TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12274:2018 (ISO 19076:2016) VỀ DA – PHÉP ĐO BỀ MẶT DA – SỬ DỤNG KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 12274:2018

ISO 19076:2016

DA – PHÉP ĐO BỀ MẶT DA – SỬ DỤNG KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ

Leather – Measurement of leather surface – Using electronic techniques

 

Lời nói đầu

TCVN 12274:2018 hoàn toàn tương đương với ISO 19076:2016

TCVN 12274:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 120 Sản phẩm da biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

DA – PHÉP ĐO BỀ MẶT DA – SỬ DỤNG KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ

Leather – Measurement of the leather surface – Using electronic techniques

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp đo bề mặt da hoặc các phần của da bằng sử dụng máy đo điện tử.

Tiêu chuẩn áp dụng cho phép đo da (hoặc các phần da) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

– Da mềm dẻo, da khô hoặc da ướt hoàn thiện hoặc chưa hoàn thiện;

– Độ mềm dẻo: sao cho có thể căng đủ trên đường đo/bề mặt đo.

CHÚ THÍCH Đối với da ướt được thuộc vá ép, các bên liên quan thỏa thuận về kiểu điều hòa. Trang trường hợp tranh chấp, da được điều hòa theo các điều kiện chuẩn được quy định trong TCVN 7115 (ISO 2419).

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 7115 (ISO 2419), Da – Phép thử cơ lý- Chuẩn bị và ổn định mẫu thử

TCVN 7116 (ISO 2588), Da – Lấy mẫu – số các mẫu đơn cho một mẫu tổng

EN 15987, Leather  Terminology  Key definitions for the leather trade (Da – Thuật ngữ – Các định nghĩa chính trong ngành da).

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong EN 15987 và thuật ngữ, định nghĩa sau.

3.1

Cấp liệu tương đi (relative feed)

<trong máy đo động> chuyển động tịnh tiến tương đối giữa da và hệ thống phát hiện sự có mặt của da.

4  Nguyên tắc

Bề mặt da được đo bằng thiết bị đo được trang bị một mảng cảm biến điện tử tuyến tính hoặc hình chữ nhật có khoảng cách đều nhau, có khả năng phát hiện sự có mặt của da và tích hợp thông tin liên quan (như tổng các diện tích hình chữ nhật đơn lẻ. Dữ liệu về độ chụm được nêu trong Phụ lục D.

5  Thiết bị, dụng cụ và vật liệu

5.1  Máy đo

5.1.1  Kiểu thiết kế máy

Máy đo được thiết kế theo 4 loại cơ bản:

Máy trục lăn Kiểu A, khi da đi qua phía trước mảng cảm biến dưới định hướng của một dãy trục lăn đo quay tự do, làm cho da dễ dàng trải ra bằng một áp lực nhẹ trên mảng cảm biến, đồng thời kết hợp với các hệ thống cấp liệu.

Máy băng tải Kiểu B, trong đó da được vận chuyển dưới mảng cảm biến bằng cáp hoặc đai được gắn trước và sau bộ cảm biến và đồng phẳng với bộ cảm biến.

CHÚ THÍCH 1 Do da được vận chuyển bằng cáp nên máy phù hợp cho da cứng hơn.

Máy quét phẳng Kiểu C, có bề mặt phẳng ngang (phẳng), tại đó da được đặt nằm phẳng, và khung “dạng cổng” chứa các cảm biến; khung được dịch chuyển thủ công hoặc cơ khí, phía trên và song song với bề mặt phẳng.

CHÚ THÍCH 2 Loại máy này chủ yếu dùng để đo bề mặt của da nhỏ hoặc các mảnh da.

Thiết bị đo tĩnh hai chiều Kiểu D, dựa trên việc ghi lại hình ảnh da 2 chiều theo phương pháp tuyến đến mặt phẳng da.

5.1.2  Máy đo Kiểu A, B và C

Máy đo bao gồm ít nhất:

– một khung đế;

– một hệ thống cấp liệu tương đối giữa da và hệ thống đo;

– một bộ cảm biến (mảng cảm biến) được đặt cách đều theo phương pháp tuyến đến bộ cấp chuyển động, để phát hiện sự có mặt của da;

– một hệ thống xử lý để tích hợp các tín hiệu thu được từ mảng cảm biến và cảm biến chuyển động cấp liệu, như được nêu trong Điều 4;

– Bộ chỉ thị số (hiển thị) của phép đo bề mặt da, theo đơn vị đo lường, với độ phân giải 0,1 dm2 tương ứng với giá trị đo được. Tùy chọn, máy có thể được trang bị hệ thống đóng dấu hoặc in để ghi lại giá trị đo bề mặt lên da hoặc lên nhãn.

Khoảng cách i giữa hai cảm biến liền kề để phát hiện sự có mặt của da không được lớn hơn 27 mm theo hướng cấp liệu.

Đặt p là bước phát hiện sự có mặt của da dọc theo hướng cấp liệu: các giá trị i và p phải sao cho giá trị i.p không lớn hơn 1/400 bề mặt đo được tối thiểu.

Tốc độ cấp liệu phải cho phép da được trải ra thích hợp trong quá trình đo.

CHÚ THÍCH 1 Máy được trang bị thiết bị điều chỉnh tốc độ cấp liệu để hỗ trợ việc thực hiện điều kiện này.

CHÚ THÍCH 2 Trong các máy loại A và loại B tốc độ cấp liệu có thể ảnh hưởng đến việc trải ra của da và do đó tính đến độ không đảm bảo đo.

Nếu máy cho phép dừng cấp liệu tạm thời (ví dụ: bằng cách giữ thủ công) trong khi đo, điều này sẽ không làm thay đổi đáng kể giá trị đo.

Khi xảy ra sự đảo ngược cấp liệu bất kỳ, kể cả một phần và/hoặc tạm thời, phải hủy tự động phép đo, trừ khi hệ thống đo cho phép đảo ngược trong tính toán diện tích. Các thông tin này phải được kiểm tra trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất máy.

5.1.3  Máy đo Kiểu D

Máy đo bao gồm ít nhất:

– khung đế;

– bề mặt phẳng để trải và đỡ da;

– hệ thống thu hình ảnh hai chiều, với trục quang trực giao với bề mặt da;

– hệ thống xử lý hình ảnh và tính bề mặt da.

Bề mặt da tương ứng với đơn vị đo diện tích cơ bản (pixel) không được lớn hơn 1/400 bề mặt đo tối thiểu.

VÍ DỤ Nếu hệ thống thu hình ảnh có khả năng chuyển đổi diện tích (2 m x 2 m) thành ma trận (512 x 512) pixel, bề mặt tương ứng với 1 pixel (diện tích cơ bản) là:

(2 m/512) x (2m/512) = 0,15 cm2

Do đó, bề mặt đo được tối thiểu là:

400 x 0,15 cm2 = 60 cm2 = 0,60 dm2.

5.2  Khuôn chuẩn hiệu chuẩn để kiểm tra máy

Khuôn được hiệu chuẩn phù hợp với các yêu cầu trong Phụ lục A, sao cho diện tích của khuôn được hiệu chuẩn không được nhỏ hơn 50 % diện tích da được đo, hoặc 1,4 m2, lấy theo diện tích nhỏ hơn.

6  Lấy mẫu và điều hòa

6.1  Việc lấy mẫu theo lô phải phù hợp với TCVN 7116 (ISO 2588), trừ khi điều này khác với thỏa thuận của các bên liên quan. Dán nhãn và ghi nhận dạng mỗi mảnh da được lấy theo lô.

6.2  Đối với da khô, trải hoặc treo da trong môi trường chuẩn theo TCVN 7115 (ISO 2419), sao cho không khí có thể lưu thông tự do trên cả hai mặt da (mặt cật và mặt thịt); Thực hiện việc tuần hoàn không khí nhanh và liên tục bất cứ khi nào có thể. Thời gian điều hòa tối thiểu là 48 h.

Trong trường hợp da ướt, việc điều hòa phải theo thỏa thuận của các bên liên quan, để đảm bảo da được trải ra một cách phù hợp.

Đối với điều hòa da thuộc xanh, ngâm con da thuộc xanh trong nước tại nhiệt độ 37 °C trong thời gian tối thiểu 2 h hoặc cho đến khi các đường gấp khô giãn mở hoàn toàn. Bảo đảm sao cho hàm lượng ẩm cuối cùng của con da là 60 % ± 5 %. Sau đó đặt con da nằm phẳng, trải rộng hoàn toàn con da nhưng không kéo giãn cho đến khi đo.

6.3  Nếu phép đo được thực hiện trong môi trường không được điều hòa, thì phải tiến hành đo trong khoảng thời gian 30 min kể từ khi lấy mẫu thử ra khỏi môi trường điều hòa

6.4  Trong trường hợp da có màng trau chuốt hoặc lớp phủ nhô ra khỏi các mép da, thì phải loại bỏ các phần nhô này ra trước khi đo.

Trong trường hợp da có lông, cẩn thận tránh lông bị nhô ra khỏi mép da, do lông có thể ảnh hưởng đáng kể đến phép đo khi thực hiện đo bằng các kiểu máy này.

7  Nguyên tắc đo chung

7.1  Yêu cầu chung

Các kết quả thu được khi đo diện tích bề mặt da có thể khác nhau phụ thuộc vào kiểu máy (xem Phụ lục D). Do đó, các bên liên quan tham gia vào các giao dịch thương mại tham khảo tiêu chuẩn này phải thỏa thuận về thiết bị quy định theo máy Kiểu A, B, C và D.

7.2  Hướng da trong phép đo

7.2.1  Quy định chung

Đặt da trong máy đo sao cho bề mặt da được trải ra hoàn toàn và phẳng, không có nếp nhăn hoặc nếp gấp mà có thể làm thay đổi phép chiếu quang học trên đường đo.

7.2.2  Đo da nguyên con

Để dễ dàng trải ra, da phải được cấp vào trong máy đo với hướng sống lưng thẳng với hướng cấp liệu. Tốt nhất da phải được cấp theo cách mà phần rộng hơn được đo đầu tiên: điều này tương ứng với việc cấp da từ phần sau của động vật (“mông”).

Điều này không áp dụng cho máy đo Kiểu C và Kiểu D.

7.2.3  Đo nửa con da

Do các loại da này có một mép thẳng, điều quan trọng là tránh để mép song song với hướng cấp. Để tránh sai số đo đáng kể, một nửa con da phải được cấp sao cho các mép thẳng tạo thành góc từ 10° đến 20° với hướng cấp liệu hoặc với đường cảm biến trong máy Kiểu D.

7.2.4  Đo da được cắt thành các mảnh

Các mảnh da phải được cấp theo mép dài, đảm bảo là bất kỳ mép thẳng nào tạo thành góc ít nhất từ 10° đến 20° với hướng cấp liệu hoặc với đường cảm biến trong máy Kiểu D.

7.3  Thực hiện đo

7.3.1  Máy trục lăn

Trải phần trước tấm da (hoặc khuôn hiệu chuẩn) và đặt nằm trên băng tải trước để phần còn lại thả hướng xuống.

Dịch chuyển mép trước tấm da về phía con lăn cho đến khi tấm da bắt đầu được kéo vào.

Trong khi tấm da được kéo vào, giữ cho da được trải phẳng hướng về phía các mép bên, ngăn cho da không bị nhăn và gấp. Trong trường hợp bị gấp, có thể chặn da tạm thời tại phần giữa trên mép ngoài của băng cấp liệu, để loại bỏ nếp nhăn. Tuy nhiên, phải thực hiện thao tác này nhanh nhất có thể.

Nếu da được cấp dưới các con lăn không trải rộng thích hợp kể cả với thao tác như trên, phép đo phải được loại bỏ và thực hiện lại.

Để đảm bảo các tấm da lớn được trải rộng chính xác (nghĩa là diện tích lớn hơn 2,5 m2 hoặc với chiều rộng lớn hơn 1,5 m), cần hai người vận hành, tương ứng bên thành phải và thành trái của băng cấp liệu. Trong trường hợp này, khi da được dẫn tải, người vận hành dùng một tay trải da và loại bỏ nếp nhăn, trong khi tay kia, nếu cần, có thể chặn hoặc dừng tạm thời việc cấp da.

7.3.2  Máy băng tải

Đặt da (hoặc khuôn hiệu chuẩn) nằm lên băng tải cấp liệu và trải tấm da trước khi băng tải chuyển động hướng về phía mảng cảm biến đo.

Phải quan sát các nếp nhăn, có thể dừng tạm thời băng tải để giúp việc loại bỏ nếp nhăn trước khi da chuyển động đến cảm biến đo.

Trong suốt quá trình vận hành, phải chú ý để không gây ra sự dịch chuyển ở phần da đã nằm dưới đường cảm biến trong khi phần còn lại của da được trải rộng.

Nếu da được cấp dưới các cảm biến đo không trải rộng thích hợp kể cả với thao tác như vậy, phép đo phải được loại bỏ và thực hiện lại.

Để đảm bảo các tấm da lớn được trải rộng chính xác (nghĩa là diện tích lớn hơn 2,5 m2 hoặc với chiều rộng.lớn hơn 1,5 m), cần hai người vận hành, tương ứng bên thành phải và thành trái của băng cấp liệu.

7.3.3  Máy quét phẳng và thiết bị đo tĩnh hai chiều

Đặt da nằm và trải rộng da (hoặc khuôn hiệu chuẩn) trên bề mặt máy, loại bỏ toàn bộ các nếp nhăn hoặc nếp gấp.

Đối với máy quét phẳng, để mảng cảm biến dịch chuyển trên toàn bộ bề mặt tấm da, tại tốc độ không đổi trong giới hạn khuyến nghị của nhà sản xuất máy.

Đối với thiết bị đo hai chiều, bắt đầu quy trình đo theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

CHÚ THÍCH Thiết bị đo hai chiều thường được lắp vào hệ thống cắt tự động, khi bề mặt đỡ da có lớp phủ xốp hoặc được đục lỗ (ví dụ lớp phủ bằng vải dệt, mặt phẳng được khoan) và với hệ thống chân không để giữ da cố định trong khi cắt. Ma sát giữa bề mặt đỡ và da, đặc biệt đối với các bề mặt được phủ vải dệt, có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả đo, đặc biệt trong trường hợp da đàn hồi nhiều hoặc da có kích thước lớn.

8  Quy trình đo

8.1  Bật máy đo bề mặt và để máy chạy trong thời gian được quy định bởi nhà sản xuất trước khi thực hiện đo.

8.2  Chọn khuôn hiệu chuẩn với diện tích tương tự với diện tích của da cần đo, theo các yêu cầu được quy định trong 5.2.

8.3  Đo diện tích của khuôn được chọn 10 lần và ghi các giá trị thu được.

Trong máy trục lăn và máy băng tải, 10 phép đo phải được phân bố sao cho trong đó 4 phép đo tại tâm của một phần ba của đường cảm biến đo, và ba phép đo tại một phần ba bên phải và bên trái của đường cảm biến đo.

Trong máy quét phẳng và thiết bị hai chiều, đo diện tích của khuôn hiệu chuẩn tại 10 vị trí cách đều trên toàn bộ bề mặt máy quét hoặc thiết bị.

8.4  Giá trị trung bình của 10 phép do không được chênh lệch quá 0,5 % so với diện tích khuôn hiệu chuẩn (MM) thu được từ quy trình hiệu chuẩn khuôn (xem Phụ lục A và Phụ lục B). Sự chênh lệch giữa giá trị đo lớn nhất và nhỏ nhất không được lớn hơn 1,5 % so với giá trị đo trung bình.

8.5  Đo diện tích mẫu da đầu tiên hai lần. Sự chênh lệch giữa hai giá trị không được lớn hơn 1 % giá trị trung bình hai giá trị. Nếu không, phải đo lại diện tích, và hai cặp số đo mới phải được sử dụng để tham chiếu đối với đánh giá trong 8.6.

8.6  Nếu phép đo của 8.5 chênh lệch dưới 1 %, thì chỉ đo một lần. Nếu không, đo da ít nhất hai lần, ghi cả hai giá trị đo. Trong trường hợp sự chênh lệch giữa hai giá trị đo lớn hơn 2 %, điều này phải được ghi trong báo cáo thử nghiệm. Trong trường hợp tranh chấp, đo mỗi con da hai lần, ghi cả hai giá trị.

8.7  Tại cuối phép đo, lặp lại quy trình thực hiện được quy định trong 8.3 với mẫu tham chiếu giống nhau. Nếu hai điều kiện trong 8.4 không được đáp ứng, các kết quả của các phép đo được tiến hành (8.5 và 8.6) phải được loại bỏ.

9  Tính và biểu thị kết quả

9.1  Ghi giá trị đo diện tích của mỗi tấm da, làm tròn đến 0,1 dm2; đối với các giá trị bằng hoặc lớn hơn 100 dm2 thì cho phép làm tròn giá trị đến 1 dm2. Nếu tấm da được đo hai lần, thì làm tròn giá trị trung bình của hai giá trị đo theo quy định ở trên, được ghi là diện tích da đo được.

9.2  Tính giá trị trung bình số học (Mm) của 10 phép đo khuôn hiệu chuẩn thu được theo quy định trong 8.3 trước khi đo da và 10 phép đo diện tích khuôn hiệu chuẩn thu được theo quy định trong 8.7 sau khi đo da, sử dụng nguyên tắc làm tròn trong 9.1 và ghi giá trị này vào biên bản phòng thí nghiệm (xem Phụ lục C).

9.3  Tính hệ số hiệu chỉnh F, được làm tròn đến 0,001, theo Công thức (1).

(1)

trong đó

MC là giá trị diện tích của khuôn hiệu chuẩn sử dụng, thu được từ qutrình hiệu chuẩn được quy định trong Phụ A.

Mm là giá trị trung bình của cùng khuôn hiệu chuẩn, thu được theo 9.2.

9.4  Nhân diện tích của mỗi tấm da, thu được trong 9.1, với hệ số hiệu chỉnh F được tính toán trong 9.3, để thu được diện tích thực của mỗi tấm da. Làm tròn các giá trị thu được sử dụng nguyên tắc làm tròn trong 9.1.

Có thể bỏ qua việc hiệu chỉnh nếu |F – 1| < 0,005, nghĩa là nếu giá trị này nhỏ hơn 0,5 %.

10  Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các nội dung sau:

a) viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) ngày đo;

c) loại máy đo sử dụng (xem 5.1.1 và 7.1);

d) nhận dạng đầy đủ mẫu da;

e) kiểu điều hòa;

f) giá trị diện tích da thu được đối với mỗi da; theo quy định trong 9.4.;

g) chênh lệch giữa các phép đo bất kỳ quá 2 % giới hạn quy định trong 8.6;

h) chi tiết về tất cả các sai khác so với phương pháp thử được quy định trong tiêu chuẩn này.

 

Phụ lục A

(quy định)

Khuôn hiệu chuẩn để kiểm tra máy đo điện tử

A.1  Đặc tính sản xuất của khuôn hiệu chuẩn

A.1.1  Vật liệu

Khuôn hiệu chuẩn phải được làm bằng vật liệu đục, dày từ 0,5 mm đến 3 mm, có tính mềm dẻo cao nhưng hầu như không dãn trong suốt quá trình sử dụng (có thể có được đặc tính này, ví dụ, sử dụng vật liệu polyme, mặt trong được gia cường vật liệu dệt).

Tính đàn hồi của vật liệu phải sao cho dải rộng 20 mm và dài tự do 200 mm, được thử độ bền kéo 200 N cho thấy độ giãn dài không quá 5 mm.

Trong khoảng nhiệt độ từ 10 °C đến 40 °C, vật liệu của khuôn hiệu chuẩn không được giãn nở nhiệt tuyến tính quá 1 mm/m (0,1 %).

A.1.2  Hình dạng và kích thước

Khuôn hiệu chuẩn thường có hình dạng tròn. Có thể sử dụng khuôn nhiều cạnh, miễn là:

– tỷ lệ giữa kích thước lớn nhất và nhỏ nhất không lớn hơn 2;

– góc trong bất kỳ không nhỏ hơn 90°:

– có thể đo bề mặt khuôn với độ không đảm bảo không lớn hơn giá trị quy định trong B.2.

Bộ các khuôn hiệu chuẩn để kiểm tra máy đo thường phải bao gồm các khuôn có diện tích khoảng 20 dm2 và 100 dm2. Có thể sử dụng khuôn có diện tích khác theo yêu cầu đo cụ thể (ví dụ máy quét phẳng kích thước nhỏ).

Trong các trường hợp bất kỳ, kích thước khuôn hiệu chuẩn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của 5.2.

A.1.3  Bảo quản khuôn hiệu chuẩn

Khuôn hiệu chuẩn phải được giữ trong điều kiện môi trường thông thường, được bảo vệ tránh các vật hoặc các chất hoặc điều kiện mà có thể gây hư hại hoặc biến đổi, và được bảo quản trong tủ (hoặc giá) trên bề mặt phẳng, để nằm ngang, hoặc trong dụng cụ chứa hình trụ cứng với đường kính trong gấp ít nhất 30 lần chiều dày khuôn.

Khuôn hiệu chuẩn được bảo quản trong dụng cụ chứa hình trụ phải để duỗi và không cuộn trên mặt phẳng ngang trong một khoảng thời gian đủ để trải ra trước khi sử dụng.

A.1.4  Hiệu chuẩn khuôn

Các khuôn tham chiếu phải được hiệu chuẩn so với các khuôn đo theo hệ thống đơn vị quốc tế (SI) được Cơ quan đo lường công nhận.

Việc hiệu chuẩn độ không đảm bảo đo mở rộng, được tính với hệ số phủ k = 2, không được lớn hơn 0,2 %.

CHÚ THÍCH Giới hạn độ không đảm bảo đo cho phép các nguồn không đảm bảo đo hợp lý, bao gồm hình dạng khuôn, hệ thống hiệu chuẩn, hệ thống đo và ảnh hưởng của chất lượng.

A.1.5  Hiệu chuẩn định kỳ

Việc hiệu chuẩn khuôn tham chiếu phải được lặp lại ít nhất 36 tháng một lần. Ngoài ra, khuôn hiệu chuẩn phải được hiệu chuẩn lại bất cứ khi nào:

– sai lệch, thậm chí về ngoại quan (ví dụ cắt, nếp nhăn, biến dạng vĩnh viễn) quan sát được;

– da đã trải qua các điều kiện mà có thể làm thay đổi diện tích hoặc hình dạng;

– Không biết ngày hiệu chuẩn trước đó;

– nghi ngờ về tính chính xác của việc hiệu chuẩn, ví dụ, kết quả không bình thường từ máy đo trong việc kiểm tra định kỳ với cùng khuôn hiệu chuẩn.

 

Phụ lục B

(quy định)

Quy trình kiểm tra máy đo bằng khuôn hiệu chuẩn

Quy trình được mô tả trong Phụ lục này phải được thực hiện ít nhất 6 tháng một lần, và mỗi lần tại điều kiện bất thường được phát hiện trong quy trình đo bằng máy đo.

B.1  Điều chỉnh thang đo

B.1.1  Thao tác này phải được tiến hành khi hiệu chỉnh lần đầu máy đo và không được lặp lại trừ khi sửa chữa hoặc sai lệch nghiêm trọng.

B.1.2  Bật máy và để máy chạy trong thời gian quy định bởi nhà sản xuất.

B.1.3  Đo diện tích khuôn hiệu chuẩn 10 lần và tính giá trị trung bình (MM) của diện tích đo.

B.1.4  Giá trị đo trung bình (MM) không được chênh lệch với giá trị hiệu chuẩn (MC) của khuôn hiệu chuẩn lớn hơn 0,5 %.

B.1.5  Khi lớn hơn giá trị này, sửa đổi việc điều chỉnh máy đo và lặp lại quy trình quy định trong B.1.3 cho đến khi giá trị diện tích trung bình sát nhất có thể với giá trị hiệu chuẩn khuôn hiệu chuẩn, hoặc ít nhất khi chênh lệch giữa MC và MM không lớn hơn 0,5 %.

B.2  Kiểm tra tính đồng nhất của các phép đo giữa các vùng khác nhau trong trường đo của máy

B.2.1  Trong máy quét phẳng hoặc thiết bị hai chiều phải sử dụng khuôn hiệu chuẩn không quá 1/3 trường đo của máy.

Đo diện tích khuôn hiệu chuẩn 10 lần trong vùng ngoài cùng bên trái trường đo của máy, và tính giá trị trung bình.

B.2.2  Lặp lại thao tác mô tả trong B.2.1 tại vùng tắm và vùng ngoài cùng bên phải trường đo của máy, trong các trường hợp, tính giá trị trung bình của 10 phép đo.

B.2.3  Giá tri trung bình cực đại (lớn nhất và nhỏ nhất) không được chênh lệch với giá trị trung bình các phép đo quá 0,5 %.

B.3  Kiểm tra sự tuyến tính của máy

B.3.1  Đo diện tích của mỗi khuôn của bộ khuôn hiệu chuẩn và bộ các khuôn (80 + 30) dm2 và (80+70) dm2 được đặt tiếp tuyến. Tính giá trị trung bình số học đối với mỗi trường hợp, làm tròn đến 0,001 dm2. Các giá trị thu được được ký hiệu là giá trị đo MM, và phải ghi trong biên bản phòng thí nghiệm (xem Phụ lục C), và ngày hiệu chuẩn máy.

B.3.2  Tính hệ số hiệu chỉnh F, cho mỗi khuôn hiệu chuẩn hoặc bộ khuôn hiệu chuẩn, theo công thức sau (B.1):

(B.1)

trong đó

MC là giá trị diện tích chính thức của khuôn sử dụng, được tính từ quy trình hiệu chuẩn theo A.1.4.

MM là giá trị trung bình của diện tích khuôn hiệu chuẩn, thu được theo B.3.1.

B.3.3  Các giá trị cực đại của hệ số hiệu chỉnh thu được trong B.3.2 không được chênh lệch nhau quá 2%.

B.4  Kiểm tra tính ổn định của diện tích đo được khi thực hiện gián đoạn trong quá trình đo

B.4.1  Đo diện tích khuôn hiệu chuẩn 80 dm2 10 lần, và tính giá trị trung bình.

B.4.2  Lặp lại phép đo khuôn hiệu chuẩn 10 lần, nhưng gián đoạn thao tác cấp liệu 3 lần trong mỗi quá trình đo. Tính giá trị trung bình của 10 lần đo.

B.4.3  Giá trị đo trung bình thu được theo B.4.1 và B.4.2 không được chênh lệch nhau quá 0,3 %.

 

Phụ lục C

(quy định)

Biên bản phòng thí nghiệm về các khuôn hiệu chuẩn

Biên bản phòng thí nghiệm phải được duy trì, trong đó, phải ghi các dữ liệu liệt kê dưới đây theo thứ tự ngày tháng:

a) giá trị diện tích chính thức (MC) của khuôn hiệu chuẩn, theo A.1.4;

b) giá trị diện tích (MM) của khuôn hiệu chuẩn thu được trong việc hiệu chuẩn máy theo Phụ lục B;

c) giá trị diện tích (Mm) của khuôn hiệu chuẩn thu được trong mỗi lần thực hiện đo da theo 8.3 và 9.2;

Việc kiểm tra thường lệ biên bản phòng thí nghiệm sẽ cung cấp thông tin về sự bất thường hoặc lỗi của máy.

 

Phụ lục D

(tham khảo)

Độ lặp lại và độ tái lập

Để đánh giá độ không đảm bảo đo trong việc xác định diện tích da, một số dãy phép đo được tiến hành trên da có kích thước và bản chất khác nhau với các máy móc khác nhau phụ thuộc vào các phòng thí nghiệm khác nhau, và so sánh các kết quả liên quan.

Thử nghiệm A và thử nghiệm B dưới đây đưa ra các giá trị về độ lặp lại và độ tái lập thu được trên một số mẫu da, mỗi mẫu được đo 10 lần bởi mỗi phòng thí nghiệm với các loại máy khác nhau.

Bảng D.1 – Thử nghiệm A – Đo bằng máy trục lăn (5 máy trong 5 phòng thí nghiệm)

Da

Loại da

Diện tích trung bình,

Độ lặp lại, r

Độ tái lập, R

S

%

%

dm2

A

Da bò để bọc đồ nội thất

319.6

1,0

1,1

B

Da bò để làm giày dép

243,0

0,6

1,1

C

Da bò để làm giày dép

206,3

0,4

0,7

D

Da cừu để làm giày dép

59,5

1,7

2,2

E

Da dê để làm giày dép

39,0

1,2

1,4

Bảng D.2 – Thử nghiệm B – Đo bằng máy tải (3 máy trong 3 phòng thí nghiệm khác nhau)

Da

Loại da

Diện tích trung bình,

Độ lặp lại, r

Độ tái lập, R

S

%

%

dm2

A

Da bò để bọc đồ nội thất

307,1

0,3

—-a

B

Da bò để làm giày dép

232,5

0,5

0,6

C

Da bò để làm giày dép

202,7

0,5

0,5

D

Da cừu để làm giày dép

58,1

1,0

1,4

E

Da dê để làm giày dép

38,7

1,3

1,9

a Mẫu này chỉ được đo bằng một máy, do đó không xác định được R.

Trong thử nghiệm C, các giá trị diện tích trung bình thu được trên 6 mẫu da được đo tương ứng với máy trục lăn và máy băng tải, được báo cáo.

Các máy băng tải cho thấy khuynh hướng kém hơn, do thiếu thiết bị trải hiệu quả đối với da đi qua vùng đo.

Khuynh hướng này khác nhau đối với các máy và biểu hiện da khác nhau (da cứng và rộng hơn làm tăng hiệu ứng này hơn so với da mềm). Phải tính đến điều này khi đánh giá độ không đảm bảo đo.

Bảng D.3 – Thử nghiệm C – So sánh giữa các máy với kỹ thuật đo khác nhau

Da

Loại da

Máy trục lăn

Máy băng tải

Sai khác

%

Diện tích trung bình, S

dm2

Độ lặp lại, r

%

A

Da bò để bọc đồ nội thất

319,6

307,1

-3,9

B

Da bò để làm giày dép

243,0

232,5

-4,3

C

Da bò để làm giày dép

206,3

202,7

-1,7

D

Da cừu để làm giày dép

59,5

58,1

-2,3

E

Da dê để làm giày dép

39,0

38,7

-0,8

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1]  ICT – International Council of Tanner – Code of practice for area measurement, www.tannerscouncilict.org

[2]  ISO 11646, Leather – Measurement of area

[3]  TCVN 7118:2007 (ISO 2589 : 2002) về Da – Phép thử cơ lý – Xác định độ dày

[4]  ISO 17186, Leather – Physical and mechanical tests – Determination of surface coating thickness

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12274:2018 (ISO 19076:2016) VỀ DA – PHÉP ĐO BỀ MẶT DA – SỬ DỤNG KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ
Số, ký hiệu văn bản TCVN12274:2018 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nặng
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản