể
12.2.1 Khái quát
Các chương trình so sánh với các phòng thử nghiệm khác đo liều sinh học bằng phương pháp di truyền học tế bào đã được chứng nhận phù hợp hoặc được cấp chứng nhận khác phải được thiết lập và phải tiến hành các lần đo định kỳ.
TCVN 6910 (ISO 5725) đã dành riêng phân tích thống kê để kiểm tra độ tin cậy và độ chụm của phương pháp kỹ thuật. Các phép thử đã đưa ra chỉ có thể được áp dụng khi phân tích nhiều mẫu.
12.2.2 Thực hiện các kỳ kiểm tra bằng so sánh chéo giữa các phòng thử nghiệm
Các phép thử định kỳ về trình độ thông thạo là công cụ cần thiết để đảm bảo chất lượng của các phòng thử nghiệm vì các phép thử này tạo thành một đánh giá khách quan về năng lực thực hiện của nó, cả trên quan điểm con người và kỹ thuật.
Sự tham gia của các phòng thử nghiệm riêng biệt hoặc các giá trị dường như mâu thuẫn với tất cả các phòng thử nghiệm khác có thể làm thay đổi những ước tính về liều. Để loại bỏ hoặc hiệu chính các giá trị mâu thuẫn, có thể sử dụng hai phương pháp tiếp cận [TCVN 6910-2 (ISO 5725-2) và TCVN 6910-5 (ISO 5725-5)]:
a) Các phép thử giá trị bất thường bằng số (các phép thử Cochran và Grubbs): Để loại bỏ số liệu làm phát sinh một phép thử thống kê vượt quá giá trị quan trọng của phép thử tại mức có ý nghĩa 1 %;
b) Các phương pháp phân tích số liệu thô: Để thu được các giá trị thô về giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của số liệu.
Quy trình như sau:
a) Phép thử giá trị bất thường để so sánh chéo giữa các phòng thử nghiệm yêu cầu tối thiểu năm phòng thử nghiệm để thống kê sơ bộ [TCVN 6910-1 (ISO 5725-1)].
b) Ước tính giá trị trung bình và độ lệch chuẩn giữa các phòng thử nghiệm trước khi giá trị bất thường bị loại bỏ hoặc được hiệu chính. Phương pháp thích hợp hơn là tính toán các thông số thô.
c) Xác định năng lực thực hiện của phòng thử nghiệm bằng cách tính toán hệ số nguy cơ từ các kết quả của phòng thử nghiệm, giá trị tham chiếu và độ lệch chuẩn ước tính. Để xác định hệ số nguy cơ (Việc đánh giá này bao gồm cả các phép đo cấu thành và độ không đảm bảo của giá trị tham chiếu).
12.2.3 Kiểm tra năng lực thực hiện định kỳ về trình độ chuyên môn của nhân viên
Lập danh sách những nhân viên quan sát đủ điều kiện ít nhất mỗi hai năm một lần qua so sánh chéo giữa các phòng.
Để có đủ điều kiện, mỗi nhân viên quan sát phải ghi một mẫu các tế bào lympho bị phơi nhiễm với một liều lớn hơn 1 Gy (chiếu xạ photon cấp) và một mẫu các tế bào lympho bị phơi nhiễm với một liều nhỏ hơn 1 Gy (chiếu xạ photon cấp) theo phương pháp thực hành chuẩn của phòng thử nghiệm.
Người ghi được xem là có trình độ chuyên môn khi họ đo được giá trị nằm trong khoảng giới hạn tin cậy Poisson 95 % của giá trị tham chiếu kiểm tra nhận được từ đường chuẩn của phòng thử nghiệm. Ví dụ người ghi thấy giá trị đo được của mình trong một mẫu thử là 48 sai hình hai tâm trong 1000 tế bào (giới hạn tin cậy Poisson 95 % là giới hạn dưới LCL: 0,035, giới hạn trên UCL: 0,063) đối với phép thử mức tham chiếu và phù hợp với đường chuẩn của phòng thử nghiệm, dự đoán giá trị 0,05 sai hình hai tâm trên một tế bào.
12.2.4 Kiểm tra năng lực thực hiện đối với tính toàn vẹn trong vận chuyển mẫu
Trong nhiều trường hợp, việc lấy mẫu được tiến hành tại các địa điểm xa phòng thử nghiệm xử lý và cần phải vận chuyển mẫu. Khách hàng chịu trách nhiệm đảm bảo các mẫu máu được vận chuyển trong các điều kiện nhiệt độ tối ưu nhất (6 °C đến 30 °C). Khi vận chuyển bằng đường hàng không, cần phải tránh bị chiếu X quang tại điểm kiểm tra an ninh. Có thể đặt một liều kế vật lý trong hành lý vận chuyển để kiểm chứng việc này. Đối với việc vận chuyển quốc tế, phải có trước các giấy phép thích hợp kèm theo hàng gửi để tránh những chậm trễ tại nơi làm thủ tục hải quan. Tất cả các chi tiết liên quan đến việc lấy máu và lưu giữ mẫu phải được ghi lại.
12.2.5 Tiến hành các kiểm tra tính toàn vẹn của mẫu bởi phòng thử nghiệm dịch vụ
Cần phải thiết lập một hệ thống ghi lại việc lấy máu, vận chuyển và bảo quản mẫu máu để đảm bảo tính toàn vẹn của mẫu. Việc sử dụng các mẫu đã được mã hóa là cần thiết để tránh thành kiến có thể có trong quá trình ghi đếm.
12.2.6 Kiểm tra năng lực thực hiện của thiết bị
Tính năng của thiết bị đo phải được kiểm tra và đánh giá sau các khoảng thời gian định kỳ đều đặn trong khi thiết bị vẫn đang được sử dụng.
Các thiết bị quan trọng ví dụ gồm các tủ nuôi ủ, cân phân tích, nhiệt kế, pipet và các thiết bị làm đông lạnh.
Ví dụ, tính ổn định trong việc kiểm soát nhiệt độ của các tủ nuôi ủ phải được kiểm soát. Nếu sử dụng, cần phải được kiểm tra định kỳ.
Các đợt kiểm tra này phải đủ để khẳng định rằng thiết bị đo dược hiệu chuẩn đúng cách và tất cả các bộ phận đang hoạt động tốt.
12.2.7 Kiểm tra năng lực thực hiện quy trình lấy mẫu
Để đảm bảo chất lượng nội bộ, các mẫu đối chứng âm tính từ những người không bị phơi nhiễm phóng xạ, và nếu có thể, các mẫu đối chứng dương tính nội bộ phải bao gồm trong điều tra để nâng cao độ tin cậy của quy trình. Mẫu máu của cả người bị phơi nhiễm và không phơi nhiễm phải được xử lý theo cùng cách thức như nhau. Các mẫu của cả hai nhóm phải được lấy đồng thời mà không phải kế tiếp nhau.
Đối với việc diễn giải kết quả, có thể hữu ích để chuẩn bị một tiêu bản cho việc ghi vi sai từ mỗi mẫu máu trước khi bắt đầu nuôi cấy. Các quy trình nuôi cấy, cố định, và nhuộm màu phải được mô tả chi tiết. Nên sử dụng cùng một mẻ môi trường và thuốc thử trong suốt quá trình nghiên cứu. Thành phần của tất cả các thuốc thử phải được mô tả càng chính xác càng tốt.
12.2.8 Kiểm tra năng lực thực hiện việc ghi sai hình của mẫu
Phải áp dụng các tiêu chí thống nhất phải để ghi kết quả sai hình. Việc ghi cần phải được thực hiện bởi người quan sát có trình độ chuyên môn và được đào tạo. Nếu liên quan đến nhiều người ghi khác nhau, thì cần phải sử dụng một cách ghi mẫu đã cân bằng. Mỗi người ghi sẽ phải phân tích cùng một số lượng các kỳ giữa từ các tiêu bản của tất cả các đối tượng chứ không phải là những người ghi khác nhau phân tích tất cả các tế bào từ các đối tượng khác nhau. Các kết quả phải được kiểm tra chéo. Tính nhất quán của người ghi các tiêu bản phải được ghi lại.
12.2.9 Kiểm tra năng lực thực hiện ước tính liều và các giới hạn tin cậy
Phải sử dụng các phép thử không có tham số để phân tích thống kê đại lượng đơn biến. Khoảng tin cậy của phơi nhiễm phải được tính từ độ không đảm bảo trong các kết quả ghi sai hình hai tâm và mức độ thay đổi tương quan đáp ứng – liều giữa các cá nhân, thường được xác định trong điều tra trước. Tương quan đáp ứng – liều phải được áp dụng phù hợp cho phơi nhiễm trường diễn và phơi nhiễm cấp. Các kết quả các mẫu đối chứng bảo đảm chất lượng nội bộ âm tính và dương tính được sử dụng để chứng tỏ tính tin cậy của cách ghi và phương pháp thực hiện.
12.2.10 Kiểm tra năng lực thực hiện việc tạo báo cáo kết quả
Các báo cáo phân tích cung cấp cho khách hàng phải được xem xét để bảo đảm chúng chứa thông tin cần thiết được định rõ trong tiêu chuẩn này (xem Điều 11), nghĩa là: những ký hiệu nhận dạng đối tượng và khách hàng, thông tin phơi nhiễm, ngày phơi nhiễm và ngày lấy mẫu, các kết quả ghi sai hình, diễn giải kết quả dưới dạng liều và độ không đảm bảo của nó, và thông tin về cách những kết quả này được luận ra.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Mẫu hướng dẫn cho khách hàng
QUY TRÌNH LẤY MẪU ĐỂ PHÂN TÍCH SAI HÌNH NHIỄM SẮC THỂ
Phân tích các sai hình nhiễm sắc thể trong tế bào bạch cầu lympho máu ngoại vi của người là phương pháp tiêu chuẩn hiện nay để đánh giá phơi nhiễm bức xạ về mặt sinh học. Phương pháp này được sử dụng khi liều kế vật lý của cá nhân không có hoặc không đo được hay khi mà việc đọc liều kế tác nhân bị bỏ qua hoặc đang tranh cãi. Để tối ưu hóa sự hồi phục các tế bào bạch cầu lympho từ máu, điều quan trọng là máu phải được lấy và vận chuyển theo giao thức phù hợp như nêu dưới đây.
X | Trước khi lấy mẫu máu, hãy thông báo cho chúng tôi để chúng tôi có thể chuẩn bị cho việc thu nhận và chuyển mẫu máu đến. |
X | Tất cả các mẫu máu được lấy vào các ống nghiệm chứa heparin lithium, ít nhất là 10 ml (5 ống x 2 ml mỗi ống). Lắc nhẹ các ống trong 2 min để bảo đảm việc trộn đều thích hợp. Dán nhãn rõ ràng trên ống nghiệm mẫu và hoàn tất bảng câu hỏi điều tra. |
X | Đóng gói mẫu máu cẩn thận để tránh làm vỡ các ống nghiệm trong quá trình vận chuyển. Khách hàng chịu trách nhiệm đảm bảo các mẫu máu được vận chuyển trong các điều kiện nhiệt độ tối ưu (6 °C đến 30 °C). Ngoài ra, máu nên được duy trì ở nhiệt độ trên 20 °C. Nếu có thể phải chịu những điều kiện nhiệt độ cực đoan thì có thể đặt thêm một nhiệt kế min-max vào trong gói mẫu. Không được làm lạnh đông các mẫu máu. Một phương pháp giữ máu ở nhiệt độ phòng là đặt các ống nghiệm vào trong một túi gel đã được giữ ở nhiệt độ phòng trong vài giờ. Cũng cần đảm bảo rằng các mẫu không bị đông cứng trong quá trình vận chuyển (ví dụ gửi qua đường hàng không) |
X | Ghi trên bao bì bên ngoài và các hợp đồng vận chuyển dòng chữ CÁC MẪU CHUẨN ĐOÁN KHẨN – KHÔNG ĐƯỢC LÀM ĐÔNG. |
X | Khi được vận chuyển bằng đường hàng không, cần phải tránh chiếu X quang tại điểm kiểm tra an ninh. Có thể đặt liều kế vật lý trong kiện mẫu vận chuyển để kiểm chứng việc này. Đối với vận chuyển quốc tế, cần phải có được những giấy phép thích hợp (dành riêng) trước và được kèm theo hàng gửi để tránh những chậm trễ tại nơi làm thủ tục hải quan. Đối với vận chuyển bằng đường hàng không, việc đóng gói và nhãn dán phải tuân theo các quy định hiện hành của Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA). Các quy định này yêu cầu các mẫu máu phải được đóng gói phù hợp với Quy định 602 của Liên hiệp quốc đối với các vật liệu truyền nhiễm. Chính kiện hàng và mục “Tính chất và chất lượng của hàng hóa” trong vận đơn hàng không phải có dòng chữ sau: “Mẫu chẩn đoán đã đóng gói theo Hướng dẫn đóng gói 650 của IATA”. |
X | Ghi trên kiện và tài liệu vận chuyển dòng chữ: KHÔNG ĐƯỢC CHIẾU X-QUANG. |
X | Ngay sau khi lấy máu, chuyển mẫu bằng phương thức vận chuyển riêng và sử dụng dịch vụ chuyển nhanh qua đêm bằng đường hàng không để chúng tôi có thể nhận được máu sớm ngay trong buổi sáng tiếp sau ngày lấy mẫu. Hãy liên lạc với phòng thử nghiệm để xác nhận việc vận chuyển và thông báo cho chúng tôi số vận đơn. ĐIỀU NÀY QUAN TRỌNG CHO VIỆC THEO DÕI CHUYỂN MẪU. |
X | Để có kết quả tốt nhất, máu cần phải được chuyển đến trong vòng 24 h kể từ khi lấy mẫu. |
X | Tất cả chi tiết liên quan đến việc lấy mẫu và bảo quản máu phải được ghi lại. |
(Trưởng phòng thử nghiệm dịch vụ)
(Địa chỉ phòng thử nghiệm dịch vụ)
Điện thoại: (XXX) XXX-XXX
Fax: (XXX) XXX-XXX
E-mail: tên@côngty.com
Phụ lục B (Tham khảo)
Bảng câu điều tra mẫu
THÔNG TIN PHƠI NHIỄM ĐỂ PHÂN TÍCH SAI HÌNH NHIỄM SẮC THỂ
(NGƯỜI YÊU CẦU PHẢI ĐIỀN ĐẦY ĐỦ CÁC THÔNG TIN)
Tôi là……………….. (Tên), ngày tháng năm sinh ……………………..(ngày/tháng/năm) đồng ý lấy mẫu máu với mục đích đánh giá các sai hình nhiễm sắc thể gây ra do phơi nhiễm với bức xạ ion hóa.
|
………….……………. Chữ ký
|
………………………………………………………………………………………………………………………..
Mẫu máu được lấy bởi: ……………..Tên phòng thử nghiệm: ………………………………………..
Địa chỉ phòng thử nghiệm: …………………………………………………………………………………….
Điện thoại #: …………………………..Fax: ……………..E-mail: ……………………………………….
Ngày và giờ lấy mẫu máu: ……………(ngày/tháng/năm) Ghi rõ thuốc chống đông máu ………
Tư liệu phơi nhiễm bức xạ: Nhân viên bức xạ hoặc Nhân viên không bức xạ
1. Ngày và thời gian phơi nhiễm quá liều: …………………….(ngày/tháng/năm – thời gian)
2. Nơi bị ………………………………… Công ty: ……………………………………………………………
3. Mô tả tóm tắt quá trình phơi nhiễm quá liều:
4. Phơi nhiễm toàn thân Ο Phơi nhiễm bộ phận cơ thể O Nhiễm bẩn phóng xạ bên trong O
Giá trị liều:………………. Bộ phận cơ thể: ……………………… Nhân phóng xạ: …………………….
…………………………….. Giá trị liều: …………………………….. Giá trị liều: …………………………..
Cách đạt được giá trị liều này như thế nào:
5. Loại bức xạ:
Tia X |
O |
Năng lượng?…………………………. | |
γ |
O |
Nguồn gốc?…………………………… | |
α |
O |
Nguồn gốc?…………………………… | |
Nơ tron |
O |
Nguồn gốc?…………………………… | Năng lượng?……………………………. |
Electron |
O |
Nguồn gốc?…………………………… | Năng lượng?……………………………. |
Tư liệu bệnh nhân:
1. Phơi nhiễm trước do phải thực hành y khoa:
Trị liệu bức xạ |
O |
Ngày, bộ phận cơ thể………………………………………… |
Chuẩn đoán tia X |
O |
Ngày, bộ phận cơ thể………………………………………… |
Điều trị Y học hạt nhân |
O |
Ngày, bộ phận cơ thể………………………………………… |
2. Bệnh mắc phải trong vòng 4 tuần qua trước khi lấy mẫu máu:
3. Tình trạng sử dụng thuốc:
Tên thuốc ……………….. Liều: ………………………………… Khoảng thời gian sử dụng:……………..
4. Người hút thuốc: không: O có: O số lượng điếu thuốc/ngày: …………………………..
5. Các bệnh khác:
HIV: O Viên gan: O
……………………………………………………………………………………………………..
Các kết quả Phân tích sai hình nhiễm sắc thể được gửi tới
Tên: ……………………………………………………..
Địa chỉ: …………………………………………………
……………………………………………………………
Điện thoại #:……………………………………………
……………………………………………………………
Phụ lục C
(Tham khảo)
Mẫu báo cáo
Tên, địa chỉ điện thoại, e-mail của người yêu cầu
Ngày yêu cầu
ĐÁNH GIÁ LIỀU SINH HỌC/PHÂN TÍCH SAI HÌNH NHIỄM SẮC THỂ
Mẫu | Ngày/vị trí lấy mẫu | Ngày chuyển đến | Ngày phân tích |
Mã số, tên và ngày sinh của đối tượng bị phơi nhiễm |
(Các) phương pháp phân tích
Thông tin lấy mẫu bổ sung
Các kết quả
Bảng, các kết quả thử
Số sai hình nhiễm sắc thể
Mẫu Số tế bào phân tích | Sai hình nhiễm sắc thể hai tâm động | Nhiễm sắc thể hình nhẫn | Các đoạn nhiễm sắc thể | Khác |
Diễn giải kết quả
Chữ ký và thông tin liên hệ
Báo cáo thử này chỉ có thể được công bố và sao lưu toàn bộ, với sự cho phép trước bằng văn bản bởi (tên phòng thử nghiệm kiểm tra). Kết quả thử chỉ áp dụng cho các mẫu được thử. |
Phụ lục D
(Tham khảo)
Cách khớp đường cong đáp ứng liều với bức xạ LET thấp bằng phương pháp tính xác suất cực đại và sai số của phép ước lượng liều
D.1 Quy trình làm khớp
Hãy xem xét phơi nhiễm các tế bào lympho trong máu với N liều bức xạ xi (i = 1,2,..N). Số liệu thu được như sau:
ri Số lượng sai hình;
ni Số lượng các tế bào đã ghi đối với liều thứ i;
yi = ri/Ini Tần suất các sai hình trên mỗi tế bào đối với liều thứ i;
Giả thiết rằng các tế bào bị phơi nhiễm với bức xạ LET thấp, khi phân bố các sai hình là phân bố Poisson, thì:
(D.1)
Trong đó: và (tần suất kỳ vọng của các sai hình trên mỗi tế bào). Phương sai đối với là .
Như vậy, với các số liệu và
thì xác suất .
Đây được gọi là hàm xác suất.
Mối tương quan quan sát được giữa liều và tần suất sai hình có thể được làm khớp bằng phương trình bậc hai tuyến tính trong đó: là các hệ số không biết rõ.
Mục đích của quy trình làm khớp là tìm các hệ số để cho hàm xác suất đạt tới giá trị cực đại. Giá trị cực đại này có thể được tính theo phương pháp lặp xác suất cực đại như mô tả dưới đây:
Giả sử (D.2)
Thì (D.3)
Hàm số l đạt cực đại đối với (βk)k=0,1,2 sao cho . Những hàm số này được gọi là các phương trình xác suất. Các phương trình chỉ có thể giải được bằng phép lặp. Các xấp xỉ liên tiếp của thông số βT = (βk)k=0,1,2 được quy ước là j β trong đó j = 0,1,…p -1 và giá trị p là số tự nhiên biểu thị xấp xỉ cuối cùng của các hệ số ước tính, (βk)k=0,1,2. Giá trị xấp xỉ đầu tiên của thông số 0 β đạt được từ việc ước lượng hoặc từ các thực nghiệm trước đó. Giá trị xấp xỉ thứ hai 1 β được tính 1 β =0 β + δ0β trong đó δ0β được xác định từ việc triển khai hàm l'(β) về một điểm β =0 β thành chuỗi Taylor. Giả thiết rằng phương trình xác suất được thỏa mãn bởi β = 1 β, có l'(1 β) = 0 và do đó .Rõ ràng, . Theo nghĩa rộng , ta có, Lặp lại quá trình này, các xấp xỉ kế tiếp là
Trong thực tế, có thể giả thiết rằng độ chính xác của là đủ lớn khi .
Trong đó: và
Hơn nữa,
Dựa vào thực tế là các số liệu sai hình thu thập được sau khi phơi nhiễm các liều bức xạ khác nhau là độc lập với nhau, dựng một ma trận phương sai và các hiệp phương sai đối với số lượng các sai hình trên mỗi tế bào:
và ma trận cho tần suất . Tất nhiên không được biết rõ, vì vậy, ước lượng đầu tiên đối với V(yi) được đưa ra là
Từ dẫn giải trên, chúng ta thu được xấp xỉ thứ hai của thông số .
Cuối cùng, sau phép lặp thử j, ta có: (D.4)
Trong đó: là ma trận đường chéo với các phần tử .
Tiếp sau việc ước lượng , ước lượng đầu tiên về số sai hình nhiễm sắc thể trung bình trên mỗi tế bào là . Cho nên, và .
Ma trận là một ma trận hiệp phương sai đối với các hệ số đã ước tính và như vậy:
Trong đó: , , , , , .Do đó, độ lệch chuẩn đối với là và tương ứng.
D.2 Tính sai số của ước tính liều
Giả thiết rL và rU tương ứng là các giới hạn tin cậy trên và dưới của khoảng tin cậy 95 % đối với số lượng sai hình. Lấy r (sai hình) và n (số lượng tế bào) là các giá trị bằng số đã cho và liều x được tính từ Công thức:, ở đây các hệ số được tính theo phương pháp lặp xác xuất cực đại.
Các giá trị xL và xU được tính như sau:
(D.6)
và
(D.7)
Trong đó: và .
Như vậy, quy trình tính khoảng tin cậy 95 % đối với liều được dựa trên việc tính khoảng tin cậy 95 % đối với các sai hình.
Dựa vào bản chất Poisson của phân bố sai hình, khoảng tin cậy được tính bằng Công thức Pois(rL ≤ r ≤ rU) ≈ 0,95.
Phụ lục E
(Tham khảo)
Phương pháp tỉ số cơ may một nửa đối với các trường hợp nghi phơi nhiễm liều thấp
Phương pháp tỉ số cơ may một nửa cho phép tính xác suất tương đối của lượng sai hình hai tâm được tạo ra một cách ngẫu nhiên so với sinh ra do bị phơi nhiễm với bức xạ liều thấp, nghi ngờ.
Một trường hợp phơi nhiễm quá liều được mô tả trong các sổ tay hướng dẫn của IAEA (Tài liệu tham khảo [8]) và [9]) khi không một sai hình hai tâm nào được quan sát thấy trong khi mong đợi một số lượng sai hình hai tâm ứng với liều 250 mGy.
Công thức hiệu ứng-liều đề cập trong bảng dưới đây được dùng để ước tính số lượng sai hình hai tâm ứng với liều kiểm tra là 250 mGy.
Quan sát: 0 sai hình hai tâm trong 500 tế bào (k)
Mức phông nền: 0,5 sai hình hai tâm trong 500 tế bào 250 mGy: 4,1 sai hình hai tâm trong 500 tế bào xác định từ công thức hiệu ứng liều Y = 0,0005 + 1,64 x 10-2 Dt + 4,92 x 10-2 Dt2 |
|
Xác suất tương đối, P, về sự kiện xuất hiện sai hình hai tâm đối với từng liều theo P(k) = yke-y/k! | |
Liều 0 |
y = 0,5 |
k = 0 | |
P = 0,60 | |
Liều 250 mGy |
y = 4,1 |
k = 0 | |
P = 0,016 | |
P(y = 0,5)/P(y = 4,1) = 36,6 |
Do vậy, xác suất mà nạn nhân chưa bị phơi nhiễm (0 Gy) là 36 lần cao hơn xác suất anh ta nhận được liều 250 mGy. Chênh lệch xác suất được minh họa tốt hơn trên Hình E.1.
Hình E.1 – Phân bố xác suất Poisson đối với các giá trị trung bình khác nhau y = 0,5 và y = 4,1
Phụ lục F
(Tham khảo)
Bảng số liệu mẫu để ghi sai hình nhiễm sắc thể
Mã tiêu bản:
Người ghi:
Kinh hiển vi số:
Ngày:
Tế bào số |
Giai đoạn |
Tọa độ |
Số các đoạn nhiễm sắc thể |
Sai hình hai tâm |
Nhiễm sắc thể hình nhẫn |
Đoạn nhiễm sắc thể không tâm động dư |
Ghi chú |
Sai hình được kiểm tra bởi |
X |
Y |
|||||||
1 |
100,1 |
1,2 |
46 |
|
|
|
||
2 |
103,4 |
1,5 |
47 |
1 |
|
1 |
||
3 |
105,4 |
1,2 |
49 |
2 |
1 |
2 |
||
4 |
112,4 |
1,6 |
– |
|
|
|
Nội lặp lại | |
5 |
112,7 |
1,8 |
48 |
|
|
2 |
||
6 |
120,1 |
1,2 |
46 |
1 |
|
|
||
7 |
122,7 |
1,5 |
47 |
|
1 |
|
||
8 |
124,1 |
1,4 |
46 |
|
|
|
thay đổi nhiễm sắc tử | |
9 |
126,8 |
1,7 |
46 |
2* |
|
|
* = 1 ba tâm | |
v.v.. |
|
|
|
|
|
|
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Barquinero J.F., Barrios L, Caballín M.R., Miró R., Ribas M., Egozcue J. Biological dosimetry in simulated in vitro partial irradiations. Int. J. Radiat. Biot. 1997, 71 pp. 435-440.
[2] Böhning D. Zero-inflated Poisson models and C.A.M.A.N: A tutorial Collection of Evidence. Biometrical J. 1998, 40 (7) pp. 833-843.
[3] Dolphin G.W. Biological dosimetry with particular reference to chromosome aberration analysis. A review of methods”, Handling of Radiation Accidents (Proc. Int. Symp. Vienna, 1969), IAEA, Vienna (1969) pp. 215-224.
[4] Deperas S.J., Szluinska M., Deperas-Kaminska M., Edwards A., Lloyd D., Lindholm C. CABAS: a freely available PC program for fitting calibration curves in chromosome aberration dosimetry. Radial Prof. Dosimetry. 2007, 124 pp. 115-123.
[5] Duran A., Barquinero J.F., Caballín M.R., Ribas M., Puig P., Egozcue J. Suitability of FISH painting techniques for the detection of partial-body irradiations for biological dosimetry. Radial Res. 2002, 157 pp. 461-468.
[6] Edwards A.A., Lloyd D.C., Purrot R.J. Radiation induced chromosome aberrations and the Poisson distribution. Radial Environ. Biophys. 1979,16 pp. 89-100.
[7] Evans H.J. Chromosome aberrations induced by ionizing radiations. Int. Rev. Cytol. 1962, 13 pp.221-321.
[8] Cytogenetic Dosimetry I.A.E.A. Application in preparedness for and response to Radiation Emergencies. Emergency Preparedness and Response Series, 2011.
[9] TCVN 6910-1:2001 (ISO 5725-1:1994), Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo – Phần 1: Nguyên tắc và định nghĩa chung.
[10] TCVN 9595-3:2013 (ISO/IEC GUIDE 98-3:2008). Độ không đảm bảo đo – Phần 3: Hướng dẫn trình bày độ không đảm bảo đo (GUM:1995).
[11] Lambert B., Hansson K., Lindsten J., Sten M., Werelius B., Bromodeoxyuridine- induced sister chromatid exchanges in human lymphocytes. Hereditas. 1976, 93 pp. 163-174.
[12] Lloyd D.C., Edwards A.A. In: Chromosome aberrations in human lymphocytes: Effect of radiation quality, dose and dose rate, Radiation-induced Chromosome Damage in Man. (T. Ishihara, M.S. Sasaki eds.). Alan R. Liss, New York, 1983, pp. 23-49.
[13] Lloyd D.C., Edwards A.A., Moquet J.E., Guerrero-Carbaial Y.C. The role of cytogenetics in early triage of radiation casualties. Appl. Radial Isot. 2000, 52 pp. 1107-1112.
[14] Merkle W. Statistical Methods in Regression and Calibration Analysis of Chromosome Aberration Data. Radiat. Environ. Biophys. 1983, 21 pp. 217-233.
[15] Moorhead P.S. Nowell, P.C., Mellmann, W.J., Battips D.M., Hungerford D.A., Chromosome preparations of leukocytes cultured from human peripheral blood. Exp. Cell Res. 1960, 20 pp.613-616.
[16] Papworth D.G. Appendix: Curve fitting by maximum-likelihood. In: Savage RK (ed) Radiation- induced chromosomal aberrations in tradescantia. Radiat. Bot. 1975,15 pp. 127-140.
[17] Perry P., &. Wolff S. New Giemsa method for the differential staining of sister chromatids. Nature. 1974, 251 pp. 156-158.
[18] Prosser J.S., & Moquet J.E., The effect of blood storage on differential chromosome staining of human lymphocytes. Experientia. 1983, 39 pp. 778-780.
[19] Purrott R.J., Vulpis N., Lloyd D.C. The influence of incubation temperature on the rate of human lymphocyte proliferation in vitro. Experientia. 1981, 37 pp. 407-408.
[20] Purrott R.J., Vulpis N., Lloyd D.C., Chromosome dosimetry. The influence of culture media on the proliferation of irradiated and unirradiated human lymphocytes. Radiat. Prot. Dosimetry. 1981, 1 pp. 203-208.
[21] Rao C.R., Chakravarti I.M. Some small sample tests of significance for a Poisson distribution. Biometrics. 1956,12 pp. 264-282.
[22] Sasaki M.S. Miyata, H., Biological dosimetry in atomic bomb survivors. Nature. 1968, 220 pp.1189-1193.
[23] Savage J.R.K. Sites of radiation induced chromosome exchanges. Current Topics in Radiation Research. 1970, 6 pp. 129-194.
[24] Savage J.R.K. Classification and relationships of induced chromosomal structural changes. J. Med. Genet. 1976, 13 pp. 103-122.
1) Phương pháp Qdr ban đầu được đặt ra cho sai hình hai tâm và hình nhẫn. Tuy nhiên, ở đây chỉ xem xét sai hình hai tâm.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10805:2015 (ISO 19238:2014) VỀ BẢO VỆ BỨC XẠ – TIÊU CHÍ VỀ NĂNG LỰC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI PHÒNG THỬ NGHIỆM DỊCH VỤ TIẾN HÀNH ĐO LIỀU SINH HỌC BẰNG PHƯƠNG PHÁP DI TRUYỀN HỌC TẾ BÀO | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN10805:2015 | Ngày hiệu lực | 01/01/2015 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nặng |
Ngày ban hành | 01/01/2015 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |