TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 13758:2023 (ASTM D 4505-12) VỀ BĂNG DÁN VẠCH KẺ ĐƯỜNG PHẢN QUANG ĐỊNH HÌNH CÓ THỜI HẠN SỬ DỤNG CAO – YÊU CẦU KỸ THUẬT
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13758:2023
ASTM D 4505-12
BĂNG DÁN VẠCH KẺ ĐƯỜNG PHẢN QUANG ĐỊNH HÌNH CÓ THỜI HẠN SỬ DỤNG CAO – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Standard specification for preformed retroreflective pavement making tape for extended service life
Lời nói đầu
TCVN 13758:2023 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tương đương với ASTM D 4505-12 Standard specification for preformed retroreflective pavement making tape for extended service life với sự cho phép của ASTM quốc tế, 100 Barr Harbor Dive, West Conshohoken, PA 19428, USA. Tiêu chuẩn ASTM D 4505-12 thuộc bản quyền của ASTM quốc tế.
TCVN 13758:2023 do Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải biên soạn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
BĂNG DÁN VẠCH KẺ ĐƯỜNG PHẢN QUANG ĐỊNH HÌNH CÓ THỜI HẠN SỬ DỤNG CAO – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Standard specification for preformed retroreflective pavement making tape for extended service life
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với cả hai loại băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình màu vàng và màu trắng, khi thi công trên bề mặt đường bộ cho thời hạn sử dụng thường lớn hơn một năm tùy thuộc vào các yếu tố mài mòn và độ bền lâu.
Băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình phù hợp đề thi công vạch kẻ đường ngang và dọc kề cả thi công các chữ/ký hiệu giao thông trên đường. Loại băng dán này được thiết kế nhằm mục đích thi công vạch kẻ đường với thời hạn sử dụng cao.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 10271:2014, Mặt đường ô tô -Xác định sức kháng trượt của bề mặt đường bằng phương pháp con lắc Anh;
TCVN 10832:2015, Vật liệu kẻ đường phản quang – Màu sắc – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.
ASTM D 1000, Standard Test methods for Pressure-Sensitive Adhesive-Coated Tapes Used for Electrical and Electronic Applications (Tiêu chuẩn các phương pháp thử áp dụng cho các loại băng dán nhạy áp lực sử dụng trong thiết bị điện – điện tử);
ASTM D 1898, Standard Practice for Sampling of Plastics (Tiêu chuẩn lấy mẫu chất dẻo).
ASTM D 4061, Standard Test Method for Retroreflectance of Horizontal Coatings (Tiêu chuẩn phương pháp thử xác định độ phản quang trên các lớp phủ nằm ngang);
ASTM D 6628, Standard Specification for Color of Pavement Marking Materials (Tiêu chuẩn kỹ thuật quy định màu sắc của vật liệu kẻ đường)]
ASTM E 303, Standard Test Method for Measuring Surface Frictional Properties Using British Pendulum Tester (Tiêu chuẩn phương pháp thử xác định ma sát bề mặt đường bằng phương pháp con lắc Anh);
ASTM E 1710, Standard Test Method for Measurement of Retroreflective Pavement Marking Materials with CEN-Prescribed Geometry Using a Portable Retroreflectometer (Tiêu chuẩn phương pháp thử xác định độ phản quang cho vật liệu kẻ đường phản quang theo phương pháp hình học CEN thông qua thiết bị đo phản quang cầm tay).
3 Thuật ngữ, định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.
3.1
Thời hạn sử dụng cao (extended service life or period)
Thời hạn sử dụng tối thiểu là 12 tháng kể từ lúc thi công, tuân thủ theo các quy trình đã được nhà sản xuất khuyến cáo đối với các bề mặt thi công.
3.1.1 Thảo luận
Xem Điều 7 về các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền lâu.
3.2
Băng dán định hình (preformed tape)
Vật liệu vạch kẻ đường linh hoạt, liên tục về cơ bản đã hoàn thiện sẵn sau đó dán hoặc cố định lên bề mặt đường mà không làm thay đổi các đặc tính cơ bản của nó.
3.3
Phản quang (retroreflection)
Hiện tượng phản xạ ánh sáng trong đó các tia phản xạ có hướng gần trùng với hướng chiếu của tia sáng gốc, đặc tính này luôn được duy trì khi thay đổi hướng chiếu của tia sáng gốc.
3.4
Hoa văn bề mặt (surface pattern)
Những chi tiết được chế tạo cao hơn so với các phần diện tích còn lại trên bề mặt.
4 Phân loại
4.1 Băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình được nhận diện như sau:
4.1.1 Độ phản quang mức I; độ bám dính loại 1, 2 hoặc 3; độ kháng trượt mức A hoặc B.
4.1.2 Độ phản quang mức II; độ bám dính loại 1, 2 hoặc 3; độ kháng trượt mức A hoặc B.
4.2 Phân loại theo độ phản quang
4.2.1 Độ phản quang mức I
Loại băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình, mà khi còn mới, đáp ứng các yêu cầu phản quang áp dụng cho độ phản quang mức I trong Bảng 1 khi thử nghiệm theo 6.4.
4.2.2 Độ phản quang mức II
Loại băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình, mà khi còn mới, đáp ứng các yêu cầu phản quang áp dụng cho độ phản quang mức II trong Bảng 1 khi thử nghiệm theo 6.4.
4.3 Phân loại theo độ bám dính
4.3.1 Loại 1
Loại băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình không có lớp keo phủ sẵn, dùng thi công kết hợp với việc sử dụng chất kết dính dạng lỏng.
4.3.2 Loại 2
Loại băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình có lớp keo nhạy áp lực phù sẵn, sử dụng với hoặc không sử dụng lớp keo chuẩn bị bề mặt hoặc lớp keo lót.
4.3.3 Loại 3
Loại băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình có lớp keo nhạy áp lực phủ sẵn được phủ bằng lớp bảo vệ có thể tháo ra dễ dàng.
4.4 Phân loại theo độ kháng trượt
4.4.1 Độ kháng trượt mức A
Loại băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình, mà khi còn mới có hệ số kháng trượt tối thiểu là 45 BPN khi thử nghiệm theo 6.6.
4.4.2 Độ kháng trượt mức B
Loại băng keo dán vạch kẻ đường phản quang định hình sẵn, mà khi còn mới có hệ số kháng trượt tối thiểu là 55 BPN khi thử nghiệm theo 6.6.
5 Thông tin đặt hàng
Người mua sử dụng tiêu chuẩn này phải bao gồm các thông tin sau:
– Viện dẫn tiêu chuẩn này, TCVN 13758:2023 (ASTM D 4505-12);
– Phân loại theo độ phản quang (I hoặc II; xem 4.2);
– Phân loại theo độ bám dính (1,2 hoặc 3; xem 4.3);
– Phân loại theo độ kháng trượt (A hoặc B; xem 4.4);
– Màu sắc ban ngày (xem 6.2);
– Chiều rộng và chiều dài cuộn;
– Các thông tin cần thiết khác.
6 Các yêu cầu
6.1 Yêu cầu về vật lý
6.1.1 Băng dán vạch kẻ đường phải linh hoạt và phải phù hợp với bề mặt đường điển hình.
6.1.2 Băng dán vạch kẻ đường phải bám chặt trên các bề mặt đường bê tông xi măng Poóc lăng hoặc mặt đường nhựa khi thi công tuân thủ theo các quy trình khuyến cáo của nhà sản xuất trên các bề mặt đường có nhiệt độ xuống tới 10 °C (50 °F).
6.2 Màu sắc
Băng dán vạch kẻ đường phản quang định hình màu trắng và màu vàng phải đáp ứng các yêu cầu trong TCVN 10832 hoặc ASTM D 6628.
6.3 Kích thước
Băng dán vạch kẻ đường khi được cung cấp không bị nứt mẻ, có các cạnh đều, phẳng và không bị đứt gãy. Chiều rộng thực tế của cuộn băng dán vạch kẻ đường khi trải không được nhỏ hơn chiều rộng danh định và không được lớn hơn 3mm (1/8 in) so với chiều rộng danh định. Chiều dài cuộn thực tế không ngắn hơn chiều dài cuộn danh định.
6.4 Phản quang
6.4.1 Băng dán vạch kẻ đường phải phản quang với màu trắng và màu vàng tương ứng, và có thể được nhận diện dễ dàng bằng mắt thường dưới ánh sáng đèn xe vào ban đêm đồng thời có hệ số phản quang ban đầu tối thiểu đạt yêu cầu quy định tại Bảng 1 khi thử nghiệm theo ASTM D 4061 hoặc ASTM E 1710.
Bảng 1 – Mức độ phản quang cho các mẫu mới, khôA
Góc tới |
Góc quan sát |
Mức độ phản quang |
Hệ số phản tối thiểu (RL), mcd/m2/lux |
|
Trắng |
Vàng |
|||
88,76° |
1,05° |
Độ phản quang mức I |
500 |
300 |
Độ phản quang mức II |
250 |
175 |
||
A Hệ số phản quang tối thiểu (RL) mcd m–2 Ix-1 (mcd fr-2 fc-1) |
CHÚ THÍCH 1: Hệ số phản quang có thể phụ thuộc vào hướng của băng dán vạch kẻ đường (ví dụ, hệ số RL đo theo chiều xuôi của cuộn băng dán vạch kẻ đường có thể khác so với hệ số RL đo theo chiều ngược lại của cuộn).
Hệ số phản quang của băng dán vạch kẻ đường phải được đo xuôi theo chiều của cuộn sau đó đo từ chiều ngược lại. Cả hai hệ số đo được phải tuân thủ hệ số RL tối thiểu như đã được quy định tại Bảng 1.
6.4.2 Giá trị phản quang phải được biểu thị là hệ số phản quang (Rl) tính bằng đơn vị millicandela/1 m2/1 lux (millicandela/1 ft2/1 fc).
CHÚ THÍCH 2: Các giá trị hệ số phản quang (RL) được trình bày bằng đơn vị SI, là đơn vị tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn thế giới, thay vì đơn vị inch-pound.
6.5 Độ bám dính
Một mẫu băng dán vạch kẻ đường có chiều rộng là 25,4 mm (1 in) được thi công theo quy trình khuyến nghị của nhà sản xuất và thực hiện thử nghiệm theo ASTM D 1000, phải có độ bám dính tối thiểu đạt yêu cầu quy định tại Bảng 2.
Bảng 2 – Độ bám dính
Nhiệt độ thi công, °C (°F) |
Nhiệt độ thử nghiệm, °C (°F) |
Độ bám dính tối thiểu, N |
10 (50) |
10 (50) |
4,88 |
24 (75) |
24 (75) |
4,88 |
46( 115) |
46 (115) |
4,88 |
6.6 Độ kháng trượt
Độ kháng trượt phải được thử nghiệm theo TCVN 10271 hoặc ASTM E 303.
CHÚ THÍCH 3: Đối với băng dán có dạng họa tiết bề mặt, kết quả thường khá khác nhau. Các loại băng dán này có thể được thử nghiệm theo hướng song song và hướng 45° so với hướng luồng giao thông, và kết quả được lấy theo giá trị trung bình.
CHÚ THÍCH 4: Mức độ kháng trượt 45 BPN tương ứng với băng dán có hạt bị thủy tinh phản quang. Băng dán có thể đạt được mức độ kháng trượt cao hơn nếu bổ sung thêm các hạt vật liệu có khả năng kháng trượt.
7 Độ bền lâu và độ kháng mài mòn
7.1 Các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền lâu và độ kháng mài mòn
7.1.1 Các đặc trưng của băng dán vạch kẻ đường như độ dày và vật liệu mài mòn bề mặt có thể ảnh hưởng đến độ bền. Nhìn chung, vật liệu dày hơn sẽ lâu mòn hơn so với vật liệu mỏng hơn khi có cùng thành phần vật liệu. Bề mặt mài mòn chứa các vật liệu cứng hơn như uretan sẽ bền hơn so với các bề mặt có chứa các vật liệu mềm hơn như vinyl.
7.1.2 Đặc tính bề mặt đường ảnh hưởng đến độ bền lâu
Bề mặt đường gồ ghề, bề mặt rỗ, xốp và lưu lượng giao thông cao có xu hướng làm giảm tuổi thọ của vạch kẻ đường. Tỷ lệ lưu lượng xe cỡ lớn lưu thông qua lại cao cũng góp phần làm giảm tuổi thọ của vạch kẻ đường. Việc lấn vạch hay có nhiều phương tiện giao thông cán lên bề mặt vạch kẻ đường làm giảm tuổi thọ vạch kẻ đường. Kỹ thuật và nguyên liệu sử dụng để xử lý băng và tuyết cũng ảnh hưởng đến độ bền lâu.
7.1.3 Băng dán được dính vào mặt đường bằng cách tạo rãnh hoặc cán nóng thường bền hơn băng dán cùng loại được dán phủ trên mặt đường.
7.2 Vì không có quy trình phòng thí nghiệm thực tế nào được xác định là cung cấp thông tin dự đoán đầy đủ, đáng tin cậy về độ bền và độ kháng mài mòn, nên khuyến cáo người dùng tìm kiếm thông tin từ các nguồn thay thế.
CHÚ THÍCH 5: Chương trình Đánh giá sản phẩm giao thông vận tải quốc gia Hoa Kỳ (do AASHTO quản lý) công bá dữ liệu về độ bền lâu của nhiều băng dán vạch kẻ đường được thu thập hàng năm từ các mặt đường thử nghiệm khác nhau. Các mặt đường thử nghiệm này có nhiều điều kiện khác nhau, có thể phù hợp hoặc không phù hợp với nhu cầu của người dùng.
8 Lấy mẫu
8.1 Kế hoạch lấy mẫu dựa trên thống kê phù hợp với từng loại và số lượng cụ thể được sử dụng để lấy mẫu cho phù hợp với bảng thông số kỹ thuật được đưa ra trong ASTM D 1898.
8.2 Các đơn vị mẫu lớn là các cuộn được lấy ngẫu nhiên trong lô đó. Một đơn vị mẫu nhỏ là mẫu băng keo dán lấy từ một cuộn.
9 Bảo quản
Băng dán vạch kẻ đường được cung cấp phải có thời hạn sử dụng tối thiểu là một năm kể từ ngày mua khi được bảo quản ở nhiệt độ dưới 38°C (100°F).
10 Bao gói và ghi nhãn
10.1 Băng dán vạch kẻ đường được bao gói dưới dạng cuộn và không được vượt quá ba đoạn, với chiều dài mỗi đoạn là 50 m (164 ft).
10.2 Băng dán vạch kẻ đường phải được ghi nhãn theo quy định hiện hành.
Phụ lục A
(Quy định)
Thảo luận về phương pháp hình học “30 m”
A.1 Thảo luận về phương pháp hình học “30 m”
Ủy ban Châu Âu về Tiêu chuẩn đo lường (CEN) đã phát triển phương pháp hình học sử dụng trong tiêu chuẩn này nhằm đo độ phản quang của băng dán vạch kẻ đường định hình sẵn (góc tới 88,76° và góc quan sát 1,05°). Các góc này bắt nguồn từ phương pháp thử nghiệm sử dụng độ cao điển hình áp dụng cho đèn pha và mắt của người lái. Những độ cao này được đơn giản hóa hơn nữa thông qua giả thuyết một đèn pha đơn gắn trực tiếp phía dưới tầm nhìn của người lái (Xem Hình A.1). Phương pháp hình học này được xem là phép ước tính hiệu quả cho người lái khi quan sát băng vạch kẻ đường định hình sẵn trên đoạn đường bằng phẳng, cách phía trước xe 30 m.
Phương pháp hình học CEN này áp dụng độ cao đèn pha ở mức 0,65 m và tầm cao quan sát là 1,20 m (trực tiếp với nhau) ở khoảng cách 30 m tính từ tâm của vạch phản quang. Kết quả thu được: góc quan sát đo được là 1,05° và góc tới đo được là 88,76°.
Hình A.1 – Phương pháp hình học CEN 30 m – Góc quan sát và góc tới áp dụng cho xe đã được đơn giản hóa
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Các ấn bản CIE:
No. 15.2 (Số 15.2), Colorimetry (Sắc kế).
No. 39.2 (Số 39.2), Recommendations for Surface Colours for Visual Signaling (Khuyến nghị về màu sắc bề mặt khi thi công các tín hiệu trực quan).
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 13758:2023 (ASTM D 4505-12) VỀ BĂNG DÁN VẠCH KẺ ĐƯỜNG PHẢN QUANG ĐỊNH HÌNH CÓ THỜI HẠN SỬ DỤNG CAO – YÊU CẦU KỸ THUẬT | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN13758:2023 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Giao thông - vận tải |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |