TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11354:2016 VỀ NHÀ GIÂM HOM CÂY LÂM NGHIỆP – YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 11354:2044
NHÀ GIÂM HOM CÂY LÂM NGHIỆP – YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG
Green house for forest tree cutting propagation – General technical requirements
Lời nói đầu
TCVN 11354:2016 do Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
NHÀ GIÂM HOM CÂY LÂM NGHIỆP – YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG
Green house for forest tree cutting propagation – General technical requirements
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng cho nhà giâm hom cây lâm nghiệp quy mô vừa và nhỏ có công suất sản xuất từ 150.000 đến 1.000.000 cây giống/năm trên phạm vi toàn quốc. Nhà giâm hom được sử dụng để sản xuất cây giống lâm nghiệp thông dụng (keo, bạch đàn) và các loài cây bản địa nhân giống được bằng công nghệ giâm hom, nuôi dưỡng cây mạ từ nhân mô và gieo hạt.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 9221:2012 (ISO 8026:2009), Thiết bị tưới dùng trong nông nghiệp – Vòi phun – Yêu cầu chung và phương pháp thử.
ISO 15886-3:2004, Agricultural irrigation equipment – Sprinklers – Part 3: Characterization of distribution and test methods (Thiết bị tưới dùng trong nông nghiệp – Thiết bị tưới phun quay – Phần 3: Đặc trưng phân bố và phương pháp thử).
3 Thuật ngữ và định nghĩa
3.1 Nhà giâm hom (Green house for forest cutting propagation)
Một nhà ươm cây giống được trang bị các hệ thống thiết bị điều tiết được môi trường giâm hom (cường độ ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm của không khí và giá thể) phù hợp theo yêu cầu công nghệ giâm hom hoặc yêu cầu nuôi dưỡng cây mạ từ nhân mô cho nhiều loài cây rừng.
Nhà giâm hom cây lâm nghiệp gồm những bộ phận cơ bản sau:
– Luống giâm hom
– Nền và đường tác nghiệp
– Khung nhà giâm hom
– Hệ thống che sáng
– Tường bao và vách che gió
– Hệ thống tưới phun tạo ẩm cho môi trường giâm hom
– Các hệ thống điều khiển các thiết bị điều tiết môi trường giâm hom
– Bể chứa nước và đường ống cấp nước vào bể
– Nhà đặt máy bơm và các thiết bị điều khiển, đường điện cấp đến nhà
3.2 Khung nhà giâm hom (Steel frame)
Phần cơ bản của nhà giâm hom, có dạng hình khối, thường được làm bằng thép hình để lắp đặt các bộ phận của nhà giâm hom.
3.3 Hom giâm (Cutting)
Một bộ phận của cành non có mức độ hóa gỗ rất yếu (hoặc lá, thân, rễ cây) chưa phải là một cây hoàn chỉnh, được nuôi dưỡng trong môi trường phù hợp để chúng phát triển các bộ phận còn lại trở thành một cây giống hoàn chỉnh.
3.4 Giá thể giâm hom (Cutting medium )
Hỗn hợp đất, cát với phân mùn hữu cơ, phân hóa học được chứa trong luống giâm hom hoặc vỏ bầu ươm cây, có tác dụng giữ ổn định, cung cấp nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây giống.
3.5 Môi trường giâm hom (Cutting microenvironment)
Môi trường nuôi dưỡng hom giâm, có các điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp chống khô héo hom, đảm bảo cung cấp đủ nước, dinh dưỡng và ánh sáng cho hom quang hợp và ra rễ.
3.6 Luống giâm hom (Cutting bed)
Phần được xây dựng trong nhà giâm hom, để đặt bầu ươm cây hoặc chứa giá thể giâm hom.
3.7 Vòm che luống giâm hom (Transparent roof of cutting bed)
Mái che hình vòm phía trên luống giâm hom, được phủ kín bằng màng chất dẻo trong suốt để tạo sự cách biệt của môi trường trong vòm với bên ngoài và giữ ổn định môi trường trong vòm che. Môi trường trong vòm che được gọi là môi trường giâm hom
3.8 Tường bao nhà giâm hom (Brick wall of green house)
Tường bao xung quanh, đỡ vách che gió của nhà giâm hom
3.9 Vách che gió (Windbreak)
Tấm che xung quanh nằm trên tường bao nhà giâm hom để ngăn gió mạnh, gió nóng, gió lạnh vào trong nhà
3.10 Đường tác nghiệp trong nhà giâm hom (Inside-path)
Đường đi trong nhà giâm hom, bao quanh các luống giâm hom
3.11 Đường tác nghiệp ngoài nhà giâm hom (Outside-path )
Đường đi xung quanh bao ngoài tường bao nhà giâm hom.
3.12 Hệ thống tưới phun tạo ẩm (Mist system )
Hệ thống thiết bị cung cấp nước cho môi trường giâm hom dưới dạng sương mù
3.13 Hệ thống che sáng (Shading system)
Hệ thống che làm giảm cường độ ánh sáng trực xạ của mặt trời trước khi xuống luống giâm hom
3.13.1 Hệ thống che sáng phía trên (Roof shading system)
Hệ thống che nằm phía trên các luống giâm hom có tác dụng chủ yếu trong việc giảm cường độ ánh sáng trực xạ của mặt trời xuống luống giâm hom
3.13.2 Hệ thống che sáng xung quanh (Surrounding Shading system)
Hệ thống che xung quanh nhà giâm hom có tác dụng giảm cường độ trực xạ của ánh sáng mặt trời vào trong nhà từ phía xung quanh
3.14 Diện tích xây dựng nhà giâm hom (Total area)
Phần diện tích mặt bằng nằm trong đường viền bao ngoài của đường tác nghiệp ngoài nhà giâm hom, tính bằng mét vuông (m2)
3.15 Diện tích nhà giâm hom (Covered area)
Phần diện tích mặt bằng nằm trong đường viền bao ngoài của tường bao nhà giâm hom, tính bằng mét vuông (m2)
3.16 Diện tích giâm hom (Cutting area)
Là tổng diện tích trong lòng luống giâm hom có trong nhà giâm hom được tính trên mặt phẳng ngang, tính bằng mét vuông (m2)
3.17 Hệ số diện tích giâm hom (Rate of cutting area)
Là hệ số được tính bằng tỷ số giữa diện tích giâm hom và diện tích nhà giâm hom, tính bằng phần trăm (%).
4. Yêu cầu kỹ thuật chung của nhà giâm hom cây lâm nghiệp
4.1 Vị trí và diện tích lắp đặt
Thuận tiện vận chuyển, dịch vụ kỹ thuật
Nơi thoáng gió, không bị che bóng bởi cây lớn và nhà cao tầng, không bị ngập úng, không bị ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Nơi có nguồn điện lưới tương đối ổn định, đạt tối thiểu 80% điện áp định mức
Nhà giâm hom cần có diện tích đủ lớn, đảm bảo hệ số diện tích giâm hom tối thiểu bằng 0,45 để đảm bảo hiệu quả sử dụng.
4.2 Thiết bị, nguyên vật liệu để chế tạo, lắp đặt
Nguyên vật liệu, thiết bị để chế tạo lắp đặt nhà giâm hom phải có trên thị trường, đảm bảo độ bền, làm việc ổn định trong điều kiện ngoài trời. Hạn chế sử dụng các loại thiết bị và vật liệu đặc chủng khó tìm kiếm trên thị trường trong nước.
Không sử dụng các nguyên vật liệu, thiết bị làm phát thải chất độc hại gây ô nhiễm môi trường trong quá trình gia công lắp đặt và sử dụng.
Thiết bị phải đảm bảo tính năng thiết kế, an toàn trong quá trình sử dụng, dễ vận hành và bảo trì kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng.
4.3 Khung nhà giâm hom
Khung nhà giâm hom phải có kết cấu đơn giản, có thể gia công lắp đặt được bởi các xưởng cơ khí quy mô trung bình tại các địa phương, đảm bảo vững chắc.
Vật liệu chính được sử dụng làm khung nhà là phải là thép thông dụng, khó bị han gỉ trong điều kiện mưa, ẩm.
Liên kết khung nhà bằng các mối ghép bulong hoặc hàn cứng, liên kết chân cột nhà với nền nhà bằng bê tông.
Chiều cao khung nhà tính từ mặt nền nhà tới đỉnh cột và khoảng cách giữa các dầm, giằng liên kết phải đảm bảo thuận tiện cho việc lắp đặt, vận hành hệ thống che sáng phía trên các luống giâm hom và giảm chi phí nguyên vật liệu.
Khoảng các các cột phải hợp lý để đảm bảo độ bền của dầm liên kết, không bố trí các cột trong lòng đường tác nghiệp trong nhà và trong lòng luống giâm hom.
4.4 Luống giâm hom
Luống giâm hom có kích thước hợp lý, thuận lợi cho việc cấy cây và chăm sóc cây con
Nền luống phải được làm phẳng và nhẵn, được tạo dốc từ giữa sang hai bên thành luống
Thành luống phải đảm bảo chắc chắn để không bị hư hỏng do va chạm trong quá trình sản xuất.
Thành luống phải có các lỗ thoát nước ở 2 bên đảm bảo thoát kiệt nước trong nền luống ra ngoài.
4.5 Vòm che luống giâm hom
Vòm che luống giâm hom phải riêng biệt trên mỗi luống. Khung vòm che có kết cấu đơn giản, dễ tháo lắp và xếp gọn, hạn chế gây rách, gây bẩn màng chất dẻo trong suốt phủ ngoài khung vòm
Màng chất dẻo trong suốt phủ vòm che luống có độ dày từ 0,0001 m đến 0,0005 m; phải mềm và đảm bảo đủ che kín mặt ngoài của khung vòm, cho phép giảm tối đa 2,5 lần lượng ánh sáng đi qua.
4.6 Tường bao nhà giâm hom
Tường bao được làm bằng bằng vật liệu xây dựng thông thường.
Tường bao có kết cấu chắc chắn đảm bảo đỡ, giữ được các tấm vách che gió
4.7 Vách che gió
Kết cấu vách che gió phải đơn giản, dễ chế tạo và lắp đặt, dễ sử dụng, đảm bảo an toàn, bền lâu trên 5 năm trong điều kiện sử dụng ngoài trời và có gió bão mạnh
Các tấm vách che gió phải đóng, mở được linh hoạt, có chốt giữ cố định chắc chắn.
Các tấm che của vách che gió phải bằng vật liệu trong suốt, ngăn được gió, giảm được cường độ ánh sáng đi qua.
4.8 Đường tác nghiệp trong nhà giâm hom và ngoài nhà giâm hom
Nền đường tác nghiệp trong và ngoài nhà giâm hom phải là nền cứng được làm phẳng nhẵn để hạn chế lắng đọng đất; và được làm dốc hợp lý để thoát hết nước trên mặt nền
Bề rộng các loại đường tác nghiệp trong nhà và ngoài nhà giâm hom cần hợp lý đảm bảo đủ thuận tiện, dễ dàng trong quá trình sản xuất và không làm giảm hệ số diện tích giâm hom.
Mặt đường tác nghiệp trong nhà giâm hom phải thấp hơn nền luống giâm hom
4.9 Hệ thống tưới phun tạo ẩm
Hệ thống tưới phun tạo ẩm cho môi trường giâm hom phải đảm bảo cung cấp nước dưới dạng sương mù với độ phun tơi cao, đồng đều, không tạo giọt, không gây ngập úng giá thể và tiết kiệm nước.
Hệ thống ống dẫn phải đảm bảo chắc chắn, được chôn chìm dưới nền nhà giâm hom hoặc được che mưa, nắng.
Kết cấu hệ thống đơn giản, dễ lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, thay thế van khóa, máy bơm, vòi phun.
Đường kính ống dẫn phải nhỏ dần từ nguồn cấp nước đến các nhánh phun, nhỏ dần từ đầu nhánh đến cuối mỗi nhánh phun, đảm bảo độ tương đối đồng đều áp suất phun giữa các vòi phun trong toàn hệ thống tưới
Nhánh phun được lắp đặt dọc theo đường tâm trục của luống giâm hom. Mỗi nhánh phun cần có van khóa ở đầu nhánh, số vòi phun trên mỗi nhánh tùy thuộc đường kính ống dẫn và chiều dài luống giâm hom.
Vòi phun phải đạt TCVN 9221:2012;
Máy bơm của hệ thống tưới phun tạo ẩm sử dụng năng lượng điện, tạo được áp suất tại đầu đẩy hợp lý đảm bảo cung cấp đủ áp suất và lưu lượng cho vòi phun hoạt động.
Hệ thống tưới phun tạo ẩm phải được điều khiển phun tự động theo nhiều chế độ khác nhau theo thời gian hoặc theo độ ẩm không khí trong môi trường giâm hom, tùy theo yêu cầu kỹ thuật nhân giống nhiều loài cây rừng, đảm bảo độ chính xác cao và ổn định, dễ sử dụng, sửa chữa.
Hệ thống tưới phun tạo ẩm phải có bộ phận tự động đóng cắt mạch điện cấp đến máy bơm theo mức nước trong bể để đảm bảo an toàn chống chập cháy điện khi bể cạn nước.
Các thiết bị điện tử của hệ thống điều khiển phải được lắp đặt đảm bảo chắc chắn ở vị trí cố định, nơi khô ráo, tránh được mưa, nắng đảm bảo thuận tiện sử dụng và an toàn điện.
4.10 Hệ thống che sáng
Hệ thống che sáng phải điều chỉnh được nhiều mức che khác nhau, đảm bảo cường độ ánh sáng theo yêu cầu công nghệ nhân giống nhiều loài cây rừng bằng hom và mô trong các điều kiện thời tiết và mùa vụ khác nhau.
Hệ thống che sáng đảm bảo hoạt động ổn định trong điều kiện ngoài trời, chế tạo lắp đặt được bởi các xưởng có khí trung bình tại địa phương, dễ vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.
Kết cấu các lớp che sáng phía trên luống giâm hom và các dải lưới che các mặt xung quanh nhà giâm hom phải tách rời nhau, hoạt động độc lập nhau
Khoảng cách giữa các lớp che sáng phía trên theo phương thẳng đứng phải đảm bảo thuận tiện cho việc lắp đặt, vận hành và bảo trì kỹ thuật.
Vật liệu che sáng là lưới che chuyên dụng cho các vườn ươm cây, sẵn có trên thị trường.
Điều khiển đóng, mở các lớp che sáng phía trên và xung quanh nhà giâm hom bằng phương pháp thủ công, cơ giới, hoặc tự động hóa, tùy thuộc vào quy mô sản xuất của nhà giâm hom.
4.11 Bể chứa nước và đường ống cấp nước vào bể
4.11.1 Bể chứa nước
Bể chứa nước cho hệ thống tưới phun tạo ẩm của nhà giâm hom phải được xây dựng chìm dưới nền đất, có kết cấu đảm bảo vững chắc, không bị dò rỉ nước.
Kết cấu phần nắp bể nổi trên mặt đất, mặt tường bể không được cao hơn độ cao của vòi phun theo phương thẳng đứng.
Dung tích chứa của bể phải đảm bảo đủ lượng nước tưới cho cây trong nhà giâm hom khi hoạt động tối đa trong ít nhất 1 ngày của mùa nắng nóng hoặc mùa khô.
4.11.2 Đường ống cấp nước vào bể
Đường ống cấp nước vào bể cần được chôn chìm nền đất để tránh giòn vỡ do mưa nắng, phải đảm bảo độ bền, chịu được áp suất thủy lực trong ống và tác động cơ học trong quá trình sản xuất
Tiết diện đường ống phải đảm bảo lưu lượng nước chảy qua lớn hơn từ 1,5 đến 2 lần so với tổng lưu lượng nước tiêu thụ cho các hệ thống tưới phun của nhà giâm hom và các hoạt động sản xuất khác trong vườn ươm.
Cấp nước vào bể chứa theo phương pháp tự chảy kèm theo van phao cơ học tự khóa đường cấp nước khi bể đã được nạp đầy hoặc cấp vào bể bằng hệ thống bơm khác kèm theo bộ phận tự động đóng, cắt điện cấp đến máy bơm theo mức nước trong bể.
4.12 Nhà đặt máy bơm và hệ thống điện
4.12.1 Nhà đặt máy bơm
Nhà phải được đặt trên nắp bê tông của bể hoặc cạnh bể chứa nước hoặc gần nhà giâm hom, tại vị trí khô ráo, thông thoáng gió và không bị ngập nước.
Kết cấu nhà phải đảm bảo chắc chắn và có cửa bảo vệ, đảm bảo thông khí cho không khí trong nhà và không bị dột hay thấm nước.
Chiều dài, chiều rộng, chiều cao nhà phải đủ cho lắp đặt hệ thống máy bơm, các bảng điều khiển hệ thống tưới phun, bảng điều khiển hệ thống che sáng và các thiết bị, dụng cụ liên quan khác, đảm bảo thuận tiện cho quá trình vận hành, thông thoáng gió, tránh nắng nóng và tránh gây ẩm ướt cho hệ thống điều khiển và máy bơm
Đèn chiếu sáng trong nhà phải đảm bảo đủ ánh sáng cho việc thao tác điều chỉnh các chế độ điều khiển,…
4.12.2 Hệ thống điện
Đường dây điện đến nhà đặt bơm phải được lắp đặt trên cột theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện. Độ cao của dây điện so với mặt đất đảm bảo an toàn cho xe qua lại.
Công suất tải của dây dẫn tối thiểu phải lớn hơn 1,5 lần tổng công suất tiêu thụ tối đa của các phụ tải của nhà giâm hom và thiết bị điện khác phục vụ các hoạt động sản xuất trong vườn ươm
Đường dây điện phải có thiết bị tự động đóng cắt mạch điện khi quá tải, chập cháy
Các thiết bị điện tử của hệ thống điều khiển hệ thống che sáng và hệ thống tưới phun tạo ẩm phải được lắp đặt chắc chắn ở vị trí cố định, nơi khô ráo, tránh được mưa, nắng, đảm bảo thuận tiện sử dụng và an toàn điện.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Thông số kỹ thuật cơ bản của nhà giâm hom cây lâm nghiệp được nêu trong Bảng 1.
Bảng 1: Thông số kỹ thuật của Nhà giâm hom cây Lâm nghiệp
TT |
Tên bộ phận chi tiết của nhà giâm hom |
Đơn vị |
Giá trị |
1 |
Khung nhà giâm hom |
|
|
|
– Chiều cao của khung nhà giâm hom
– Khả năng chịu gió bão; – Độ bền khung nhà giâm hom trong điều kiện ngoài trời. |
m Cấp gió năm |
0,30 ÷ 0,40. 12 12 + 15 |
2 |
Luống giâm hom |
|
|
|
Chiều rộng trong lòng luống |
m |
1,0 ÷ 1,2 |
|
Chiều dài luống |
m |
6 ÷ 10 |
|
Chiều cao nền luống so với đường tác nghiệp trong nhà giâm hom |
m |
≥ 0,05 |
|
Chiều cao Thành luống |
m |
≥ 0,15 Tối đa bằng chiều cao bầu ươm cây |
3 |
Tường bao nhà giâm hom |
|
|
|
Chiều cao tường bao |
m |
0,8 ÷ 1,0 |
4 |
Vách che gió |
|
|
|
Khả năng làm giảm cường độ ánh sáng đi qua |
% |
≤ 10 |
5 |
Đường tác nghiệp trong nhà giâm hom và ngoài nhà giâm hom |
|
|
|
Chiều rộng đường tác nghiệp trong và ngoài nhà giâm hom |
m |
0,5 ÷ 0,7 |
6 |
Hệ thống tưới phun tạo ẩm |
|
|
|
Độ đều lượng nước tưới phun trên mặt luống giâm hom |
% |
≥ 80 |
|
Áp suất trên hệ thống tưới |
Mpa |
≥ 0,6 |
|
Độ chênh lệch áp suất giữa các vòi phun |
% |
≥ 15 |
|
Độ cao của vòi phun so với mặt bầu ươm cây |
m |
0,25 ÷ 0,35 |
|
Vòi phun |
|
|
|
– Áp suất phun trên;
– Lưu lượng phun; – Bán kính phun, – Đường kính hạt nước trung bình |
Mpa m3/s m μm |
≥ 0,3 5.10-6 ÷ 15.10-6 0,65 ÷ 0,85 100 + 200 |
7 |
Bơm cấp nước
– Áp suất tại đầu đẩy – Cột áp đẩy |
Mpa mH2O |
0,35 ÷ 4,0 ≥ 35 |
8 |
Hệ thống điều khiển tưới phun tự động theo thời gian.
– Điều chỉnh thời gian tưới phun. – Bước điều chỉnh thời gian Δt,.. – Điều chỉnh thời gian ngừng giữa hai lần phun kế tiếp nhau: Theo giây Theo phút Theo giờ |
giây giây
giây phút giờ |
3 ÷ 90 1
3 ÷ 90; (Δt = 1 giây) 1 ÷ 90; (Δt = 1 phút) 1 ÷ 24; (Δt = 1 giờ) |
9 |
Hệ thống điều khiển tưới phun tự động theo yêu cầu độ ẩm không khí.
– Điều chỉnh theo độ ẩm (cho phép sai số ±1,5%) |
% |
85 ÷ 98 |
10 |
Hệ thống che sáng |
|
|
|
– Khoảng cách giữa các lớp lưới che phía trên nhà giâm hom, nên từ
– Tỷ lệ che sáng của lớp lưới che. – Độ co kích thước của lưới che – Độ bền tự nhiên của lưới che sử dụng ngoài trời |
m % % năm |
0,30 ÷ 0,40 20 ÷ 70 ≤ 1 ≥ 4 |
11 |
Bể chứa nước |
|
|
|
– Chiều cao phần nắp bể chứa nước so với mặt đất
– Dung tích của bể |
cm m3 |
25 ÷ 40 2 ÷ 3 |
Thư mục tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
[1] Nguyễn Văn Hùng (2009), Nghiên cứu thiết kế chế tạo và thử nghiệm mô hình hệ thống nhà lưới nhà kính phục vụ canh tác nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ngãi, Báo cáo nghiệm thu đề tài KHCN cấp tỉnh, Trường Đại học Nông lâm Tp Hồ Chí Minh.
[2] Đoàn Thị Mai (2004), “Quy trình nhân giống, trồng, khai thác giống Bạch đàn cao sản”. Tài liệu tập huấn kỹ thuật, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam;
[3] Lê Đình Khả (2007), Quy trình nhân giống, trồng và khai thác giống Keo lai. Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
[4] Lê xuân Phúc (2003 ÷ 2008), Thiết kế hệ thống vườn ươm cây giống lâm nghiệp bằng công nghệ giâm hom, quy mô nhỏ và vừa cho các cơ sở sản xuất lâm nghiệp ở các vùng sinh thái của Việt Nam (Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Tây, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận), Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng của Công ty CP Giống lâm nghiệp Trung ương và các đơn vị thuộc Viện KHLN Việt Nam,…
[5] Lê Xuân Phúc, Nguyễn Chí Trung (2008), ‘Nhân được giống cây lâm nghiệp trong mùa lạnh nhờ nhà giâm hom cải tiến’, Báo điện tử Nông nghiệp và PTNT ngày 21/7/2008
[6] Lê Xuân Phúc & các CTV (2D08), Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường nhân giống cây rừng bằng hom cành trong vùng chịu ảnh hưởng của gió Lào và gió mùa Đông Bắc, Báo cáo nghiệm thu đề tài KHCN, Viện KHLN Việt Nam.
[7] Lê Xuân Phúc và các CTV (2012), Nghiên cứu công nghệ che sáng và tưới phun tự động cho Vườn ươm cây lâm nghiệp’; Báo cáo nghiệm thu đề tài KHCN, Viện KHLN Việt Nam.
[8] Lê Xuân Phúc (2012), Nghiên cứu một số thông số làm cơ sở thiết kế nhà giâm hom cây giống lâm nghiệp phù hợp với điều kiện Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kỹ thuật, Viện KHLN Việt Nam.
[9] Phạm Đình Tam và CTV (2002). Điều tra đánh giá thực trạng hệ thống vườn ươm và nâng cao năng lực cung cấp cây con hiện nay làm cơ sở cho việc quản lý, quy hoạch mạng lưới vườn ươm phục vụ Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Báo cáo tổng kết dự án, Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Tiếng Anh
[10] Bontsema. J. (1995) Greenhouse Climate Control. Control principle. J.C. Bakler et al, eds. Wageningen, 240.
[11] ‘CoolNet for Evaporative cooling, Humidifying, Rooting and Chemical application’. Website: www.netafim.com
[12] Frank A. Blazich (2006), Plant Propagation by Stem Cutting: Instructions for Home Gardener. Http//www:ces:ncsu.edu/depts/hort/hil/hil-8702.html.
[13] Hand, D.W. and R.W.Soffe (1971), Light-modulated temperature control and the response of greenhouse tomatoes to different CO2 regines. J.Hort. Sci46. pp. 381 – 396
[14] Hess, Charters E. and Snyder (1995), Interrupted mist found superior to constant mist in tests with cuttings.
[15] Joe J. Hanan. Greenhouses (1998), Advanced Technology for Protected Horticulture. CRC Press Boca Raton London New York Washington, D.C.
[16] Kevin Hudson (1997), Overview of cutting propagation. http://www.forestry.auburn.edu/sfnmc/class/fy614/cutting.html. 3/20/2006.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa 5
4 Yêu cầu kỹ thuật chung nhà giâm hom cây lâm nghiệp
4.1 Vị trí và diện tích lắp đặt
4.2. Thiết bị, nguyên vật liệu để chế tạo, lắp đặt
4.3 Khung nhà giâm hom
4.4 Luống giâm hom
4.5 Vòm che luống giâm hom
4.6 Tường bao nhà giâm hom
4.7 Vách che gió
4.8 Đường tác nghiệp trong nhà giâm hom và ngoài nhà giâm hom
4.9 Hệ thống tưới phun tạo ẩm
4.10 Hệ thống che sáng
4.11 Bể chứa nước và đường ống cấp nước vào bể
4.11.1 Bể chứa nước
4.11.2 Đường ống cấp nước vào bể
4.12 Nhà đặt máy bơm và hệ thống điện
4.12.1 Nhà đặt máy bơm
4.12.2 Hệ thống điện
Phụ lục A (Tham khảo) Thông số kỹ thuật cơ bản của nhà giâm hom cây lâm nghiệp
Thư mục tài liệu tham khảo
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11354:2016 VỀ NHÀ GIÂM HOM CÂY LÂM NGHIỆP – YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN11354:2016 | Ngày hiệu lực | 15/11/2016 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 15/11/2016 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |