TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12152:2017 (ISO 7583:2013) VỀ ANỐT HÓA NHÔM VÀ HỢP KIM NHÔM – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
TCVN 12152:2017
ISO 7583:2013
ANỐT HÓA NHÔM VÀ HỢP KIM NHÔM – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Anodizing of aluminium and its alloys – Terms and definitions
Lời nói đầu
TCVN 12152:2017 hoàn toàn tương đương ISO 7583:2013.
TCVN 12152:2017 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 79, Kim loại màu và hợp kim của kim loại màu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
ANỐT HÓA NHÔM VÀ HỢP KIM NHÔM – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Anodizing of aluminium and its alloys – Terms and definitions
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra các thuật ngữ và định nghĩa sử dụng trong nhôm anốt hóa.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các định nghĩa sau.
2.1 Sản phẩm nhôm anốt hóa
2.1.1 Nhôm anốt hóa
Nhôm có lớp phủ anốt hóa được tạo ra bằng quá trình oxit hóa điện phân trong đó bề mặt của nhôm được phủ một lớp có thành phần chủ yếu là oxit nhôm có tính bảo vệ, trang trí hoặc những tính chất đặc trưng riêng.
2.1.2 Anốt hóa kiến trúc
Anốt hóa tạo ra bề mặt hoàn thiện kiến trúc, được dùng trong điều kiện lâu dài, bên ngoài và tĩnh, trong đó hình thức và tuổi thọ là quan trọng.
2.1.3 Anốt hóa theo mẻ
Anốt hóa các chi tiết nhôm bằng cách treo lên giá, qua các quá trình nối tiếp nhau bao gồm anốt hóa và tháo dỡ.
2.1.4 Nhôm anốt hóa bóng
Nhôm anốt hóa có đặc tính chính là có bề mặt phản quang cao.
2.1.5 Nhôm anốt hóa không màu
Nhôm anốt hóa được phủ trên bề mặt một lớp ôxít trong suốt, không màu.
2.1.6 Anốt hóa dạng cuộn/anốt hóa dạng băng/anốt hóa liên tục
Cuộn nhôm được anốt hóa theo một dây chuyền liên tục bao gồm tháo cuộn, anốt hóa và cuộn lại.
CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ “anốt hóa liên tục” không được dùng trong trường hợp này, bởi vì thuật ngữ này cũng được dùng cho phương pháp anốt hóa sản phẩm đùn ép.
2.1.7 Nhôm anốt hóa – tạo màu
Nhôm anốt hóa được tạo màu trong quá trình anốt hóa hoặc bằng quá trình tạo màu riêng hoặc quá trình khác ngay sau quá trình anốt hóa.
2.1.8 Nhôm anốt hóa tạo màu kết hợp
Nhôm anốt hóa tạo màu bằng quá trình tạo màu điện phân hoặc bằng anốt hóa tạo màu kết hợp hoặc bằng nhuộm màu hấp thụ sau quá trình anốt hóa.
2.1.9 Lớp phủ kết hợp
Nhôm anốt hóa được phủ thêm một lớp phủ hữu cơ bằng phương pháp điện di.
2.1.10 Anốt hóa trang trí
Anốt hóa tạo ra lớp phủ trang trí với đặc tính chính tính thẩm mỹ cao.
2.1.11 Nhôm anốt hóa nhuộm màu
Nhôm anốt hóa được nhuộm màu bằng cách cho hấp thụ thuốc nhuộm hoặc chất màu vào các lỗ xốp của lớp anốt hóa
2.1.12 Nhôm anốt hóa nhuộm màu bằng điện phân
Nhôm anốt hóa được tạo màu bằng lắng đọng điện phân kim loại hoặc ôxít kim loại vào các lỗ xốp của lớp anốt hóa.
2.1.13 Nhôm anốt hóa cứng
Nhôm anốt hóa trong đó lớp phủ anốt hóa có đặc tính chính là chống mài mòn tốt hoặc có độ cứng tế vi cao.
CHÚ THÍCH 1: Tính chống mài mòn bao gồm sự mài mòn và xói mòn.
2.1.14 Nhôm anốt hóa tạo màu
Phương pháp anốt hóa nhôm trong dung dịch điện phân thích hợp (thường là dung dịch axit hữu cơ) để tạo màu cho lớp anốt hóa ngay trong quá trình anốt hóa.
2.1.15 Nhôm anốt hóa đa sắc
Nhôm anốt hóa màu bằng phương pháp điện phân có màu sắc đa dạng biến đổi theo góc nhìn do hiệu ứng giao thoa ánh sáng.
CHÚ THÍCH 1: Cơ chế giao thoa ánh sáng làm thay đổi màu chưa được hiểu một cách đầy đủ.
2.1.16 Nhôm anốt hóa trước
Nhôm được anốt hóa trước khi gia công tạo hình.
2.1.17 Anốt hóa bảo vệ
Nhôm anốt hóa có đặc tính chính là chống ăn mòn hoặc mài mòn còn tính thẩm mỹ là thứ yếu hoặc không quan trọng.
2.1.18 Quá trình hai bước
Quá trình tạo ra nhôm anốt hóa được tạo màu bằng điện phân.
2.1.19 Nhôm anốt hóa loại I
Nhôm được anốt hóa trong dung dịch axít crômic.
2.1.20 Nhôm anốt hóa loại II
Nhôm được anốt hóa trong dung dịch axít sunfuric.
2.1.21 Nhôm anốt hóa loại III
Nhôm được anốt hóa bằng bất kỳ công nghệ nào để có được lớp phủ có độ xốp nhỏ, xít chặt với chiều dày xác định.
2.2 Đặc điểm bề mặt
2.2.1 Đặc điểm bề mặt
Gọi tên theo đặc tính của bề mặt sản phẩm.
2.2.2 Bề mặt mờ
Bề mặt mờ của sản phẩm được tạo ra nhờ quá trình ăn mòn, phun bắn, cán hoặc mài trước khi anốt hóa.
2.2.3 Bề mặt xước mờ
Bề mặt xước mờ của sản phẩm được tạo ra nhờ quá trình ăn mòn hoặc quá trình cán với trục cán có vân bề mặt đặc biệt.
2.2.4 Bề mặt xước thô
Bề mặt xước thô của sản phẩm được tạo ra bằng mài mòn với bàn chải dây dạng tròn quay.
2.2.5 Bề mặt tec-tua
Bề mặt sản phẩm có những dạng hoa văn.
2.3 Các bước xử lý trước anốt hóa
2.3.1 Nhúng sáng
Ngâm thời gian ngắn trong dung dịch để bề mặt sản phẩm được sáng lên.
2.3.2 Làm sáng bề mặt
Tạo bề mặt sáng cho sản phẩm bằng đánh bóng hóa học hoặc đánh bóng điện hóa.
2.3.3 Làm sáng bề mặt bằng xử lý hóa học
Xử lý hóa học nhằm cải thiện độ bóng của bề mặt.
2.3.4 Đánh bóng hóa học
Đánh bóng bề mặt nhôm bằng cách ngâm nhúng trong dung dịch hóa chất ăn mòn.
2.3.5 Làm sạch
Làm sạch các chất bẩn trên bề mặt nhôm bao gồm ôxít, vảy cán, dầu mỡ… những chất này có thể ảnh hưởng xấu đến những bước xử lý bề mặt tiếp theo.
VÍ DỤ: Tẩy sạch bề mặt nhôm dạng cuộn thường được thực hiện trong dung dịch axit.
2.3.6 Làm sạch dầu mỡ
Làm sạch các chất bẩn trên bề mặt nhôm bao gồm dầu, mỡ, những chất này có thể ảnh hưởng xấu đến những bước xử lý bề mặt tiếp theo.
VÍ DỤ: Tẩy sạch dầu mỡ thường được thực hiện bằng cách sử dụng nước tẩy rửa.
2.3.7 Làm sạch lớp bùn đen
Loại bỏ lớp bùn đen bám dính trên bề mặt nhôm.
VÍ DỤ: Lớp bùn đen này chính là các hợp chất liên kim không bị hòa tan trong dung dịch kiềm ở bước ăn mòn, nó có thể được loại bỏ bằng cách ngâm trong dung dịch axit thích hợp như axit nitric
2.3.8 Làm sáng bề mặt bằng điện phân
Xử lý điện phân để cải thiện độ sáng bóng của bề mặt
2.3.9 Ăn mòn tạo lỗ bằng điện phân
Xử lý điện phân này thường được tiến hành trong dung dịch axit clohydric hoặc nitric với dòng điện xoay chiều để ăn mòn bề mặt nhôm.
VÍ DỤ: Quá trình này thường được sử dụng trước khi anốt hóa trong chế tạo bản in opset.
2.3.10 Ăn mòn điện phân
Tạo ra những nhấp nhô trên bề mặt nhôm bằng ăn mòn đều hoặc ăn mòn chọn lọc trong dung dịch axit hoặc kiềm có dòng điện.
2.3.11 Đánh bóng điện phân
Đánh bóng bề mặt nhôm bằng cách làm bề mặt cần đánh bóng thành cực dương trong một dung dịch điện phân thích hợp
2.3.12 Ăn mòn bề mặt
Ăn mòn chọn lọc bề mặt nhôm trong một dung dịch nước để tạo ra bề mặt theo yêu cầu, để cải thiện bề mặt bên ngoài hoặc chuẩn bị bề mặt cho bước xử lý tiếp theo hoặc cho kiểm tra bề mặt.
2.3.13 Tẩy rửa axit
Làm sạch ôxít hoặc các hợp chất khác trên bề mặt bằng tác dụng hóa học.
CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ này ít được dùng trong công nghiệp xử lý bề mặt nhôm ngoại trừ trong công nghiệp hàng không.
2.3.14 Xử lý sơ bộ
Quá trình xử lý bề mặt hoặc các quá trình khác phải thực hiện trước khi anốt hóa.
2.3.15 Ăn mòn tạo lỗ sâu
Một dạng xử lý điện phân nhôm thường được thực hiện trong dung dịch axit clohydric có dòng điện xoay chiều để ăn mòn bề mặt tạo nên các lỗ ăn mòn sâu theo định hướng của cấu trúc tinh thể nhôm.
VÍ DỤ: Quá trình này thường dùng trước khi anốt hoá trong sản xuất chế tạo tụ hóa.
2.4 Các quá trình tạo lớp anốt hóa
2.4.1 Anốt hóa bằng dòng xoay chiều
Quá trình anốt hóa sản phẩm nhôm dùng dòng điện xoay chiều
2.4.2 Anốt hoá
Tạo ra lớp anốt hóa cho nhôm nhờ dòng điện
2.4.3 Anốt hóa tạo màng chắn
Quá trình anốt hóa tạo ra lớp phủ ôxít mỏng, xít chặt, không lỗ xốp trên bề mặt nhôm.
VÍ DỤ: Quá trình này chủ yếu dùng trong sản xuất chế tạo tụ hóa.
2.4.4 Anốt hóa trong giỏ/thùng
Anốt hóa những chi tiết nhỏ (ví dụ đinh tán) trong giỏ đục lỗ.
CHÚ THÍCH: Các chi tiết nhỏ bằng nhôm, số lượng lớn được xếp chặt vào giỏ có nhiều lỗ, cả giỏ làm cực dương (anốt), dung dịch điện phân là axit sẽ chảy tuần hoàn giữa các chi tiết.
2.4.5 Anốt hóa trong axit cromic
Quá trình anốt hóa được thực hiện trong dung dịch axit cromic.
VÍ DỤ: Quá trình công nghệ này chủ yếu dùng cho các ứng dụng trong công nghiệp hàng không.
2.4.6 Anốt hóa điện áp không đổi
Quá trình anốt hóa được tiến hành ở điện áp không đổi.
2.4.7 Anốt hóa bằng dòng điện một chiều
Quá trình anốt hóa nhôm sử dụng dòng điện một chiều.
2.4.8 Anốt hóa trong axit photphoric
Quá trình anốt hóa được thực hiện trong dung dịch axit photphoric
VÍ DỤ: Quá trình này đôi khi được sử dụng như một bước xử lý sơ bộ trước khi tạo lớp phủ hữu cơ.
2.4.9 Anốt hóa bằng dòng plasma
Quá trình anốt hóa tạo ra lớp phủ chủ yếu dựa vào cơ chế đánh thủng điện môi.
2.4.10 Anốt hóa trong axit sunfuric
Quá trình anốt hóa được thực hiện trong dung dịch axit sunfuric.
2.5 Lớp nhôm ôxit anốt hóa
2.5.1 Lớp nhôm ôxit anốt hóa
Lớp phủ ôxít nhôm anốt hóa có thể bám chặt hoặc phân tách với nền nhôm.
CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ này trường được sử dụng trong công nghệ nano.
2.5.2 Lớp màng anốt hóa
Lớp phủ có thành phần chủ yếu là ôxít nhôm được tạo ra trên bề mặt nhôm bằng phân cực kim loại trong một dung dịch điện phân thích hợp.
2.5.3 Lớp màng chắn
Lớp không có lỗ xốp trong lớp phủ oxit anốt có lỗ xốp, chiều dày của lớp này tỷ lệ thuận với điện áp của bể anốt hóa.
2.5.4 Hình thái/cấu trúc
Cột oxit của lớp phủ anốt hóa, các lỗ xốp và lớp màng chắn của một lớp phủ anốt hóa có lỗ xốp.
CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ “cấu trúc” thường dùng khi nói về cấu trúc tinh thể của kim loại, do đó không được dùng trong trường hợp này.
2.5.5 Ô oxit
Đơn vị cơ bản tạo nên hình thái của lớp màng xốp của lớp phủ anốt hóa, nó chứa một ống rỗng ở giữa cột và đường kính của cột ôxít này tỷ lệ với điện áp anốt hóa.
2.5.6 Lỗ xốp
Đơn vị cơ bản tạo nên hình thái của lớp màng xốp của lớp phủ anốt hóa, xuyên suốt chiều dày lớp màng xốp và hở ở bề mặt ngoài.
2.5.7 Độ xốp
Tỷ số của tổng lỗ xốp chứa trong chiều dày lớp phủ oxit anốt chia cho tổng thể tích của cả lớp phủ này.
2.5.8 Lớp màng xốp
Phần hình thái của lớp phủ anốt hóa nằm giữa lớp màng chắn và mặt ngoài cùng của lớp phủ.
2.6 Nhuộm màu
2.6.1 Tẩy màu
Loại bỏ chất nhuộm hoặc hợp chất tạo màu trong lớp màng anốt hóa bằng xử lý hóa chất.
CHÚ THÍCH 1: Dung dịch axit nitric có thể sử dụng cho mục đích này.
2.6.2 Mất màu
Màu của lớp anốt hóa bị mất do sự hòa tan của lớp phủ đã được nhuộm màu.
CHÚ THÍCH 1: Việc này có thể xảy ra trong quá trình xử lý bịt kín màng.
2.6.3 Giới hạn màu/Dung sai màu
Sai lệch cho phép của màu nhuộm so với màu tiêu chuẩn đã cho khi so sánh nhờ thiết bị thích hợp hoặc bằng quan sát trong điều kiện quy định về chiếu sáng.
2.6.4 Giữ màu
Phun lên lớp anốt hóa một loại dung dịch nước để hạn chế sự mất màu của lớp anốt hóa.
CHÚ THÍCH 1: Dung dịch nikel sunfat thường được dùng cho mục đích này.
2.6.5 Các mẫu chuẩn gam màu
Các mẫu thể hiện giới hạn màu.
2.6.6 Hoạt hóa lỗ xốp
Dùng axit xử lý lớp màng anốt nhằm làm tăng khả năng hấp thụ các chất nhuộm màu.
2.7 Bịt kín màng
2.7.1 Hóa già
Sự biến đổi về cấu trúc và tính chất của lớp phủ anốt hóa do quá trình bịt kín màng xảy ra chậm và liên tục dưới tác dụng của môi trường xung quanh.
2.7.2 Phụ gia chống bám bẩn
Hóa chất cho thêm vào dung dịch bịt kín màng để ngăn ngừa sự hình thành các chất làm bẩn lớp phủ.
2.7.3 Bịt kín màng nhiệt độ thấp
Quá trình bịt kín màng được tiến hành trong dung dịch nước ở nhiệt độ không cao hơn 35 °C.
CHÚ THÍCH 1: Dung dịch với nikel floril là chất hoạt hóa chính thường được sử dụng trong bịt kín màng nhiệt độ thấp.
2.7.4 Bịt kín màng bằng nước nóng
Bịt kín màng bằng hơi nước có nhiệt độ không thấp hơn nhiệt độ hơi bão hòa hoặc trong dung dịch nước nóng ở nhiệt độ không thấp hơn 95 °C.
2.7.5 Lớp trung gian
Lớp bề mặt ngoài của màng anốt đã bị hydrat hóa hoàn toàn sau quá trình bịt kín màng.
2.7.6 Bịt kín màng ở vùng nhiệt độ trung bình
Quá trình bịt kín màng được tiến hành trong dung dịch nước ở nhiệt độ không thấp hơn 60 °C.
2.7.7 Bịt kín màng bằng niken
Quá trình bịt kín màng được tiến hành trong dung dịch nước chứa muối nikel được đun nóng.
CHÚ THÍCH: Nikel axetat thường được sử dụng cho mục đích này.
2.7.8 Bịt kín màng
Bước xử lý nhằm làm giảm độ xốp và khả năng hấp thụ của lớp màng anốt hóa.
2.7.9 Lớp mùn sau bịt kín màng
Là lớp bùn bở xốp và rất mỏng bám trên bề mặt lớp anốt hóa hình thành trong quá trình bịt kín màng.
CHÚ THÍCH: Lớp này thường được loại bỏ dễ dàng bằng lau sạch bề mặt.
2.7.10 Bịt kín màng bằng hơi nước
Bịt kín màng được thực hiện bằng sử dụng hơi nước bão hòa hoặc hơi nước không bão hòa.
2.8 Vận hành và kiểm soát quy trình
2.8.1 Anốt hóa
Bao gồm toàn bộ các quá trình trong dây chuyền sản xuất trong đó có quá trình anốt hóa nhôm.
2.8.2 Hiệu suất anốt hóa
Tỷ số giữa tổng điện lượng tiêu hao cho anốt hóa một khối lượng sản phẩm và tổng điện lượng yêu cầu anốt hóa một diện tích bề mặt tương tự trong điều kiện lý tưởng để đạt được cùng một chiều dày xác định của lớp màng anốt hóa theo yêu cầu của khách hàng.
CHÚ THÍCH 1: Chiều dày lớp phủ được khách hàng yêu cầu có thể cũng là chiều dày phân loại lớp phủ.
CHÚ THÍCH 2: Dựa vào kết quả thí nghiệm anốt hóa trong dung dịch axit sunfuric trong điều kiện dùng cho anốt hóa trang trí và/hoặc bảo vộ thì cứ 20 kC sẽ đạt 1m2.µm lớp màng anốt hóa.
2.8.3 Điện cực phụ
Điện cực dương hoặc điện cực âm lắp thêm vào để trong quá trình điện phân dòng điện phân bố đồng đều hơn.
2.8.4 Điện áp bể/điện áp thùng/điện áp anốt hóa
Điện áp giữa hai cực anốt và catôt trong bể dung dịch anốt hóa trong một dây chuyền sản xuất anốt hóa.
2.8.5 Môđun hóa thời gian anốt hóa
Quá trình anốt hóa trong đó thời gian trong bể anốt hóa là x phút hoặc nx phút, ở đây x là thời gian tương thích với thời gian do các quá trình khác yêu cầu trong dây chuyền sản xuất anốt hóa và n là một số nguyên.
CHÚ THÍCH: Đây là cách vận hành thực tế nhằm mang lại năng suất sản xuất cao.
2.8.6 Gá kẹp
Đồ gá để treo móc và vận chuyển sản phẩm trong các quá trình xử lý hóa học hoặc xử lý điện phân.
CHÚ THÍCH 1: Đồ gá kẹp có thể chế tạo bằng nhôm hoặc titan.
2.8.7 Anốt hóa quá mức
Khi lớp màng anốt được tạo thành quá dày so với quy định của khách hàng.
CHÚ THÍCH 1: Chiều dày lớp phủ được khách hàng yêu cầu có thể cũng là chiều dày phân loại lớp phủ.
CHÚ THÍCH 2: Độ quá anốt hóa được định lượng bằng chiều dày trung bình trừ đi chiều dày quy định, chia cho chiều dày quy định. Năng lượng tiêu hao cho quá trình anốt hóa có thể giảm đi để giảm thiểu độ quá anốt hóa.
2.8.8 Loại bỏ lớp anốt hóa
Lọại bỏ lớp anốt hóa khỏi bề mặt sản phẩm bằng sử dụng dung dịch hóa chất.
2.8.9 Dòng điện xoay chiều ghép chồng
Một dạng dòng điện dùng cho quá trình điện phân, ở đó một dòng điện xoay chiều được ghép cùng với một dòng một chiều.
2.8.10 Điện cực nhánh
Điện cực phụ trợ được đặt vào để giảm bớt dòng điện lên sản phẩm anốt hóa nhằm giảm bớt mật độ dòng điện.
2.9 Khuyết tật
2.9.1 Đốm trắng
Nhôm photphat tạo thành những đốm sáng nhỏ nằm trên bề mặt của sản phẩm sau quá trình làm sáng trong dung dịch có chứa axit photphoric.
2.9.2 Rỗ đen
Vết rỗ sâu sinh ra trong quá trình anốt hóa, nguyên nhân sinh ra là do bể điện phân bị nhiễm bẩn các ion âm hóa trị một.
CHÚ THÍCH: Chất gây ô nhiễm chủ yếu là ion clo (CI-) có trong nước bổ sung vào bể điện phân.
2.9.3 Vết cháy
Vùng lớp màng anốt hóa bị dày lên, có dạng bột nguyên nhân sinh ra do trong quá trình anốt hóa xảy ra sự tập trung dòng điện gây nên quá nhiệt cục bộ.
2.9.4 Vết ố do ăn mòn
Lớp màng nhôm hyđrôxit được tạo ra trên bề mặt của nhôm khi dung dịch kiềm ăn mòn không được rửa sạch sau xử lý và bị để khô trên bề mặt nhôm.
CHÚ THÍCH 1: Vết ố do ăn mòn rất khó tẩy sạch.
2.9.5 Đốm đen
Khuyết tật xảy ra trên hợp kim nhôm AA 6000 dưới dạng đốm bị đổi màu gây ra do pha Mg2Si dư tiết ra trên bề mặt hợp kim.
2.9.6 Bong vảy
Sự mất bám dính trong lớp màng anốt hóa làm bong lớp màng anốt dưới dạng vảy.
2.9.7 Vảy sáng
Dạng vảy kim loại này xuất hiện trên bề mặt nhôm sau khi cho ăn mòn trong dung dịch natri hydrôxit (NaOH) có chứa kẽm (Zn).
2.9.8 Đốm bẩn bề mặt
Những vết lốm đốm xuất hiện dần theo thời gian làm bẩn bề mặt sản phẩm.
2.9.9 Vết trắng do ăn mòn
Những vết trắng loang lổ xuất hiện trên bề mặt nhôm sau khi ăn mòn trong dung dịch kiềm, do bề mặt nhôm không được rửa sạch hoàn toàn các ôxít magie trước khi tiến hành ăn mòn.
2.10 Thử nghiệm
2.10.1 Thử mù muối với axit axetic/Thử AASS
Dạng thử nghiệm nhanh, bằng cách phơi chi tiết đã anốt hóa trong môi trường hơi dạng phun mù của dung dịch chứa axit acetic và natri clorua.
VÍ DỤ: Xem ISO 9227 [1].
2.10.2 Thử độ dẫn nạp
Đo độ dẫn điện biểu kiến của lớp màng anốt hóa trong mạch điện xoay chiều.
VÍ DỤ: Xem ISO 2931 [2]
2.10.3 Chiều dày trung bình
Giá trị trung bình của các số đo chiều dày cục bộ được phân bố đều trên bề mặt quan trọng của một chi tiết anốt hóa.
2.10.4 Thử uốn
Phép thử để xác định bán kính uốn cong nhỏ nhất được biểu thị là một hàm của chiều dày tấm mà tấm nhôm đã anốt hóa có thể chịu được khi không có sự nứt rạn nhìn thấy được của lớp phủ anốt hóa.
VÍ DỤ: Xem ISO 3211 [3].
2.10.5 Phép thử Clarke
Phương pháp thử dựa trên nguyên lý Mohs để đánh giá khả năng chịu mài mòn của lớp màng anốt hóa bằng cách dùng tay chà xát giấy nhám lên bề mặt có lớp phủ cần thử.
CHÚ THÍCH 1: Nếu có bột mài trắng được sinh ra chứng tỏ hạt mài có độ cứng cao hơn độ cứng lớp phủ.
2.10.6 Thử tính liên tục của lớp phủ
Phương pháp kiểm tra tính liên tục của lớp anốt hóa mỏng trên bề mặt nhôm bằng cách cho bề mặt anốt hóa tiếp xúc với dung dịch đồng sunfat.
CHÚ THÍCH 1: Xem ISO 2085 [4].
2.10.7 Thử mù muối với axit acetic và muối đồng/Thử CASS
Dạng thử nghiệm nhanh, bằng cách đặt chi tiết đã anốt hóa trong môi trường hơi dạng phun mù của dung dịch chứa axit acetic, đồng (II) clorua và natri clorua.
VÍ DỤ: Xem ISO 9227 [1].
2.10.8 Hành trình kép/ds
Toàn bộ một chuyển động tịnh tiến qua lại do một của đĩa mài hoặc dụng cụ tương tự thực hiện trong quá trình thử.
CHÚ THÍCH 1: Phương pháp thử này bao gồm cả thử mài mòn bằng đĩa mài được mô tả ISO 8251 [5].
2.10.9 Thử khả năng hấp thụ màu
Thử khả năng hấp thụ màu của lớp anốt hóa trong điều kiện quy định.
VÍ DỤ: Xem ISO 2143 [6].
2.10.10 Thử ăn mòn Ford/Thử FACT
Phép thử được tiến hành bằng cách cho dòng điện một chiều đi qua lớp màng anốt hóa trong một buồng thử nghiệm đặc biệt.
2.10.11 Thử trở kháng
Đo điện trở suất biểu kiến của lớp màng anốt hóa trong một mạch điện xoay chiều.
2.10.12 Phép thử Kesternich
Thử nghiệm nhanh trong môi trường ẩm ở nhiệt độ nâng cao có chứa lưu huỳnh dioxit.
2.10.13 Chiều dày cục bộ
Giá trị trung bình của các số đo chiều dày lớp anốt hóa được đo trong phạm vi một vùng đo kiểm trên bề mặt quan trọng của một sản phẩm.
2.10.14 Thử tổn thất khối lượng
Phương pháp đánh giá chất lượng lớp màng anốt hóa bằng cách ngâm trong một hoặc nhiều dung dịch có tính ăn mòn và đo tổn thất khối lượng.
VÍ DỤ: Xem ISO 3210 [7].
2.10.15 Vùng đo kiểm
Vùng bề mặt quan trọng trên đó thực hiện một phép đo.
2.10.16 Thử mù muối trung tính/Thử NSS/Thử mù muối
Phép thử nhanh trong đó chi tiết đã anốt hóa được phơi trong môi trường hơi dạng phun mù của dung dịch có chứa NaCI.
VÍ DỤ: Xem ISO 9227 [1].
2.10.17 Vùng đo kiểm
Vùng diện tích mà một số lần đo kiểm nhất định của một phép thử nghiệm được chỉ định tiến hành trên đó.
2.10.18 Mẫu tham chiếu
Mẫu kiểm tra được chế tạo theo điều kiện thỏa thuận giữa nhà sản xuất và khách hàng.
2.10.19 Bề mặt quan trọng
Phần bề mặt của sản phẩm nhôm đã hoặc sẽ được anốt hóa có ý nghĩa quan trọng trong quá trình làm việc và/hoặc cần tính thẩm mỹ.
2.10.20 Mẫu chuẩn
Mẫu được chế tạo theo các điều kiện quy định.
2.10.21 Độ chống mài mòn bề mặt
Khả năng chống lại tổn thất khối lượng của lớp màng anốt hóa do chiều dày của nó bị mài mòn đến vài micromet.
2.10.22 Mẫu thử
Mẫu sẽ tiến hành các phép thử trên đó.
2.11 Các tính chất đặc trưng và chỉ tiêu chất lượng
2.11.1 Chất lượng anốt hóa
Đặc trưng liên quan đến độ xốp của lớp màng anốt hóa trước khi xử lý bịt kín màng.
CHÚ THÍCH: Sự hòa tan của lớp màng anốt hóa quá mức dẫn đến lớp màng anốt có độ xốp cao và có thể hạn chế sự tăng chiều dày lớp màng. Độ cứng thấp của lớp phủ có thể là biểu hiện của chất lượng anốt hóa kém.
2.11.2 Sự biến trắng
<do thời tiết> Sự trắng ra của lớp màng anốt hóa do quá trình tiếp xúc với môi trường thời tiết đặc biệt là môi trường công nghiệp.
CHÚ THÍCH: Các kỹ thuật làm sạch đơn giản thường rất khó tẩy sạch loại khuyết tật này.
2.11.3 Điện áp đánh thủng
Điện áp lớn nhất mà lớp màng anốt chịu được trước khi bị mất khả năng cách điện.
2.11.4 Tạo bột trắng bề mặt
<do thời tiết> Sự tạo thành lớp bột trắng trên bề mặt sản phẩm đã anốt hóa khi tiếp xúc với môi trường xung quanh và thường xảy ra với sản phẩm có chất lượng anốt hóa kém.
2.11.5 Hệ số phủ bề mặt
Tỷ số giữa khối lượng lớp màng anốt hóa và khối lượng nền nhôm mất đi do việc tạo thành lớp màng anốt hóa..
2.11.6 Vết rạn
Sự phát triển của các vết nứt nhỏ trong lớp màng anốt hóa gây ra bởi ứng suất bên trong lớp màng do biến dạng cơ học hoặc hiệu ứng nhiệt.
2.11.7 Độ rõ nét của hình ảnh/C
Khă năng của bề mặt màng anốt hóa tạo được hình ảnh rõ nét của vật được soi
CHÚ THÍCH: Phương pháp tính toán có tính đến độ sắc nét của hình ảnh, độ biến dạng của hình ảnh và độ mờ của lớp phủ như mô tả trong ISO 10215 [8].
2.11.8 Vết mùn đen
<do thời tiết> Những vết bẩn dạng mùn đen xuất hiện trên bề mặt sản phẩm nhôm đã anốt hóa do tiếp xúc với môi trường, nó tương tự như lớp mùn sau bịt kín màng.
CHÚ THÍCH 1: vết gỉ thời tiết “resmutting” có thể tẩy sạch bằng mài nhẹ bề mặt.
2.11.9 Chất lượng bịt kín màng
Đặc tính của lớp màng anốt hóa được xác định bằng độ xốp và khả năng hấp thụ của nó.
2.11.10 Lớp màng mềm
Lớp phủ anốt hóa có tính chống mài mòn bề mặt thấp.
2.11.11 Mật độ bề mặt
Khối lượng của lớp màng anốt hóa trên một đơn vị diện tích được anốt hóa.
CHÚ THÍCH: Phương pháp đo này được mô tả trong ISO 2106 [9].
2.11.12 Cấp chiều dày
Loại chiều dày lớp màng anốt hóa theo chiều dày trung bình nhỏ nhất của nó tính theo micromet.
VÍ DỤ: Một sản phẩm được anốt hóa với cấp chiều dày AA20 có chiều dày lớp phủ trung bình tối thiểu là 20 µm và chiều dày cục bộ nhỏ nhất là 16 µm (ISO 7599 [10]).
CHÚ THÍCH: Cấp chiều dày lớp phủ được biểu diễn bằng hai chữ cái “AA” tiếp theo sau là con số chỉ cấp chiều dày (ISO 7599 [10]).
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] ISO 9227, Corrosion tests in artificial atmospheres — Salt spray tests.
[2] TCVN 12148 (ISO 2931), Anốt hóa nhôm và hợp kim nhôm – Đánh giá chất lượng của các lớp phủ anốt hóa đã bịt kín bằng phép đo độ dẫn nạp.
[3] TCVN 12150 (ISO 3211), Anốt hóa nhôm và hợp kim nhôm – Đánh giá độ bền chống tạo thành vết nứt do biến dạng của các lớp phủ anốt hóa.
[4] TCVN 12143 (ISO 2085), Anốt hóa nhôm và hợp kim nhôm – Kiểm tra tính liên tục của lớp nhôm anốt hóa mỏng – Thử bằng sunfat đồng.
[5] ISO 8251, Anodizing of aluminium and its alloys — Measurement of abrasion resistance of anodic oxidation coatings.
[6] TCVN 12146 (ISO 2143), Anốt hóa nhôm và hợp kim nhôm – Đánh giá sự mất khả năng hấp thụ của các lớp phủ anốt hóa sau bịt kín – Thử vết đốm màu bằng xử lý axit sơ bộ.
[7] TCVN 12149 (ISO 3210), Anốt hóa nhôm và hợp kim nhôm – Đánh giá chất lượng của các lớp phủ anốt hóa đã bịt kín bằng đo tổn thất khối lượng sau khi nhúng chìm trong dung dịch axit.
[8] ISO 10215, Anodizing of aluminium and its alloys — Visual determination of image clarity of anodic oxidation coatings — Chart scale method.
[9] TCVN 12144 (ISO 2106), Anốt hóa nhôm và hợp kim nhôm – Xác định khối lượng trên một đơn vị diện tích (mật độ bề mặt) của lớp phủ anốt hóa – Phương pháp trọng lực.
[10] ISO 7599, Anodizing of aluminium and its alloys — General specifications for anodic oxidation coatings on aluminium
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12152:2017 (ISO 7583:2013) VỀ ANỐT HÓA NHÔM VÀ HỢP KIM NHÔM – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN12152:2017 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nặng |
Ngày ban hành | 01/01/2017 |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |