TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6165:2009 (ISO/IEC GUIDE 99:2007) VỀ TỪ VỰNG QUỐC TẾ VỀ ĐO LƯỜNG HỌC – KHÁI NIỆM, THUẬT NGỮ CHUNG VÀ CƠ BẢN (VIM)

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 6165:2009

ISO/IEC GUIDE 99:2007

TỪ VỰNG QUỐC TẾ VỀ ĐO LƯỜNG HỌC – KHÁI NIỆM, THUẬT NGỮ CHUNG VÀ CƠ BẢN (VIM)

International vocabulary of metrology – basic and general concepts and associated terms (vim)

Lời nói đầu

TCVN 6165:2009 thay thế cho TCVN 6165:1996 (VIM 1993);

TCVN 6165:2009 hoàn toàn tương đương với ISO/IEC Guide 99:2007;

TCVN 6165:2009 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 12 Đại lượng và đơn vị đo biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Lời giới thiệu

0.1. Tổng quát

Nói chung, từ vựng là “từ điển về thuật ngữ, bao gồm tên gọi và định nghĩa của một hay một số lĩnh vực cụ thể” (ISO 1087-1:2000, 3.7.2). Tiêu chuẩn từ vựng này liên quan đến đo lường học, “khoa học về phép đo và việc áp dụng chúng”. Tiêu chuẩn này cũng bao gồm các nguyên tắc chi phối đại lượng và đơn vị. Có thể tiếp cận lĩnh vực đại lượng và đơn vị theo theo nhiều cách khác nhau. Điều 1 của tiêu chuẩn này là một trong các cách tiếp cận đó, dựa trên cơ sở các nguyên tắc đã trình bày trong những phần khác nhau của TCVN 6398, Đại lượng và đơn vị, đã và đang được thay thế bằng bộ tiêu chuẩn TCVN 7870 Đại lượng và đơn vị, và trong Sổ tay về SI, Hệ đơn vị quốc tế, (do BIPM xuất bản).

Phiên bản thứ hai của Từ vựng quốc tế các thuật ngữ chung và cơ bản trong đo lường học (VIM) đã được xuất bản năm 1993. Trước hết là sự cần thiết phải đề cập tới các phép đo trong hóa học và y học phòng thí nghiệm, cũng như sự cần thiết phải đưa vào các khái niệm liên quan tới tính liên kết chuẩn đo lường, độ không đảm bảo đo và các tính chất danh nghĩa, đã dẫn đến phiên bản ba, với tên gọi Từ vựng quốc tế về đo lường học – Khái niệm, thuật ngữ chung và cơ bản (VIM), nhằm nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các khái niệm trong việc xây dựng từ vựng.

Tiêu chuẩn này đã xem như không có sự khác nhau cơ bản về những nguyên tắc cơ bản của các phép đo trong vật lý, hóa học, y học phòng thí nghiệm, sinh học hoặc kỹ thuật. Hơn nữa, đã có sự cố gắng để đáp ứng nhu cầu về khái niệm của phép đo trong các lĩnh vực như sinh hóa, khoa học thực phẩm, khoa học pháp y và sinh học phân tử.

Một số khái niệm đề cập trong phiên bản thứ hai của VIM không được đề cập trong phiên bản ba này vì chúng không còn được xem là chung hoặc cơ bản nữa. Ví dụ, khái niệm “thời gian đáp ứng”, dùng để mô tả trạng thái tức thời của một hệ thống đo, không có nữa. Phiên bản ba của VIM cũng không đề cập đến các khái niệm liên quan đến thiết bị đo, nên cần tham khảo các bản từ vựng khác như IEC 60050, Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế, IEV. Đối với những khái niệm về quản lý chất lượng, thỏa thuận công nhận lẫn nhau liên quan đến đo lường học, hoặc đo lường pháp định, cần tra cứu các tài liệu cho trong Thư mục tài liệu tham khảo.

Việc xây dựng tiêu chuẩn này đã nêu lên một số vấn đề cơ bản về các triết lý và sự mô tả khác nhau hiện nay đối với các phép đo như sẽ tóm tắt dưới đây. Sự khác nhau này đôi khi dẫn đến các khó khăn trong việc xây dựng những định nghĩa có thể được sử dụng qua các mô tả khác nhau. Trong tiêu chuẩn này không có sự ưu tiên cho bất cứ cách tiếp cận cụ thể nào.

Sự thay đổi trong việc tiếp cận độ không đảm bảo đo từ Cách tiếp cận sai số (đôi khi gọi là Cách tiếp cận truyền thống hoặc Cách tiếp cận giá trị thực) đến Cách tiếp cận độ không đảm bảo yêu cầu phải xem xét lại một số khái niệm liên quan đang có ở TCVN 6165:1999. Mục đích của phép đo trong Cách tiếp cận sai số là xác định một ước lượng của giá trị thực gần với giá trị thực đó đến mức có thể. Độ lệch khỏi giá trị thực gồm sai số ngẫu nhiên và sai số hệ thống. Hai loại sai số, được thừa nhận là luôn luôn có thể phân biệt được, phải được tiếp cận khác nhau. Không thể đưa ra quy tắc về cách thức kết hợp để tạo thành sai số tổng của một kết quả đo đã cho, thường được lấy như là một ước lượng. Thông thường, chỉ giới hạn trên của giá trị tuyệt đối của sai số tổng được ước lượng, đôi khi được gọi một cách không chặt chẽ là “độ không đảm bảo”.

Trong Khuyến nghị CIPM INC-1 (1980) về Trình bày độ không đảm bảo, đã đề nghị các thành phần của độ không đảm bảo đo cần  được nhóm lại thành hai loại, Loại A và Loại B, tùy theo việc đánh giá bằng phương pháp thống kê hoặc phương pháp khác, và chúng được kết hợp lại để tạo thành một phương sai theo các quy tắc của lý thuyết toán xác suất cũng bằng cách xử lý các Thành phần loại B theo phương sai. Độ lệch chuẩn thu được là sự thể hiện của độ không đảm bảo đo. Quan điểm về Cách tiếp cận độ không đảm bảo được nêu chi tiết trong Hướng dẫn trình bày độ không đảm bảo đo (GUM) (1993, sửa chữa và in lại năm 1995) tập trung vào việc xử lý toán học độ không đảm bảo đo thông qua một mô hình đo rõ ràng với giả thiết là đại lượng đo có thể được đặc trưng bằng một giá trị cơ bản duy nhất. Hơn nữa, trong GUM cũng như trong các tài liệu của IEC, hướng dẫn được đưa ra về Cách tiếp cận độ không đảm bảo trong trường hợp giá trị đọc đơn của phương tiện đo đã được hiệu chuẩn, một tình huống thường gặp trong đo lường công nghiệp.

Mục đích của phép đo trong cách tiếp cận theo độ không đảm bảo không phải là xác định giá trị thực gần nhất đến mức có thể. Đúng hơn là giả định rằng thông tin từ phép đo chỉ cho phép ấn định một khoảng các giá trị hợp lý cho đại lượng đo trên cơ sở cho rằng không có các sai lầm khi thực hiện phép đo. Thông tin liên quan bổ sung thêm có thể rút ngắn phạm vi của khoảng giá trị có thể quy cho đại lượng đo một cách hợp lý. Tuy nhiên, ngay cả phép đo tinh vi nhất cũng không thể giảm khoảng này tới một giá trị đơn vì số lượng hạn chế về chi tiết trong định nghĩa đại lượng đo. Do đó, độ không đảm bảo theo định nghĩa tạo ra giới hạn tối thiểu của một độ không đảm bảo đo nào đó. Khoảng có thể được đại diện bằng một trong các giá trị của nó, gọi là “giá trị đại lượng đo được”.

Trong GUM, độ không đảm bảo định nghĩa được xem là không đáng kể so với các thành phần khác của độ không đảm bảo đo. Mục đích của phép đo là thiết lập một xác suất để giá trị duy nhất cơ bản này nằm trong một khoảng của các giá trị đại lượng đo được, trên cơ sở thông tin có được từ phép đo.

Phương pháp của IEC tập trung vào phép đo có giá trị đọc đơn, cho phép phát hiện các đại lượng có thay đổi theo thời gian hay không bằng cách chứng minh các kết quả đo có thể so sánh hay không. Quan điểm của IEC cũng cho độ không đảm bảo về định nghĩa là đáng kể. Sự thay đổi của kết quả đo phụ thuộc nhiều vào các đặc trưng đo lường của phương tiện đo như đã được chứng minh bằng việc hiệu chuẩn nó. Khoảng giá trị đưa ra để mô tả đại lượng đo là khoảng giá trị của chuẩn đo lường đã cho các số chỉ như nhau.

Trong GUM, khái niệm giá trị thực được giữ lại để mô tả mục đích của phép đo, nhưng tính từ “thực” được xem là không cần thiết. IEC không sử dụng khái niệm để mô tả mục đích này. Trong tiêu chuẩn này, khái niệm và thuật ngữ được giữ lại vì việc sử dụng chung và tầm quan trọng của khái niệm.

0.2. Lịch sử VIM

Năm 1997 Uỷ ban chung về các hướng dẫn trong đo lường học (JCGM), do Giám đốc BIPM làm Chủ tịch, được bảy tổ chức quốc tế thành lập, đã soạn thảo một phiên bản gốc Hướng dẫn trình bày độ không đảm bảo đo (GUM) và Từ vựng quốc tế về các thuật ngữ chung và cơ bản trong đo lường học (VIM). Uỷ ban chung này đã nhận phần công việc này từ Nhóm tư vấn kỹ thuật 4 của ISO (TAG 4), Uỷ ban đã xây dựng GUM và VIM. Đầu tiên, Uỷ ban chung đã được thành lập gồm các đại diện của Viên cân đo quốc tế (BIPM), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên đoàn quốc tế về hóa học y học và y học phòng thí nghiệm (IFCC), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Liên đoàn quốc tế về hóa học tinh khiết và ứng dụng (IUPAC), Liên đoàn quốc tế về vật lý thuần túy và ứng dụng (IUPAP), và Tổ chức quốc tế về đo lường pháp định (OlML). Năm 2005, Tổ chức công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC) chính thức tham gia cùng với bảy tổ chức quốc tế sáng lập trên.

JCGM có hai nhóm công tác. Nhóm công tác 1 (JCGM/WG 1) về GUM có nhiệm vụ thúc đẩy việc sử dụng GUM và soạn thảo các phần bổ sung của GUM cho việc áp dụng rộng rãi. Nhóm công tác 2 (JCGM/WG 2) về VIM có nhiệm vụ soát xét VIM và thúc đẩy việc sử dụng. Nhóm công tác 2 được thành lập gồm 2 đại diện của mỗi tổ chức thành viên, và được bổ sung một số lượng nhất định các chuyên gia. Nhóm công tác 2 đã soạn thảo tiêu chuẩn này.

Năm 2004, dự thảo đầu tiên phiên bản thứ ba của VIM được đưa để lấy ý kiến và các đề xuất của tám tổ chức đại diện trong JCGM, trong hầu hết các trường hợp các tổ chức này đã hỏi ý kiến các thành viên và hội viên, bao gồm rất nhiều Viện đo lường quốc gia. Các ý kiến đã được nghiên cứu và thảo luận, được tính đến khi thích hợp, và được JCGM/WG 2 trả lời. Năm 2006 dự thảo cuối được trình lên tám tổ chức để xem xét và phê duyệt.

Tất cả các ý kiến đóng góp tiếp theo được Nhóm công tác 2 xem xét và tính đến khi thích hợp.

Tiêu chuẩn này đã được từng tổ chức thành viên và tất cả tám tổ chức thành viên của JCGM phê duyệt.

Các quy ước

Quy tắc thuật ngữ

Các định nghĩa và thuật ngữ trong phiên bản ba cũng như sự sắp xếp chúng tuân thủ tối đa những quy tắc của thuật ngữ học, như trình bày trong ISO 704, ISO 1087-1 và ISO 10241. Đặc biệt áp dụng nguyên tắc thay thế; đó là, trong một định nghĩa nào đó có thể thay thế một thuật ngữ đưa đến một khái niệm được định nghĩa ở một chỗ khác trong VIM bằng định nghĩa tương ứng với thuật ngữ đó, mà không tạo ra sự mâu thuẫn hoặc vòng quanh.

Các khái niệm được trình bày trong năm chương và được sắp xếp hợp lý trong mỗi chương.

Trong một số định nghĩa, việc sử dụng các khái niệm không được định nghĩa (còn gọi là “nguyên thủy”) là không thể tránh được. Trong tiêu chuẩn này, những khái niệm không được định nghĩa như thế bao gồm: hệ thống, thành phần, hiện tượng, vật thể, chất, tính chất, quy chiếu, thực nghiệm, kiểm tra, độ lớn, vật liệu, thiết bị và tín hiệu.

Để dễ dàng hiểu các mối liên hệ khác nhau giữa những khái niệm không giống nhau, sơ đồ về khái niệm đã được trình bày ở Phụ lục A.

Số tra cứu

Các khái niệm xuất hiện trong cả hai phiên bản thứ hai và thứ ba có một số tra cứu kép, số tra cứu phiên bản ba in đậm, và số tra cứu phiên bản hai được cho trong hoặc đơn không in đậm.

Đồng nghĩa

Chấp nhận có nhiều tên gọi thuật ngữ cho cùng một khái niệm. Nếu có nhiều thuật ngữ được cho, thuật ngữ thứ nhất là ưu tiên, và được sử dụng ở mọi nơi khi có thể.

Chữ đậm

Thuật ngữ dùng cho khái niệm được định nghĩa in chữ đậm. Trong phần lời của một đoạn xác định, thuật ngữ của các khái niệm đã được định nghĩa ở chỗ khác trong VIM cũng được in bằng chữ đậm lần đầu nó xuất hiện.

Dấu hiệu trích dẫn

Trong phần lời của tiêu chuẩn này, dấu hiệu trích dẫn đơn (‘…’) bao quanh thuật ngữ thể hiện một khái niệm trừ khi nó là chữ đậm. Dấu hiệu trích dẫn kép (“…”) chỉ dùng khi thuật ngữ được xem xét hoặc cho một trích dẫn.

Ký hiệu thập phân

Ký hiệu thập phân trong Tiếng Anh là dấu chấm trên cùng dòng và trong tiếng Việt là dấu phẩy trên cùng dòng.

Ký hiệu tương đương về định nghĩa

Ký hiệu := có nghĩa là “theo định nghĩa bằng” như cho trong bộ tiêu chuẩn TCVN 7870.

Khoảng

Thuật ngữ “khoảng” được dùng với kí hiệu [a;b] có nghĩa là tập hợp các số thực x mà với nó a ≤ x ≤ b, ở đây a và b > a là các số thực. Thuật ngữ “khoảng” ở đây dùng cho “khoảng đóng”. Ký hiệu a và b có nghĩa là “điểm cuối” của khoảng [a;b].

Ví dụ [-4;2]

Hai điểm 2 và -4 của khoảng [-4;2] có thể trình bày là -1 ± 3. Sự diễn tả sau không có nghĩa là khoảng [-4;2]; Tuy nhiên, -1 ± 3 thường được dùng để chỉ khoảng [-4;2].

Phạm vi của khoảng

Phạm vi

Phạm vi của khoảng [a;b] là hiệu b – a và được diễn tả bằng r[a;b].

Ví dụ: r[-4;2] = 2 – (-4) = 6

CHÚ THÍCH: Thuật ngữ “quãng” đôi khi được dùng cho khái niệm này.

 

TỪ VỰNG QUỐC TẾ VỀ ĐO LƯỜNG HỌC – KHÁI NIỆM, THUẬT NGỮ CHUNG VÀ CƠ BẢN (VIM)

International vocabulary of metrology – basic and general concepts and associated terms (vim)

Phạm vi áp dụng

Trong tiêu chuẩn này, tập hợp các định nghĩa và thuật ngữ kèm theo của hệ thống các khái niệm chung và cơ bản dùng trong đo lường học được cho bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cùng với sơ đồ khái niệm để thể hiện mối liên quan của chúng. Thông tin bổ sung được cho trong các ví dụ và chú thích của nhiều định nghĩa.

Tiêu chuẩn này có ý nghĩa tham chiếu chung cho các nhà khoa học và kỹ thuật – bao gồm các nhà vật lý, hóa học, y học – cũng như người giảng dạy và thực hành liên quan đến việc hoạch định hoặc thực hiện các phép đo, với mọi mức độ của độ không đảm bảo đo và trong bất kỳ lĩnh vực áp dụng này. Tiêu chuẩn này cũng có ý nghĩa tham chiếu cho các cơ quan chính phủ và liên chính phủ, các hiệp hội thương mại, tổ chức công nhận, các nhà quản lý và các hội nghề nghiệp.

Các khái niệm được sử dụng trong những cách tiếp cận khác nhau để mô tả phép đo cùng được giới thiệu. Các tổ chức thành viên của JCGM có thể chọn khái niệm và định nghĩa theo các thuật ngữ tương ứng. Tuy nhiên, mục đích của tiêu chuẩn này là thúc đẩy sự hài hòa toàn cầu về thuật ngữ sử dụng trong đo lường học.

1. Đại lượng và đơn vị

1.1. (1.1)

Đại lượng

Tính chất của một hiện tượng, vật thể hoặc chất mà độ lớn có thể được biểu thị bằng một số và một mốc quy chiếu.

CHÚ THÍCH 1: Khái niệm “đại lượng” nói chung có thể phân ra theo một số mức độ của các khái niệm cụ thể như trình bày trong bảng sau. Phía bên trái của bảng trình bày các khái niệm cụ thể của ‘đại lượng’. Đây là các khái niệm chung cho những đại lượng riêng biệt ở cột bên phải.

Độ dài, l Bán kính, r Bán kính của vòng trong A, rA hoặc r(A)
Bước sóng, λ Bước sóng của bức xạ natri D, λD hoặc λ(D;Na)
Năng lượng, E Động năng, T Động năng của hạt i trong một hệ đã cho, Ti
Nhiệt năng, Q Nhiệt lượng của một mẫu hơi nước i, Qi
Điện tích, Q Điện tích của proton, e
Điện trở, R Điện trở của một điện trở i trong một mạch đã cho, Ri
Nồng độ lượng chất của thực thể B, cB Nồng độ lượng chất của ethanol trong mẫu rượu i, ci(C2H5OH)
Nồng độ số lượng của thực thể B, CB Nồng độ số lượng của erythrocyte trong mẫu máu i, C(Erc; Sgi)
Độ cứng Rockwell C (tải 150 kg), HRC (150 kg) Độ cứng Rockwell C của mẫu thép i, HRCi (150 kg)

CHÚ THÍCH 2: Mốc quy chiếu có thể là đơn vị đo, thủ tục đo, mẫu chuẩn hoặc một kết hợp của chúng.

CHÚ THÍCH 3: Ký hiệu của đại lượng cho trong bộ tiêu chuẩn TCVN 7870 Đại lượng và đơn vị. Ký hiệu của các đại lượng được viết kiểu chữ nghiêng. Một ký hiệu đã cho có thể chỉ các đại lượng khác nhau.

CHÚ THÍCH 4: Cách thức ưu tiên của IUPAC – IFCC đưa ra để ấn định các đại lượng trong phòng thí nghiệm y học là “Hệ thống – Thành phần; loại đại lượng”.

VÍ DỤ: “Huyết tương (Máu) – Ion natri; nồng độ lượng chất bằng 143 mmol/l trong người ở một thời điểm xác định”.

CHÚ THÍCH 5: Đại lượng như được định nghĩa ở đây là vô hướng. Tuy nhiên vectơ hoặc tenxơ cũng được xem là đại lượng nếu các thành phần của nó là đại lượng.

CHÚ THÍCH 6: Khái niệm ‘đại lượng’ nói chung có thể phân ra thành, ví dụ ‘đại lượng vật lý’, ‘đại lượng hóa học’ và ‘đại lượng sinh học’ hoặc đại lượng cơ bản  đại lượng dẫn xuất.

1.2. (1.1, Chú thích 2)

Loại đại lượng

Loại

Mặt chung của các đại lượng có thể so sánh với nhau.

CHÚ THÍCH 1: Sự phân chia khái niệm ‘đại lượng’ theo ‘loại đại lượng’ ở một mức độ nào đó có tính chất tùy ý.

VÍ DỤ 1: Các đại lượng đường kính, chu vi và bước sóng, nói chung đều được xem là đại lượng cùng loại, cụ thể là thuộc loại đại lượng độ dài.

VÍ DỤ 2: Các đại lượng nhiệt lượng, động năng và thế năng, nói chung đều được xem là đại lượng cùng loại, cụ thể là thuộc loại đại lượng năng lượng.

CHÚ THÍCH 2: Các đại lượng cùng loại trong một hệ đại lượng đã cho có cùng thứ nguyên. Tuy nhiên các đại lượng cùng thứ nguyên không nhất thiết là cùng loại.

VÍ DỤ: Đại lượng mômen lực và năng lượng theo quy ước không là đại lượng cùng loại, tuy vậy chúng lại có cùng thứ nguyên. Tương tự, nhiệt dung và entropy, số các thực thể, độ thấm tương đối, tỷ khối cũng có cùng thứ nguyên mặc dù không cùng loại.

1.3. (1.2)

Hệ đại lượng

Tập hợp các đại lượng cùng với một tập hợp các phương trình không mâu thuẫn nhau liên kết các đại lượng đó.

CHÚ THÍCH: Các đại lượng thứ tự, như độ cứng Rockwell C, thường không được xem là một bộ phận của hệ đại lượng vì chúng quan hệ với các đại lượng khác chỉ thông qua mối liên hệ thực nghiệm.

1.4. (1.3)

Đại lượng cơ bản

Đại lượng thuộc một tập hợp nhỏ được chọn theo quy ước của một đại lượng đã cho, trong đó đại lượng không thuộc tập hợp nhỏ có thể diễn đạt theo các đại lượng khác.

CHÚ THÍCH 1: Tập hợp nhỏ nêu trong định nghĩa được gọi là “tập hợp các đại lượng cơ bản”.

VÍ DỤ Tập hợp các đại lượng cơ bản trong Hệ đại lượng quốc tế (ISQ) được cho ở 1.6.

CHÚ THÍCH 2: Các đại lượng cơ bản là độc lập với nhau vì một đại lượng cơ bản không thể được biểu diễn như là tích lũy thừa của các đại lượng cơ bản khác.

CHÚ THÍCH 3: ‘Số các thực thể’ có thể coi là đại lượng cơ bản trong bất cứ hệ đại lượng nào.

1.5. (1.4)

Đại lượng dẫn xuất

Đại lượng trong một hệ đại lượng được định nghĩa theo các đại lượng cơ bản của hệ đó.

VÍ DỤ: Trong hệ đại lượng có đại lượng cơ bản là độ dài và khối lượng, khối lượng riêng là đại lượng dẫn xuất được định nghĩa là tỷ số giữa khối lượng và thể tích (độ dài lũy thừa ba).

1.6.

Hệ đại lượng quốc tế

ISQ

Hệ đại lượng dựa trên bảy đại lượng cơ bản: độ dẫn, khối lượng, thời gian, cường độ dòng điện, nhiệt độ nhiệt động lực, lượng chất, và cường độ sáng.

CHÚ THÍCH 1: Hệ đại lượng này được công bố trong bộ tiêu chuẩn TCVN 7870 Đại lượng và đơn vị.

CHÚ THÍCH 2: Hệ đơn vị quốc tế (SI) (xem 1.16) dựa trên ISQ.

1.7. (1.5)

Thứ nguyên đại lượng

Thứ nguyên của đại lượng

Thứ nguyên

Biểu thị sự phụ thuộc của một đại lượng vào các đại lượng cơ bản của hệ đại lượng như là tích lũy thừa của các thừa số tương ứng với đại lượng cơ bản, bỏ qua mọi thừa số bằng số.

VÍ DỤ 1: Trong ISQ, thứ nguyên đại lượng của lực được biểu thị bằng dim F = LMT-2.

VÍ DỤ 2: Trong hệ đại lượng trên dim  là thứ nguyên đại lượng của nồng độ khối lượng của thành phần B và ML-3 cũng là đại lượng thứ nguyên đại lượng của khối lượng riêng, (khối lượng theo thể tích).

VÍ DỤ 3: Chu kỳ T của một con lắc có độ dài l ở một địa điểm có gia tốc rơi tự do g là

hoặc 

Trong đó 

Từ đó, dim 

CHÚ THÍCH 1: Lũy thừa của một thừa số là thừa số đó đã được nâng lên số mũ. Mỗi thừa số là một thứ nguyên của đại lượng cơ bản.

CHÚ THÍCH 2: Thể hiện ký hiệu quy ước thứ nguyên của đại lượng cơ bản là chữ in hoa thẳng đứng có chân. Thể hiện ký hiệu quy ước thứ nguyên của đại lượng dẫn xuất là tích lũy thừa thứ nguyên của các đại lượng cơ bản theo định nghĩa của đại lượng dẫn xuất. Thứ nguyên của đại lượng Q được biểu thị là dim Q.

CHÚ THÍCH 3: Khi suy ra thứ nguyên của đại lượng, không cần quan tâm đến đặc trưng vô hướng, vectơ hoặc tenxơ của nó.

CHÚ THÍCH 4: Trong một số đại lượng đã cho,

– các đại lượng cùng loại có, cùng thứ nguyên;

– các đại lượng có thứ nguyên khác nhau luôn luôn là các đại lượng khác loại, và

– các đại lượng cùng thứ nguyên không nhất thiết là cùng loại.

CHÚ THÍCH 5: Ký hiệu thể hiện thứ nguyên của các đại lượng cơ bản trong ISQ là:

Đại lượng cơ bản

Ký hiệu thứ nguyên

Độ dài

Khối lượng

Thời gian

Cường độ dòng điện

Nhiệt độ nhiệt động lực

Lượng chất

Cường độ sáng

L

M

T

I

N

J

Như vậy, thứ nguyên của đại lượng Q được biểu thị bằng dim , trong đó các số mũ, gọi là số mũ thứ nguyên, là âm, dương hoặc không.

1.8. (1.6)

Đại lượng thứ nguyên một

Đại lượng không thứ nguyên

Đại lượng mà tất cả số mũ của các thừa số tương ứng với đại lượng cơ bản trong thứ nguyên đại lượng của nó bằng không.

CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ “đại lượng không thứ nguyên” nói chung được dùng và nêu ở đây là do những nguyên nhân lịch sử. Xuất phát từ thực tế là sự thể hiện ký hiệu thứ nguyên của các đại lượng đó tất cả số mũ đều bằng không. Thuật ngữ “đại lượng thứ nguyên một” phản ánh quy ước trong đó thể hiện ký hiệu cho thứ nguyên của các đại lượng như vậy là ký hiệu 1 (xem TCVN 6398-0: 1992, 2.2.6).

CHÚ THÍCH 2: Đơn vị đo và giá trị của đại lượng có thứ nguyên một là các số, nhưng những đại lượng đó mang nhiều thông tin hơn là một con số.

CHÚ THÍCH 3: Một số đại lượng thứ nguyên một được định nghĩa là tỷ số của hai đại lượng cùng loại.

VÍ DỤ: Góc phẳng, góc khối, chiết suất, độ thấm tương đối, tỷ khối, hệ số ma sát, số Mach.

CHÚ THÍCH 4: Số các thực thể  là đại lượng thứ nguyên một.

VÍ DỤ: Số vòng của một cuộn dây, số phân tử trong một mẫu đã cho, sự suy biến các mức năng lượng của một hệ thống lượng tử.

1.9. (1.7)

Đơn vị đo

Đơn vị của phép đo

Đơn vị

Đại lượng thực vô hướng, được định nghĩa và thừa nhận theo quy ước mà mọi đại lượng cùng loại khác có thể được so sánh với nó để biểu diễn tỷ số của hai đại lượng bằng một số.

CHÚ THÍCH 1: Đơn vị đo được thể hiện bằng tên và ký hiệu được ấn định theo quy ước.

CHÚ THÍCH 2: Đơn vị đo của các đại lượng cùng thứ nguyên có thể được thể hiện bằng tên và ký hiệu như nhau cả khi các đại lượng đó không cùng loại. Ví dụ, jun trên kenvin, J/K, là tên và ký hiệu của đơn vị đo nhiệt dung và đơn vị đo entropy là hai đại lượng không được xem là cùng loại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tên riêng của đơn vị đo được giới hạn chỉ để sử dụng với các đại lượng của một loại xác định. Ví dụ, đơn vị đo ‘giây mũ trừ một’ (1/s) được gọi là héc (Hz) khi sử dụng cho tần số và Becquerel (Bq) khi sử dụng cho hoạt độ phóng xạ.

CHÚ THÍCH 3: Đơn vị đo của đại lượng thứ nguyên một là các số. Trong một số trường hợp các số này có tên riêng,  ví dụ radian, steradian và deciben, hoặc được diễn tả bằng các tỷ số như milimol trên mol bằng 10-3 và microgam trên kilogram bằng 10-9.

CHÚ THÍCH 4: Đối với một đại lượng đã cho, thuật ngữ “đơn vị” thường được kết hợp với tên đại lượng, ví dụ “đơn vị khối lượng” hoặc “đơn vị của khối lượng”.

1.10. (1.13)

Đơn vị cơ bản

Đơn vị đo được ấn định bằng quy ước cho đại lượng cơ bản.

CHÚ THÍCH 1: Trong hệ đơn vị nhất quán mỗi đại lượng cơ bản chỉ có một đơn vị cơ bản.

VÍ DỤ: Trong SI, mét là đơn vị cơ bản của độ dài. Trong hệ CGS, centimét là đơn vị cơ bản của độ dài.

CHÚ THÍCH 2: Đơn vị cơ bản cũng có thể dùng cho đại lượng dẫn xuất có cùng thứ nguyên.

VÍ DỤ: Lượng mưa, khi được định nghĩa là thể tích diện tích (thể tích trên diện tích), có mét là đơn vị dẫn xuất nhất quán trong SI.

CHÚ THÍCH 3: Đối với số các thực thể thì số một, ký hiệu là 1, có thể xem là đơn vị cơ bản trong bất cứ hệ đơn vị nào.

1.11. (1.14)

Đơn vị dẫn xuất

Đơn vị đo của đại lượng dẫn xuất.

VÍ DỤ: Mét trên giây, ký hiệu m/s, và centimét trên giây, ký hiệu là cm/s, là các đơn vị dẫn xuất của vận tốc trong SI. Kilômét trên giờ, ký hiệu là km/h, là đơn vị đo vận tốc ngoài SI nhưng được chấp nhận dùng với SI. Knot, bằng một hải lý trên giờ, là đơn vị đo vận tốc ngoài SI.

1.12. (1.10)

Đơn vị dẫn xuất nhất quán

Đơn vị dẫn xuất, đối với một một hệ đại lượng đã cho và một tập hợp các đơn vị cơ bản đã chọn, chính là tích lũy thừa các đơn vị cơ bản với hệ số tỷ lệ bằng một.

CHÚ THÍCH 1. Lũy thừa của đơn vị cơ bản là đơn vị cơ bản được nâng lên số mũ.

CHÚ THÍCH 2: Tính nhất quán có thể được xác định chỉ với một hệ đại lượng cụ thể và một tập hợp các đơn vị cơ bản đã cho.

VÍ DỤ: Nếu mét, giây và mol là đơn vị cơ bản, thì mét trên giây là đơn vị dẫn xuất nhất quán của vận tốc khi vận tốc được định nghĩa bằng phương trình đại lượng v = dr/dt và mol trên mét khối là đơn vị dẫn xuất nhất quán của nồng độ lượng chất khi nồng độ lượng chất được định nghĩa bằng phương trình đại lượng c = n/V. Kilômet trên giờ và knot là ví dụ về đơn vị dẫn xuất nhất quán trong hệ đại lượng đó.

CHÚ THÍCH 3: Đơn vị dẫn xuất có thể là nhất quán với hệ đại lượng này nhưng không là nhất quán với hệ khác.

VÍ DỤ: Centimét trên giây là đơn vị dẫn xuất nhất quán của vận tốc trong hệ đơn vị CGS nhưng không là đơn vị dẫn xuất nhất quán trong SI.

CHÚ THÍCH 4: Đơn vị dẫn xuất nhất quán của mọi đại lượng dẫn xuất thứ nguyên một trong một hệ đơn vị đã cho là số một, ký hiệu là 1. Tên và ký hiệu của đơn vị đo một thường không được chỉ ra.

1.13. (1.9)

Hệ đơn vị

Tập hợp các đơn vị cơ bản và đơn vị dẫn xuất, cùng với các ước, bội của chúng, được định nghĩa theo những quy tắc cho trước, của một hệ đại lượng đã cho.

1.14. (1.11)

Hệ đơn vị nhất quán

Hệ đơn vị, dựa trên một hệ đại lượng đã cho, trong đó đơn vị đo của đại lượng dẫn xuất đều là đơn vị dẫn xuất nhất quán.

VÍ DỤ: Tập hợp các đơn vị SI nhất quán và các mối liên hệ giữa chúng.

CHÚ THÍCH 1: Một hệ đơn vị có thể chỉ nhất quán với một hệ đại lượng và các đơn vị cơ bản đã ấn định.

CHÚ THÍCH 2: Đối với một hệ đơn vị nhất quán, các phương trình trị số có cùng dạng, bao gồm các thừa số bằng số, như các phương trình đại lượng tương ứng.

1.15. (1.15)

Đơn vị đo ngoài hệ

Đơn vị ngoài hệ

Đơn vị đo không thuộc một hệ đơn vị đã cho.

VÍ DỤ 1: Electronvon (khoảng 1,602 18 x 10-19 J) là đơn vị đo năng lượng ngoài SI.

VÍ DỤ 2: Ngày, giờ, phút là các đơn vị đo thời gian ngoài SI.

1.16. (1.12)

Hệ đơn vị quốc tế

SI

Hệ đơn vị, dựa trên cơ sở Hệ đại lượng quốc tế, tên và ký hiệu của chúng, bao gồm tập hợp các tiền tố, tên và ký hiệu của tiền tố, cùng với các nguyên tắc sử dụng, do Hội nghị cân đo toàn thể (CGPM) ấn định.

CHÚ THÍCH 1: SI được xây dựng từ 7 đại lượng cơ bản của ISQ, tên và ký hiệu các đơn vị cơ bản tương ứng được cho trong bảng dưới đây.

Đại lượng cơ bản

Đơn vị cơ bản

Tên

Tên

Ký hiệu

Độ dài mét

m

Khối lượng kilôgam

kg

Thời gian giây

s

Cường độ dòng điện ampe

A

Nhiệt độ nhiệt động lực kenvin

K

Lượng chất mol

mol

Cường độ sáng candela

cd

CHÚ THÍCH 2: Các đơn vị cơ bản và đơn vị dẫn xuất nhất quán của SI tạo thành một tập hợp nhất quán, chính là “tập hợp các đơn vị SI nhất quán”.

CHÚ THÍCH 3: Về sự mô tả và giải thích đầy đủ Hệ đơn vị quốc tế, xem các ấn phẩm mới nhất về SI do Viện cân đo quốc tế (BIPM) xuất bản hoặc trên các trang web của BIPM.

CHÚ THÍCH 4: Trong các phép thử đại lượng, đại lượng “số thực thể” thường được xem là đại lượng cơ bản với đơn vị cơ bản là một, ký hiệu là 1.

CHÚ THÍCH 5: Tiền tố SI cho các đơn vị bội  đơn vị ước là:

Hệ số

Tiền tố

Tên

Ký hiệu

1024 yotta Y
1021 zetta Z
1018 exa E
1015 peta P
1012 tera T
109 giga G
106 mega M
103 kilo k
102 hecto h
101 deca da
10-1 deci d
10-2 centi c
10-3 milli m
10-6 micro μ
10-9 nano n
10-12 pico p
10-15 femto f
10-18 atto a
10-21 zepto z
10-24 yocto y

1.17. (1.16)

Đơn vị bội

Đơn vị đo nhận được bằng cách chia một đơn vị đã cho với số nguyên lớn hơn một.

VÍ DỤ 1: Kilômét là đơn vị bội thập phân của mét.

VÍ DỤ 2: Giờ là đơn vị bội không thập phân của giây.

CHÚ THÍCH 1: Tiền tố SI cho các bội thập phân của các đơn vị cơ bản và đơn vị dẫn xuất SI cho ở chú thích 5 của 1.16.

CHÚ THÍCH 2: Tiền tố SI chỉ dùng để nâng lên lũy thừa 10 và không được sử dụng cho lũy thừa của 2. Ví dụ 1 kilobit không được dùng để thể hiện 1 024 bit (210 bit), đó là 1 kibibit.

Tiền tố của bội cơ số hai là:

Hệ số

Tiền tố

Tên

Ký hiệu

(210)8

yobi

Yi

(210)7

zebi

Zi

(210)6

exbi

Ei

(210)5

pepi

Pi

(210)4

tebi

Ti

(210)3

gibi

Gi

(210)2

mebi

Mi

(210)1

kibi

Ki

1.18. (1.17)

Đơn vị ước

Đơn vị đo nhận được bằng cách chia một đơn vị đã cho với số nguyên lớn hơn một.

VÍ DỤ 1: Militmét là đơn vị ước thập phân của mét.

VÍ DỤ 2: Với góc phẳng, giây là đơn vị ước không thập phân của phút.

CHÚ THÍCH: Tiền tố SI cho các ước thập phân của các đơn vị cơ bản và đơn vị dẫn xuất SI cho ở chú thích 5 của 1.16.

1.19. (1.18)

Giá trị đại lượng

Giá trị của đại lượng

Giá trị

Số cùng với mốc quy chiếu thể hiện độ lớn của đại lượng.

VÍ DỤ 1: Độ dài của một cái gậy;

5,34 m hoặc 534 cm

VÍ DỤ 2: Khối lượng của một vật:

0,152 kg hoặc 152 g

VÍ DỤ 3: Độ cong của một cung đã cho:

112m-1

VÍ DỤ 4: Nhiệt độ Celsius của một mẫu:

-5 oC

VÍ DỤ 5: Trở kháng điện của một phần tử mạch ở tần số nhất định, trong đó j là đơn vị ảo:

(7+3j) Ω

VÍ DỤ 6: Chiết suất của một mẫu thủy tinh:

1,32

VÍ DỤ 7: Độ cứng Rockwell C của một mẫu đã cho

(tải 150 kg):

43,5 HRC (150 kg)

VÍ DỤ 8: Tỷ khối của cadimi trong một mẫu đồng đỏ:

3 μg/kg hoặc 3 x 10-9

VÍ DỤ 9: Hàm lượng lượng chất của Pb2+ trong một mẫu nước đã cho:

1,76 μmol/kg

VÍ DỤ 10: Nồng độ lượng chất tùy ý của lutropin trong một mẫu huyết tương đã cho (Tiêu chuẩn quốc tế WHO 80/552):

5,0 Đơn vị quốc tế/l.

CHÚ THÍCH 1: Tùy theo loại quy chiếu, giá trị của đại lượng có thể là:

– tích của một số và đơn vị đo (xem Ví dụ 1, 2, 3, 4, 5, 8, và 9); nói chung đơn vị đo một không chỉ ra cho các đại lượng thứ nguyên một (xem Ví dụ 6 và 8), hoặc

– số và quy chiếu về một thủ tục đo (xem Ví dụ 7),

–  một số và một mẫu chuẩn (xem Ví dụ 10).

CHÚ THÍCH 2: Số có thể là phức (xem Ví dụ 5).

CHÚ THÍCH 3: Giá trị đại lượng có thể được diễn tả theo nhiều cách (xem Ví dụ 1, 2 và 8).

CHÚ THÍCH 4: Trong trường hợp đại lượng vectơ hoặc xentơ, mỗi thành phần có một giá trị.

VÍ DỤ: Lực đang tác động lên một hạt đã cho, ví dụ theo các thành phần của hệ tọa độ đêcac (Fx;Fy;Fz­) = (-31,5; 43,2; 17,0) N.

1.20. (1.21)

Trị số đại lượng

Trị số của đại lượng

Trị số

Số trong biểu thức giá trị đại lượng, khác với số sử dụng làm mốc quy chiếu.

CHÚ THÍCH 1: Đối với các đại lượng thứ nguyên một, mốc quy chiếu là một đơn vị đo, đó là một số và số này không được xem là một phần của trị số đại lượng.

VÍ DỤ: Trong một phần lượng chất bằng 3 mmol/mol, trị số đại lượng là 3 và đơn vị là mmol/mol. Đơn vị mmol/mol về mặt số bằng 0,001 nhưng số 0,001 này không là một phần của trị số đại lượng, trị số này là 3.

CHÚ THÍCH 2: Đối với các đại lượng có đơn vị đo (nghĩa là khác với đại lượng thứ tự), trị số {Q} của đại lượng Q thường được biểu diễn là {Q} = Q/[Q], trong đó [Q] biểu thị đơn vị đo.

VÍ DỤ: Đối với giá trị đại lượng 5,7 kg, trị số đại lượng là {m} = (5,7 kg)/kg = 5,7. Giá trị đại lượng này có thể diễn đạt là 5 700 g, trong trường hợp này trị số đại lượng {m} = (5 700g)/g = 5 700.

1.21.

Phép tính đại lượng

Tập hợp các quy tắc và phép toán áp dụng cho đại lượng khác với đại lượng thứ tự.

CHÚ THÍCH: Trong phép tính đại lượng, các phương trình đại lượng được ưu tiên hơn các phương trình trị số vì phương trình đại lượng độc lập với việc chọn đơn vị đo, trong khi các phương trình trị số thì không (xem TCVN 6398-0:1998, 2.2.2).

1.22.

Phương trình đại lượng

Hệ thức toán học giữa các đại lượng trong một hệ đại lượng đã cho, độc lập với đơn vị đo.

VÍ DỤ 1:  trong đó Q1, Q2 và Q3 biểu thị các đại lượng khác nhau còn  là thừa số bằng số.

VÍ DỤ 2: , trong đó T là động năng, v là tốc độ của một hạt xác định có khối lượng m.

VÍ DỤ 3: , trong đó n là lượng chất của thành phần có hóa trị một, I là dòng diện và t là khoảng thời gian điện phân, còn F là hằng số Faraday.

1.23.

Phương trình đơn vị

Mối tương quan về mặt toán học giữa các đơn vị cơ bảnđơn vị dẫn xuất nhất quán hoặc các đơn vị đo khác.

VÍ DỤ 1: Với các đại lượng trong Ví dụ 1 của 1.22, [Q1] = [Q2][Q3] trong đó [Q1], [Q2] và [Q3] biểu thị đơn vị đo tương ứng của Q1, Q2 và Q3, với điều kiện các đơn vị này nằm trong hệ đơn vị nhất quán.

VÍ DỤ 2: J := kg m2/s2, trong đó J, kg, m và s là ký hiệu tương ứng của jun, kilôgam, mét và giây. (Ký hiệu := biểu thị “theo định nghĩa bằng” như cho trong bộ tiêu chuẩn TCVN 7870).

VÍ DỤ 3: 1 km/h = (1/3,6) m/s.

1.24.

Hệ số chuyển đổi đơn vị

Tỷ số giữa hai đơn vị đo của đại lượng cùng loại.

VÍ DỤ: km/m = 1 000 và như vậy 1 km = 1 000 m.

CHÚ THÍCH: Đơn vị có thể thuộc các hệ đơn vị khác nhau.

VÍ DỤ 1: h/s = 3 600 và như vậy 1 h = 3 600 s.

VÍ DỤ 2: (km/h)/(m/s) = (1/3,6) và như vậy 1 km/h = (1/3,6) m/s.

1.25.

Phương trình trị số

Phương trình trị số đại lượng

Mối tương quan về mặt toán học giữa các trị số đại lượng, dựa trên cơ sở phương trình đại lượng đã cho và các đơn vị đo cụ thể.

VÍ DỤ 1: Với các đại lượng ở ví dụ 1 của 1.22, {Q1} = {Q2}{Q3} trong đó {Q1}, {Q2} và {Q3} biểu thị trị số của Q1, Q2 và Q3 trong điều kiện chúng được diễn tả theo đơn vị cơ bản hoặc đơn vị dẫn xuất nhất quán, hoặc cả hai.

VÍ DỤ 2: Trong phương trình đại lượng cho động năng của một hạt, , nếu m = 2 kg và v = 3 m/s thì {T} = (1/2) x 2 x 32 là phương trình trị số cho trị số 9 của T theo jun.

1.26.

Đại lượng thứ tự

Đại lượng được định nghĩa bằng một thủ tục đo quy ước, có mối liên hệ thứ tự tổng quát theo độ lớn với các đại lượng khác cùng loại được định nghĩa, nhưng giữa các đại lượng đó không có các phép toán đại số.

VÍ DỤ 1: Độ cứng Rockwell C.

VÍ DỤ 2: Số ôctan của xăng dầu.

VÍ DỤ 3: Cường độ động đất theo thang Richter.

VÍ DỤ 4: Mức đau bụng chủ quan trên thang từ không đến năm.

CHÚ THÍCH 1: Đại lượng thứ tự chỉ có các mối liên hệ thực nghiệm và không có đơn vị đo cũng không có thứ nguyên đại lượng. Hiệu và tỷ số của đại lượng thứ tự không có ý nghĩa vật lý.

CHÚ THÍCH 2: Các đại lượng thứ tự được sắp xếp theo các thang giá trị – đại lượng thứ tự (xem 1.28).

1.27.

Thang giá trị – đại lượng

Thang đo

Tập hợp theo thứ tự các giá trị đại lượng của một loại đại lượng đã cho dùng để sắp xếp theo độ lớn của chúng.

VÍ DỤ 1: Thang nhiệt độ Celsius.

VÍ DỤ 2: Thang thời gian.

VÍ DỤ 3: Thang độ cứng Rockwell C.

1.28. (1.22)

Thang giá trị – đại lượng thứ tự

Thang giá trị thứ tự

Thang giá trị – đại lượng của các đại lượng thứ tự.

VÍ DỤ 1: Thang độ cứng Rockwell C;

VÍ DỤ 2: Thang số ôctan của xăng dầu.

CHÚ THÍCH: Thang giá trị – đại lượng thứ tự có thể được thiết lập bằng các phép đo theo một thủ tục đo.

1.29.

Thang quy chiếu quy ước

Thang giá trị – đại lượng được định nghĩa theo hình thức thỏa thuận.

1.30.

Tính chất danh nghĩa

Tính chất của một hiện tượng, vật thể, hoặc chất, không có độ lớn.

VÍ DỤ 1: Giới tính của người.

VÍ DỤ 2: Màu sắc của một mẫu sơn.

VÍ DỤ 3: Màu sắc của thử nghiệm vết trong hóa học.

VÍ DỤ 4: Mã quốc gia hai chữ cái của ISO.

VÍ DỤ 5: Dãy acid amin trong polypeptid.

CHÚ THÍCH 1: Tính chất danh nghĩa có giá trị, nó có thể được diễn tả bằng từ ngữ, bằng mã số và chữ, hoặc bằng các cách khác.

CHÚ THÍCH 2: Không được nhầm ‘giá trị tính chất danh nghĩa’ với giá trị đại lượng danh nghĩa.

2. Phép do

2.1. (2.1)

Phép đo

Quá trình thực nghiệm để thu được một hay một số giá trị đại lượng có thể quy cho đại lượng một cách hợp lý.

CHÚ THÍCH 1: Phép đo không áp dụng cho các tính chất danh nghĩa.

CHÚ THÍCH 2: Phép đo bao hàm việc so sánh các đại lượng và việc đếm các thực thể.

CHÚ THÍCH 3: Phép đo bao hàm sự mô tả đại lượng tương ứng với việc sử dụng dự kiến của kết quả đo, thủ tục đo, và hệ thống đo đã được hiệu chuẩn vận hành theo thủ tục đo quy định, bao gồm các điều kiện đo.

2.2. (2.2)

Đo lường học

Khoa học về phép đo và việc ứng dụng chúng.

CHÚ THÍCH: Đo lường học bao gồm mọi khía cạnh về lý thuyết và thực tế của phép đo với mọi độ không đảm bảo đo và lĩnh vực áp dụng.

2.3. (2.6)

Đại lượng đo

Đại lượng dự kiến đo.

CHÚ THÍCH 1: Quy định về đại lượng đo đòi hỏi sự hiểu biết về loại đại lượng, sự mô tả về trạng thái của hiện tượng, vật thể, hoặc chất mang đại lượng, bao gồm mọi thành phần liên quan và các thực thể hóa học kèm theo.

CHÚ THÍCH 2: Trong phiên bản VIM 1999 và trong IEC 60050-300:2001, đại lượng đo được định nghĩa là “đại lượng được đo”.

CHÚ THÍCH 3: Phép đo, bao gồm hệ thống đo và điều kiện trong đó phép đo được tiến hành, có thể làm thay đổi hiện tượng, vật thể hoặc chất cần nghiên cứu đến mức đại lượng đang được đo khác với đại lượng đo như định nghĩa. Trong trường hợp này cần có sự hiệu chính thích hợp.

VÍ DỤ 1: Hiệu điện thế giữa các cực của acquy có thể giảm đi khi sử dụng một vôn kế có độ dẫn điện nội đáng kể để thực hiện phép đo. Hiệu điện thế mạch hở có thể tính được từ điện trở trong của acquy và vôn kế.

VÍ DỤ 2: Độ dài của một thanh kim loại trong trạng thái cân bằng với nhiệt độ môi trường là 23 oC sẽ khác với độ dài ở nhiệt độ quy định là 20 oC, đó là đại lượng đo. Trong trường hợp này, sự hiệu chính là cần thiết.

CHÚ THÍCH 4: Trong hóa học, “analyte” hoặc tên của chất hoặc hợp chất là những thuật ngữ đôi khi được dùng cho “đại lượng đo”. Việc sử dụng này là không đúng vì các thuật ngữ này không liên quan đến đại lượng.

2.4. (2.3)

Nguyên lý đo

Nguyên lý của phép đo

Hiện tượng là cơ sở của phép đo.

VÍ DỤ 1: Hiệu ứng nhiệt điện được áp dụng đo nhiệt độ.

VÍ DỤ 2: Sự hấp thụ năng lượng được áp dụng đo nồng độ lượng chất.

VÍ DỤ 3: Sự giảm nồng độ đường trong máu thỏ nhịn ăn được áp dụng đo nồng độ insulin trong chất pha chế thuốc.

CHÚ THÍCH: Hiện tượng về bản chất có thể là vật lý, hóa học hoặc sinh học.

2.5. (2.4)

Phương pháp đo

Phương pháp của phép đo

Sự mô tả tổng quát việc tổ chức hợp lý các thao tác thực hiện trong phép đo.

CHÚ THÍCH: Có thể phân loại phương pháp đo theo những cách khác nhau như:

– phương pháp đo thế,

– phương pháp đo vi sai, và

– phương pháp đo chỉ không;

hoặc

– phương pháp đo trực tiếp, và

– phương pháp đo gián tiếp.

Xem IEC 60050-300:2001.

2.6.

Thủ tục đo

Sự mô tả chi tiết phép đo theo một hoặc một số nguyên lý đo và theo phương pháp đo đã cho, trên cơ sở một mô hình đo và bao gồm mọi tính toán để nhận được kết quả đo.

CHÚ THÍCH 1: Thủ tục đo thường được lập thành tài liệu đủ chi tiết cho phép người vận hành thực hiện phép đo.

CHÚ THÍCH 2: Thủ tục đo có thể bao gồm tuyên bố về độ không đảm bảo đo mục tiêu.

CHÚ THÍCH 3: Đôi khi thủ tục đo được gọi là thủ tục vận hành theo tiêu chuẩn, viết tắt là SOP.

2.7.

Thủ tục đo quy chiếu

Thủ tục đo được chấp nhận để cung cấp các kết quả đo phù hợp với việc sử dụng dự kiến trong việc đánh giá độ đúng đo của các giá trị đại lượng đo được nhận được từ những thủ tục đo khác cho các đại lượng cùng loại, trong việc hiệu chuẩn hoặc trong việc xác định đặc trưng mẫu chuẩn.

2.8.

Thủ tục đo quy chiếu đầu

Thủ tục quy chiếu đầu

Thủ tục đo quy chiếu dùng để nhận được kết quả đo không liên quan đến chuẩn đo lường của đại lượng cùng loại.

VÍ DỤ: Dung tích nước lấy ra bằng pipet 50 ml ở 20 oC được đo bằng cách cân nước lấy ra từ pipet trong cốc thí nghiệm, lấy khối lượng cốc thí nghiệm có nước trừ đi khối lượng cốc rỗng ban đầu, và hiệu chính sự chênh lệch về khối lượng cho nhiệt độ nước thực tế bằng cách sử dụng khối lượng thể tích (khối lượng riêng).

CHÚ THÍCH 1: Ban tư vấn về lượng chất – Đo lường học trong hóa học (CCQM) dùng thuật ngữ “phương pháp đo đầu” cho khái niệm này.

CHÚ THÍCH 2: Định nghĩa của hai khái niệm phụ, chúng có thể gọi là “thủ tục đo quy chiếu đầu trực tiếp” và “thủ tục đo quy chiếu đầu tỷ lệ”, được CCQM đưa ra ở Hội nghị lần thứ 5 năm 1999[43].

2.9. (3.1)

Kết quả đo

Kết quả của phép đo

Tập hợp các giá trị đại lượng được quy cho đại lượng đo cùng với mọi thông tin liên quan có thể có khác.

CHÚ THÍCH 1: Kết quả đo nói chung bao gồm “thông tin liên quan” về tập hợp các giá trị đại lượng có thể đại diện nhiều hơn cho đại lượng đo so với các giá trị khác. Điều này có thể được thể hiện ở dạng của hàm mật độ xác suất (PDF).

CHÚ THÍCH 2: Kết quả đo nói chung được thể hiện như một giá trị đại lượng đo được đơn và độ không đảm bảo đo. Nếu độ không đảm bảo đo được xem là không đáng kể đối với một mục đích nào đó thì kết quả đo có thể được thể hiện như là một giá trị đại lượng đo được đơn. Trong nhiều lĩnh vực, đây là cách trình bày kết quả đo phổ biến.

CHÚ THÍCH 3: Trong các tài liệu truyền thống và trong ấn phẩm trước của VIM, kết quả đo đã được định nghĩa là giá trị quy cho đại lượng đo và được giải thích là số chỉ, hoặc kết quả chưa hiệu chính, hoặc kết quả đã hiệu chính, tùy theo ngữ cảnh.

2.10.

Giá trị đại lượng đo được

Giá trị đo được của đại lượng

Giá trị đo được

Giá trị đại lượng đại diện cho kết quả đo.

CHÚ THÍCH 1: Đối với phép đo có các số chỉ lặp lại, mỗi chỉ số có thể được dùng để cung cấp một giá trị đại lượng đo được tương ứng. Tập hợp các giá trị đại lượng đo được riêng lẻ này có thể được dùng để tính giá trị đại lượng đo được dùng làm kết quả, đó là trung bình hoặc trung vị, thường có độ không đảm bảo đo kèm theo nhỏ hơn.

CHÚ THÍCH 2: Khi phạm vi các giá trị đại lượng thực được chấp nhận để đại diện cho đại lượng đo là nhỏ so với độ không đảm bảo đo, có thể xem giá trị đại lượng đo được là ước lượng của giá trị đại lượng thực chủ yếu duy nhất, và thường là trung bình hoặc trung vị của các giá trị đại lượng đo được riêng lẻ nhận được từ các phép đo lặp.

CHÚ THÍCH 3: Trường hợp phạm vi các giá trị đại lượng thực được chấp nhận để đại diện cho đại lượng đo là không nhỏ so với độ không đảm bảo đo, giá trị đo được thường là ước lượng của trung bình hoặc trung vị của tập hợp các giá trị đại lượng thực.

CHÚ THÍCH 4: Trong GUM, thuật ngữ “kết quả của phép đo” và “ước lượng giá trị của đại lượng đo” hoặc “ước lượng của đại lượng đo” được sử dụng cho “giá trị đại lượng đo được”.

2.11. (1.19)

Giá trị đại lượng thực

Giá trị thực của đại lượng

Giá trị thực

Giá trị đại lượng phù hợp với định nghĩa của đại lượng.

CHÚ THÍCH 1: Trong Cách tiếp cận sai số để mô tả phép đo, giá trị đại lượng thực được xem là duy nhất và trong thực tế là không biết được. Cách tiếp cận không đảm bảo thừa nhận rằng, do sự không đầy đủ vốn có của chi tiết trong định nghĩa đại lượng, không có một giá trị thực đơn mà đúng hơn là một tập hợp các giá trị đại lượng thực phù hợp với định nghĩa. Tuy nhiên, tập hợp các giá trị này, về nguyên tắc và trong thực tế, là không biết được. Các cách tiếp cận khác hoàn toàn không cần đến khái niệm giá trị đại lượng thực và dựa vào khái niệm tính tương hợp về đo lường của kết quả đo là để đánh giá sự hiệu lực của chúng.

CHÚ THÍCH 2: Trường hợp đặc biệt của hằng số cơ bản, đại lượng được xem là có một giá trị đại lượng thực đơn.

CHÚ THÍCH 3: Khi độ không đảm bảo định nghĩa gắn với đại lượng đo được xem là không đáng kể so với các thành phần khác của độ không đảm bảo đo, đại lượng đo có thể được xem là có một giá trị đại lượng thực “cơ bản duy nhất”. Đây là cách tiếp cận của GUM và các tài liệu kèm theo, trong đó từ “thực” được xem là không cần thiết.

2.12.

Giá trị đại lượng quy ước

Giá trị quy ước của đại lượng

Giá trị quy ước

Giá trị đại lượng quy cho đại lượng bằng sự thỏa thuận đối với một mục đích đã cho.

VÍ DỤ 1: Gia tốc rơi tự do chuẩn (trước đây gọi là “gia tốc trọng trường chuẩn”), gn = 9,806 65 m.s-2.

VÍ DỤ 2: Giá trị đại lượng quy ước của hằng số Josephson, K­J-90 = 483 597,9 GHz.V-1.

VÍ DỤ 3: Giá trị đại lượng quy ước của một chuẩn khối lượng đã cho, m = 100,003 47 g.

CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ “giá trị đại lượng thực quy ước” đôi khi được sử dụng cho khái niệm này, nhưng không khuyến khích sử dụng.

CHÚ THÍCH 2: Đôi khi giá trị đại lượng quy ước là một ước lượng của giá trị đại lượng thực.

CHÚ THÍCH 3: Giá trị đại lượng quy ước nói chung được chấp nhận khi gắn bó với một độ không đảm bảo đo nhỏ phù hợp, có thể là số không.

2.13. (3.5)

Độ chính xác đo

Độ chính xác của phép đo

Độ chính xác

Mức độ gần nhau giữa giá trị đại lượng đo được và giá trị đại lượng thực của đại lượng đo.

CHÚ THÍCH 1: Khái niệm “độ không chính xác đo” không phải là đại lượng và không cho biết trị số đại lượng. Phép đo được xem là không chính xác hơn khi có sai số đo nhỏ hơn.

CHÚ THÍCH 2: Thuật ngữ “độ chính xác đo” không được sử dụng cho độ đúng đo và thuật ngữ độ chụm đo không được sử dụng đo “độ chính xác đo”, tuy nhiên, nó có liên quan với cả hai khái niệm này.

CHÚ THÍCH 3: ‘Độ chính xác đo’ đôi khi được hiểu là mức độ gần nhau giữa các giá trị đại lượng đo được đang quy cho đại lượng đo.

2.14.

Độ đúng đo

Độ đúng của phép đo

Độ đúng

Mức độ gần nhau giữa trung bình của một số vô hạn các giá trị đại lượng đo được lặp lại và giá trị đại lượng quy chiếu.

CHÚ THÍCH 1: Độ đúng đo không phải là đại lượng và do đó không thể thể hiện bằng số, nhưng thước đo mức độ gần nhau được cho trong TCVN 6910.

CHÚ THÍCH 2: Độ đúng đo tỉ lệ nghịch với sai số đo hệ thống, nhưng không liên quan với sai số đo ngẫu nhiên.

CHÚ THÍCH 3: Không được sử dụng độ chính xác đo cho “độ đúng đo” và ngược lại.

2.15.

Độ chụm đo

Độ chụm

Mức độ gần nhau giữa các số chỉ hoặc các giá trị đại lượng đo được nhận được bởi phép đo lặp trên các đại lượng như nhau hoặc tương tự nhau trong điều kiện quy định.

CHÚ THÍCH 1: Độ chụm đo thường được thể hiện về mặt số lượng bằng thước đo sự phân tán, như độ lệch chuẩn, phương sai hoặc hệ số biến thiên trong điều kiện đo quy định.

CHÚ THÍCH 2: ‘Điều kiện quy định’ có thể là, ví dụ, điều kiện lặp lại của phép đo, điều kiện chụm trung gian của phép đo, hoặc điều kiện tái lập của phép đo (xem TCVN 6910-3:2001).

CHÚ THÍCH 3: Độ chụm đo được dùng để định nghĩa độ lặp lại đo, độ chụm đo trung gian và độ tái tập đo.

CHÚ THÍCH 4: Đôi khi “độ chụm đo” được dùng không đúng theo nghĩa độ chính xác đo.

2.16. (3.10)

Sai số đo

Sai số của phép đo

Sai số

Giá trị đại lượng đo được trừ đi giá trị đại lượng quy chiếu.

CHÚ THÍCH 1: Khái niệm ‘sai số đo’ có thể được sử dụng

a) Khi có một giá trị đại lượng quy chiếu đơn để tra cứu, giá trị này tìm thấy nếu việc hiệu chuẩn được thực hiện bằng cách sử dụng một chuẩn đo lường với giá trị đại lượng đo được có độ không đảm bảo đo không đáng kể hoặc nếu giá trị đại lượng quy ước được cho, trong trường hợp đó sai số đo là biết được, và

b) nếu đại lượng đo giả định là được đại diện bằng một giá trị đại lượng thực duy nhất hoặc một tập hợp các giá trị đại lượng thực có phạm vi không đáng kể, trong trường hợp đó sai số đo là không biết được.

CHÚ THÍCH 2: Không được lẫn lộn sai số đo với sai số chế tạo hoặc sự nhầm lỗi.

2.17. (3.14)

Sai số đo hệ thống

Sai số hệ thống của phép đo

Sai số hệ thống

Thành phần của sai số đo, không đổi hoặc thay đổi theo cách có thể dự đoán được trong phép đo lặp.

CHÚ THÍCH 1: Giá trị đại lượng quy chiếu đối với sai số đo hệ thống là giá trị đại lượng thực, hoặc giá trị đại lượng đo được của chuẩn đo lường có độ không đảm bảo đo không đáng kể, hoặc giá trị đại lượng quy ước.

CHÚ THÍCH 2: Sai số đo hệ thống, và nguyên nhân của nó, có thể được biết hoặc chưa biết. Sự hiệu chính có thể được áp dụng để bù cho sai số đo hệ thống đã biết.

CHÚ THÍCH 3: Sai số đo hệ thống bằng sai số đo trừ đi sai số đo ngẫu nhiên.

2.18.

Độ chệch đo

Độ chệch

Ước lượng của sai số đo hệ thống.

2.19. (3.13)

Sai số đo ngẫu nhiên

Sai số ngẫu nhiên của phép đo

Sai số ngẫu nhiên

Thành phần của sai số đo thay đổi theo cách không dự đoán được trong phép đo lặp.

CHÚ THÍCH 1: Giá trị đại lượng quy chiếu đối với sai số đo ngẫu nhiên là trung bình có được từ một số vô hạn các phép đo lặp của cùng một đại lượng đo.

CHÚ THÍCH 2: Sai số đo ngẫu nhiên của tập hợp các phép đo lặp lại tạo thành một phân bố có thể được tóm tắt bằng kỳ vọng, thường giả thiết là bằng không, và phương sai của nó.

CHÚ THÍCH 3: Sai số đo ngẫu nhiên bằng sai số đo trừ đi sai số đo hệ thống.

2.20. (3.6, Chú thích 1 và 2)

Điều kiện lặp lại của phép đo

Điều kiện lặp lại

Điều kiện của phép đo, thể hiện bằng một tập hợp các điều kiện bao gồm cùng thủ tục đo, cùng người thao tác, cùng hệ thống đo, cùng điều kiện vận hành và cùng địa điểm, và các phép đo lặp lại trên cùng đối tượng hoặc các đối tượng tương tự nhau trong khoảng thời gian ngắn.

CHÚ THÍCH 1: Điều kiện của phép đo là điều kiện lặp lại chỉ đối với một tập hợp đã quy định các điều kiện lặp lại.

CHÚ THÍCH 2: Trong hóa học, thuật ngữ “điều kiện chụm lớp trong của phép đo” đôi khi được sử dụng để chỉ khái niệm này.

2.21. (3.6)

Độ lặp lại đo

Độ lặp lại

Độ chụm đo trong tập hợp các điều kiện lặp lại của phép đo.

2.22.

Điều kiện chụm trung gian của phép đo

Điều kiện chụm trung gian

Điều kiện của phép đo, thể hiện bằng một tập hợp các điều kiện bao gồm cùng thủ tục đo, cùng địa điểm, và các phép đo lặp lại trên cùng đối tượng hoặc các đối tượng tương tự nhau trong khoảng thời gian dài, nhưng có thể bao gồm các điều kiện thay đổi khác.

CHÚ THÍCH 1: Các thay đổi có thể bao gồm việc hiệu chuẩn, thiết bị hiệu chuẩn, người thao tác, và hệ thống đo mới.

CHÚ THÍCH 2: Đối với thực tế, quy định về các điều kiện cần bao gồm các điều kiện được thay đổi và không được thay đổi.

CHÚ THÍCH 3: Trong hóa học, thuật ngữ “điều kiện chụm giữa các lớp của phép đo” đôi khi được sử dụng để chỉ khái niệm này.

2.23.

Độ chụm đo trung gian

Độ chụm trung gian

Độ chụm đo trong tập hợp các điều kiện chụm trung gian của phép đo.

CHÚ THÍCH: Các thuật ngữ thống kê liên quan được cho trong TCVN 6910-3:2001.

2.24. (3.7, Chú thích 2)

Điều kiện tái lập của phép đo

Điều kiện tái lập

Điều kiện của phép đo, thể hiện bằng một tập hợp các điều kiện bao gồm địa điểm, người thao tác, hệ thống đo khác nhau và phép đo lặp lại trên cùng đối tượng hoặc các đối tượng tương tự nhau.

CHÚ THÍCH 1: Các hệ thống đo khác nhau có thể sử dụng các thủ tục đo khác nhau.

CHÚ THÍCH 2: Đối với thực tế, quy định cần cho biết các điều kiện được thay đổi và không được thay đổi.

2.25. (3.7)

Độ tái lập đo

Độ tái lập

Độ chụm đo trong điều kiện tái lập của phép đo.

CHÚ THÍCH: Các thuật ngữ thống kê liên quan được cho trong TCVN 6910-1:2001 và TCVN 6910-2:2001.

2.26. (3.9)

Độ không đảm bảo đo

Độ không đảm bảo của phép đo

Độ không đảm bảo

Thông số không âm đặc trưng cho sự phân tán của các giá trị đại lượng được quy cho đại lượng đo, trên cơ sở thông tin đã sử dụng.

CHÚ THÍCH 1: Độ không đảm bảo đo bao gồm các thành phần xuất hiện từ những ảnh hưởng hệ thống, như thành phần gắn với sự hiệu chính và giá trị đại lượng được ấn định của chuẩn đo lường, cũng như độ không đảm bảo định nghĩa. Đôi khi các ảnh hưởng hệ thống đã ước lượng không được hiệu chính, nhưng thay thế là các thành phần độ không đảm bảo đo kèm theo được đưa vào.

CHÚ THÍCH 2: Thông số có thể là, ví dụ, độ lệch chuẩn được gọi là độ không đảm bảo chuẩn (hoặc một bội xác định của nó), hoặc nửa của khoảng, với xác suất phủ quy định.

CHÚ THÍCH 3: Nói chung, độ không đảm bảo đo bao gồm nhiều thành phần. Một số thành phần có thể đánh giá theo cách đánh giá loại A của độ không đảm bảo đo bằng phân bố thống kê của các giá trị đại lượng từ dãy các phép đo và có thể được đặc trưng bằng độ lệch chuẩn. Các thành phần khác có thể được đánh giá theo cách đánh giá loại B của độ không đảm bảo đo, cũng có thể đặc trưng bằng độ lệch chuẩn, được đánh giá từ hàm mật độ xác suất dựa trên kinh nghiệm hoặc thông tin khác.

CHÚ THÍCH 4: Nói chung, đối với một tập hợp thông tin đã cho, độ không đảm bảo đo được gắn với một giá trị đại lượng đã ấn định quy cho đại lượng đo. Sự thay đổi của giá trị dẫn đến sự thay đổi của độ không đảm bảo kèm theo.

2.27.

Độ không đảm bảo định nghĩa

Thành phần độ không đảm bảo đo gây ra do sự giới hạn về chi tiết trong định nghĩa của đại lượng đo.

CHÚ THÍCH 1: Độ không đảm bảo định nghĩa là độ không đảm bảo đo tối thiểu thực tế có thể đạt được trong bất kỳ phép đo nào của đại lượng đo đã cho.

CHÚ THÍCH 2: Mọi sự thay đổi trong chi tiết mô tả đều dẫn đến độ không đảm bảo định nghĩa khác.

CHÚ THÍCH 3: Trong ISO/IEC Guide 98-3:2008, D.3.4, và trong IEC 60359, khái niệm ‘độ không đảm bảo định nghĩa’ được gọi là “độ không đảm bảo nội tại”.

2.28.

Đánh giá loại A của độ không đảm bảo đo

Đánh giá loại A

Đánh giá thành phần của độ không đảm bảo đo bằng phân tích thống kê các giá trị đại lượng đo được nhận được trong điều kiện đo xác định.

CHÚ THÍCH 1: Về các loại điều kiện đo khác nhau, xem điều kiện lặp lại của phép đo, điều kiện chụm trung gian của phép đo và điều kiện tái lập của phép đo.

CHÚ THÍCH 2: Đối với các thông tin về phân tích thống kê, xem ISO/IEC Guide 98-3.

CHÚ THÍCH 3: Cũng xem ISO/IEC Guide 98-3:2008, 2.3.2, ISO 5725, ISO 13528, IS/TS 21748, ISO 21749.

2.29.

Đánh giá loại B của độ không đảm bảo đo

Đánh giá loại B

Đánh giá thành phần của độ không đảm bảo đo bằng cách khác với đánh giá loại A của độ không đảm bảo đo.

VÍ DỤ: Đánh giá dựa trên thông tin.

– gắn với các giá trị đại lượng được công bố có căn cứ,

– gắn với giá trị đại lượng của mẫu chuẩn được chứng nhận.

– nhận được từ giấy chứng nhận hiệu chuẩn.

– về độ trôi,

– nhận được từ cấp chính xác của phương tiện đo được kiểm định,

– nhận được từ các giới hạn suy luận thông qua kinh nghiệm cá nhân.

CHÚ THÍCH: Xem ISO/IEC Guide 98-3:2008, 2.3.3.

2.30.

Độ không đảm bảo đo chuẩn

Độ không đảm bảo đo chuẩn của phép đo

Độ không đảm bảo đo chuẩn

Độ không đảm bảo đo được thể hiện là độ lệch chuẩn.

2.31.

Độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp

Độ không đảm bảo chuẩn tổng hợp

Độ không đảm bảo đo chuẩn nhận được bằng cách sử dụng các độ không đảm bảo đo chuẩn riêng biệt gắn với các đại lượng đầu vào trong mô hình đo.

CHÚ THÍCH: Trong trường hợp các đại lượng đầu vào trong mô hình đo có tương quan, các hiệp biến cũng phải được tính đến khi tính toán độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp; xem thêm ISO/IEC Guide 98-3:20008, 2.3.4.

2.32.

Độ không đảm bảo đo chuẩn tương đối

Độ không đảm bảo đo chuẩn chia cho giá trị tuyệt đối của giá trị đại lượng đo được.

2.33.

Bảng thành phần độ không đảm bảo

Bản tóm tắt về độ không đảm bảo, các thành phần của độ không đảm bảo đó, việc tính toán và kết hợp các thành phần này.

CHÚ THÍCH: Bảng thành phần độ không đảm bảo cần bao gồm mô hình đo, ước lượng, và độ không đảm bảo đo kèm theo đại lượng trong mô hình đo, các hiệp phương sai, dạng hàm mật độ xác suất áp dụng, bậc tự do, loại đánh giá độ không đảm bảo đo, và mọi hệ số phủ.

2.34.

Độ không đảm bảo đo mục tiêu

Độ không đảm bảo đo mục tiêu

Độ không đảm bảo đo được xác định như là một giới hạn trên và được quyết định trên cơ sở mục đích sử dụng dự kiến của kết quả đo.

2.35.

Độ không đảm bảo đo mở rộng

Độ không đảm bảo mở rộng

Tích của độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp và một hệ số lớn hơn một.

CHÚ THÍCH 1: Hệ số phụ thuộc vào dạng phân bố xác suất của đại lượng đầu ra trong mô hình đo và xác suất phủ đã chọn.

CHÚ THÍCH 2: Thuật ngữ “hệ số” trong định nghĩa này chính là hệ số phủ.

CHÚ THÍCH 3: Độ không đảm bảo đo mở rộng được gọi là “độ không đảm bảo toàn thể” trong phần 5 của Khuyến nghị INC-1 (1980) (xem GUM) và đơn giản là “độ không đảm bảo” trong các tiêu chuẩn của IEC.

2.36.

Khoảng phủ

Khoảng chứa tập hợp giá trị đại lượng thực của đại lượng đo với xác suất đã định, trên cơ sở các thông tin có sẵn.

CHÚ THÍCH 1: Khoảng phủ không nhất thiết phải lấy giá trị đại lượng đo được đã chọn làm trung tâm (xem ISO/IEC Guide 98-3:2008/Phụ lục 1).

CHÚ THÍCH 2: Không nên gọi khoảng phủ là “khoảng tin cậy” để tránh nhầm lẫn với khái niệm thống kê (xem ISO/IEC Guide 98-3:2008, 6.2.2).

CHÚ THÍCH 3: Khoảng phủ có thể được suy ra từ độ không đảm bảo mở rộng (xem ISO/IEC Guide 98-3:2008, 2.3.5).

2.37.

Xác suất phủ

Xác suất để tập hợp các giá trị đại lượng thực của đại lượng đo nằm trong một khoảng phủ xác định.

CHÚ THÍCH 1: Định nghĩa này liên quan đến cách tiếp cận độ không đảm bảo như đã trình bày trong GUM.

CHÚ THÍCH 2: Trong GUM xác suất phủ cũng được gọi là “mức tin cậy”.

2.38.

Hệ số phủ

Số lớn hơn một nhân với độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp để nhận được độ không đảm bảo đo mở rộng.

CHÚ THÍCH: Hệ số phủ thường được ký hiệu là k (Xem ISO/IEC Guide 98-3:2008, 2.3.6).

2.39. (6.11)

Hiệu chuẩn

Hoạt động, trong những điều kiện quy định, bước thứ nhất là thiết lập mối liên hệ giữa các giá trị đại lượng có độ không đảm bảo đo do chuẩn đo lường cung cấp và các số chỉ tương ứng với độ không đảm bảo đo kèm theo và bước thứ hai là sử dụng thông tin này thiết lập mối liên hệ để nhận được kết quả đo từ số chỉ.

CHÚ THÍCH 1: Hiệu chuẩn có thể diễn tả bằng một tuyên bố, hàm hiệu chuẩn, biểu đồ hiệu chuẩn, đường cong hiệu chuẩn, hoặc bảng hiệu chuẩn. Trong một số trường hợp nó có thể bao gồm sự hiệu chính cộng hoặc nhân của số chỉ với độ không đảm bảo đo kèm theo.

CHÚ THÍCH 2: Không được nhầm lẫn hiệu chuẩn với hiệu chỉnh hệ thống đo, thường gọi sai là “tự hiệu chuẩn”, cũng không được nhầm lẫn với kiểm định của hiệu chuẩn.

CHÚ THÍCH 3: Thông thường bước đầu tiên trong định nghĩa trên được hiểu là hiệu chuẩn.

2.40.

Sơ đồ hiệu chuẩn

Chuỗi hiệu chuẩn từ mốc quy chiếu đến hệ thống đo cuối cùng, trong đó đầu ra của từng phép hiệu chuẩn phụ thuộc vào đầu ra của phép hiệu chuẩn trước đó.

CHÚ THÍCH 1: Độ không đảm bảo đo nhất thiết tăng lên dọc theo chuỗi hiệu chuẩn.

CHÚ THÍCH 2: Các thành phần của sơ đồ hiệu chuẩn là một hay một số chuẩn đo lường và hệ thống đo vận hành theo các thủ tục đo.

CHÚ THÍCH 3: Với định nghĩa này, ‘mốc quy chiếu’ có thể là định nghĩa của đơn vị đo thông qua việc thể hiện thực tế nó, hoặc một thủ tục đo, hoặc một chuẩn đo lường.

CHÚ THÍCH 4: Việc so sánh giữa hai chuẩn đo lường có thể xem là hiệu chuẩn nếu việc so sánh được dùng để kiểm tra và, nếu cần thiết, hiệu chính giá trị đại lượng và độ không đảm bảo đo được quy cho một trong các chuẩn đo lường.

2.41. (6.10)

Liên kết chuẩn đo lường

Tính chất của kết quả đo nhờ đó kết quả có thể liên hệ tới mốc quy chiếu thông qua một chuỗi không đứt đoạn các phép hiệu chuẩn được lập thành tài liệu, mỗi phép hiệu chuẩn đóng góp vào độ không đảm bảo đo.

CHÚ THÍCH 1: Với định nghĩa này ‘mốc quy chiếu’ có thể là định nghĩa của đơn vị đo thông qua việc thể hiện thực tế nó, hoặc một thủ tục đo bao gồm đơn vị đo cho đại lượng không phải là đại lượng thứ tự, hoặc một chuẩn đo lường.

CHÚ THÍCH 2: Liên kết chuẩn đo lường yêu cầu thiết lập một sơ đồ hiệu chuẩn.

CHÚ THÍCH 3: Thông số kỹ thuật của mốc quy chiếu phải bao gồm thời gian mà mốc quy chiếu này đã được sử dụng trong việc thiết lập sơ đồ hiệu chuẩn, cùng với mọi thông tin đo lường liên quan khác về mốc quy chiếu, ví dụ khi việc hiệu chuẩn đầu tiên trong sơ đồ hiệu chuẩn đã được thực hiện.

CHÚ THÍCH 4: Đối với phép đo có nhiều đại lượng đầu vào trong mô hình đo, từng giá trị đại lượng đầu vào cần phải tự liên kết chuẩn đo lường và sơ đồ hiệu chuẩn liên quan có thể tạo nên một cấu trúc nhánh hoặc mạng. Sự nỗ lực cần thiết trong việc thiết lập liên kết chuẩn đo lường cho từng giá trị đại lượng vào cần tương xứng với sự đóng góp tương đối của nó vào kết quả đo.

CHÚ THÍCH 5: Liên kết chuẩn đo lường của kết quả đo không đảm bảo rằng độ không đảm đo là thích hợp với một mục đích đã định, cũng không đảm bảo là không có sai lỗi.

CHÚ THÍCH 6: Việc so sánh giữa hai chuẩn đo lường có thể xem là hiệu chuẩn nếu việc so sánh được dùng để kiểm tra và, nếu cần thiết, hiệu chính giá trị đại lượng và độ không đảm bảo đo được quy cho một trong số các chuẩn đo lường.

CHÚ THÍCH 7: ILAC coi các yếu tố để xác định liên kết chuẩn đo lường là một chuỗi liên kết chuẩn đo lường không đứt đoạn tới chuẩn đo lường quốc tế hoặc chuẩn đo lường quốc gia, độ không đảm bảo đo được làm thành tài liệu, thủ tục đo được lập thành văn bản, năng lực kỹ thuật được công nhận, liên kết chuẩn đo lường tới SI, và các khoảng thời gian hiệu chuẩn (xem ILAC P-10-2002).

CHÚ THÍCH 8: Thuật ngữ rút gọn “liên kết chuẩn” đôi khi được sử dụng để chỉ “liên kết chuẩn đo lường” cũng như các khái niệm khác, ví dụ như ‘khả năng xác định nguồn gốc mẫu’ hoặc ‘khả năng xác định nguồn gốc tài liệu’ hoặc ‘khả năng xác định nguồn gốc phương tiện’ hoặc ‘khả năng xác định nguồn gốc vật liệu’, trong đó lịch sử (“dấu vết”) của đối tượng được đưa ra. Vì vậy, thuật ngữ đầy đủ “liên kết chuẩn đo lường” được ưu tiên nếu có bất cứ nguy cơ nhầm lẫn nào.

2.42.

Chuỗi liên kết chuẩn đo lường

Chuỗi liên kết chuẩn

Dãy các chuẩn đo lường và các phép hiệu chuẩn được dùng để liên hệ kết quả đo tới mốc quy chiếu.

CHÚ THÍCH 1: Chuỗi liên kết chuẩn đo lường được xác định thông qua sơ đồ hiệu chuẩn.

CHÚ THÍCH 2: Chuỗi liên kết chuẩn đo lường được dùng để thiết lập liên kết chuẩn đo lường của kết quả đo.

CHÚ THÍCH 3: Việc so sánh giữa hai chuẩn đo lường có thể xem là hiệu chuẩn nếu việc so sánh được dùng để kiểm tra và, nếu cần thiết, hiệu chính giá trị đại lượng và độ không đảm bảo đo được quy cho một trong số các chuẩn đo lường.

2.43.

Liên kết chuẩn đo lường đến đơn vị đo

Liên kết chuẩn đo lường tới đơn vị

Liên kết chuẩn đo lường trong đó mốc quy chiếu là định nghĩa của đơn vị đo qua sự thể hiện thực tế của nó.

CHÚ THÍCH: Cụm từ “liên kết chuẩn tới SI” có nghĩa là ‘liên kết chuẩn đo lường đến đơn vị đo của Hệ đơn vị quốc tế”.

2.44.

Kiểm định

Việc cung cấp bằng chứng khách quan rằng đối tượng đã cho đáp ứng các yêu cầu quy định.

VÍ DỤ 1: Xác nhận rằng mẫu chuẩn đã cho theo yêu cầu là đồng nhất đối với giá trị đại lượng và thủ tục đo liên quan, khi giảm phần chia đo lường tới khối lượng 10 mg.

VÍ DỤ 2: Xác nhận rằng các tính năng hoặc yêu cầu pháp định của một hệ thống đo là đạt được.

VÍ DỤ 3: Xác nhận rằng độ không đảm bảo đo mục tiêu là có thể phù hợp.

CHÚ THÍCH 1: Khi có thể áp dụng, độ không đảm bảo đo cần được đưa vào để xem xét.

CHÚ THÍCH 2: Đối tượng có thể là, ví dụ như quá trình, thủ tục đo, vật liệu, hợp chất hoặc hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 3: Các yêu cầu quy định có thể là, ví dụ, các yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất được đáp ứng.

CHÚ THÍCH 4: Kiểm định trong đo lường pháp định, như định nghĩa trong VIML[53], và trong đánh giá sự phù hợp nói chung, liên quan đến việc kiểm tra và gắn dấu và/hoặc phát hành giấy chứng nhận kiểm định cho hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 5: Không được nhầm lẫn kiểm định với hiệu chuẩn. Không có bất cứ việc kiểm định nào là xác nhận giá trị sử dụng.

CHÚ THÍCH 6: Trong hóa học, kiểm định sự đồng nhất (identity) của thực thể liên quan, hoặc của hoạt tính cần có sự mô tả về cấu trúc hoặc các tính chất của thực thể hoặc hoạt tính đó.

2.45.

Xác nhận giá trị sử dụng

Kiểm định, trong đó các yêu cầu quy định là thỏa đáng cho việc sử dụng đã định.

VÍ DỤ: Một thủ tục đo, thường được sử dụng cho phép đo nồng độ khối lượng nitơ trong nước, cũng có thể được xác nhận giá trị sử dụng cho phép đo trong huyết thanh người.

2.46.

Tính so sánh đo lường của kết quả đo

Tính so sánh đo lường

Tính so sánh của kết quả đo, đối với đại lượng thuộc một loại đã cho, là khả năng truy nguyên về mặt đo lường tới cùng một mốc quy chiếu.

VÍ DỤ: Các kết quả đo, ví dụ như khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng và từ Paris đến London là có thể so sánh được khi chúng được quy chiếu về cùng một đơn vị đo, ví dụ mét.

CHÚ THÍCH 1: Xem chú thích 1 của 2.41 liên kết chuẩn đo lường.

CHÚ THÍCH 2: Tính so sánh đo lường của kết quả đo không yêu cầu giá trị đại lượng đo được và độ không đảm bảo đo kèm theo được so sánh là có cùng bậc về độ lớn.

2.47.

Tính tương thích đo lường của kết quả đo

Tính tương thích đo lường

Tính chất của tập hợp các kết quả đo đối với một đại lượng đo xác định, mà giá trị tuyệt đối của hiệu của một cặp bất kỳ các giá trị đại lượng đo được từ hai kết quả đo khác nhau là nhỏ hơn một số bội đã chọn của độ không đảm bảo đo chuẩn của hiệu đó.

CHÚ THÍCH 1: Tính tương thích đo lường của kết quả đo thay thế khái niệm truyền thống ‘nằm trong phạm vi sai số’, vì nó thể hiện chuẩn mực để quyết định xem hai kết quả đo có liên quan tới cùng một đại lượng đo hay không. Nếu trong tập hợp các phép đo của đại lượng đo, được cho là không đổi, kết quả đo là không tương thích với kết quả đo khác, thì hoặc phép đo là không đúng (ví dụ độ không đảm bảo đo của nó đã được đánh giá quá nhỏ) hoặc đại lượng được đo đã thay đổi giữa các phép đo.

CHÚ THÍCH 2: Sự tương quan giữa các phép đo ảnh hưởng đến tính tương thích đo lường của kết quả đo. Nếu các phép đo là hoàn toàn không tương quan, độ không đảm bảo đo chuẩn của hiệu của chúng bằng căn quân phương tổng các độ không đảm bảo đo chuẩn của chúng, trong khi nó là thấp hơn với hiệp biến dương hoặc cao hơn đối với hiệp biến âm.

2.48.

Mô hình đo

Mô hình của phép đo

Mô hình

Hệ thức toán học trong đó tất cả các đại lượng đã biết liên quan đến phép đo.

CHÚ THÍCH 1: Dạng chung của mô hình đo là phương trình h (Y, X1,…, Xn) = 0, trong đó Y, đại lượng đầu ra trong mô hình đo, là đại lượng đogiá trị đại lượng của nó được suy ra từ thông tin về các đại lượng đầu vào trong mô hình đo X1,…, Xn.

CHÚ THÍCH 2: Trong trường hợp phức tạp hơn có hai hoặc nhiều đại lượng đầu ra trong mô hình đo, mô hình đo bao gồm nhiều phương trình.

2.49.

Hàm đo lường

Hàm các đại lượng, giá trị của nó, khi được tính toán bằng cách sử dụng giá trị đại lượng đã biết của các đại lượng đầu vào trong mô hình đo, là giá trị đại lượng đo được của đại lượng đầu ra trong mô hình đo.

CHÚ THÍCH 1: Nếu mô hình đo h(Y, X1, …, Xn) = 0 có thể viết rõ ràng là Y = f(X1,…, Xn), trong đó Y là đại lượng đầu ra trong mô hình đo, thì hàm f là hàm đo lường. Tổng quát hơn, f có thể tượng trưng cho một thuật toán, mang lại cho các giá trị đại lượng đầu vào x1­,…, xn một giá trị đại lượng đầu ra tương ứng duy nhất y = (x,…, xn).

CHÚ THÍCH 2: Hàm đo lường cũng được sử dụng để tính toán độ không đảm bảo đo gắn với giá trị đại lượng đo được Y.

2.50.

Đại lượng đầu vào trong mô hình đo

Đại lượng đầu vào

Đại lượng phải được đo, hoặc đại lượng mà giá trị của nó có thể nhận được bằng cách khác, để tính toán giá trị đại lượng đo được của đại lượng đo.

VÍ DỤ: Khi độ dài của một que thép tại nhiệt độ xác định là đại lượng đo, thì nhiệt độ thực tế, độ dài tại nhiệt độ thực tế, và hệ số dãn nở nhiệt tuyến tính của que là các đại lượng đầu vào trong mô hình đo.

CHÚ THÍCH 1: Đại lượng đầu vào trong mô hình đo thường là đại lượng đầu ra của hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 2: Số chỉ, sự hiệu chính và đại lượng ảnh hưởng có thể là các đại lượng đầu vào trong mô hình đo.

2.51.

Đại lượng đầu ra trong mô hình đo

Đại lượng đầu ra

Đại lượng, mà giá trị đo được của nó được tính toán bằng cách sử dụng giá trị các đại lượng đầu vào trong mô hình đo.

2.52. (2.7)

Đại lượng ảnh hưởng

Đại lượng, trong phép đo trực tiếp, không ảnh hưởng đến đại lượng thực tế được đo, nhưng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa số chỉ và kết quả đo.

VÍ DỤ 1: Tần số trong phép đo trực tiếp với ampe kế có biên độ dòng điện xoay chiều không đổi.

VÍ DỤ 2: Nồng độ lượng chất bilirubin trong phép đo trực tiếp nồng độ lượng chất haemoglobin trong huyết thanh người.

VÍ DỤ 3: Nhiệt độ của panme dùng để đo độ dài của một que nhưng không phải là nhiệt độ của chính que đó có thể đưa vào trong định nghĩa của đại lượng đo.

VÍ DỤ 4: Áp suất môi trường trong nguồn ion của phổ kế khối lượng trong phép đo tỉ số lượng chất.

CHÚ THÍCH 1: Phép đo gián tiếp bao hàm một tổ hợp các phép đo trực tiếp, mỗi phép đo trực tiếp có thể bị tác động bởi đại lượng ảnh hưởng.

CHÚ THÍCH 2: Trong GUM, khái niệm ‘đại lượng ảnh hưởng’ được định nghĩa như trong phiên bản hai của VIM, bao trùm không chỉ các đại lượng ảnh hưởng đến hệ thống đo, như trong định nghĩa trên, mà còn cả các đại lượng ảnh hưởng đến đại lượng thực tế được đo. Trong GUM khái niệm này cũng không hạn chế đối với phép đo trực tiếp.

2.53. (3.15) (3.16)

Hiệu chính

Việc bù cho một ảnh hưởng hệ thống đã ước lượng.

CHÚ THÍCH 1: Về giải thích ‘ảnh hưởng hệ thống’, xem ISO/IEC Guide 98-3:2008, 3.2.3.

CHÚ THÍCH 2: Việc bù có thể có các hình thức khác nhau, ví dụ bằng một số cộng hoặc số nhân, hoặc có thể được suy ra từ một bảng.

3. Thiết bị đo

3.1. (4.1)

Phương tiện đo

Thiết bị được dùng để thực hiện phép đo, độc lập hoặc kết hợp với một hoặc một số thiết bị phụ.

CHÚ THÍCH 1: Phương tiện đo có thể được sử dụng độc lập như một hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 2: Phương tiện đo có thể là phương tiện đo chỉ thị hoặc vật đọ.

3.2. (4.5)

Hệ thống đo

Tập hợp một hoặc một số phương tiện đo và các thiết bị thông thường khác, bao gồm cả thuốc thử và sự cung cấp, được lắp ráp và làm cho thích hợp để cho thông tin dùng để tạo ra giá trị đại lượng đo được trong khoảng quy định cho đại lượng thuộc các loại quy định.

CHÚ THÍCH: Hệ thống đo có thể chỉ bao gồm một phương tiện đo.

3.3 (4.6)

Phương tiện đo chỉ thị

Phương tiện đo cho tín hiệu đầu ra mang thông tin về giá trị của đại lượng đang được đo.

VÍ DỤ: Vôn kế, panme, nhiệt kế, cân điện tử.

CHÚ THÍCH 1: Phương tiện đo chỉ thị có thể có bộ phận ghi lại số chỉ.

CHÚ THÍCH 2: Tín hiệu đầu ra có thể được thể hiện dưới dạng hình ảnh hoặc âm thanh. Nó cũng có thể được truyền đến một hoặc một số thiết bị khác.

3.14. (4.17)

Phương tiện đo hiển thị

Phương tiện đo chỉ thị có tín hiệu đầu ra được thể hiện dưới dạng nhìn thấy được.

3.5. (4.17)

Thang đo của phương tiện đo hiển thị

Bộ phận của phương tiện đo hiển thị gồm tập hợp các dấu hiệu được sắp xếp thứ tự với giá trị đại lượng kèm theo.

3.6. (4.2)

Vật đọ

Phương tiện đo tái tạo hoặc cung cấp, theo một cách cố định trong quá trình sử dụng, các đại lượng của một hay một số loại xác định, mỗi đại lượng có giá trị đại lượng được ấn định.

VÍ DỤ: Quả cân chuẩn, bình đong (cung cấp một hay một số giá trị đại lượng, có hoặc không có thang giá trị đại lượng), điện trở chuẩn, thước vạch, bộ can mẫu, máy tạo tín hiệu chuẩn, mẫu chuẩn được chứng nhận.

CHÚ THÍCH 1: Số chỉ của vật đọ là giá trị đại lượng được ấn định của nó.

CHÚ THÍCH 2: Vật đọ có thể là chuẩn đo lường.

3.7. (4.3)

Bộ chuyển đổi đo

Thiết bị, sử dụng trong phép đo, cung cấp đại lượng đầu ra có mối liên hệ xác định với đại lượng đầu vào.

VÍ DỤ: Cặp nhiệt điện, máy biến dòng, dưỡng đo biến dạng, điện cực pH, ống Bourdon, dải lưỡng kim.

3.8. (4.14)

Bộ cảm biến

Phần tử của hệ thống đo chịu tác động trực tiếp của hiện tượng, vật thể, hoặc chất mang đại lượng được đo.

VÍ DỤ: Cuộn cảm biến của nhiệt kế điện trở platin, rôto của đồng hồ lưu lượng tua bin, ống Bourdon của đồng hồ đo áp suất, phao của phương tiện đo mức, tế bào quang điện của phổ kế, tinh thể lỏng nhiệt học thay đổi màu sắc như là hàm của nhiệt độ.

CHÚ THÍCH: Trong một số lĩnh vực, thuật ngữ “bộ dò” được sử dụng cho khái niệm này.

3.9. (4.15)

Đầu dò

Thiết bị hoặc chất để phát hiện sự có mặt của một hiện tượng, vật thể, hoặc chất khí giá trị ngưỡng của đại lượng kèm theo bị vượt quá.

VÍ DỤ: Bộ dò sự lọt khí halogen, giấy quỳ.

CHÚ THÍCH 1: Trong một số lĩnh vực, thuật ngữ “bộ dò” được dùng cho khái niệm của bộ cảm biến.

CHÚ THÍCH 2: Trong hóa học, thuật ngữ “chất chỉ thị” thường được dùng cho khái niệm này.

3.10. (4.4)

Chuỗi đo

Dãy các phần tử của hệ thống đo tạo thành một đường duy nhất của tín hiệu từ bộ cảm biến đến phần tử ra.

VÍ DỤ 1: Chuỗi đo điện thanh gồm microphon, bộ suy giảm, bộ lọc, bộ khuyếch đại và vôn kế.

VÍ DỤ 2: Chuỗi đo cơ học gồm ống Bourdon, hệ thống đòn bẩy, hai bánh răng và mặt số cơ học.

3.11. (4.30)

Hiệu chỉnh hệ thống đo

Hiệu chỉnh

Tập hợp các thao tác được tiến hành trên hệ thống đo để cho ra số chỉ đã quy định tương ứng với giá trị đã cho của đại lượng được đo.

CHÚ THÍCH 1: Các loại hiệu chỉnh hệ thống đo bao gồm hiệu chỉnh điểm không của hệ thống đo, hiệu chỉnh dịch chuyển, hiệu chỉnh đo khoảng (đôi khi gọi là hiệu chỉnh độ khuyếch đại).

CHÚ THÍCH 2: Không được nhầm lẫn hiệu chỉnh hệ thống đo với hiệu chuẩn là điều tiên quyết đối với hiệu chỉnh.

CHÚ THÍCH 3: Sau khi hiệu chỉnh hệ thống đo thường phải được hiệu chuẩn lại.

3.12.

Hiệu chỉnh điểm không của hệ thống đo

Hiệu chuẩn điểm không

Hiệu chuẩn hệ thống đo để cho ra số chỉ không tương ứng với giá trị không của đại lượng được đo.

4. Các đặc trưng của phương tiện đo

4.1. (3.2)

Số chỉ

Giá trị đại lượng được cho bởi phương tiện đo hoặc hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 1: Số chỉ có thể được thể hiện dưới dạng hình ảnh hoặc âm thanh hoặc được truyền tới thiết bị khác. Số chỉ thường được cho bằng vị trí của kim chỉ trên bộ phận chỉ báo đối với đầu ra tương tự, chữ số được hiển thị hoặc in ra đối với đầu ra hiện số, biểu đồ mã đối với đầu ra mã hóa, hoặc giá trị đại lượng ấn định đối với vật đọ.

CHÚ THÍCH 2: Số chỉ và giá trị tương ứng của đại lượng được đo không nhất thiết là giá trị của đại lượng cùng loại.

4.2.

Số chỉ không tải

Số chỉ nền

Số chỉ nhận được từ một hiện tượng, vật thể hoặc chất tương tự với đối tượng được khảo sát, nhưng đối với nó đại lượng quan tâm được cho là không có mặt, hoặc không tham gia vào số chỉ.

4.3. (4.19)

Khoảng số chỉ

Tập hợp các giá trị đại lượng giới hạn bởi số chỉ cực trị có thể có.

CHÚ THÍCH 1: Khoảng số chỉ thường được công bố theo giá trị đại lượng nhỏ nhất và lớn nhất, ví dụ “99 V đến 201 V”.

CHÚ THÍCH 2: Trong một số lĩnh vực, thuật ngữ là “phạm vi chỉ”.

4.4. (5.1)

Khoảng số chỉ danh nghĩa

Khoảng danh nghĩa

Tập hợp các giá trị đại lượng, giới hạn bởi số chỉ cực trị được quy tròn, hoặc gần đúng, nhận được bằng giá trị đặt cụ thể của các bộ điều khiển phương tiện đo hoặc hệ thống đo và được dùng để ấn định giá trị đặt đó.

CHÚ THÍCH 1: Khoảng số chỉ danh nghĩa thường được công bố là giá trị đại lượng lớn nhất và nhỏ nhất, ví dụ “100 V đến 200 V”.

CHÚ THÍCH 2: Trong một số lĩnh vực, thuật ngữ này là “phạm vi danh nghĩa”.

4.5. (5.2)

Phạm vi khoảng số chỉ danh nghĩa

Giá trị tuyệt đối của hiệu giữa các giá trị đại lượng cực trị của khoảng số chỉ danh nghĩa.

VÍ DỤ: Đối với khoảng số chỉ danh nghĩa – 10 V đến + 10 V, phạm vi khoảng số chỉ danh nghĩa là 20 V.

CHÚ THÍCH: Phạm vi khoảng số chỉ danh nghĩa đôi khi được gọi là “khoảng đo danh nghĩa”.

4.6. (5.3)

Giá trị đại lượng danh nghĩa

Giá trị danh nghĩa

Giá trị quy tròn hoặc gần đúng của đại lượng đặc trưng cho phương tiện đo hoặc hệ thống đo cung cấp hướng dẫn để sử dụng cho thích hợp.

VÍ DỤ 1: 100 Ω là giá trị đại lượng danh nghĩa ghi trên điện trở chuẩn.

VÍ DỤ 2: 1 000 ml là giá trị đại lượng danh nghĩa ghi trên bình dung tích một mức.

VÍ DỤ 3: 0,1 mol/l là giá trị đại lượng danh nghĩa nồng độ lượng chất của dung dịch axit clohydric, HCl.

VÍ DỤ 4: -20 oC là nhiệt độ Celsius cực đại cho lưu kho.

CHÚ THÍCH: Không được nhầm lẫn “giá trị đại lượng danh nghĩa” và “giá trị danh nghĩa” với “giá trị tính chất danh nghĩa” (xem 1.30, Chú thích 2).

4.7. (5.4)

Khoảng đo

Khoảng làm việc

Tập hợp các giá trị đại lượng cùng loại có thể đo được bằng phương tiện đo hoặc hệ thống đo đã cho với độ không đảm bảo đo thiết bị cụ thể, trong những điều kiện xác định.

CHÚ THÍCH 1: Trong một số lĩnh vực, thuật ngữ là “phạm vi đo”.

CHÚ THÍCH 2: Không được nhầm lẫn giới hạn dưới của khoảng đo với giới hạn phát hiện.

4.8.

Điều kiện vận hành trạng thái ổn định

Điều kiện vận hành của phương tiện đo hoặc hệ thống đo, trong đó mối liên hệ được thiết lập bằng việc hiệu chuẩn vẫn duy trì hiệu lực ngay cả khi đại lượng đo thay đổi theo thời gian.

4.9. (5.5)

Điều kiện vận hành bình thường

Điều kiện vận hành phải đáp ứng trong phép đo để phương tiện đo hoặc hệ thống đo hoạt động như được thiết kế.

CHÚ THÍCH: Điều kiện vận hành bình thường quy định khoảng giá trị đối với đại lượng đang được đo và đối với mọi đại lượng ảnh hưởng.

4.10. (5.6)

Điều kiện vận hành giới hạn

Điều kiện vận hành cực trị phương tiện đo hoặc hệ thống đo chịu được mà không hỏng hóc, và không suy giảm các đặc trưng đo lường quy định, khi hoạt động trở lại trong điều kiện vận hành bình thường.

CHÚ THÍCH 1: Điều kiện giới hạn đối với việc bảo quản, vận chuyển hoặc vận hành có thể khác nhau.

CHÚ THÍCH 2: Điều kiện giới hạn có thể bao gồm giá trị giới hạn của đại lượng đang được đo và mọi đại lượng ảnh hưởng.

4.11. (5.7)

Điều kiện vận hành quy chiếu

Điều kiện quy chiếu

Điều kiện vận hành quy định để đánh giá tính năng của phương tiện đo hoặc hệ thống đo hoặc để so sánh các kết quả đo.

CHÚ THÍCH 1: Điều kiện vận hành quy chiếu quy định khoảng giá trị của đại lượng đo và của các đại lượng ảnh hưởng.

CHÚ THÍCH 2: Trong IEC 60050-300, mục 311-06-02, thuật ngữ “điều kiện quy chiếu” dùng cho điều kiện vận hành trong đó độ không đảm bảo đo phương tiện quy định là nhỏ nhất có thể.

4.12. (5.10)

Độ nhạy của hệ thống đo

Độ nhạy

Tỷ số giữa sự thay đổi số chỉ của hệ thống đo và sự thay đổi tương ứng trong giá trị của đại lượng được đo.

CHÚ THÍCH 1: Độ nhạy của hệ thống đo có thể phụ thuộc vào giá trị của đại lượng được đo.

CHÚ THÍCH 2: Sự thay đổi được xem xét theo giá trị của đại lượng đang được đo phải lớn so với độ phân giải.

4.13.

Độ chọn lọc của hệ thống đo

Độ chọn lọc

Tính chất của hệ thống đo, sử dụng với một thủ tục đo xác định, nhờ đó hệ thống đo cho các giá trị đại lượng đo được của một hoặc một số đại lượng đo sao cho giá trị của từng đại lượng đo là độc lập với đại lượng đo khác hoặc đại lượng khác của hiện tượng, vật thể, hoặc chất được khảo sát.

VÍ DỤ 1: Khả năng của hệ thống đo có phổ kế khối lượng để đo tỉ số dòng ion tạo thành bởi hai hợp chất xác định không có nhiễu do các nguồn dòng điện xác định khác gây ra.

VÍ DỤ 2: Khả năng của hệ thống đo để đo công suất một thành phần tín hiệu tại tần số đã cho không bị nhiễu do các thành phần tín hiệu hoặc các tín hiệu khác tại những tần số khác gây ra.

VÍ DỤ 3: Khả năng của thiết bị thu để phân biệt giữa tín hiệu mong muốn và tín hiệu không mong muốn, thường có tần số khác biệt nhỏ so với tần số của tín hiệu mong muốn.

VÍ DỤ 4: Khả năng của hệ thống đo bức xạ ion hóa phản ứng với một bức xạ đã cho được đo với sự có mặt của bức xạ đi kèm.

VÍ DỤ 5: Khả năng của hệ thống đo để đo nồng độ lượng chất creatinium trong huyết thanh theo thủ tục Jaffé không bị ảnh hưởng bởi nồng độ glucoza, urate, xeton và protein.

VÍ DỤ 6: Khả năng của phổ kế khối lượng để đo độ giàu lượng chất của đồng vị 28 Si và đồng vị 30 Si trong silic của trầm tích địa chất mà không có ảnh hưởng giữa chúng, hoặc từ đồng vị 29 Si.

CHÚ THÍCH 1: Trong vật lý, chỉ có một đại lượng đo; các đại lượng khác là cùng loại như đại lượng đo và chúng là những đại lượng đại lượng đầu vào của hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 2: Trong hóa học, đại lượng được đo thường bao gồm các thành phần khác nhau trong hệ thống đang tiến hành phép đo và các đại lượng này không nhất thiết phải là cùng loại.

CHÚ THÍCH 3: Trong hóa học, độ chọn lọc của hệ thống đo thường nhận được đối với đại lượng có thành phần được chọn theo nồng độ trong khoảng quy định.

CHÚ THÍCH 4: Độ chọn lọc khi sử dụng trong vật lý (xem Chú thích 1) là khái niệm gần với độ rõ ràng đôi khi được sử dụng trong hóa học.

4.14.

Độ phân giải

Sự thay đổi nhỏ nhất trong đại lượng đang được đo tạo nên sự thay đổi nhận thấy được trong số chỉ tương ứng.

CHÚ THÍCH: Độ phân giải có thể phụ thuộc vào, ví dụ, tạp âm (trong hay ngoài) hoặc sự ma sát. Nó cũng có thể phụ thuộc vào giá trị của đại lượng được đo.

4.15. (5.21)

Độ phân giải của thiết bị hiển thị

Sự khác nhau nhỏ nhất giữa các chỉ số hiển thị có thể phân biệt được rõ ràng.

4.16. (5.11)

Ngưỡng phân biệt

Sự thay đổi lớn nhất trong giá trị của đại lượng đang được đo không tạo nên sự thay đổi nhận thấy được nào trong số chỉ tương ứng.

CHÚ THÍCH: Ngưỡng phân biệt có thể phụ thuộc vào, ví dụ nhiễu (trong hoặc ngoài) hoặc sự ma sát. Nó cũng có thể phụ thuộc vào giá trị của đại lượng đang được đo và tác dụng của thay đổi.

4.17. (5.13)

Dải chết

Khoảng cực đại trong đó giá trị của đại lượng đang được đo có thể thay đổi về cả hai phía mà không tạo nên sự thay đổi có thể nhận thấy được trong số chỉ tương ứng.

CHÚ THÍCH: Dải chết có thể phụ thuộc vào mức độ thay đổi.

4.18.

Giới hạn phát hiện

Giới hạn của sự phát hiện

Giá trị đại lượng đo được, nhận được bằng một thủ tục đo xác định, theo đó xác suất khẳng định sai sự không có mặt của thành phần trong vật liệu là β, ứng với xác suất khẳng định sai sự có mặt của nó là α.

CHÚ THÍCH 1: IUPAC khuyến nghị các giá trị mặc định với α và β là 0,05.

CHÚ THÍCH 2: Chữ viết tắt LOD đôi khi được sử dụng.

CHÚ THÍCH 3: Không nên dùng thuật ngữ “độ nhạy” cho ‘giới hạn phát hiện’.

4.19. (5.14)

Độ ổn định của phương tiện đo

Độ ổn định

Tính chất của phương tiện đo, nhờ đó các đặc trưng đo lường của nó duy trì không đổi theo thời gian.

CHÚ THÍCH: Độ ổn định có thể định lượng theo nhiều cách.

VÍ DỤ 1: Theo khoảng thời gian trong đó đặc trưng đo lường thay đổi một lượng nhất định.

VÍ DỤ 2: Theo sự thay đổi của đặc trưng trong một khoảng thời gian nhất định.

4.20. (5.25)

Độ chệch thiết bị

Trung bình của các số chỉ lặp lại trừ đi giá trị đại lượng quy chiếu

4.21. (5.16)

Độ trôi thiết bị

Sự thay đổi liên tục hoặc tăng lên theo thời gian của số chỉ, gây ra do những thay đổi trong tính chất đo lường của phương tiện đo.

CHÚ THÍCH: Độ trôi phương tiện không liên quan đến sự thay đổi trong đại lượng được đo cũng như sự thay đổi của bất kỳ đại lượng ảnh hưởng đã biết nào.

4.22.

Biến thiên do đại lượng ảnh hưởng

Sự khác nhau trong số chỉ đối với giá trị đại lượng đo được đã cho, hoặc trong các giá trị đại lượng được cung cấp bởi vật đọ, khi đại lượng ảnh hưởng nhận hai giá trị đại lượng khác nhau liên tiếp.

4.23. (5.17)

Khoảng thời gian đáp ứng
Khoảng thời gian giữa thời điểm khi giá trị đại lượng đầu vào của phương tiện đo hoặc hệ thống đo chịu sự thay đổi đột ngột giữa hai giá trị đại lượng không đổi đã quy định và thời điểm khi số chỉ tương ứng nằm trong giới hạn quy định quanh giá trị ổn định cuối cùng của nó.

4.24.

Độ không đảm bảo đo thiết bị

Thành phần độ không đảm bảo đo do phương tiện đo hoặc hệ thống đo tạo nên trong sử dụng.

CHÚ THÍCH 1: Độ không đảm bảo đo thiết bị nhận được thông qua việc hiệu chuẩn phương tiện đo hoặc hệ thống đo, trừ trường hợp đối với chuẩn đo lường đầu được sử dụng biện pháp khác.

CHÚ THÍCH 2: Độ không đảm bảo thiết bị được sử dụng trong đánh giá loại B độ không đảm bảo đo.

CHÚ THÍCH 3: Thông tin liên quan đến độ không đảm bảo đo thiết bị có thể được cho trong quy định kỹ thuật của thiết bị.

4.25. (5.19)

Cấp chính xác

Nhóm phương tiện đo hoặc hệ thống đo đáp ứng các yêu cầu đo lường quy định dự kiến để giữ cho sai số đo hoặc độ không đảm bảo đo thiết bị nằm trong giới hạn quy định trong các điều kiện vận hành xác định.

CHÚ THÍCH 1: Cấp chính xác thường được biểu thị bằng một số hoặc một ký hiệu được thừa nhận theo quy ước.

CHÚ THÍCH 2: Cấp chính xác áp dụng cho vật đọ.

4.26. (5.21)

Sai số đo cho phép lớn nhất

Sai số cho phép lớn nhất

Giới hạn sai số

Giá trị cực trị của sai số đo, đối với giá trị đại lượng quy chiếu đã biết, cho phép bằng yêu cầu kỹ thuật hoặc các quy định đối với phép đophương tiện đo hoặc hệ thống đo đã cho.

CHÚ THÍCH 1: Thường thuật ngữ “sai số cho phép lớn nhất” hoặc “giới hạn sai số” được sử dụng khi có hai giá trị cực trị.

CHÚ THÍCH 2: Không nên sử dụng thuật ngữ “dung sai” để chỉ ‘sai số cho phép lớn nhất’.

4.27. (5.22)

Sai số đo mốc

Sai số mốc

Sai số đo của phương tiện đo hoặc hệ thống đo tại một giá trị đại lượng đo được quy định.

4.28. (5.23)

Sai số điểm không

Sai số đo mốc trong đó giá trị đại lượng đo được quy định là số không.

CHÚ THÍCH: Không được nhầm lẫn sai số điểm không với việc không có sai số đo.

4.29.

Độ không đảm bảo đo điểm không

Độ không đảm bảo đo trong đó giá trị đại lượng đo được quy định là không.

CHÚ THÍCH 1: Độ không đảm bảo đo điểm không gắn với chỉ số không hoặc gần không và phủ một khoảng trong đó không biết được là đại lượng đo quá nhỏ để được phát hiện hoặc là số chỉ của phương tiện đo chỉ do tạp âm gây ra.

CHÚ THÍCH 2: Khái niệm ‘độ không đảm bảo đo điểm không’ cũng áp dụng khi có sự khác nhau giữa phép đo mẫu và phép đo không tải.

4.30.

Biểu đồ hiệu chuẩn

Sự thể hiện bằng biểu đồ mối quan hệ giữa số chỉ và kết quả đo tương ứng.

CHÚ THÍCH 1: Biểu đồ hiệu chuẩn là một dải của mặt phẳng được xác định bởi trục của số chỉ và trục của kết quả đo, thể hiện mối quan hệ giữa số chỉ và tập hợp các giá trị đại lượng đo được. Mối quan hệ một đến nhiều được cho, và độ rộng của dải đối với một số chỉ đã cho cung cấp độ không đảm bảo đo thiết bị.

CHÚ THÍCH 2: Sự thể hiện khác mối quan hệ bao gồm đường cong hiệu chuẩn và độ không đảm bảo đo kèm theo, bảng hiệu chuẩn, hoặc tập hợp các hàm.

CHÚ THÍCH 3: Khái niệm này liên quan tới hiệu chuẩn khi độ không đảm bảo đo thiết bị là lớn hơn so với độ không đảm đo kèm theo giá trị đại lượng của chuẩn đo lường.

4.31.

Đường cong hiệu chuẩn

Sự thể hiện mối quan hệ giữa số chỉ và giá trị đại lượng đo được tương ứng.

CHÚ THÍCH: Đường cong hiệu chuẩn thể hiện mối quan hệ một-một không cung cấp kết quả đo vì nó không mang thông tin về độ không đảm bảo đo.

5. Chuẩn đo lường

5.1. (6.1)

Chuẩn đo lường

Etalon

Sự thể hiện định nghĩa của đại lượng đã cho, với giá trị đại lượng được công bố và độ không đảm bảo đo kèm theo, dùng làm mốc quy chiếu.

VÍ DỤ 1: Chuẩn đo lường khối lượng 1 kg với độ không đảm bảo đo chuẩn kèm theo là 3 μg.

VÍ DỤ 2: Điện trở chuẩn đo lường 100 Ω với độ không đảm bảo đo chuẩn kèm theo là 1 μΩ.

VÍ DỤ 3: Chuẩn tần số Cesi với độ không đảm bảo đo chuẩn tương đối là 2 x 10-15.

VÍ DỤ 4: Điện cực mẫu hydro có giá trị đại lượng được ấn định là 7,072 và độ không đảm bảo đo chuẩn kèm theo là 0,006.

VÍ DỤ 5: Tập hợp các dung dịch mẫu cortisol trong huyết thanh người có giá trị đại lượng được chứng nhận với độ không đảm bảo đo của từng dung dịch.

VÍ DỤ 6: Mẫu chuẩn cung cấp các giá trị đại lượng với độ không đảm bảo đo cho nồng độ khối lượng của từng mẫu có protein khác nhau mười lần.

CHÚ THÍCH 1: “Việc thể hiện định nghĩa của đại lượng đã cho” có thể được cung cấp bằng hệ thống đo, vật đo hoặc mẫu chuẩn.

CHÚ THÍCH 2: Chuẩn đo lường thường được dùng làm mốc quy chiếu trong việc thiết lập giá trị đại lượng đo được và độ không đảm bảo đo kèm theo của các đại lượng khác cùng loạibằng cách đó thiết lập tính liên kết chuẩn đo lường thông qua việc hiệu chuẩn các chuẩn đo lường khác, phương tiện đo hoặc hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 3: Thuật ngữ “thể hiện” được dùng ở đây theo nghĩa chung nhất. Nó biểu thị ba thủ tục “thể hiện”. Thủ tục thứ nhất là sự thể hiện có tính chất vật lý đơn vị đo từ định nghĩa của nó và là sự thể hiện có tính chất tuyệt đối. Thứ hai, gọi là “tái tạo”, không bao hàm sự thể hiện đơn vị đo từ định nghĩa nhưng bằng sự thiết lập một chuẩn đo lường có khả năng tái tạo cao dựa trên cơ sở một hiện tượng vật lý, như đã xảy ra, ví dụ, trong trường hợp sử dụng laze ổn định tần số để thiết lập chuẩn đo lường cho mét, hiệu ứng Josephson cho vôn hoặc hiệu ứng lượng tử Hall cho ôm. Thủ tục thứ ba là việc chấp nhận một vật đọ làm chuẩn đo lường. Tiêu biểu trong trường hợp này là chuẩn đo lường 1 kg.

CHÚ THÍCH 4: Độ không đảm bảo đo chuẩn gắn với chuẩn đo lường luôn là một thành phần của độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp (xem ISO/IEC Guide 98-3:2008, 2.3.4) trong kết quả đo nhận được khi sử dụng chuẩn đo lường. Thường thành phần này là nhỏ so với các thành phần khác của độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp.

CHÚ THÍCH 5: Giá trị đại lượng và độ không đảm bảo đo phải được xác định tại thời điểm khi chuẩn đo lường được sử dụng.

CHÚ THÍCH 6: Một số đại lượng cùng loại hoặc khác loại có thể được thể hiện bằng một thiết bị cũng thường được gọi là chuẩn đo lường.

CHÚ THÍCH 7: Thuật ngữ “chuẩn đo lường” đôi khi cũng được dùng để chỉ các công cụ đo lường khác, ví dụ ‘chuẩn đo lường phần mềm’ (xem ISO 5436-2).

5.2. (6.2)

Chuẩn đo lường quốc tế

Chuẩn đo lường được công nhận bởi những bên ký vào thỏa thuận quốc tế và được sử dụng trên phạm vi toàn thế giới.

VÍ DỤ 1: Chuẩn gốc quốc tế của kilôgam.

VÍ DỤ 2: Chorionic gonadotropin, Tổ chức y tế thế giới (WHO) Tiêu chuẩn quốc tế lần 4, 1999, 75/589, 650 Đơn vị quốc tế trên ống.

VÍ DỤ 3: VSMOW2 (Nước đại lượng trung bình chuẩn Vienna) do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phân phối cho các phép có tỷ số lượng – chất đồng vị ổn định khác nhau.

5.3. (6.3)

Chuẩn đo lường quốc gia

Chuẩn quốc gia

Chuẩn đo lường được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền quốc gia để dùng trong một nước hoặc nền kinh tế như là cơ sở cho việc ấn định giá trị đại lượng cho các chuẩn đo lường khác của loại đại lượng có liên quan.

5.4. (6.4)

Chuẩn đo lường đầu

Chuẩn đầu

Chuẩn đo lường được thiết lập bằng cách sử dụng thủ tục đo quy chiếu đầu, hoặc được tạo thành như là một vật mẫu, được chọn lựa theo quy ước.

VÍ DỤ 1: Chuẩn đầu nồng độ lượng chất được chuẩn bị hòa tan lượng chất đã biết của một thành phần hóa học vào thể tích đã biết của dung dịch.

VÍ DỤ 2: Chuẩn đầu áp suất dựa trên cơ sở các phép đo riêng rẽ lực và diện tích.

VÍ DỤ 3: Chuẩn đầu của phép đo tỉ số lượng chất đồng vị, được chuẩn bị bằng cách trộn lượng chất đã biết của các đồng vị xác định.

VÍ DỤ 4: Bình điểm ba của nước là chuẩn đầu của nhiệt độ nhiệt động lực.

VÍ DỤ 5: Chuẩn gốc quốc tế của kilôgam là một vật mẫu, được chọn theo quy ước.

5.5. (6.5)

Chuẩn đo lường thứ

Chuẩn thứ

Chuẩn đo lường được thiết lập thông qua việc hiệu chuẩn so với chuẩn đầu của đại lượng cùng loại.

CHÚ THÍCH 1: Việc hiệu chuẩn có thể nhận được trực tiếp giữa chuẩn đầu và chuẩn thứ hoặc bao gồm hệ thống đo trung gian được hiệu chuẩn bằng chuẩn đầu và việc ấn định kết quả đo cho chuẩn thứ.

CHÚ THÍCH 2: Chuẩn đo lường mà giá trị đại lượng của nó được ấn định bằng thủ tục đo tỷ số quy chiếu đầu là chuẩn đo lường thứ.

5.6. (6.6)

Chuẩn đo lường chính

Chuẩn chính

Chuẩn đo lường được ấn định để hiệu chuẩn các chuẩn đo lường của đại lượng thuộc loại đã cho ở một tổ chức hoặc địa phương xác định.

5.7. (6.7)

Chuẩn đo lường công tác

Chuẩn công tác

Chuẩn đo lường được dùng thường xuyên để hiệu chuẩn hoặc kiểm định phương tiện đo hoặc hệ thống đo.

CHÚ THÍCH 1: Chuẩn đo lường công tác thường được hiệu chuẩn so với chuẩn đo lường chính.

CHÚ THÍCH 2: Liên quan đến kiểm định, thuật ngữ “chuẩn kiểm tra” hoặc “chuẩn kiểm soát” đôi khi cũng được sử dụng.

5.8. (6.9)

Chuẩn đo lường lưu động

Chuẩn lưu động

Chuẩn đo lường, đôi khi có cấu trúc đặc biệt, để vận chuyển giữa các địa điểm khác nhau.

VÍ DỤ: Chuẩn đo lường tần số cesi-133 xách tay hoạt động với acquy.

5.9. (6.8)

Thiết bị đo so sánh

Thiết bị so sánh

Thiết bị được dùng như một trung gian để so sánh các chuẩn đo lường.

CHÚ THÍCH: Đôi khi chuẩn đo lường được dùng như thiết bị so sánh.

5.10.

Chuẩn đo lường nội tại

Chuẩn nội tại

Chuẩn đo lường dựa trên tính chất vốn có và có thể tái tạo của một hiện tượng hoặc chất.

VÍ DỤ 1: Bình điểm ba của nước là chuẩn đo lường nội tại của nhiệt độ nhiệt động lực.

VÍ DỤ 2: Chuẩn đo lường nội tại của hiệu điện thế dựa trên cơ sở hiệu ứng Josephson.

VÍ DỤ 3: Chuẩn đo lường nội tại của điện trở dựa trên cơ sở hiệu ứng lượng tử Hall.

VÍ DỤ 4: Mẫu đồng đỏ là chuẩn đo lường nội tại của độ dẫn điện.

CHÚ THÍCH 1: Giá trị đại lượng của chuẩn đo lường nội tại được ấn định bằng sự đồng thuận và không cần phải thiết lập bằng sự liên hệ với chuẩn đo lường khác cùng loại. Độ không đảm bảo đo của nó được xác định bằng cách xem xét hai thành phần: thành phần thứ nhất gắn với giá trị đại lượng đồng thuận của nó và thành phần thứ hai gắn với cấu tạo, việc áp dụng và bảo trì.

CHÚ THÍCH 2: Chuẩn đo lường nội tại thường thường bao gồm một hệ thống được chế tạo theo các yêu cầu của thủ tục đồng thuận và phải kiểm định định kỳ. Thủ tục đồng thuận có thể bao gồm điều khoản về áp dụng các hiệu chính cần thiết khi thực hiện.

CHÚ THÍCH 3: Chuẩn đo lường nội tại dựa trên hiện tượng lượng tử thường có độ ổn định rất cao.

CHÚ THÍCH 4: Tính từ “nội tại” không có nghĩa là một chuẩn đo lường đó có thể được thực hiện và sử dụng mà không cần bảo dưỡng đặc biệt hoặc không bị ảnh hưởng bởi các tác động bên trong và bên ngoài.

5.11. (6.12)

Duy trì chuẩn đo lường

Tập hợp các hoạt động cần thiết để giữ cho các đặc trưng đo lường của chuẩn đo lường nằm trong giới hạn ấn định.

CHÚ THÍCH: Duy trì thường bao gồm việc kiểm định định kỳ các đặc trưng đo lường đã xác định hoặc hiệu chuẩn, bảo quản trong điều kiện thích hợp và bảo dưỡng quy định trong sử dụng.

5.12.

Thiết bị hiệu chuẩn

Chuẩn đo lường được dùng trong việc hiệu chuẩn.

CHÚ THÍCH: Thuật ngữ “thiết bị hiệu chuẩn” chỉ dùng trong lĩnh vực nhất định.

5.13. (6.13)

Mẫu chuẩn (RM)

Vật liệu, đủ đồng nhất và ổn định với mốc quy chiếu về các tính chất xác định, được thiết lập phù hợp với việc sử dụng đã định trong phép đo hoặc trong việc kiểm tra các tính chất danh nghĩa.

CHÚ THÍCH 1: Việc kiểm tra tính chất danh nghĩa cung cấp giá trị tính chất danh nghĩa và độ không đảm bảo kèm theo. Độ không đảm bảo này không phải là độ không đảm bảo đo.

CHÚ THÍCH 2: Mẫu chuẩn có hoặc không có các giá trị đại lượng được ấn định, có thể được dùng cho việc kiểm soát độ chụm đo khi chỉ mẫu chuẩn với các giá trị đại lượng được ấn định là có thể sử dụng cho việc hiệu chuẩn hoặc kiểm soát độ đúng đo.

CHÚ THÍCH 3: ‘Mẫu chuẩn’ bao gồm vật liệu thể hiện các đại lượng và cả các tính chất danh nghĩa.

VÍ DỤ 1: Ví dụ về mẫu chuẩn thể hiện các đại lượng:

a/ nước có độ tinh khiết quy định, độ nhớt động của nó dùng để hiệu chuẩn nhớt kế;

b/ huyết thanh người không có giá trị đại lượng được ấn định cho nồng độ lượng chất của cholesterol vốn có, chỉ dùng làm vật liệu kiểm soát độ chụm đo;

c/ mô cá chứa một tỉ suất khối lượng quy định của dioxin được dùng như là một thiết bị hiệu chuẩn.

VÍ DỤ 2: Ví dụ về mẫu chuẩn thể hiện các tính chất danh nghĩa:

a/ bảng màu cho một hoặc một số màu xác định;

b/ hợp chất DNA chứa một dãy nucleotide xác định;

c/ urine chứa 19 – androstenedione.

CHÚ THÍCH 4: Mẫu chuẩn đôi khi được kết hợp trong một thiết bị được chế tạo đặc biệt.

VÍ DỤ 1: Chất đã biết điểm ba trong bình điểm ba.

VÍ DỤ 2: Thấu kính có mật độ quang học đã biết trong bộ kính lọc.

VÍ DỤ 3: Quả cầu có kích thước đồng đều lắp trên bàn trượt kính hiển vi.

CHÚ THÍCH 5: Một số mẫu chuẩn có giá trị đại lượng được ấn định có thể liên kết về mặt đo lường tới đơn vị đo ngoài hệ đơn vị. Vật liệu như thế bao gồm các vắc-xin có Đơn vị Quốc tế (IU) đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ấn định.

CHÚ THÍCH 6: Trong phép đo đã cho, một mẫu chuẩn xác định chỉ có thể sử dụng cho việc hiệu chuẩn hoặc đảm bảo chất lượng.

CHÚ THÍCH 7: Quy định kỹ thuật của mẫu chuẩn cần bao gồm tính liên kết chuẩn vật liệu, chỉ ra nguồn gốc và quá trình xử lý (Accred. Qual. Assur: 2006)[45].

CHÚ THÍCH 8: ISO/REMCO có một định nghĩa tương tự [45] nhưng dùng thuật ngữ “quá trình đo” để chỉ ‘kiểm tra’ (TCVN 7782:2008, 3.4), bao gồm cả phép đo đại lượng và kiểm tra tính chất danh nghĩa.

5.14. (6.14)

Mẫu chuẩn được chứng nhận

CRM

Mẫu chuẩn, cùng với tài liệu được công bố bởi cơ quan có thẩm quyền và cung cấp một hay một số giá trị tính chất xác định với độ không đảm bảo kèm theo và tính liên kết chuẩn, sử dụng các thủ tục có hiệu lực.

VÍ DỤ: Huyết thanh người với giá trị được ấn định cho nồng độ cholesterol và độ không đảm bảo đo kèm theo được công bố trong giấy chứng nhận đi kèm, được sử dụng như là một thiết bị hiệu chuẩn hoặc vật liệu kiểm soát độ đúng đo.

CHÚ THÍCH 1: ‘Tài liệu’ được cho dưới dạng ‘giấy chứng nhận’ (xem TCVN 7962:2008).

CHÚ THÍCH 2: Thủ tục để sản xuất và chứng nhận mẫu chuẩn được chứng nhận được cho, ví dụ, trong TCVN 7366:2003 và TCVN:2009.

CHÚ THÍCH 3: Trong định nghĩa này “độ không đảm bảo” bao gồm cả ‘độ không đảm bảo đo’ và ‘độ không đảm bảo gắn với giá trị của tính chất danh nghĩa’ như nhận biết và trình tự. “Tính liên kết chuẩn” bao gồm ‘tính liên kết chuẩn đo lường của giá trị tính chất danh nghĩa’.

CHÚ THÍCH 4: Các giá trị đại lượng cụ thể của CRM yêu cầu tính liên kết chuẩn đo lường với độ không đảm bảo đo kèm theo (Accred. Qual. Assur.:2006)[45].

CHÚ THÍCH 5: ISO/REMCO có một định nghĩa tương tự (Accred. Qual. Assur.:2006)[45] nhưng dùng từ bổ nghĩa ‘metrological’ và ‘metrologicaly’ để chỉ cả hai tính chất định lượng và tính chất danh nghĩa.

5.15.

Tính chuyển đổi của mẫu chuẩn

Tính chất của mẫu chuẩn, thể hiện bằng sự gần nhau của mối quan hệ giữa các kết quả đo đối với đại lượng đã ấn định trong vật liệu này, nhận được theo hai thủ tục đã cho, và mối quan hệ nhận được giữa các kết quả đo đối với các vật liệu quy định khác.

CHÚ THÍCH 1: Mẫu chuẩn đang nói tới thường là thiết bị hiệu chuẩn và vật liệu xác định khác thường là các mẫu thử thường xuyên.

CHÚ THÍCH 2: Thủ tục đo nhắc tới trong định nghĩa, một là thủ tục đo ở trước và một là thủ tục đo ở tiếp sau mẫu chuẩn (thiết bị hiệu chuẩn) đang nói tới trong sơ đồ hiệu chuẩn (xem ISO 17511).

CHÚ THÍCH 3: Độ ổn định của mẫu chuẩn có thể suy giảm được kiểm tra đều đặn.

5.16.

Số liệu tra cứu

Số liệu liên quan tới tính chất của hiện tượng, vật thể, hoặc chất, hoặc liên quan tới hệ thống các thành phần của hợp chất hoặc cấu trúc đã biết, nhận được từ một nguồn xác định, được đánh giá một cách cẩn thận, và kiểm tra về độ chính xác.

VÍ DỤ: Số liệu tra cứu về độ hòa tan của các hợp chất hóa học do IUPAC công bố.

CHÚ THÍCH: Trong định nghĩa này, độ chính xác bao gồm, ví dụ, độ chính xác đo và ‘độ chính xác của giá trị tính chất danh nghĩa’.

5.17.

Số liệu tra cứu tiêu chuẩn

Số liệu tra cứu do một tổ chức có thẩm quyền được công nhận công bố.

VÍ DỤ 1: Giá trị các hằng số vật lý cơ bản do ICSU CODATA đánh giá và công bố đều đặn.

VÍ DỤ 2: Giá trị khối lượng nguyên tử tương đối, cũng gọi là giá trị trọng lượng nguyên tử, của các nguyên tố, được đánh giá hai năm một lần bởi IUPAC-CIAAW tại Hội đồng chung của IUPAC và được công bố trong Pure Appl. Chem. hoặc trong J.Phys. Chem. Ref. Data.

5.18.

Giá trị đại lượng quy chiếu

Giá trị quy chiếu

Giá trị đại lượng dùng làm cơ sở để so sánh với giá trị các đại lượng cùng loại.

CHÚ THÍCH 1: Giá trị đại lượng quy chiếu có thể là giá trị đại lượng thực của đại lượng đo, trong trường hợp chưa được biết, hoặc giá trị đại lượng quy ước, trong trường hợp đã biết.

CHÚ THÍCH 2: Giá trị quy chiếu với độ không đảm bảo đo kèm theo thường được cung cấp với sự quy chiếu về

a) một vật liệu, ví dụ mẫu chuẩn được chứng nhận,

b) một thiết bị, ví dụ nguồn laze ổn định.

c) thủ tục đo quy chiếu,

d) sự so sánh của chuẩn đo lường.

 

PHỤ LỤC A

(tham khảo)

SƠ ĐỒ KHÁI NIỆM

Mười hai sơ đồ khái niệm trong Phụ lục này nhằm mục đích cung cấp:

– sự trình bày có tính chất trực giác về mối quan hệ giữa các khái niệm được định nghĩa và đặt tên trong các điều trước;

– khả năng để kiểm tra xem các định nghĩa có đưa ra các mối quan hệ đầy đủ hay không;

– cơ sở để xác định các khái niệm cần thiết khác;

– kiểm tra tính hệ thống đầy đủ của các thuật ngữ.

Tuy nhiên, cần nhắc lại là, một khái niệm đã cho có thể được mô tả bằng nhiều đặc trưng và chỉ các đặc trưng có tính chất giới hạn đặc biệt được bao gồm trong định nghĩa.

Diện tích sử dụng được trên một trang giới hạn số lượng các khái niệm có thể trình bày một cách dễ đọc, nhưng về nguyên tắc tất cả các sơ đồ gắn bó mật thiết với nhau như chỉ ra trong từng sơ đồ bằng hoặc đơn quy chiếu về các sơ đồ khác.

Có ba loại mối quan hệ được sử dụng như định nghĩa trong ISO 704 và ISO 1087-1. Hai mối quan hệ là hệ thống thứ bậc, nghĩa là có khái niệm trên và khái niệm dưới, mối quan hệ thứ ba là hệ thống không thứ bậc.

Mối quan hệ chung thứ bậc (hoặc mối quan hệ chung-riêng) nối khái niệm chung và khái niệm riêng; khái niệm sau thừa hưởng tất cả các đặc trưng của khái niệm trước. Các sơ đồ chỉ ra mối quan hệ như thế giống một cành cây,

trong đó nhánh ngắn với ba chấm cho biết có một hoặc một số khái niệm riêng tồn tại, nhưng không được trình bày và đường đậm đầu của một cành cây chỉ ra khía cạnh thuật ngữ riêng biệt. Ví dụ,

trong đó khái niệm thứ ba có thể là ‘đơn vị ngoài hệ’.

Mối quan hệ bộ phận (hoặc mối quan hệ bộ phận – toàn thể) cũng là có tính thứ bậc và nối một khái niệm bao quát với hai hoặc nhiều các khái niệm bộ phận, chúng kết hợp với nhau tạo thành khái niệm tổng quát. Sơ đồ chỉ ra các mối quan hệ này như dạng cái cào hoặc côngxôn và đường liên tục sau đó không có nhánh có nghĩa là một hoặc một số khái niệm bộ phận khác nữa không được đề cập.

Đường kép gần nhau có biết một vài khái niệm bộ phận thuộc một loại đã cho được đề cập tới và đường đứt đoạn chỉ ra số lớn khái niệm như thế là không biết chắc chắn. Ví dụ,

Thuật ngữ có ngoặc đơn cho biết khái niệm không được định nghĩa trong tiêu chuẩn, nhưng được đưa ra như là một khái niệm nguyên thủy thừa nhận có sự hiểu biết chung.

Mối quan hệ liên kết (hoặc mối quan hệ thực dụng) là không có thứ bậc và nối hai khái niệm trong một vài loại của mối quan hệ kết hợp. Có nhiều phân loại của mối quan hệ kết hợp, nhưng tất cả được chỉ ra bằng mũi tên hai đầu. Ví dụ,

Để tránh những sơ đồ quá phức tạp, sơ đồ không chỉ ra tất cả các mối quan hệ kết hợp có thể có. Các sơ đồ sẽ chứng minh rằng các thuật ngữ dẫn xuất hoàn toàn có tính hệ thống đã không được tạo thành, thường bởi vì đo lường học là một lĩnh vực khoa học lâu đời với từ vựng được phát triển một cách tự nhiên bằng sự bổ sung thêm vào hơn là một cấu trúc đầy đủ và rõ ràng.

Hình A.1 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 1 xung quanh “đại lượng”

Hình A.2 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 1 xung quanh “đơn vị đo”

Hình A.3 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 2 xung quanh “phép đo”

Hình A.4 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 2 xung quanh “giá trị đại lượng”

Hình A.5 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 2 xung quanh “độ chụm đo”

Hình A.6 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 2 xung quanh “độ không đảm bảo đo”

Hình A.7 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 2 xung quanh “hiệu chuẩn”

Hình A.8 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 2 xung quanh “giá trị đại lượng đo được”

Hình A.9 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 3 xung quanh “hệ thống đo”

Hình A.10– Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 4 xung quanh “đặc trưng đo lường của phương tiện đo hoặc hệ thống đo”

Hình A.11 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 4 xung quanh “điều kiện vận hành”

Hình A.12 – Sơ đồ khái niệm cho bộ phận của điều 5 xung quanh “chuẩn đo lường”

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] TCVN 6398-0:1998 1), Đại lượng và đơn vị – Phần 0: Nguyên tắc chung

[2] TCVN 6398-5 2), Đại lượng và đơn vị – Phần 5: Điện và từ

[3] TCVN 6398-6 3), Đại lượng và đơn vị – Phần 6: Ánh sáng và bức xạ điện từ liên quan

[4] TCVN 6398-6 4), Đại lượng và đơn vị – Phần 8: Hóa lý và vật lý phân tử.

[5] TCVN 6398-9 5), Đại lượng và đơn vị – Phần 9: Vật lý nguyên tử và hạt nhân

[6] TCVN 6398-10 6), Đại lượng và đơn vị –  Phần 10: Phản ánh hạt nhân và bức xạ ion hóa

[7] TCVN 6398-12 7), Đại lượng và đơn vị – Phần 11: Dấu và ký hiệu toán học dùng trong khoa học vật lý và công nghệ

[8] TCVN 6398-12 8), Đại lượng và đơn vị – Phần 12: Số đặc trưng

[9] TCVN 6398-13 9), Đại lượng và đơn vị – Phần 13: Vật lý chất rắn

[10] ISO 704:2000, Thuật ngữ học – Nguyên tắc và phương pháp.

[11] TCVN 7783:2008, Đơn vị SI và khuyến nghị sử dụng các bội của chúng và một số đơn vị khác.

[12] ISO 1087-1:2000, Thuật ngữ học – Từ vựng – Phần 1: Lý thuyết và áp dụng.

[13] TCVN 8244-1, Thống kê học – Từ vựng và ký hiệu – Phần 1: Thuật ngữ thống kê chung và thuật ngữ dùng trong xác suất

[14] ISO 5436-2, Thông số kỹ thuật hình học của sản phẩm – Kết cấu bề mặt: Phương pháp profin; Chuẩn đo lường – Phần 2: Chuẩn đo lường phần mềm.

[15] TCVN 6910-1:2001, Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo – Phần 1: Nguyên tắc chung và định nghĩa.

[16] TCVN 6910-2:2001, Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo – Phần 2: Phương pháp cơ bản xác định độ lặp lại và độ tái lập của phương pháp đo tiêu chuẩn.

[17] TCVN 6910-3:2001, Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo – Phần 3: Thước đo trung gian độ chụm của phương pháp đo tiêu chuẩn.

[18] TCVN 6910-4:2001, Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo – Phần 4: Phương pháp cơ bản xác định độ đúng của phương pháp đo tiêu chuẩn.

[19] TCVN 6910-5:2002, Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo – Phần 5: Phương pháp khác xác định độ chụm của phương pháp đo tiêu chuẩn.

[20] TCVN 6910-6:2002, Độ chính xác (độ đúng và và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo – Phần 6: Sử dụng giá trị độ chính xác trong thực tế.

[21] TCVN ISO 9000:2005, Hệ thống quản lý chất lượng – Cơ sở và từ vựng

[22] TCVN ISO 10012, Hệ thống quản lý đo lường – Yêu cầu đối với quá trình đo và thiết bị đo.

[23] ISO 10241:1992, Tiêu chuẩn thuật ngữ quốc tế – Chuẩn bị và trình bày.

[24] ISO 13528, Phương pháp thống kê sử dụng trong thử nghiệm thành thạo bằng so sánh liên phòng.

[25] TCVN 7782:2008, Phòng thí nghiệm y tế – Yêu cầu cụ thể về chất lượng và năng lực.

[26] ISO 17511, Thiết bị y học chẩn đoán trong ống nghiệm – Phép đo các đại lượng trong mẫu sinh học – Liên kết chuẩn đo lường của giá trị được ấn định cho thiết bị hiệu chuẩn và vật liệu kiểm tra.

[27] ISO/TS 21748, Hướng dẫn sử dụng ước lượng của độ lặp lại, độ tái lập và độ đúng trong việc ước lượng độ không đảm bảo đo.

[28] ISO/TS 21749, Độ không đảm bảo đo đối với việc áp dụng có tính chất đo lường – Phép đo lặp lại và thực nghiệm xếp chồng.

[29] TCVN 7870-3, Đại lượng và đơn vị – Phần 3: Không gian và thời gian.

[30] TCVN 7870-4, Đại lượng và đơn vị – Phần 4: Cơ học.

[31] TCVN 7870-5, Đại lượng và đơn vị – Phần 5: Nhiệt động lực học.

[32] TCVN 7870-8, Đại lượng và đơn vị – Phần 8: Âm học.

[33] TCVN 7962:2008, Mẫu chuẩn – Nội dung của giấy chứng nhận và nhãn.

[34] TCVN 7366:2003, Yêu cầu chung về năng lực của nhà sản xuất mẫu chuẩn.

[35] TCVN 8245:2009, Mẫu chuẩn – Nguyên tắc chung và nguyên tắc thống kê đối với việc chứng nhận.

[36] ISO/IEC Guide 98-3:2008, Độ không đảm bảo của phép đo – Phần 3: Hướng dẫn trình bày độ không đảm bảo trong phép đo (GUM:1995).

[37] ISO/IEC Guide 98-3:2008/Suppl.1, Độ không đảm bảo của phép đo – Phần 3: Hướng dẫn trình bày độ không đảm bảo trong phép đo (GUM:1995) – Phần bổ sung 1: Lan truyền phân bố sử dụng phương pháp Monte Carlo.

[38] IEC 60027-2:2005, Ký hiệu bằng chữ sử dụng trong công nghệ điện – Phần 2: Truyền thông và điện tử.

[39] IEC 60050-300:2001, Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế – Phép đo điện và điện tử và phương tiện đo- Phần 311 Thuật ngữ chung liên quan đến phép đo – Phần 312: Thuật ngữ chung liên quan đến phép đo điện – Phần 313: Các loại phương tiện đo điện – Phần 314: Thuật ngữ riêng theo loại phương tiện.

[40] IEC 60359:2001, Ed. 3.0, Thiết bị đo điện và điện tử – Trình bày tính năng.

[41] IEC 80000-13, Đại lượng và đơn vị – Phần 13: Khoa học và công nghệ thông tin.

[42] BIPM: Hệ đơn vị quốc tế (SI), xuất bản lần thứ 8 năm 2006.

[43] BIPM, Ban tư vấn về lượng chất (CCQM) – Hội nghị lần thứ 5 (2/1999).

[44] Các giá trị khuyến nghị của CODATA về các hằng số vật lý cơ bản: 2002.

[45] EMONS,H.,FAJGELJ, A.,VANDER VEEN, A.M.H và WATTERS, R. Định nghĩa mới về mẫu chuẩn.

[46] Hướng dẫn trình bày độ không đảm bảo trong phép đo (1993, bổ sung 1995) (ISO công bố nhân danh BIPM, IEC, IFCC, IUPAC, IUPAP, và OlML).

[47] IFCC-IUPAC: Khuyến nghị đã được phê duyệt (1978): Đại lượng và đơn vị trong hóa học lâm sàng.

[48] ILAC P-10 (2002), Chính sách của ILAC về liên kết chuẩn của kết quả đo.

[49] Thành phần đồng vị của các nguyên tố, 2001, J.Phys. Chem. Ref. Data., 34, 2005, phương pháp.57-67.

[50] IUPAP-25: Sách về ký hiệu, đơn vị, thuật ngữ và các hằng số cơ bản. Tài liệu IUPAP-25, E>R> Cohen và Giacomo, Physica 146A, 1987, pp.1-681).

[51] IUPAC: Đại lượng, đơn vị và ký hiệu trong hóa lý (1993, 2007).

[52] IUPAC, Pure Appl. Chem., 75, 2003, pp. 1107-1122.

[53] OIML V1:2000, Từ vựng quốc tế về các thuật ngữ trong đo lường pháp định (VIML).

[54] WHO 75/589, Chorionic gonadotropin, người, 1999.

[55] WHO 80/552, Luteinzing hormone, người, pituitary, 1988.

  Các chữ viết tắt
BIPM Viện cân đo quốc tế
CCQM Ban tư vấn về lượng chất – Đo lường trong hóa học
CGPM Hội nghị cân đo toàn thể
CODATA Ủy ban về số liệu cho khoa học và công nghệ
GUM Hướng dẫn trình bày độ không đảm bảo đo
IAEA Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế
ICSU Hội đồng khoa học quốc tế
IEC Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế
IFCC Liên đoàn quốc tế về hóa học lâm sàng và phòng thí nghiệm y học
ILAC Tổ chức công nhận phòng thí nghiệm quốc tế
ISO Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế
ISO/REMCO Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế – Ban mẫu chuẩn
IUPAC Hiệp hội quốc tế về hóa học tinh khiết và hóa học ứng dụng
IUPAC/CIAAW Hiệp hội quốc tế về hóa học tinh khiết và hóa học ứng dụng – Ủy ban về độ giàu đồng vị và trọng lượng nguyên tử
IUPAP Hiệp hội quốc tế về vật lý thuần túy và vật lý ứng dụng
JCGM Ủy ban phối hợp chung về các hướng dẫn trong đo lường học
JCGM/WG 1 Ủy ban phối hợp chung về các hướng dẫn trong đo lường học – Nhóm công tác 1 về GUM
JCGM/WG 2 Ủy ban phối hợp chung về các hướng dẫn trong đo lường học – Nhóm công tác 2 về VIM
OIML Tổ chức đo lường pháp định quốc tế
VIM, phiên bản 2 Từ vựng quốc tế về thuật ngữ chung và cơ bản trong đo lường học (1993)
VIM, phiên bản 3 Từ vựng quốc tế về đo lường học – VIM, 3rd Khái niệm, thuật ngữ chung và cơ edition bản.

 

Chỉ mục theo bảng chữ cái

B

Biến thiên do đại lượng ảnh hưởng 4.22

Biểu đồ hiệu chuẩn 4.30

Bộ cảm biến 3.8

Bộ chuyển đổi đo 3.7

Bộ dò 3.9

C

Cấp chính xác 4.25

Chuẩn đo lường 5.1

Chuẩn đo lường chính 5.6

Chuẩn đo lường công tác 5.7

Chuẩn đo lường đầu 5.4

Chuẩn đo lường lưu động 5.8

Chuẩn đo lường nội tại 5.10

Chuẩn đo lường quốc gia 5.3

Chuẩn đo lường quốc tế 5.2

Chuẩn đo lường thứ 5.5

Chuỗi đo 3.10

Chuỗi liên kết chuẩn đo lường 2.42

D

Duy trì chuẩn đo lường 5.11

Đ

Đại lượng ảnh hưởng 2.52

Đại lượng cơ bản 1.4

Đại lượng dẫn xuất 1.5

Đại lượng đầu ra trong mô hình đo 2.51

Đại lượng đầu vào trong mô hình đo 2.50

Đại lượng đo 2.3

Đại lượng thứ nguyên một 1.8

Đại lượng thứ tự 1.26

Đại lượng 1.1

Đánh giá loại A của độ không đảm bảo đo 2.28

Đánh giá loại B của độ không đảm bảo đo 2.29

Điều kiện chụm trung gian của phép đo 2.22

Điều kiện lặp lại của phép đo 2.20

Điều kiện tái lập của phép đo 2.24

Điều kiện vận hành giới hạn 4.10

Điều kiện vận hành trạng thái ổn định 4.8

Điều kiện vận hành quy chiếu 4.11

Điều kiện vận hành quy định 4.9

Độ chệch đo 2.18

Độ chệch thiết bị 4.20

Độ chính xác đo 2.13

Độ chọn lọc của hệ thống đo 4.13

Độ chụm đo 2.15

Độ chụm đo trung gian 2.23

Độ đúng đo 2.14

Độ không đảm bảo định nghĩa 2.27

Độ không đảm bảo đo 2.26

Độ không đảm bảo đo chuẩn 2.30

Độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp 2.31

Độ không đảm bảo đo chuẩn 2.32

Độ không đảm bảo đo điểm không 4.29

Độ không đảm bảo đo mở rộng 2.35

Độ không đảm bảo đo mục tiêu 2.34

Độ không đảm bảo đo thiết bị 4.24

Độ lặp lại đo 2.21

Đo lường học 2.2

Độ nhạy của hệ thống đo 4.12

Độ ổn định của phương tiện đo 4.19

Độ phân giải 4.14

Độ phân giải của thiết bị hiển thị 4.15

Độ tái lập đo 2.25

Độ trôi thiết bị 4.21

Đơn vị bội 1.17

Đơn vị cơ bản 1.10

Đơn vị dẫn xuất 1.11

Đơn vị dẫn xuất nhất quán 1.12

Đơn vị đo 1.9

Đơn vị đo ngoài hệ 1.15

Đơn vị ước 1.18

Đường cong hiệu chuẩn 4.31

G

Giá trị đại lượng 1.19

Giá trị đại lượng danh nghĩa 4.6

Giá trị đại lượng đo được 2.10

Giá trị đại lượng quy chiếu 5.18

Giá trị đại lượng quy ước 2.12

Giá trị đại lượng thực 2.11

Giới hạn phát hiện 4.18

H

Hàm đo lường 2.49

Hệ đại lượng quốc tế 1.6

Hệ đại lượng 1.3

Hệ đơn vị 1.13

Hệ đơn vị nhất quán 1.14

Hệ đơn vị quốc tế 1.16

Hệ số chuyển đổi giữa các đơn vị 1.24

Hệ số phủ 2.38

Hệ thống đo 3.2

Hiệu chính 2.53

Hiệu chỉnh điểm không của hệ thống đo 3.12

Hiệu chỉnh hệ thống đo 3.11

Hiệu chuẩn 2.39

K

Kết quả đo 2.9

Khoảng đo 4.7

Khoảng phủ 2.36

Khoảng số chỉ 4.3

Khoảng số chỉ danh nghĩa 4.4

Kiểm định 2.44

L

Liên kết chuẩn đo lường 2.41

Liên kết chuẩn đo lường đến đơn vị đo 2.43

Loại đại lượng 1.2

M

Mẫu chuẩn (RM) 5.13

Mẫu chuẩn được chứng nhận 5.14

Mô hình đo 2.48

N

Ngưỡng phân biệt 4.16

Nguyên lý đo 2.4

P

Phạm vi khoảng số chỉ danh nghĩa 4.5

Phép đo 2.1

Phép tính đại lượng 1.21

Phương pháp đo 2.5

Phương tiện đo 3.1

Phương tiện đo chỉ thị 3.3

Phương tiện đo hiển thị 3.4

Phương trình đại lượng 1.22

Phương trình đơn vị 1.23

Phương trình trị số 1.25

S

Sai số điểm không 4.28

Sai số đo 2.16

Sai số đo cho phép lớn nhất 4.26

Sai số đo mốc 4.27

Sai số đo hệ thống 2.17

Sai số đo ngẫu nhiên 2.19

Số chỉ 4.1

Số chỉ không tải 4.2

Sơ đồ hiệu chuẩn 2.40

Số liệu tra cứu 5.16

Số liệu tra cứu chuẩn 5.17

T

Thang đo của phương tiện đo hiển thị 3.5

Thang giá trị – đại lượng 1.27

Thang giá trị – đại lượng thứ tự 1.28

Thang quy chiếu quy ước 1.29

Thiết bị đo so sánh 5.9

Thiết bị hiệu chuẩn 5.12

Khoảng thời gian hưởng ứng 4.23

Thứ nguyên đại lượng 1.7

Thủ tục đo 2.6

Thủ tục đo quy chiếu 2.7

Thủ tục đo quy chiếu đầu 2.8

Bảng thành phần độ không đảm bảo 2.33

Tính chất danh nghĩa 1.30

Tính chuyển đổi của mẫu chuẩn 5.15

Tính so sánh đo lường của kết quả đo 2.46

Tính tương thích đo lường của kết quả đo 2.47

V

Vật đọ 3.6

Dải chết 4.17

X

Xác nhận giá trị sử dụng 2.45

Xác suất phủ 2.37

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Lời giới thiệu

Quy ước

Phạm vi áp dụng

1. Đại lượng và đơn vị

2. Phép đo

3. Thiết bị đo

4. Đặc trưng của thiết bị đo

5. Chuẩn đo lường

Phụ lục A (tham khảo) Sơ đồ khái niệm

Thư mục tài liệu tham khảo

Danh mục từ viết tắt

Chỉ mục theo bảng chữ cái

 


1) Được soát xét thành ISO 80000-1, Đại lượng và đơn vị – Phần 1: Quy định chung.

2) Được soát xét thành IEC 80000-6, Đại lượng và đơn vị – Phần 6: Điện từ.

3) Được soát xét và chấp nhận thành TCVN 7870-7, Đại lượng và đơn vị – Phần 7: Ánh sáng.

4) Được soát xét thành ISO 80000-9, Đại lượng và đơn vị – Phần 9: Hóa lý và vật lý phân tử.
5) Được soát xét thành ISO 80000-10, Đại lượng và đơn vị – Phần 10: Vật lý nguyên tử và hạt nhân.

6) Được soát xét thành ISO 80000-10, Đại lượng và đơn vị – Phần 10: Vật lý nguyên tử và hạt nhân.

7) Được soát xét thành ISO 80000-2, Đại lượng và đơn vị – Phần 2: Dấu và ký hiệu toán học dùng trong khoa học tự nhiên và công nghệ.

8) Được soát xét và chấp nhận thành TCVN 7870-11, Đại lượng và đơn vị – Phần 1: Số đặc trưng.

9) Được soát xét thành ISO 80000-12, Đại lượng và đơn vị – Phần 12: Vật lý chất rắn.

1) Được xem xét và xuất bản trên web

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6165:2009 (ISO/IEC GUIDE 99:2007) VỀ TỪ VỰNG QUỐC TẾ VỀ ĐO LƯỜNG HỌC – KHÁI NIỆM, THUẬT NGỮ CHUNG VÀ CƠ BẢN (VIM)
Số, ký hiệu văn bản TCVN6165:2009 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản