TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11206-2:2015 (ISO 12122-2:2014) VỀ KẾT CẤU GỖ – XÁC ĐỊNH CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG – PHẦN 2: GỖ XẺ
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 11206-2:2015
ISO 12122-2:2014
KẾT CẤU GỖ – XÁC ĐỊNH CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG – PHẦN 2: GỖ XẺ
Timber structures – Determination of characteristic values – Part 2: Sawn timber
Lời nói đầu
TCVN 11206-2:2015 hoàn toàn tương đương với ISO 12122-2:2014.
TCVN 11206-2:2015 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC89 Ván gỗ nhân tạo biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 11206 (ISO 12122), Kết cấu gỗ – Xác định các giá trị đặc trưng, gồm các tiêu chuẩn sau:
– TCVN 11206-1:2015 (ISO 12122-1:2014), Phần 1: Yêu cầu cơ bản.
– TCVN 11206-2:2015 (ISO 12122-2:2014), Phần 2: Gỗ xẻ.
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn này đưa ra một khuôn khổ để thiết lập các giá trị đặc trưng từ các kết quả thử nghiệm trên một mẫu thử rút ra từ một tập hợp chuẩn được xác định rõ của gỗ xẻ. Giá trị đặc trưng là ước lượng của một tính chất của tập hợp chuẩn với mức độ tin cậy thích hợp được qui định trong trong tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn này được sử dụng kết hợp với TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
Tiêu chuẩn này cho phép đánh giá các giá trị đặc trưng dựa trên thử nghiệm các mẫu thử gỗ xẻ có kích cỡ dùng trong thương mại.
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng đối với gỗ xẻ kết cấu. Trong một vài trường hợp, các giá trị đặc trưng được xác định theo tiêu chuẩn này có thể sửa đổi để trở thành giá trị thiết kế.
Tiêu chuẩn này có các Phụ lục sau:
Phụ lục A đưa ra các giải thích đối với tiêu chuẩn này.
KẾT CẤU GỖ – XÁC ĐỊNH CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG – PHẦN 2: GỖ XẺ
Timber structures – Determination of characteristic – Part 2: Sawn timber
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này qui định phương pháp xác định các giá trị đặc trưng được tính từ các giá trị thử nghiệm đối với tập hợp đã xác định của các sản phẩm gỗ xẻ.
Tiêu chuẩn này đưa ra các phương pháp để xác định:
a) giá trị đặc trưng của các tính chất dựa trên giá trị trung bình, và
b) giá trị đặc trưng của các tính chất ứng với giá trị phân vị chuẩn thứ 5.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 11206-1 (ISO 12122-1), Kết cấu gỗ – Xác định các giá trị đặc trưng – Phần 1: Yêu cầu cơ bản
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
4. Ký hiệu và thuật ngữ viết tắt
Phải sử dụng các ký hiệu đã qui định trong sản phẩm ISO hoặc tiêu chuẩn thử nghiệm liên quan. Các ký hiệu khác được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
5. Tập hợp chuẩn
Ngoài các yêu cầu đối với sự xác định tập hợp chuẩn trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1), các thuộc tính sau của gỗ xẻ có thể được mô tả:
a) khí hậu hoặc dải khí hậu của vùng sinh trưởng;
b) độ cao hoặc dải độ cao của vùng sinh trưởng;
c) kỹ thuật lâm sinh cụ thể được sử dụng trong vùng sinh trưởng;
d) loại đất hoặc dải loại đất của vùng sinh trưởng;
e) Phương pháp xẻ (ví dụ: xẻ lưng hoặc xẻ bổ tư, đã bao gồm hoặc loại bỏ gỗ lõi);
f) phương pháp hong khô (nếu đã hong khô);
g) phương pháp phân cấp hoặc sản xuất.
6. Lấy mẫu
6.1. Phương pháp lấy mẫu
Phương pháp lấy mẫu phải phù hợp với mục tiêu tiến hành lấy mẫu qui định trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
Đại diện của mỗi một sự thay đổi trong mẫu phải xấp xỉ với đại diện của sự thay đổi tương tự trong tập hợp chuẩn.
Phương pháp lấy mẫu phải được ghi lại trong báo cáo như nêu trong Điều 10 và tài liệu này phải chỉ rõ sự đáp ứng đối với mỗi thuộc tính đã được nhận dạng của tập hợp chuẩn được liệt kê theo Điều 5 trong tiêu chuẩn này và trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
6.2. Cỡ mẫu
Cỡ mẫu phải phù hợp với các yêu cầu của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và phải tính đến hệ số biến động (V) dự kiến của gỗ xẻ trong tập hợp chuẩn.
CHÚ THÍCH 1: Xem chú thích các điều liên quan trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
Nói chung các tính chất của gỗ xẻ thường có hệ số biến động tập hợp (V) lớn hơn, và do vậy có cỡ mẫu lớn hơn.
CHÚ THÍCH 2: TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) đưa ra một số hướng dẫn về việc lựa chọn cỡ mẫu.
7. Ổn định mẫu
Môi trường bảo quản và thử nghiệm mẫu phải phản ánh việc ổn định phù hợp với định nghĩa về tập hợp chuẩn như nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
8. Dữ liệu thử nghiệm
8.1. Phương pháp thử
Dữ liệu thử nghiệm phải nhận được từ:
a) TCVN 8164 (ISO 13910), hoặc
b) Có thể thiết lập phương pháp thử chuẩn thích hợp cho tập hợp chuẩn gỗ xẻ đưa ra hệ số tương đương với TCVN 8164 (ISO 13910).
CHÚ THÍCH 1: Xem chú thích các điều liên quan trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
CHÚ THÍCH 2: Phương pháp thử liên quan nhiều đến sự thay đổi có ảnh hưởng đến các kết quả bao gồm hình dạng và tốc độ gia tải, vị trí mẫu thử và phương pháp đo. Mức độ chụm của các thay đổi này phải phù hợp với các mục tiêu của thử nghiệm và các điều chỉnh yêu cầu trong 8.2.
8.2. Dữ liệu thử nghiệm tương thích với mô tả sản phẩm
Khi các giá trị đặc trưng áp dụng cho cỡ chuẩn hoặc độ ẩm chuẩn, có thể cần phải thực hiện điều chỉnh đối với dữ liệu thử nghiệm thô. Bất kỳ sự điều chỉnh nào đều phải phù hợp với TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và phải được ghi chi tiết trong báo cáo.
CHÚ THÍCH: Những điều chỉnh này bao gồm những điều chỉnh cần thiết đối với dữ liệu gộp từ các chương trình thử nghiệm khác nhau như nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
9. Đánh giá các giá trị đặc trưng đối với tính chất kết cấu
9.1. Tính chất kết cấu
Đối với gỗ xẻ, phải đánh giá các tính chất vật liệu. Các tính chất này phải bao gồm môđun đàn hồi và độ bền đặc trưng.
CHÚ THÍCH: Các tính chất này là các tính chất mà khi nhân với một thông số hình học sẽ có được khả năng hoặc độ cứng vững của bộ phận cấu kiện. Ví dụ về các tính chất này bao gồm môđun đàn hồi đặc trưng và độ bền uốn đặc trưng.
Xác định các giá trị đặc trưng đối với các tính chất kết cấu phải theo TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
9.2. Mô đun đàn hồi đặc trưng
Giá trị môđun đàn hồi đặc trưng theo khả năng làm việc phải là trung bình cộng của các giá trị thử nghiệm được đánh giá theo TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và trong trường hợp sử dụng các giá trị này ở trạng thái giới hạn tới hạn thì chúng là giá trị trung bình cộng hoặc giá trị phân vị chuẩn thứ 5.
CHÚ THÍCH: Trong một số trường hợp, sự giảm mô đun đàn hồi chưa được tính sẵn vào phương trình tính toán dùng trong thiết kế, có thể cần một giá trị phân vị chuẩn thứ 5 của môđun đàn hồi để thiết kế tính ổn định của dầm hoặc cột.
9.3. Giá trị độ bền đặc trưng
9.3.1. Độ bền nén cục bộ
Các giá trị đặc trưng đối với độ bền chịu tải, cả song song và vuông góc với thớ, phải là trung bình cộng nhận được từ các kết quả của phép thử.
9.3.2. Giá trị đặc trưng khác đối với độ bền dựa trên giá trị thử nghiệm ứng với phân vị chuẩn thứ 5
Phải đánh giá giới hạn độ tin cậy 75 % nhánh thấp hơn của phép thử giá trị phân vị chuẩn thứ 5. Phương pháp phù hợp để đánh giá giá trị phân vị chuẩn thứ 5 của dữ liệu thử nghiệm và ước lượng giới hạn độ tin cậy 75 % nhánh thấp hơn được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
10. Báo cáo
Báo cáo phải phù hợp với các yêu cầu của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
PHỤ LỤC A
(tham khảo)
Giải thích
A.1. Giải thích về phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra các phương pháp để xác định các giá trị đặc trưng chỉ đối với gỗ xẻ dùng cho kết cấu. Tiêu chuẩn này được sử dụng kết hợp với TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
Tiêu chuẩn này đưa ra phương pháp luận thống nhất để đánh giá các giá trị đặc trưng thích hợp với các giá trị đặc trưng xác định được đối với các sản phẩm gỗ kết cấu khác.
Tiêu chuẩn này không thiết lập các phương pháp để xác định các giá trị thiết kế. Các giá trị này có thể được xác định dựa trên các giá trị đặc trưng từ dữ liệu thử nghiệm, nhưng đối với gỗ xẻ còn phải kết hợp với các hệ số an toàn để tính toán đến bất kỳ hoặc tất cả các yếu tố sau:
– Sự thay đổi dự kiến trong sản phẩm hoặc các tính chất sản phẩm qua một thời gian dài. Những thay đổi này có thể do sự thay đổi trong chất lượng nguồn gỗ, phương pháp sản xuất hoặc chất lượng của các nguyên liệu thô khác;
– Sự phức tạp của tập hợp chuẩn. Ví dụ, khi tập hợp chuẩn do nhiều nhà sản xuất nguồn vật liệu của họ được lấy trên một vùng rộng lớn, khi đó việc lấy mẫu có thể không phản ảnh hiệu quả tất cả sự kết hợp có thể có về chất lượng nguồn vật liệu và phương pháp sản xuất. Theo cách này, mẫu thử có thể không đại diện thật sự và có thể cho phép áp dụng các hệ số an toàn.
A.2. Giải thích về tài liệu viện dẫn
Không có giải thích.
A.3. Giải thích về thuật ngữ và định nghĩa
Không có giải thích.
A.4. Giải thích về ký hiệu
Không có giải thích. (Xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)).
A.5. Giải thích về tập hợp chuẩn
Các giá trị đặc trưng có thể được lấy để đại diện cho các tính chất của nguyên liệu mà từ đó các mẫu được lấy. Tập hợp chuẩn là sự xác định tập hợp gốc có tính chất đặc trưng đã biết để áp dụng. TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) đưa ra một số yêu cầu chung để xác định tập hợp chuẩn, nhưng có một số đặc trưng khác đã biết gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu của gỗ xẻ:
– Khí hậu hoặc dải khí hậu của vùng sinh trưởng đã biết ảnh hưởng đến khối lượng riêng của gỗ, kích cỡ cành trong cây và kích cỡ mắt trong gỗ;
– Độ cao vùng sinh trưởng đã biết có thể ảnh hưởng không chỉ đối với các tính chất của sản xuất gỗ xẻ được tạo ra tại độ cao đó, mà còn có mối liên quan giữa các giá trị đặc trưng của các tính chất kết cấu. Trong một số trường hợp, địa hình cũng có thể gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu;
– Kỹ thuật lâm sinh có thể ảnh hưởng đến các đặc trưng trong gỗ được lấy mẫu. Điều này có thể bao gồm mật độ trồng, việc bón phân, tỉa thưa hoặc chặt cành và tưới cây. Mỗi một kỹ thuật đều có thể ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây và do đó ảnh hưởng đến khối lượng riêng của gỗ, kích cỡ và hình dạng của cành. Điều này có thể ảnh hưởng đến các tính chất của gỗ xẻ được tạo ra từ các gỗ khúc này;
– Loại đất cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và khối lượng riêng của gỗ và đặc trưng tăng trưởng. Thông thường, rừng có một vài loại đất, nhưng một số vùng có thể có đặc trưng của một loại đất chính (ví dụ: đất đá vôi);
– Kiểu xẻ ảnh hưởng đến vị trí và cách sắp xếp mắt. Khi một tập hợp có một kiểu xẻ chính, việc này phải được công bố, vì các kiểu xẻ khác có thể tạo ra các sản phẩm với các tính chất khác nhau đáng kể. Đặc biệt, đặc điểm của gỗ lõi (gần với tủy) thì khác biệt so với các tính chất của gỗ ở xa tủy. Do đó, nếu gỗ lõi bị loại bỏ từ tập hợp chuẩn cụ thể, việc đó phải được công bố trong phép xác định tập hợp chuẩn.
– Nhiệt độ hong khô cũng có thể gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu của gỗ xẻ đã hong khô. Phải công bố dải nhiệt độ hong khô và phương pháp hong khô có thể liên quan đến tốc độ loại bỏ độ ẩm.
– Có nhiều công nghệ khác nhau đối với sản phẩm kết cấu phân cấp dựa trên ứng suất. Việc sử dụng công nghệ phân cấp cụ thể có thể ảnh hưởng đến các tính chất của sản phẩm và dải tính chất được tạo ra.
TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) đề cập đến khoảng thời gian sản xuất sản phẩm. Trong một số trường hợp, thời điểm trong năm có ảnh hưởng đến các tính chất trong sản xuất gỗ xẻ. Điều này liên quan đến nhiệt độ hoặc độ ẩm của gỗ tại các giai đoạn sản xuất khác nhau hoặc điều đó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các loại rừng khác nhau tại thời điểm khác nhau trong một năm.
Các ví dụ được đưa trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và tiêu chuẩn này, nhưng mục đích của điều này là bất cứ công đoạn nào trong sản xuất sản phẩm có thể gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu đều phải được chỉ ra trong mô tả.
A.6. Giải thích về lấy mẫu
Nói chung, gỗ xẻ có nhiều sự thay đổi trong nguyên liệu thô, phương pháp sản xuất và các tính chất kết cấu. Gỗ xẻ thường có V cao hơn so với các sản phẩm gỗ khác trong phạm vi phân cấp dựa trên ứng suất. Cũng như vậy, khi so sánh với các sản phẩm gỗ thành phẩm, nhìn chung việc kiểm soát sản xuất ở mức thấp đối với các sản phẩm gỗ xẻ nghĩa là yêu cầu có cỡ mẫu lớn hơn để nắm được tất cả các biến động về các tính chất trong một tập hợp chuẩn.
Hướng dẫn về cỡ mẫu được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
A.7. Giải thích về ổn định mẫu thử
Khi tập hợp chuẩn là gỗ chưa được hong khô, không có yêu cầu cụ thể về việc ổn định. Tuy nhiên, việc lưu giữ gỗ trong khi chờ thử nghiệm phải đảm bảo để không trở thành gỗ đã được hong khô khi bảo quản.
Tương tự, khi tập hợp chuẩn là gỗ đã được hong khô, gỗ phải được lưu giữ để duy trì độ ẩm trong phạm vi yêu cầu đối với sản phẩm đã được hong khô.
Áp dụng các yêu cầu khác của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
A.8. Giải thích về việc thử nghiệm
A.8.1. Giải thích về phương pháp thử
TCVN 8164 (ISO 13910) đưa ra các phương pháp thử cho hầu hết các tính chất kết cấu đối với gỗ xẻ. Các tính chất khác có thể được thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn thử nghiệm quốc tế và quốc gia khác đã được công nhận đối với gỗ.
A.8.2. Giải thích về dữ liệu thử nghiệm tương thích với mô tả sản phẩm
Có thể yêu cầu điều chỉnh dữ liệu thử nghiệm đối với kích cỡ chuẩn, độ ẩm chuẩn hoặc nhiệt độ chuẩn. Khi thực hiện điều chỉnh, phải tuân theo các yêu cầu của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).
Đối với gỗ xẻ, các giá trị đặc trưng thường liên quan đến cỡ đối chứng, do đó khi thực hiện việc gộp dữ liệu về các cỡ khác nhau, dữ liệu phải được hiệu chỉnh thành cỡ chuẩn. Để thực hiện điều này, các hướng dẫn về việc gộp trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) phải được tiến hành cẩn thận.
A.9. Giải thích về đánh giá các giá trị đặc trưng của các tính chất kết cấu
A.9.1. Giải thích về tính chất kết cấu
Các giá trị đặc trưng của gỗ xẻ thường được đưa ra là môđun đàn hồi và độ bền, các giá trị này phải được nhân với tính chất hình học liên quan đối với thiết kế.
– Độ bền được biểu thị cùng đơn vị ứng suất và được nhân với diện tích để đưa ra một lực hoặc nhân với một môđun tiết diện để đưa ra khả năng chịu mômen của tiết diện.
– Môđun đàn hồi (cùng đơn vị như ứng suất) được dùng trong việc tính toán độ biến dạng dưới tải trọng.
Bảng A.1 – Phân loại các giá trị đặc trưng đối với các tính chất kết cấu
Giá trị đặc trưng |
Cơ sở |
Các tính chất đặc trưng | |
Độ bền uốn, ¦m | Phân vị chuẩn thứ 5 |
Độ bền kéo, ¦t,0 song song với thớ | Phân vị chuẩn thứ 5 |
Độ bền nén, ¦c,0 song song với thớ | Phân vị chuẩn thứ 5 |
Độ bền trượt, ¦s | Phân vị chuẩn thứ 5 |
Độ bền nén vuông góc với thớ, ¦c,90 | Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a |
Độ bền kéo vuông góc với thớ, ¦t,90 | Phân vị chuẩn thứ 5 |
Môđun đàn hồi, E | Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a |
Môđun trượt, G | Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a |
a Cho thấy đối với một số sản phẩm, có thể phải bổ sung giá trị phân vị chuẩn thứ 5 cùng với giá trị dựa trên giá trị trung bình thông thường. |
A.9.2. Giải thích về môđun đàn hồi đặc trưng
Không có giải thích (xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)).
A.9.3. Giải thích về giá trị độ bền đặc trưng
Không có giải thích (xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)).
B.10. Giải thích về báo cáo
Không có giải thích (xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)).
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 8164 (ISO 13910), Kết cấu gỗ – Gỗ đã phân cấp theo độ bền – Phương pháp thử các tính chất kết cấu.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Ký hiệu và thuật ngữ viết tắt
5. Tập hợp chuẩn
6. Lấy mẫu
6.1. Phương pháp lấy mẫu
6.2. Cỡ mẫu
7. Ổn định mẫu
8. Dữ liệu thử nghiệm
8.1. Phương pháp thử
8.2. Dữ liệu thử nghiệm tương thích với mô tả sản xuất
9. Đánh giá các giá trị đặc trưng của các tính chất kết cấu
9.1. Các tính chất kết cấu
9.2. Môđun đàn hồi đặc trưng
9.3. Giá trị độ bền đặc trưng
10. Báo cáo
Phụ lục A (tham khảo) Giải thích
Thư mục tài liệu tham khảo
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11206-2:2015 (ISO 12122-2:2014) VỀ KẾT CẤU GỖ – XÁC ĐỊNH CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG – PHẦN 2: GỖ XẺ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN11206-2:2015 | Ngày hiệu lực | 01/01/2015 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | 01/01/2015 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |