TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5472:2007 (ISO 105-G03 : 1993) VỀ VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN G03: ĐỘ BỀN MÀU VỚI OZON TRONG KHÔNG KHÍ

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 5472 : 2007

VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN G03: ĐỘ BỀN MÀU VỚI OZON TRONG KHÔNG KHÍ

Textiles – Tests for colour fastness – Part G03: Colour fastness to ozone in the atmosphere

1 Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền màu của tất cả các loại vật liệu dệt đối với tác dụng của ozon trong không khí ở cả nhiệt độ phòng với độ ẩm tương đối không quá 65 % và ở nhiệt độ cao với độ ẩm tương đối trên 80 %.

CHÚ THÍCH 1    Nếu một mẫu thử nhạy với phép thử này thì nó cũng phải được thử độ nhạy với các phép thử quy định trong TCVN 5470 : 2007 (ISO 105-G01 : 1993) (độ bền màu với nitơ oxit) và TCVN 5471 : 2007 (ISO 105-G02 : 1993) (độ bền màu với khói của khí đốt).

2 Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 4536 : 2002 (ISO 105-A01 : 1994), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A01: Quy định chung.

TCVN 5466 : 2002 (ISO 105-A02 : 1993), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu.

ISO 105-F : 1985, Textiles – Tests for colour fastness – Part F: Standard adjacent fabrics (Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần F: Vải thử kèm chuẩn).

3 Nguyên tắc

3.1 Mẫu thử và mẫu vải thử đối chứng được phơi nhiễm đồng thời với ozon của không khí ở nhiệt độ phòng và độ ẩm tương đối không quá 65 % cho đến khi mẫu đối chứng có sự thay đổi màu tương ứng với một chuẩn phai màu. Thời gian một lần phơi là một chu kỳ. Các chu kỳ được lặp lại cho đến khi mẫu thử có sự thay đổi màu rõ rệt hoặc theo số chu kỳ định trước.

3.2 Mẫu thử và mẫu vải thử đối chứng được phơi nhiễm đồng thời với ozon trong không khí được duy trì ở độ ẩm tương đối (85 ± 5) % và ở nhiệt độ 40oC ± 5oC cho đến khi mẫu thử đối chứng có sự thay đổi màu tương ứng với một chuẩn phai màu. Các chu kỳ được lặp lại cho đến khi mẫu có sự thay đổi màu rõ rệt hoặc theo số chu kỳ định trước.

CHÚ THÍCH       Sự phai màu của thuốc nhuộm trên một số xơ nhất định không xảy ra một cách dễ dàng ở độ ẩm dưới 80 %. Vì vậy việc thử ở độ ẩm cao là cần thiết để tạo ra sự thay đổi màu nhằm dự đoán sự phai màu trong sử dụng ở những điều kiện ẩm, nóng.

4 Thiết bị, dụng cụ và vật liệu

4.1 Buồng phơi chứa ozon dùng cho nhiệt độ phòng và độ ẩm tương đối không quá 65 % (xem A.1)

4.2 Buồng phơi chứa ozon dùng cho nhiệt độ cao và độ ẩm tương đối trên 80 % (xem A.2).

4.3 Vải thử đối chứng dùng cho độ ẩm tương đối không quá 65 % (xem phụ lục B).

4.4 Chuẩn phai màu dùng cho độ ẩm tương đối không quá 65 % (xem phụ lục B).

4.5 Vải thử đối chứng dùng cho độ ẩm cao (xem phụ lục B).

4.6 Chuẩn phai màu dùng cho độ ẩm cao (xem phụ lục B).

4.7 Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu, phù hợp với TCVN 5466 (ISO 105-A02).

5 Mẫu thử

5.1 Nếu vật liệu là vải, sử dụng mẫu thử có kích thước 60 mm x 100 mm.

5.2 Nếu vật liệu thử là sợi, đan chúng thành vải và sử dụng mẫu thử có kích thước 60 mm x 100 mm hoặc quấn sợi chặt xung quanh một miếng bìa cứng có kích thước 60 mm x 100 mm để tạo thành một lớp có độ dày bằng sợi.

5.3 Nếu vật liệu thử là xơ rời, chải và ép chúng vừa đủ để tạo thành một miếng phẳng có kích thước 60 mm x 100 mm và khâu miếng xơ lên một miếng vải thử kèm bông, phù hợp với ISO 105-F, phần F02.

5.4 Để so sánh màu tiếp theo, mẫu không được phơi phải được giữ trong thùng kín khí, tránh ánh sáng để không tiếp tục thay đổi màu.

6 Cách tiến hành

6.1 Trường hợp độ ẩm tương đối không quá 65 %

6.1.1 Treo các mẫu và miếng vải thử đối chứng (4.3) trong buồng phơi (4.1) sao cho các mẫu được treo tách biệt nhau. Phép thử phải được tiến hành với buồng phơi trong phòng có nhiệt độ của không khí từ 18oC đến 28oC và độ ẩm tương đối không quá 65 %. Ozon phải có nồng độ để tạo ra một chu kỳ thử phai màu trong 1,5 giờ đến 6 giờ thử.

6.1.2 So sánh màu của miếng vải thử đối chứng với chuẩn phai màu (4.4) một cách định kỳ dưới ánh sáng ban ngày trong phạm vi từ trung bình đến hơi xanh của ánh sáng phía bắc hoặc ánh sáng nhân tạo tương đương. Khi chúng hợp nhau, thì các mẫu thử đã được phơi trong một chu kỳ và từng mẫu được so sánh với mẫu của vật liệu chưa xử lý.

6.1.3 Lấy những mẫu nào có sự thay đổi màu ra ở cuối một chu kỳ. Một chu kỳ thông thường tạo ra sự thay đổi màu có thể đo được trên những mẫu thử nhạy với ozon.

6.1.4 Treo miếng vải thử đối chứng mới và tiếp tục phơi những mẫu thử còn lại cho chu kỳ thứ hai.

6.1.5  Nếu thấy cần thiết tiếp tục làm thêm những chu kỳ tương tự.

6.1.6 Kết thúc mỗi một chu ký, ngay lập tức so sánh những mẫu thử được lấy ra khỏi buồng phơi với những mẫu gốc dành riêng mà từ đó các mẫu thử đã được lấy ra.

6.1.7 Dùng thang màu xám (4.7) để đánh giá sự thay đổi màu của mẫu thử sau số chu kỳ đã quy định.

6.2 Trường hợp độ ẩm tương đối cao

6.2.1 Treo mẫu thử và một miếng vải thử đối chứng (4.5) trong buồng phơi mẫu (4.2) được duy trì ở độ ẩm tương đối (85 ± 5) % và nhiệt độ 40oC ± 5oC. Ozon phải có nồng độ trong khoảng từ 10 pphm đến 35 pphm để tạo ra chu kỳ thử phai màu từ 6 giờ đến 24 giờ thử.

6.2.2 So sánh màu của miếng vải thử đối chứng với chuẩn phai màu (4.6) một cách định kỳ dưới ánh sáng ban ngày trong phạm vi từ trung bình đến hơi xanh của ánh sáng phía bắc hoặc ánh sáng nhân tạo tương đương. Khi các mẫu hợp nhau thì chúng được phơi trong một chu kỳ và từng mẫu phải được so sánh với mẫu của vật liệu chưa xử lý.

6.2.3 Lấy ra những mẫu nào có sự thay đổi màu ở cuối một chu kỳ. Một chu kỳ thông thường tạo ra sự thay đổi màu có thể đo được trên những mẫu thử nhạy với ozon.

6.2.4 Treo miếng vải thử đối chứng mới và tiếp tục phơi những mẫu còn lại trong chu kỳ thứ hai.

6.2.5 Nếu thấy cần thiết, tiếp tục làm thêm những chu kỳ tương tự.

6.2.6 Kết thúc một chu kỳ, ngay lập tức so sánh những mẫu đã được lấy ra khỏi buồng phơi với những mẫu gốc dành riêng mà từ đó các mẫu thử đã được lấy ra.

6.2.7 Dùng thang màu xám (4.7) để đánh giá sự thay đổi màu của mẫu sau bất kỳ số chu kỳ đã quy định.

7 Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) các chi tiết cần thiết để nhận dạng mẫu thử;

c) cấp độ bền màu của sự thay đổi màu của mỗi mẫu thử;

d) số chu kỳ đã thực hiện và nhiệt độ và độ ẩm tương đối của phép thử.

 

Phụ lục A

(qui định)

Buồng phơi chứa ozon

A.1 Buồng phơi chứa ozon cho phép thử ở nhiệt độ phòng và độ ẩm tương đối không quá 65 % bao gồm bình sinh khí ozon, quạt, hệ thống van, giá treo mẫu và vỏ bên ngoài. Bất kỳ bình sinh khí ozon nào cũng có thể sử dụng để tạo ra nồng độ yêu cầu; tuy nhiên, ánh sáng cực tím phát ra từ đèn thủy ngân hoặc từ máy phát tia lửa điện phải được ngăn chặn bằng một tấm ngăn thích hợp không để ảnh hưởng đến mẫu trên giá.

Một dạng của máy phát sử dụng máy biến áp điện áp cao phát qua một tấm lưới. Máy phát đặt trước một quạt có tốc độ chậm để đẩy ozon đi qua hệ thống van vào trong buồng phơi. Giá treo mẫu gồm có những kẹp riêng biệt lắp trên những cầu lăn bằng thanh kim loại để thích hợp với những mẫu có kích thước khác nhau.

Buồng phơi chứa ozon phải được vận hành trong phòng thông thoáng khí tốt và có nhiệt độ bình thường bởi ozon rất độc

CHÚ Ý – Để bảo vệ mắt, không được nhìn vào máy phát ozon trong khi nó đang làm việc. Ozon ở nồng độ cao có hại đến sức khỏe.

A.2 Buồng phơi chứa ozon dùng cho phép thử nhiệt độ cao và độ ẩm tương đối trên 80 % có thể có cấu tạo bất kỳ miễn là đáp ứng được điều kiện độ ẩm tương đối (85 ± 5) % và nhiệt độ 40oC ± 5oC và nồng độ ozon trong phạm vi từ 10 pphm đến 35 pphm (xem phụ lục C).

A.3 Một ví dụ về thiết bị thử được mô tả trong hình A.1.

Hình A.1 – Sơ đồ thử nghiệm

 

Phụ lục B

(qui định)

Vải thử đối chứng và chuẩn phai màu

B.1 Vải thử đối chứng cho phép thử ở nhiệt độ phòng và độ ẩm tương đối không quá 65 % là vải có màu xám trung bình sắc thái cấp ba, được chuẩn bị bằng cách nhuộm sợi triaxetat từ lúc kéo sợi bằng thuốc nhuộm Cl xanh phân tán 27 (thuốc nhuộm Cl Disperse Blue 27) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba), thuốc nhuộm Cl đỏ phân tán 35 (thuốc nhuộm Cl Disperse Red 35) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba) và thuốc nhuộm Cl vàng phân tán 42 (thuốc nhuộm Cl Disperse Yellow 42) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba). Mẫu đối chứng này được phơi cho đến khi có sự thay đổi màu đạt đến chuẩn phai màu, chủ yếu bị mất màu xanh.

B.2 Chuẩn phai màu cho phép thử ở nhiệt độ phòng có độ ẩm tương đối không quá 65 % là vải từ sợi visco được nhuộm từ lúc kéo sợi bằng thuốc nhuộm Cl xanh trực tiếp 78 (thuốc nhuộm Cl Disperse Direct Blue 78) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba), thuốc nhuộm Cl đỏ trực tiếp 79 (thuốc nhuộm Cl Disperse Direct Red 79) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba) và thuốc nhuộm Cl vàng trực tiếp 106 (thuốc nhuộm Cl Disperse Direct Yellow 106) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba).

B.3 Vải thử đối chứng cho phép thử thực hiện ở nhiệt độ cao và độ ẩm tương đối trên 80 % là vải có sắc thái cấp ba, màu avocado được chuẩn bị bằng cách nhuộm ống sợi dệt kim có sợi phila-măng nylon 6 2900 dtex bằng thuốc nhuộm Cl vàng phân tán 3 (thuốc nhuộm Cl Disperse Yellow 3) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba), thuốc nhuộm Cl xanh phân tán 3 (thuốc nhuộm Cl Disperse Blue 3) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba) và thuốc nhuộm Cl đỏ phân tán 4 (thuốc nhuộm Cl Disperse Red 4) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba).

B.4 Chuẩn phai màu cho phép thử ở nhiệt độ cao và độ ẩm tương đối trên 80 % là vải màu của vải dệt kim ống dệt từ cùng loại nylon 6 như trong điều B.3 nhuộm bằng thuốc nhuộm Cl Vàng axit 79 (thuốc nhuộm Cl Acid Yellow 79) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba), thuốc nhuộm Cl Xanh axit 277 (thuốc nhuộm Cl Acid Blue 277) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba) và thuốc nhuộm Cl đỏ axit 260 (thuốc nhuộm Cl Acid Red 260) (Chỉ số màu, xuất bản lần thứ ba).

CHÚ Ý – Cả vải thử đối chứng và chuẩn phai màu đều phải được bảo quản trong các thùng kín để tránh sự thay đổi màu do điều kiện khí hậu bình thường gây ra. Hơn nữa, các vải thử đối chứng đều nhạy cảm với các chất ô nhiễm môi trường khác như nitơ oxit. Các cấp phai màu của những vải này sẽ thay đổi đáng kể ở những độ ẩm và nhiệt độ khác nhau và không nên sử dụng vải thử đối chứng này để tiến hành thử tự nhiên hoặc thử công dụng cuối cùng bằng cách phơi trong ozon. Sự thay đổi màu tạo ra trên các vải thử đối chứng sẽ phản ánh những tác động hỗn hợp của các chất ô nhiễm môi trường, sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm mà không phải chỉ do những tác động của việc phơi trong ozon.

 

Phụ lục C

(tham khảo)

Thư mục tài liệu tham khảo

Để có thông tin về việc đo nồng độ ozon, xem các tài liệu sau:

[1]        SCHULZE, F, “Versatile combination ozone and sulphur dioxide analyzer”, Analytical Chemistry, 38, 748-752, May 1966.

[2]        “Selected methods of the measurement of air pollutants”, Public Health Service Publication No.999-AP-11, May 1965, Office of Technical Information and Publication (OTIP), Air Pollution Control Office, Environmental Protection Agency, Ρ.O. Box 12055, Research Triangle Park, North Carolina 27709, USA.

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5472:2007 (ISO 105-G03 : 1993) VỀ VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN G03: ĐỘ BỀN MÀU VỚI OZON TRONG KHÔNG KHÍ
Số, ký hiệu văn bản TCVN5472:2007 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nặng
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản