TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10954-2:2015 (API 3.3:2001) VỀ HƯỚNG DẪN ĐO DẦU MỎ – ĐO MỨC HYDROCACBON LỎNG TRONG BỂ TĨNH BẰNG THIẾT BỊ ĐO BỂ TỰ ĐỘNG (ATG) – PHẦN 2: YÊU CẦU LẮP ĐẶT
TCVN 10954-2:2015
HƯỚNG DẪN ĐO DẦU MỎ – ĐO MỨC HYDROCACBON LỎNG TRONG BỂ TĨNH BẰNG THIẾT BỊ ĐO BỂ TỰ ĐỘNG (ATG) – PHẦN 2: YÊU CẦU LẮP ĐẶT
Guidelines for petroleum measurement – Level measurement of liquid hydrocacbons in stationary tanks by automatic tank gauges (ATG) – Part 2: General requirements for the installation
Lời nói đầu
TCVN 10954-2:2015 được xây dựng trên cơ sở tham khảo API 3.3:2001 Standard practice for level measurement of liquid hydrocacbons in stationary tanks by automactic tank gauging.
TCVN 10954-2:2015 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 30 Đo lưu lượng lưu chất trong ống dẫn kín biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
HƯỚNG DẪN ĐO DẦU MỎ – ĐO MỨC HYDROCACBON LỎNG TRONG BỂ TĨNH BẰNG THIẾT BỊ ĐO BỂ TỰ ĐỘNG (ATG) – PHẦN 2: YÊU CẦU LẮP ĐẶT
Guidelines for petroleum measurement – Level measurement of liquid hydrocacbons in stationary tanks by automatic tank gauges (ATG) – Part 2: General requirements for the installation
Cảnh báo: Tiêu chuẩn này có liên quan đến các thao tác và vật liệu có thể gây cháy nổ và có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm, người sử dụng tiêu chuẩn cần thiết lập các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Tiêu chuẩn này được thực hiện bởi những người có chuyên môn.
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định việc lắp đặt, vận hành thử, hiệu chuẩn và kiểm định thiết bị đo bể tự động (ATG) để đo lượng chứa hoặc độ vơi trong bể đối với hydrocacbon lỏng trong bể tĩnh, trên mặt đất, dưới áp suất khí quyển. Tiêu chuẩn này áp dụng cả thiết bị đo mức tự động kiểu tiếp xúc và kiểu không tiếp xúc sử dụng trong giao nhận thương mại hoặc kiểm tra hàng tồn kho. Tiêu chuẩn cũng bao gồm các yêu cầu về thu, truyền và nhận dữ liệu.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho:
a) Hydrocacbon có áp suất hơi Reid tuyệt đối trên 100 kPa;
b) Đo trọng lượng hoặc khối lượng;
c) Đo mức trong bể ngầm hoặc trong bể có áp lực chứa hydrocacbon lỏng.
d) Chuyển đổi từ mức trong bể sang thể tích chất lỏng;
e) Đo nhiệt độ, lấy mẫu, mật độ (tỷ trọng), cặn lắng và nước (S&W).
Khi áp dụng tiêu chuẩn này cần tuân thủ các quy định về an toàn, tính tương thích của vật liệu, việc sử dụng và lắp đặt thiết bị của nhà sản xuất.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
API Chapter 1: Manual of petroleum measurement standards (Tiêu chuẩn đo dầu mỏ thủ công – Từ vựng)
API Chapter 2: Manual of petroleum measurement standards – Tank calibration (Tiêu chuẩn đo dầu mỏ thủ công – Hiệu chuẩn bể)
API 3.1A: Standard practice for manual gauging of petroleum and petroleum products in stationary tanks (Tiêu chuẩn thực hành đo dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ trong bể tĩnh).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong API Chapter 1.
4. Lắp đặt ATG
4.1. Yêu cầu của nhà sản xuất
Các ATG và các thiết bị điện tử đi kèm phải được lắp đặt và đấu dây theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo các tiêu chuẩn liên quan.
ATG phải được lắp đặt một cách an toàn để giảm thiểu dịch chuyển đứng với chuẩn của bể, là góc của đáy hoặc mối nối. Việc lắp đặt cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
4.2. Vị trí lắp đặt ATG đo độ vơi
Vị trí lắp đặt của ATG có thể ảnh hưởng đến độ chính xác sau khi lắp đặt. Vị trí lắp đặt của ATG phải đảm bảo dễ dàng kiểm định ATG bằng đo thủ công tại lỗ đo chính.
Để giao nhận thương mại được chính xác, điều quan trọng là vị trí lắp đặt phải ổn định với chuyển động theo phương thẳng đứng nhỏ nhất so với chuẩn của bể (thông thường là chỗ giao giữa thành và đáy bể). Nếu tấm mức ổn định thì có thể được sử dụng để kiểm định sự ổn định của việc lắp đặt ATG.
Sự ổn định của vị trí lắp đặt bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của áp suất chất lỏng, áp suất hơi hoặc, hoặc tải của mái hoặc sàn để đo.
Để có sự chính xác nhất, ATG đo độ vơi nên được đặt trên 1 trụ đỡ cố định, dạng ống xẻ rãnh (hoặc khoan lỗ), như minh họa trong Hình 1 và Hình 2.
4.2.1. Lắp đặt ở đỉnh với ống cố định xẻ rãnh
Hình 1 nêu ATG đo độ vơi lắp trên một ống cố định có lỗ rãnh được đỡ bởi đáy bể. Hình 2 nêu ATG đo độ vơi lắp trên một ống cố định xẻ rãnh được đỡ bởi công xôn.
Kiểu lắp đặt như trong Hình 1 và Hình 2 cho độ chính xác cao hơn vì ống cố định xẻ rãnh được đỡ ở vị trí ổn định và sự dịch chuyển ATG được giảm thiểu khi bể nạp đầy hoặc xả rỗng.
4 2.2. Lắp đặt ở đỉnh không có ống cố định xẻ rãnh
Cách khác, ATG đo độ vơi có thể được đỡ trên mái của bể mái cố định hoặc trên giá “kiểu yên” trên mái cố định hoặc mái phao của bể. Kiểu lắp đặt này có thể làm cho ATG dịch chuyển theo phương thẳng đứng khi bể nạp đầy hoặc xả rỗng. ATG đo độ vơi không lắp đặt với ống xẻ rãnh có thể được sử dụng cho giao nhận thương mại hoặc kiểm tra hàng tồn nếu sau lắp đặt đáp ứng các yêu cầu quy định trong 5.4.
Lắp đặt không có ống cố định xẻ rãnh cho các bể dung tích khoảng 800 m3. Sự thay đổi chiều cao chuẩn phải được đo khi bể đầy và bể rỗng.
4.3. Vị trí lắp đặt của ALG đo lượng chứa
Các đầu đo của ATG đo lượng chứa có thể được lắp đặt vào mọi vị trí thích hợp. Vị trí lắp đặt của ATG cần phải đảm bảo dễ dàng kiểm định ATG bằng đo thủ công tại lỗ đo chính.
Điểm “không” của thành phần đo cần được lắp đặt ở một vị trí ổn định trên đáy bể có chuyển động thẳng đứng nhỏ nhất so với góc ở đáy (điểm giao giữa thành và đáy bể)
Lắp đặt ALG đo lượng chứa thường không yêu cầu ống cố định. Nếu ALG-mức được lắp đặt trên ống cố định thì phải xẻ rãnh. ALG đo lượng chứa phải được lắp đặt theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
4.4. Tránh nhiễu
Nếu thành phần đo đo bị nhiễu quá mức, các ATG cụ thể bị loại ra khỏi quá trình hiệu chuẩn. ATG phải được đặt cách xa ống vào, ống ra bể, và các dụng cụ khấy. Nếu không thể thực hiện được, thì các thành phần đo phải được bảo vệ bằng một ống xẻ rãnh để giảm thiểu ảnh hưởng của rối và xoáy.
CHÚ THÍCH 1: Ống riêng biệt cố định xe rãnh để đo mức thủ công và đo nhiệt độ có thể được lắp cạnh ống cố định xẻ rãnh;
CHÚ THÍCH 2: ATG không tiếp xúc, ở đỉnh có thể được lắp đặt tương tự.
CHÚ THÍCH 3: Sử dụng các ống cố định xẻ rãnh cho ATG, đo thủ công, đo nhiệt độ trên bể phao mở cần tuân thủ quy định về môi trường. (Xem API 19.2)
CHÚ THÍCH 4: Tấm mức phải được lắp đặt vào đáy bể, dưới ống cố định xẻ rãnh từ 100 mm đến 150 mm dưới ống xẻ rãnh cố định.
Hình 1 – Ví dụ về ATG (tiếp xúc hoặc không tiếp xúc) được lắp đặt trên ống cố định đỡ đáy bình
CHÚ THÍCH 1: Ống riêng biệt cố định xe rãnh để đo mức thủ công và đo nhiệt độ có thể được lắp cạnh ống cố định xẻ rãnh;
CHÚ THÍCH 2: ATG không tiếp xúc, ở đỉnh có thể được lắp đặt tương tự.
CHÚ THÍCH 3: Sử dụng các ống cố định xẻ rãnh cho ATG, đo thủ công, đo nhiệt độ trên bể phao mở cần tuân thủ quy định về môi trường. (Xem API 19.2)
CHÚ THÍCH 4: Tấm mức phải được lắp đặt vào đáy bể, dưới ống cố định xẻ rãnh từ 100 mm đến 150 mm dưới ống xẻ rãnh cố định.
CHÚ THÍCH 5: Đáy công xôn phải được lắp ở vị trí gần 250 mm so với đáy
Hình 2 – Ví dụ về ATG (tiếp xúc hoặc không tiếp xúc) được đỡ bởi công xôn gắn với tấm tôn thành dưới của bể
4.5. Lắp gần lỗ đo
Trường hợp không bị rối, ATG phải được đặt gần lỗ đo để độ chính xác có thể dễ dàng kiểm tra bằng đo thủ công.
4.5.1. Nhiều lỗ đo
Trường bể có nhiều lỗ đo, thì lỗ đo và tấm mức để đo lượng chứa chuẩn thủ công để hiệu chuẩn và kiểm định phải là “lỗ đo chính” được sử dụng dẫn chiếu với bảng dung tích bể.
4.6. Thiết kế ống cố định xẻ rãnh
4.6.1. Giá đỡ cho các ống cố định xẻ rãnh
Góc dưới đáy bể, nơi các tấm thành bể được hàn vào đáy là điểm ổn định để tấm mức chuẩn.
Ống cố định được đỡ từ đáy bể (Hình 1) hoặc được đỡ bởi một chốt quay hoặc công xôn nối với khoang đáy của thành bể (Hình 2). Phần trên của ống cố định xẻ rãnh và ống trượt dẫn hướng phải được thiết kế cho phép ống cố định dãn nở theo phương thẳng đứng khi thành bể phình ra hoặc dịch chuyển thẳng đứng. Việc xây dựng các ống cố định xẻ rãnh và dẫn hướng đỉnh không được cản trở việc dịch chuyển thẳng đứng của mái.
4.6.2. Vị trí của ống cố định xẻ rãnh
Ống cố định xẻ rãnh có thể được hỗ trợ từ đáy bể như ở Hình 1 và Hình 2, nếu đáy bể không dịch chuyển so với nơi giao tiếp của thành bể và đáy bể.
Khi bể đầy, đáy bể có thể bị lệch lên bởi sự lệch góc của thành bể ngay cạnh vùng tiếp giáp với đáy. Xa thành bể, đáy thường lệch xuống.
Độ lệch phụ thuộc vào điều kiện đất và thiết kế móng. Trong hầu hết các trường hợp, sự phình ra của thành bể còn gây ra sự dịch chuyển đáy khoảng 450 mm đến 600 mm so với thành bể. Khi lắp đặt bể, đường tâm của ống cố định xẻ rãnh phải trong khoảng 450 mm đến 800 mm tính từ thành bể, như Hình 1 và Hình 2.
Sau khi bể đã được thử nghiệm áp suất thủy tĩnh, ống cố định xẻ rãnh vẫn phải thẳng đứng.
4.6.3. Đường kính danh nghĩa
Đường kính tối thiểu của ống rãnh nên là 200 mm, đường kính danh nghĩa nhỏ hơn có thể được sử dụng tùy thuộc vào loại và thiết kế ATG. Nếu sử dụng đường kính nhỏ hơn, thì cần kiểm tra phần thiết kế và lắp đặt đối với độ cứng và độ bền cơ học. Ống cố định xẻ rãnh có đường kính lớn hơn có thể được yêu cầu với một số loại ATG có các đầu cảm biến mức to hơn.
4.6.3. Chiều sâu
Ống cố định xẻ rãnh phải giãn ra cách đáy bể 300 mm. Đỉnh ống cố định xẻ rãnh phải trên mức chất lỏng tối đa.
4.6.4. Ống cố định xẻ rãnh
Ống cố định xẻ rãnh phải có một hoặc hai dãy rãnh hoặc lỗ rộng khoảng 25 mm (1 inch), các bên đối diện và liên tiếp đến trên mức mức lỏng cao nhất. Khoảng cách giữa các rãnh hoặc lỗ phải nhỏ hơn 150 mm hoặc theo quy định của nhà sản xuất. Ống cố định phải thẳng và đã được loại bỏ các gờ và vảy hàn. Thất thoát do bay hơi sẽ được giảm nếu mặt lỗ song song với thành bể.
4.6.5. Tấm mức
Tham khảo MPMS Chương 3.1A trong phần đo mức thủ công cho các chi tiết trong lắp đặt tấm mức.
Ở vị trí xác định, ống cố định không có lỗ (“đặc” hoặc không khoan lỗ) có thể được sử dụng để phù hợp với các quy định về ô nhiễm môi trường địa phương. Ống cố định “đặc” có thể dẫn đến sai số nghiêm trọng trong phép đo mức và nhiệt độ và gây ra tràn bể đo, do đó không nên sử dụng.
5. Quy trình chung cho cài đặt ban đầu và kiểm định ban đầu của ATG tại hiện trường
5.1. Yêu cầu chung
Cài đặt ban đầu là bước cài đặt số đọc của ATG bằng mức trung bình của bể được xác định bằng phép đo mức chuẩn thủ công (ở một mức riêng lẻ). Kiểm định ban đầu là bước để kiểm định hoặc khẳng định ATG đã được lắp đặt chính xác và phù hợp với mục đích sử dụng. Điều này được thực hiện bằng cách so sánh ATG với phép đo mức chuẩn thủ công với chất lỏng tại ba mức khác nhau. Sự chênh lệch giữa phép đo thủ công và đo bằng ATG phải được đánh giá.
Trước khi cài đặt ban đầu hoặc kiểm định ban đầu một ATG mới hoặc sửa chữa, bể phải được giữ ổn định đủ lâu để khí hoặc hơi thoát ra hết khỏi chất lỏng và đáy bể đạt được trạng thái ổn định như trong MPMS Chương 2. Bể mới phải đầy và ổn định để giảm thiểu sai số gây ra do sự ổn định ban đầu của đáy bể. Dụng cụ khuấy phải dừng hoàn toàn trước khí điều chỉnh để chất lỏng được tĩnh. Bể phải được vận hành ít nhất một chu kỳ, điền đầy và làm rỗng bể trong giới hạn làm việc bình thường của tốc độ nạp và xả.
Khi một ATG được thiết lập mức hoặc kiểm định bằng cách so sánh với phép đo mức chuẩn thủ công, thì đo mức thủ công phải thực hiện theo API 3.1A và được thực hiện bởi người có kỹ năng.
Thước đo và cân sử dụng để cài đặt hoặc kiểm định ATG phải là thước/cân chuẩn quy chiếu (quả dọi) đã được chứng nhận bởi phòng hiệu chuẩn được công nhận và được dẫn xuất từ chuẩn đo lường quốc gia hoặc thước/cân (quả dọi) công tác mới được so sánh với một thước chuẩn được chứng nhận và cân đáp ứng được với giới hạn sai số cho phép lớn nhất quy định trong API 3.1A. Phải áp dụng hiệu chính hiệu chuẩn thước/cân.
Gió mạnh, mưa lớn, tuyết hay bão khắc nghiệt có thể gây ra dịch chuyển của thành bể, giá đỡ của ATG và/hoặc bề mặt chất lỏng. Những dịch chuyển này có thể ảnh hưởng đến cả kết quả đo thủ công và đo bằng ATG. Ảnh hưởng lên kết quả đo thủ công có thể khác so với đo bằng ATG. Không cài đặt và kiểm định ATG khi có gió lớn và bão khắc nghiệt.
Có thể có các quy định kỹ thuật bổ sung được xem xét mà có thể ảnh hưởng đến việc kiểm định ATG. Đặc biệt, các bước bổ sung có thể cần để chuẩn bị cho lần cài đặt ban đầu của ATG. Quy định kỹ thuật được xem xét bao gồm, ví dụ, ảnh hưởng của tính chất vật lý và tính chất điện của chất lỏng và hơi trong bể, cần kiểm tra dịch chuyển tự do của cảm biến đo mức và các xem xét khác. Xem hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị.
Trong các bể chứa chất lỏng nặng hoặc nhớt (ví dụ như nhựa đường), khó có thể đo hoặc kiểm tra chiều cao chuẩn. Hướng dẫn cho việc đo chiều cao chuẩn nêu trong 7.2 và 7.3 không áp dụng được cho những trường hợp này.
5.2. Cài đặt ban đầu của ATG tại hiện trường
5.2.1. ATG đo độ vơi
a) Với lượng chứa tĩnh của bể ở mức một phần ba đến hai phần ba bể, ghi lại số đọc ổn định của ATG trước khi đo. Và ghi lại số đọc của ATG ngay trước phép đo chuẩn thủ công. Kiểm tra xem sự xuất hiện của người đo mức trên nóc bể ảnh hưởng đến số đọc của ATG hay không. Nếu số đọc của ATG dao động quá 1 mm, tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá tác động trước khi thực hiện.
b) Đo chiều cao chuẩn của bể tại lỗ đo chính cho đến khi ba kết quả đo liên tiếp chênh lệch không quá 1 mm hoặc năm kết quả đo liên tiếp chênh lệch không quá 3 mm. Tính giá trị trung bình số học của chiều cao chuẩn (nghĩa là trung bình của các kết quả đo liên tiếp) và so sánh với chiều cao chuẩn hiệu chuẩn, nếu sai khác quá 2 mm thì khó có thể tiến hành kiểm định ban đầu. Tìm hiểu nguyên nhân trước khi thực hiện.
CHÚ THÍCH: Điều này không mâu thuẫn với các đoạn khác, nhưng cần thiết để đạt được dung sai cho phép.
c) Xác định độ vơi bằng phép đo chuẩn thủ công từ cùng một lỗ đo (sử dụng cùng một thước và cân) cho đến khi kết quả ba phép đo liên tiếp chênh lệch không quá 1 mm hoặc năm phép đo liên tiếp chênh lệch không quá 4 mm. Tính giá trị trung bình số học của độ vơi đo được (nghĩa là giá trị trung bình của các phép đo liên tiếp).
d) Xác định lượng chứa tương ứng bằng cách lấy giá trị trung bình đo được của chiều cao chuẩn trừ đi giá trị trung bình đo được của phép đo thủ công.
e) Ghi lại các số đọc của ATG ngay sau khi thực hiện xong phép đo chuẩn thủ công và khẳng định không có sự thay đổi trong suốt quá trình đo thủ công. Nếu số đọc của ATG thay đổi so với giá trị ghi nhận ở bước a), kiểm tra xem có rò rỉ ra hoặc vào hay không và các van đã được đóng. Lặp lại thủ tục từ bước a).
f) So sánh số đọc của ATG với số đo mức tương ứng tính được. Nếu hai giá trị không khác nhau (nằm trong độ phân giải của ATG), cài đặt ATG sao cho đọc như số đo mức tương ứng.
5.2.2. ATG đo lượng chứa
a) Với lượng chứa tĩnh của bể ở mức một phần ba đến hai phần ba bể, ghi lại số đọc ổn định của ATG trước khi đo. Và ghi lại số đọc của ATG ngay trước phép đo chuẩn thủ công. Kiểm tra xem sự xuất hiện của người đo mức trên nóc bể ảnh hưởng đến số đọc của ATG hay không. Nếu số đọc của ATG dao động quá 1 mm, tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá tác động trước khi thực hiện.
b) Xác định lượng chứa bằng phép đo chuẩn thủ công cho đến khi kết quả ba phép đo liên tiếp chênh lệch không quá 1 mm hoặc năm phép đo liên tiếp chênh lệch không quá 4 mm.
c) Tính giá trị trung bình số học của lượng chứa đo được (nghĩa là giá trị trung bình của các phép đo liên tiếp thu được ở bước b)
d) Ghi lại các số đọc của ATG ngay sau khi thực hiện xong phép đo chuẩn thủ công và khẳng định không có sự thay đổi trong suốt quá trình đo thủ công. Nếu số đọc của ATG thay đổi so với giá trị ghi nhận ở bước a), kiểm tra xem có rò rỉ ra hoặc vào hay không và các van đã được đóng. Lặp lại thủ tục từ bước a).
e) So sánh số đọc của ATG với số đo mức tương ứng tính được. Nếu hai giá trị không khác nhau (nằm trong độ phân giải của ATG), cài đặt ATG sao cho đọc như số đo mức tương ứng.
5.3. Kiểm định ban đầu
5.3.1. Giới thiệu chung
ATG đo độ vơi được thiết kế để đo khoảng cách từ điểm chuẩn ATG đến bề mặt chất lỏng. Một số kiểu ATG đo độ vơi có thể bù cho dịch chuyển tấm mức của bể (ở nơi dịch chuyển được định lượng và lặp lại), nhưng hầu hết các kiểu ATG truyền thống đo độ vơi đều không thể bù cho nhiều giới hạn độ chính xác của phép đo lượng chứa chứa nêu trong Điều 5.
ATG đo lượng chứa là thiết kế đo trực tiếp lượng chứa. Nó ít bị ảnh hưởng bởi các vấn đề ổn định của bể mà có thể là nguyên nhân của sai số phép đo mức như ATG đo độ vơi, nhưng lại yêu cầu tấm mức phải ổn định.
Ngoài ảnh hưởng của độ ổn định của điểm chuẩn ATG và điểm chuẩn đo thủ công đến độ chính xác của ATG và phép đo mức thủ công, một số các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sai số phép đo mức và cần xem xét trong quá trình kiểm định ATG. Bao gồm:
– Lỗi lắp đặt bể;
– Thay đổi điều kiện vận hành;
– Thay đổi tính chất vật lý của chất lỏng và/hoặc hơi;
– Thay đổi tính chất điện của chất lỏng và/hoặc hơi;
– Thay đổi của điều kiện môi trường cục bộ;
– Sai số phép đo thủ công;
– Sai số vốn có của ATG.
Tiếp theo cài đặt ban đầu của ATG, độ chính xác tổng được xác định bằng:
– So sánh ATG dựa kết quả đo mức chuẩn thủ công ở ba mức khác nhau và đánh giá chênh lệch giữa số đọc của ATG và số đo chuẩn thủ công;
– Đo chiều cao chuẩn tại ba mức và đánh giá sự thay đổi của chiều cao chuẩn.
Tùy thuộc vào các kết quả, bể chứa và ATG được xem xét thích hợp cho mục đích giao nhận thương mại hay kiểm tra hàng tồn, nếu đáp ứng được dung sai hiệu chuẩn/kiểm định quy định trong tiêu chuẩn này.
5.3.2. Điều kiện kiểm định
Kiểm định ban đầu của ATG yêu cầu so sánh phép đo thực hiện với mức chất lỏng trong bể chứa tương ứng với vùng một phần ba trên, giữa và dưới dung tích làm việc của bể. Phép đo mức giữa có thể là cùng một phép đo được sử dụng trong qui trình cài đặt ban đầu.
Kiểm định so sánh chỉ được thực hiện dưới điều kiện tĩnh không có chất lỏng được giao nhận vào hoặc khỏi bể.
Khoảng thời gian giữa ba mức đo khác nhau càng ngắn càng tốt.
5.3.3. Quy trình kiểm định ban đầu
5.3.3.1. ATG đo độ vơi
a) Sau khi cài đặt ban đầu cho ATG thực hiện giao nhận vào hoặc khỏi bể với mức nằm trong khoảng trên 1/3 hoặc dưới 1/3 dung tích làm việc của bể.
b) Ghi lại số đọc ổn định của ATG trước khi đo. Và ghi lại số đọc của ATG ngay trước phép đo chuẩn thủ công. Kiểm tra xem sự xuất hiện của người đo mức trên nóc bể ảnh hưởng đến số đọc của ATG hay không. Nếu số đọc của ATG dao động quá 1 mm, tìm hiểu nguyên nhân trước khi thực hiện.
c) Đo chiều cao chuẩn của bể tại lỗ đo chính cho đến khi ba kết quả đo liên tiếp chênh lệch không quá 1 mm hoặc năm kết quả đo liên tiếp chênh lệch không quá 3 mm. Tính giá trị trung bình số học của chiều cao chuẩn (nghĩa là trung bình của các kết quả đo liên tiếp với chênh lệch trong giới hạn cho phép) không làm tròn số và so sánh với chiều cao chuẩn hiệu chuẩn, nếu chênh lệch quá 3 mm thì tìm hiểu nguyên nhân trước khi thực hiện.
d) Xác định độ vơi bằng phép đo chuẩn thủ công từ cùng một lỗ đo (sử dụng cùng một thước và cân) cho đến khi kết quả của năm phép đo liên tiếp chênh lệch không quá 4 mm.
CHÚ THÍCH: Sai số phép đo thủ công trong dung sai trên có thể do nguyên nhân điều kiện thời tiết không thuận lợi, dịch chuyển của bề mặt chất lỏng hoặc kỹ thuật đo chưa thống nhất. Quy trình kiểm định phải lặp lại sau khi đã khắc phục được các yếu tố gây lỗi.
e) Tính giá trị trung bình số học của độ vơi (trung bình của các số đo liên tiếp phù hợp dung sai quy định). Không làm tròn kết quả này.
f) Xác định lượng chứa tương ứng bằng cách lấy giá trị trung bình đo được của chiều cao chuẩn trừ đi giá trị trung bình đo được của phép đo thủ công. Không làm tròn kết quả này.
g) Ghi lại các số đọc của ATG ngay sau khi thực hiện xong phép đo chuẩn thủ công và khẳng định không có sự thay đổi trong suốt quá trình đo thủ công. Nếu số đọc của ATG thay đổi so với giá trị ghi nhận ở bước b), kiểm tra xem có rò rỉ ra hoặc vào hay không và các van đã được đóng. Lặp lại thủ tục từ bước b).
h) So sánh số đọc của ATG với giá trị tính được từ phép đo lượng chứa tương đương. Sự chênh lệch giữa hai giá trị này được đề gọi là “chênh lệch thử nghiệm”.
i) Lấy một mức dung dịch chuyển vào hoặc ra khỏi bể khác với hai mức trên của dung tích làm việc của bể và lặp lại bước b) đến bước h) để xác định ra chênh lệch thử nghiệm tại mức đó.
5.3.3.2. ATG đo lượng chứa
a) Sau khi cài đặt ban đầu cho ATG thực hiện giao nhận vào hoặc khỏi bể với mức nằm trong khoảng trên 1/3 hoặc dưới 1/3 dung tích làm việc của bể.
b) Ghi lại số đọc ổn định của ATG trước khi đo. Và ghi lại số đọc của ATG ngay trước phép đo chuẩn thủ công. Kiểm tra xem sự xuất hiện của người đo mức trên nóc bể ảnh hưởng đến số đọc của ATG hay không. Nếu số đọc của ATG dao động quá 1 mm, tìm hiểu nguyên nhân trước khi thực hiện.
c) Xác định lượng chứa bằng phép đo chuẩn thủ công từ cùng một lỗ đo (sử dụng cùng một thước và cân) cho đến khi kết quả của ba phép đo liên tiếp chênh lệch không quá 1 mm hoặc kết quả của năm phép đo liên tiếp chênh lệch không quá 4 mm.
CHÚ THÍCH: Sai số phép đo thủ công trong dung sai trên có thể do nguyên nhân điều kiện thời tiết không thuận lợi, dịch chuyển của bề mặt chất lỏng hoặc kỹ thuật đo chưa thống nhất. Quy trình kiểm định phải lặp lại sau khi đã khắc phục được các yếu tố gây lỗi.
d) Tính giá trị trung bình số học của các giá trị lượng chứa (trung bình của các phép đo liên tiếp với chênh lệch nằm trong dung sai quy định). Không làm tròn kết quả này.
e) Ghi lại các số đọc của ATG ngay sau khi thực hiện xong phép đo chuẩn thủ công và khẳng định không có sự thay đổi trong suốt quá trình đo thủ công. Nếu số đọc của ATG thay đổi so với giá trị ghi nhận ở bước b), kiểm tra xem có rò rỉ ra hoặc vào hay không và các van đã được đóng. Lặp lại thủ tục từ bước b).
f) So sánh số đọc của ATG với trung bình lượng chứa đo bằng phương pháp thủ công. Sự chênh lệch này được gọi là, “chênh lệch thử nghiệm”.
g) Lấy một mức dung dịch chuyển vào hoặc ra khỏi bể khác với hai mức trên của dung tích làm việc của bể và lặp lại bước b) đến bước f) để xác định ra chênh lệch thử nghiệm tại mức đó.
5.4. Dung sai kiểm định ATG trong giao nhận thương mại và kiểm tra hàng tồn
5.4.1. Yêu cầu chung
Mục đích của kiểm định ATG trong giao nhận thương mại là để đảm bảo ATG sau khi lắp đặt, có thể nhận biết và chỉ thị được mức trên phạm vi đo một cách chính xác như được thực hiện bằng phép đo mức chuẩn thủ công.
Mục đích của kiểm định ATG trong kiểm tra hàng tồn để đảm bảo ATG, sau khi lắp đặt, có thể nhận biết và chỉ thị được mức trên phạm vi đo với mức chính xác thấp hơn phép đo mức chuẩn thủ công.
Kiểm tra hàng tồn có yêu cầu độ chính xác không khắt khe như giao nhận thương mại. Do kiểm tra hàng tồn phần lớn sử dụng cho giao nhận nội bộ, người sử dụng có thể yêu cầu có tính khắt khe cao hơn hoặc thấp hơn.
Trong trường hợp yêu cầu kiểm soát hao hụt hoặc kiểm kê hàng tồn kho, dung sai lớn nhất của ATG phải nhỏ hơn 25 mm. Cấp chính xác lớn nhất cuối cùng phải được thiết lập bởi chính người sử dụng để đáp ứng nhu cầu nội bộ.
5.4.2. Dung sai cho ATG trong giao nhận thương mại
Nếu chênh lệch thử nghiệm không lớn hơn 4 mm tại tất cả các mức trong ba mức kiểm tra, ATG được coi là phù hợp cho giao nhận thương mại.
5.4.3. Dung sai cho ATG trong kiểm tra hàng tồn
Nếu chênh lệch thử nghiệm không lớn hơn 25 mm ở bất kỳ mức nào trong ba mức kiểm tra, ATG được coi là phù hợp cho kiểm tra hàng tồn.
5.4.4. ATG vượt quá dung sai
Nếu chênh lệch thử nghiệm vượt quá giới hạn tại bất cứ mức nào trong ba mức kiểm tra, thì kiểm tra độ ổn định của điểm chuẩn đo thủ công và các vấn đề có thể có đối với việc lắp đặt ATG.
5.5. Lưu trữ dữ liệu
Phải lưu giữ đầy đủ dữ liệu về cài đặt ban đầu, bảo trì, kiểm định ban đầu và kiểm định định kỳ cho từng ATG được sử dụng.
6. Kiểm định định kì cho ATG sử dụng cho giao nhận thương mại hoặc kiểm tra hàng tồn
6.1. Yêu cầu chung
Một chương trình kiểm định phải được thiết lập cho ATG sử dụng cho giao nhận thương mại hoặc kiểm tra hàng tồn. Khuyến nghị sử dụng các phương pháp thống kê kiểm soát chất lượng để giám sát hoạt động của ATG, đặc biệt cho ATG trong mục đích giao nhận thương mại.
6.2. Tần suất kiểm định định kỳ
ATG sử dụng cho giao nhận thương mại hoặc kiểm tra hàng tồn phải được kiểm định thường xuyên. Mức của chất lỏng được áp dụng để kiểm định ATG phải được chọn ngẫu nhiên và cần nằm trong khoảng số đọc của phép đo đóng và mở.
ATG sử dụng cho giao nhận thương mại phải được kiểm tra và kiểm định độ chính xác tại một mức riêng lẻ ít nhất một tháng một lần
ATG sử dụng để kiểm tra hàng tồn phải được kiểm tra và kiểm định độ chính xác tại một mức riêng lẻ ít nhất bốn tháng một lần. Nếu kinh nghiệm vận hành khẳng định hoạt động ổn định nằm trong dung sai kiểm định, thời gian kiểm định có thể mở rộng đến một năm một lần.
7. Truyền và nhận dữ liệu
Hệ thống ATG phải được thiết kế và lắp đặt sao cho bộ phận truyền và nhận dữ liệu phải:
a) Không ảnh hưởng đến độ chính xác của phép đo. Sự chênh lệch giữa số đọc được hiển thị trên bộ phận nhận dữ liệu từ xa và số đọc được hiện thị (hoặc đo được) trên ATG không được vượt quá ±1 mm;
b) Không ảnh hưởng đến độ phân giải của tín hiệu đầu ra của phép đo;
c) Cung cấp bảo vệ thích hợp và bảo vệ dữ liệu đo được để đảm bảo tính nguyên vẹn của dữ liệu;
d) Thực hiện tốc độ đủ để đáp ứng thời gian yêu cầu cập nhật cho bộ phận nhận tín hiệu;
e) Không bị ảnh hưởng bởi điện từ trường.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] API 3.6: Đo Hydrocacbon lỏng bằng hệ thống đo bể kết hợp.
[2] API Chapter 7: Xác định nhiệt độ.
[3] API 8.1: Lấy mẫu dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ thủ công.
[4] API 8.2: Lấy mẫu dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ tự động.
[51 API 9.1: Phương pháp dùng tỉ trọng kế cho tỉ trọng, trọng lực hoặc lực hấp dẫn API cho dầu thô và các sản phẩm lỏng của dầu mỏ.
[6] API 12.1: Tính khối lượng tĩnh của dầu mỏ, Phần 1 bể trụ đứng và tàu biển.
[7] API 16.2: Đo khối lượng của Hydrocacbons lỏng chứa trong bể trụ đứng bằng đo áp lực thủy tĩnh.
[8] API 19: Bay hơi trong bể có mái nổi.
[9] API RP 500, Khuyến nghị phân loại vị trí lắp đặt cho các thiết bị điện.
[10] API RP 2003, Bảo vệ chống tia lửa điện phát sinh trong quá trình tích điện Out of Static (tĩnh), sét (chớp), dòng điện xoay chiều.
[11] ISO 4266, Dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ – Đo nhiệt độ và lưu lượng trong bể chứa bằng phương pháp tự động.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10954-2:2015 (API 3.3:2001) VỀ HƯỚNG DẪN ĐO DẦU MỎ – ĐO MỨC HYDROCACBON LỎNG TRONG BỂ TĨNH BẰNG THIẾT BỊ ĐO BỂ TỰ ĐỘNG (ATG) – PHẦN 2: YÊU CẦU LẮP ĐẶT | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN10954-2:2015 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Hóa chất, dầu khí |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |