TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5716-2:2017 (ISO 6647-2:2015) VỀ GẠO – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG AMYLOSE – PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THÔNG DỤNG
TCVN 5716-2:2017
ISO 6647-2:2015
GẠO – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG AMYLOSE – PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THÔNG DỤNG
Rice – Determination of amylose content – Part 2: Routine methods
Lời nói đầu
TCVN 5716-2:2017 thay thế TCVN 5716-2:2008;
TCVN 5716-2:2017 hoàn toàn tương đương với ISO 6647-2:2015;
TCVN 5716-2:2017 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F1 Ngũ cốc và đậu đỗ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố;
Bộ tiêu chuẩn TCVN 5716:2017 (ISO 6647:2015) Gạo – Xác định hàm lượng amylose gồm các phần sau:
– TCVN 5716-1:2017 (ISO 6647-1:2015) Phần 1: Phương pháp chuẩn;
– TCVN 5716-2:2017 (ISO 6647-2:2015) Phần 2: Phương pháp thông dụng.
GẠO – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG AMYLOSE – PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THÔNG DỤNG
Rice – Determination of amylose content – Part 2: Routine methods
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp thông dụng để xác định hàm lượng amylose của gạo trắng, không đồ trong dải từ 1 % đến 30 %. Các mẫu gạo có hàm lượng amylose đã xác định bằng phương pháp chuẩn sắc ký rây phân tử (SEC) được sử dụng làm mẫu chuẩn để dựng đường chuẩn.
CHÚ THÍCH Sử dụng các chất chuẩn đã được hiệu chuẩn bằng SEC là gần đúng để xác định hàm lượng amylose đúng và làm sai số quy ước của tiêu chuẩn này.[1]
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 5716-1 (ISO 6647-1), Gạo – Xác định hàm lượng amylose – Phần 1: Phương pháp chuẩn.
TCVN 6661-1 (ISO 8466-1), Chất lượng nước – Hiệu chuẩn và đánh giá các phương pháp phân tích và ước lượng các đặc trưng thống kê – Phần 1: Đánh giá thống kê các hàm chuẩn tuyến tính.
ISO 7301, Rice – Specification (Gạo – Yêu cầu kỹ thuật).
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 5716-1 (ISO 6647-1) và ISO 7301.
4 Nguyên tắc
Gạo được nghiền thành bột mịn để phá vỡ cấu trúc nội nhũ nhằm hỗ trợ sự phân tán và hồ hóa hoàn toàn. Phần mẫu thử được hòa vào dung dịch natri hydroxit, sau đó lấy một phần dung dịch này trộn với dung dịch iôt. Sử dụng máy đo quang phổ để đo độ hấp thụ của phức màu tạo thành ở bước sóng tại 620 nm hoặc 720 nm.
Hàm lượng amylose của mẫu được đọc từ đường chuẩn, đường chuẩn này được xây dựng theo mẫu gạo đã biết hàm lượng amylose, xác định được bằng phương pháp chuẩn [xem TCVN 5716-1 (ISO 6647-1)].
CHÚ THÍCH Các mẫu gạo có hàm lượng amylose đã được xác định theo TCVN 5716-1 (ISO 6647-1) được sử dụng làm chất chuẩn.
5 Thuốc thử
Tất cả các thuốc thử được sử dụng phải thuộc loại tinh khiết phân tích và nước được sử dụng phải là nước cất hoặc nước đã loại khoáng hoặc nước có chất lượng tương đương, trừ khi có quy định khác.
5.1 Etanol, dung dịch 95 % thể tích.
5.2 Natri hydroxit, dung dịch 1 mol/l.
5.3 Natri hydroxit, dung dịch 0,09 mol/l.
5.4 Axit axetic, dung dịch 1 mol/l.
5.5 Dung dịch iôt
Cân 2,000 g kali iodua, chính xác đến 5 mg, trong bình cân có nắp đậy kín. Thêm nước vừa đủ để tạo thành dung dịch bão hòa. Thêm 0,200 g iôt, được cân chính xác đến 1 mg. Khi đã tan hết, chuyển toàn bộ dung dịch sang bình định mức 100 ml (6.4), thêm nước đến vạch và trộn.
Chuẩn bị dung dịch mới trong ngày sử dụng và bảo quản tránh ánh sáng.
6 Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng thiết bị, dụng cụ của phòng thử nghiệm thông thường và cụ thể như sau:
6.1 Máy nghiền, có khả năng nghiền gạo trắng thành bột lọt hết qua sàng có kích thước lỗ từ 150 μm đến 180 μm (100 mesh đến 80 mesh). Nên sử dụng máy nghiền xyclon có cỡ lỗ 0,5 mm.
6.2 Sàng, kích thước lỗ từ 150 μm đến 180 μm (100 mesh đến 80 mesh).
6.3 Máy đo quang phổ, có cuvet thích hợp, với chiều dài đường quang 1 cm, có khả năng đo độ hấp thụ ở bước sóng từ 600 nm đến 720 nm.
6.4 Bình định mức, dung tích 100 ml.
6.5 Nồi cách thủy đun sôi.
6.6 Cân phân tích, có khả năng cân chính xác đến 0,0001 g.
6.7 Ống nghiệm, dung tích 20 ml.
6.8 Pipet, dung tích 0,2 ml, 1 ml, 2 ml, 5 ml và 10 ml.
6.9 Bình nón, dung tích 100 ml.
6.10 Máy trộn Vortex.
7 Lấy mẫu
Mẫu gửi đến phòng thử nghiệm phải là mẫu đại diện và không bị suy giảm chất lượng hoặc bị thay đổi trong quá trình vận chuyển và bảo quản.
Việc lấy mẫu không quy định trong tiêu chuẩn này. Nên lấy mẫu theo TCVN 9027 (ISO 24333).
8 Cách tiến hành
8.1 Chuẩn bị mẫu thử
Dùng máy nghiền (6.1) nghiền ít nhất 10 g gạo trắng của từng mẫu thành bột rất mịn để lọt hết qua sàng (6.2).
8.2 Phần mẫu thử và chuẩn bị dung dịch thử
Cân 100 mg ± 0,5 mg mẫu thử cho vào bình nón 100 ml (6.9). Dùng pipet thêm cẩn thận 1,0 ml etanol (5.1) vào phần mẫu thử này để làm trôi những phần mẫu còn bám trên thành bình. Lắc nhẹ để làm ướt hoàn toàn mẫu. Dùng pipet thêm 9,0 ml dung dịch natri hydroxit (5.2) và trộn đều. Gia nhiệt hỗn hợp trên nồi cách thủy (6.5) trong 10 min hoặc để qua đêm trong bình đậy kín để phân tán tinh bột hoàn toàn. Để nguội đến nhiệt độ phòng (nếu đã sôi) và chuyển toàn bộ vào bình định mức 100 ml (6.4). Trộn bằng máy trộn Vortex (6.10), thêm nước đến vạch và sau đó trộn lại bằng máy trộn Vortex.
8.3 Phép thử trắng
Thực hiện phép thử trắng song song với phép xác định, cùng một quy trình, sử dụng cùng lượng thuốc thử như trong phép xác định, nhưng dùng 0,50 ml dung dịch natri hydroxit (5.3) thay cho dung dịch thử.
8.4 Chuẩn bị đường chuẩn
8.4.1 Chuẩn bị dãy dung dịch chuẩn
Sử dụng năm mẫu gạo đã hiệu chuẩn1) có hàm lượng amylose nằm trong dải từ 0 % đến 30 % và hàm lượng amylose đã được xác định bằng phương pháp chuẩn trong TCVN 5716-1 (ISO 6647-1). Ngoài ra, tạo một dãy chất chuẩn từ các giống gạo khác nhau đã được hiệu chuẩn dựa trên đường chuẩn.
Chuẩn bị dung dịch hiệu chuẩn theo 8.1 và 8.2.
8.4.2 Hiện màu và đo quang phổ
Dùng pipet (6.9) lấy mỗi dung dịch hiệu chuẩn 0,50 ml cho vào dãy năm ống nghiệm (6.7). Thêm 5,00 ml nước, 0,10 ml axit axetic (5.4) và 0,20 ml dung dịch iốt (5.5). Thêm 4,20 ml nước vào ống để có được thể tích của hỗn hợp phản ứng là 10,00 ml. Đậy nắp ống và trộn kỹ trên máy trộn Vortex (6.10) hoặc bằng cách đảo chiều vài lần.
Dùng máy quang phổ (6.3) để đo độ hấp thụ của dung dịch ngay sau khi trộn ở bước sóng 620 nm hoặc 720 nm [chọn bước sóng đã được sử dụng trong TCVN 5716-1 (ISO 6647-1)] so với dung dịch mẫu trắng (8.3).
8.4.3 Dựng đường chuẩn
Chuẩn bị đường chuẩn bằng cách dựng đồ thị độ hấp thụ dựa vào hàm lượng amylose trong gạo trắng tính theo chất khô, biểu thị bằng phần trăm khối lượng.
8.5 Xác định
Dùng pipet lấy 0,50 ml dung dịch thử (8.2) cho vào ống nghiệm (6.7). Thêm 5,00 ml nước, 0,10 ml axit axetic (5.4) và 0,20 ml dung dịch iốt (5.5). Thêm 4,20 ml nước vào ống để có được thể tích của hỗn hợp phản ứng là 10,00 ml. Đậy nắp ống và trộn kỹ trên máy trộn Vortex (6.10) 2 min hoặc bằng cách đảo chiều ít nhất ba lần. Dùng máy quang phổ (6.3) đo độ hấp thụ của dung dịch ngay sau khi trộn ở bước sóng 620 nm hoặc 720 nm so với dung dịch trắng (8.3). Đảm bảo rằng chất chuẩn và dung dịch thử được đo ở cùng bước sóng 620 nm hoặc 720 nm và trong cùng một lần chạy.
Tiến hành hai phép xác định trên các phần mẫu thử riêng rẽ được lấy từ cùng một mẫu thử nghiệm.
CHÚ THÍCH Nếu tiến hành hai phép xác định lặp lại, dựa trên hai mẫu được chuẩn bị độc lập (8.1) thì cần ghi rõ trong báo cáo thử nghiệm.
9 Biểu thị kết quả
Hàm lượng amylose, bằng phần trăm khối lượng tính theo chất khô, thu được bằng cách đối chiếu với độ hấp thụ (8.5) trên đường chuẩn (8.4.3) phù hợp với TCVN 6661-1 (ISO 8466-1).
Lấy kết quả cuối là trung bình cộng của hai phép xác định.
10 Độ chụm
10.1 Phép thử liên phòng thử nghiệm
Các chi tiết của phép thử liên phòng thử nghiệm quốc tế về độ chụm của phương pháp được nêu trong Phụ lục A. Các giá trị thu được từ phép thử này có thể không áp dụng được cho các dải nồng độ và nền mẫu khác với các dải nồng độ và nền mẫu đã nêu. Phụ lục B đưa ra các so sánh giữa giá trị amylose xác định được bằng đường chuẩn trong phiên bản trước của tiêu chuẩn này và đường chuẩn được sử dụng trong tiêu chuẩn này đã được hiệu chuẩn theo các giá trị của SEC.
10.2 Độ lặp lại
Chênh lệch tuyệt đối giữa hai kết quả thử độc lập, riêng rẽ, thu được khi sử dụng cùng một phương pháp, trên vật liệu thử giống hệt nhau, trong một phòng thử nghiệm, do cùng một người thực hiện, sử dụng cùng thiết bị, trong một thời gian ngắn, không được quá 5 % các trường hợp lớn hơn giới hạn lặp lại r (r được suy ra từ các kết quả của phép thử liên phòng thử nghiệm).
10.3 Độ tái lập
Chênh lệch tuyệt đối giữa các kết quả của hai phép thử riêng rẽ, thu được khi sử dụng cùng phương pháp, trên vật liệu thử giống hệt nhau, trong các phòng thử nghiệm khác nhau, do những người khác nhau thực hiện, sử dụng các thiết bị khác nhau, không được quá 5 % các trường hợp lớn hơn giới hạn tái lập R (R được suy ra từ các kết quả của phép thử liên phòng thử nghiệm).
11 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm ít nhất phải bao gồm các thông tin sau:
a) mọi thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu thử;
b) phương pháp lấy mẫu đã sử dụng, nếu biết;
c) phương pháp thử đã sử dụng (A hoặc B), viện dẫn tiêu chuẩn này;
d) tất cả các điều kiện thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này, hoặc được xem là tùy ý, cùng với mọi tình huống bất thường có thể ảnh hưởng đến kết quả.
e) kết quả thử nghiệm thu được hoặc nếu đáp ứng yêu cầu về độ lặp lại thì ghi kết quả cuối cùng thu được.
Phụ lục A
(tham khảo)
Các kết quả của phép thử nghiệm liên phòng
Một phép thử nghiệm liên phòng quốc tế bao gồm 12 phòng thử nghiệm của 12 quốc gia đã được thực hiện trên 15 mẫu gạo lặp lại ba lần trong dải hàm lượng amylose tìm thấy trong gạo. Phép thử do Hệ thống quốc tế về chất lượng gạo (International Network for Quality Rice) và Viện Nghiên cứu gạo quốc tế (IRRI) tổ chức và các kết quả thu được đã được phân tích thống kê theo TCVN 6910-1 (ISO 5725-1) và TCVN 6910-2 (ISO 5725-2) đưa ra dữ liệu độ chụm nêu trong Bảng A.1 và Hình A.1. Các mẫu và chất chuẩn được đo ở bước sóng 620 nm. Các mẫu và chất chuẩn hiệu chuẩn, như trong TCVN 5716-1 (ISO 6647-1), được cung cấp bởi IRRI.
Bảng A.1 – Dữ liệu độ chụm
Thông số |
Mẫu |
||||||||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
|
Số phòng thử nghiệm còn lại sau khi trừ ngoại lệ |
12 |
11 |
10 |
9 |
11 |
10 |
9 |
10 |
10 |
11 |
10 |
11 |
10 |
11 |
11 |
Hàm lượng amylose trung bình, g/100 g |
0,38 |
0,24 |
4,79 |
4,70 |
8,97 |
10,68 |
11,19 |
13,90 |
13,32 |
19,89 |
16,90 |
23,99 |
22,84 |
24,68 |
24,62 |
Độ lệch chuẩn lặp lại, sr, % |
0,45 |
0,31 |
0,33 |
0,31 |
0,33 |
0,28 |
0,24 |
0,35 |
0,60 |
0,56 |
0,78 |
0,74 |
0,65 |
0,77 |
0,73 |
Độ lệch chuẩn tương đối lặp lại, % |
119,92 |
130,68 |
6,86 |
6,54 |
3,69 |
2,61 |
2,16 |
2,55 |
4,50 |
3,32 |
4,61 |
3,08 |
2,83 |
3,13 |
2,97 |
Giới hạn lặp lại, r (r = 2,77 x sr), % |
1,27 |
0,87 |
0,92 |
0,86 |
0,93 |
0,78 |
0,68 |
0,99 |
1,68 |
1,57 |
2,18 |
2,07 |
1,81 |
2,16 |
2,05 |
Độ lệch chuẩn tái lặp, sR, g/100 g |
1,09 |
0,72 |
0,39 |
0,35 |
0,65 |
0,39 |
0,45 |
0,98 |
0,66 |
1,11 |
0,85 |
2,11 |
2,22 |
1,73 |
2,03 |
Độ lệch chuẩn tương đối tái lập, % |
290,12 |
301,11 |
8,22 |
7,40 |
7,22 |
3,67 |
4,05 |
7,02 |
4,98 |
6,56 |
5,05 |
8,80 |
9,71 |
7,01 |
8,25 |
Giới hạn tái lặp, R (R = 2,77 x sR) % |
3,06 |
2,00 |
1,10 |
0,98 |
1,81 |
1,10 |
1,27 |
2,73 |
1,86 |
3,10 |
2,39 |
5,91 |
6,21 |
4,84 |
5,69 |
Hình A.1 – Mối liên quan giữa dữ liệu độ chụm và hàm lượng amylose
Phụ lục B
(tham khảo)
So sánh các giá trị thu được bằng TCVN 5716-2:2018 (ISO 6647-2:2007) với giá trị thu được bằng tiêu chuẩn này
Đồ thị so sánh các giá trị amylose của 3 500 giống lúa thu được sử dụng đường chuẩn xác định được bằng TCVN 5716-2:2008 (ISO 6647-2:2007) và đường chuẩn từ TCVN 5716-2:2017 (ISO 6647-2:2015). Xu hướng trong hàm lượng amylose là giống nhau nhưng có sự chênh lệch giữa phiên bản cũ và phiên bản mới này đối với các giống lúa có hàm lượng amylose cao, mà amylose được đánh giá quá cao trong phiên bản cũ.
Hình B.1 – Dữ liệu so sánh
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] M.A. Fitzgerald Addressing the dilemmas of measuring amylose in rice. Cereal Chemistry. 2009, 86 (5) pp. 492-498
[2] TCVN 9934 (ISO 1666) Tinh bột – Xác định độ ẩm – Phương pháp dùng tủ sấy.
[3] TCVN 6910-1 (ISO 5725-1), Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo. Phần 1: Nguyên tắc và định nghĩa chung.
[4] TCVN 6910-2 (ISO 5725-2), Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo. Phần 2: Phương pháp cơ bản xác định độ lặp lại và độ tái lập của phương pháp đo tiêu chuẩn.
[5] TCVN 9027 (ISO 24333) Ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc – Lấy mẫu.
1) Mẫu gạo chuẩn có thể thu được từ Viện nghiên cứu gạo quốc tế. Thông tin này đưa ra tạo thuận lợi cho người sử dụng tiêu chuẩn này và không ấn định phải sử dụng sản phẩm này. Các sản phẩm tương tự có thể được sử dụng nếu cho kết quả tương đương.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5716-2:2017 (ISO 6647-2:2015) VỀ GẠO – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG AMYLOSE – PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THÔNG DỤNG | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN5716-2:2017 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 01/01/2017 |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |