TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12459:2018 VỀ CÀ PHÊ HÒA TAN NGUYÊN CHẤT

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 12459:2018

CÀ PHÊ HÒA TAN NGUYÊN CHẤT

Pure instant coffee

Lời nói đầu

TCVN 12459 : 2018 do Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

CÀ PHÊ HÒA TAN NGUYÊN CHẤT

Pure instant coffee

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho cà phê (Coffee spp.) hòa tan nguyên chất.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 4334:2007 (ISO 3509:2005), Cà phê và sản phm cà phê – Thuật ngữ và định nghĩa

TCVN 5248:1990, Cà phê – Thuật ngữ và giải thích về thử nếm

TCVN 5253:1990, Cà phê – Phương pháp xác định hàm lượng tro.

TCVN 5567:1991 (ISO 3726:1983), Cà phê hòa tan – Phương pháp xác định hao hụt khối lượng nhiệt độ 70°C dưới áp suất thấp.

TCVN 6605:2007 (ISO 6670:2002), Cà phê hòa tan – Phương pháp lấy mẫu đối với bao gói có lót.

TCVN 7033:2002 (ISO 11292:1995), Cà phê hòa tan – Xác định hàm lượng cacbohydrat tự do và tng số – Phương pháp sắc ký trao đổi ion hiệu năng cao.

TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985 with Amendment 2010), Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn.

TCVN 9702:2013 (ISO 24114:2011), Cà phê hòa tan – Tiêu chí về tính xác thực.

TCVN 9723:2013 (ISO 20481:2008), Cà phê và sản phẩm cà phê – Xác định hàm lượng cafein bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) – Phương pháp chun.

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây.

3.1

Cà phê thông thường (normal coffee)

Lô đồng nhất của hạt cà phê, ngoại trừ năm loại vật liệu được định nghĩa là khuyết tật, cụ thể là:

– Các vật liệu lạ không có nguồn gốc từ cà phê;

– Các vật liệu lạ không có nguồn gốc từ nhân cà phê;

– Nhân hình dạng khác thường;

– Nhân bề mặt nhìn thấy khác thường;

– Cà phê mất vị.

[1.2 của TCVN 4334:2007].

3.2.

Cà phê hòa tan nguyên chất (pure instant coffee, pure soluble coffee)

Sản phẩm khô, có thể hòa tan trong nước, được chiết xuất hoàn toàn từ nhân cà phê rang bằng phương pháp vật lý sử dụng nước để tách chiết.

[dựa theo 2.15 của TCVN 4334:2007 và 3.1 của TCVN 9702:2013].

3.3.

Cà phê hòa tan dạng bột (spray-dried instant coffee)

Cà phê hòa tan thu được từ quá trình chiết cà phê ở dạng lỏng được phun trong không khí nóng sau đó cho bay hơi nước để tạo thành bột khô.

[2.15.1 của TCVN 4334:2007].

3.4.

Cà phê hòa tan dạng cốm (agglomerated instant coffee)

Cà phê thu được bằng cách kết hợp cà phê hòa tan dạng bột với nhau tạo thành những hạt lớn hơn.

[2.15.2 của TCVN 4334:2007].

3.5.

Cà phê hòa tan làm khô nhiệt độ thấp (freeze-dried instant coffee, freeze-dried coffee extract, freeze-dried coffee, freeze-dried soluble coffee)

Cà phê thu được sau quá trình làm đông lạnh dung dịch cà phê và trạng thái băng được loại bỏ bằng sấy thăng hoa.

[2.15.3 của TCVN 4334:2007].

3.6

Cà phê hòa tan khử cafein/caphein/caffeine(decaffeinated coffee)

Cà phê hòa tan được làm từ nguyên liệu cà phê đã được chiết bỏ thành phần caffeine.

3.7

Cà phê pha (Coffee brew)

Nước cà phê thu được bằng cách hòa tan cà phê hòa tan vào nước theo tỷ lệ hướng dẫn của sản phẩm.

4  Yêu cầu kỹ thuật

4.1  Yêu cầu đối với cà phê nguyên liệu

Nguyên liệu dùng để chế biến cà phê hòa tan nguyên chất là cà phê thông thường, sạch, không chứa các chất gây hại cho sức khỏe con người. Không được dùng bất kỳ nguyên liệu nào thay thế cho cà phê.

4.2. Yêu cầu đối với sản phẩm

4.2.1  Yêu cầu cảm quan

Các chỉ tiêu cảm quan của cà phê hòa tan nguyên chất được quy định trong Bảng 1.

Bng 1 – Yêu cầu cảm quan của cà phê hòa tan

Tên chỉ tiêu Yêu cầu
Màu sắc Màu nâu đặc trưng của sản phẩm
Mùi Thơm đặc trưng của sản phẩm, không có mùi lạ
Vị Đặc trưng của sản phẩm, không có vị lạ
Trạng thái Dạng bột, dạng cốm hoặc dạng mảnh có kích thước đồng đều, đặc trưng của từng dạng sản phẩm tương ứng (cà phê hòa tan dạng bột, cà phê hòa tan dạng cốm và cà phê hòa tan làm khô ở nhiệt độ thấp); không có các vật thể lạ
Cà phê pha Có màu, mùi và vị đặc trưng của sản phẩm

4.2.2  Yêu cầu lý – hóa

Các chỉ tiêu lý – hóa của cà phê hòa tan nguyên chất được quy định trong Bảng 2.

Bảng 2 – Các chỉ tiêu lý – hóa của cà phê hòa tan nguyên chất

Tên chỉ tiêu Mức quy định
Cà phê hòa tan nguyên chất
1. Độ ẩm, tính theo % khối lượng, không lớn hơn 5
2. Hàm lượng tro tổng số, tính theo % khối lượng khô, không lớn hơn 15
3. Hàm lượng caffein, tính theo % khối lượng khô, không nhỏ hơn 2,0
4. Hàm lượng glucoza tổng số, tính theo % khối lượng chất khô, không lớn hơn 2,46
5. Hàm lượng xyloza tổng số, tính theo % khối lượng chất khô, không lớn hơn 0,45
6. Độ tan trong nước nóng Tan trong 30 s có khuấy nhẹ
7. Độ tan trong nước lạnh ở nhiệt độ 16 °C ± 2 °C Tan trong 3 min có khuấy nhẹ
8. pH 4,5 đến 5,5
Cà phê hòa tan nguyên chất khử cafein
1. Hàm lượng caffein, tính theo % khối lượng, không lớn hơn 0,3
2. Các chỉ tiêu lý – hóa khác Như đối với cà phê hòa tan

4.3  Mức giới hạn tối đa ô nhiễm kim loại nặng

Mức giới hạn tối đa ô nhiễm kim loại nặng trong cà phê hòa tan nguyên chất theo quy định hiện hành [1].

4.4  Mức giới hạn tối đa ô nhiễm độc tố vi nấm

Mức giới hạn tối đa ô nhiễm độc tố vi nấm trong cà phê hòa tan nguyên chất theo quy định hiện hành [2].

4.5  Phụ gia thực phẩm

Mức giới hạn tối đa phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản cà phê hòa tan nguyên chất theo quy định hiện hành[3].

4.5  Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Cà phê hòa tan nguyên chất không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng theo quy định hiện hành[4].

Mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép quy định hiện hành[5].

5  Phương pháp thử

5.1  Lấy mẫu, theo TCVN 6605:2007 (ISO 6670:2002).

5.2  Chuẩn bị mẫu th nếm cà phê hòa tan nguyên chất

Cân 2,5 g cà phê hòa tan cho vào cốc thủy tinh sạch, không mùi. Quan sát màu sắc và trạng thái của sản phẩm.

Chuyển phần mẫu thử sang chén sứ dung tích 200 ml và bổ sung 150 ml nước sôi không chứa clo. Nhiệt độ của nước sôi được sử dụng không được nhỏ dưới 90 °C. Để nguội đến 60 °C và bắt đầu thử nếm. Việc thử nếm phải tiến hành nhanh trước khi nước pha cà phê bị nguội.

5.3  Xác định độ ẩm, theo TCVN 5567:1991 (ISO 3726:1983).

5.4  Xác định hàm lượng tro tổng số, theo TCVN 5253:1990.

5.5  Xác định hàm lượng caffeine, theo TCVN 9723:2013 (ISO 20481:2008).

5.6  Xác định hàm lượng glucoza và xyloza tng số, theo TCVN 7033:2002.

5.7  Xác định độ hòa tan

5.7.1  Xác định độ tan trong nước nóng

Cho 150 ml nước sôi vào cốc dung tích 500 ml có chứa sẵn 2,5 g mẫu. Khuấy nhẹ 30 s, cà phê phải hòa tan hoàn toàn, không có lắng cặn.

5.7.2  Xác định độ tan trong nước lạnh

Cho 2,5 g mẫu vào cốc dung tích 500 ml có chứa 50 ml nước ở nhiệt độ 16 °C ± 2 °C, khuấy nhẹ trong 3 min, cà phê phải hòa tan hoàn toàn, không có lắng cặn.

6  Bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển

6.1  Bao gói

Cà phê hòa tan được đóng gói trong các bao bì khô, sạch, nguyên vẹn, bền, không hút ẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm[6] [7] [8].

6.2  Ghi nhãn

Ghi nhãn sản phẩm theo TCVN 7087: 2013 (CODEX STAN 1-1985 with Amendment 2010) và quy định liên quan[9].

Ngoài ra, tên sản phẩm phải được ghi rõ là “Cà phê hòa tan nguyên chất” hay “Cà phê nguyên chất hòa tan khử caffeine” phù hợp với phân loại của sản phẩm cà phê trong Bảng 2.

6.3  Bảo quản

Bảo quản cà phê hòa tan nguyên chất nơi khô, sạch, không bảo quản chung với các sản phẩm không phải là thực phẩm hoặc là thực phẩm có mùi. Phương tiện vận chuyển cà phê hòa tan nguyên chất phải khô, sạch, không có mùi lạ.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] QCVN 8-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.

[2] QCVN 8-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn an toàn cho phép đối với ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm.

[3] Văn bản hợp nhất Thông tư hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm số 02/VBHN-BYT ngày 15/6/2015 của Bộ Y tế đối với Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế Hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm

[4] Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT ngày 21/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ban hành Danh mục Thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

[5] Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

[6] QCVN 12-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp.

[7] QCVN 12-2:2011/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng cao su.

[8] QCVN 12-3:2011/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng kim loại.

[9] Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

[10] TCVN 9702:2013 (ISO 24114:2011) Cà phê hòa tan – Tiêu chí về tính xác thực.

[11] FDUS 907, Instant coffee – specification.

[12] GSO 783/1997 – Instant Coffee.

[13] DKS 175:2011 – Instant Coffee – Specification.

[14] Philippines Standard for Instant coffee (No.136-a.s.1985)

[15] (No. 197) B.E 2543 (2000) Coffee.

[16] IS 2791:1992 Soluble coffee powder- Specification.

[17] GCS 32.113-91 Instant Coffee.

[18] Jamaican standard – specification for coffee (Act 1968).

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12459:2018 VỀ CÀ PHÊ HÒA TAN NGUYÊN CHẤT
Số, ký hiệu văn bản TCVN12459:2018 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực An toàn thực phẩm
Ngày ban hành 01/01/2018
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản