TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12986-12:2022 VỀ LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50 000 PHẦN ĐẤT LIỀN – PHẦN 12: PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN SƠ BỘ
LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50 000 PHẦN ĐẤT LIỀN – PHẦN 12: PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN SƠ BỘ
Onshore 1:50,000-scale geological and mineral mapping – Part 12: Methods of preliminary servey on minerals
Lời nói đầu
TCVN 12986-12:2022 do Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam biên soạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 12986 Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50 000 phần đất liền gồm các phần sau:
– TCVN 12986 -1:2020, Phần 1: Phương pháp đo vẽ các thành tạo trầm tích Đệ tứ
– TCVN 12986 -2:2020, Phần 2: Phương pháp đo vẽ các thành tạo trầm tích trước Đệ tứ
– TCVN 12986 -3:2020, Phần 3: Phương pháp đo vẽ các thành tạo biến chất
– TCVN 12986 -4:2020, Phần 4: Phương pháp đo vẽ các thành tạo núi lửa không phân tầng
– TCVN 12986 -5:2020, Phần 5: Phương pháp đo vẽ cấu trúc – kiến tạo
– TCVN 12986 -6:2020, Phần 6: Phương pháp đo vẽ vỏ phong hóa
– TCVN 12986 -7:2020, Phần 7: Phương pháp điều tra tai biến địa chất
– TCVN 12986 -8:2020, Phần 8: Phương pháp điều tra địa chất môi trường
– TCVN 12986 -9:2022, Phần 9: Phương pháp đo vẽ các thành tạo xâm nhập
– TCVN 12986 -10:2022, Phần 10: Phương pháp đo vẽ địa mạo
– TCVN 12986 -11:2022, Phần 11: Phương pháp điều tra di sản địa chất
– TCVN 12986 -12:2022, Phần 12: Phương pháp điều tra khoáng sản sơ bộ
– TCVN 12986 -13:2022, Phần 13: Phương pháp điều tra khoáng sản chi tiết
– TCVN 12986 -14:2022, Phần 14: Phương pháp điều tra địa chất thủy văn
– TCVN 12986 -15:2022, Phần 15: Phương pháp điều tra địa chất công trình
LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50 000 PHẦN ĐẤT LIỀN – PHẦN 12: PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN SƠ BỘ
Onshore 1:50,000-scale geological and mineral mapping – Part 12: Methods of preliminary servey on minerals
Tiêu chuẩn này quy định quy trình điều tra khoáng sản sơ bộ trong công tác lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50 000 phần đất liền.
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1
Điều tra khoáng sản sơ bộ
Điều tra, khảo sát trên toàn diện tích lập bản đồ tỷ lệ 1:50 000 nhằm phát hiện các khu vực có tiền đề địa chất thuận lợi, các biểu hiện quặng; xác định các kiểu quăng hóa; xác định các yếu tố khống chế, tập trung quặng; sơ bộ đánh giá chất lượng quặng; khoanh định các diện tích có triển vọng để điều tra chi tiết khoáng sản.
3 Yêu cầu về nội dung điều tra
3.1 Điều tra trên toàn diện tích
Điều tra trên toàn diện tích nhằm phát hiện các khu vực có tiền đề địa chất thuận lợi, dấu hiệu khoáng sản trực tiếp và gián tiếp, bao gồm các điểm lộ quặng, các vành phân tán trọng sa, các dị thường địa vật lý và địa hóa, các khu vực có đá biến đổi gần quặng hoặc có tiền đề địa chất thuận lợi cho tạo khoáng.
3.2 Điều tra tại các khu vực có tiền đề địa chất thuận lợi và có dấu hiệu khoáng sản:
– Tìm kiếm, phát hiện các biểu hiện khoáng sản; sơ bộ xác định chất lượng khoáng sản;
– Bước đầu xác định kiểu khoáng hóa, phương phát triển, kích thước của đới khoáng hóa hoặc thân quặng làm cơ sở cho việc thiết kế các phương pháp tìm kiếm;
– Xác lập các yếu tố khống chế, tập trung quặng hóa; xác định diện tích, quy mô khoáng hóa;
– Khoanh định các diện tích có triển vọng khoáng sản để điều tra chi tiết tiếp theo.
4 Yêu cầu về kỹ thuật thực hiện
4.1 Phân tích ảnh viễn thám
Khoanh định dự đoán các khu vực có các tiền đề, dấu hiệu địa chất thuận lợi cho việc tích tụ, hình thành và khống chế quặng hóa gồm diện phân bố của các thành tạo địa chất liên quan tới khoáng sản, các khối magma ẩn, cấu trúc đặc thù (cấu trúc vòng, tuyến), đới cà nát, nơi giao nhau của các đứt gãy để định hướng cho lộ trình khảo sát tìm kiếm, phát hiện khoáng sản.
4.2 Lộ trình địa chất
4.2.1 Chuẩn bị tài liệu trước khi khảo sát thực địa
Phân tích, xử lý các tài liệu địa chất, địa vật lý, các biểu hiện khoáng hóa có trước, kết hợp với các kết quả phân tích ảnh viễn thám, kết quả trọng sa, địa hóa diện tích trước đó để xác định các khu vực có triển vọng phát hiện khoáng sản để định hướng bố trí lộ trình tìm kiếm khoáng sản.
4.2.2 Bố trí lộ trình khảo sát
Công tác điều tra khoáng sản sơ bộ được tiến hành đồng thời trong quá trình lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50 000. Do vậy, việc điều tra khoáng sản sơ bộ được thực hiện kết hợp trong các lộ trình khảo sát địa chất trên toàn diện tích. Mật độ lộ trình trung bình trên toàn diện tích như sau:
Vùng có cấu trúc địa chất đơn giản: (0,4 – 0,6) km/km2;
Vùng có cấu trúc địa chất trung bình: (0,6 – 0,8) km/km2;
Vùng có cấu trúc địa chất phức tạp: (0,8 – 1,2) km/km2;
Vùng có cấu trúc địa chất rất phức tạp: (1,2 – 1,4) km/km2.
4.2.3 Khi phát hiện khu vực có tiền đề địa chất thuận lợi và có dấu hiệu khoáng sản, mật độ lộ trình được tăng lên 1,2-1,5 lần so với mật độ trung bình của vùng nêu tại mục 4.2.2 để tìm kiếm, phát hiện các biểu hiện khoáng sản.
4.2.4 Trên mỗi lộ trình khảo sát có đánh dấu các điểm khảo sát. Các điểm khảo sát được lựa chọn là các vết lộ có biểu hiện khoáng sản đặc trưng được phát hiện, khoảng cách giữa các điểm không lớn hơn 500 m. Tại các khu vực có tiền đề địa chất thuận lợi và có dấu hiệu khoáng sản, khoảng cách giữa các điểm khảo sát từ (250-300) m. Giữa các điểm cần được khảo sát, mô tả liên tục về địa chất, khoáng sản.
4.2.5 Thu thập tài liệu:
– Thu thập tài liệu địa chất: thu thập, mô tả các đối tượng địa chất là môi trường chứa quặng; các yếu tố địa chất thuận lợi cho việc tích tụ, hình thành và khống chế quặng hóa; lấy mẫu phân tích xác định thành phần, đặc điểm của các đối tượng địa chất liên quan khoáng sản.
– Thu thập các dấu hiệu quặng: tìm kiếm, phát hiện các biểu hiện khoáng hóa, các thân quặng; sơ bộ xác định hình dạng, kích thước, thế nằm của các đới khoáng hóa, thân quặng; lấy mẫu phân tích xác định thành phần, chất lượng của khoáng sản.
– Khoanh định sơ bộ diện phân bố của khoáng sản. Cụ thể với một số khoáng sản như sau:
+ Đối với khoáng sản nguồn gốc trầm tích hoặc khoáng sản có dạng phân tầng thì cần khoanh định được các tầng sản phẩm hoặc có khả năng thành tầng sản phẩm;
+ Đối với các khoáng sản kim loại hoặc không kim loại có hình thái phức tạp, cần khoanh định được các khu vực có các dấu hiệu tìm kiếm trực tiếp hoặc gián tiếp (lộ quặng; đới, diện phân bố tảng lăn; dị thường khoáng vật, địa hóa; dị thường địa vật lý; các đá biến đổi);
+ Đối với khoáng sản sa khoáng, cần khoanh định các khu vực phân bố các trầm tích chứa sa khoáng, các tầng sản phẩm;
+ Đối với khoáng sản nguồn gốc phong hóa, cần khoanh định các khu vực có khả năng là sản phẩm hoặc các diện phân bố vỏ phong hóa có liên quan với khoáng sản;
+ Đối với các khoáng sản vật liệu xây dựng, cần khoanh định diện phân bố của chúng;
+ Đối với khoáng sản phóng xạ hoặc có năng tính phóng xạ, việc khoanh định các diện tích chứa quặng dựa trên kết quả đo xạ;
+ Đối với tất cả các khoáng sản, cần xác định được quan hệ không gian, sơ bộ xác định quan hệ nguồn gốc của khoáng sản với các thành tạo địa chất; xác định các yếu tố khống chế quặng đồng thời với việc nghiên cứu các dấu hiệu tìm kiếm thuận lợi.
4.3 Lấy mẫu trọng sa, địa hóa
Lựa chọn các diện tích có tập trung các dị thường nguyên tố, khoáng vật, hoặc các dị thường khoáng vật, nguyên tố bậc cao có thể là các dấu hiệu tìm kiếm trực tiếp một số khoáng sản kim loại, tiến hành lấy mẫu trọng sa, địa hóa để định hướng cho tìm kiếm, phát hiện các biểu hiện khoáng sản liên quan.
Lấy mẫu trọng sa công trình khi có các dấu hiệu tích tụ khoáng sản sa khoáng.
Lấy mẫu giã đãi (trọng sa nhân tạo) để xác định thành phần khoáng vật của các khoáng sản kim loại.
4.4 Đo địa vật lý
Áp dụng đối với các khoáng sản có từ tính, phóng xạ hoặc có năng tính phóng xạ (các phương pháp địa vật lý mỏ khác chỉ áp dụng khi tìm kiếm khoáng sản chi tiết). Tiến hành đo xạ, từ để tìm kiếm, phát hiện các biểu hiện khoáng sản, các khu vực chứa khoáng sản phóng xạ. Việc đo từ hoặc xạ được tiến hành theo các lộ trình địa chất hoặc theo tuyến cắt ngang toàn bộ dị thường (từ, xạ) theo tài liệu có trước hoặc toàn diện tích của đối tượng địa chất có khả năng gây dị thường.
Kết quả công tác đo địa vật lý phải khoanh định được các dị thường (từ, xạ), dự báo khoáng sản có liên quan.
4.5 Khai đào công trình
4.5.1 Hố
Tiến hành để nghiên cứu đặc điểm của các loại khoáng sản có nguồn gốc trầm tích, phong hóa có chiều sâu phân bố tối đa đến 2m, lấy mẫu phân tích cần thiết.
4.5.2 Dọn sạch vết lộ
Tiến hành để nghiên cứu đặc điểm của khoáng sản hoặc các đối tượng địa chất liên quan khoáng sản khi chúng lộ ra không đầy đủ trên các vách tự nhiên, nhân tạo, lấy mẫu phân tích cần thiết.
4.5.3 Hào
Tiến hành để nghiên cứu đặc điểm của khoáng sản hoặc các đối tượng địa chất liên quan khoáng sản theo chiều sâu đến 8m, lấy mẫu phân tích cần thiết.
4.6 Phân tích mẫu
4.6.1 Mẫu độ hạt
Xác định thành phần, tỷ lệ các cấp hạt của một số loại khoáng sản có nguồn gốc trầm tích hoặc phong hóa.
4.6.2 Mẫu hàm suất
Xác định tỷ lệ trọng lượng quặng trong mẫu (kg/m3) đối với một số loại quặng phân bố trong trầm tích bở rời, vỏ phong hóa hoặc quặng lăn.
4.6.3 Mẫu lát mỏng thạch học
Xác định đặc điểm kiến trúc, cấu tạo, thành phần khoáng vật các đới đá biến đổi liên quan khoáng sản.
4.6.4 Mẫu khoáng tướng
Xác định thành phần khoáng vật quặng; đặc điểm hình thái, cấu tạo, kiến trúc, quan hệ, các giai đoạn hình thành của các khoáng vật quặng.
4.6.5 Các loại mẫu phân tích khác
Phân tích địa hóa quặng (nguyên tố chính, nguyên tố đi kèm) bằng các phương pháp phù hợp.
4.7 Xử lý, phân tích và tổng hợp số liệu
Tiến hành phân tích, xử lý, tổng hợp các tài liệu khảo sát thực địa, viễn thám, công trình, đo địa vật lý, mẫu phân tích để xác định thành phần, đặc điểm, chất lượng, quy mô phân bố của các loại khoáng sản trên diện tích điều tra, các tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm, các yếu tố khống chế quặng. Sơ bộ xác định nguồn gốc khoáng sản.
Thành lập sơ đồ địa chất – khoáng sản. Trên đó thể hiện các khu vực có tiền đề địa chất thuận lợi, các dấu hiệu khoáng sản và các mỏ, điểm quặng, khoanh định các diện tích có triển vọng khoáng sản để điều tra chi tiết tiếp theo. Sơ đồ đồ địa chất – khoáng sản có thể thành lập ở các tỷ lệ khác nhau từ 1:25 000 – 1:10 000 tùy thuộc loại khoáng sản và mức độ phong phú của các thông tin cần thể hiện.
5.1 Tài liệu nguyên thủy
5.1.1 Nhật ký, bản đồ lộ trình
Nhật ký thể hiện các kết quả khảo sát thực địa theo lộ trình như nội dung quy định tại mục 4.2. Bản đồ lộ trình thể hiện đường lộ trình, điểm khảo sát, diện phân bố và đặc điểm các thành tạo địa chất có liên quan khoáng sản; các yếu tố và đối tượng địa chất là tiền đề thuận lợi cho tạo quặng; vị trí phát hiện khoáng hóa, biểu hiện khoáng sản.
5.1.2 Các thiết đồ hố, dọn sạch vết lộ, hào kèm theo bản mô tả.
5.1.3 Các tài liệu đo địa vật lý.
5.1.4 Các kết quả phân tích mẫu.
5.1.5 Các ảnh chụp, sơ đồ, bản vẽ được thành lập tại thực địa.
5.2 Tài liệu xử lý, tổng hợp
5.2.1 Các sơ đồ, biểu đồ xử lý, tổng hợp, luận giải các kết quả.
5.2.2 Sơ đồ địa chất – khoáng sản
Tại các khu vực được phát hiện có triển vọng khoáng sản, đã được đan dày lộ trình địa chất và khoanh định các diện tích sẽ điều tra chi tiết khoáng sản, tiến hành lập sơ đồ địa chất – khoáng sản được thành lập ở tỷ lệ 1:25 000 – 1:10 000 tùy thuộc loại khoáng sản và mức độ phong phú của các thông tin cần thể hiện. Trên sơ đồ này thể hiện các thông tin chủ yếu sau:
– Diện phân bố và đặc điểm các thành tạo địa chất có liên quan khoáng sản; các yếu tố và đối tượng địa chất là tiền đề thuận lợi cho tạo quặng.
– Các cấu trúc uốn nếp, đứt gãy, các đới cà nát, đới đá biến đổi có khả năng chứa khoáng hóa hoặc có khả năng liên quan đến sự tập trung quặng.
– Các thông tin về khoáng sản: các biểu hiện khoáng hóa, các diện phân bố quặng lăn, các vành phân tán nguyên sinh, thứ sinh của khoáng vật và nguyên tố, các mẫu quặng đạt hàm lượng công nghiệp trở lên, các mẫu trọng sa, kim lượng có hàm lượng đột biến, các dị thường địa vật lý, các thân quặng, các đới khoáng hóa, các công trình gặp quặng và không gặp quặng.
– Các diện tích có triển vọng đề nghị điều tra khoáng sản chi tiết tiếp theo.
5.2.3 Báo cáo kết quả
Trình bày các phương pháp, khối lượng thực hiện.
Các kết quả điều tra địa chất, khoáng sản:
– Cấu trúc địa chất khu vực điều tra: trình bày cụ thể đặc điểm địa tầng, magma, cấu trúc địa chất với các thông tin định lượng đã thu thập được, đặc biệt là các thông tin có liên quan trực tiếp đến sự hình thành và tồn tại khoáng sản.
– Đặc điểm khoáng sản: trình bày đặc điểm của các loại khoáng sản có trong diện tích. Trong đó tập trung vào việc mô tả các khoáng sản được phát hiện mới. Đối với mỗi khoáng sản nêu rõ các đặc điểm, thành phần, hàm lượng quặng; tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm hoặc các yếu tố khống chế quặng; đánh giá, nhận định về triển vọng của loại khoáng sản đó.
– Đề nghị các diện tích điều tra khoáng sản chi tiết tiếp theo, gồm các nội dung: loại khoáng sản, diện tích điều tra chi tiết, các phương pháp áp dụng; những vấn đề cần lưu ý khi tiến hành điều tra chi tiết khoáng sản tiếp theo.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Bộ Công nghiệp, 2000. Quy chế tạm thời về lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50 000 (1:25 000) ban hành kèm theo Quyết định số: 56/2000/QĐ-BCN ngày 22 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
[2] Đào Đình Thục (Chủ biên), 2003. Bổ sung biên soạn hướng dẫn các phương pháp lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50 000 (1:25 000). Tập 3. Phần 4. Chương 16. Điều tra khoáng sản sơ bộ và chi tiết trong lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50 000. Lưu trữ Địa chất, Hà Nội.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12986-12:2022 VỀ LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50 000 PHẦN ĐẤT LIỀN – PHẦN 12: PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN SƠ BỘ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN12986-12:2022 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |