TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6276:2003/SĐ2:2005 VỀ QUY PHẠM CÁC HỆ THỐNG NGĂN NGỪA Ô NHIỄM BIỂN CỦA TÀU
SỬA ĐỔI 2:2005
QUY PHẠM CÁC HỆ THỐNG NGĂN NGỪA Ô NHIỄM BIỂN CỦA TÀU
Rules for Marine Pollution Prevention Systems of Ships
Lời nói đầu
Sửa đổi 2:2005 cập nhật những quy định, chỉ tiêu và yêu cầu trong năm 2005 cho TCVN 6276:2003.
Sửa đổi 2:2005 biên soạn dựa trên các Thông báo sửa đổi năm 2004 về hệ thống Quy phạm của Đăng kiểm NK (Nhật bản) Nghị định thư của IMO về công ước Quốc tế Mạn khô-66, các Công ước, quy ước quốc tế và khu vực có liên quan.
Sửa đổi 2:2005 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC8 Đóng tàu và Công trình biển phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
QUY PHẠM CÁC HỆ THỐNG NGĂN NGỪA Ô NHIỄM BIỂN CỦA TÀU
Rules for Marine Pollution Prevention Systems of Ships
Phần 2
KIỂM TRA
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Tiểu mục -1 của 1.3.2 được bổ sung sửa đổi như sau:
1.3. Kiểm tra xác nhận các Giấy chứng nhận
1.3.2. Các giấy chứng nhận và hồ sơ khác
1. Lúc kiểm tra, các Giấy chứng nhận và hồ sơ sau đây phải được trình cho Đăng kiểm viên để xác nhận rằng các Giấy chứng nhận và hồ sơ này là phù hợp và được lưu giữ thường trực ở trên tàu (trừ các tàu được lai dắt không có người trực). Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra bất thường thì việc trình các Giấy chứng nhận và hồ sơ cho Đăng kiểm viên có thể được giới hạn đối với các giấy tờ có liên quan.
(1) Giấy chứng nhận của thiết bị phân ly dầu – nước, hệ thống lọc dầu, thiết bị xử lý, thiết bị đo hàm lượng dầu và thiết bị xác định ranh giới dầu/nước,v.v… khi Đăng kiểm thấy cần thiết.
(2) Tài liệu hướng dẫn quy trình và trang thiết bị của hệ thống rửa bằng dầu thô đã được duyệt.
(3) Tài liệu hướng dẫn thao tác hệ thống ghi và kiểm soát việc xả dầu đã được duyệt.
(4) Tài liệu hướng dẫn làm hàng và số liệu về ổn định tai nạn đã được duyệt.
(5) Tài liệu hướng dẫn khai thác và bảo hành đối với hệ thống lọc dầu ( trừ các tàu đang trong giai đoạn đóng mới trước ngày 1/7/2006)
(6) Tài liệu hướng dẫn sử dụng két nước dằn sạch.
(7) Tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống phân dòng chảy.
(8) Tài liệu hướng dẫn sử dụng dằn đặc biệt.
(9) Sổ ghi chép của hệ thống lọc dầu (trừ khi kiểm tra đăng ký và các tàu đang trong giai đoạn đóng mới trước ngày 1/7/2006).
(10) Sổ ghi chép số liệu của hệ thống ghi và kiểm soát việc xả dầu (trừ khi kiểm tra đăng ký).
(11) Tài liệu hướng dẫn quy trình và trang thiết bị đối với việc xả các chất lỏng độc hại đã được duyệt.
(12) Sổ nhật ký làm hàng.
(13) Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu (SOPEP)
(14) Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm biển của tàu do các chất lỏng độc hại gây ra (SMPEP)
Chương 2
KIỂM TRA LẦN ĐẦU
2.1. Kiểm tra lần đầu trong quá trình chế tạo
2.1.3. Kiểm tra kết cấu và thiết bị
Tiểu mục -1(1) (c) được sửa đổi như sau:
(c) Kiểm tra để đảm bảo thỏa mãn những yêu cầu về hoạt động của các thiết bị ghi và chỉ báo được lắp đặt vào hệ thống ghi và kiểm soát việc xả dầu hoặc hệ thống lọc dầu.
Tiểu mục -2(3) (b)i) được sửa đổi như sau:
(i) Đảm bảo rằng hệ thống ghi và kiểm soát việc thải dầu ( bao gồm các thiết bị tự động được lắp đặt cho các bộ phận ngừng thải, hệ thống lấy mẫu, hệ thống khóa liên động khởi động, độ nhạy thời gian của thiết bị đo hàm lượng dầu (không quá 20 giây ) và độ chính xác của lưu lượng kế ( không quá ±15% lưu lượng thực tế)) trong trạng thái làm việc tốt. Tuy nhiên, việc xác nhận hoạt động có thể được thực hiện bằng việc thử giả định theo trạng thái làm việc hoặc các phương pháp tương đương khác.
Chương 3
KIỂM TRA CHU KỲ
3.1. Kiểm tra hàng năm
3.1.2. Kiểm tra kết cấu và thiết bị
Tiểu mục -1(1)(d) được bổ sung như sau:
1. Công việc kiểm tra sau đây phải được tiến hành đối với thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu từ buồng máy của tất cả các tàu:
(1) Hệ thống kiểm soát xả nước đáy tàu nhiễm dầu từ buồng máy.
(d) Kiểm tra để đảm bảo sự hoạt động thỏa mãn của các thiết bị chỉ báo và ghi của hệ thống ghi và kiểm soát việc xả dầu hoặc hệ thống lọc dầu, và các vật tư cần thiết với số lượng đủ dùng cho thiết bị ghi.
3.2. Kiểm tra trung gian
3.2.2. Kiểm tra kết cấu và thiết bị
Tiểu mục -2(2)(a) được bổ sung sửa đổi như sau:
2. Phải tiến hành kiểm tra theo các hạng mục dưới đây đối với các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu chở xô trên các tàu dầu, bổ sung vào các hạng mục kiểm tra quy định ở 3.1.2-2 của Phần này:
(2) Kiểm tra thiết bị ghi và kiểm soát việc xả dầu và hệ thống đường ống có liên quan:
(a) Kiểm tra để xác nhận rằng các hệ thống ghi và kiểm soát việc xả dầu ( bao gồm các thiết bị ngừng thải tự động hoặc bằng tay, hệ thống lấy mẫu, hệ thống khóa liên động khởi động, độ nhạy thời gian của thiết bị đo hàm lượng dầu ( không quá 20 giây)) là thỏa mãn, và trong trạng thái làm việc tốt. Tuy nhiên, việc xác nhận chức năng có thể được thực hiện bằng thử giả định theo trạng thái làm việc hoặc bằng các phương pháp tương đương khác.
3.3. Kiểm tra định kỳ
3.3.2. Kiểm tra kết cấu và thiết bị
Tiểu mục -2(3) được bổ sung như sau:
2. Công việc kiểm tra sau đây phải được tiến hành thêm vào các hạng mục kiểm tra được nêu ở 3.2.2-2 của Phần này đối với các thiết bị để ngăn ngừa ô nhiễm do dầu chở xô trên các tàu dầu gây ra.
(3) Giữ dầu lại trên tàu
Kiểm tra để đảm bảo rằng các két lắng, các két dầu hàng được sử dụng làm két lắng và hệ thống đường ống phục vụ làm việc tốt và độ chính xác của lưu lượng kế đã được kiểm định.
Phần 3
KẾT CẤU VÀ TRANG THIẾT BỊ NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO DẦU
Chương 2
TRANG THIẾT BỊ NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO DẦU TỪ BUỒNG MÁY
Điều 2.3.2 được bổ sung sửa đổi như sau:
2.3.2. Hệ thống lọc dầu
1. Hệ thống lọc dầu phải thỏa mãn một trong các yêu cầu ở (1), (2) hoặc (3) sau đây tùy theo kiểu, kích thước và vùng khai thác của tàu:
(1) Phải có thiết kế được Đăng kiểm duyệt và phải bảo đảm sao cho bất kỳ hỗn hợp dầu nước nào sau khi qua hệ thống lọc phải có hàm lượng dầu không quá 15 phần triệu.
(2) Hệ thống lọc phải thỏa mãn các yêu cầu ở (1) và phải được lắp đặt một thiết bị báo hiệu ánh sáng và âm thanh có kiểu đã được duyệt, tự động hoạt động khi hàm lượng dầu trong nước thải ra vượt quá 15 phần triệu, và cũng tự động hoạt động khi chức năng đo đạc bị sai sót hoặc hư hỏng.
(3) Hệ thống lọc phải thỏa mãn các yêu cầu ở (2) và được trang bị một thiết bị ngừng xả tự động sao cho sẽ đảm bảo tự động dừng hệ thống khi hàm lượng dầu trong nước thải vượt quá 15 phần triệu.
2. Bố trí đường ống của hệ thống lọc dầu phải thỏa mãn các yêu cầu tương ứng trong TCVN 6259:2003.
Điều 2.4.2 được bổ sung sửa đổi như sau:
2.4.2. Sửa đổi
1. Trừ các tàu chỉ hoạt động trong vùng đặc biệt, các tàu có tổng dung tích từ 4000 trở lên không phải là tàu dầu và các tàu dầu có tổng dung tích từ 150 trở lên mà có chứa nước dằn trong các két dầu đốt theo quy định 1.1.3-2 Phần này Quy phạm phải trang bị các thiết bị được quy định ở cột tàu có tổng dung tích từ 10000 trở lên để xả nước dằn bẩn xuống biển.
2. Bất kể các quy định nêu ở 2.4.1 nói trên, đối với các tàu liệt kê dưới đây có dự định cho xả toàn bộ nước đáy tàu lẫn dầu vào phương tiện tiếp nhận, thì hệ thống lọc dầu có thể được thay thế bằng hệ thống các két giữ nước đáy tàu.
(1) Các tàu chỉ hoạt động trong các vùng đặc biệt.
(2) Các tàu dầu có tổng dung tích nhỏ hơn 400 và các tàu không phải là tàu dầu có tổng dung tích nhỏ hơn 1000, và không chạy tuyến quốc tế.
(3) Các tàu không có máy chính, và được Đăng kiểm cho là phù hợp.
Chương 3
KẾT CẤU VÀ THIẾT BỊ NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO DẦU CHỞ XÔ GÂY RA
3.3. Bố trí thiết bị và hệ thống đường ống
3.3.1. Hệ thống lưu giữ dầu trên tàu
Tiểu mục -6(5) được bổ sung như sau:
6. Két lắng phải được trang bị hệ thống ghi và kiểm soát việc xả dầu đối với nước dằn, có đặc tính sau đây, và phải được Đăng kiểm xét duyệt.
(5) Bất kỳ việc xả hỗn hợp dầu nào phải tự động ngừng khi thiết bị báo động phát tín hiệu. Tuy nhiên, đối với tàu có trọng tải nhỏ hơn 4000 tấn và đang trong giai đoạn đóng mới trước ngày 1/7/2006 có thể được miễn giảm hệ thống này.
Các tiểu mục từ -7 đến -10 được đánh số lại thành -8 đến -11, và bổ sung mới tiểu mục – 7 như sau:
7. Bố trí đường ống của hệ thống ghi và kiểm soát thải dầu phải thỏa mãn các yêu cầu tương ứng trong TCVN 6259:2003.
8. Phải trang bị các thiết bị xác định ranh giới dầu/nước có hiệu quả được Đăng kiểm cho là phù hợp để xác định chính xác mặt phân cách dầu/ nước trong các két lắng và trong các két khác mà từ đó cặn bẩn và dòng chảy xả trực tiếp ra biển.
9. Các tàu phải được trang bị một tài liệu hướng dẫn vận hành hệ thống ghi và kiểm soát việc xả dầu cho két dằn. Tài liệu hướng dẫn phải được Đăng kiểm chấp nhận.
10. Các quy định ở 3.3.1-3 đến 3.3.1-8 trên không áp dụng cho các tàu dầu chở nhựa đường hoặc các sản phẩm hóa dầu khác phải áp dụng các quy định của Phần này Qui phạm, nhưng khó tách nước khỏi các sản phẩm dầu mỏ đó bởi các tính chất vật lý của chúng. Trong trường hợp này, các tàu dầu phải được trang bị hệ thống lưu giữ hỗn hợp dầu trên tàu để sau đó xả vào phương tiện tiếp nhận.
11. Đối với bất kỳ tàu dầu nào chỉ hoạt động trong phạm vi cách bờ không quá 50 hải lý tính từ đường cơ sở không phải áp dụng các quy định ở 3.3.1-6 đến 3.3.1-8 với điều kiện Đăng kiểm xét thấy kế hoạch hoạt động của tàu là phù hợp.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6276:2003/SĐ2:2005 VỀ QUY PHẠM CÁC HỆ THỐNG NGĂN NGỪA Ô NHIỄM BIỂN CỦA TÀU | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN6276:2003/SĐ2:2005 | Ngày hiệu lực | 08/10/2008 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường Giao thông - vận tải |
Ngày ban hành | 08/10/2008 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |