TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 37120:2018 VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO CỘNG ĐỒNG – CÁC CHỈ SỐ VỀ DỊCH VỤ VÀ CHẤT LƯỢNG SỐNG ĐÔ THỊ

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 37120:2018

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO CỘNG ĐỒNG – CÁC CHỈ SỐ VỀ DỊCH VỤ VÀ CHẤT LƯỢNG SỐNG ĐÔ THỊ

Sustainable development in communities – Indicators for city services and quality of life

 

Lời nói đầu

TCVN 37120:2018 được xây dựng trên cơ sở tham khảo ISO 37120:2014

TCVN 37120:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 268 Cộng đồng và đô thị bền vững biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và công nghệ công bố.

 

Lời giới thiệu

Các đô thị cần các chỉ số để đo lường kết quả hoạt động của mình. Các chỉ số hiện tại thường không được chuẩn hóa, không nhất quán khi so sánh theo thời gian hoặc giữa các đô thị.

Dựa trên phương thức tiếp cận toàn diện và tích hợp về sự phát triển bền vững và khả năng phục hồi, Tiêu chuẩn này cung cấp một phương thức tiếp cận thống nhất để đo lường dịch vụ và chất lượng cuộc sống đô thị, cũng như phương pháp thực hiện việc đo lường đó. Tiêu chuẩn này không ước định, không cung cấp một ngưỡng hay một giá trị cụ thể bằng số cho các chỉ số về các dịch vụ và chất lượng cuộc sống đô thị. Do vậy, một đô thị phù hợp với tiêu chuẩn này liên quan đến việc đo các chỉ số cho các dịch vụ và chất lượng cuộc sống của đô thị thì chỉ có thể tuyên bố sự tuân thủ của các kết quả đo này so với các yêu cầu của tiêu chuẩn.

Tùy thuộc vào đặc trưng cụ thể về mô hình phát triển, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển, điều kiện kinh tế – xã hội…. từng đô thị có thể lựa chọn, áp dụng và điều chỉnh các chỉ số được nêu trong tiêu chuẩn này sao cho phù hợp và đáp ứng được mục tiêu nâng cao dịch vụ và chất lượng cuộc sống tại đô thị.

Liên quan đến việc đo các chỉ số cho các dịch vụ và chất lượng cuộc sống của đô thị, một đô thị phù hợp với tiêu chuẩn này chỉ có thể tuyên bố sự tuân thủ với hiệu quả của các dịch vụ và chất lượng cuộc sống đó.

Các chỉ số này có thể được sử dụng để theo dõi và giám sát sự tiến triển trong kết quả hoạt động của đô thị. Để đạt được sự phát triển bền vững, cần phải xem xét đô thị như một hệ thống tổng thể. Hoạch định cho nhu cầu trong tương lai phải tính đến việc sử dụng và hiệu quả các nguồn lực hiện tại để lập kế hoạch tốt hơn cho ngày mai.

Các chỉ số và các phương pháp đo được kết hợp trong tiêu chuẩn này được xây dựng để giúp các đô thị:

a) đo lường việc quản lý kết quả hoạt động của các dịch vụ và chất lượng cuộc sống của đô thị theo thời gian;

b) học hỏi từ các đô thị khác bằng cách so sánh qua một loạt các phép đo kết quả hoạt động; và

c) chia sẻ các thực tiễn tốt nhất.

CHÚ THÍCH Cần lưu ý rằng các đô thị có thể không có ảnh hưởng trực tiếp hoặc có thể kiểm soát yếu tố quản lý một số chỉ số này, nhưng việc báo cáo là rất quan trọng để làm cơ sở khi so sánh và cung cấp một chỉ dẫn chung về việc cung cấp dịch vụ và chất lượng cuộc sống trong đô thị.

Các chỉ số trong tiêu chuẩn này đã được lựa chọn để cho phép việc lập báo cáo đơn giản và không tốn kém, và do đó các chỉ số này chính là một nền tảng ban đầu cho việc lập báo cáo. Các chỉ số để hỗ trợ sự phát triển bền vững và khả năng phục hồi trong các đô thị đang được Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 268 “Cộng đồng và đô thị bền vững” tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.

Các chỉ số được kết cấu theo các chủ đề. Vì sự khác biệt về nguồn lực và năng lực của các đô thị trên toàn thế giới, toàn bộ các chỉ số về kết quả hoạt động của đô thị được chia thánh các chỉ số “cốt lõi” (Bên áp dụng tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ) và các chỉ số “hỗ trợ” (Bên áp dụng tiêu chuẩn cần tuân thủ). Cả hai chỉ số cốt lõi và hỗ trợ được liệt kê trong Phụ lục A, Bảng A.1. Ngoài ra, các chỉ số cơ bản cung cấp số liệu thống kê cơ bản và thông tin khái quát để giúp các đô thị xác định đô thị nào là đối tượng để so sánh. Chỉ số cơ bản được nêu trong Phụ lục B, Bảng B.1 với mục đích tham khảo.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO CỘNG ĐỒNG – CÁC CHỈ SỐ VỀ DỊCH VỤ VÀ CHẤT LƯỢNG SỐNG ĐÔ THỊ

Sustainable development in communities – Indicators for city services and quality of life

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này cung cấp và hướng dẫn các phương pháp luận về một bộ chỉ số để định hướng và đo lường kết quả hoạt động dịch vụ và chất lượng sống đô thị. Tiêu chuẩn này tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra và có thể sử dụng cùng với TCVN 37101 và các tiêu chuẩn khung chiến lược khác.

Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho tất cả các loại hình thành phố, đô thị hoặc chính quyền địa phương thực hiện đo lường kết quả hoạt động của mình theo cách thức có thể so sánh và kiểm chứng được, không phân biệt quy mô và địa điểm áp dụng.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 37101 Phát triển bền vững cho cộng đồng – Hệ thống quản lý về phát triển bền vững – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng

TCVN 7878-2 (ISO 1996-2) Âm học – Mô tả, đo và đánh giá tiếng ồn môi trường – Phần 2: Xác định mức tiếng ồn môi trường

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 37101 và các thuật ngữ và định nghĩa sau đây.

3.1

Đô thị (city)

Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của đô thị; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn[88].

3.2

Chỉ số (indicator)

Cách đo định lượng, định tính hoặc mô tả.

[Nguồn: ISO 15392:2008, 3.14]

CHÚ THÍCH 1 Trong Tiêu chuẩn này, chỉ số được chia thành ba nhóm:

a) Chỉ số cốt lõi: Các chỉ số được yêu cầu chứng minh kết quả hoạt động khi cung cấp dịch vụ và chất lượng sống đô thị.

b) Chỉ số hỗ trợ: Các chỉ số được khuyến nghị chứng minh kết quả hoạt động khi cung cấp dịch vụ và chất lượng sống đô thị.

c) Chỉ số cơ bản: Các chỉ số cung cấp các thống kê cơ bản và thông tin chung nhằm giúp các đô thị xác định đô thị nào được chọn để so sánh cùng (chọn làm chuẩn so sánh). Chỉ số cơ bản được sử dụng như một viện dẫn tham khảo.

3.3

Ghi danh toàn thời gian (full-time enrolment)

Ghi danh vào trường học với tất cả các ngày học của một tuần, trong cả năm học.

3.4

Thảm họa thiên nhiên (natural disaster)

Sự kiện thiên nhiên, như: lũ lụt, động đất hoặc vòi rồng gây ra các thiệt hại to lớn hoặc tổn thất sinh mạng.

3.5

Ghi danh bán thời gian (part-time enrolment)

Ghi danh vào trường học với ít nhất nửa ngày học của tất cả ngày học của một tuần, trong cả năm học hoặc tương đương trên cơ sở theo tuần.

VÍ DỤ Một học sinh được tính là ghi danh bán thời gian nếu ghi danh vào trường học tất cả nửa ngày học trong một tuần, nhưng không được tính là ghi danh bán thời gian nếu chỉ ghi danh học 1/4 ngày.

3.6

Giáo dục tiểu học (primary education).

Trường tiểu học (elementary school)

Giáo dục được coi là giai đoạn đầu tiên của “giáo dục cơ bản”. Giáo dục tiểu học được thực hiện trong năm năm học, từ lớp 1 đến lớp 5. Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là sáu tuổi. Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

3.7

Giáo dục trung học (secondary education)

Giáo dục trung học được coi là giai đoạn thứ hai của giáo dục cơ bản và đánh dấu sự chấm dứt của giáo dục bắt buộc tại địa điểm áp dụng. Giáo dục trung học gồm 2 giai đoạn:

– Giáo dục trung học cơ sở: từ lớp 6 đến lớp 9;

– Giáo dục trung học phổ thông: từ lớp 10 đến lớp 12.

3.8

Giáo dục đại học và sau đại học (tertiary education)

Giáo dục đại học và sau đại học (hay còn gọi là giáo dục đại học) đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

3.9

Chất thải nguy hại (hazardous waste)

Chất thải có thể tiềm ẩn gây hại tới con người, tài sản hoặc môi trường.

(Nguồn: ISO 18113-1:2009, 3.22]

3.10

Chất thải rắn (solid waste)

Vật liệu rắn không tan, bị loại bỏ, bao gồm: bùn thải, rác thải đô thị, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải từ việc phá hủy và tồn dư từ khai thác mỏ.

3.11

Thực vật có mạch ống (vascular plants/tracheophytes)

Thực vật có thể tự vận chuyển nước và thức ăn.

4  Yêu cầu chung về chỉ số đô thị

Tiêu chuẩn này hỗ trợ các đô thị định hướng và đánh giá việc quản lý kết quả hoạt động của các dịch vụ đô thị, các quy định về dịch vụ cũng như chất lượng sống đô thị. Tiêu chuẩn này xem tính bền vững như là nguyên tắc chung và khả năng phục hồi như là một quan niệm có tính định hướng đối với việc phát triển các đô thị. Tất cả chỉ số phải được tổng hợp hàng năm.

Khi áp dụng tiêu chuẩn này, các đô thị phải báo cáo tất cả các chỉ số cốt lõi được liệt kê từ Điều 5 đến Điều 21.

Các chỉ số cốt lõi được mô tả trong tiêu chuẩn này là cần thiết đối với việc hướng dẫn và đánh giá việc quản lý kết quả hoạt động của các dịch vụ và chất lượng sống đô thị.

Để thúc đẩy các thực hành tốt nhất, các đô thị cần báo cáo về các chỉ số hỗ trợ được nêu trong các điều từ Điều 5 đến Điều 21 của tiêu chuẩn này.

Các chỉ số cốt lõi và chỉ số hỗ trợ được phân loại theo chủ đề phù hợp với các lĩnh vực và dịch vụ khác nhau do một đô thị cung cấp. Cấu trúc phân loại được sử dụng riêng rẽ để chỉ rõ các dịch vụ và phạm vi áp dụng của mỗi loại chỉ số khi được một đô thị báo cáo. Cách phân loại này không có ý nghĩa phân cấp các chủ đề.

Các chỉ số trong từng chủ đề, khi có thể, đã được lựa chọn và kết hợp với nhau trên cơ sở các chỉ số đầu vào và chỉ số kết quả (chỉ số đầu ra) để phân tích thêm bối cảnh.

Khi giải thích kết quả của một khu vực dịch vụ cụ thể, điều quan trọng là phải xem xét lại kết quả của nhiều loại chỉ số trong các chủ đề; và việc chú trọng vào một chỉ số có thể dẫn đến một kết luận sai lệch hoặc không đầy đủ. Các yếu tố mang tính mong muốn, đề xuất nguyện vọng cũng phải được xem xét khi phân tích.

Người sử dụng tiêu chuẩn cũng có thể xem xét các khía cạnh sau và các khía cạnh này phải được nêu trong báo cáo và được chứng minh: các chỉ số có thể được tổng hợp cho các khu vực hành chính rộng hơn (ví dụ: các vùng, các khu đô thị…); khi một số chỉ số không liên quan trực tiếp đến tính bền vững thì cần xem xét hiệu quả về nguồn lực của đô thị; các chỉ số có thể được nhóm lại với nhau để phân tích, có tính đến các đặc trưng tổng thể của một đô thị; và bộ chỉ số này có thể được bổ sung bởi các bộ chỉ số khác để có một cách tiếp cận tổng thể, toàn diện hơn cho việc phân tích tính bền vững.

Hơn nữa, cũng cần phải nhận rõ các tác động đối lập tiềm ẩn về kết quả của các chỉ số cụ thể, cả tích cực lẫn tiêu cực, khi phân tích các kết quả. Ví dụ: sự gia tăng lưu thông không khí và số lượng ô tô theo bình quân đầu người có thể dẫn đến tăng mức PM10 (xem 8.2) và phát thải khí nhà kính.

Đối với mục đích giải thích dữ liệu, các đô thị phải tính đến việc phân tích bối cảnh khi giải thích kết quả. Môi trường pháp lý của địa phương có thể ảnh hưởng đến khả năng áp dụng các chỉ số. Trong một số trường hợp, các dịch vụ có thể do khu vực tư hoặc do chính cộng đồng cung cấp.

Bảng B.1 liệt kê một loạt các chỉ số cơ bản với mục đích tham khảo.

5  Nhóm các chỉ số về kinh tế

5.1  Tỷ lệ thất nghiệp của đô thị (chỉ số cốt lõi)

5.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH  Tỷ lệ thất nghiệp được coi là một trong những chỉ số của thị trường lao động đơn lẻ, có nhiều nhất thông tin phản ánh kết quả hoạt động chung của thị trường lao động và thực trạng của nền kinh tế nói chung. Chỉ số này được sử dụng để đo nguồn cung lao động không được sử dụng của đô thị và đề theo dõi chu kỳ hoạt động. Khi tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm và khi nền kinh tế trì trệ hoặc suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng cao hơn.

5.1.2  Yêu cầu

Tỷ lệ thất nghiệp của đô thị được tính bằng số người trong độ tuổi lao động đang cư trú tại đô thị mà tại thời điểm khảo sát không có việc làm hoặc tự trả lương, nhưng sẵn sàng làm việc và tìm việc làm (tử số) chia cho tổng số lao động (mẫu số). Kết quả phải được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Người thất nghiệp là những cá nhân không có việc làm, chủ động tìm kiếm việc làm trong thời gian gần đây (bốn tuần gần đây) và đang sẵn sàng làm việc. Những người không tìm kiếm việc làm nhưng vẫn được tính trong thị phần lao động trong tương lai (bắt đầu sắp xếp làm việc trong tương lai) được tính là người thất nghiệp. Người lao động không muốn làm việc hoặc người thất nghiệp ẩn là những người không chủ động tìm kiếm việc làm vì họ cho rằng cơ hội tìm kiếm việc làm là rất thấp hoặc bị hạn chế khả năng di chuyển để tìm kiếm việc làm, đối mặt với sự phân biệt và/hoặc các rào cản về cơ cấu, xã hội và văn hóa thì không được tính là thất nghiệp hoặc là một phần của lực lượng lao động. Việc không chủ động tìm kiếm việc làm đề cập đến những người không tích cực tìm kiếm công việc (tức là tìm kiếm việc làm, phỏng vấn, tìm hiểu thông tin…) trong một khoảng thời gian quy định (thường là bốn tuần gần đây).

Lực lượng lao động phải tính là tổng số người làm việc và người thất nghiệp có đủ điều kiện hợp pháp để làm việc.

5.2  Giá trị của các thuộc tính công nghiệp và thương mại được đánh giá tính bằng tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị của tất cả thuộc tính được đánh giá (chỉ số cốt lõi)

5.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Giá trị của các thuộc tính thương mại và công nghiệp được đánh giá tính bằng tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị của tất cả thuộc tính được đánh giá, giúp hiểu rõ việc kết hợp các giá trị của các thuộc tính được đánh giá cũng như sự ổn định của căn cứ được đánh giá. Xu hướng giảm về tỷ lệ các giá trị thương mại và công nghiệp được đánh giá cho thấy một nền kinh tế đang suy giảm. Vượt qua sự phụ thuộc vào các giá trị về dân cư được đánh giá có thể tác động đến khả năng chi trả.

5.2.2  Yêu cầu

Giá trị của thuộc tính thương mại và công nghiệp được đánh giá tính bằng tỷ lệ phần trăm của tổng số giá trị của tất cả thuộc tính được đánh giá phải được biểu thị bằng tổng giá trị của các thuộc tính thương mại và công nghiệp được đánh giá (tử số) chia cho tổng giá trị của tất cả thuộc tính được đánh giá (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Các thuộc tính thương mại và công nghiệp phải là những thuộc tính được đô thị chỉ định để sử dụng vào mục đích thương mại và công nghiệp.

CHÚ THÍCH Các phương pháp đánh giá thuộc tính có thể khác nhau tại từng quốc gia hay vùng lãnh thổ, bao gồm: phương pháp định hướng thị trường, định hướng lợi nhuận và định hướng chi phí.

5.3  Tỷ lệ phần trăm dân số đô thị sống ở mức nghèo (chỉ số cốt lõi)

5.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH  Tỷ lệ phần trăm dân số đô thị ở mức nghèo là chỉ số về sự công bằng xã hội trong một đô thị. Xóa đói nghèo là một cấu thành quan trọng của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

5.3.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm dân số đô thị ở mức nghèo được tính bằng số người sống dưới chuẩn nghèo (tử số) chia cho tổng dân số đô thị hiện tại (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Tổng số dân đô thị sống dưới chuẩn nghèo được xác định bằng cách nhân số hộ gia đình của đô thị sống bằng hoặc dưới chuẩn nghèo với số người bình quân hiện tại của mỗi hộ gia đình trong đô thị đó.

CHÚ THÍCH Có thể tham khảo chuẩn nghèo của Việt Nam tại tài liệu[91] của Thư mục tài liệu tham khảo. Ngưỡng nghèo của mỗi quốc gia được Ngân hàng Thế giới ghi nhận, có thể xem thông tin tại: www.worldbank.org hoặc tại PovertyNet: www.povertynet.org[34]. Cụ thể: ngưỡng nghèo cho các hộ gia đình được quy định là những người không tự cung cấp đầy đủ cho mình nước, thức ăn, chỗ ở và các nhu cầu cơ bản khác trong một khoảng thời gian 12 tháng.

5.3.3  Giải thích dữ liệu

Việc áp dụng số người bình quân hiện tại của mỗi hộ gia đình đối với tất cả các hộ gia đình có thể làm giảm sự khác biệt giữa các hộ gia đình nghèo và hộ giàu hơn.

5.4  Tỷ lệ phần trăm người làm việc toàn thời gian (chỉ số hỗ trợ)

5.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm dân số đô thị làm việc toàn thời gian là chỉ số về tình trạng “sức khỏe” của kinh tế đô thị và thành công của chính sách kinh tế đô thị.

5.4.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm người làm việc toàn thời gian được tính bằng số người làm việc toàn thời gian (tử số) chia cho tổng dân số (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Số người sống ở đô thị làm việc toàn thời gian bao gồm những cư dân làm việc tối thiểu 40 giờ/tuần [90] trong một công việc và đang trong độ tuổi lao động hợp pháp.

CHÚ THÍCH 1 Dân cư đô thị được sử dụng làm mẫu số cho chỉ số này thay cho lực lượng lao động đã biết vì số liệu dân số có thể biết rõ ở hầu hết các đô thị. Chỉ số này phụ thuộc vào cơ quan chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu về việc làm và dân số liên quan và đảm bảo tính chính xác của dữ liệu sẵn có.

CHÚ THÍCH 2  Việc làm là một khái niệm về thị trường lao động chính thức và thường là phức tạp ở các nước đang phát triển có các lĩnh vực kinh tế không chính thức tại các đô thị lớn.

CHÚ THÍCH 3 Có thể xem xét vấn đề Trách nhiệm xã hội được quy định trong TCVN ISO 26000 (ISO 26000) và những quy định có liên quan, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến lao động trẻ em.

CHÚ THÍCH 4 Các nguyên tắc cơ bản và các quyền liên quan đến lao động bao gồm việc xóa bỏ lao động trẻ em cùng với quyền tự do hội họp và thương lượng tập thể, loại bỏ lao động cưỡng bức và xóa bỏ phân biệt đối xử về việc làm hoặc nghề nghiệp… Những nguyên tắc và quyền cơ bản này phụ thuộc lẫn nhau. Việc vi phạm một loại quyền tại nơi làm việc thường có ảnh hưởng bất lợi đến việc tôn trọng và thực hiện các quyền khác. Ngược lại, việc công nhận, thăng tiến và thực hiện một loại quyền nào đó có thể tác động có lợi đến việc tôn trọng và thực hiện các quyền khác.

Trong những năm qua, cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng nhiều văn bản, bao gồm cả hệ thống các tiêu chuẩn, nhằm bảo vệ trẻ em trong vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là Công ước Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em [45]. Mặc dù đã có một số tiến bộ trong việc giảm lao động trẻ em, nhưng tại nhiều quốc gia và trong nhiều trường hợp các quyền quy định trong các văn bản này vẫn chưa dược áp dụng trong thực tiễn và được thực thi đầy đủ. Bên áp dụng tiêu chuẩn được khuyến khích nhận thức và thực thi các nguyên tắc này.

5.5  Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ (chỉ số hỗ trợ)

5.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ thất nghiệp là chỉ số về kết quả hoạt động của thị trường lao động được biết đến nhiều nhất và được sử dụng nhiều nhất. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ là chỉ số chính để định lượng và phân tích các xu hướng thị trường lao động hiện tại và những thách thức đối với giới trẻ. Ngày nay những người trẻ tuổi đang đối mặt với sự không chắc chắn ngày càng tăng về một chuyển đổi tích cực của thị trường lao động. Sự không chắc chắn và sự thất vọng này có thể gây tổn hại đến cá nhân, cộng đồng, kinh tế và xã hội nói chung. Người trẻ tuổi thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ít có khả năng đóng góp hiệu quả cho cộng đồng và sự phát triển của quốc gia, đồng thời có ít cơ hội hơn để thực hiện các quyền công dân của họ. Những cá nhân này ít chi tiêu với tư cách là người tiêu dùng, ít đầu tư, thay vào đó là người tiết kiệm và thường không có “tiếng nói” để đem lại thay đổi trong cuộc sống của mình và cho cộng đồng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở giới trẻ lan rộng cũng cản trở các doanh nghiệp và quốc gia đổi mới và phát triển lợi thế cạnh tranh dựa trên việc đầu tư nguồn vốn về con người, do đó làm giảm triển vọng trong tương lai. Nhận thức có cái giá phải trả cho việc không có công ăn việc làm, nhiều Chính phủ trên thế giới đặt ưu tiên cho vấn đề việc làm của giới trẻ và cố gắng xây dựng các chính sách và chương trình phù hợp.

5.5.2  Yêu cầu

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ được tính bằng tổng số người trẻ tuổi không có việc làm (tử số) chia cho tổng số người trẻ tuổi (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Thất nghiệp ở giới trẻ là các cá nhân ở độ tuổi lao động hợp pháp, dưới 24 tuổi mà không có việc làm, chủ động tìm kiếm việc làm trong thời gian gần đây (bốn tuần gần đây) và hiện đang sẵn sàng làm việc. Người trẻ tuổi không tìm kiếm việc làm nhưng vẫn có trong thị phần lao động trong tương lai (bắt đầu sắp xếp làm việc trong tương lai) được tính là người thất nghiệp (theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO). Người lao động không muốn làm việc hoặc người thất nghiệp ẩn không được tính là thất nghiệp hoặc là một phần của lực lượng lao động. Người không chủ động tìm kiếm việc là những người không tích cực tìm kiếm công việc (tức là tìm kiếm việc làm, phỏng vấn, tìm hiểu thông tin…) trong một khoảng thời gian quy định (thường là bốn tuần gần đây).

Lực lượng lao động trẻ tuổi đề cập đến tất cả những người ở tuổi lao động hợp pháp nêu trên và dưới 24 tuổi, người đang làm việc hoặc thất nghiệp trong một khoảng thời gian quy định.

5.6  Số lượng doanh nghiệp trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

5.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng doanh nghiệp trên 100.000 dân có thể cho biết mức độ của hoạt động kinh tế và kết quả hoạt động kinh tế của đô thị. Chỉ số này cho thấy tổng thể môi trường kinh doanh trong một phạm vi quyền hạn, đồng thời cho thấy cách ứng xử đối của đô thị với giới kinh doanh. Hoạt động kinh doanh vững mạnh gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế năng động và phát triển. Số lượng doanh nghiệp cũng cho thấy tính cạnh tranh của một đô thị. Số lượng doanh nghiệp phản ánh cả số lượng doanh nghiệp mới được thành lập và các doanh nghiệp hiện tại đang hoạt động.

5.6.2  Yêu cầu

Số lượng doanh nghiệp trên 100.000 dân được tính bằng tổng số doanh nghiệp tại đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân đô thị (mẫu số). Kết quả được thể hiện bằng số doanh nghiệp trên 100.000 dân.

Các doanh nghiệp được đề cập là các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, bao gồm cả trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.[31]

5.7  Số bằng sáng chế mới trên 100.000 dân tính hằng năm (chỉ số hỗ trợ)

5.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH số bằng sáng chế cấp cho cư dân hoặc tổ chức, doanh nghiệp tại đô thị là chỉ số về đổi mới của hoạt động thương mại và công nghệ.

5.7.2  Yêu cầu

Số lượng bằng sáng chế mới trên 100.000 dân hằng năm được tính bằng tổng số bằng sáng chế mới cấp cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tại đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả được thể hiện là số bằng sáng chế đăng ký trên 100.000 dân.

5.7.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu về bằng sáng chế được cấp hằng năm phải được lấy từ dữ liệu chính thức của cơ quan có thẩm quyền cấp bằng sáng chế.

6  Nhóm các chỉ số về giáo dục

6.1  Tỷ lệ phần trăm nữ giới ở độ tuổi đến trường ghi danh vào các trường (chỉ số cốt lõi)

6.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Giáo dục là một trong những khía cạnh quan trọng nhất đối với sự phát triển con người. Chỉ số này đề cập đến cơ hội giáo dục, bằng cách chỉ ra cách thức phổ cập giáo dục cơ bản tại đô thị cho dân cư trong độ tuổi đến trường. Báo cáo về sự khác biệt trong công tác tuyển sinh theo giới tính phù hợp với Mục tiêu 3: “Tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ” của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ[21]).

6.1.2  Yêu Cầu

Tỷ lệ phần trăm nữ giới ở độ tuổi đến trường ghi danh vào các trường được tính bằng số lượng học sinh nữ trong độ tuổi đến trường ghi danh vào cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, kể cả trường công lập và tư thục (tử số) chia cho tổng số nữ giới trong độ tuổi đến trường (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Định nghĩa về giáo dục tiểu học (3.6) và giáo dục trung học (3.7) phải được áp dụng.

Ghi danh vào các trường công lập và tư thục nên được báo cáo và các đô thị phải lưu ý nếu dữ liệu bao gồm cả trường tư thục. Ở nhiều đô thị, các trường tư thục là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục. Các trường tư thục được công nhận trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Một lần nhập học bán thời gian (nửa ngày học) hoặc nhiều hơn được tính là một lần ghi danh toàn thời gian.

Nếu các trường học và các đô thị không cùng trên một khu vực địa lý thì cần có dữ liệu chính xác nhất về dữ liệu ghi danh.

6.1.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu về việc ghi danh vào các trường phải được lấy từ cơ quan có thẩm quyền. Nếu dữ liệu tuyển sinh không sẵn có từ các nguồn chính thống thì có thể sử dụng dữ liệu ghi danh từ các cuộc điều tra.

6.2  Tỷ lệ phần trăm học sinh hoàn thành giáo dục tiểu học: tỷ lệ tốt nghiệp (chỉ số cốt lõi)

6.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH  Tỷ lệ tốt nghiệp đo lường năng lực hiện tại và kết quả hoạt động nội bộ của một hệ thống giáo dục. Tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục tiểu học là mối quan tâm đặc biệt vì cấp giáo dục này được coi là một điều kiện tiên quyết cho nền giáo dục bền vững. Chỉ số này thường được sử dụng để đánh giá các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ [22].

6.2.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm học sinh hoàn thành giáo dục tiểu học hoặc tỷ lệ tốt nghiệp được tính bằng tổng số học sinh thuộc nhóm học sinh hoàn thành lớp cuối cùng của giáo dục tiểu học (tử số) chia cho tổng số học sinh thuộc nhóm học sinh lớp đầu tiên của giáo dục tiểu học (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm. Tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục tiểu học được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm của nhóm học sinh học ghi danh học lớp đầu tiên đến hoàn thành lớp cuối cùng của giáo dục tiểu học.

Tỷ lệ tốt nghiệp của khu vực giáo dục tư thục cần được báo cáo, nếu có. Bên áp dụng tiêu chuẩn phải lưu ý nếu có dữ liệu của các trường tư thục.

CHÚ THÍCH 1 Chỉ số này đo lường học sinh thuộc nhóm học sinh được lên lớp ở bậc tiểu học mà không bị đình chỉ học hoặc chuyển đến một trường khác.

CHÚ THÍCH 2 Phương pháp luận này được chấp nhận theo Hướng dẫn Kỹ thuật về Chỉ thị Giáo dục của UNESCO (UNESCO Educcation Indicator Technicai Guidelines)[4].

VÍ DỤ Nếu năm báo cáo của đô thị là năm 2017 và giáo dục tiểu học kéo dài 5 năm thì báo cáo tỷ lệ học sinh vào học tiểu học trong năm 2011 (lớp 1) và đạt đến lớp cuối (lớp 5) của giáo dục tiểu học trong năm 2016.

6.2.3  Nguồn dữ liệu

Do tính toán chỉ số này dựa trên tỷ lệ số lượng học sinh học tập trong suốt cấp giáo dục tiểu học, độ tin cậy của tỷ lệ tốt nghiệp còn phụ thuộc vào tính nhất quán của dữ liệu về ghi danh học và các học sinh phải học lại (những người học lại một hoặc nhiều lớp) trong suốt thời gian học và qua các lớp học.

CHÚ THÍCH 1 Ở hầu hết đô thị, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ sẵn có số liệu với hệ thống trường công lập.

CHÚ THÍCH 2 Dữ liệu ghi danh vào trường hợc do Cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

6.3  Tỷ lệ phần trăm học sinh hoàn thành giáo dục trung học: tỷ lệ tốt nghiệp (chỉ số cốt lõi)

6.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ tốt nghiệp đo lường năng lực hiện tại và kết quả hoạt động nội bộ của một hệ thống giáo dục.

6.3.2  Yêu cầu

Tỷ lệ học sinh hoàn thành giáo dục trung học hoặc tỷ lệ tốt nghiệp được tính bằng tổng số học sinh thuộc nhóm học sinh hoàn thành lớp cuối cùng của giáo dục trung học (tử số) chia cho tổng số học sinh thuộc nhóm học sinh lớp đầu tiên của giáo dục trung học (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm. Tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục trung học được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm của nhóm học sinh ghi danh lớp đầu tiên đến hoàn thành lớp cuối cùng của giáo dục trung học.

Tỷ lệ tốt nghiệp của khu vực giáo dục tư thục cần được báo cáo, nếu có. Bên áp dụng tiêu chuẩn phải lưu ý nếu có dữ liệu của các trường học tư thục.

CHÚ THÍCH 1 Chỉ số này đo lường học sinh thuộc một nhóm học sinh được lên lớp ở bậc trung học mà không bị đình chỉ học hoặc chuyển đến một trường khác.

CHÚ THÍCH 2 Phương pháp luận này được chấp nhận theo Hướng dẫn Kỹ thuật về Chỉ thị Giáo dục của UNESCO (UNESCO Educcation Indicator Technicai Guidelines)[4].

VÍ DỤ Nếu năm báo cáo của đô thị là năm 2017 và giáo dục trung học cơ sở kéo dài 4 năm, báo cáo tỷ lệ học sinh vào học trung học vào năm 2012 (lớp 6) và đạt đến lớp cuối (lớp 9) của giáo dục trung học cơ sở trong năm 2016.

6.3.3  Nguồn dữ liệu

Do tính toán chỉ số này dựa trên tỷ lệ số lượng học sinh học tập trong suốt cấp giáo dục trung học, độ tin cậy của tỷ lệ tốt nghiệp còn phụ thuộc vào tính nhất quán của dữ liệu về ghi danh học và các học sinh phải học lại (những người học lại một hoặc nhiều lớp) trong suốt thời gian học và qua các lớp học.

CHÚ THÍCH 1 ở hầu hết đô thị, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ sẵn có số liệu với hệ thống trường công lập.

CHÚ THÍCH 2 Dữ liệu ghi danh vào trường học do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

6.4  Tỷ số học sinh/giáo viên ở bậc giáo dục tiểu học (chỉ số cốt lõi)

6.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ số học sinh/giáo viên là chỉ số về tính đầy đủ và sẵn có đội ngũ giáo viên và có thể liên quan đến năng lực và chất lượng của hệ thống giáo dục.

6.4.2  Yêu cầu

Tỷ số học sinh/giáo viên được thể hiện bằng số học sinh ghi danh ở cấp tiểu học (tử số) chia cho số giáo viên dạy toàn thời gian ở cấp tiểu học (mẫu số). Kết quả được thể hiện bằng tỷ số học sinh/giáo viên.

Các cơ sở giáo dục tư thục sẽ không được tính vào tỷ số học sinh/giáo viên.

Một lần ghi danh bán thời gian của học sinh phải được tính là một lần ghi danh toàn thời gian, nghĩa là một học sinh theo học trong nửa ngày cũng được tính là một lần ghi danh toàn thời gian. Khi báo cáo ghi danh toàn thời gian, cần lưu ý trường hợp các trường báo cáo việc hai học sinh ghi danh nửa ngày bằng một lần ghi danh học sinh toàn thời gian

Số giáo viên chính thức và các nhân viên tham gia giảng dạy khác (ví dụ: trợ giảng, hướng dẫn) không bao gồm các nhân viên làm công tác quản lý hoặc nhân viên không tham gia giảng dạy. Và cũng không tính số giáo viên mẫu giáo, giáo viên và nhân viên mầm non.

6.4.3  Nguồn dữ liệu

Số lượng giáo viên toàn thời gian cấp tiểu học và số học sinh ghi danh cấp tiểu học nên được thu thập từ hệ thống trường công lập tại địa phương hoặc từ cơ quan có thẩm quyền.

6.4.4  Giải thích dữ liệu

Tỷ số học sinh/giáo viên phản ánh lượng công việc của giáo viên và sự sẵn có các dịch vụ của giáo viên cho học sinh. Nếu tỷ số học sinh/giáo viên càng thấp thì sự sẵn có các dịch vụ giáo viên cho sinh viên càng cao. Tỷ số học sinh/giáo viên có ý nghĩa không chỉ đối với chi phí giáo dục mà còn có ý nghĩa đối với chất lượng giáo dục. Kết quả giáo dục càng cao thì tỷ số học sinh/giáo viên càng thấp.

6.5  Tỷ lệ phần trăm nam giới ở độ tuổi đến trường ghi danh vào các trường (chỉ số hỗ trợ)

6.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Giáo dục là một trong những khía cạnh quan trọng nhất đối với sự phát triển con người. Chỉ số này đề cập đến cơ hội giáo dục, bằng cách chỉ ra cách thức phổ cập giáo dục cơ bản tại đô thị cho dân cư trong độ tuổi đến trường.

6.5.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm nam giới ở độ tuổi đến trường ghi danh vào các trường được tính bằng số nam giới ghi danh ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở trong các trường công lập và tư thục (tử số) chia cho tổng số nam giới ở độ tuổi đến trường (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Định nghĩa về giáo dục tiểu học (3.6) và giáo dục trung học (3.7) phải được áp dụng.

Ghi danh vào các trường công lập và tư thục nên được báo cáo và các đô thị phải lưu ý nếu dữ liệu bao gồm cả trường tư thục, ở nhiều đô thị, các trường tư thục là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục. Các trường tư thục được công nhận trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Một lần ghi danh bán thời gian hoặc hơn phải được tính là một lần ghi danh toàn thời gian.

Nếu các trường học và các đô thị không cùng trên một khu vực địa lý thì cần có dữ liệu chính xác nhất về dữ liệu ghi danh.

6.5.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu về ghi danh vào các trường phải lấy từ các trường tại địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền. Nếu dữ liệu ghi danh không sẵn có từ các nguồn này thì có thể sử dụng dữ liệu ghi danh từ các cuộc điều tra hoặc điều tra dân số.

6.6  Tỷ lệ phần trăm học sinh ở độ tuổi đến trường ghi danh vào các trường (chỉ số hỗ trợ)

6.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Giáo dục là một trong những khía cạnh quan trọng nhất đối với sự phát triển con người. Chỉ số này đề cập đến cơ hội giáo dục, bằng cách chỉ ra cách thức phổ cập giáo dục cơ bản lại đô thị cho dân cư trong độ tuổi đến trường.

6.6.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm học sinh ở độ tuổi đến trường ghi danh vào các trường học được tính bằng số học sinh ghi danh ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong các trường công lập và tư thục (tử số) chia cho tổng số dân số ở độ tuổi đến trường (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị dưới dạng phần trăm.

Ghi danh vào các trường công lập và tư thục nên được báo cáo và các đô thị phải lưu ý nếu dữ liệu bao gồm cả trường tư thục, ở nhiều đô thị, các trường tư thục là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục. Các trường tư thục được công nhận trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Một lần ghi danh bán thời gian hoặc hơn phải được tính là một lần ghi danh toàn thời gian.

Nếu các trường học và các đô thị không cùng trên một khu vực địa lý thì cần có dữ liệu chính xác nhất về dữ liệu ghi danh.

6.7  Số người có trình độ đại học trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

6.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Giáo dục là một yếu tố chính của phúc lợi và là một chỉ số của việc phát triển kinh tế và chất lượng sống. Học đại học đem lại cho các cá nhân cơ hội quan trọng tham gia vào lực lượng lao động và giúp giảm thiểu đói nghèo và bất bình đẳng. Trụ cột của sự phát triển con người này được thừa nhận một cách rộng rãi như là một hành lang quan trọng cho sự biến đổi của xã hội.

6.7.2  Yêu cầu

Số người có trình độ đại học trên 100.000 dân phải được tính bằng số người có trình độ đại học (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng số người có trình độ đại học trên 100.000 dân.

6.7.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu về ghi danh vào các trường phải lấy từ các trường tại địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền. Nếu dữ liệu ghi danh không sẵn có từ các nguồn này thì có thể sử dụng dữ liệu ghi danh từ các cuộc điều tra hoặc điều tra dân số.

7  Nhóm các chỉ số về năng lượng

7.1  Tổng điện năng dân dụng được sử dụng theo bình quân đầu người (kWh/năm) (chỉ số cốt lõi)

7.1.1 Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH  Hiểu rõ cách thức lượng điện năng được tiêu thụ hiện tại là cần thiết cho việc quản lý hiệu quả việc phát điện, tiêu thụ và bảo toàn điện năng. Các khu vực dân cư là một trong những khách hàng tiêu thụ điện năng chính và sử dụng tài nguyên kết hợp. Tất cả các hình thức tạo điện năng đều có mức độ tác động đến môi trường.

7.1.2  Yêu cầu

Tổng điện năng dân dụng được sử dụng theo bình quân đầu người được tính bằng tổng điện năng dân dụng được sử dụng theo KWh tại một đô thị (tử số) chia cho tổng dân cư của đô thị (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng tổng điện năng dân dụng được sử dụng tính theo bình quân đầu người (KWh/năm).

7.1.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu cần được thu thập từ các đơn vị cung cấp diện, số liệu thống kê về tiêu thụ điện thường được thu thập thành ba loại: dân dụng, thương mại và công nghiệp.

CHÚ THÍCH Các đơn vị cấp điện thường báo cáo số liệu thống kê về tiêu thụ điện năng của khách hàng chứ không theo số người cư trú hoặc báo cáo tổng số lượng điện tiêu thụ từng khu vực (dân dụng, thương mại và công nghiệp) theo số tổng và sau đó báo cáo thống kê bình quân chi tiết hơn.

7.2  Tỷ lệ phần trăm dân đô thị có quyền sử dụng dịch vụ về điện (chỉ số cốt lõi)

7.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được đấu nối hợp pháp với hệ thống cấp điện (lưới diện) là một chỉ số về việc cung cấp hợp pháp dịch vụ cơ bản của đô thị, có liên quan cụ thể tới các đô thị ở các khu vực kém phát triển trên thế giới. Dịch vụ về điện là một chỉ số đóng góp cho tính bền vững, khả năng phục hồi, năng suất kinh tế và sức khỏe.

7.2.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm dân đô thị có quyền sử dụng dịch vụ về điện phải được tính bằng số người trong đô thị được đấu nối hợp pháp với hệ thống cấp điện (tử số) chia cho tổng dân của đô thị (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Số lượng hộ gia đình của đô thị được đấu nối hợp pháp với lưới điện phải được nhân với số hộ gia đình trung bình hiện có của đô thị để xác định số dân cư của đô thị được đấu nối hợp pháp với hệ thống cấp điện (lưới điện).

CHÚ THÍCH Hầu hết các đơn vị cấp diện phân biệt rõ tài khoản thanh toán đối với các cơ sở cư trú và và không cư trú. Cơ sở cư trú trong hầu hết các đô thị tương đương với các hộ gia đình (mặc dù trong một số căn hộ hoặc toàn nhà, một pháp nhân đăng ký một tài khoản cho nhiều hộ gia đình).

7.3  Lượng tiêu thụ năng lượng của các công trình công cộng hằng năm (kWh/m2) (chỉ số cốt lõi)

7.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Các công trình là một trong số những người tiêu dùng năng lượng lớn nhất ở các đô thị. Việc sử dụng năng lượng giảm và hiệu quả có thể tạo ra các khoản tiết kiệm đáng kể và có thể tăng cường an ninh về cung cấp năng lượng. Giảm tiêu thụ năng lượng của một công trình cũng có thể làm giảm phát thải khí nhà kính và dấu vết sinh thái của công trình, đồng thời chống lại biến đổi khí hậu và đạt được một nền kinh tế các-bon thấp.

7.3.2  Yêu cầu

Lượng tiêu thụ năng lượng của các công trình công cộng phải được tính hằng năm là tổng số điện sử dụng ở giai đoạn tiêu thụ cuối cùng của các công trình công cộng (kWh) trong một đô thị (tử số) chia cho tổng lượng điện tiêu thụ của đô thị (kWh) (mẫu số). Kết quả được biểu thị thành tổng lượng tiêu thụ năng lượng của các công trình công cộng hằng năm (kWh/m2).

CHÚ THÍCH Các công trình công cộng là các công trình do nhà nước, chính quyền địa phương sở hữu, ví dụ: các văn phòng chính quyền trung ương và địa phương, bệnh viện và trường học.

7.4  Tỷ lệ phần trăm tổng năng lượng thu được từ tài nguyên tái tạo, đóng góp vào tiêu thụ năng lượng tổng thể của đô thị (chỉ số cốt lõi)

7.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Việc thúc dẩy các nguồn năng lượng tái tạo là một ưu tiên quan trọng cho phát triển bền vững, vì an ninh và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và bảo vệ môi trường.

7.4.2  Yêu cầu

Sự đóng góp của vào tiêu thụ năng lượng tổng thể của đô thị từ các nguồn tái tạo phải được tính bằng tổng lượng điện tiêu thụ từ các nguồn tái tạo (tử số) chia cho tổng năng lượng tiêu thụ (mẫu số). Kết quả này được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm. Tiêu thụ các nguồn tái tạo bao gồm: năng lượng địa nhiệt, mặt trời, gió, thủy điện, thủy triều, sóng và các chất dễ cháy (như năng lượng sinh khối).

7.4.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu sẵn có từ các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích của địa phương hoặc các cơ quan có liên quan.

7.4.4  Giải thích dữ liệu

Năng lượng tái tạo phải bao gồm cả các nguồn năng lượng tái tạo dễ cháy và không cháy. Các nguồn năng lượng tái tạo không cháy bao gồm: năng lượng địa nhiệt, mặt trời, gió, thủy điện, thủy triều và sóng. Đối với năng lượng địa nhiệt, lượng năng lượng là entanpi của địa nhiệt tham gia vào quá trình. Đối với năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, thủy triều và sóng, lượng phát điện bằng với năng lượng điện sinh ra. Các nguồn năng lượng tái tạo dễ cháy và chất thải (CRW) bao gồm các sinh khối (gỗ củi, chất thải thực vật, ethanol) và các sản phẩm từ động vật (vật liệu/chất thải động vật và chất thải của sunfit), chất thải đô thị (rác thải từ các khu dân cư, thương mại và khu dịch vụ công cộng được các đơn vị chức năng thu gom, xử lý tại khu vực tập trung để sản xuất nhiệt và/hoặc điện) và chất thải công nghiệp.

CHÚ THÍCH 1 Phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng theo từng loại năng lượng, nếu dữ liệu này có sẵn (ví dụ: % bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch, % từ năng lượng hạt nhân, % từ nguồn năng lượng tái tạo…).

CHÚ THÍCH 2 Việc thu thập dữ liệu về các nguồn năng lượng tái tạo cụ thể của một số địa phương có thể bị hạn chế.

7.5  Tổng điện năng sử dụng tính theo bình quân đầu người (kWh/năm) (chỉ số hỗ trợ)

7.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Hiểu rõ cách thức lượng điện năng được tiêu thụ hiện tại là cần thiết cho việc quản lý hiệu quả việc phát điện, tiêu thụ và bảo toàn điện năng. Điện năng được sử dụng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, cần cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng sống. Tổng lượng tiêu thụ điện phản ánh tổng thể lượng điện tiêu thụ cho các khu vực thương mại, công nghiệp và dân cư. Tất cả các hình thức tạo điện năng đều có mức độ tác động về môi trường.

7.5.2  Yêu cầu

Tổng năng lượng điện sử dụng tính theo bình quân đầu người phải được tính bằng tổng mức sử dụng điện của một đô thị tính bằng KWh bao gồm cả việc sử dụng của các cơ sở cư trú và và không cư trú (tử số) chia cho tổng dân cư của đô thị (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng tổng mức sử dụng điện theo bình quân đầu người tính bằng kWh/năm.

7.5.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu cần được thu thập từ các đơn vị cung cấp điện, số liệu thống kê về tiêu thụ điện thường được thu thập thành ba loại: dân dụng, thương mại và công nghiệp.

CHÚ THÍCH Các đơn vị cấp điện thường báo cáo số liệu thống kê về tiêu thụ điện năng theo khách hàng chứ không theo số người cư trú hoặc báo cáo tổng lượng điện tiêu thụ theo khu vực (dân dụng, thương mại và công nghiệp) và sau đó báo cáo thống kê bình quân chi tiết hơn.

Cần lưu ý tập hợp các nguồn tạo ra năng lượng từ nguồn năng lượng hóa thạch và tái tạo; các loại năng lượng tái tạo đã được sử dụng; xác định các nguồn năng lượng tái tạo hiện có tại địa phương; tập hợp năng lượng cần thiết cho quá trình gia nhiệt và làm mát; các biện pháp được hoàn thiện và lập kế hoạch để tiết kiệm năng lượng và cải thiện hiệu suất năng lượng; các hoạt động được hoàn thiện và lập kế hoạch cho cách ly và làm mát các công trình một cách thân thiện với môi trường, nếu có.

7.6  Số lần cắt điện trung bình hằng năm theo từng khách hàng (chỉ số hỗ trợ)

7.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lần cắt điện trung bình giúp theo dõi và so sánh, đánh giá độ tin cậy của kết quả hoạt động của các dịch vụ điện tiện ích.

7.6.2  Yêu cầu

Số lần cắt điện trung bình hằng năm theo từng khách hàng cần được tính bằng tổng số lần cắt điện của khách hàng (tử số) chia cho tổng số khách hàng được phục vụ (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng số lần cắt điện hằng năm theo từng khách hàng.

Cắt điện bao gồm cả khu dân cư và khu phi dân cư.

Thông thường có một số lý do cắt điện: bảo trì định kỳ và sự cố thiết bị. Để tạo thuận tiện cho việc so sánh giữa các nhà cung cấp năng lượng, cần phải loại trừ các lý do như bão và các vấn đề về thời thiết không lường trước được, khó tiên đoán, khó ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ.

CHÚ THÍCH 1 Chỉ số này bị ảnh hưởng bởi tuổi thọ, tiêu chuẩn bảo trì và độ tin cậy của hạ tầng lưới điện và năng lực truyền tải điện để đáp ứng lưới điện, cần cân nhắc khả năng của cả lưới điện và năng lực truyền tải điện để cung cấp điện theo yêu cầu và để đối phó với quá tải diện.

7.7  Khoảng thời gian cắt điện trung bình (tính theo giờ) (chỉ số hỗ trợ)

7.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Khoảng thời gian cắt điện trung bình giúp theo dõi và so sánh, đánh giá tính độ tin cậy của kết quả hoạt động của các dịch vụ điện tiện ích.

7.7.2  Yêu cầu

Khoảng thời gian cắt điện trung bình phải được tính là tổng thời gian của tất cả các lần cắt điện khách hàng tính theo giờ (tử số) chia cho tổng số lần cắt điện khách hàng (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là khoảng thời gian cắt điện trung bình tính theo giờ.

Cắt điện sẽ bao gồm cả khu dân cư và khu phi dân cư.

Thông thường có một số lý do cắt điện: bảo trì định kỳ và sự cố thiết bị. Để tạo thuận tiện cho việc so sánh giữa các nhà cung cấp năng lượng, cần phải loại trừ các lý do như bão và các vấn đề về thời thiết không lường trước được, khó tiên đoán, khó ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ.

CHÚ THÍCH 1 Chỉ số này bị ảnh hưởng bởi tuổi thọ, tiêu chuẩn bảo trì và độ tin cậy của hạ tầng lưới điện và năng lực truyền tải điện để đáp ứng lưới điện, cần cân nhắc khả năng của cả lưới điện và năng lực truyền tải điện để cung cấp điện theo yêu cầu và để đối phó với quá tải điện.

8  Nhóm các chỉ số về môi trường

8.1  Nồng độ chất dạng hạt mịn (PM2.5) (chỉ số cốt lõi)

8.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Các chất dạng hạt mịn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại các đô thị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất kỳ nồng độ chất dạng hạt mịn (RM) nào đều có hại cho sức khỏe con người. PM là chất gây ung thư và gây hại cho hệ tuần hoàn cũng như hệ hô hấp. Có nhiều chất gây ô nhiễm không khí có một mối liên hệ với các vấn đề pháp lý về môi trường vì những người yếu thế, bị thiệt thòi trong cộng đồng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn. Các bằng chứng về PM và tác động đến sức khỏe cộng đồng của nó phải phù hợp với những tác động bất lợi cho sức khỏe mà hiện nay dân cư tại các đô thị của các nước phát triển và đang phát triển gặp phải. Phạm vi tác động đến sức khỏe rất rộng, nhưng chủ yếu tác động đến hệ thống hô hấp và tim mạch.

8.1.2  Yêu cầu

Nồng độ chất dạng hạt mịn (PM2,5) phải được tính bằng tổng khối lượng các hạt thu được có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 μm (tử số) chia cho khối lượng không khí được lấy mẫu (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng nồng độ PM2,5 theo microgram trên mét khối (μg/m3).

Phương pháp đo lường phải gồm việc sử dụng một bộ lấy mẫu không khí, tạo ra không khí xung quanh với lưu lượng không đổi vào một cửa có hình dạng đặc biệt, nơi các hạt chất lơ lửng bị tách rời thành một hoặc nhiều kích thước hạt trong phạm vi kích thước PM2,5. Các phép đo nồng độ PM2,5 trong 24 giờ (hàng ngày) được chuyển thành cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho tất cả các trạm quan trắc tổng hợp và giám sát hằng năm.

CHÚ THÍCH Khi dữ liệu về PM2,5 không sẵn có thì mức thường được tính dựa vào phát thải PM10 và được báo cáo thành chỉ số riêng.

8.2  Nồng độ chất dạng hạt (PM10) (chỉ số cốt lõi)

8.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này (trừ báo cáo về PM2.5 theo 8.1) phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Các bằng chứng về PM và tác động đến sức khỏe cộng đồng của nó phải phù hợp với những tác động bất lợi cho sức khỏe mà hiện nay dân cư tại các đô thị của các nước phát triển và đang phát triển gặp phải. PM gây ra các vấn đề về sức khỏe vì con người có thể hít và tích tụ PM trong hệ hô hấp.

Những người bị bệnh tim hoặc bệnh phổi, người cao tuổi và trẻ em được xem là đối tượng có nguy cơ cao hơn đối với ô nhiễm chất dạng hạt. Sự nhiễm các loại hạt dài hạn (tính theo năm), chẳng hạn: những người sống nhiều năm ở những vùng có mức hạt cao, có liên quan đến các vấn đề về chức năng phổi giảm và sự phát triển của bệnh viêm phế quản mãn tính, thậm chí sớm tử vong. Tiếp xúc ngắn hạn (24 h) với các hạt có thể làm bệnh phổi nặng thêm, gây ra các cơn hen và viêm phế quản cấp và cũng có thể làm tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ô nhiễm hạt tăng cao ở các đô thị lớn có những tác động rất tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, cũng như đến doanh nghiệp do sự giảm sút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)[12], ô nhiễm không khí ước tính sẽ gây ra gần 2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Tại nhiều đô thị, mức trung bình của PM10 vượt quá 70 μg trên mét khối (μg/m3).

8.2.2  Yêu cầu

Nồng độ chất dạng hạt (PM10) phải được tính bằng tổng khối lượng của các hạt thu được trong dải kích thước PM10 (tử số) chia cho khối lượng không khí được lấy mẫu (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị bằng nồng độ PM10 (μg/m3).

Phương pháp đo lường phải gồm việc sử dụng một bộ lấy mẫu không khí, tạo ra không khí xung quanh với lưu lượng không đổi vào một cửa có hình dạng đặc biệt, nơi các hạt chất lơ lửng bị tách rời thành một hoặc nhiều kích thước hạt trong phạm vi kích thước PM10. Các phép đo nồng độ PM10 trong 24 giờ (hàng ngày) được chuyển thành cơ sở dữ liệu cho tất cả các trạm quan trắc tổng hợp và giám sát hằng năm.

CHÚ THÍCH Chất dạng hạt là hỗn hợp chất rắn siêu nhỏ và các giọt chất lỏng lơ lửng trong không khí. Các hạt này được tạo thành từ một số thành phần, bao gồm các axit (như nitrat và sulfat), các hóa chất hữu cơ, kim loại, đất hoặc các hạt bụi và các chất gây dị ứng (ví dụ: phấn hoa hoặc bào tử nấm). Các hạt thô có đường kính lớn hơn 2,5 μm và nhỏ hơn hoặc bằng 10 μm và được định nghĩa là “hạt bụi dễ cháy” hoặc PM10. Các nguồn hạt thô phát sinh từ hoạt động nghiền hoặc mài và bụi từ những con đường được trải nhựa hoặc không được trải nhựa.

8.3  Phát thải khí nhà kính tính theo tấn trên đầu người (chỉ số cốt lõi)

8.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Phát thải khí nhà kính từ tất cả các hoạt động trong đô thị là chỉ số về tác động bất lợi của đô thị đối với biến đổi khí hậu.

8.3.2  Yêu cầu

Phát thải khí nhà kính tính theo tấn trên đầu người phải được đo bằng tổng lượng khí nhà kính tính bằng tấn (đơn vị CO2 tương đương) được tạo ra trong một năm từ tất cả các hoạt động trong đô thị, bao gồm cả phát thải gián tiếp ngoài ranh giới đô thị (tử số) chia cho số dân cư hiện tại của đô thị (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng tổng lượng phát thải khí nhà kính tính theo tấn trên đầu người.

Tổng khối lượng tổng thể (biểu thị bằng đơn vị CO2 tương đương của khí nhà kính) của phát thải khí nhà kính phải được tính từ tất cả các hoạt động của đô thị trong 12 tháng trước đó.

Biên bản Thỏa thuận Toàn cầu về Phát thải khí nhà kính ở quy mô cộng đồng (GPC) (Tiêu chuẩn Tính toán và Báo cáo 2012)1 đề cập đến một biên bản thỏa thuận dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên liên quan để xây dựng phương pháp tính toán và báo cáo khí nhà kính trong phạm vi cộng đồng đã được thừa nhận và chấp nhận trên phạm vi quốc tế. Biên bản thỏa thuận này xác định các nguồn và các loại phát thải cơ bản trong các khu vực phải kiểm kê khí nhà kính ở quy mô cộng đồng nhằm chuẩn hóa việc kiểm kê phát thải khí nhà kính giữa các cộng đồng và trong một cộng đồng theo thời gian. Biên bản thỏa thuận này quy định các phương pháp luận về tính toán và hướng dẫn các bước thu thập dữ liệu, định lượng và báo cáo các khuyến nghị đối với từng nguồn phát thải.

Cả nguồn phát thải và phân loại khu vực phát thải phản ánh bản riêng biệt của các đô thị và nguồn phát thải căn bản của đô thị. Bao gồm phát thải từ: 1) Công trình, thiết bị cố định, 2) Công trình, thiết bị di động, 3) Chất thải và 4) Các lĩnh vực sử dụng quá trình và sản phẩm công nghiệp. Để biết thêm chi tiết, tham khảo phương pháp luận GPC. Các chính quyền địa phương phải sẵn sàng cung cấp thông tin về từng nguồn phát thải nêu trên.

Để giải quyết vấn đề các nguồn phát thải liên quan đến nhiều đô thị vượt quá một thẩm quyền của cơ quan, GPC kết hợp với các định nghĩa trong Phạm vi của Biên bản Thỏa thuận Khí nhà kính như sau:

– Phát thải phạm vi 2: Phát thải gián tiếp liên quan đến năng lượng từ hệ quả của việc tiêu thụ nguồn điện lưới, sưởi ấm và/hoặc làm mát, trong ranh giới địa chính trị của cộng đồng.

– Phát thải phạm vi 3: Tất cả các phát thải gián tiếp khác phát sinh từ các hoạt động trong ranh giới địa chính trị của cộng đồng.

Để hướng dẫn từng bước thu thập dữ liệu và tính toán dữ liệu, xem Phần 3 của GPC tại http://www.ghgprotocol.org/files/ghgp/GPC%20v9%2020120320.pdf

CHÚ THÍCH Khí nhà kính (GHG) là các khí trong bầu khí quyển hấp thụ bức xạ hồng ngoại mà nếu không sẽ thoát vào không gian; qua đó góp phần làm tăng nhiệt độ bề mặt. Có sáu GHG chính: các-bon điôxít (CO2), metan (CFU), ôxit nitơ (N2O), hydro-fluoro-cácbon (HFC), per-tluoro-cácbon (PFC) và sun-phua hexa-fluoridt (SF6). Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của các loại khí này thay đổi nhiều trong mấy chục năm qua.

Bên áp dụng tiêu chuẩn có thể tham khảo nội dung của bộ TCVN ISO 14064 (ISO 14064)1821 về khí nhà kính để được hướng dẫn chi tiết.

8.4  Nồng độ nitơ điôxit (NO2) (chỉ số hỗ trợ)

8.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH NO2 là một chất gây ô nhiễm không khí chính, có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe con người và môi trường. NO2 góp phần tạo thành sương mù quang hóa và ở những nồng độ cao có thể làm tăng các vấn đề về hô hấp. NO2 làm phồng màng phổi và có thể làm giảm khả năng miễn dịch đối với nhiễm trùng phổi. Điều này có thể gây ra các vấn đề như thở khò khè, ho, cảm lạnh, cúm và viêm phế quản. Nồng độ NO2 gia tăng có thể có tác động đáng kể đến người bị hen suyễn vì nó có thể gây ra các cuộc tấn công thường xuyên và dữ đội hơn đối với người bệnh. NO2 chuyển đổi hóa học thành HNO3 và tạo ra mưa axít. HNO3 có thể ăn mòn các kim loại, làm vải phai và cao su phân hủy. Khi lắng đọng, nó cũng có thể gây ra axit hóa các hồ nước và có thể gây hại cho cây cối và cây trồng, dẫn đến tổn thất đáng kể.

8.4.2  Yêu cầu

Nồng độ NO2 phải được tính bằng tổng nồng độ hằng ngày trong cả năm (tử số) chia cho 365 ngày (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng mức bình quân hằng năm của nồng độ NO2 hằng ngày theo μg/m3. Nồng độ theo ngày phải được xác định bằng trung bình các nồng độ theo giờ trong suốt khoảng thời gian 24 h từ tất cả các trạm quan trắc trong đô thị.

Bên áp dụng tiêu chuẩn cũng cần lưu ý đến tần suất tiếp xúc NO2. Tiếp xúc đỉnh được xác định bằng cách tính số lần trung bình giờ vượt quá 200 μg/m3 NO2 trong năm. Tiếp xúc dài hạn được xác định bằng cách tính số lần trung bình hằng ngày vượt quá 40 μg/m3 NO2 trong năm.

CHÚ THÍCH Nếu các trạm quan trắc chất lượng không khí của địa phương đo O3 theo tỷ lệ trên phần tỷ thì phải sử dụng tỷ lệ chuyển đổi là μg/m3: 1 ppb = 2,00 μg/m3. Việc chuyển đổi giả định áp suất xung quanh là 1 atm và nhiệt độ là 25 °C. Phương trình chung là μg/m3 = (ppb) * (12,187) * (M) / (273,15 + °C), trong đó: M là trọng lượng phân tử của chất gây ô nhiễm khí. Áp suất không khí là 1 atm.

8.4.3  Nguồn dữ liệu

Nồng độ trung bình theo giờ được đo bằng thiết bị giám sát và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về môi trường.

8.5  Nồng độ lưu huỳnh điôxit (SO2) (chỉ số hỗ trợ)

8.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH SO2 là chất gây ô nhiễm không khí chính, cố tác động đáng kể đến sức khỏe con người và môi trưởng. Các tác động về sức khỏe do tiếp xúc với nồng độ SO2 cao bao gồm: các vấn đề về hít thở, bệnh hô hấp, các thay đổi trong hệ miễn dịch của phổi, bệnh suyễn nặng và các bệnh tim mạch. Những người bị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh tim mạch là những người nhạy cảm nhất với SO2. SO2 cũng làm hỏng cây trồng. SO2 cùng với N2O là nguyên nhân chính gây mưa axit. Điều này gây ra axit hóa các hồ nước và suối, ăn mòn nhanh các công trình, giảm thị lực và phá hùy rừng. SO2 cũng gây ra sự hình thành hạt axít dạng lỏng cực nhỏ, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như gây ra biến đổi khí hậu.

8.5.2  Yêu cầu

Nồng độ SOphải được tính bằng tổng nồng độ hằng ngày trong cả năm (tử số) chia cho 365 ngày. Kết quả được biểu thị bằng mức bình quân hằng năm của nồng độ SO2 hằng ngày theo μg/m3. Nồng độ theo ngày được xác định bằng trung bình các nồng độ theo giờ trong suốt khoảng thời gian 24 h từ tất cả các trạm quan trắc trong đô thị.

Bên áp dụng tiêu chuẩn cũng cần lưu ý đến tần suất tiếp xúc SO2. Tiếp xúc đỉnh được xác định bằng cách tính số lần trung bình 10 phút vượt quá 500 μg/m3 SO2 trong năm. Tiếp xúc dài hạn được xác định bằng cách tính số lần trung bình hàng ngày vượt quá 20 μg/m3 SO2 trong năm.

CHÚ THÍCH Nếu các trạm quan trắc chất lượng không khí của địa phương đo SO2 theo tỷ lệ trên phần tỷ thì phải sử dụng tỷ lệ chuyển đổi là μg/m3:1 ppb = 2,62 μg/m3. Việc chuyển đổi giả định áp suất xung quanh là 1 atm và nhiệt độ là 25 °C. Phương trình chung là μg/m3 = (ppb) * (12,187) * (M)/(273,15 + °C), trong đó M là trọng lượng phân tử của chất gây ô nhiễm khí. Áp suất không khí là 1 atm.

8.5.3  Nguồn dữ liệu

Nồng độ trung bình theo giờ được đo bằng thiết bị giám sát và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về môi trường.

8.6  Nồng độ ôzôn (O3) (chỉ số hỗ trợ)

8.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Nồng độ O3 cao trong không khí xung quanh gây hại cho con người cũng như thực vật. Nồng độ O3 cao có thể gây kích ứng hệ hô hấp và ảnh hưởng đến người mắc bệnh hen, viêm phế quản và nhồi máu cơ tim. Người cao tuổi dễ bị tổn thương nhất. Có mối liên quan giữa nồng độ O3 và vấn đề pháp lý về môi trường, đặc biệt đối với những nhóm người yếu thế, bị thiệt thòi trong xã hội cò thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.

8.6.2  Yêu cầu

Nồng độ O3 (ôzôn) phải được tính bằng tổng nồng độ hằng ngày trong cả năm (tử số) chia cho 365 ngày (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng mức trung bình hằng năm của nồng độ O3 hằng ngày theo μg/m3. O3 thường được theo dõi trong khoảng 8 giờ. Để xác định nồng độ O3 trung bình trong 24 giờ. Cần xác định ba lần và tính trung bình trong khoảng thời gian 24 giờ ở tất cả các trạm quan trắc trong ranh giới của đô thị.

CHÚ THÍCH Nếu các trạm quan trắc chất lượng không khí của địa phương đo O3 theo tỷ lệ trên phần tỷ thì phải sử dụng tỷ lệ chuyển đổi là μg/m3: 1 ppb = 2,00 μg/m3. Việc chuyển đổi giá định áp suất xung quanh là 1 atm và nhiệt độ là 25 °C. Phương trình chung là μg/m3 = (ppb) * (12,187) * (M) / (273,15 + °C), trong đó M là trọng lượng phân tử của chất gây ô nhiễm khí. Áp suất không khí là 1 atm.

Tiếp xúc dài hạn được xác định bởi số ngày mà nồng độ trung bình hằng ngày trong thời gian tiếp xúc 8 giờ vượt quá 100 μg/m3. Cần chú ý đến việc tiếp xúc dài hạn.

8.7  Ô nhiễm tiếng ồn (chỉ số hỗ trợ)

8.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tiếp xúc lâu với tiếng ồn có thể dẫn đến những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần.

8.7.2  Yêu cầu

Ô nhiễm tiếng ồn phải được tính bằng cách lập bản đồ mức ồn Lden (ngày – đêm – khuya) có thể gây phiền toái như quy định trong TCVN 7878-2 (ISO 1996-2), xác định các khu vực của đô thị có Lden lớn hơn 55 dB (A) và ước lượng dân số của các khu vực này thành một tỷ lệ phần trăm của tổng số dân đô thị. Kết quả được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm dân số bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn.

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần lưu ý rằng ô nhiễm tiếng ồn cũng có thể được ghi lại là Ln (khuya) và khi vượt quá 50 dB (A) có thể gây mất ngủ.

CHÚ THÍCH Một chỉ số thông dụng khác về mức độ ồn trong đô thị là chỉ số về mức độ bị làm phiền như được quy định trong ISO/TS 15666:2003.

8.7.3  Nguồn dữ liệu

Mức ô nhiễm tiếng ồn trung bình đo bằng thiết bị giám sát và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về môi trường.

8.8  Thay đổi tỷ lệ phần trăm số lượng loài bản địa (chỉ số hỗ trợ)

8.8.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Đô thị hóa ảnh hưởng đến đa dạng sinh học thông qua việc phân bố nơi ở của đô thị, mất đất trồng trọt màu mỡ và sự lây lan các loài ngoại lai. Sự mất đa dạng sinh học đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm, giảm cơ hội đối với hoạt động giải trí và du lịch, đồng thời tác động đến nhiều loại dược liệu, giống gỗ và năng lượng khác nhau. Đô thị hóa cũng can thiệp vào các chức năng sinh thái thiết yếu, như hấp thụ các bon và lọc không khí. Sự thay đổi ròng về số lượng các loài bản địa trong một đô thị chính là sự mất đi hoặc thu nhận thêm sự đa dạng sinh học.

8.8.2  Yêu cầu

Thay đổi tỷ lệ số lượng loài bản địa phải được tính bằng tổng số thay đổi ròng của các loài (tử số) chia cho tổng số loài trong 5 nhóm được phân loại từ cuộc điều tra gần đây nhất (mẫu số). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Sự thay đổi ròng của loài phải được tính bằng số lượng các loài mới trong đô thị từ 3 nhóm được phân loại chính và lựa chọn thêm 2 nhóm được phân loại của đô thị (do đề xuất lại, khám phá lại, các loài mới tìm thấy…) trừ đi số lượng các loài đã bị tiệt chủng hoặc đã tuyệt chủng tại địa phương.

Ba nhóm phân loại chính đề cập đến thực vật có mạch ống, chim và bướm. Các nhóm được phân loại bổ sung do các đô thị chọn có thể gồm: động vật có vú, côn trùng, thảo mộc, nắm, lưỡng cư, bò sát, cá nước ngọt, nhuyễn thể, chuồn chuồn, bọ cánh cứng, nhện, san hô cứng, cá biển, cỏ biển, bọt biển… Toàn bộ danh sách này có trong sổ tay hướng dẫn cho Chỉ số Đa dạng sinh học đô thị[83].

8.8.3  Nguồn dữ liệu

Nguồn dữ liệu được lấy từ các cơ quan có thẩm quyền về đa dạng sinh học, quy hoạch đô thị, lâm nghiệp, trường đại học…

9  Nhóm các chỉ số về tài chính

9.1  Tỷ lệ nợ dịch vụ (chi phí nợ dịch vụ theo tỷ lệ phần trăm nguồn doanh thu chính của chính quyền) (chỉ số cốt lõi)

9.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Được chấp nhận rộng rãi như một biện pháp quản lý tài chính hợp lý, chỉ số này phản ánh tổng số các nguồn lực tài chính sẵn có cho các hoạt động thường ngày và cách thức chi trả các khoản nợ. Chỉ số này giúp kiểm soát các chi phí và hỗ trợ thiết lập các ưu tiên.

9.1.2  Yêu cầu

Tỷ lệ nợ dịch vụ là tỷ lệ chi trả nợ dịch vụ tính theo phần trăm nguồn doanh thu chính của chính quyền đô thị. Tỷ lệ nợ dịch vụ phải được tính bằng tổng chi phí nợ dịch vụ dài hạn, bao gồm: thanh toán tiền thuê, chi phí tài chính tạm thời và các khoản nợ khác (tử số) chia cho tổng nguồn doanh thu chính (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng phần trăm chi phí trả nợ dịch vụ theo tỷ lệ phần trăm nguồn doanh thu chính của chính quyền đô thị.

Tổng nguồn doanh thu chính là nguồn doanh thu chính ít được chuyển đổi.

9.1.3  Giải thích dữ liệu

Số liệu thấp có thể cho thấy khả năng vay mượn gia tăng hoặc chính quyền cần ra quyết định hạn chế nợ để có khả năng chi trả cho các khu vực dịch vụ khác.

Phải thận trọng khi đánh giá chỉ số này. Tỷ lệ nợ dịch vụ cao có thể cho thấy một đô thị bị nợ quá nhiều nhưng cũng có thể chỉ ra rằng đô thị đã áp dụng cách tiếp cận tích cực đối với việc trả nợ và trả nợ nhanh chóng. Tương tự, tỷ lệ nợ dịch vụ thấp có thể cho thấy một đô thị có tiềm lực về tài chính và có thể cung cấp nguồn vốn cho hầu hết các dự án thông qua các nguồn vốn khác. Tỷ lệ nợ dịch vụ thấp cũng có thể chỉ ra rằng một đô thị yếu kém về mặt tài chính và vốn cho các dự án đã bị hoãn lại và làm cho các hạ tầng quan trọng của đô thị bị xuống cấp.

9.2  Chi tiêu vốn theo phần trăm của tổng chi (chỉ số hỗ trợ)

9.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tổng chi tiêu vốn của đô thị được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm của tổng chi tiêu của đô thị là chỉ số về tái đầu tư vốn và tình trạng sức khỏe tài chính của đô thị.

9.2.2  Yêu cầu

Chi tiêu vốn theo phần trăm của tổng chi phải được tính bằng tổng chi cho tài sản cố định của năm trước (tử số) chia cho tổng chi phí (hoạt động và vốn) của đô thị trong cùng kỳ đó. Kết quả này phải nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm chi tiêu vốn theo phần trăm của tổng chi.

CHÚ THÍCH Tài sản cố định không được bán hoặc chuyển thành tiền mặt trong quá trình kinh doanh thông thường. Đó là các hạng mục lâu dài, vĩnh viễn hoặc cố định, chẳng hạn: đất đai, công trình, thiết bị, đồ đạc và các hạng mục cho thuê.

9.2.3  Nguồn dữ liệu

Các số liệu được sử dụng trong tính toán này cần được lấy trực tiếp từ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của đô thị mà không có sự sửa đổi hoặc điều chỉnh.

9.2.4  Giải thích dữ liệu

Chỉ số này cần được xem xét cùng với chỉ số tỷ lệ nợ dịch vụ để hiểu rõ hơn về khả năng duy trì chi tiêu vốn của đô thị. Mức chi tiêu vốn liên quan đến chi thường xuyên, có thể phản ánh năng lực tài chính của đô thị để đầu tư vào các hạng mục vốn cần cho hỗ trợ tăng trưởng và phát triển trong tương lai.

9.3  Nguồn doanh thu chính theo phần trăm của tổng doanh thu (chỉ số hỗ trợ)

9.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Ở mức cơ bản, chỉ số này đo lường mức độ phụ thuộc của đô thị với các cấp khác của Chính phủ về doanh thu để cung cấp dịch vụ cho người dân.

Sự cân bằng giữa thu nhập chính nguồn và giao quyền quản lý, điều hành của Chính phủ cho các cấp chính quyền địa phương cho thấy sự tồn tại, sự độc lập và quyền kiểm soát các nguồn lực của chính quyền đô thị, đồng thời cho thấy khả năng lập kế hoạch và quản lý tài chính hiệu quả của đô thị.

9.3.2  Yêu cầu

Nguồn doanh thu chính theo phần trăm của tổng doanh thu phải được tính bằng tổng số tiền thu được thông qua phí cấp phép, phí sử dụng các dịch vụ của đô thị và các khoản thuế chỉ thu cho khu vực đô thị (tử số) chia cho tất cả doanh thu hoạt động hoặc hoạt động phát sinh, gồm cả những doanh thu do các cấp chính quyền khác của chính phủ đóng góp cho đô thị (mẫu số). Kết quả này được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Nguồn doanh thu chính theo phần trăm của tổng doanh thu thể hiện tỷ lệ phần trăm doanh thu của chính quyền địa phương có nguồn gốc từ phí, lệ phí và thuế theo quy định của pháp luật có liên quan đến tất cả các khoản doanh thu, bao gồm các khoản doanh thu từ các cấp chính quyền khác đóng góp (gồm cả doanh thu hoạt động hoặc hoạt động phát sinh được xác định thông qua các phương pháp tính trả hoặc hoàn thuế thu nhập, cấp khoản đóng góp từ các cấp cơ quan chính phủ cao hơn và các hình thức chuyển đổi, thanh toán tài chính khác có thể gắn liền với việc cung cấp các dịch vụ cụ thể).

9.4  Thuế thu được theo phần trăm của thuế phải thanh toán (chỉ số hỗ trợ)

9.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Thu thuế là nguồn thu chính cho tất cả các cấp chính quyền bao gồm cả các đô thị. Chỉ số này nhằm đo lường hiệu quả khả năng quản lý tài chính của đô thị và ở một phạm vi nào đó là sự sẵn lòng, tự nguyện nộp thuế của người dân.

9.4.2  Yêu cầu

Thuế thu được theo phần trăm của thuế phải thanh toán đo tỷ lệ thuế thu được hiện tại so với thuế ủy thác. Chỉ số này phải được tính bằng tổng thu nhập từ việc thu thuế (tử số) chia cho số tiền thuế phải thanh toán (đơn vị). Kết quả được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

10  Nhóm các chỉ số về hỏa hoạn và ứng phó khẩn cấp

10.1  Số nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

10.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Ứng phó với hỏa hoạn là một trong những dịch vụ cơ bản mà tất cả các đô thị cung cấp với trách nhiệm là bảo vệ cuộc sống và tài sản của công dân.

10.1.2  Yêu cầu

Số nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp (tử số) chia cho 100.000 dân (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng số lính cứu hỏa chuyên nghiệp trên 100.000 dân.

Một nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp là người túc trực hằng ngày, trực tiếp tham gia chữa cháy và không bao gồm các nhân viên làm việc tại các bộ phận phòng cháy, an toàn, đào tạo, quản lý, ban lãnh đạo không tham gia trực tiếp chữa cháy.

Chỉ số này chỉ nhằm mục đích xác định số lượng các nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp thường trực, chính thức tham gia chữa cháy hoặc các hoạt động liên quan trực tiếp. Chỉ số này sẽ không bao gồm các nhân viên cứu hỏa tình nguyện hoặc không chuyên nghiệp và được báo cáo như là một chỉ số riêng biệt.

CHÚ THÍCH Việc lựa chọn 100.000 dân để cho phép các đô thị có quy mô khác nhau có thể so sánh kết quả với nhau dễ dàng và hiệu quả. Cũng có thể lấy số liệu là trên 1.000 dân.

10.2  Số người tử vong vì hỏa hoạn trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

10.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH  Một trong nhiều biện pháp được sử dụng để chứng minh tính hiệu quả của dịch vụ chữa cháy của đô thị là số ca tử vong do hỏa hoạn xảy ra hằng năm.

10.2.2  Yêu cầu

Số người tử vong vì hỏa hoạn trên 100.000 dân phải được biểu thị bằng số người tử vong do nguyên nhân trực tiếp từ hỏa hoạn trong vòng 30 ngày. Chỉ số này được tính bằng tổng số người chết do hỏa hoạn được ghi nhận trong 12 tháng (tử số) chia cho 100.000 của tổng số dân đô thị (mẫu số). Kết quả được biểu diễn bằng số người tử vong vì hỏa hoạn trên 100.000 dân.

CHÚ THÍCH Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong ở đô thị bao gồm: Độ tuổi và mật độ nhà ở, những nỗ lực phòng cháy và giáo dục. Vấn đề dân số – xã hội, hiệu lực của các văn bản về phòng cháy chữa cháy và tình trạng hoạt động của các thiết bị báo khỏi và hệ thống báo động.

10.3  Số người tử vong do thảm họa thiên nhiên trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

10.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Sự thu hút của đô thị đối với người dân và nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi tần suất và mức độ thảm họa thiên nhiên xảy ra trong đô thị và khả năng ứng phó của đô thị. Những tổn thất liên quan đến thảm họa thiên nhiên trong quá khứ có thể là dấu hiệu cho những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai đối với đô thị.

10.3.2  Yêu cầu

Số người tử vong do thảm họa thiên nhiên trên 100.000 dân phải được biểu thị bằng số người tử vong trực tiếp do các thảm họa thiên nhiên. Chỉ số này được tính bằng tổng số người tử vong do thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong 12 tháng (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng số lượng người tử vong do thảm họa thiên nhiên trên 100.000 dân.

CHÚ THÍCH Thảm họa thiên nhiên thường xảy ra không giới hạn phạm vi địa lý chính xác, do đó nội dung cơ sở dữ liệu về thảm họa thiên nhiên có thể phải điều chỉnh lại/tính toán lại để có kết quả phù hợp với ranh giới địa lý đã được xác định của đô thị.

10.3.3  Nguồn dữ liệu

Các công ty bảo hiểm và cơ quan chịu trách nhiệm về thảm họa thiên nhiên là các đơn vị cung cấp chính thức các dữ liệu này.

10.3.4  Giải thích dữ liệu

Chỉ số này có thể áp dụng cho các trường hợp tử vong khác. Dữ liệu này thường có sẵn từ các công ty bảo hiểm.

10.4  Số nhân viên cứu hỏa tình nguyện và không chuyên nghiệp trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

10.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Ứng phó với hỏa hoạn là một dịch vụ cơ bản để bảo vệ cuộc sống và tài sản của công dân. Trong khi nhiều đô thị lớn (có từ 25.000 người trở lên) có lực lượng nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp thì nhiều đô thị có cả các nhân viên cứu hỏa tình nguyện. Lực lượng nhân viên cứu hỏa tình nguyện thường có ở các vùng nhỏ, khu vực nông thôn.

10.4.2  Yêu cầu

Số nhân viên cứu hỏa tình nguyện và không chuyên nghiệp trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số nhân viên cứu hỏa tình nguyện và không chuyên nghiệp (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng số nhân viên cứu hỏa tình nguyện và không chuyên nghiệp trên 100.000 dân.

Nhân viên cứu hỏa tình nguyện là những người tham gia chữa cháy nhưng không được trả tiền công.

Nhân viên cứu hỏa không chuyên nghiệp không phải là nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp và có thể được trả công, tiền lương theo những sự vụ chữa cháy mà họ tham gia.

CHÚ THÍCH Thuật ngữ “nhân viên cứu hỏa tình nguyện” thường được sử dụng để chỉ những người có thể có nghề khác hoặc tham gia vào chữa cháy không thường xuyên. Do vậy, nhân viên cứu hỏa tình nguyện và nhân viên cứu hỏa không chuyên nghiệp được phân cùng một loại.

10.5  Thời gian phản hồi của các dịch vụ ứng phó khẩn cấp khi nhận được cuộc gọi đầu tiên (chỉ số hỗ trợ)

10.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Thời gian phản hồi trung bình (tính bằng phút và giây) để giải quyết một trường hợp khẩn cấp và bộ phận cứu hộ phản hồi các cuộc gọi khẩn cấp ban đầu là một chỉ số về cách thức bảo vệ người dân đô thị trước các mối đe dọa về an ninh và an toàn.

10.5.2  Yêu cầu

Thời gian phản hồi của các dịch vụ ứng phó khẩn cấp nhận được cuộc gọi đầu tiên phải được tính bằng tổng của tất cả các cuộc gọi đầu tiên về tình huống khẩn cấp đến đúng nhân viên trực và tới thiết bị cảnh báo khẩn cấp tính bằng phút và giây trong năm (tử số) chia cho số lượng các cuộc ứng phó khẩn cấp trong cùng năm (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng thời gian phản hồi của các dịch vụ ứng phó khẩn cấp khi nhận được cuộc gọi đầu tiên tính bằng phút và giây.

Tổng số phút và giây được thực hiện để phản hồi tất cả các cuộc gọi cứu hộ khẩn cấp bao gồm thời gian kể từ khi nhận cuộc gọi đầu tiên đến đúng nhân viên trực và tới thiết bị cảnh báo khẩn cấp để được hỗ trợ được tính cho 12 tháng trước đó.

CHÚ THÍCH Do tính khách quan của chỉ số này, thời gian phản ứng khẩn cấp là một biện pháp quan trọng được sử dụng để người dân đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống.

10.6  Thời gian phản hồi của Cơ quan phụ trách cứu hỏa khi nhận được cuộc gọi đầu tiên (chỉ số hỗ trợ)

10.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Thời gian phản hồi trung bình (tính bằng phút và giây) để giải quyết một trường hợp khẩn cấp và bộ phận cứu hộ phản hồi các cuộc gọi khẩn cấp ban đầu là một chỉ số về cách thức bảo vệ người dân đô thị trước các mối đe dọa về an ninh và an toàn.

10.6.2  Yêu cầu

Thời gian phản hồi của cơ quan phụ trách cứu hỏa khi nhận được cuộc gọi đầu tiên phải được bằng tổng của tất cả các cuộc gọi đầu tiên về tình huống khẩn cấp đến đúng nhân trực và tới thiết bị cảnh báo khẩn cấp tính bằng phút và giây trong năm (tử số) chia cho số lượng các cuộc ứng phó của cơ quan phụ trách cứu hỏa trong cùng năm (mẫu số). Kết quả được biểu thị bằng thời gian phản hồi của cơ quan phụ trách cứu hỏa khi nhận được cuộc gọi đầu tiên tính bằng phút và giây.

Tổng số phút và giây được thực hiện để phản hồi tất cả các cuộc gọi cứu hộ khẩn cấp bao gồm thời gian kể từ khi nhận cuộc gọi đầu tiên đến đúng nhân viên trực và tới thiết bị cảnh báo khẩn cấp để được hỗ trợ được tính cho 12 tháng trước đó.

CHÚ THÍCH Do tính khách quan của chỉ số này, thời gian phản ứng khẩn cấp là một biện pháp quan trọng được sử dụng để người dân đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống.

11  Nhóm các chỉ số về điều hành

11.1  Cử tri tham gia vào cuộc bầu cử gần đây của chính quyền địa phương (như tỷ lệ cử tri đủ điều kiện) (chỉ số cốt lỗi)

11.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ dân số đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử gần đây của chính quyền địa phương là chỉ số về mức độ tham gia và mức độ quan tâm của công chúng đối với chính quyền địa phương.

11.1.2  Yêu cầu

Cử tri tham gia vào cuộc bầu cử của chính quyền địa phương gần đây phải được tính bằng số người bỏ phiếu ở lần bầu cử gần đây (tử số) chia cho sổ cử tri đủ điều kiện bầu cử của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Kết quả 0 phải được chỉ rõ nếu không có cuộc bầu cử nào trong 5 năm gần đây và phải có giải thích kèm theo.

11.1.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin phải thu được từ Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

11.1.4  Giải thích dữ liệu

Chỉ số này chỉ cho thấy mức độ tham gia, chứ không phải mức độ hài lòng của dân cư. Trong một vài trường hợp, tỷ lệ tham gia cao nghĩa là dân cư không hài lòng với sự quản lý và hoạt động của chính quyền địa phương.

11.2  Tỷ lệ phần trăm nữ giới trong tổng số người được bầu vào các Cơ quan chính quyền cấp đô thị (chỉ số cốt lõi)

11.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm nữ giới được bầu vào các cơ quan chính quyền cấp đô thị là sự phản ánh trực tiếp về tính đa dạng trong hoạt động điều hành.

11.2.2  Yêu cầu

Số lượng nữ giới được bầu vào các cơ quan chính quyền cấp đô thị phải được tính bằng tổng số vị trí do nữ giới đảm nhiệm trong các cơ quan chính quyền cấp đô thị (tử số) chia cho tổng số vị trí được bầu trong các cơ quan chính quyền cấp đô thị (mẫu số). Kết quả phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Số lượng vị trí được bầu vào các cơ quan chính quyền cấp đô thị phải đề cập tới số lượng vị trí trong hội đồng đô thị hoặc trong các cơ quan chính quyền cấp đô thị được bầu trực tiếp, số lượng này bao gồm các vị trí quản lý được bầu.

11.3  Tỷ lệ phần trăm nữ giới trong lực lượng lao động của cơ quan chính quyền cấp đô thị (chỉ số hỗ trợ)

11.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm nữ giới được bầu vào các cơ quan chính quyền cấp đô thị là sự phản ánh trực tiếp về tính công bằng trong việc tuyển dụng nhân sự của chính quyền đô thị.

11.3.2  Yêu cầu

Số lượng nữ giới trong lực lượng lao động của các cơ quan chính quyền cấp đô thị phải được tính bằng tổng số người làm việc là nữ làm việc trong các cơ quan chính quyền cấp đô thị (tử số) chia cho người làm việc trong các cơ quan chính quyền cấp đô thị (mẫu số). Kết quả phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Lực lượng lao động của các cơ quan chính quyền cấp đô thị phải được tính là tổng số người làm việc trong các cơ quan chính quyền cấp đô thị.

11.4  Số người bị kết án tham nhũng và/hoặc hối lộ là quan chức đô thị trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

11.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Các nguyên tắc điều hành bao gồm: công tâm, khách quan, trách nhiệm giải trình, cởi mở, trung thực và vai trò lãnh đạo. Số người bị kết án tham nhũng/hối lộ phản ánh mức độ của hoạt động điều hành tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi này.

11.4.1  Yêu cầu

Số người bị kết án tham nhũng và/hoặc hối lộ là quan chức đô thị phải được tính bằng tổng số người bị kết án tham nhũng và/hoặc hối lộ là quan chức đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là số người bị kết án tham nhũng và/hoặc hối lộ là quan chức đô thị trên 100.000 dân.

Quan chức đô thị là người được bầu cử hoặc được tuyển dụng làm việc tại các cơ quan chính quyền của đô thị.

11.5  Đại diện của người dân: số quan chức địa phương được bầu vào các cơ quan chính quyền đô thị trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

11.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH số quan chức làm việc trong chính quyền đô thị được bầu bởi người dân của đô thị và quyền của người dân được bảo đảm bởi luật pháp, để xem xét và tiếp đó đưa ra các đề xuất/phản đối về các chính sách, kế hoạch, dự án về quy hoạch, xây dựng và hạ tầng đô thị trước khi phê duyệt/xây dựng là một chỉ số về quyền của người dân được tham gia vào công việc của đô thị.

11.5.2  Yêu cầu

Số quan chức địa phương được bầu vào các cơ quan chính quyền đô thị trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số quan chức địa phương được bầu vào các cơ quan chính quyền đô thị bởi người dân của đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số quan chức địa phương được bầu vào các cơ quan chính quyền đô thị trên 100.000 dân.

Thuật ngữ “quan chức địa phương được bầu vào các cơ quan chính quyền đô thị bởi người dân của đô thị” phải bao gồm tất cả những quan chức làm việc trong các đơn vị dịch vụ công cộng liên quan tới đô thị được bầu bởi người dân của đô thị để quản lý các đơn vị này, những quan chức làm việc tại các cơ quan chính quyền đô thị được bầu bởi người dân của đô thị nhưng không bao gồm các quan chức của Chính phủ.

CHÚ THÍCH Chỉ số này chỉ cho biết số quan chức địa phương được bầu vào các cơ quan chính quyền đô thị và xác định người dân có hay không có quyền, được đảm bảo bởi luật pháp, để xem xét và tiếp đó đưa ra các đề xuất/phản đối về các chính sách, kế hoạch, dự án về quy hoạch, xây dựng và hạ tầng đô thị trước khi phê duyệt/xây dựng. Đô thị có các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo người dân có quyền xem xét và tiếp đó đưa ra các đề xuất/phản đối về các chính sách, kế hoạch, dự án về quy hoạch, xây dựng và hạ tầng đô thị trước khi phê duyệt/xây dựng để chứng tỏ rằng có sự tham gia của người dân vào các hoạt động của đô thị. cần lưu ý các quyền này có hay không.

11.5.3  Góp ý và giới hạn

Việc gia tăng quan chức địa phương được bầu và việc tăng tương ứng số nhân công của đô thị trong một vài trường hợp có thể cho thấy việc điều hành đô thị rất tốn kém.

11.6  Tỷ lệ phần trăm cử tri đã đăng ký trong số dân cư ở độ tuổi bầu cử (chỉ số hỗ trợ)

11.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Xác định tỷ lệ phần trăm cử tri đủ điều kiện bầu cử đã đăng ký trong danh sách cử tri có thể cho biết tính hợp pháp và chất lượng của quá trình bầu cử tại đô thị. Để người dân thực hiện quyền bầu cử dân chủ thì phải quy định rõ thủ tục đăng ký bầu cử và lập danh sách cử tri. Điều này phải được duy trì cẩn trọng để đảm bảo rằng mỗi công dân đủ điều kiện bầu cử tri được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường tới hoặc tạm trú. Danh sách cử tri giúp tách hai chức năng quan trọng nhất của cơ quan bầu cử: xác minh tính hợp lệ của cử tri và kiểm soát tính hợp pháp của quá trình bỏ phiếu.

11.6.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm cử tri đã đăng ký vào danh sách cử tri trong số dân cư ở độ tuổi bầu cử phải được tính bằng tổng số cử trị ở độ tuổi bầu cử đã đăng ký vào danh sách cử tri (tử số) chia cho dân số ở tuổi bầu cử (mẫu số). Kết quả phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Số cử tri đã đăng ký phải là những người đã có tên trong danh sách cử tri tại thời điểm quy trình đăng ký kết thúc (hạn đăng ký), số liệu này do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Dân cư ở độ tuổi bầu cử phải bao gồm tất cả dân cư ở độ tuổi bầu cử hợp pháp [95].

CHÚ THÍCH Dân cư ở độ tuổi bầu cử không nhất thiết là thước đo chính xác số lượng dân cư được quyền bầu cử do một số lý do như: không cư ngụ tại địa phương, công dân không được ghi tên vào danh sách cử tri (người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự)…

12  Nhóm các chỉ số về y tế

12.1  Tuổi thọ trung bình (chỉ số cốt lõi)

12.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tuổi thọ phản ánh mức tử vong chung của dân số. Tuổi thọ liên quan chặt chẽ với điều kiện y tế và là một phần không thể tách rời của sự phát triển. Tử vong cũng là một trong những biến số xác định quy mô dân số và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Tuổi thọ lúc sinh cũng là một thước đo về chất lượng sống chung của một quốc gia và khái quát chung tỷ lệ tử vong ở mọi lứa tuổi. Tuổi thọ cũng có thể khiến chúng ta nghĩ đến các tiềm năng đầu tư vào con người và cần cho việc tính toán các chỉ số đo khác nhau.

12.1.2  Yêu cầu

Tuổi thọ trung bình phải được tính bằng số năm trung bình sống của một nhóm người sinh cùng năm, nếu sức khỏe và điều kiện sống tại thời điểm sinh vẫn giữ nguyên trong suốt cuộc đời họ.[3][84]

12.2  Số giường bệnh nội trú trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

12.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số giường bệnh nội trú trong các bệnh viện công là một trong số ít các chỉ số sẵn có để theo dõi mức độ cung cấp dịch vụ y tế. Việc cung cấp dịch vụ này là một phần quan trọng của hệ thống y tế và mật độ giường bệnh nội trú trong các bệnh viện công là một trong số ít các chỉ số có thể thu thập được trên toàn thế giới (W.H.O, 2006).[12]

12.2.2  Yêu cầu

Số giường bệnh nội trú trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số giường của bệnh nội trú của các bệnh viện công và bệnh viện tư (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số giường bệnh nội trú của bệnh viện công và bệnh viện tư trên 100.000 dân của đô thị.

Số giường bệnh phải bao gồm số giường bệnh nội trú và số giường bệnh dành cho thai sản, số giường bệnh này phải bao gồm cả số giường bệnh tại các bệnh viện đang đóng cửa vì lý do: thiếu nhân viên y tế hoặc đang xây dựng, sửa chữa, số giường bệnh cũng bao gồm cả số giường bệnh cho bệnh nhân nhập viện cần chăm sóc liên tục, an dưỡng và chăm sóc đặc biệt; số giường bệnh theo ngày, giường bệnh trước gây mê, giường chờ khám chữa trị, giường cho gia đình bệnh nhân và giường của nhân viên bệnh viện.

12.2.3  Nguồn dữ liệu

Chỉ số này phụ thuộc vào hồ sơ quản lý, dựa trên dữ liệu được báo cáo bởi các cơ sở y tế. Dữ liệu cũng có thể được thu thập từ cuộc tổng điều tra của các cơ sở chăm sóc y tế.

12.3  Số lượng thầy thuốc trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

12.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng các thầy thuốc là một chỉ số quan trọng về năng lực của hệ thống y tế địa phương. Đây là bằng chứng cho thấy số lượng thầy thuốc có mối liên quan tích cực đến việc tiêm chủng, tiếp cận dịch vụ chăm sóc ban đầu, chăm sóc trẻ sơ sinh, ba mẹ và trẻ em (W.H.O, 2006)[12].

12.3.2  Yêu cầu

Số lượng thầy thuốc trên 100.000 dân phải được tính bằng số lượng thầy thuốc đa khoa hay chuyên khoa làm việc tại địa phương (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số lượng thầy thuốc trên 100.000 dân.

Với chỉ số này, thầy thuốc phải là người tốt nghiệp các trường hoặc cơ sở đào tạo y tế và làm việc tại đô thị.

Áp dụng cách quy đổi làm việc toàn thời gian phải được áp dụng để theo dõi thời gian làm việc bán thời gian của thầy thuốc tại các bệnh viện và cơ sở y tế.

12.3.3  Nguồn dữ liệu

Đô thị phải báo cáo số lượng thầy thuốc dựa vào hồ sơ quản lý sẵn có, như: số lượng thầy thuốc đăng ký hành nghề tại địa phương. Thông tin có thể thu thập được từ thống kê các cuộc tổng điều tra, thống kê về lực lượng lao động hoặc các khảo sát khác liên quan đến nghề nghiệp.

Tính chính xác và đầy đủ về dữ liệu nguồn nhân lực quốc gia có thể gặp vấn đề do cơ sở dữ liệu không được cập nhật thường xuyên, dữ liệu từ khối tư nhân thường không sẵn có và việc xác định lực lượng lao động có sự thay đổi. Đó chính là lý do hằng năm cần cập nhật dữ liệu được sử dụng, như: các hồ sơ quản lý. Đây chính là những yêu cầu cần được lưu ý khi thu thập dữ liệu liên quan đến chỉ số này.

12.4  Số trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên 1.000 trường hợp sinh (chỉ số cốt lõi)

12.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi là một trong chỉ số quan trọng nhất về mức độ sức khỏe của trẻ và sự phát triển chung của các đô thị. Tỷ lệ tử vong của trẻ em là một chỉ số về tình trạng của đô thị để xác định nơi này vấn đề y tế được quan tâm như thế nào. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của trẻ em là một trong những chỉ số được sử dụng nhiều nhất để so sánh mức độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các quốc gia. Cải thiện tỷ lệ tử vong của trẻ em là một yếu tố quan trọng của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ [21].

12.4.2  Yêu cầu

Số trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên 1.000 trường hợp sinh phải được biểu thị bằng xác suất số trẻ sinh ra trong một năm đã định tử vong trước 5 tuổi và phải biểu thị bằng tỷ lệ trên 1.000 trường hợp sinh.

CHÚ THÍCH Nếu nói chính xác thì tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi không phải là là một chỉ số được biểu thị bằng tỷ lệ (do số người tử vong chia cho số dân có nguy cơ rủi ro trong một khoảng thời gian nào đó), trong khi xác suất tử vong được lấy từ bảng tuổi thọ và được biểu thị bằng tỷ lệ trên 1.000 trường hợp sinh.

Tỷ lệ tử vong theo độ tuổi cụ thể giữa trẻ em và trẻ sơ sinh phải được tính toán từ dữ liệu sinh và tử vong của cơ quan có thẩm quyền, từ các cuộc điều tra và/hoặc khảo sát về hộ gia đình. Đánh giá dựa trên dữ liệu khảo sát về hộ gia đình phải đảm bảo:

– nếu trực tiếp thì sử dụng các dữ liệu về lịch sử sinh sản, như các khảo sát về nhân khẩu và y tế, hoặc

– nếu gián tiếp thì sử dụng phương pháp Brass, được quy định trong Khảo sát đa chỉ số [26]

Tiếp đó phải tính tổng số trẻ em ở độ tuổi dưới 5 và biểu thị là tỷ lệ trên 1.000 trường hợp sinh.

12.4.3  Nguồn dữ liệu

Tại các đô thị, cơ quan quản lý về dân cư có thể cung cấp được tương đối đầy đủ số liệu về dân cư của đô thị. Đây là nguồn dữ liệu tốt nhất. Tuy nhiên, cần kết hợp với việc lấy số liệu từ các cuộc khảo sát hoặc áp dụng các công nghệ đánh giá trực tiếp hay gián tiếp cho việc đăng ký, tổng điều tra hoặc khảo sát dữ liệu.

CHÚ THÍCH Các khảo sát về hộ gia đình là cần thiết để tính toán chỉ số này, nhưng có một vài hạn chế về chất lượng dữ liệu. Dữ liệu khảo sát phải tính đến sai lỗi và các khảo sát đánh giá các ca tử vong dưới 5 tuổi cần lấy mẫu nhiều, do phạm vi khảo sát còn chung chung và các hộ gia đình đại diện được chọn lấy mẫu khảo sát không được xác định thường xuyên. Hơn nữa, tần suất khảo sát thường là 3 đến 5 năm. Khi sử dụng các khảo sát về hộ gia đình, cần tính đến các sai lỗi về lấy mẫu. Do đó, đánh giá gián tiếp cần đối chiếu lại với bảng tuổi thọ khi không phù hợp với dân số được đề cập.

12.5  Số lượng y tá và điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

12.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số nhân viên y tế và điều dưỡng là một yếu tố quan trọng về hệ thống y tế của địa phương và phản ánh khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ sinh sản.

12.5.1  Yêu cầu

Số lượng y tá và điều dưỡng phải được tính bằng tổng số y tá và điều dưỡng (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số y tá và điều dưỡng trên 100.000 dân.

Số lượng y tá và điều dưỡng phải bao gồm số lượng y tá và điều dưỡng hiện đang hoạt động trong các bệnh viện, các cơ sở y tế công và tư, và cả các y tá và điều dưỡng tự mở cơ sở hoạt động. Các y tá và điều dưỡng này phải được đào tạo và cấp bằng theo đúng quy định.

CHÚ THÍCH Một vài số liệu có thể được đánh giá quá thấp hoặc quá cao khi các số liệu này khó có thể tách biệt được số liệu các nhân viên y tế trong khu vực tư nhân, nhiều người làm việc cùng lúc ở những cơ sở y tế khác nhau, các nhà cung cấp dịch vụ y tế không thuộc khu vực chăm sóc sức khỏe (ví dụ: các y tá làm việc tại trường học hoặc trong các doanh nghiệp), các nhân viên không được trả lương hoặc không được kiểm soát nhưng vẫn tham gia các hoạt động chăm sóc y tế (ví dụ: các tình nguyện viên cộng đồng) hoặc những người được đào tạo về y tế nhưng không tham gia vào hoạt động chăm sóc y tế (ví dụ: thất nghiệp, di cư, nghỉ hưu hoặc rút khỏi lực lượng lao động vì lý do cá nhân).

12.6  Số lượng người hành nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

12.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Sức khỏe tâm thần là trọng tâm của sự phát triển của con người. Sức khỏe tâm thần theo hướng tích cực liên quan đến một loạt các kết quả về sự phát triển, bao gồm cả tình trạng sức khỏe tốt hơn, thành tích học vấn cao hơn, nâng cao năng suất và tăng thu nhập, cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân, vai trò làm cha mẹ tốt hơn, kết nối xã hội chặt chẽ hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sức khỏe tâm thần theo hướng tích cực cũng là nền tảng cơ bản để đương đầu với những tình huống bất lợi.

Nói cách khác, sức khỏe tâm thần kém ảnh hưởng đến khả năng của một cá nhân khi thực hiện những năng lực tiềm năng của mình, làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng. Tác động của các khuyết tật về tâm thần và tâm lý đối với vấn đề kinh tế – xã hội rất đa dạng và sâu rộng, dẫn đến tình trạng vô gia cư, kết quả giáo dục và sức khỏe kém và tỷ lệ thất nghiệp cao dẫn đến nghèo đói. Tất cả những vấn đề này đều liên quan trực tiếp đến các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

12.6.2  Yêu cầu

Số lượng người hành nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số người hành nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần làm việc tại đô thị (mẫu số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số người hành nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần trên 100.000 dân.

Người hành nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm nhà tâm lý học, nhà tâm lý học y học, nhân viên xã hội – y học, y tá về tâm thần và các cố vấn sức khỏe tâm thần.

12.7  Tỷ lệ người tự tử trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

12.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ người tự tử là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều đô thị và phản ánh về vấn đề sức khỏe tâm thần của một đô thị, đóng vai trò là trung tâm của sự phát triển con người.

12.7.2  Yêu cầu

Số người tử vong do tự tử trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số người tử vong do tự sát được báo cáo (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số người tử vong do tự tử trên 100.000 dân.

Tử vong do tự tử được xem là hành động có chủ ý và thực hiện bởi người có nhận biết đầy đủ về hậu quả nghiêm trọng của hành động đó.

12.7.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin phải được thu thập từ Cơ quan y tế địa phương hoặc từ cuộc điều tra.

CHÚ THÍCH Số vụ tự tử thường không được báo cáo. Đôi lúc, số vụ tự tử được báo cáo là do tai nạn hoặc do giết người.

13  Nhóm các chỉ số về giải trí

13.1  Diện tích không gian giải trí công cộng trong nhà theo bình quân đầu người (chỉ số hỗ trợ)

13.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Giải trí là một khía cạnh quan trọng của cuộc sống đô thị, góp phần vào sức khỏe của người dân và sức sống của đô thị. Giải trí là một dịch vụ mà nhiều đô thị cung cấp, như công viên và khu vui chơi giải trí hoặc công trình liên quan.

13.1.2  Yêu cầu

Diện tích không gian giải trí công cộng trong nhà theo bình quân đầu người phải được tính bằng diện tích không gian giải trí trong nhà (tử số) chia cho số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là diện tích của không gian giải trí công cộng trong nhà theo bình quân đầu người.

CHÚ THÍCH Nhu cầu đối với không gian giải trí công cộng trong nhà thay đổi theo các điều kiện văn hóa và khí hậu của khu vực.

Diện tích không gian giải trí công cộng được định nghĩa theo nghĩa rộng là khu đất và không gian dành cho công chúng vui chơi giải trí. Không gian giải trí chỉ bao gồm các không gian dành cho mục đích giải trí.

Không gian giải trí trong nhà phải bao gồm:

– Các công trình thuộc sở hữu của đô thị và được duy trì bởi đô thị;

– Các công trình giải trí khác của đô thị nhưng không do đô thị sở hữu hoặc vận hành, nhưng dành cho công chúng vui chơi giải trí. Các công trình này bao gồm: các công trình thuộc sở hữu của chính phủ hoặc địa phương, các trường học, cũng như các công trình với mục đích phi lợi nhuận. Cần phải lưu ý nếu chính quyền đô thị chỉ có báo cáo diện tích không gian giải trí do đô thị sở hữu.

Đối với các công trình có nhiều hạng mục sử dụng, cần tính tất cả diện tích các tầng, địa điểm của công trình nếu có thể.

Đối với các cơ sở có nhiều mục đích sử dụng thì chỉ tính diện tích khu vực dành cho giải trí, ví dụ: các diện tích sân chơi tại trường học, chứ không phải toàn bộ khu vực trường học.

Diện tích của toàn bộ khu vực giải trí phải được tính đầy đủ (ví dụ: khu vực bảo dưỡng và tiện ích của công trình) nhưng phải ngoại trừ khu vực đỗ xe.

CHÚ THÍCH Một số đô thị chỉ báo cáo diện tích giải trí thuộc sở hữu của mình, nhưng lại không có thông tin về diện tích của các công trình giải trí không thuộc sở hữu của đô thị. Số liệu này có thể rất quan trọng tại các quốc gia đang phát triển. Phương pháp luận trong tiêu chuẩn này là rất phức tạp, do đó các số liệu nêu trên rất có ý nghĩa, căn cứ số liệu đầy đủ về diện tích tất cả các khu vực vui chơi giải trí có trong đô thị.

13.1.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này phải được thu thập từ cơ quan quản lý có thẩm quyền của đô thị.

Diện tích giải trí có thể được mô tả bằng hình ảnh vệ tinh và/hoặc dùng bản đồ. Khi được xác định cụ thể trên bản đồ, khu vực giải trí này phải được tính toán bằng số diện tích cụ thể, sử dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) hoặc nếu không có thì có thể sử dụng các thiết bị đo cầm tay. Diện tích có thể tính theo hecta hoặc mét vuông (m2).

13.2  Diện tích của không gian giải trí công cộng ngoài trời theo bình quân đầu người (chỉ số hỗ trợ)

13.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Giải trí là một khía cạnh quan trọng của cuộc sống đô thị, góp phần vào sức khỏe của người dân và sức sống của đô thị. Giải trí là một dịch vụ mà nhiều đô thị cung cấp, như công viên và khu vui chơi giải trí hoặc công trình liên quan.

13.2.2  Yêu cầu

Diện tích của không gian giải trí công cộng ngoài trời theo bình quân đầu người phải được tính bằng diện tích không gian giải trí ngoài trời (tử số) chia cho số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là diện tích của không gian giải trí công cộng ngoài trời theo bình quân đầu người.

Diện tích không gian giải trí công cộng được định nghĩa theo nghĩa rộng là khu đất và không gian dành cho công chúng vui chơi giải trí. Không gian giải trí chỉ bao gồm các không gian dành cho mục đích giải trí.

Không gian giải trí trong nhà phải bao gồm:

– Các công trình thuộc sở hữu của đô thị và được duy trì bởi đô thị:

– Các công trình giải trí khác của đô thị không do đô thị sở hữu hoặc vận hành, nhưng dành cho cư dân vui chơi giải trí. Các công trình này bao gồm: các công trình thuộc sở hữu của chính phủ hoặc địa phương, các trường học, cũng như các công trình với mục đích phi lợi nhuận, cần phải lưu ý nếu chính quyền đô thị chỉ có báo cáo diện tích không gian giải trí do đô thị sở hữu.

Đối với các cơ sở có nhiều mục đích sử dụng thì chỉ tính diện tích khu vực dành cho giải trí, ví dụ: các diện tích sân chơi tại trường học, chứ không phải toàn bộ khu vực trường học.

Diện tích của toàn bộ khu vực giải trí phải được tính đầy đủ (ví dụ: khu vực bảo dưỡng và tiện ích của công trình) nhưng phải ngoại trừ khu vực đỗ xe.

CHÚ THÍCH Một số đô thị chỉ báo cáo diện tích giải trí thuộc sở hữu của mình, nhưng lại không có thông tin về diện tích của các công trình giải trí không thuộc sở hữu của đô thị. Số liệu này có thể rất quan trọng tại các quốc gia đang phát triển. Phương pháp luận trong tiêu chuẩn này là rất phức tạp, do đó các số liệu nêu trên rất có ý nghĩa, cần có số liệu đầy đủ về diện tích tất cả các khu vực vui chơi giải trí có trong đô thị.

13.2.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này phải được thu thập từ cơ quan quản lý có thẩm quyền của đô thị.

Diện tích giải trí có thể được mô tả bằng hình ảnh vệ tinh và/hoặc dùng bản đồ. Khi được xác định cụ thể trên bản đồ, khu vực giải trí này phải được tính toán bằng số diện tích cụ thể, sử dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) hoặc nếu không có thì có thể sử dụng các thiết bị đo cầm tay. Diện tích có thể tính theo hecta hoặc mét vuông (m2).

14  Nhóm các chỉ số về an ninh

14.1  Số nhân viên cảnh sát trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

14.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số nhân viên cảnh sát trên 100.000 dân là một chỉ số về ngăn ngừa tổng thể tội phạm tại chỗ của đô thị.

14.1.2  Yêu cầu

Số nhân viên cảnh sát trên 100.000 dân phải được tính bằng số nhân viên cảnh sát (tử số) chia cho 100.000 dân số của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số nhân viên cảnh sát trên 100.000 dân.

14.1.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu cho chỉ số này phải được thu thập từ cơ quan cảnh sát địa phương hằng năm.

14.2  Số vụ giết người trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

14.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH số vụ giết người là một chỉ số về số lượng tội phạm, cảm nhận của cá nhân về vấn đề an toàn và có thể ảnh hưởng đến việc khuyến khích đầu tư.

14.2.2  Yêu cầu

Số vụ giết người trên 100.000 dân phải được tính bằng số vụ giết người được báo cáo (tử số) chia cho 100.000 dân số của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số vụ giết người trên 100.000 dân.

Giết người phải bao gồm cả giết người có chủ ý và vô ý. Giết người có chủ ý là cố ý làm tử vong một người bởi một người khác, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Giết người vô ý là không cố ý gây chết người bởi một người khác. Giết người bao gồm cả ngộ sát và tự sát, nhưng phải loại trừ chết người do tai nạn giao thông.

14.2.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu phải được thu thập từ cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn vị thực thi luật pháp.

CHÚ THÍCH Các vụ giết người thường không được báo cáo. Trong một số trường hợp, các vụ giết người được báo cáo là tự sát hoặc tai nạn.

14.3  Số vụ phạm tội về tài sản trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

14.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số vụ phạm tội về tài sản là một chỉ số về tổng số vụ phạm tội về tài sản có người sở hữu và cũng là một chỉ số về cảm nhận của cá nhân về vấn đề an toàn và có thể ảnh hưởng đến việc khuyến khích đầu tư. Số lượng các vụ phạm tội về tài sản tại địa phương được xem là một chuẩn cho mức độ an toàn chung trong đô thị. Do các vụ phạm tội có tính khách quan nên các thống kê về số vụ phạm tội về tài sản là một biện pháp quan trọng, có giá trị để đánh giá kết quả đạt được liên quan đến vấn đề bảo vệ an toàn cho dân cư của đô thị.

14.3.2  Yêu cầu

Số vụ phạm tội về tài sản phải được tính bằng tổng số vụ phạm tội về tài sản được báo cáo (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là số vụ phạm tội về tài sản trên 100.000 dân.

Phạm tội về tài sản được quy định là tất cả vụ phạm tội có liên quan tới việc vi phạm pháp luật hoặc hủy hoại về tài sản mà không gây hại hoặc dùng vũ lực với người khác.

Phạm tội về tài sản phải bao gồm: cướp giật, trộm cắp, trộm phương tiện đi lại và cố ý gây hỏa hoạn.

14.4  Thời gian phản hồi của cơ quan cảnh sát khi nhận được cuộc gọi đầu tiên (chỉ số hỗ trợ)

14.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Thời gian phản hồi trung bình (tính bằng phút và giây) cần có để một sở cảnh sát phản hồi lại cuộc gọi khẩn cấp khi nhận được cuộc gọi đầu tiên là chỉ số về cách thức bảo vệ người dân đô thị trước các mối đe dọa về an ninh và an toàn. Do chỉ số này có tính khách quan nên thời gian phản hồi của cơ quan cảnh sát là một biện pháp quan trọng, có giá trị để đánh giá kết quả đạt được liên quan đến vấn đề bảo vệ an toàn và an ninh cho dân cư của đô thị.

14.4.2  Yêu Cầu

Thời gian phản hồi của cơ quan cảnh sát khi nhận được cuộc gọi đầu tiên phải được tính bằng tổng số cuộc gọi đầu tiên tới đúng cơ quan cảnh sát tính bằng phút và giây trong năm (tử số) chia cho số lượng các phản hồi của cơ quan cảnh sát trong cùng năm (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là thời gian phản hồi của cơ quan cảnh sát khi nhận được cuộc gọi đầu tiên tính bằng phút và giây.

Tổng số phút và giây được thực hiện để phản hồi tất cả cuộc gọi khẩn cấp bao gồm thời gian kể từ khi nhận cuộc gọi đầu tiên đến đúng nhân viên trực được tính cho 12 tháng trước đó.

14.5  Tỷ lệ số vụ án bạo lực trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

14.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng các vụ án bạo lực là một chỉ số về tổng số vụ phạm tội nghiêm trọng tại địa phương và là một chỉ số quan trọng nhất về cảm nhận của cá nhân về vấn đề an toàn, số lượng các vụ án bạo lực tại địa phương được xem là thước đo chuẩn về mức độ an toàn chung trong đô thị.

14.5.2  Yêu cầu

Tỷ lệ số vụ án bạo lực trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số vụ án bạo lực được báo cáo (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là số vụ bạo lực trên 100.000 dân.

Số vụ án bạo lực bao gồm các vụ phạm tội có sử dụng bạo lực và đe dọa vũ lực với một cố nhân. Tổng số vụ án bạo lực được báo cáo phải được tính là tổng số vụ giết người và ngộ sát không chủ ý, số vụ cưỡng hiếp, số vụ cướp giật và vụ tấn công nghiêm trọng.

Hơn nữa, một vụ án bạo lực phải được phân loại thành một trong bốn loại tội phạm (theo mức độ nghiêm trọng) sau: giết người và ngộ sát không chủ ý; cưỡng hiếp; cướp giật và tấn công nghiêm trọng.

Đối với vụ án mắc nhiều loại tội thì chỉ tính đến tội có mức độ nghiêm trọng nhất.

15  Nhóm các chỉ số về nơi sinh sống

15.1  Tỷ lệ phần trăm dân số sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo, chưa được quy hoạch (chỉ số cốt lõi)

15.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm dân số sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo là một chỉ số về số lượng cư dân của đô thị sống trong các khu vực có đặc trưng là những ngôi nhà lụp xụp; sát cạnh nhau; không đảm bảo điều kiện vệ sinh, hạ tầng, an toàn và an ninh; và có thể là nơi dễ nảy sinh các tệ nạn xã hội và tội phạm như ma túy, mại dâm… Các khu dân cư này là nơi giải quyết chỗ ở cho những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp, người lao động, người nhập cư, người thất nghiệp, vô gia cư mà họ không có đủ điều kiện để sinh sống ở những nơi có điều kiện tốt hơn2. Thực tế cho thấy rằng khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo đang hình thành ngày càng nhiều và đã trở thành vấn đề tồn tại từ lâu của cảnh quan đô thị. Nếu các khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo chiếm tỷ lệ đáng kể trong đô thị thì phải tính toán đầy đủ chúng.

15.1.2  Yêu Cầu

Tỷ lệ phần trăm dân số sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo phải được tính bằng số người sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo (tử số) chia cho số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Số người sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo phải được tính là số hộ sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo nhân với cỡ hộ gia đình trung bình hiện thời.

Sự khác biệt về văn hóa và đặc điểm vùng miền quy định các thuộc tính về xã hội và vẻ ngoài của các khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo một cách khác nhau. Không có nơi sinh sống tạo ra sự khác biệt này và thực tế thì các khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo khác nhau về hình thức và cả tên gọi.

Một hộ sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo phải là một nhóm người sống cùng nhà trong một khu vực của đô thị thiếu một hoặc trên một trong số năm điều kiện sau đây:

a) Nhà ở vững chắc: Một ngôi nhà được xem là “vững chắc” nếu được xây dựng trong một khu vực không độc hại, có cấu trúc vững chắc và đủ điều kiện để bảo vệ dân cư khỏi các tác động thiên tai cực đoan của: mưa, nóng, lạnh và độ ẩm;

b) Diện tích sinh sống đủ: Một ngôi nhà được xem là có đủ diện tích sinh sống cho các thành viên của hộ gia đình nếu không có nhiều hơn ba người ở chung một phòng.

c) Sử dụng nguồn nước được cải thiện: Một hộ gia đình được xem là sử dụng nguồn nước được cải thiện nếu lượng nước đảm bảo cho nhu cầu sử dụng của gia đình với mức giá chỉ trả được, sẵn có cho các thành viên trong gia đình mà không phải có thêm các điều kiện khác, đặc biệt với trẻ em và phụ nữ.

d) Đảm bảo vệ sinh: Một hộ gia đình được xem là đảm bảo vệ sinh nếu có hệ thống xử lý phân, như nhà vệ sinh cá nhân hoặc công cộng với số người sử dụng phù hợp, sẵn có cho các thành viên trong hộ gia đình.

e) Thời hạn sử dụng được đảm bảo: Thời hạn sử dụng được đảm bảo là quyền của mọi cá nhân và nhóm người để đảm bảo không bị trục xuất. Người dân được đảm bảo quyền sử dụng nơi ở khi có bằng chứng bằng văn bản về quyền sở hữu.

Cần lưu ý tính toán để tránh trùng lặp hoặc không chính xác về số liệu về tỷ lệ phần trăm dân cư sống trong các khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo.

VÍ DỤ Một hộ dân không được tiếp cận với nguồn nước được cải thiện và không được đảm bảo về vệ sinh thì phải được tính là một hộ.

15.1.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu về năm điều kiện nêu trên phải được thu thập từ cuộc điều tra, khảo sát và thông tin từ các cơ quan chức năng.

15.2  Số người vô gia cư trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

15.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Có một ngôi nhà để ở có thể được coi là nhu cầu cơ bản của con người. Có thể có nhiều lý do về tình trạng vô gia cư, như: tỷ lệ giữa giá nhà đất và thu nhập[40].

15.2.2  Yêu cầu

Số người vô gia cư trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số người vô gia cư (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải biểu thị là số người vô gia cư trên 100.000 dân.

Liên hiệp quốc định nghĩa như sau về người vô gia cư [41]: Người vô gia cư là người không có bất kỳ nơi trú thân nào, ví dụ: sống ngoài trời, trong công viên, trong các lối qua lại, tại các địa điểm dừng đỗ giao thông hoặc trong gara đỗ xe, cũng như tại các nơi lưu trú khẩn cấp hoặc nơi tạm trú cho phụ nữ bị lạm dụng.

15.3  Tỷ lệ hộ gia đình không đăng ký cư trú hợp pháp (chỉ số hỗ trợ)

15.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo chỉ số này phù hợp với các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ hộ gia đình không đăng ký cư trú hợp pháp giúp các lãnh đạo chính quyền đô thị hiểu rõ vấn đề an ninh về nhà ở của cư dân địa phương cũng như các điều kiện về nhà ở, các yêu cầu hạ tầng và tạo ra một cơ sở dữ liệu tốt hơn cho các đơn vị có liên quan của đô thị.

15.3.2  Yêu cầu

Tỷ lệ hộ gia đình không đăng ký cư trú hợp pháp phải được tính bằng số hộ không đăng ký cư trú hợp pháp (tử số) chia cho tổng số hộ gia đình (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Không đăng ký cư trú hợp pháp bao gồm: không đăng ký khi cho thuê, thuê, quyền cư trú, quyền sử dụng (bao gồm: cho thuê lại, nhượng lại và cùng thuê, cùng cư trú).

16  Nhóm các chỉ số về chất thải rắn

16.1  Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được thu gom chất thải rắn thông thường (chỉ số cốt lõi)

16.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm dân cư được thu gom chất thải rắn thông thường là một chỉ số về sức khỏe, sự sạch sẽ và chất lượng cuộc sống của đô thị. Các hệ thống xử lý chất thải rắn đóng góp cho sức khỏe công cộng, nền kinh tế địa phương, môi trường, sự hiểu biết về xã hội và vấn đề giáo dục cho thế hệ sau.

16.1.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm dân cư được thu gom chất thải rắn phải được tính bằng số người trong đô thị được thu gom chất thải rắn (tử số) chia cho tổng số dân đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Số hộ gia đình trong đô thị được thu gom chất thải rắn phải được xác định trước tiên, số hộ gia đình được sử dụng dịch vụ thu gom chất thải rắn phải được nhân với cỡ hộ gia đình trung bình hiện tại của đô thị nhằm xác định số người được sử dụng dịch vụ thu gom chất thải rắn. Việc thu gom chất thải rắn thông thường phải được quy định là chất thải rắn được tiếp nhận từ các hộ gia đình, được vận chuyển đến xử lý tại cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường (vùng chôn lấp hoặc tái chế) trong vòng ít nhất một hoặc hai tuần. Nếu chất thải rắn được thu gom và vận chuyển bởi các cá nhân không đúng quy định thì những hộ gia đình được thu gom chất thải rắn này không được xem xét là hộ gia đình được sử dụng dịch vụ thu gom chất thải rắn của đô thị.

CHÚ THÍCH việc sử dụng các cá nhân thay vì vùng đô thị làm chuẩn đo cho chỉ số này nhằm tránh sự sai lệch phát sinh từ các vùng chính quyền địa phương có cả vùng đô thị và phi đô thị.

16.1.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin phải thu được từ các cơ quan quản lý địa phương về xử lý chất thải rắn, từ các cuộc điều tra và các cơ sở xử lý chất thải của đô thị.

16.1.4  Giải thích dữ liệu

Các kết quả chỉ nêu số lượng dân cư được sử dụng dịch vụ thu gom chất thải rắn, chứ không nêu rõ chất lượng của cả hệ thống này: chất lượng dịch vụ (cho từng loại đường phố), các mức tái chế (như không được chôn lấp) hoặc khả năng chôn lấp có đáp ứng yêu cầu. Một vài trong số các vấn đề này được xem là chỉ số hỗ trợ.

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thông thường là một trong những yếu tố quan trọng nhất của đời sống đô thị và là một trong những lĩnh vực ưu tiên mà chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan phải quan tâm. Các hệ thống xử lý chất thải rắn đóng góp cho sức khỏe công cộng, nền kinh tế địa phương, môi trường, sự hiểu biết về xã hội và vấn đề giáo dục cho thế hệ sau. Hệ thống chất thải rắn thông thường hiệu quả có thể hỗ trợ quá trình tái chế rác nhằm tối ưu vòng đời của bãi chôn lấp và việc tái chế. Hệ thống xử lý chất thải cung cấp nguồn năng lượng thay thế giúp giảm thiểu lượng tiêu thụ điện và/hoặc nhiên liệu đốt.

16.2  Tổng lượng chất thải rắn được thu gom theo bình quân đầu người (chỉ số cốt lõi)

16.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Chỉ số này cung cấp một phương pháp tính số lượng rác thải mà đô thị tạo ra và mức độ dịch vụ thu gom do đô thị cung cấp. Mức độ dịch vụ thu gom chất thải tốt hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho vấn đề môi trường và thu gom rác thải. Phương pháp xử lý phế thải và chất thải rắn cũng là một trong những vấn đề quan trọng của quản lý môi trường đô thị. Việc thu gom chất thải rắn đô thị cũng là một chỉ số của quản lý đô thị như vệ sinh môi trường, sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Các hệ thống xử lý chất thải rắn đóng góp cho sức khỏe công cộng, nền kinh tế địa phương, môi trường, sự hiểu biết về xã hội và vấn đề giáo dục cho thế hệ sau.

16.2.2  Yêu cầu

Tổng lượng chất thải rắn được thu gom theo bình quân đầu người phải được biểu thị bằng tổng lượng chất thải rắn được tạo ra trong đô thị tính theo đầu người. Chỉ số này phải được tính bằng tổng lượng chất thải rắn (của hộ gia đình và thương mại) tính theo tấn (tử số) chia cho số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này được biểu thị là tổng lượng chất thải rắn được thu gom theo bình quân đầu người, tính theo tấn.

Chất thải đô thị là rác được thu gom bởi tổ chức của chính quyền đô thị hoặc ủy quyền cho tổ chức khác.

Dữ liệu chỉ đề cập các nguồn chất thải thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, bao gồm cả chất thải được thu gom bởi các tổ chức do chính quyền địa phương ủy quyền, như các công ty tư nhân, hợp tác xã.

Chất thải đô thị phải bao gồm chất thải phát sinh từ:

– các hộ gia đình;

– hoạt động thương mại, kinh doanh nhỏ lẻ, các tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, các tòa nhà chính quyền địa phương.

Bao gồm các loại chất thải sau:

– chất thải với số lượng lớn (ví dụ: các đồ điện gia dụng, nội thất cũ, nệm…);

– chất thải từ việc làm vườn, lá cây, xén cỏ, quét đường, vật chứa chất lỏng và chất thải từ chợ…;

– chất thải từ các dịch vụ đô thị: bảo trì công viên và làm vườn, dọn rửa đường phố (ví dụ: quét đường, vật chứa chất lỏng và chất thải từ chợ)….

Không bao gồm các loại chất thải sau:

– chất thải từ hệ thống xử lý nước thải đô thị;

– chất thải từ việc xây dựng và phá dỡ của đô thị.

16.2.3  Giải thích dữ liệu

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thông thường là một trong các yếu tố quan trọng nhất của đời sống đô thị và là một trong những lĩnh vực ưu tiên mà chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan phải quan tâm. Các hệ thống xử lý chất thải rắn đóng góp cho sức khỏe công cộng, nền kinh tế địa phương, môi trường, sự hiểu biết về xã hội và vấn đề giáo dục cho thế hệ sau. Hệ thống chất thải rắn thông thường hiệu quả có thể hỗ trợ quá trình tái chế rác nhằm tối ưu vòng đời của bãi chôn lấp và hình thành việc tái chế cho nền kinh tế vi mô. Hệ thống xử lý chất thải cung cấp nguồn năng lượng thay thế giúp giảm thiểu lượng tiêu thụ điện và/hoặc nhiên liệu dốt.

16.3  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được tái chế (chỉ số cốt lõi)

16.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Nhiều đô thị tạo ra nhiều chất thải rắn hơn cả chất thải mà họ có thể xử lý. Ngay cả khi ngân sách địa phương đủ để thực hiện việc thu gom thì việc xử lý rác thải một cách an toàn vẫn thường gặp phải một vấn đề. Tái chế rác thải là một trong những chiến lược để giải quyết vấn đề này. Mức độ dịch vụ thu gom chất thải tốt hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho vấn đề môi trường và thu gom rác thải. Phương pháp xử lý phế thải và chất thải rắn cũng là một trong những vấn đề quan trọng của quản lý môi trường đô thị. Các hệ thống xử lý chất thải rắn đóng góp cho sức khỏe công cộng, nền kinh tế địa phương, môi trường, sự hiểu biết về xã hội và vấn đề giáo dục cho thế hệ sau. Hệ thống chất thải rắn thông thường hiệu quả có thể hỗ trợ quá trình tái chế rác nhằm tối ưu vòng đời của bãi chôn lấp và hình thành việc tái chế cho nền kinh tế vi mô. Hệ thống xử lý chất thải cung cấp nguồn năng lượng thay thế giúp giảm thiểu lượng tiêu thụ điện và/hoặc nhiên liệu đốt.

16.3.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được tái chế phải được tính bằng tổng lượng chất thải rắn đô thị được tái chế, tính theo tấn (tử số) chia cho tổng lượng chất thải rắn của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Việc tái chế phải cho thấy nguyên liệu được chuyển đúng theo luồng của chất thải, được phục hồi và xử lý thành các sản phẩm mới theo đúng quy định.

Chất thải độc hại được tạo ra và được thu gom tại địa phương phải được báo cáo riêng rẽ.

Thông tin này được thu thập từ các cơ quan quản lý đô thị, dịch vụ công ích và các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn. Dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu cụ thể được thực hiện qua các dự án về chất thải rắn.

Thông tin về các phương pháp được chọn để xử lý chất thải cần được thu thập từ các cơ sở, đơn vị có chức năng của đô thị, các đơn vị khai thác dịch vụ, các công ty tư nhân có chức năng xử lý chất thải. Cần tham vấn các chuyên gia về chất thải rắn, cũng như các tổ chức, cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này.

16.4  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý ở bãi chôn lấp hợp vệ sinh (chỉ số hỗ trợ)

16.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Nhiều đô thị tạo ra nhiều chất thải rắn hơn cả khả năng mà họ có thể xử lý. Ngay cả khi ngân sách địa phương đủ để thực hiện việc thu gom thì việc xử lý rác thải một cách an toàn vẫn thường gặp phải một vấn đề. Mở bãi và chôn lấp rác thải không vệ sinh đôi khi lại là phương pháp xử lý chính, đặc biệt ở các đô thị có mức thu nhập thấp. Các bãi chôn lấp hợp vệ sinh là tiêu chuẩn của một số ít các đô thị trên thế giới

16.4.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh phải được tính bằng tổng lượng chất thải đô thị được xử lý tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh tính bằng tấn (tử số) chia cho tổng lượng chất thải rắn của đô thị tính theo tấn (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Bãi chôn lấp hợp vệ sinh phải có thiết kế đúng quy định, sử dụng đất sét, lớp lót tổng hợp hoặc nguyên vật liệu phù hợp nhằm cách ly chất thải rắn với môi trường xung quanh. Thực hiện việc cách ly bằng các lớp đất phủ bên dưới và được phủ đất hàng ngày.

16.4.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này được thu thập từ các cơ quan quản lý đô thị, dịch vụ công ích và các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn. Dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu cụ thể được thực hiện qua các dự án về chất thải rắn.

Thông tin về các phương pháp được chọn để xử lý chất thải cần được thu thập từ các cơ sở, đơn vị có chức năng của đô thị, các đơn vị khai thác dịch vụ, các công ty tư nhân có chức năng xử lý chất thải. Cần tham vấn các chuyên gia về chất thải rắn, cũng như các tổ chức, cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này.

Khi dữ liệu không có sẵn, ước tính tỷ lệ chất thải với bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh và tỷ lệ chất thải cần xử lý để mở bãi chứa và xử lý chất thải.

16.5  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý trong lò đốt (chỉ số hỗ trợ)

16.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Nhiều đô thị tạo ra nhiều chất thải rắn hơn cả chất thải mà họ có thể xử lý. Ngay cả khi ngân sách địa phương đủ để thực hiện việc thu gom thì việc xử lý rác thải một cách an toàn vẫn thường gặp phải một vấn đề. Khi các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh bị hạn chế, các đô thị xem xét các lựa chọn thay thế khác để xử lý chất thải, ví dụ: đốt rác thải.

16.5.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý trong lò đốt phải được tính bằng tổng lượng chất thải rắn đô thị được xử lý trong lò đốt tính bằng tấn (tử số) chia cho tổng lượng chất thải rắn của đô thị tính bằng tấn (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Lò đốt rác thải là một đơn vị hoặc cơ sở được sử dụng để đốt chất thải, thông thường là nhà máy đốt rác thải.

16.5.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này được thu thập từ các cơ quan quản lý đô thị, dịch vụ công ích và các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn. Dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu cụ thể được thực hiện qua các dự án về chất thải rắn.

Thông tin về các phương pháp được chọn để xử lý chất thải cần được thu thập từ các cơ sở, đơn vị có chức năng của đô thị, các đơn vị khai thác dịch vụ, các công ty tư nhân có chức năng xử lý chất thải. Cần tham vấn các chuyên gia về chất thải rắn, cũng như các tổ chức, cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này.

16.6  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được đốt lộ thiên (chỉ số hỗ trợ)

16.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Nhiều đô thị tạo ra nhiều chất thải rắn hơn cả chất thải mà họ có thể xử lý. Ngay cả khi ngân sách địa phương đủ để thực hiện việc thu gom thì việc xử lý rác thải một cách an toàn vẫn thường gặp phải một vấn đề. Đốt rác lộ thiên vẫn được coi là một phương pháp xử lý thay thế tại các đô thị có ngân sách hạn chế, đặc biệt ở các đô thị có mức thu nhập thấp.

16.6.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được đốt lộ thiên phải được tính bằng tổng lượng chất thải rắn đô thị được đốt lộ thiên tính bằng tấn (tử số) chia cho tổng lượng chất thải rắn của đô thị tính bằng tấn (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Đốt lộ thiên là đốt chất thải rắn trong bãi đốt lộ thiên hoặc trong một không gian mở.

16.6.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này được thu thập từ các cơ quan quản lý đô thị, dịch vụ công ích và các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn. Dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu cụ thể được thực hiện qua các dự án về chất thải rắn.

Thông tin về các phương pháp được chọn để xử lý chất thải cần được thu thập từ các cơ sở, đơn vị có chức năng của đô thị, các đơn vị khai thác dịch vụ, các công ty tư nhân có chức năng xử lý chất thải. Cần tham vấn các chuyên gia về chất thải rắn, cũng như các tổ chức, cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này.

Khi dữ liệu không có sẵn, ước tính tỷ lệ chất thải với bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh và tỷ lệ chất thải cần xử lý để mở bãi đốt lộ thiên.

16.7  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý tại bãi rác lộ thiên (chỉ số hỗ trợ)

16.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Nhiều đô thị tạo ra nhiều chất thải rắn hơn cả chất thải mà hộ có thể xử lý. Ngay cả khi ngân sách địa phương đủ để thực hiện việc thu gom thì việc xử lý rác thải một cách an toàn vẫn thường gặp phải một vấn đề. Mở bãi rác lộ thiên vẫn được coi là một phương pháp xử lý thay thế lại các đô thị có ngân sách hạn chế, đặc biệt ở các đô thị có mức thu nhập thấp.

16.7.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý tại bãi rác lộ thiên phải được tính bằng lượng chất thải đô thị được xử lý tại bãi rác lộ thiên tính bằng tấn (tử số) chia cho tổng lượng chất thải rắn của đô thị tính bằng tấn (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Bãi rác lộ thiên là một khu vực hoặc hố không được che chắn mà chất thải rắn được xử lý mà không có các cách xử lý khác.

16.7.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin, này được thu thập từ các cơ quan quản lý đô thị, dịch vụ công ích và các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn. Dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu cụ thể được thực hiện qua các dự án về chất thải rắn.

Thông tin về các phương pháp được chọn để xử lý chất thải cần được thu thập từ các cơ sở, đơn vị có chức năng của đô thị, các đơn vị khai thác dịch vụ, các công ty tư nhân có chức năng xử lý chất thải. Cần tham vấn các chuyên gia về chất thải rắn, cũng như các tổ chức, cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này.

Khi dữ liệu không có sẵn, ước tính tỷ lệ chất thải với bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh và tỷ lệ chất thải cần xử lý để mở bãi rác lộ thiên.

16.8  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý bằng các cách khác (chỉ số hỗ trợ)

16.8.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Nhiều đô thị tạo ra nhiều chất thải rắn hơn cả chất thải mà họ có thể xử lý. Ngay cả khi ngân sách địa phương đủ để thực hiện việc thu gom thì việc xử lý rác thải một cách an toàn vẫn thường gặp phải một vấn đề.

16.8.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý bằng các cách khác phải được tính bằng tổng lượng chất thải rắn đô thị được xử lý bằng nhiều cách khác tính bằng tấn (tử số) chia cho tổng lượng chất thải rắn của đô thị tính bằng tần (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Các cách khác là các phương pháp xử lý chất thải rắn khác với những phương pháp nêu tại 16.3 (tái chế), 16.4 (chôn lấp), 16.5 (lò đốt), 16.6 (đốt lộ thiên) và 16.7 (chôn lấp lộ thiên).

16.8.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này được thu thập từ các cơ quan quản lý đô thị, dịch vụ công ích và các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn. Dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu cụ thể được thực hiện qua các dự án về chất thải rắn.

Thông tin về các phương pháp được chọn để xử lý chất thải cần được thu thập từ các cơ sở, đơn vị có chức năng của đô thị, các đơn vị khai thác dịch vụ, các công ty tư nhân có chức năng xử lý chất thải. Cần tham vấn các chuyên gia về chất thải rắn, cũng như các tổ chức, cơ quan có liên quan trong lĩnh vực này.

Khi dữ liệu không có sẵn, ước tính tỷ lệ chất thải với bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh và tỷ lệ chất thải cần xử lý để mở bãi đốt lộ thiên.

16.9  Lượng chất thải độc hại phát thải theo bình quân đầu người (tấn) (chỉ số hỗ trợ)

16.9.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng chất thải nguy hại phát thải là một chỉ số về nguy cơ của chất thải độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường. Chất thải độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động tiêu cực đến môi trường. Chất thải độc hại có thể gây nguy hiểm ngay lập tức, như da bị cháy khi tiếp xúc, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay các rủi ro về môi trường lâu dài do sự tích tụ và tồn tại độc tố trong môi trường. Khi một số chất nguy hại tồn tại lâu dài, chúng sẽ phá hủy dần dần môi trường. Các chất độc hại này tích tụ trong không khí, nước, thức ăn và đất. Nếu xử lý không đúng cách, chất thải nguy hại có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, lâu dài cho cả hệ sinh thái, trên cạn và thủy sinh. Điều này có thể dẫn đến sự phân mảnh môi trường sống và làm giảm chức năng của hệ sinh thái, do đó có thể dẫn đến mất loài và giảm khả năng của các hệ sinh thái nhằm hỗ trợ sinh kế của con người và các hoạt động thương mại.

16.9.2  Yêu cầu

Lượng chất thải độc hại phát thải theo bình quân đầu người (tấn) phải được tính bằng tổng lượng chất thải độc hại tính bằng tấn (tử số) chia cho tổng số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải thể hiện tổng lượng chất thải độc hại phát thải theo bình quân đầu người.

Chất thải độc hại phát thải bao gồm các chất thải độc hại được thu gom theo các quy định về chất thải nguy hại của các cơ quan quản lý có thẩm quyền của đô thị hoặc quốc gia. Chất thải độc hại thường được xử lý tại các bãi chôn lấp, các cơ sở xử lý chất thải độc hại (bao gồm các lò đốt rác) và các cơ sở xử lý nước thải được đặt tại vùng ranh giới của đô thị. Chỉ số này cũng đề cập đến các chất thải độc hại được xuất khẩu để xử lý, nếu có.

CHÚ THÍCH Các khu vực công nghiệp thường là nơi tạo ra nhiều nhất chất thải độc hại và chịu trách nhiệm xử lý và tái chế các chất thải này. Tuy nhiên, các hộ gia đình cũng tạo ra chất thải độc hại được thu gom riêng biệt để xử lý và tái chế một cách phù hợp. Chính quyền đô thị nên thông báo cho người dân biết các tác động tiêu cực của các loại chất thải đối với môi trường và khuyến khích họ sử dụng các phương pháp thu gom khác (ví dụ: có các điểm thu gom riêng lẻ hoặc tập trung).

Tất cả các loại chất thải độc hại cần được xử lý có thể gây hại cho con người, thực vật, động vật hoặc môi trường. Chất thải phải được xác định là độc hại nếu thể hiện một hay nhiều đặc tính sau: độc hại, có khả năng cháy, có khả năng ăn mòn và phản ứng. Chúng có thể tồn tại dưới bất kỳ dạng nào: lỏng, rắn, khí (đựng trong vật chứa) hoặc bùn được tạo ra từ quá trình sản xuất, công nghiệp hóa chất, công nghiệp hóa dầu và các lĩnh vực công nghiệp khác. Một số ví dụ cụ thể: a-xít, kiềm, dung môi, chất thải y tế, nhựa, bùn và kim loại nặng.

Chất thải độc hại là các chất nêu trên cần có các công nghệ xử lý tiên tiến đặc biệt để làm cho chúng vô hại hoặc giảm bớt nguy hại đối với con người và môi trường. Chất thải độc hại phải được phân loại, lưu trữ và xử lý tại các khu vực quy định. Hầu hết các chất thải độc hại được xử lý khâu cuối bằng chôn lấp, phủ đất bề mặt (cuối cùng trở thành bãi chôn lấp), sử dụng các ứng dụng bằng đất hoặc bằng cách khoan sâu.

16.9.3  Nguồn dữ liệu

Các khu vực chôn lấp chất thải độc hại của đô thị, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp địa phương hoặc trung ương, dữ liệu điều tra.

16.10  Tỷ lệ phần trăm chất thải độc hại đô thị được tái chế (chỉ số hỗ trợ)

16.10.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Chất thải nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây tác hại đến môi trường. Việc tái sử dụng, tái chế và cải tạo chất thải độc hại có thể:

– giảm nguy cơ đối với sức khỏe con người;

– tránh các mối nguy về môi trường;

– bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khan hiếm;

– mang lại lợi ích kinh tế;

– giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô và năng lượng.

16.10.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm chất thải độc hại đô thị được tái chế phải được tính bằng tổng lượng chất thải rắn được tái chế tính bằng tấn (tử số) chia cho tổng lượng chất thải độc hại được tạo ra tính bằng tấn (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và được biểu thị bằng phần trăm.

Chất thải độc hại được tái chế (hoặc có thể tái chế) phải gồm chất thải độc hại được sử dụng, được tái sử dụng hoặc được cải tạo.

16.10.3  Nguồn dữ liệu

Các khu vực chôn lấp chất thải độc hại của đô thị, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp địa phương hoặc trung ương, dữ liệu điều tra.

17  Nhóm các chỉ số về viễn thông và đổi mới

17.1  Số lượng kết nối Internet trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

17.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng kết nối Internet là một chỉ số về truy cập thông tin và kết nối công nghệ thông tin.

17.1.2  Yêu cầu

Số lượng kết nối Internet trên 100.000 dân phải được tính bằng số kết nối Internet của đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số kết nối Internet trên 100.000 dân.

17.1.3  Nguồn dữ liệu

Hồ sơ về việc truy cập Internet được lưu giữ bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet và viễn thông dưới dạng tài khoản và khu vực của người đăng ký. Các dữ liệu khác bao gồm các cuộc điều tra của cơ quan quản lý, hồ sơ của ngành viễn thông và các đánh giá chính thức.

17.2  Số lượng thuê bao điện thoại di động trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

17.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng thuê bao điện thoại di động của dân cư đô thị có thể phản ánh mức độ công nghệ của ngành viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thống và sự đổi mới. Sự kết nối trong một đô thị, đô thị với các khu vực và với toàn cầu đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển về kinh tế. Điều này cũng được đề cập trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ[22].

17.2.2  Yêu cầu

Số lượng thuê bao điện thoại di động trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số máy điện thoại di động trong đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số lượng thuê bao điện thoại di động trên 100.000 dân.

Mỗi người có thể có nhiều hơn một thuê bao di động cũng phải được tính.

17.2.3  Nguồn dữ liệu

Hồ sơ về dịch vụ điện thoại di động được lưu giữ bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dưới dạng tài khoản/thuê bao và khu vực của người đăng ký. Các dữ liệu khác bao gồm các cuộc điều tra của cơ quan quản lý, hồ sơ của ngành viễn thông và các đánh giá chính thức.

17.3  Số lượng thuê bao điện thoại cố định trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

17.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng thuê bao điện thoại cố định của dân cư đô thị là một chỉ số về công nghệ thông tin và kết nối. Sự kết nối trong một đô thị, đô thị với các khu vực và với toàn cầu đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển về kinh tế.

17.3.2  Yêu cầu

Số lượng thuê bao điện thoại cố định trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số thuê bao điện thoại cố định trong đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân cư của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số lượng thuê bao điện thoại cố định trên 100.000 dân.

Tổng số thuê bao điện thoại cố định của đô thị phải không bao gồm số thuê bao điện thoại di động và phải được báo cáo riêng.

Tổng số thuê bao điện thoại cố định phải bao gồm các thuê bao của các tổ chức trong nước, các tổ chức kinh doanh và các tổ chức khác.

17.3.3  Nguồn dữ liệu

Hồ sơ về việc các dịch vụ điện thoại cố định được lưu giữ bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dưới dạng tài khoản/thuê bao và khu vực của người đăng ký. Các dữ liệu khác bao gồm các cuộc điều tra của cơ quan quản lý, hồ sơ của ngành viễn thông và các đánh giá chính thức.

18  Nhóm các chỉ số về giao thông

18.1  Số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nặng trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

18.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Quy mô của mạng lưới giao thông đô thị cho biết một cái nhìn tổng thể về sự tắc nghẽn giao thông, tính linh hoạt của hệ thống giao thông và hình mẫu đô thị. Các đô thị có số lượng lớn phương tiện giao thông công cộng sẽ có xu hướng phát triển đô thị nhỏ gọn hơn về mặt địa lý và tập trung hỗ trợ các phương tiện giao thông không có động cơ.

18.1.2  Yêu Cầu

Số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nặng trên 100.000 dân phải được tính bằng việc cộng số ki-lô-mét của hệ thống giao thông tải công cộng hạng nặng vận hành trong đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nặng trên 100.000 dân.

Giao thông công cộng hạng nặng bao gồm: tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, đường sắt.

18.1.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin về số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nặng cần được thu thập từ các cơ quan quản lý giao thông đô thị và các cơ quan khác có liên quan. Các thông tin này có thể được tính toán bằng việc sử dụng bản đồ vệ tinh, ảnh chụp vệ tinh hoặc các bản đồ giấy hiện có. Thông tin này cũng có thể được thu thập từ các kế hoạch về hệ thống giao thông hoặc các kế hoạch tổng thể khác.

18.2  Số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nhẹ trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

18.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Quy mô của mạng lưới giao thông đô thị cho biết một cái nhìn tổng thể về sự tắc nghẽn giao thông, tính linh hoạt của hệ thống giao thông và hình mẫu đô thị. Các đô thị có số lượng lớn phương tiện giao thông công cộng sẽ có xu hướng phát triển đô thị nhỏ gọn hơn về mặt địa lý và tập trung hỗ trợ các phương tiện giao thông không có động cơ.

18.2.2  Yêu cầu

Số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nhẹ trên 100.000 dân phải được tính bằng việc cộng số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nhẹ vận hành trong đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nhẹ trên 100.000 dân.

Giao thông công cộng hạng nhẹ bao gồm: xe điện, đường sắt hạng nhẹ, xe buýt nhanh và các dịch vụ vận tải hành khách khác.

18.2.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin về số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nhẹ cần được thu thập từ các cơ quan quản lý giao thông đô thị và các cơ quan khác có liên quan. Các thông tin này có thể được tính toán bằng việc sử dụng bản đồ vệ tinh, ảnh chụp vệ tinh hoặc các bản đồ giấy hiện có. Thông tin này cũng có thể được thu thập từ các kế hoạch về hệ thống giao thông hoặc các kế hoạch tổng thể khác.

18.3  Số chuyến vận tải công cộng hằng năm theo bình quân đầu người (chỉ số cốt lõi)

18.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Việc sử dụng phương tiện giao thông là một chỉ số quan trọng về cách thức di chuyển thuận tiện trong đô thị bằng các phương tiện chuyên chở phổ biến, thông dụng hơn là các phương tiện chuyên chở đơn lẻ.

Chỉ số này cho thấy một cái nhìn tổng thể về chính sách trong lĩnh vực giao thông, sự tắc nghẽn giao thông và hình mẫu đô thị. Các đô thị có tỷ lệ người đi lại bằng phương tiện giao thông hạng nặng hơn thì có khuynh hướng đầu tư nhiều hơn vào hệ thống giao thông của họ và phát triển đô thị nhỏ gọn hơn về mặt địa lý. Việc sử dụng phương tiện giao thông cũng liên quan đến việc hoạch định tổng thể về giao thông trong đô thị, chứ không chỉ đơn thuần là hành trình đi lại, đi làm của cư dân.

18.3.2  Yêu cầu

Số chuyến vận tải công cộng hằng năm theo bình quân đầu người phải được tính bằng tổng số chuyến vận tải xuất phát từ đô thị, tức là “chuyến vận tải công cộng” (tử số), chia cho tổng số dân cư của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số chuyến vận tải công cộng hằng năm theo bình quân đầu người.

Chuyến vận tải có thể bao gồm các chuyến đi bằng đường sắt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt, xe khách, xe chuyên chở khách và các dịch vụ vận tải công cộng khác.

Các đô thị chỉ tính số chuyến vận tải có điểm đi – đến đô thị.

CHÚ THÍCH Hệ thống giao thông thường phục vụ nhiều khu vực của đô thị chứ không chỉ riêng trung tâm của đô thị. Việc tính các chuyến vận tải đi – đến đô thị sẽ tính được bất kỳ cho các chuyến vận tải nào có điểm đi – đến nằm ngoài đô thị nhưng vẫn có chung mạng lưới giao thông với đô thị.

18.3.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu về giao thông phải được thu thập từ một số nguồn như: các khảo sát chính thức, các hệ thống quản lý doanh thu (ví dụ: số vé được bán) và các cuộc điều tra.

CHÚ THÍCH 1 Các dữ liệu vé bán thường là nguồn dữ liệu chính cho chỉ số này. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa vé bán và các chuyến vận chuyển thường không chính xác. Ví dụ: nhiều hệ thống vận tải thường không kiểm tra xác thực về bán, nhiều tuyến vận tải khoản doanh thu chuyển mà không quản lý số lượng khách mua vé thực tế. Nhiều tuyến vận chuyển bán vé tháng, tuần hoặc theo hành chính nên cũng không quản lý dữ liệu số lượng khách đi thực tế.

CHÚ THÍCH 2 Ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp, cơ quan tổ chức các chuyến xe vận chuyển không chính thức, không được quản lý bởi chính quyền địa phương hoặc các đơn vị có chức năng vận tải. Các chuyến vận tải này không được coi là một phần của mạng lưới vận tải chính thức của đồ thị và do vậy không được tính đến.

CHÚ THÍCH 3 Việc xem xét một cách hợp lý tỷ lệ người sử dụng phương tiện giao thông sẽ giúp đô thị giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông của đô thị.

18.4  Số lượng ô tô riêng theo bình quân đầu người (chỉ số cốt lõi)

18.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Đo lường từng loại hạ tầng giao thông giúp làm rõ hành vi sử dụng di lại của người dân. Người dân thường sử dụng xe ô tô khi đi làm, mua sắm, đi học và các dịch vụ cộng đồng khác. Việc đo lường chỉ số này cũng giúp xác định nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông khác.

18.4.2  Yêu cầu

Số lượng ô tô riêng theo bình quân đầu người phải được tính bằng tổng số ô tô riêng đã đăng ký trong đô thị (tử số) chia cho tổng số dân cư của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là số ô tô riêng theo bình quân đầu người.

Tất cả số ô tô riêng đã đăng ký phải bao gồm cả số xe ô tô được sử dụng cho mục đích cá nhân tại các tổ chức, doanh nghiệp.

Số ô tô riêng không bao gồm ô tô, xe tải và xe tải nhỏ được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và các dịch vụ tại các tổ chức, doanh nghiệp.

18.5  Tỷ lệ phần trăm người dân sử dụng phương thức giao thông khác đi làm thay vì sử dụng phương tiện cá nhân (chỉ số hỗ trợ)

18.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Phương thức giao thông được sử dụng để đi làm là một chỉ số chính về chính sách giao thông, tắc nghẽn giao thông, dạng đô thị và sử dụng năng lượng. Các đô thị có mức sử dụng phương tiện cá nhân ít hơn có xu hướng hỗ trợ nhiều hơn cho giao thông công cộng và có quy mô nhỏ hơn về mặt địa lý. Việc sử dụng ít hơn các loại xe chỉ có một người đi có mối tương quan chặt chẽ với mức tiêu thụ năng lượng ngày càng ít hơn và giảm dần lượng phát thải hóa chất ra môi trường.

18.5.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm người dân sử dụng phương thức giao thông khác đi làm thay vì sử dụng phương tiện cá nhân phải được tính bằng số người của đô thị đi làm ưu tiên sử dụng một loại phương tiện giao thông khác thay vì sử dụng phương tiện cá nhân (tử số) chia cho tất cả số chuyến đi làm với tất cả các phương tiện giao thông (mẫu số). Kết quả này phải được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm của người đi làm sử dụng phương tiện giao thông khác thay vì phương tiện cá nhân.

Các chế độ khác với việc sử dụng các loại xe chỉ có một người đi: đi ghép xe, xe buýt, xe khách, tàu hỏa, tàu điện, tàu điện ngầm, phà, xe máy và các phương tiện hai bánh không có động cơ (như: xe đạp), đi bộ và các chế độ khác.

CHÚ THÍCH Chỉ số này áp dụng cho những người đi làm trong phạm vi đô thị nơi họ sinh sống. Nếu các cá nhân không sống trong phạm vi đô thị nhưng vẫn sử dụng các phương tiện giao thông của đô thị thì điều này vẫn tác động đến toàn bộ hệ thống giao thông của đô thị.

Đối với các trường hợp người đi làm sử dụng nhiều loại phương tiện giao thông, chỉ số này phải phản ánh được chế độ di chuyển chính, hoặc bởi thời gian hoặc khoảng cách di chuyển của việc sử dụng phương tiện giao thông này. Ví dụ: nếu một người một mình đi xe ô tô mất 5 phút đi từ nhà tới trạm tàu điện ngầm ở ngoại ô, mất 30 phút đi tàu điện ngầm tới trung tâm đô thị và sau đó đi 5 phút xe buýt tới văn phòng làm việc, thì chế độ di chuyển chính là tàu điện ngầm.

18.5.3  Nguồn dữ liệu

Hầu hết các nguồn dữ liệu về chỉ số này lấy từ các khảo sát về tần suất đi lại, thời gian chuyến đi và thông tin về việc sử dụng các phương tiện giao thông từ những mẫu có ý nghĩa về mặt thống kê của dân cư đô thị. Các khảo sát này được thực hiện thường xuyên trong các khoảng thời gian không cố định (trước hết là do chi phí và thời gian thực hiện).

Một mẫu khảo sát phổ biến là ghi nhật ký di chuyển. Các cá nhân hoặc gia đình sử dụng nhật ký hoặc sổ ghi chép để ghi lại thông tin, như: chế độ di chuyển/phương tiện di chuyển, thời điểm, khoảng cách và thời gian mỗi chuyến đi.

Thông tin này thường được thu thập từ các điều tra dân cư tổng thể trong khoảng thời gian thường xuyên.

18.6  Số phương tiện cơ giới hai bánh theo bình quân đầu người (chỉ số hỗ trợ)

18.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Chỉ số này rất quan trọng đối với các đô thị sử dụng xe có động cơ hai bánh như: mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện là phương thức đi lại chính. Một chỉ số về xe hai bánh không có động cơ như xe đạp cũng là một biện pháp quan trọng đảm bảo cho việc di chuyển của đô thị mang tính bền vững và được báo cáo riêng.

18.6.2  Yêu cầu

Số phương tiện cơ giới hai bánh theo bình quân đầu người phải được tính bằng tổng số phương tiện cơ giới trong đô thị (tử số) chia cho tổng số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số phương tiện cơ giới hai bánh theo bình quân đầu người.

Các phương tiện cơ giới hai bánh phải bao gồm: mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và không bao gồm các phương tiện thô sơ, như: xe đạp.

18.7  Số ki-lô-mét đường dành cho xe đạp trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

18.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Hệ thống giao thông thuận lợi cho việc đi xe đạp có thể làm giảm ùn tắc giao thông và nâng cao chất lượng cuộc sống. Lợi ích về kinh tế cho cá nhân và xã hội cũng được thể hiện qua việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và giảm sự phụ thuộc vào việc sở hữu ô tô (từ chi phí bảo hiểm, bảo trì và chi phí nhiên liệu). Các làn đường dành cho xe đạp cũng đòi hỏi đầu tư ít hơn về hạ tầng so với các loại phương tiện giao thông khác. Đi xe đạp ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Chỉ số này đem lại cho đô thị một giải pháp hữu ích về một hệ thống giao thông đa dạng.

18.7.2  Yêu cầu

Số ki-lô-mét đường dành cho xe đạp trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số ki-lô-mét đường và làn đường dành cho xe đạp (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số ki-lô-mét đường dành cho xe đạp trên 100.000 dân.

Các làn đường dành cho xe đạp là các phần của đường giao thông được thiết kế dành riêng cho xe đạp và được phân biệt với các làn đường khác bởi vạch chỉ dẫn dọc làn đường theo quy định.

Đường cho xe đạp phải là phần đường độc lập hoặc một phần đường được thiết kế để dành riêng cho xe đạp. Làn xe đạp tách biệt với các đường khác hoặc phần khác của cùng một con đường.

18.8  Số ca tử vong do giao thông trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

18.8.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ tai nạn giao thông và đặc biệt là tỷ lệ tử vong là các chỉ số về sự an toàn tổng thể của hệ thống giao thông, sự phức tạp và tắc nghẽn của mạng lưới đường bộ và giao thông, số lượng và tính hiệu quả của việc thực thi các quy định pháp luật về giao thông, chất lượng của các đơn vị vận tải (công và tư) và tình trạng của hạ tầng và phương tiện giao thông. Tử vong do giao thông là một trong những loại lỗi nghiêm trọng nhất của an toàn giao thông. Điều này làm cho các đô thị phải chú trọng vào các nhu cầu về an toàn giao thông khẩn cấp nhất của đô thị.

18.8.2  Yêu cầu

Số ca tử vong do giao thông trên 100.00 dân phải được tính bằng số ca tử vong liên quan tới giao thông ở bất kỳ đâu trong phạm vi của đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này biểu thị số ca tử vong do giao thông trên 100.00 dân.

Các đô thị phải cung cấp trong chỉ số này số lượng người tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào liên quan tới các phương thức di chuyển (xe máy, vận tải công cộng, đi bộ, đạp xe…). Đô thị phải tính đến mọi ca tử vong liên quan trực tiếp tới tai nạn giao thông trong phạm vi của đô thị, thậm chí cả khi ca tử vong không xảy ra tại thời điểm tai nạn đó, nhưng lại liên quan trực tiếp đến tai nạn đó.

CHÚ THÍCH Các tử vong do giao thông được xem là ví dụ điển hình cho tất cả các chấn thương do giao thông. Trong khi nhiều chấn thương nhỏ không được báo cáo và do đó không được đo lường thì số ca tử vong luôn được báo cáo. Cần lưu ý đến sự khác biệt về chất lượng của đường sắt, chất lượng của phương tiện cơ giới và bản chất của việc thực thi pháp luật có thể thay đổi mối quan hệ giữa các chấn thương và tử vong. Có thể có các định nghĩa khác nhau về nguyên nhân gây tử vong, nhất là về khoảng thời gian giữa lúc xảy ra tai nạn giao thông và thời điểm tử vong.

18.9  Kết nối hàng không thương mại (chỉ số hỗ trợ)

18.9.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Sự đa dạng của các điểm đến thương mại bằng hàng không không ngừng là một chỉ số của sự kết nối của đô thị với phần còn lại của quốc gia và trên thế giới. Các đô thị có kết nối hàng không thương mại cao thường có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn và có khả năng cung cấp mức dịch vụ cao hơn cho người dân. Mặc dù thương mại bằng không là một minh chứng về sự kết nối của đô thị, nhưng các phương thức khác như đường sắt cũng có thể đo lường sự kết nối của đô thị và có thể được xem là một phương án thay thế bền vững hơn đối với phương thức hàng không.

18.9.2  Yêu cầu

Kết nối hàng không thương mại phải là tổng số tất cả chuyến bay thương mại không dừng (chẳng hạn: đã lên lịch trình) xuất phát từ tất cả các sân bay trong đô thị.

Các sân bay trong đô thị phải bao gồm tất cả các sân bay với thời gian di chuyển trong 2 giờ từ đô thị.

VÍ DỤ Tỉnh Kiên Giang có thể tính số chuyến bay của sân bay Rạch Giá và sân bay Phú Quốc.

Phải loại trừ các kết nối chuyến bay được thiết lập trên lý thuyết (dự kiến kế hoạch).

18.9.3  Nguồn dữ liệu

Các danh sách các điểm đến thương mại bằng hàng không cần được thu thập từ các đơn vị vận hành sân bay, các nhà hoạch định hạ tầng sân bay vận chuyển hàng khách và/hoặc các cơ quan quản lý sân bay. Các nguồn dữ liệu từ web của các sân bay, hãng hàng không cũng cần được thu thập.

19  Nhóm các chỉ số về quy hoạch đô thị

19.1  Diện tích khu vực có không gian xanh tính bằng hecta trên 100.000 dân (chỉ số cốt lõi)

19.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tổng số khu vực có không gian xanh, tự nhiên và bán tự nhiên, công viên và không gian mở khác là một chỉ số về số lượng khu vực có không gian xanh của một đô thị. Các khu vực có không gian xanh thực hiện các chức năng quan trọng về môi trường đã được thiết lập trong đô thị. Các khu vực này cải thiện khí hậu đô thị, giảm thiểu ô nhiễm trong khí quyển và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách đem lại sự giải trí, thư giãn cho cư dân đô thị.

19.1.2  Yêu cầu

Diện tích khu vực có không gian xanh tính bằng hecta trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng diện tích tính bằng hecta (ha) của khu vực có không gian xanh trong đô thị (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải được biểu thị là diện tích khu vực có không gian xanh tính bằng hecta (ha) trên 100.000 dân.

Chỉ số này phản ánh khu vực có không gian xanh mà “con người có thể tiếp cận được”, trái ngược với khu vực có hoặc không có không gian xanh nhưng được bảo vệ.

CHÚ THÍCH Khu vực có không gian xanh rộng hơn khu vực dành cho giải trí (xem Điều 13).

19.1.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin về khu vực có không gian xanh phải được thu thập từ các cơ quan chức năng địa phương, từ các cuộc điều tra và khảo sát.

19.2  Số lượng cây xanh được trồng hằng năm trên 100.000 dân (chỉ số hỗ trợ)

19.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Số lượng cây được trồng hằng năm trên 100.000 dân là một thước đo hữu ích về cam kết của đô thị đối với sự bền vững về môi trường và của đô thị, cũng như làm đẹp cảnh quan đô thị. Cây xanh, trong phạm vi đô thị, thường được coi là công cụ quan trọng trong việc làm giảm tác động của biến đổi khí hậu bằng việc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển của trái đất.

19.2.2  Yêu cầu

Số lượng cây xanh được trồng hằng năm trên 100.000 dân phải được tính bằng tổng số cây được trồng trong năm được đề cập (tử số) chia cho 100.000 dân của đô thị. Kết quả này phải được biểu thị là số lượng cây xanh được trồng hằng năm trên 100.000 dân.

Số lượng cây xanh được trồng phải bao gồm số cây được trồng bởi chính quyền địa phương (hoặc bởi một bên thứ ba dưới dự kiểm soát của chính quyền địa phương), số lượng cây xanh được trồng phải bao gồm số cây được trồng bởi các tổ chức tư nhân và các tổ chức không thuộc chính quyền địa phương theo sáng kiến của chính phủ và chính quyền địa phương về phủ xanh và trồng cây xanh cho đô thị.

19.2.3  Nguồn dữ liệu

Số lượng và số liệu phải căn cứ vào hồ sơ dữ liệu về việc trồng cây xanh và kinh phí thực hiện của các cơ quan quản lý địa phương và quốc gia và căn cứ vào các đánh giá cụ thể. Thông tin phải được thu thập từ chính quyền địa phương, các điều tra và từ các cơ quan quản lý của chính quyền địa phương.

19.2.4  Giải thích dữ liệu

Chiến lược trồng cây xanh của đô thị phải phản ánh không chỉ số lượng cây xanh được trồng mới mà còn phản ánh được mối quan tâm của dân cư đô thị.

19.3  Diện tích các khu định cư tự phát theo tỷ lệ phần trăm của đô thị (chỉ số hỗ trợ)

19.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Các khu định cư có những đặc trưng sau: không ổn định, phát triển không theo kế hoạch và nơi cư trú chưa được cấp phép. Các khu định cư này không tuân thủ các quy tắc và quy định về xây dựng ở địa phương và thường nằm ở vùng ven, không chắc chắn và ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội, sức khỏe con người và phát triển kinh tế. Diện tích của các khu định cư tự phát là một chỉ số về mức độ của những thách thức đối với đô thị trong việc đáp ứng các đòi hỏi và nhu cầu về nơi ở.

19.3.2  Yêu cầu

Diện tích của các khu định cư tự phát theo tỷ lệ phần trăm của đô thị phải được tính bằng diện tích của các khu định cư tự phát tính bằng ki-lô-mét vuông (tử số) chia cho diện tích đô thị tính bằng ki-lô-mét vuông (mẫu số). Kết quả phải được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Để đơn giản hóa việc tính toán các khu định cư tự phát, diện tích nhỏ hơn 2 km2 không được tính đến.

Khu định cư tự phát có các đặc trưng như sau:

a) Các khu vực mà các ngôi nhà được cư dân xây dựng trên mảnh đất không có đăng ký hợp pháp;

b) Các khu định cư và khu vực không được hoạch định mà nơi đó các ngôi nhà không tuân thủ các quy định về quy hoạch và xây dựng (nhà chưa được cấp phép).[17]

CHÚ THÍCH Mặc dù nhiều khu định cư tự phát cũng có thể coi là khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo (xem 15.1) thì chỉ số này vẫn được tính đến. Khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo có thể tồn tại ở những khu vực không đáp ứng định nghĩa về các khu định cư tự phát. Một vài khu định cư tự phát có thể được cải thiện để không được gọi là khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo.

19.3.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu cần thu thập từ cơ quan có chức năng của đô thị. Các khu định cư tự phát nên được mô tả bằng ảnh chụp vệ tinh và/hoặc bản đồ đất đai và các diện tích phải được tính toán cụ thể. Một vài phương thức đo lường có chi phí thấp đã được xây dựng. Khi các khu vực đã được xác định trên bản đồ thì diện tích của chúng phải được tính toán bằng ki-lô-mét vuông có sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) có chi phí thấp hoặc nếu không sẵn có thì sử dụng các thiết bị đo cầm tay.

19.4  Tỷ số việc làm/nhà ở (chỉ số hỗ trợ)

19.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Một đô thị được quy hoạch tốt cần chú trọng vào vấn đề tăng trưởng mới về kinh tế, cộng đồng hiện tại và môi trường, cần tập trung tăng trưởng ở những khu vực có khả năng kết hợp giữa nhà ở, thương mại, công nghiệp và giải trí để tối đa hóa việc sử dụng hạ tầng hiện có, giảm thiểu thời gian đi lại, đi làm và giảm thiểu chi phí phục vụ từ việc phát sinh các tăng trưởng mới. Khuyến khích phát triển mô hình kết hợp nêu trên có tính đến các cơ hội về chỗ ở và việc làm là rất cần thiết để đạt được các mục tiêu này.

19.4.2  Yêu cầu

Tỷ số việc làm/nhà ở phải được tính bằng tổng số việc làm (tử số) chia cho tổng số đơn vị nhà ở (mẫu số). Kết quả phải được biểu thị là tỷ số giữa việc làm/nhà ở của đô thị.

Công việc phải đề cập tới tất cả các loại cơ hội việc làm bao gồm các cơ hội việc làm tại khu vực bán lẻ, công nghiệp, cơ quan chính phủ và văn phòng trong phạm vi đô thị. Nhà ở phải phản ánh tất cả các chỗ ở sẵn có cho dân cư của đô thị.

Chỉ số này không tính đến khu vực, lao động hoặc công việc không chính thức, cũng như những công việc không chính thức không thể thống kê được.

20  Nhóm các chỉ số về nước thải

20.1  Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được thu gom nước thải (chỉ số cốt lõi)

20.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm dân cư được thu gom nước thải là một chỉ số về sức khỏe, sự sạch sẽ và chất lượng cuộc sống của đô thị. Thu gom và xử lý nước thải là một thành phần quan trọng của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ[22].

20.1.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được thu gom nước thải phải được tính bằng số dân cư đô thị được thu gom nước thải (tử số) chia cho số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được nhân 100 và biểu thị  bằng phần trăm.

Số hộ gia đình trong đô thị được thu gom nước thải thông thường phải được xác định trước tiên bằng việc tính số hộ gia đình được kết nối với hệ thống xử lý nước thải và các chất tồn dư khác được quản lý bởi đô thị hoặc cộng đồng dân cư thông qua các đường ống được đấu nối vào mạng lưới dẫn về các cơ sở xử lý nước thải, số lượng hộ gia đình được sử dụng hệ thống xử lý nước thải phải nhân với cỡ hộ gia đình trung bình hiện tại của đô thị nhằm xác định số người được sử dụng hệ thống xử lý nước thải.

CHÚ THÍCH Kết quả này sẽ chỉ cho biết có hay không một hộ gia đình được sử dụng hệ thống nước thải, mà không cho biết được chất lượng của hệ thống xử lý nước thải, năng lực và chất lượng của dịch vụ, mức thất thoát (ô nhiễm) hoặc khả năng của các nhà máy xử lý nhằm đáp ứng sự gia tăng của lượng nước thải trong đô thị. Một số hạn chế này sẽ được đề cập trong các chỉ số hỗ trợ khác.

20.1.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin về số hộ gia đình trong đô thị được sử dụng hệ thống nước thải thông thường phải được thu thập từ các đơn vị vận hành hệ thống nước thải của đô thị.

20.2  Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom nhưng không được xử lý (chỉ số cốt lõi)

20.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Chỉ số này đã được chứng minh rằng cải thiện việc xử lý nước thải làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh có nguyên nhân từ nước. Một hệ thống xử lý nước thải đáng tin cậy là một chỉ số chính về mức độ phát triển của địa phương và sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm nước từ rác thải của con người được giảm thiểu ở các khu vực có khả năng xử lý nước thải và đầu tư thỏa đáng cho hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ phần trăm nước thải được xử lý là một chỉ số chính trong quản lý chất lượng nước.

20.2.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị không được xử lý phải được tính bằng tổng lượng nước thải đô thị không được xử lý (tử số) chia cho tổng lượng nước thải đô thị được thu gom (mẫu số). Kết quả phải được nhân 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Việc không được xử lý phải đề cập tới lượng nước thải được thu gom và xả thải vào hệ thống nước thải nhưng không được xử lý, bao gồm cả các giai đoạn khi lượng nước thải vượt quá năng lực xử lý của nhà máy xử lý nước thải.

20.2.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này phải thu thập từ các cơ quan đô thị, các đơn vị cấp và xử lý nước chính.

20.3  Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý sơ bộ (chỉ số cốt lõi)

20.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm nước thải được xử lý là một chỉ số chính trong quản lý chất lượng nước. Chỉ số này đã được chứng minh rằng cải thiện việc xử lý nước thải làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh có nguyên nhân từ nước. Một hệ thống xử lý nước thải đáng tin cậy là một chỉ số chính về mức độ phát triển của địa phương và sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm nước từ rác thải của con người được giảm thiểu ở các khu vực có khả năng xử lý nước thải và đầu tư thỏa đáng cho hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ phần trăm nước thải được xử lý là một chỉ số chính trong quản lý chất lượng nước.

20.3.2  Yêu cầu

Tỷ lệ nước thải đô thị thu gom được xử lý sơ bộ phải được tính bằng tổng lượng nước thải đô thị được xử lý sơ bộ (tử số) chia cho tổng lượng nước thải của đô thị (mẫu số). Kết quả này được nhận với 100 và biểu thị là tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý sơ bộ.

Xử lý nước thải sơ bộ phải đề cập tới việc phân tách chất rắn không hòa tan từ các nguồn nước thải bằng các thiết bị làm sạch cơ bản. Việc phân tách này làm giảm lượng chất rắn không hòa tan cũng như mức nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) và chuẩn bị lượng chất thải cho quy trình xử lý nước thải tiếp theo.

CHÚ THÍCH Nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) là tổng số oxy hòa tan cần oxy hóa hoặc trung hòa chất phân hủy sinh học trong nước. Mức BOD cao thể hiện tổng số tạp chất cao, và việc giảm BOD là một biện pháp phổ biến nhằm xác định hiệu quả của việc xử lý nước.

Một vài đô thị không có hệ thống xử lý nước thải. Điều này phải được báo cáo.

20.3.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này phải thu thập từ các cơ quan đô thị, các đơn vị cấp và xử lý nước chính.

20.4  Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý lần hai (chỉ số cốt lõi)

20.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Chỉ số này đã được chứng minh rằng cải thiện việc xử lý nước thải làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh có nguyên nhân từ nước. Một hệ thống xử lý nước thải đáng tin cậy là một chỉ số chính về mức độ phát triển của địa phương và sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm nước từ rác thải của con người được giảm thiểu ở các khu vực có khả năng xử lý nước thải và đầu tư thỏa đáng cho hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ phần trăm nước thải được xử lý là một chỉ số chính trong quản lý chất lượng nước.

20.4.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý lần hai phải được tính bằng tổng lượng nước thải đô thị được xử lý lần hai (tử số) chia cho tổng lượng nước thải của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được nhân 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Xử lý lần hai phải đề cập tới quy trình loại bỏ và giảm thiểu các chất gây ô nhiễm, hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm còn lại trong nước thải từ quy trình xử lý nước thải sơ bộ. Xử lý lần hai giảm thiểu nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) bằng việc oxy hóa của vi sinh vật.

CHÚ THÍCH Nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) là tổng số oxy hòa tan cần oxy hóa hoặc trung hòa chất phân hủy sinh học trong nước. Mức BOD cao thể hiện tổng số tạp chất cao, và việc giảm BOD là một biện pháp phổ biến nhằm xác định hiệu quả của việc xử lý nước.

Một vài đô thị không có hệ thống xử lý nước thải. Điều này phải được báo cáo.

20.4.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này phải thu thập từ các cơ quan đô thị, các đơn vị cấp và xử lý nước chính.

20.5  Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý lần ba (chỉ số cốt lõi)

20.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Chỉ số này đã được chứng minh rằng cải thiện việc xử lý nước thải làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh có nguyên nhân từ nước. Một hệ thống xử lý nước thải đáng tin cậy là một chỉ số chính về mức độ phát triển của địa phương và sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm nước từ rác thải của con người được giảm thiểu ở các khu vực có khả năng xử lý nước thải và đầu tư thỏa đáng cho hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ phần trăm nước thải được xử lý là một chỉ số chính trong quản lý chất lượng nước.

20.5.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý lần ba phải được tính bằng tổng lượng nước thải đô thị được xử lý lần ba (tử số) chia cho tổng lượng nước thải của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được nhân 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Xử lý lần ba phải đề cập tới quy trình xử lý nước thải kế tiếp sau khi xử lý lần hai. Bước này loại bỏ tạp chất khó hòa tan mà quá trình xử lý lần hai không thể làm sạch. Nước thải trở nên sạch hơn trong quy trình xử lý này thông qua việc sử dụng các hệ thống xử lý tăng cường và hiệu quả hơn. Các công nghệ xử lý lần ba có thể tăng cường thêm việc của xử lý sinh học lần hai nhằm giảm mức nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) và tiếp tục ổn định các chất đòi hỏi oxy trong nước thải và loại bỏ nitơ và phốt-pho. Xử lý lần ba có thể bao gồm các kỹ thuật phân tách lý – hóa, chẳng hạn: hấp thụ các bon, kết tụ/phun mưa, màng lọc cải tiến, trao đổi i-on, clo hóa, khử trùng và thẩm thấu ngược.

CHÚ THÍCH Nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) là tổng số oxy hòa tan cần oxy hóa hoặc trung hòa chất phân hủy sinh học trong nước. Mức BOD cao thể hiện tổng số tạp chất cao, và việc giảm BOD là một biện pháp phổ biến nhằm xác định hiệu quả của việc xử lý nước.

Một vài đô thị không có hệ thống xử lý nước thải. Điều này phải được báo cáo.

20.5.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này phải thu thập từ các cơ quan đô thị, các đơn vị cấp và xử lý nước chính.

21  Nhóm các chỉ số về nước và vệ sinh

21.1  Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống (chỉ số cốt lõi)

21.1.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống là một chỉ số về sức khỏe và chất lượng cuộc sống của đô thị và là một thành phần quan trọng của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ [22].

21.1.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống phải được tính bằng tổng số người được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống (tử số) chia cho tổng dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được nhân 100 và được biểu thị là tỷ lệ phần trăm dân đô thị được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống.

Tổng số người được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống phải được tính bằng tổng số hộ dân trong đô thị được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống nhân với cỡ hộ gia đình trung bình hiện tại trong đô thị.

CHÚ THÍCH 1 Kết quả này sẽ chỉ cho biết liệu một hộ gia đình có được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống hay không, mà không cho biết được chất lượng phân phối, mức thất thoát nước, việc tiêu thụ hoặc không sử dụng, hoặc trữ lượng nguồn nước đáp ứng yêu cầu.

Nước uống là nước được xử lý hoặc xác nhận an toàn cho việc sử dụng của con người. Dịch vụ cung cấp nước uống phải đề cập tới dịch vụ mà bên cung cấp nước uống qua đường ống nước hoặc đường ống tương tự được kết nối tới mạng lưới cung cấp nước, việc cung cấp này thực hiện liên tục bao gồm cả nơi trữ nước. Nếu một hoặc một nhóm gia đình có đường ống nước riêng được kết nối tạm thời hoặc thường xuyên thì đô thị phải xem xét cho các gia đình này tiếp cập với hệ thống cung cấp nước uống.

Một gia đình không xem là có tiếp cận với dịch vụ cung cấp nước uống khi một hoặc một nhóm gia đình có hệ thống ống dẫn nước làm bằng gỗ, tre hoặc ống cao su, được kết nối trực tiếp với sông, giếng hoặc tới gia đình khác.

21.1.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin phải thu thập từ các đơn vị vận hành hệ thống cung cấp nước.

21.2  Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được tiếp cận bền vững tới nguồn nước được cải thiện (chỉ số cốt lõi)

21.2.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tiếp cận nước uống là một nhu cầu cơ bản và là một quyền sống của con người đối với sức khỏe của của mọi người. Sức khỏe và các lợi ích kinh tế từ việc cải thiện việc cấp nước cho các hộ gia đình và cá nhân cần được ghi chép đầy đủ.

21.2.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được tiếp cận bền vững tới nguồn nước được cải thiện phải được tính bằng tổng số dân cư được tiếp cận với nguồn nước được cải thiện (tử số) chia cho tổng số dân của đô thị. Kết quả phải được nhân 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Nguồn nước được cải thiện phải đề cập tới nước máy, vòi nước công cộng, lỗ khoan hoặc bơm, nước giếng, nước suối hoặc nước mưa được bảo vệ.

Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được tiếp cận bền vững với nguồn nước được cải thiện thể hiện tỷ lệ phần trăm dân cư có thể tiếp cận hợp lý, đầy đủ với nguồn nước an toàn tại nơi ở của mình hoặc trong khoảng cách thuận tiện tới nơi ở của cư dân. Việc tiếp cận hợp lý tới nguồn nước được quy định là sẵn có tối thiểu 20 lít nước/người/ngày từ nguồn cấp trong phạm vi một ki-lô-mét so với nơi ở của cư dân.

21.3  Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được tiếp cận với vệ sinh được cải thiện (chỉ số cốt lõi)

21.3.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tiếp cận vệ sinh được cải thiện là một nhu cầu cơ bản và là một quyền sống của con người đối với sức khỏe của mọi người.

21.3.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được tiếp cận với vệ sinh được cải thiện phải được tính bằng tổng số người sử dụng cơ sở vệ sinh được cải thiện (tử số) chia cho tổng số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải được nhân 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Việc tiếp cận với cơ sở vệ sinh được cải thiện phải đề cập tới tỷ lệ phần trăm dân đô thị được tiếp cận tối thiểu các cơ sở xử lý phân mà có thể ngăn ngừa hiệu quả con người, động vật và côn trùng tiếp xúc với phân. Quy mô của cơ sở vệ sinh được cải thiện từ nhà xí đơn giản và được che chắn đến nhà vệ sinh có kết nối với hệ thống nước thải. Để hiệu quả hơn, các cơ sở vệ sinh cần được xây dựng theo chuẩn và bảo trì đúng cách.

Cơ sở vệ sinh được cải thiện phải bao gồm:

– xả ra hoặc đổ xuống hệ thống cống, bể tự hoại hoặc nhà xí;

– nhà xí cải thiện thông thoáng;

– nhà xí có hầm chứa;

– nhà vệ sinh bằng composít hoặc bằng các vật liệu khác.

CHÚ THÍCH Các cơ sở vệ sinh được xem là không cải thiện khi chia sẻ việc sử dụng với các hộ gia đình hoặc cho sử dụng công cộng.

Cơ sở vệ sinh không được cải thiện phải bao gồm:

– xả ra hoặc đổ xuống nơi khác;

– nhà xí không có hầm chứa hoặc hầm chứa mở;

– xô, nhà vệ sinh và nhà xí treo;

– không có cơ sở vệ sinh, đi vệ sinh tại bụi cây hoặc ở cánh đồng (đi vệ sinh lộ thiên).

21.4  Tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt gia đình theo bình quân đầu người (lít/ngày) (chỉ số cốt lõi)

21.4.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tiêu thụ nước phải hài hòa với nguồn nước bền vững. Sự hài hòa này có thể đạt được thông qua việc cải tiến các hệ thống cấp nước và thay đổi mô hình tiêu thụ nước. Chỉ số này cần được đo lường về những thay đổi hằng năm của đô thị trong dải tỷ lệ do có sự khác biệt giữa các đô thị. Mức tiêu thụ nước bình quân đầu người phụ thuộc vào sự sẵn có và giá cả của nước, khí hậu và các mục đích sử dụng nước của từng cá nhân (uống, tắm, rửa, làm vườn). Tại một số đô thị, nguồn cung cấp nước uống hạn chế và các hộ gia đình hằng ngày mất nhiều giờ để lấy nước sử dụng. Tiêu thụ nước thường cao hơn ở các đô thị có thu nhập cao hơn.

21.4.2  Yêu cầu

Tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt gia đình theo bình quân đầu người phải được tính toán bằng tổng lượng tiêu thụ nước sinh hoạt gia đình của đô thị (lít/ngày) theo bình quân đầu người (tử số) chia cho tổng số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả này phải biểu thị là tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt gia đình theo bình quân đầu người tính bằng lít/ngày.

Chỉ tính lượng nước tiêu thụ cho mục đích sinh hoạt gia đình. Phải loại trừ lượng nước tiêu thụ cho mục đích công nghiệp và thương mại.

CHÚ THÍCH Việc sử dụng nước sinh hoạt gia đình chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng nước tiêu thụ (ví dụ: chiếm 10% trong khối Liên minh Châu Âu EU), việc sử dụng nước nhiều chủ yếu cho mục đích nông nghiệp và công nghiệp. Trước đi tiếp cận người dùng, một phần nước cấp có thể thất thoát hoặc bị khai thác bất hợp pháp. Trong các đô thị có hệ thống xử lý nước cũ và xuống cấp, một tỷ lệ đáng kể nước có thể thất thoát do vỡ và rạn ống nước, ví dụ: năm 2016 tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch do Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Sawaco) cung ứng là hơn 29 %, mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 23% và đến năm 2025 còn 20%. Do vậy, rất cần phải tính đến các giải pháp cho việc tiêu thụ nước ở khâu cuối.

Thông tin này phải được thu thập từ các đơn vị cung cấp nước chính, duy trì hồ sơ về nước được cấp, phân phối và tiêu thụ nước và được chi trả bởi người dùng cuối cho mục đích trong sử dụng trong gia đình.

21.4.4  Giải thích dữ liệu

Khi giải thích chỉ số này, lượng tiêu thụ nước theo đầu người phải được tính trong phạm vi phù hợp với khí hậu của đô thị. Một chuẩn so sánh (benchmark) tối thiểu cần được thiết lập để đáp ứng nhu cầu về an toàn và sức khỏe công cộng. Tỷ lệ tiêu thụ nước trên đầu người cao hơn cho thấy sự giảm gần đạt được mức tiêu thụ tối thiểu và bền vững.

CHÚ THÍCH Tỷ lệ tiêu thụ nước có thể tạm thời tăng so với thu nhập, ví dụ do thiết bị mới được mua và giá nước tăng. Điều này sẽ khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nước.

21.5  Tổng lượng tiêu thụ nước theo bình quân đầu người (lít/ngày) (chỉ số hỗ trợ)

21.5.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Tiêu thụ nước phải hài hòa với nguồn nước bền vững. Sự hài hòa này có thể đạt được thông qua việc cải tiến các hệ thống cấp nước và thay đổi mô hình tiêu thụ nước. Chỉ số này cần được đo lường về những thay đổi hằng năm của đô thị trong dải tỷ lệ do có sự khác biệt giữa các đô thị. Mức tiêu thụ nước bình quân đầu người phụ thuộc vào sự sẵn có và giá cả của nước, khí hậu và các mục đích sử dụng nước của từng cá nhân (uống, tắm, rửa, làm vườn) và các yếu tố, thực thể trong công nghiệp, thương mại và nông nghiệp. Tại một số đô thị, nguồn cung cấp nước uống hạn chế và các hộ gia đình hằng ngày mất nhiều giờ để lấy nước sử dụng. Tiêu thụ nước thường cao hơn ở các đô thị có thu nhập cao hơn cùng với nhiều hình thức tiêu thụ nước khác nhau.

21.5.2  Yêu cầu

Tổng lượng tiêu thụ nước theo bình quân đầu người (lít/ngày) phải được tính bằng tổng lượng tiêu thụ nước của đô thị theo lít/ngày (tử số) chia cho số dân của đô thị (mẫu số). Kết quả phải biểu thị là tổng lượng nước tiêu thụ theo bình quân đầu người (lít/ngày).

21.5.3  Nguồn dữ liệu

Thông tin này phải được thu thập từ các đơn vị cung cấp nước chính, duy trì hồ sơ về nước được cấp, phân phối và tiêu thụ nước và được chi trả bởi người dùng cuối.

21.6  Số giờ cắt dịch vụ cung cấp nước trung bình hằng năm theo hộ gia đình (chỉ số hỗ trợ)

21.6.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn cần báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Độ tin cậy của dịch vụ cấp nước cho người sử dụng là sự xem xét cuối cùng trong đánh giá việc cung cấp nước. Do vậy độ tin cậy này dựa trên cả sự xem xét về số lượng và chất lượng, sự sẵn có các hệ thống cung cấp nước được kết nối với nhau, xử lý nước và phân phối nước. Chỉ tiêu này xác định liệu một hệ thống cấp nước có đáng tin cậy hay liệu hệ thống cấp nước cần được nâng cấp cơ bản hoặc sơ bộ hay không.

21.6.2  Yêu cầu

Số giờ cắt dịch vụ cung cấp nước trung bình hằng năm theo hộ gia đình phải được tính bằng tổng số giờ cắt nước nhân với số hộ gia đình bị ảnh hưởng (tử số) chia cho số hộ gia đình (mẫu số). Kết quả phải được nhân 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Các sự cố cắt nước toàn bộ, hạn chế nước cấp, xả nước, cắt nước không có kế hoạch và có kế hoạch đều được tính đến.

Chỉ số này phải ngoại trừ:

– Các sự cố làm giảm mức dịch vụ nhưng các hoạt động thông thường vẫn khả thi (như: tắm gội, máy giặt, xả nước nhà vệ sinh…);

– Vỡ đường ống nước trong nhà.

“Cắt nước không có kế hoạch” là việc ngừng cấp nước do lỗi của dịch vụ cung cấp nước. “Cắt có kế hoạch” là việc ngừng cấp nước nhưng phải thông báo trước tối thiểu 24 giờ hoặc theo quy định của cơ quan quản lý địa phương.

21.6.3  Giải thích dữ liệu

Các đô thị với hạ tầng cũ kỹ, trong các khu vực bị cắt điện, trong vùng có nhiều tổn thất hơn do thiên tai (chẳng hạn: động đất và lụt lội diện rộng) sẽ phải báo cáo các sự cố về cắt dịch vụ cấp nước.

Một khu vực có phạm vi dịch vụ lớn hơn thường có nhiều ki-lô-mét đường ống dẫn nước và đường ống của hệ thống phân phối dễ hư hỏng dẫn việc cắt dịch vụ. Khi tính chỉ số này cần so sánh sự khác biệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ: các nhà cung cấp dịch vụ lớn (có trên 25.000 kết nối hoặc các đầu mối cung cấp với số lượng lớn), trung bình (từ 1.000 đến 25.000 kết nối) và nhỏ (dưới 1.000 kết nối). Để tạo thuận lợi cho việc so sánh giữa các đô thị, số lần cắt dịch vụ có thể liên quan tới diện tích vùng dịch vụ cấp nước tại đô thị.

21.7  Tỷ lệ phần trăm thất thoát nước (chỉ số hỗ trợ)

21.7.1  Tổng quan

Bên áp dụng tiêu chuẩn phải báo cáo về chỉ số này theo các yêu cầu sau.

CHÚ THÍCH Trước đi tiếp cận người dùng, một phần nước cấp có thể thất thoát hoặc bị khai thác bất hợp pháp. Trong các đô thị có hệ thống xử lý nước cũ và xuống cấp, một tỷ lệ đáng kể nước có thể thất thoát do vỡ và rạn ống nước, ví dụ: năm 2016 tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch do Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Sawaco) cung ứng là hơn 29 %, mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 23% và đến năm 2025 còn 20%.

21.7.2  Yêu cầu

Tỷ lệ phần trăm thất thoát nước (thiếu nước) phải được tính bằng lượng nước cấp trừ đi lượng nước sử dụng (tử số) chia cho tổng lượng nước cấp (mẫu số). Kết quả phải được nhân với 100 và biểu thị bằng phần trăm.

Tỷ lệ phần trăm thất thoát nước (không tính cho nước) thể hiện tỷ lệ phần trăm thất thoát của nước đã được xử lý chảy vào hệ thống phân phối nước và tỷ lệ này được tính và thanh toán bởi bên cung cấp nước. Tỷ lệ này bao gồm số lượng nước thực tế bị thất thoát, ví dụ: ống dẫn bị rò rỉ, không thu được tiền, được phân phối qua kết nối không chính thức hay bất hợp pháp.

21.7.3  Nguồn dữ liệu

Dữ liệu cần được thu thập từ các đơn vị cung cấp nước cho đô thị.

22  Báo cáo và duy trì hồ sơ

Các báo cáo về các chỉ số của đô thị sẽ tổng hợp các dữ liệu được yêu cầu đối với từng phương pháp thử được sử dụng.

 

Phụ lục A

(tham khảo)

Các chỉ số đô thị

Bảng A.1 – Các chỉ số dịch vụ đô thị và chất lượng sống

Chỉ số cốt lõi Chỉ số hỗ trợ

Nhóm các chỉ số về kinh tế

(Điều 5)

Tỷ lệ thất nghiệp của đô thị Tỷ lệ phần trăm người làm việc toàn thời gian
Giá trị được đánh giá của các thuộc tính công nghiệp và thương mại là tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị được đánh giá của tất cả thuộc tính Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ
Tỷ lệ phần trăm dân số đô thị sống trong đói nghèo Số lượng doanh nghiệp trên 100.000 dân
  Số bằng sáng chế mới trên 100.000 dân tính theo năm

Nhóm các chỉ số về giáo dục

(Điều 6)

Tỷ lệ phần trăm nữ ở độ tuổi đến trường ghi danh vào trường Tỷ lệ phần trăm nam ở độ tuổi đến trường ghi danh vào trường
Tỷ lệ phần trăm học sinh hoàn thành giáo dục tiểu học Tỷ lệ phần trăm học sinh ở độ tuổi đến trường ghi danh vào trường
Tỷ lệ phần trăm học sinh hoàn thành giáo dục trung học Số người có trình độ đại học trên 100.000 dân
Tỷ lệ học sinh/giáo viên ở bậc giáo dục tiểu học  

Nhóm các chỉ số về năng lượng

(Điều 7)

Tổng điện năng dân dụng điện theo bình quân đầu người (kWh/năm) Tổng năng lượng điện sử dụng tính theo bình quân đầu người (kWh/năm)
Tỷ lệ phần trăm dân đô thị có quyền sử dụng dịch vụ về điện Số lần cắt điện trung bình hằng năm theo từng khách hàng
Lượng tiêu thụ năng lượng của các công trình công cộng hằng năm (kWh/m2) Khoảng thời gian cắt điện trung bình (tính theo giờ)
Tỷ lệ phần trăm tổng năng lượng thu từ tài nguyên tái tạo, đóng góp vào tiêu thụ năng lượng tổng thể của đô thị  

Nhóm các chỉ số về môi trường

(Điều 8)

Nồng độ chất dạng hạt mịn (PM2,5) Nồng độ nitơ điôxít (NO2)
Nồng độ chất dạng hạt (PM10) Nồng độ lưu huỳnh điôxít (SO2)
Phát thải khí nhà kính tính theo tấn/người Nồng độ ôzôn (O3)
  Ô nhiễm tiếng ồn
  Thay đổi tỷ lệ phần trăm số lượng loài bản địa

Nhóm các chỉ số về tài chính

(Điều 9)

Tỷ lệ nợ dịch vụ (chi phí nợ dịch vụ theo tỷ lệ phần trăm nguồn doanh thu chính của chính quyền) Chi tiêu vốn theo phần trăm của tổng chi
  Nguồn doanh thu chính theo phần trăm của tổng doanh thu
  Thuế thu được theo phần trăm của thuế phải thanh toán

Nhóm các chỉ số về hỏa hoạn và ứng phó khẩn cấp

(Điều 10)

Số nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp trên 100.000 dân Số nhân viên cứu hỏa tình nguyện và không chuyên nghiệp trên 100.000 dân
Số người tử vong vì hỏa hoạn trên 100.000 dân Thời gian phản hồi của các dịch vụ ứng phó khẩn cấp khi nhận được cuộc gọi đầu tiên
Số người tử vong do thảm họa thiên nhiên trên 100.000 dân Thời gian hồi đáp cho cục phòng chống hỏa hoạn từ cuộc gọi đầu tiên

Nhóm các chỉ số về điều hành

(Điều 11)

Cử tri tham gia vào cuộc bầu cử của chính quyền địa phương gần đây (như tỷ lệ cử tri đủ điều kiện) Tỷ lệ phần trăm nữ giới trong lực lượng lao động của cơ quan chính quyền cấp đô thị
Tỷ lệ phần trăm nữ giới trong tổng số người được bầu vào các cơ quan chính quyền cấp đô thị Số người bị kết án tham nhũng và/hoặc hối lộ là quan chức đô thị trên 100.000 dân
  Đại diện của người dân: số quan chức địa phương được bầu vào các cơ quan chính quyền đô thị trên 100.000 dân
  Tỷ lệ phần trăm cử tri đã đăng ký so trong số dân cư ở độ tuổi bầu cử

Nhóm các chỉ số về y tế

(Điều 12)

Tuổi thọ trung bình Số lượng y tá và điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trên 100.000 dân
Số giường bệnh nội trú trên 100.000 dân Số lượng người hành nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần trên 100.000 dân
Số lượng thầy thuốc trên 100.000 dân Tỷ lệ người tự từ trên 100.000 dân
Số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên 1.000 ca sinh  

Nhóm các chỉ số về giải trí (Điều 13)

  Diện tích của không gian giải trí công cộng trong nhà theo bình quân đầu người
  Diện tích của không gian giải trí công cộng ngoài trời theo bình quân dầu người

Nhóm các chỉ số về an ninh

(Điều 14)

Số nhân viên cảnh sát trên 100.000 dân Số vụ phạm tội về tài sản trên 100.000 dân

Số vụ giết người trên 100.000 dân Thời gian phản hồi của cơ quan cảnh sát khi nhận được cuộc gọi đầu tiên

  Tỷ lệ số vụ án bạo lực trên 100.000 dân

Nhóm các chỉ số về nơi sinh sống

(Điều 15)

Tỷ lệ phần trăm dân số sống trong khu dân cư có điều kiện hạ tầng không đảm bảo Số người vô gia cư trên 100.000 dân
  Tỷ lệ hộ gia đình không đăng ký cư trú hợp pháp

Nhóm các chỉ số về chất thải rắn

(Điều 16)

Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được thu gom chất thải rắn thông thường Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý ở bãi chôn lấp hợp vệ sinh
Tổng lượng chất thải rắn được thu gom theo bình quân đầu người Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý trong lò đốt
Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được tái chế Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được đốt lộ thiên
  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý tại bãi rác lộ thiên
  Tỷ lệ phần trăm chất thải rắn đô thị được xử lý bằng các cách khác
  Lượng chất thải độc hại phát thải theo bình quân đầu người (tấn)
  Tỷ lệ phần trăm chất thải độc hại đô thị được tái chế

Nhóm các chỉ số về viễn thông và đổi mới

(Điều 17)

Số lượng kết nối Internet trên 100.000 dân Số lượng thuê bao điện thoại cố định trên 100.000 dân

Số lượng thuê bao điện thoại di động trên 100.000 dân  

Nhóm các chỉ số về giao thông

(Điều 18)

Số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nặng trên 100.000 dân Tỷ lệ phần trăm người dân sử dụng phương thức giao thông khác đi làm thay vì sử dụng phương tiện cá nhân
Số ki-lô-mét của hệ thống giao thông công cộng hạng nhẹ trên 100.000 dân Số phương tiện cơ giới hai bánh theo bình quân đầu người
Số chuyến vận tải công cộng hằng năm theo bình quân đầu người Số ki-lô-mét đường dành cho xe đạp trên 100.000 dân
Số lượng ô tô riêng theo bình quân đầu người Số ca tử vong về giao thông trên 100.000 dân
  Kết nối hàng không thương mại

Nhóm các chỉ số về quy hoạch đô thị

(Điều 19)

Diện tích khu vực có không gian xanh tính bằng hecta trên 100.000 dân Số lượng cây xanh được trồng hàng năm trên 100.000 dân
  Diện tích các khu định cư tự phát theo tỷ lệ phần trăm của đô thị
  Tỷ số việc làm/nhà ở

Nhóm các chỉ số về nước thải

(Điều 20)

Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được thu gom nước thải  
Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom nhưng không được xử lý  
Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý sơ bộ  
Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý lần hai  
Tỷ lệ phần trăm nước thải đô thị thu gom được xử lý lần ba  

Nhóm các chỉ số về nước và vệ sinh

(Điều 21)

Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được sử dụng dịch vụ cung cấp nước uống Tổng lượng tiêu thụ nước theo bình quân đầu người (lít/ngày)
Tỷ lệ phần trăm dân đô thị được tiếp cận bền vững tới nguồn nước được cải thiện Số giờ cắt dịch vụ cung cấp nước trung bình hằng năm theo hộ gia đình
Tỷ lệ phần trăm dân cư đô thị được tiếp cận với vệ sinh được cải thiện Tỷ lệ phần trăm thất thoát nước
Tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt gia đình theo bình quân đầu người (lít/ngày)  

 

Phụ lục B

(tham khảo)

Chỉ số cơ bản

Danh sách các chỉ số cơ bản dưới đây cung cấp số liệu thống kê cơ bản và thông tin cơ bản để giúp các đô thị xác định đô thị nào được quan tâm để so sánh và không có trong phạm vi của tiêu chuẩn này. Các định nghĩa và phương pháp luận cho các chỉ số cơ bản hiện đang được xây dựng.

Bảng B.1 – Chỉ số cơ bản

 

Chỉ số

Con người

Tổng dân cư đô thị
Mật độ dân cư (số người trên km2)
Tỷ lệ phần trăm dân số quốc gia
Tỷ lệ phần trăm trẻ em (0 -14 tuổi)
Tỷ lệ phần trăm thanh niên (15-24 tuổi)
Tỷ lệ phần trăm người trưởng thành (25 – 64 tuổi)
Tỷ lệ phần trăm người cao tuổi (trên 65 tuổi)
Tỷ lệ nam giới/nữ giới (số nam giới trên 100 nữ giới)
Thay đổi dân số hàng năm
Tỷ lệ dân số phụ thuộc
Tỷ lệ phần trăm dân số được sinh ở nước ngoài
Tỷ lệ phần trăm dân số là người nhập cư mới
Tỷ lệ phần trăm người cư ngụ không phải là công dân đô thị

Nhà ở

Tổng số hộ gia đình
Tổng số đơn vị nhà ở sở hữu (sở hữu và thuê)
Số người theo từng đơn vị
Mật độ nhà ở (trên km2)

Kinh tế

Thu nhập trung bình của hộ gia đình (VNĐ)
Tỷ lệ lạm phát hàng năm dựa trên mức trung bình của 5 năm gần đây
Chi phí sinh hoạt
Chỉ số về mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập (hệ số Gini)
GDP của quốc gia (VNĐ)
GDP quốc gia theo bình quân đầu người (VNĐ)
Sản phẩm đô thị theo bình quân đầu người (VNĐ)
Sản phẩm đô thị theo tỷ lệ phần trăm của GDP quốc gia
Thay đổi tỷ lệ phần trăm việc làm trong 5 năm gần đây

Điều hành

Loại điều hành (ví dụ: khu vực, vùng, lãnh thổ)
Tổng ngân sách hoạt động (VNĐ)
Tổng ngân sách hoạt động theo bình quân đầu người (VNĐ)
Tổng vốn ngân sách (VNĐ)
Tổng vốn ngân sách theo bình quân đầu người (VNĐ)

Địa lý và khí hậu

Vùng
Loại khí hậu
Diện tích đất (km2)
Tỷ lệ phần trăm diện tích không có dân sinh sống (km2)
Số loài bản địa
Nhiệt độ trung bình hàng năm (°C)
Lượng mưa trung bình hàng năm (mm)
Thời gian nắng trung bình hàng năm (giờ)

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[11  Statistics Canada. Police Administration Survey 2011 [cập nhật: 12/12/2011): http/www23statcan.gc:ca/imdb/p2SV.pl?Function=getSurvey&SDDS=3301&lang=en&db=imdb&adm=8&dis=2

[2]  Statistics Canada Uniform Crime Reporting Survey [cập nhật: 23/7/2012]: http://www23.statcan.gc.ca/imdb/p2SV.pl?Function=getSurvey&SDDS=3302&lang=en&db=lmdb&adm=8&dis=2

[3] Central Intelligence Agency CIA Factbook 2012 [ISSN 1552-8133. The online Facebook is updated weekly]. Available from: https://www.cia.gov/library/publications/the-world-facebook

[4] UNESCO Education Indicator Technical Guidelines 2012. Xem tại: http://www.uis.unesco.org/ev.php?URLJD=5455&URI DO=DO_JOPIC&URI SECTION=201

[5] US Energy Information Administration. Voluntary Reporting of Greenhouse Gases Program [Section 1605 Text. Program suspended as of May 2011]. Xem tại: http://www.eia.doe.gov/oiaf/1605/fmtvrgg.html

[6] EUROPEAN COMMISSION LANDSIS g.e.i.e. Urban Audit – Methodological Handbook. 2004. Luxembourg: European Communities. Retrieved from P:\EU Urban Audit

[7] OECD Health at a Glance: Europe 2012. [ISBN 9789264183605. Phát hành: 16/11/2012]. Xem tại: http://www.oecd.org/health/healthataglanceeurope.htm

[8] IAEA Energy Indicators for Sustainable Development: Guidelines and Methodologies. Vienne 2005

[9] Intergovernment Panel on Climate Change IPCC Guidelines for National Greenhouse Gas Inventories [soát xét: 1996]. Xem tại: http://www.ipcc-nggip.iges.or.jp/public/gl/invs1.htm

[10] LandGEM and other EPA models: http://www.epa.gov/ttncatc1/products.html

[11] U.C. Reporting (UCR) Program: http://www.fbi.gov/ucr/ucr.htm

[12] W.H. Statistics World Health Organization. WHO, 2006

[13] The Conference Board of Canada. Municipal Waste Generation [số liệu tính đến 7/2011]. Xem tại: http://www.conferenceboard.ca/hcp/details/environment/municipal-waste-generation.aspx

[14] F.B.I. Uniform Crime Reports. Xem tại: http://www.fbi.gov/ucr/ucr.htm.

[15] Siemens/The Economist. European Green City Index: City Report – Stockholm [lần thứ 23,11/2000], Xem tại:

http://www.nwe.siemens.com/sweden/internet/se/press1/affarspress/affarspress/Documents/Siemens_EGCI_Executive_summary_final.pdf.

[16] United Nations. Indicators of Sustainable Development: Guidelines and Methodologies [ISBN 92-0-116204–9. 4/2005, STI/PUB/1222]. Available from: http://www-pub.iaea.org/MTCD/publications/PDF/Pub1222_web.pdf

[17] United Nations Statistics Division Environment Glossary [ban hành: 1997; cập nhật: 2001], Xem tại: http://unstats.un.org/unsd/environmentgl/default.asp

[18] Expert Consultation W.H.O. Health Indicators of sustainable water [17-18 May 2012]. Xem tại: http://www.who.int/hia/green_economy/indicators_water.pdf

[19] International Development Association Sanitation and Water Supply – Improving Services for the Poor. The World Bank. Washington D.C. Xem tại: http://siteresources.worldbank.org/IDA/Resources/IDA-Sanitation-WaterSupply.pdf

[20] United Nations Environment Program UNEP – Agenda 21 United Nations Conference on Environment & Development. Xem tại: http://www.unep.org/documents.multilingual/default.asp?documentid=52

[21] Aalborg Commitments. Xem tại: http://www.aalborgplus10.dk/default.aspx?m=2&i=42

[22] Millennium Development Goals [UN Millennium Summit 2000] http://www.un.org/sustainabledevelopment/sustainable-development-goals/

[23] International Solid Waste Association http://www.iswa.org/

[24] ISO/TR 14069:2013 Greenhouse gases – Quantification and reporting of greenhouse gas emissions for organizations – Guidance for the application of ISO 14064-1

[25] ISO/PAS 2070:2012 Specification for the assessment of greenhouse gas emissions of a city by direct plus supply chain, and consumption-based approaches

[26] Multiple Indicator Cluster Surveys MICS on Methodology for child mortalíty estimation: http://www.unicef.org/media/files/background_note_on_methodology_for_under-five_mortality_estimation_web.pdf

[27] UK Home Offices Recorded Crime Statistics: http://www.homeoffice.gov.uk/publications/science-research-statistics/research-statistics/crime-research/crime-stats-2002-2010

[28] Officiai Airline Guide (OAG). Xem tại: http://www.oag.com/

[29] US EPA Reference Method 40 CFR 50, Appendix J.

Xem tại: http://www.gpo.gov/fdsys/pkg/CFR-2011-title40-vol2/pdf/CFR-2011-title40-vol2-part50-appJ.pdf

[30] The Quality Assurance Handbook for Air Pollution Measurement Systems Volume II: http://www.epa.gov/ttn/amtic/files/ambient/qaqc/2-11meth.pdf

[31] ICLEI HEAT SOFTWARE. Xem tại: http://heat.iclei.org

[32] Cities for Climate Protection Campaign. Xem tại: http://www.iclei.org/?id=11012

[33] United Nations Human Settlements Programme 2006) p. 27 Globai monitoring: http://www.unhabitat.org/categories.asp?catid=9

[34] Poverty country threshold www.worldbank.org (search for PovertyNet) or access It directly at www.povertynet.org

[35] Ontario Municipal Benchmarking Initiative OMBI: www.ombi.ca

[36] TCVN 7878-2 (ISO 1996-2) Âm học – Mô tả, đo và đánh giá tiếng ồn môi trường – Phần 2: Xác định mức tiếng ồn môi trường

[37] ISO/TS 15666:2003, Acoustics – Assessment of noise annoyance by means of social and socio-acoustic surveys

[38] Cities Environment Reports on the Internet. Xem tại: www.ceroi.net

[39] TCVN ISO 26000:2013 (ISO 26000:2010) Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội

[40] Cities Environmentai Reports on the Internet CEROI: http://www.ceroi.net/

[41] United Nations Centre for Human Settlements (UN-Habitat): http://www.unhabitat.org/categories.asp?catid=9

[42] A Participatory Approach to Monitoring Slum Conditions: http://www.itc.nl/library/papers_2005/conf/sliuzas_par.pdf

[43] Quickbird Data- Hoffman etal: http://www.commission4.isprs.org/obia06/Papers/05_Automated%20classification%20Urban/OBIA2006_Hofmann_et_al.pdf. Accessed on: March 6, 2007

[44] Reference Framework for Sustainable European Cities (RFSC): http://www.covenantofmayors.eu/news en.html?id_news=436; http://www.rfsc.eu/

[45] UN Convention on the Rights of the Child http://www.unicef.ca/en/policy-advocacyfor-children/about- the-convention-on-the-rights-of-the-child

[46] Leipzig Charter on Sustainable European Cities http://www.eukn.org/E_library/ Urban_Policy/Leipzig_Charter_on_Sustainable_European_Cities

[47] Toledo Declaration http://www.eukn.org/News/2010/June/Ministers_of_Housing and_Urban_ Development approve_the_Toledo_Declaration

[48] B.M.A. Management Consultants Draft BMA Municipal Study 2011.

Xem tại: http://www.guelph.ca/uploads/finance//bmamunicipalstudy.pdf.

[49] Enterprise Saskatchewan – Performance Indicators for Saskatchewans Economy [12/2010]. Xem tại: http://www.enterprisesaskatchewan.ca/adx/aspx/adxGetMedia.aspx?DoclD=8e4247d7-76c2-4dd0- b294-32ef0954804b&MedialD=ea287104-d6dc-46e8-890ba5877b37af5e&Filename= Performance+lndicators+for+Saskatchewan%27s+Economy+-+December+ 2010.pdf.

[50] Government of Alberta Municipai Affairs Guide to property assessment and taxation in Alberta.

Xem tại: http://www.municipalaffairs.alberta.ca/documents/as/AB_GuidePtyAssmt_finrev.pdf.

[51] International Labour Organization (ILO) – Unemployment underemployment and inactivity indicators (KILM 9-13). Xem tại: http://kilm.ilo.org/2011/download/kilm09EN.pdf.

[52] International Labour Organization (ILO) Youth unemployment (KILM 10).

Xem tại: http://kilm.ilo.org/2011/download/kilm10EN.pdf.

[53] Statistics Canada a Brief Guide to the Business Register (BR) [7/2010].

Xem tại: http://www23.statcan.gc.ca/imdb-bmdl/document/1105 D2_T1_V3-eng.pdf.

[54] Wikipedia: Hệ số Gini [truy cập: 13/2/2013]. Xem tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Ginicoefficient.

[55] World Bank Measuring Inequality: Measuring Poverty [truy cập: 13/2/2013]. Xem tại: http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/TOPICS/EXTPOVERTY/EXTPA/0„contentMDK:20238991- menuPK:492138-pagePK:148956~piPK:216618~theSitePK:430367,00.html

[56] World Bank Unemployment, total (% of total labor force).

Xem tại: http://data.worldbank.org/indicator/SLUEM.TOTL.ZS.

[57] Youth Employment Network Indicator 2: Youth Unemployment Rate [cập nhật: 8/2/2011],

Xem tại: http://www.ilo.org/public/english/employment/yen/whatwedo/projects/indicators/2.htm.

[58] Center for Disease Control and Prevention Global Water, Sanitation, & Hygiene (WASH): Assessing Access to Water & Sanitation [truy cập: 6/2/2013],

Xem tại: http://www.cdc.gov/healthywater/global/assessing.html.

[59] United Nations Childrens Fund. Series Metadata: Goal 7. Ensure Environmental Sustainability [truy cập: 6/2/2013], Xem tại: http://unstats.un.org/unsd/mdg/Metadata.aspx?lndicatorid=0&Seriesld=669.

[60] World Bank. Cape Verde [truy cập: 6/2/2013], Xem tại: http://data.worldbank.org/country/cape-verde.

[61] World Bank Improved Sanitation Facilities (% of Population with Access) [Chart] [truy cập: 6/2/2013], Xem tại: http://data.worldbank.org/indicator/SH.STA.ACSN.

[62] World Health Organization Population using Improved sanitation facilities (%).

Xem tại: http://apps.W.H.O.int/gho/indicatorregistry/App_Main/view_indicator.aspx?iid=9.

[63] ACE Electoral Knowledge Network Guiding Principles of Voter Registration [truy cập: 14/2/2013],

Xem tại: http://aceproject.org/ace-en/topics/vr/vr20.

[64] IDEA (International Institute for Democracy and Electoral assistance) Glossary [truy cập: 14/2/2013], Xem tại: htttp://www.idea.int/vt/glossary.cfm#registration.

[65] B. Saraceno, S. Saxena Mental health resources in the world: results from Project Atlas of the WHO. World Psychiatry. Xem tại: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1489823/.

[66] THE World Health Organization Facts on Mental Health.

Xem tại: http://www.W.H.O.int/features/factfiles/mental_health/mental_health_facts/en/index9.html.

[67] The World Health Organization Mental Health and Development: Targeting People with Mental Health Conditions as a Vulnerable Group.

Xem tại: http://www.W.H.O.int/mental_health/policy/mhtargeting/development_targeting_mh_summary.pdf

[68] The World Health Organization Mental Health: a slate of well-being.

Xem tại: http://www.W.H.O.int/features/factfiles/mental_health/en/index.html.

[69] The World Health Organization Mental Health Atlas 2011.

Xem tại: http://whqlibdoc.W.H.O.int/publications/2011/9799241564359_eng.pdf.

[70] The World Health Organization. What is mental health?

Xem tại: http://www.W.H.O.int/features/qa/62/en/index.html.

[71] The World Health Organization who Mental Health Gap Action Programme (mhGAP). Xem tại: http://www.W.H.O.int/mental health/mhgap/en/index.html.

[72] Users Manual for the City Biodiversity Index:

http://www.cbd.int/help/error404.shtml?aspxerrorpath=/authorities/doc/Users%20Manual-for-the-City- Biodiversity%20lndex27Sept2010.pdf

[73] Encyclopedia Britannica. (2013). Bird. Xem tại: http://www.britannica.com/EBchecked/topic/66391/bird

[74] Oxford Dictionaries. (2013). Birds. Xem tại: http://oxforddictionaries.com/definition/english/bird?q=bird.

[75] Encyclopedia Britannica. (2013). Butterfly.

Xem tại: http://www.britannica.com/EBchecked/topic/86657/butterfly.

[76] Oxford Dictionaries. (2013). Butterfly. Xem tại: http://oxforddictionaries.com/definition/english/butterfly.

[77] Encyclopedia Britannica. (2013). Definition of Vascular Plants.

Xem tại: http://www.britannica.com/EBchecked/topic/463192/plant/66072/Vascular-plants.

[78] Air quality and health facts. World Health Organization.

Xem tại: http://www.W.H.O.int/mediacentre/factsheets/fs313/en/lndex.html

[79] Ozone. Ontario Ministry of the Environment.

Xem tại: http://www.airqualityontario.com/science/pollutants/ôzôn.php

[80] Ozone and Fine Particulate Maker Air Quality Indicators Environment Canada. Xem tại: http://www.ec.gc.ca/indicateurs-indicators/default.asp?lang=En&n=9F4EBF11-1&offset=4&toc=show

[81] Conversion factors. Aarhus Unlversitet.

Xem tại: http://www2.dmu.dk/AtmosphericEnvironment/Expost/database/docs/PPM_conversion.pdf

[82] TCVN ISO 14064-1:2011 (ISO 14064-1:2006) Khí nhà kính – Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ tổ chức

[83] TCVN ISO 14064-2:2011 (ISO 14064-2:2006) Khí nhà kính – Phần 2: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng, quan trắc và báo cáo về sự giảm thiểu phát thải hoặc tăng cường loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ dự án

[84] TCVN ISO 14064-3:2011 (ISO 14064-3:2006) Khí nhà kính – Phần 3: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn đối với thẩm định và kiểm định của các xác nhận khí nhà kính

[85] Users Manual for the City Biodiversity Index:

http://www.cbd.int/authorities/doc/User%27s%20Manual-for-the-City-Biodlversity-lndex27Sept2010.pdf

[86] WHO – Life expectancy defintion: http://www.W H.O.int/topics/life_expectancy/en/

[87] ISO 15392:2008, Sustainability in building construction – General principles

[88] Luật Quy hoạch đô thị năm 2009

[89] Luật Giáo dục năm 2005

[90] Luật Lao động năm 2012

[91] Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020

[92] Luật việc làm năm 2013

[93] Luật doanh nghiệp năm 2014

[94] Luật quy hoạch đô thị năm 2009

[95] Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Mục lục

Lời nói đầu

Lời giới thiệu

1  Phạm vi áp dụng

2  Tài liệu viện dẫn

3  Thuật ngữ và định nghĩa

4  Yêu cầu chung về chỉ số đô thị

5  Nhóm các chỉ số về kinh tế

6  Nhóm các chỉ số về giáo dục

7  Nhóm các chỉ số về năng lượng

8  Nhóm các chỉ số về môi trường

9  Nhóm các chỉ số về tài chính

10  Nhóm các chỉ số về hỏa hoạn và ứng phó khẩn cấp

11  Nhóm các chỉ số về điều hành

12  Nhóm các chỉ số về y tế

13  Nhóm các chỉ số về giải trí

14  Nhóm các chỉ số về an ninh

15  Nhóm các chỉ số về nơi sinh sống

16  Nhóm các chỉ số về chất thải rắn

17  Nhóm các chỉ số về viễn thông và đổi mới

18  Nhóm các chỉ số về giao thông

19  Nhóm các chỉ số về quy hoạch đô thị

20  Nhóm các chỉ số về nước thải

21  Nhóm các chỉ số về nước và vệ sinh

22  Báo cáo về duy trì hồ sơ

Phụ lục A (tham khảo) – Các chỉ số đô thị

Phụ lục B (tham khảo) – Các chỉ số cơ bản

Thư mục tài liệu tham khảo



1 Tiếng Anh: Global Protocol for Community-scale Greenhouse Gas Emissions (GPC), (2012 Accounting and Reporting Standard)

2 Với đặc trưng tương tự Liên hợp quốc gọi đây là Khu ổ chuột.

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 37120:2018 VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO CỘNG ĐỒNG – CÁC CHỈ SỐ VỀ DỊCH VỤ VÀ CHẤT LƯỢNG SỐNG ĐÔ THỊ
Số, ký hiệu văn bản TCVN37120:2018 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác
Ngày ban hành 01/01/2018
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản