TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12550:2018 (ISO/TR 16922:2013) VỀ KHÍ THIÊN NHIÊN – TẠO MÙI
TCVN 12550:2018
ISO/TR 16922:2013
KHÍ THIÊN NHIÊN – TẠO MÙI
Natural gas – Odorization
Lời nói đầu
TCVN 12550:2018 hoàn toàn tương đương với ISO/TR 16922:2013.
TCVN 12550:2018 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC193 Sản phẩm khí biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Khí thiên nhiên đã chế biến thông thường có rất ít hoặc không có mùi. Vì những lý do an toàn, khí thiên nhiên phân phối được tạo mùi để cho phép phát hiện khí bằng khứu giác.
Phần lớn sự thạo mùi là một biện pháp an toàn cho người sử dụng khí thiên nhiên. Khí thiên nhiên đã tạo mùi được nhận biết bởi mùi đặc trưng.
KHÍ THIÊN NHIÊN – TẠO MÙI
Natural gas – Odorization
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn các phương pháp sử dụng trong tạo mùi cho khí thiên nhiên theo quan điểm an toàn.
Tiêu chuẩn này cũng quy định các nguyên tắc cho kỹ thuật tạo mùi (bao gồm xử lý và bảo quản các chất tạo mùi) và kiểm soát sự tạo mùi của khí thiên nhiên.
Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các chất khí không phải là khí thiên nhiên.
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu chung đối với các chất tạo mùi và các tính chất vật lý và hóa học của các chất tạo mùi thông dụng được quy định trong TCVN 12549 (ISO 13734).
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 12546 (ISO 10715), Khí thiên nhiên – Hướng dẫn lấy mẫu.
TCVN 12549 (ISO 13734), Khí thiên nhiên – Các hợp chất hữu cơ sử dụng làm chất tạo mùi – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.
TCVN 12552 (ISO 19739), Khí thiên nhiên – Xác định các hợp chất lưu huỳnh bằng phương pháp sắc ký khí.
ISO 5492:2008, Sensory analysis – Vocabulary (Phân tích bằng giác quan – Từ vựng).
ISO 14532, Natural gas – Vocabulary (Khí thiên nhiên – Từ vựng).
3 Thuật ngữ, định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ, định nghĩa được nêu trong ISO 5492 và ISO 14532 và áp dụng các thuật ngữ sau.
3.1 Tổng quát
Các định nghĩa chung sau áp dụng đối với khả năng của con người về cảm giác, nhận thức và mức độ nhận biết mùi
3.1.1
Nhận biết mùi (odour perception)
Nhận thức của cơ quan khứu giác về tác động của các chất bay hơi.
3.1.2
Đặc tính mùi (odour character)
Đặc tính nhận biết nổi bật của mùi hoặc hương.
3.1.3
Cường độ mùi (odour intensity)
Độ mạnh của mùi được nhận biết.
3.1.4
Độ mỏi giác quan (sensory fatigue)
Hình thức thích ứng giác quan mà theo đó xảy ra sự suy giảm về độ nhạy cảm.
[NGUỒN: ISO 5492:2008]
3.1.5
Sự át mùi (masking of odour)
Hiện tượng mà một tính chất trong hỗn hợp làm mờ một hoặc một vài tính chất khác.
CHÚ THÍCH 1: Các tính chất có thể là cường độ mùi hoặc đặc tính.
3.2 Định nghĩa cụ thể chất tạo mùi dạng khí
3.2.1
Cấp độ khứu giác (olfactory degree)
Thước đo cường độ mùi theo quy luật chung được thiết lập bởi Weber, Fechner và Stevens, tỷ lệ với logarit của nồng độ chất tạo mùi.
3.2.2
Hàm lượng chất tạo mùi (odorant content)
Hàm lượng chất tạo mùi hoặc ở trong khí hoặc trong không khí, được biểu diễn bằng nồng độ khối lượng, tỷ lệ theo thể tích hoặc tỷ lệ mol.
3.2.3
Đường cong cường độ mùi (odour intensity curve)
Đường cong tương quan cường độ mùi so với nồng độ chất tạo mùi trong không khí.
CHÚ THÍCH 1: Cường độ mùi của chất tạo mùi đối với khí thiên nhiên hoặc một chất khí chỉ có thể được xác định bằng cơ quan khứu giác của con người.
4 Các yêu cầu chung đối với chất tạo mùi khí thiên nhiên
Các yêu cầu đối với các hợp chất được sử dụng là chất tạo mùi khí thiên nhiên được nêu trong TCVN 12549 (ISO 13734).
Thông tin về các chất tạo mùi khác nhau được nêu trong Phụ lục A của TCVN 12549 (ISO 13734).
5 Các lưu ý chung đối với chất tạo mùi
5.1 Vật làm kín và màng
Các chất tạo mùi dạng lỏng có thể gây trương nở nghiêm trọng hoặc thậm chí hòa tan các vật liệu hữu cơ như chất dẻo, vật làm kín đàn hồi và chất bôi trơn. Vì vậy trong thiết bị tạo mùi và đối với các mối nối gần với các điểm mà chất tạo mùi dạng lỏng được bơm vào trong đường ống, chỉ nên sử dụng các vật liệu làm kín có tính tương thích với chất tạo mùi dạng lỏng. Theo TCVN 12549 (ISO 13734), thông tin này do nhà sản xuất chất tạo mùi cung cấp.
5.2 Đường ống
Các nồng độ chất tạo mùi thấp dược sử dụng để tạo mùi khí thiên nhiên và do vậy áp suất riêng phần thấp của chúng không làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các ống nhựa, miếng đệm hoặc màng chắn trong vận chuyển, phân phối và sử dụng khí.
Khi bắt đầu phân phối khí qua đường ống dẫn khí mới hoặc khi thay đổi chất tạo mùi có thể mất thời gian để đạt được nồng độ chất tạo mùi theo yêu cầu tại cuối đường ống. Điều này có thể do chất tạo mùi được hấp thu trên thành ống, bởi bụi, gỉ sét và cặn đường ống hoặc bởi các condensat khí (phai mùi). Mức độ hấp thu phụ thuộc vào một số yếu tố, ví dụ điều kiện mạng lưới đường ống, áp lực, nhiệt độ, vận tốc dòng chảy và các tính chất lý hóa của chất tạo mùi.
5.3 Đường ống được chôn dưới đất
Khi được tạo mùi rò rỉ từ đường ống dẫn khí ở dưới đất có thể mất mùi do bị đất hấp thu mùi. Sự hấp thu và oxy hóa chất tạo mùi có thể thay đổi theo hàm lượng hơi ẩm và loại đất. Sự phân hủy chất tạo mùi do các vi sinh vật gây ra cũng có thể xảy ra.
6 Biện pháp phòng ngừa an toàn
6.1 Thao tác với chất tạo mùi
CẢNH BÁO: Cần cẩn trọng đặc biệt khi thao tác với chất tạo mùi theo các tính chất đặc thù của chúng và các quy định về an toàn.
Các chất tạo mùi là các chất gây kích ứng, có hại và dễ cháy. Vì vậy phải đọc bảng dữ liệu về an toàn vật liệu cụ thể trước khi thao tác với chất tạo mùi dạng lỏng. Tất cả các phòng ngừa về an toàn phải được theo dõi và tuân thủ. Các khuyến nghị sau về mức độ an toàn tối thiểu có thể đạt được:
– Hơi đậm đặc của các chất tạo mùi có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cấp tính trong thời gian ngắn như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và bỏng rát họng, mũi và mắt. Do vậy việc bảo vệ, ví dụ bằng bộ lọc có chứa than hoạt tính hoặc khẩu trang nên được sử dụng, cần phải tránh bất kỳ phơi nhiễm kéo dài nào mà không có bảo vệ đường hô hấp.
– Khi thao tác với chất tạo mùi, thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp (bảo vệ mắt, mặt, cơ thể, găng tay) và quy trình thao tác an toàn với chất tạo mùi được khuyến nghị sử dụng. Mặc dù đã sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân, nhưng nếu chất tạo mùi dạng lỏng tiếp xúc với da hoặc mắt, rửa khu vực bị ảnh hưởng ngay lập tức bằng nhiều nước. Nếu mắt tiếp xúc với chất tạo mùi dạng lỏng, phải tham vấn bác sỹ ngay lập tức.
6.2 Che chắn và phương pháp cứu chữa
CẢNH BÁO: Không để chất oxy hóa chưa pha loãng tiếp xúc với chất tạo mùi: NGUY CƠ GÂY NỔ!
Có nhiều cách để loại bỏ phiền toái do mùi đậm đặc của các chất tạo mùi rơi vãi
– Để ngăn cản mùi có thể sử dụng chất khử mùi, thường không làm thay đổi các đặc tính hóa học của chất tạo mùi. Do vậy các rủi ro về sức khỏe sẽ không được loại trừ. Đối với lượng lớn chất tạo mùi bị rò rỉ thì các chất khử mùi như vậy là không thích hợp.
– Một lượng nhỏ các chất tạo mùi bị rò rỉ có thể được oxy hóa để làm giảm bớt hợp chất có mùi bằng cách sử dụng quy trình phun dung dịch loãng của một chất oxy hóa như natri hypoclorit 5 % khối lượng hoặc hydro peroxit 5% khối lượng, tốt nhất nên thêm chất tẩy lửa. Quy trình này cần tính đến bản chất ăn mòn và tính hoạt động của những chất oxy hóa này mà có thể dẫn đến sự gia tăng nhiệt và áp suất.
– Một lượng lớn các chất tạo mùi bị rơi vãi hoặc rò rỉ phải được thấm hút bằng chất hấp thu (ví dụ cát, chất hấp thụ hóa học không có tính cháy) và được cho vào trong thùng đóng chặt lại. Phần nhỏ còn lại được xem là số lượng nhỏ.
Những chất hấp thu hoặc đất bị nhiễm chất tạo mùi được xử lý theo các quy định hiện hành.
Các sản phẩm thương mại cũng có sẵn để che và/hoặc làm giảm bớt sự tràn chất tạo mùi. Những sản phẩm này nhìn chung đều có sẵn và do các nhà sản xuất chất tạo mùi cung cấp.
Đối với việc làm sạch hệ thống đường ống, thùng chứa và các phần của thiết bị tạo mùi, sử dụng các ancol (isopropanol, etanol kỹ thuật) là một lựa chọn. Dung dịch làm sạch được sử dụng được loại bỏ theo các quy định hiện hành.
6.3 Vận chuyển và tồn chứa
Chất tạo mùi được chuyển trong các bồn chứa chịu ăn mòn phù hợp với việc vận chuyển và/hoặc tồn chứa theo các quy định hiện hành. Các bồn chứa chất tạo mùi phải kèm theo bảng dữ liệu an toàn phù hợp với các yêu cầu của tất cả các quy định hiện hành.
CHÚ THÍCH: Cần xem xét sử dụng vật liệu làm kín thích hợp theo loại chất tạo mùi, sulfurơ hoặc acrylic.
Để tránh sự độc hại khi bồn chứa chất tạo mùi tĩnh được đổ đầy lại, đường cân bằng hơi đối với pha khí chuyển giữa bồn vận chuyển và lưu trữ được khuyến nghị. Các đường ống vận chuyển nên được trang bị van tắt tự động. Các khớp nối và van nên có thể tích chết nhỏ nhất.
Phòng lưu trữ vật chứa chất tạo mùi cần phải thoáng mát, khô ráo và thoáng khí. Các vật chứa chất tạo mùi dùng để vận chuyển và/hoặc lưu trữ phải tính đến tác động kéo dài của mặt trời để tránh sự gia tăng áp suất trong vật chứa. Các vật chứa lưu trữ và thiết bị tạo mùi có thể cùng trong một phòng. Không nên tồn chứa chất tạo mùi cùng với các chất dễ cháy. Đối với việc lưu giữ, phải tuân thủ các quy định hiện hành và chi dẫn của nhà sản xuất chất tạo mùi.
7 Kỹ thuật tạo mùi
7.1 Tạo mùi tập trung và phân tán
Tạo mùi tập trung được thực hiện tại một số trạm đầu mối. Ưu thế của nó là:
– Việc lắp đặt, vận hành và duy trì thiết bị tinh vi để tự động hóa và kiểm soát mỗi thiết bị đo mùi đơn giản hơn và mang lại tính đồng nhất hơn của nồng độ chất tạo mùi trong khí;
– Nó cho phép mùi đồng nhất xuyên suốt một khu vực phân phối khí.
Nhược điểm của nó là:
– Giảm tạm thời ở hệ thống phân bố mới hoặc mới được chuyển đổi, phải được điều chỉnh bằng cách bổ sung tạm thời sự tạo mùi.
– Nhược điểm là chất tạo mùi có thể phải bị loại bỏ khỏi khí được cung cấp cho một số nhà tiêu dùng công nghiệp.
– Điều này cũng có nghĩa rằng khi được tạo mùi được chuyển cho nhà tiêu dùng công nghiệp có thể không cần do các biện pháp an toàn khác có thể được cung cấp để nhận biết rò rỉ khí (ví dụ cảm biến khí đối với quá trình công nghiệp).
Tạo mùi phân tán điển hình được thực hiện tại các điểm vào của mạng lưới phân phối. Các ưu điểm đối với tạo mùi phân tán là:
– Nồng độ chất tạo mùi có thể được điều chỉnh theo các điều kiện cụ thể của mạng lưới phân phối địa phương (đường ống mới hoặc đường ống cũ có chất cặn);
– Hàm lượng lưu huỳnh của khí sử dụng công nghiệp không gia tăng bởi chất tạo mùi và tránh được các tác động có hại của chất tạo mùi đối với một số loại kho chứa ngầm.
Nhược điểm của tạo mùi phân tán là:
– Nhiều trạm tạo mùi, thường ở gần với khu dân cư;
– Phát sinh việc vận chuyển chất tạo mùi bằng đường bộ hoặc đường sắt;
– Nhiều người thao tác với chất tạo mùi
7.2 Thiết bị tạo mùi
7.2.1 Thiết bị tạo mùi dạng phun
Để tạo mùi liên tục, lượng chất tạo mùi cần thiết được bổ sung vào dòng khí liên tục hoặc gần như liên tục. Tốt nhất thực hiện bằng tạo mùi tỷ lệ theo dòng bằng thiết bị tạo mùi dạng phun. Tạo mùi tỷ lệ theo dòng nghĩa là điều chỉnh tốc độ bơm chất tạo mùi theo lưu lượng của dòng khí trong đường ống. Hiện nay những chất tạo mùi này thường được sử dụng và có thể được điều chỉnh phù hợp với hầu hết các lưu lượng.
Chất tạo mùi được bơm từ bồn chứa lưu trữ, nhìn chung được duy trì tại áp suất thấp, trực tiếp vào dòng khí dang chảy, về nguyên tắc, thông thường sử dụng hai hệ thống:
a) Hệ thống có bơm phun: tốc độ phun liên quan đến độ dịch chuyển bơm thể tích và tần suất hành trình. Tần suất này được điều chỉnh bằng cách tính dòng khí khi đo bằng thiết bị đo. Bơm cần được bảo vệ bằng bộ lọc trước bơm để tránh bị tắc.
b) Hệ thống điều khiển van: bơm tỷ lệ dòng khí từ bồn chứa lưu trữ có áp có thể đạt được bằng thiết bị kiểm soát dòng thể tích hoặc dòng khối lượng.
Bơm chất tạo mùi cũng có thể được điều chỉnh bằng cách tính nồng độ chất tạo mùi thực tế có trong khí. Hệ thống bơm cũng có thể mang lại thông tin liên quan đến tổng chất tạo mùi được phun, tốc độ phun và các cảnh báo liên quan đến hoạt động của hệ thống.
Chất tạo mùi dạng lỏng có thể được bơm vào đầu dò phun. Thiết kế của đầu dò này khác nhau nhưng đều có mục đích tối đa hóa sự bay hơi của chất tạo mùi trong khí thiên nhiên. Bộ lọc cần được lắp đặt trước hệ thống phun để làm giảm bớt yêu cầu bảo trì hệ thống. Van một chiều và van cô lập cần được lắp đặt trong đường nối giữa hệ thống phun và điểm phun.
Tất cả vật liệu tiếp xúc với chất tạo mùi dạng lỏng cần được đánh giá tính phù hợp với chất tạo mùi cụ thể theo thông tin của nhà sản xuất chất tạo mùi. Đánh giá như vậy cũng cần được thực hiện khi thay đổi loại chất tạo mùi.
Để hạn chế khả năng rò rỉ, các đường dẫn chất tạo mùi dạng lỏng cần được làm bằng đường ống thép không gỉ không hàn có độ chính xác cao, tuy nhiên đối với đường kết nối với điểm phun có thể sử dụng đường ống mềm dẻo phù hợp được gia cường bằng sợi thép. Tất cả các đường ống vận chuyển chất tạo mùi dạng lỏng cần được đánh dấu bằng mực không tẩy xóa được.
CHÚ THÍCH: Thiết bị tạo mùi cần được trang bị để phun rửa trong trường hợp bảo trì để tránh sự thiệt hại nặng nề do mùi.
7.2.2 Thiết bị tạo mùi bay hơi
7.2.2.1 Tổng quát
Thiết bị tạo mùi bay hơi được sử dụng cho tạo mùi lưu lượng thấp. Ưu điểm của thiết bị này là nhẵn, chi phí thấp và không yêu cầu bất kỳ nguồn cung năng lượng nào. Nên sử dụng chỉ các chất tạo mùi đơn cấu tử như THT hoặc hỗn hợp chất tạo mùi có các cấu tử có chênh lệch điểm sôi thấp (khoảng 10 °C), ví dụ nên sử dụng hỗn hợp MES và TBM. Áp suất bay hơi cao tại nhiệt độ môi trường là có lợi do tốc độ bay hơi không thay đổi nhiều khi nhiệt độ thay đổi. Với những thiết bị tạo mùi này, yêu cầu bồn chứa chất tạo mùi phải chịu được áp suất khí. Các quy trình nạp đầy bồn thiết bị tạo mùi bay hơi cần xả ra đuốc đúng cách hoặc làm sạch hơi chứa trong bồn chứa rỗng. Ví dụ về những thiết bị tạo mùi bay hơi là các thiết bị tạo mùi dòng nhánh và các thiết bị tạo mùi loại bấc.
7.2.2.2 Thiết bị tạo mùi dòng nhánh
Ở thiết bị tạo mùi dòng nhánh, một phần dòng khí được bão hòa với chất tạo mùi và sau đó được trộn với dòng khí chính. Những thiết bị tạo mùi này được sử dụng cho dòng khí cao hơn thiết bị tạo mùi loại dùng bấc (7.2.2.3). Điển hình, một nhánh được lắp trên đường ống chính, sụt áp suất được tạo ra giữa các chỗ nối của nhánh và đường ống chính bằng cách chèn ví dụ như chèn tấm đục lỗ. Do vậy một phần dòng khí đi qua nhánh. Một van cho phép điều chỉnh tỷ lệ giữa dòng khí nhánh và dòng khí chính. Dòng nhánh đi qua bồn chứa chất tạo mùi, hoặc có thể sục qua chất tạo mùi và sẽ bị bão hòa một phần hoặc toàn bộ với chất tạo mùi. Hỗn hợp của dòng khí đã được bão hòa chất tạo mùi trong dòng chính sẽ tạo mùi khí.
Sự biến đổi về nhiệt độ của bồn chứa chất tạo mùi có thể dẫn đến áp suất bay hơi khác nhau và do vậy tỷ lệ tạo mùi khác nhau. Điều này có thể giảm thiểu được bằng cách bảo ôn bồn chứa hoặc đặt bồn chứa bên trong tòa nhà. Dưới các điều kiện lưu lượng thấp, việc sụt áp trên dòng chính có thể quá nhỏ để tạo ra dòng nhánh phụ lớn dẫn đến việc tạo mùi không đủ. Nhiễm bẩn cũng là một vấn đề khi cặn bẩn hoặc dầu trên bề mặt chất tạo mùi trong bồn chứa sẽ làm giảm tỷ lệ tạo mùi, do giảm bề mặt bay hơi.
7.2.2.3 Thiết bị tạo mùi dùng bấc
Thiết bị tạo mùi dùng bấc không đắt và thuận tiện đối với tạo mùi một khu trang trại cách biệt hoặc một vài nhà. Bấc được ngâm một phần trong bồn chứa chất tạo mùi được gắn vào đường ống. Chất tạo mùi đi lên bấc bằng mao dẫn và bay hơi trong dòng khí. Nhược điểm của thiết bị tạo mùi dùng bấc là sẽ mang lại tỷ lệ nồng độ chất tạo mùi không giống nhau tùy theo nhiệt độ và tốc độ dòng khí. Giống như thiết bị tạo mùi dòng nhánh, nhiễm bẩn là một vấn đề khi cặn bẩn và dầu trên bấc ngăn cản sự bay hơi bề mặt bấc.
7.3 Các biện pháp xây dựng
7.3.1 Phòng thiết bị tạo mùi
Các chất tạo mùi là các chất lỏng bay hơi dễ cháy và trong trường hợp bị tràn ra ngoài, có thể dẫn đến sự tạo thành hỗn hợp nổ với không khí. Vì vậy, việc lắp đặt và các vật liệu được sử dụng trong phòng thiết bị tạo mùi cần tuân thủ với tất cả các quy định hiện hành.
Lắp đặt điện trong phòng tạo mùi hoặc phòng lưu trữ đối với các bồn chứa chất tạo mùi cần tuân thủ tất cả các quy định hiện hành liên quan đến tính dễ cháy của chất tạo mùi và điểm chớp cháy thấp của các chất này.
Bên dưới thiết bị tạo mùi, cần lắp đặt bồn chứa, đủ để thu gom tổng dung tích của chất tạo mùi được chứa trong thiết bị tạo mùi. Không có phần nào của thiết bị tạo mùi có chứa chất tạo mùi vượt ra ngoài bồn chứa ngoại trừ đường tới điểm phun.
Các nguy cơ gắn liền với việc lắp đặt cần được dán ở cổng vào và các vị trí phù hợp khác theo các quy định hiện hành.
7.3.2 Thông thoáng
Phòng tạo mùi và phòng lưu trữ các chất tạo mùi cần đảm bảo thoáng khí. Để tránh sự khó chịu do mùi, có thể cần phải thông gió cưỡng bức và làm sạch khí thải bằng bộ lọc than hoạt tính hoặc các phương tiện kỹ thuật thích hợp khác.
7.3.3 Lắp đặt điểm phun và đường ống phun
Thiết kế điểm phun cần đảm bảo sự phân bố đồng đều chất tạo mùi trong khí. Cần đạt được hỗn hợp đồng nhất trên khoảng cách của gần 100 lần đường kính ống từ nơi phun, công tác bảo dưỡng có thể được đơn giản hóa bằng kết cấu đặc biệt, cũng có thể sử dụng đầu dò mẫu mà không làm giảm áp suất đường ống.
Cần tránh lắp đặt thiết bị hoạt động lân cận bên dưới của điểm phun.
7.4 Chịu áp
Các phần của thiết bị tạo mùi trong hệ thống phun không chịu áp cần được bảo vệ bằng các van một chiều và van an toàn và kiểm tra theo các quy định hiện hành.
Đối với thiết bị tạo mùi có bơm, tất cả các bộ phận ở sau bơm ví dụ như ống phun cần được thiết kế để áp suất đầu ra của bơm lớn nhất.
7.5 Bổ sung chất tạo mùi
7.5.1 Kiểm soát lượng bổ sung
Thể tích chất tạo mùi dạng lỏng theo yêu cầu được bơm vào dòng khí cần được điều chỉnh bằng kiểm soát lưu lượng khối lượng hoặc lưu lượng thể tích và thiết bị dẫn hướng. Phép đo dòng khí được sử dụng để kiểm soát tần suất của bơm phun hoặc thiết bị điều khiển dòng bằng thiết bị kiểm soát.
Đối với thiết bị tạo mùi dòng nhánh, mối tương quan giữa dòng khí chính và dòng khí cục bộ được bão hòa với chất tạo mùi cần được điều chỉnh để đạt được nồng độ chất tạo mùi theo yêu cầu.
7.5.2 Thiết bị điều khiển và giám sát
Lượng chất tạo mùi được phun vào dòng khí và được kiểm soát ở thiết bị tạo mùi. Ví dụ khi thiết bị điều khiển được sử dụng:
– Hệ thống các ống thủy tinh chia độ;
– Kiểm soát mức chất lỏng của vật chứa chất tạo mùi;
– Kiểm soát dung tích theo liều tự động;
– Điều khiển xung phun.
7.5.3 Thử nghiệm và vận hành
Các thiết bị tạo mùi, các cấu kiện của chúng hay sự lắp đặt hoàn chính cần được thử nghiệm bởi nhà sản xuất về tính toàn vẹn và độ kín theo các quy định hiện hành.
Thiết bị tạo mùi hoàn chỉnh được lắp với thiết bị phun cần được kiểm tra tại điểm lắp đặt cuối cùng để thử rò rỉ và chức năng hoạt động phù hợp. Các khuyến nghị của nhà sản xuất cần được tuân thủ. Thử nghiệm tại nơi lắp đặt cuối cùng cần được ghi chép lại.
8 Bổ sung chất tạo mùi cần thiết
8.1 Lưu ý chung
Do vấn đề an toàn là vấn đề rất quan trọng trong ngành công nghiệp khí nên khi có mùi càng mạnh càng tốt hơn. Tuy nhiên, có thể thiết lập ngưỡng trên để tránh các khiếu nại về rò rỉ không biện minh được do lượng nhỏ khí không được đốt hết thoát ra trong quá trình đốt cháy. Mức tạo mùi thừa cũng có thể dẫn đến việc ngửi thấy khí thoáng qua hoặc thường xuyên liên quan đến rò rỉ ở mức rất nhỏ mà không thể bịt kín và khu biệt. Điều này có thể dẫn đến người sử dụng bị quen mùi và mất khả năng nhận diện mùi khó chịu của khí khi rò rỉ khi thực sự xảy ra. Ở hầu hết các quốc gia, tạo mùi cho khí là yêu cầu pháp lý quy định rằng khí thiên nhiên trong không khí luôn có thể nhận biết được bằng mùi tại nồng độ 20 % (hệ số an toàn 5) của giới hạn cháy thấp (LFL). LFL của khí thiên nhiên thường được lấy là tỷ lượng theo thể tích của khí thiên nhiên trong không khí 4 % đến 5 %. Tuy nhiên, các quy định địa phương có thể xác định các quy tắc tạo mùi khác.
Mức chất tạo mùi được bổ sung được dựa trên các hệ số khác nhau mà không phải tất cả dựa trên phép đo, ví dụ kinh nghiệm địa phương. Mục tiêu điển hình lá dân số với chức năng khứu giác bình thường sẽ có thể ngửi thấy khí dã được tạo mùi trước khi nồng độ của khí đạt đến giới hạn quy định (điển hình là 20 % LFL) và do vậy thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ. Các phương pháp tiếp cận khác nhau được áp dụng để xác định và đánh giá nồng độ của chất tạo mùi được yêu cầu để đạt được ảnh hưởng này.
9 Kiểm soát tạo mùi
9.1 Tổng quát
Kiểm soát tạo mùi là cần thiết để kiểm tra chức năng chính xác của thiết bị tạo mùi. Hơn nữa, tạo mùi khí thường là yêu cầu từ nhà chức trách bên ngoài. Việc kiểm soát này nhìn chung cần thiết đối với việc chứng minh chất lượng tạo mùi liên quan đến các quy định hiện hành. Do vậy, cần rất chú ý đến tài liệu được yêu cầu, các quy trình điều tra có liên quan được yêu cầu theo các quy định hiện hành và/hoặc các tiêu chuẩn, cũng như cơ sở pháp lý liên quan đến điều tra tai nạn do khí. Nếu không có các quy định địa phương, các khuyến nghị sau cần được tuân theo.
Tất cả các kết quả kiểm tra, bảo dưỡng và đo đạc cần được ghi lại theo phương thức phù hợp và lưu hồ sơ theo thời gian do các quy định địa phương quy định đối với thiết bị an toàn khí
9.2 Kiểm tra hệ thống và thiết bị tạo mùi
Khuyến nghị kiểm tra tính năng bằng kiểm soát tự động từ xa hoặc bằng kiểm tra thường xuyên tại hiện trường theo các khuyến nghị của nhà sản xuất thiết bị tạo mùi.
9.3 Kiểm soát sự tạo mùi của khí
Khuyến nghị kiểm soát sự tạo mùi trong mạng lưới dẫn khí thường xuyên.
Kiểm soát có thể được thực hiện bằng cách xác định hàm lượng chất tạo mùi trong khí và/hoặc bằng thử nghiệm khứu giác.
Kiểm soát hàm lượng chất tạo mùi trong khi có thể liên tục sử dụng thiết bị đo đã được lắp đặt vĩnh viễn hoặc kiểm soát không liên tục.
Đặc biệt, mạng lưới mới có thể yêu cầu kiểm soát thường xuyên hơn do các ảnh hưởng tương tác có thể có của chất tạo mùi đối với vật liệu đường ống.
Đối với thời gian kiểm soát, tuân theo các quy định tại địa phương, số điểm kiểm soát và tần suất lấy mẫu cần cố định theo người vận hành mạng lưới.
Để xác định hàm lượng chất tạo mùi trong khí được phân phối, nên sử dụng các phương pháp phân tích định lượng. Đối với các chất tạo mùi có lưu huỳnh, phương pháp sắc ký khí được quy định trong TCVN 12552 (ISO 19739) sử dụng detector lưu huỳnh cụ thể hoặc sắc ký với cột phân giải cao nên được lấy làm phương pháp chuẩn. Đồng thời, có thể sử dụng các thiết bị đo cầm tay nếu tác động của các thành phần ảnh hưởng đến kết quả phép đo có thể được loại trừ. Cần cẩn trọng để lấy mẫu đúng (xem TCVN 12546 (ISO 10715)) và sử dụng hỗn hợp khí hiệu chuẩn đã được chứng nhận.
9.4 Các phàn nàn về mùi
Phản ứng đối với cảm nhận về mùi khí từ phía dân cư có thể là phàn nàn về mùi, theo đó một cá nhân thông báo cơ sở khí rằng có thể xảy ra rò rỉ khí. Các công ty khí nhìn chung có nghĩa vụ đưa ra phản ứng khẩn cấp đối với những lời phàn nàn như vậy. Một số lượng lớn những lời phàn nàn này có thể không dẫn đến việc phát hiện rò rỉ khí do nhiều lý do (sự nhầm lẫn về mùi, sự diễn giải sai, mùi từ các nguồn khác). Tuy nhiên, việc giải quyết những phàn nàn về mùi có thể là lợi thế để đánh giá sự thành công của nguyên tắc tạo mùi.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] KATZ S.H., & TALBERT E.J. Intensities of odors and irrtating effects of warning agents for inflammable and poisonous gases. US Department of commerce, Bureau of Mines, Technical paper 480, 1930 (Cường độ mùi và các tác động gây ngứa của chất cảnh báo đối với khí độc và có tính cháy, Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, văn phòng khai khoáng, Báo cáo kỹ thuật 480, 1930)
[2] STEVEN S.S. On the psychophysical law. Psychol. Rev. 1957, 64 pp. 153-191 (Luật tâm-vật lý. Psychol. Rev. 1957, 64 pp. 153-191)
[3] SALES M. Odeur et odorization. IGU/36-58, 7th International Gas Conference, 1958
[4] STEVEN S.S. The psychophysics of sensory metrics. Am. Psychol Sci. 1960, 48 pp. 226-253 (Tâm-vật lý về chức năng cảm ứng. Am. Sci. 1960, 48 pp. 226-253)
[5] STEVEN S.S. The surprising simplicity of sensory metrics Am. Psychol. 1962, 17 pp. 29-39(Tính đơn giản bất ngờ của máy đo cảm ứng. Am. Psychol. 1962, 17 pp. 29-39)
[6] NEVERS A.D., & OISTUR W.H. Problems in the critical comparison of odor intensities Am. Gas Ass. Oper. Sec. Proc, 1965, pp. 126-9 (Các vấn đề trong so sánh tới hạn cường độ mùi. Am. Gas Ass. Open See. Proc, 1965, pp. 126-9)
[7] ANGLERAUD 0., & BORELLI F. Etudes pratiques sur Vodorization. Intensites d’odeur des differents gaz. Compte rendu du 82e Congres de I’Industrie du gaz. Asscoc. Tech. De T Industrie du gaz, 1965, pp. 862-904
[8] SALES M., BORELLIF., ANNARATIONES. Etude de la relation entre le stimulus et les sensations olfactives – Application a Todorization des gaz. IGU/D6-67, 10th International Gas Conference, 1967
[9] WIENKE K. Ermitllung und Uberprufung der Geruchsintensitatskurven von Gasen und Odoriermitteln. Gas Warme International, 18, 1969, pp. 223-232 andpp. 418-421
[10] COM GERG de liaison Odorization des gaz Courbes de r intensite d’odeur de quelques odorisants pourgaz a base de fulfures aliphatiques, de THT et de mercaptans., 1970
[11] DENSHAM M.A. et al. The odorization of natural gas I.G.E. Journal, 1971, pp. 529/547 (Sự tạo mùi khí thiên nhiên. Tạp chí I.G.E., 1971, pp. 529/547)
[12] BLANCHARD J. Relation entre I’odeur d’un gaz et sa teneur en mercaptans. Compte Rendu du 93e Congres de Tindustrie du gaz, Assoc. Tech. De Tindustrie du gaz, 1976, pp. 509-531
[13] COQUAND J.-P. Vers une nouvelle regie d’odorization. Compte rendu du 103e Congres de Tindustrie du gaz, Assoc. Tech. De Tindustrie du gaz, 1986, pp. 1-13
[14] CAGNON F. Towards a new odorant, results of field experiments. IGT Symposium, Chicago, 1992 (Hướng đến chất tạo mùi mới, kết quả thí nghiệm tại hiện trường. Hội nghị chuyên đề IGT, Chicago, 1992)
[15] CAGNON F., HAGGE E., HEIMLICH F., KAESLER H., KUIPER VAN 100 E., LOPEZ ZURITA J.M., RIJNAARTS S., ROBINSON C., SALATI E., VINCK H. Combination of threshold and odour intensity tests: Application to gas odorant. IGT Odorization Symp. Chicago, July 2000 (Kết hợp các thử nghiệm cường độ mùi và ngưỡng: Áp dụng với đánh giá chất tạo mùi khí. Hội nghị chuyên đề tạo mùi IGT. Chicago, tháng 7 năm 2000)
Các tiêu chuẩn quốc gia hoặc các quy định
[16] ASTM D 6273-98, Standard test methods for natural gas odour intensity (Phương pháp xác định cường độ mùi khí thiên nhiên)
[17] British gas analytical methods, 2.4.2. Odoour intensity, 2nd issue, 1982 (Phương pháp phân tích khí của Anh, 2.4.2. Cường độ mùi, An phẩm xuất bản lần 2, 1982)
[18] DVGW-ArbeitsbIatt G 280-1, Gasodorierung, 2012
[19] NEN 1059:1994, Eisen voor gasdrukreget-en meetstations met inlaatdruk lager dan 100 bar
[20] NR X 43-103:1996, Qualite de I’air; Measures olfactometriques – Mesurage de I’odeur d’un effluent gazeux
[21] NF X 43-104:1996, Qualite de Fair, Atmospheres odorantes; Methodes de prelevement
[22] UNI 7132:1995. Odorization and odorizers for gas for dosmetic use, distributed through pipings or liquefied gas in cylinders – term and definitions (Tạo mùi và thiết bị tạo mùi đối với khí sử dụng trong sinh hoạt, được phân phối qua đường ống hoặc khí hóa lỏng trong chai chứa – Các thuật ngữ và định nghĩa)
[23] UNI7133:2006, Gas odorization for dosmetic and similart users – Procedures, charateristics and tests (Tạo mùi khí đối với sử dụng sinh hoạt và tương tự – Quy trình, đặc tính và thử nghiệm)
[24] OVGW Richtlinie G 79 Gasodorierung (2005)
[25] US Department of transportation 192.625:2000 (Cục giao thông Hoa kỳ)
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12550:2018 (ISO/TR 16922:2013) VỀ KHÍ THIÊN NHIÊN – TẠO MÙI | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN12550:2018 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Hóa chất, dầu khí |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |