TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6818-6:2011 (ISO 4254-6:2009) VỀ MÁY NÔNG NGHIỆP – AN TOÀN – PHẦN 6: MÁY PHUN VÀ PHÂN PHỐI PHÂN BÓN DẠNG LỎNG
TCVN 6818-6:2011
ISO 4254-6:2009
MÁY NÔNG NGHIỆP – AN TOÀN – PHẦN 6: MÁY PHUN VÀ PHÂN PHỐI PHÂN BÓN DẠNG LỎNG
Agricultural machinery – Safety – Part 6: Sprayers and liquid fertilizer distributors
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Danh mục các mối nguy hiểm đáng kể
5 Yêu cầu an toàn và/hoặc các biện pháp bảo vệ
5.1 Yêu cầu chung
5.2 Độ ổn định
5.3 Giàn phun
5.4 Thùng chứa
5.5 Đồng hồ áp suất (áp kế)
5.6 Bảo vệ chống quá áp suất
5.7 Quạt
5.8 Ống dẫn hóa chất
5.9 Điều khiển dừng phun bằng tay
5.10 Thùng chứa nước sạch
5.11 Móc nối và khoảng trống
5.12 Bảo dưỡng và chăm sóc
5.13 Giảm tiếng ồn trong giai đoạn thiết kế
6 Kiểm tra yêu cầu an toàn và/hoặc biện pháp bảo vệ
7 Thông tin sử dụng
7.1 Sổ tay hướng dẫn vận hành
7.2 Ghi nhãn
Thư mục tài liệu tham khảo
Lời nói đầu
TCVN 6818-6: 2011 hoàn toàn tương đương với ISO 4254-6: 2009.
TCVN 6818-6: 2011 do Trung tâm Giám định máy và Thiết bị biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 6818 (ISO 4254) Máy nông nghiệp – An toàn bao gồm các phần sau đây:
– Phần 1: Yêu cầu chung:
– Phần 5: Máy làm đất dẫn động bằng động cơ;
– Phần 6: Máy phun và phân phối phân bón dạng lỏng;
– Phần 7: Máy liên hợp thu hoạch, máy thu hoạch cây làm thức ăn cho gia súc và máy thu hoạch bông;
– Phần 8: Máy rắc phân thể rắn;
– Phần 9: Máy gieo hạt;
– Phần 10: Máy giũ và máy cào kiểu quay;
– Phần 11: Máy đóng kiện tròn;
– Phần 12: Máy cắt dao quay và máy cắt dao xoay.
MÁY NÔNG NGHIỆP – AN TOÀN – PHẦN 6: MÁY PHUN VÀ PHÂN PHỐI PHÂN BÓN DẠNG LỎNG
Agricultural machinery – Safety – Part 6: Sprayers and liquid fertilizer distributors
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này được sử dụng cùng với TCVN 6818-1 (ISO 4254-1) quy định yêu cầu an toàn và kiểm tra thiết kế và kết cấu máy phun sử dụng trong nông nghiệp, bao gồm các loại máy treo, nửa treo, kéo theo và tự hành để sử dụng với các sản phẩm thuốc trừ sâu và phân bón lỏng, máy được thiết kế để sử dụng do một người điều khiển. Ngoài ra, tiêu chuẩn còn quy định loại thông tin về thực hành an toàn (bao gồm cả rủi ro còn tồn tại) cần được nhà chế tạo cung cấp.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho:
– Máy phun người đi bộ điều khiển;
– Máy phun đeo vai;
– Máy phun trên không;
– Các thiết bị phun cầm tay (ví dụ như súng phun).
Khi các yêu cầu của tiêu chuẩn này khác với các quy định trong TCVN 6818-1 (ISO 4254-1), thì ưu tiên áp dụng các yêu cầu của tiêu chuẩn này cho các máy đã được thiết kế và chế tạo theo tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn này đề cập tất cả những nguy hiểm đáng kể, những tình huống và sự kiện nguy hiểm liên quan đến máy phun và phân phối phân bón dạng lỏng khi chúng được sử dụng theo dự kiến và với những điều kiện do nhà chế tạo dự kiến trước (xem Điều 4), ngoại trừ các mối nguy hiểm phát sinh từ:
– Tự động kích hoạt hệ thống điều chỉnh chiều cao;
– Hiện tượng tĩnh điện;
– Khả năng tương thích điện từ;
– Môi trường, ngoại trừ tiếng ồn;
– Hít phải sản phẩm hóa chất phun do thiếu các phương pháp hiệu quả để duy trì chất lượng không khí hô hấp trong buồng lái;
– Máy tự hành do người ngồi lái bị lật;
– Rung động;
– Bụi phát ra;
– Cháy;
– Bộ phận truyền công suất, ngoại trừ các yêu cầu về độ bền đối với các che chắn và thanh chắn;
– An toàn và độ tin cậy của hệ thống điều khiển;
– Chức năng di chuyển của máy tự hành.
CHÚ THÍCH: ISO 14982 quy định phương pháp thử và tiêu chuẩn công nhận để đánh giá khả năng tương thích điện từ của tất cả các loại máy nông nghiệp di động.
Tiêu chuẩn không áp dụng đối với máy phun và phân phối phân bón dạng lỏng được sản xuất trước ngày công bố tiêu chuẩn.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn dưới đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung.
TCVN 6818-1 : 2010 (ISO 4254-1: 2008), Máy nông nghiệp – An toàn – Phần 1: Yêu cầu chung;
TCVN 7383-1 : 2004 (ISO 12100-1: 2003), An toàn máy – Khái niệm cơ bản, nguyên tắc chung cho thiết kế – Phần 1: Thuật ngữ cơ bản, phương pháp luận;
TCVN 7383-2 : 2004 (ISO 12100-2: 2003), An toàn máy – Khái niệm cơ bản, nguyên tắc chung cho thiết kế – Phần 2: Nguyên tắc kỹ thuật;
ISO 5353 : 1995, Earth-moving machinery, and tractors and machinery for agriculture and forestry – Seat index point (Máy san ủi đất, máy kéo và máy nông lâm nghiệp – Điểm chỉ báo chỗ ngồi);
ISO 5681 : 1992, Equipment for crop protection – Vocabulary (Thiết bị bảo vệ cây trồng – Từ vựng);
ISO 13857 : 2008, Safety of machinery – Safety distances to prevent hazard zones being reached by upper and lower limbs (An toàn máy – Khoảng cách an toàn để ngăn chặn tay và chân con người không vươn tới vùng nguy hiểm).
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong ISO 5681 và TCVN 7383-1 (ISO 12100-1), và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1
Máy phun (sprayer)
Thiết bị sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu và phân bón dạng lỏng.
3.2
Máy phun trên không (aerial sprayer)
Máy phun được thiết kế để lắp trên máy bay hoặc trực thăng.
4 Danh mục các mối nguy hiểm đáng kể
Bảng 1 liệt kê các mối nguy hiểm, các tình huống nguy hiểm và những sự kiện nguy hiểm đã được xác định là đáng kể đối với các kiểu máy được đề cập đến trong tiêu chuẩn này và cần có những tác động đặc biệt của người thiết kế cũng như nhà chế tạo nhằm hạn chế hay giảm bớt nguy hiểm.
Chú ý kiểm tra các yêu cầu an toàn quy định trong tiêu chuẩn này, được áp dụng cho từng mối nguy hiểm đáng kể tồn tại phù hợp với máy cụ thể và xác nhận việc đánh giá nguy hiểm đã đầy đủ.
Bảng 1 – Danh mục các mối nguy hiểm đáng kể liên quan đến máy phun và phân phối phân bón dạng lỏng
Thứ tựa |
Mối nguy hiểm, tình huống nguy hiểm hoặc sự kiện nguy hiểm |
Nguồn gốc |
Điều của TCVN 6818-1 (ISO 4254-1:2008) |
Điều của tiêu chuẩn này |
A.1 | Nguy hiểm cơ học | |||
A.1.1 | Nguy hiểm nghiền nát | Giàn phun gập vào hay duỗi ra, hiệu chỉnh, thiếu khoảng trống khi kết nối, hỏng hệ thống điều khiển | 4.7, 4.14.5, 5.1.3.3, 5.2 | 5.1, 5.3, 5.3.3, 5.11, 7.1 |
A.1.2 | Nguy hiểm cắt | Giàn phun gập vào hay duỗi ra, hiệu chỉnh, thiếu khoảng trống khi kết nối, hỏng hệ thống điều khiển | 4.4, 4.8, 5.1.4 | 5.1, 5.3.2, 5.3.3, 7.1 |
A.1.3 | Nguy hiểm cắt đứt | Giàn phun gập vào hay duỗi ra, hiệu chỉnh | 4.1, 4.14.5, 6.4 | 5.1, 5.3.2 |
A.1.4 | Nguy hiểm vướng vào | Hút vào quạt, quấn vào trục trích công suất | 4.1, 4.14.5, 5.1.4 | 5.1, 5.7 |
A.1.6 | Nguy hiểm va đập | Chuyển động của giàn phun khi gập vào ở vị trí vận chuyển, thiếu khoảng trống khi kết nối | 4.1, 4.14.3, 5.1.4, 5.2 | 5.1, 5.3.2, 5.11 |
A.1.9 | Nguy hiểm chất lỏng cao áp phun ra | Vỡ phần hợp thành có áp suất (ví dụ như ống) | 4.10.2 | 5.6, 5.8 |
A.2 | Nguy hiểm điện | |||
A.2.2 | Người chạm phải các bộ phận có điện (tiếp xúc trực tiếp) hoặc các bộ phận sẽ có điện khi hư hỏng (tiếp xúc gián tiếp) | Giàn phun chạm vào đường dây tải điện trên không | – | 5.3.2, 7.1, 7.21 |
A.4 | Nguy hiểm do tiếng ồn | 4.2, 8.1.q), Phụ lục B | 5.13 | |
A.5 | Nguy hiểm do vật liệu và các chất | |||
A.5.1 | Nguy hiểm do tiếp xúc với hay hay hít phải chất lỏng, khí, sương mù, khói và bụi độc | Tiếp xúc với các sản phẩm hóa chất (khi máy phun tự hành lắp giàn phun phía trước, nạp đầy hoặc tháo khô thùng phun, vận hành) | 4.10, 4.12, 5.4, 5.6, 8.1 | 5.1, 5.3.1, 5.4, 5.8, 5.9, 5.10, 5.12 |
A.6 | Nguy hiểm do không tuân thủ các nguyên lý ecgônômi trong thiết kế máy | |||
A.6.1 | Tư thế có hại cho sức khỏe hoặc cố gắng quá sức | Lực tác động lên bộ phận điều chỉnh độ cao của giàn phun quá lớn, bố trí lỗ nạp của thùng phun không thích hợp, thiếu khoảng trống khi kết nối | 4.4.3, 4.4.5, 4.5.1, 4.5.1.2.3, 4.14.3, 5.2 | 5.3.3, 5.4.1, 5.11 |
A.6.2 | Không lưu ý thích đáng đến giải phẫu học cánh tay hay cẳng chân | Bố trí lỗ nạp của thùng phun không thích hợp, thiếu khoảng trống khi kết nối | 4.5.2.3, 4.6.1, 4.6.3, 5.11, 5.1.4, 5.1.5 | 5.4.1, 5.11 |
A.6.7 | Thiết kế, bố trí hay nhận dạng bộ phận điều khiển bằng tay không thỏa đáng | Bố trí lỗ nạp của thùng phun không thích hợp, tiếp xúc với giàn phun | 4.4, 4.6, 5.11, 6.1 | 5.3.2, 5.3.3, 5.9 |
A.8 | Khởi động ngoài ý muốn | |||
A.8.2 | Sau khi đã ngắt năng lượng lại được cung cấp trở lại | 4.4, 6.1 | – | |
A.11 | Không cung cấp năng lượng được | Giàn phun bị đổ | 4.8, 6.5 | 5.3.3, 7.1 |
A.14 | Bị vỡ trong vận hành | 4.7, 4.8, 4.9, 4.10 | 5.1.2 | |
A.15 | Vật thể hay chất lỏng rơi hay bắn ra | Hỏng vòi áp suất | 4.10 | 5.6, 5.8 |
A.16 | Máy mất ổn định/lật nhào | Thiếu ổn định do giàn phun duỗi ra, khi đỗ lại hoặc điều khiển bằng tay | 5.2, 6.2 | 5.2, 7.1 |
A.16.1 | Máy giảm khả năng chạy chậm lại, dừng và đứng tại chỗ | Máy bị đẩy tới | 5.1.3.2 | 5.1.2 |
A.17 | Trượt, vấp và ngã (liên quan đến máy) | Bố trí lỗ nạp của thùng phun không thích hợp, lối vào vị trí của người lái hoặc các bậc lên xuống | 4.6.1, 4.6.2.3, 4.6.3, 4.6.4, 4.14, 5.4 | 5.4.1 |
Nguy hiểm, tình huống nguy hiểm và sự kiện nguy hiểm bổ sung do chuyển động | ||||
A.18 | Liên quan đến chức năng di chuyển | |||
A.18.1 | Di chuyển khi khởi động động cơ | Không khóa giàn phun khi máy đang ở vị trí vận chuyển | 5.1.8 | 5.3.2 |
A.19 | Liên quan đến vị trí làm việc | |||
A.19.1 | Người bị ngã khi tiếp cận đến (hay ở tại/rời khỏi) vị trí làm việc | Bố trí lỗ nạp của thùng phun không thích hợp | 4.6.1, 4.6.2.c) | 5.4.1 |
A.19.5 | Quan sát không đầy đủ từ vị trí làm việc | 5.1.7 | 5.1.2 | |
A.19.6 | Chiếu sáng không đủ | 5.1.7.3 | 5.1.2 | |
A.20 | Do hệ thống điều khiển | |||
A.20.1 | Bố trí các bộ phận điều khiển bằng tay không thích hợp | Giàn phun chạm vào người điều khiển | 6.1 | 5.3.3 |
A.20.2 | Thiết kế và ghi nhãn các bộ phận điều khiển bằng tay và cách hoạt động của chúng không thích hợp | Bố trí lỗ nạp của thùng phun không thích hợp, chạm vào giàn phun, lực tác động không thích ứng, giàn phun chạm vào đường dây tải điện trên không | 4.4, 6.1 | 5.3.2, 5.3.3 |
A.22 | Do nguồn động lực và truyền động động lực | |||
A.22.1 | Nguy hiểm do móc nối | Thiếu khoảng trống khi kết nối | 5.2.1, 6.3 | 5.11, 7.1 |
Truyền động công suất | 6.4 | – | ||
a Tham khảo Bảng A.1, TCVN 6818-1 (ISO 4254-1). |
5 Yêu cầu an toàn và/hoặc các biện pháp bảo vệ
5.1 Yêu cầu chung
5.1.1 Máy phải tuân theo các yêu cầu an toàn và/hoặc các biện pháp bảo vệ của điều này.
Ngoài ra, máy phải được thiết kế theo các nguyên tắc như quy định tại Điều 5, TCVN 7383-1: 2004 (ISO 12100-1 : 2003), cho các mối nguy hiểm liên quan, nhưng không đáng kể, mà không được đề cập trong tiêu chuẩn này. Đối với các mối nguy hiểm đó, TCVN 7383-2 (ISO 12100-2) có thể được sử dụng để hướng dẫn.
Tuân thủ các yêu cầu an toàn và/hoặc các biện pháp phải được thực hiện theo quy định tại Điều 6.
5.1.2 Ngoài những quy định trong tiêu chuẩn này, máy phải tuân theo các yêu cầu như quy định trong TCVN 6818-1 (ISO 4254-1).
5.1.3 Máy phải có chỉ dẫn đối với điều khiển và vận hành, bao gồm cả việc nạp liệu và bảo dưỡng phù hợp với người lái mặc đầy đủ trang bị bảo hộ cá nhân như khuyến cáo trong 7.1 f).
5.2 Độ ổn định
5.2.1 Yêu cầu chung
Máy phải được thiết kế có độ ổn định như quy định trong TCVN 6818-1 (ISO 4254-1: 2008), 6.2.1. Xem thêm 7.1k).
5.2.2 Các máy treo được lắp con lăn để điều khiển bằng tay khi hạ xuống
Máy được trang bị các con lăn vận chuyển bằng tay phải được thiết kế để chúng không bị lật ngược.
5.3 Giàn phun
5.3.1 Giàn phun lắp phía trước
Để bảo vệ người lái khỏi bụi phun, máy tự hành có giàn phun lắp phía trước phải được trang bị một trong hai:
– Buồng lái, hoặc
– Ghế ngồi của người lái có điểm chỉ báo chỗ ngồi (SIP) phù hợp với Điều 3, ISO 5353 : 1995, phải bố trí cao hơn chiều cao làm việc tối đa của giàn phun ít nhất là 1 000 mm, hoặc
– Giàn phun trang bị thiết bị để giảm thiểu tiếp xúc của người lái với chất lỏng phun (ví dụ tấm che).
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu bổ sung sẽ được đưa vào phiên bản tiếp theo của tiêu chuẩn này, tùy thuộc vào sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt liên quan đến các thiết bị lọc không khí.
Xem thêm 7.1 g).
5.3.2 Giàn phun gập vào được
5.3.2.1 Để hạn chế rủi ro liên quan đến đường dây điện lưới trên không trong khi làm việc, giàn phun phải có khả năng gập vào và duỗi ra không được vượt quá 4 m. Xem thêm 7.1 d) và 7.1 j).
Yêu cầu này không áp dụng khi tháo giàn phun gập vào từ vị trí vận chuyển, cũng như khi đưa giàn phun gập vào vị trí vận chuyển.
5.3.2.2 Giàn phun gập vào hoặc duỗi ra bằng tay, phải trang bị hai tay cầm được bố trí cách các trục bản lề gần nhất ít nhất là 300 mm. Các tay cầm có thể là những phần hợp thành của giàn phun, với điều kiện chúng được thiết kế theo ecgônômi và nhận dạng rõ ràng.
Trong trường hợp gập vào/duỗi ra vận hành bằng động cơ, cơ cấu điều khiển phải là loại “giữ để chạy” và cơ cấu điều khiển bằng tay phải được bố trí bên ngoài vùng xoay.
Phải có thiết bị để ngăn chặn giàn phun dịch chuyển khi ở vị trí vận chuyển. Nếu bộ phận khóa là van thủy lực thì không được lắp trực tiếp vào xi lanh, các ống nối van với xi lanh phải thiết kế để chịu được áp suất ít nhất là bằng bốn lần áp suất thủy lực tối đa. Xem thêm 7.1 d).
Mở khóa và duỗi giàn phun phải được điều khiển bằng cơ cấu được tác động riêng bởi người vận hành.
5.3.3 Điều chỉnh độ cao giàn phun
Lực điều khiển bằng tay cần thiết để điều chỉnh độ cao giàn phun không được vượt quá 250 N.
Trường hợp điều chỉnh độ cao bằng thiết bị cơ học, thì thiết bị này phải tự hãm và có thể chịu được tải trọng tối thiểu bằng 1,3 lần trọng lượng của giàn phun.
Thiết bị này phải được thực hiện từ mặt đất hoặc sàn đứng như quy định trong 4.5.2, TCVN 6818-1 (ISO 4254-1: 2008).
Trong trường hợp hệ thống điều chỉnh độ cao có động cơ được kích hoạt bằng tay, nó phải được kích hoạt điều khiển bằng tay từ vị trí người lái và cơ cấu điều khiển phải là loại “giữ để chạy“.
Trong trường hợp hệ thống điều chỉnh độ cao có động cơ để tự kích hoạt, thì nó phải khống chế được hệ thống từ vị trí người lái.
CHÚ THÍCH: Các hệ thống điều chỉnh độ cao tự kích hoạt được đề cập tại phiên bản tiếp theo của tiêu chuẩn này.
Để đảm bảo việc bảo vệ người lái tránh các nguy cơ cắt và nghiền nát liên quan đến hư hỏng mạch điều khiển điều chỉnh độ cao giàn phun, máy phải được trang bị một trong hai thiết bị sau:
a) Thiết bị giới hạn tốc độ hạ giàn phun xuống lớn nhất là 10 mm/s khi hệ thống thủy lực không hoạt động, hoặc
b) Thiết bị có khả năng hạ giàn phun dừng lại tại độ cao tối thiểu 500 mm so với mặt đất.
Đối với b), trong trường hợp cần giảm xuống thấp hơn 500 mm, thiết bị an toàn sẽ ngăn chặn hạ thấp độ cao dưới mức lựa chọn, chỉ có thể giảm chiều cao nhờ thiết bị độc lập và có tác động chủ định.
Nếu thiết bị an toàn là van thủy lực thì không được gắn trực tiếp vào xi lanh, các ống nối các van với xi lanh phải được thiết kế để chịu được áp suất tối thiểu bằng bốn lần áp suất thủy lực tối đa.
5.4 Thùng chứa
5.4.1 Ngăn ngừa toàn bộ cơ thể rơi vào thùng chứa
Để hạn chế nguy cơ rơi vào thùng chứa, bất kỳ thùng chứa nào có đường kính miệng lớn hơn 400 mm, hoặc nếu là hình chữ nhật có kích thước lớn hơn 400 mm x 300 mm, phải được trang bị lưới sắt, tháo lưới sắt chỉ thực hiện được khi sử dụng dụng cụ. Các mắt lưới phải không được vượt quá kích thước nêu trên. Xem thêm 7.1 h) và 7.2.2.
5.4.2 Hạn chế tiếp xúc với hóa chất
Để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với hóa chất khi thao tác nạp đầy/làm sạch:
– Phải trang bị phễu nạp hóa chất hoặc dụng cụ hữu hiệu tương tự cho máy phun;
– Ngoài ra, lỗ nạp của thùng chứa phải được bố trí cách mặt đất hoặc sàn đứng không quá 1 300 mm, có tầm với ngang giữa mép lỗ và rìa ngoài của thùng phun không được lớn hơn 300 mm (xem Hình 1).
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN:
1 Vị trí nạp hóa chất của người lái.
Hình 1 – Tầm với tối đa nạp hóa chất bằng tay
Thể tích thực của toàn bộ thùng chứa phải vượt quá thể tích danh nghĩa tối thiểu 5 %.
Nắp thùng chứa phải đảm bảo:
– Gắn kết với máy, ví dụ như bằng dây, xích;
– Trang bị thiết bị giữ đảm bảo định vị kín bằng tác động cơ học chắc chắn hoặc nắp được cố định bằng ren;
– Lắp vừa khít để ngăn chặn hỗn hợp phun rò rỉ, ví dụ bằng vòng đệm.
Mức chất lỏng phải được chỉ báo để người lái biết khi nạp và xả. Thể tích danh nghĩa của thùng chứa phải được đánh dấu.
Thiết bị bù áp suất được trang bị trên các thùng khi chúng không được thiết kế để chịu áp suất, để cân bằng với áp suất khí quyển khi thùng rỗng và đầy (xem thêm 7.1 b)).
5.4.3 Bảo vệ tránh tiếp xúc với hỗn hợp phun khi xả thùng chứa
Người lái phải được ngăn chặn tiếp xúc với hỗn hợp phun khi xả thùng chứa. Yêu cầu này được đáp ứng nếu:
– Cửa xả có thể mở mà không cần dụng cụ (ví dụ bằng khóa), và
– Dòng chảy hướng ra xa người vận hành.
Phải có thiết bị để xả hết dung dịch hóa chất trong thùng khi máy phun ở vị trí nằm ngang.
Thiết bị phải thu gom chất lỏng tại cửa ra mà không làm bẩn người vận hành hoặc các bộ phận khác, ví dụ như sử dụng tấm chặn.
Cửa ra của thùng chứa phải có che chắn để đề phòng vô tình mở ra (xem EN 12761-2:2001,4.1.1.3).
(Xem thêm 7.1 f) và 7.11).
5.5 Đồng hồ áp suất (áp kế)
Máy phun phải có đồng hồ áp suất.
Áp suất làm việc phải dễ đọc từ vị trí người lái. Đồng hồ áp suất đặt bên cạnh phía trước và cao hơn người là được chấp nhận.
Với áp kế có tín hiệu tương tự, đường kính nhỏ nhất của mặt đĩa áp kế phải là:
– 63 mm tại nơi áp kế kết nối với bộ phận điều khiển và vị trí nằm trong tầm với của tay người lái hoặc ở giữa mặt phẳng tạo bởi các điểm móc của cơ cấu treo ba điểm và máy kéo;
– 100 mm trong tất cả các trường hợp khác.
Vỏ bọc áp kế phải được cách ly với hỗn hợp phun.
Áp suất vượt quá áp suất làm việc lớn nhất phải được hiển thị, ví dụ ở trên áp kế tương tự thì đánh dấu bằng dấu đỏ và thiết bị đo hiển thị số bằng (đèn hoặc còi) khi áp suất tới áp suất làm việc lớn nhất. Xem thêm 7.1 n).
5.6 Bảo vệ chống quá áp suất
Máy phun phải có thiết bị an toàn để ngăn chặn áp suất vượt quá 20 % áp suất làm việc lớn nhất của hệ thống.
Điều chỉnh thiết bị an toàn phải ngăn ngừa được sự thay đổi bất thường hoặc không được phép xảy ra. Nó tác động không được gây ra đổ hoặc rò rỉ chất lỏng từ hệ thống.
5.7 Quạt
Nếu máy phun trang bị quạt thì áp dụng các yêu cầu sau đây:
– Quạt phải đặt ở vị trí hoặc được bảo vệ sao cho khi máy phun hoạt động không được hút vào các chất bên ngoài có thể gây hại tới người lái.
– Cửa vào của quạt phải được ngăn chặn bằng các che chắn cố định, có thể được kết hợp tấm chắn với mắt lưới phù hợp với các yêu cầu được nêu trong Bảng 1, 3, 4 và 6, ISO 13857 : 2008.
– Khi bộ truyền động quạt không được điều khiển độc lập với bộ truyền động của bơm, có thể tháo rời bộ truyền động quạt từ bộ truyền động bơm ở trên mặt đất hoặc sàn đứng.
Xem thêm 7.1 i).
5.8 Ống dẫn hóa chất
Với máy phun tự hành có trang bị buồng lái, ống dẫn không đặt trong buồng lái. Với máy phun tự hành không có buồng lái, các ống dẫn và đầu nối phải được bảo vệ bằng tấm chắn liền, sao cho hóa chất rò rỉ không thể tiếp xúc với người lái.
Tất cả các ống chịu áp suất phải được ghi nhãn áp suất làm việc lớn nhất tức thì và lâu dài.
Áp suất làm việc lớn nhất của ống và đầu nối tối thiểu phải bằng áp suất làm việc lớn nhất của hệ thống [xem thêm 7.1 n), 7.2.2 và 7.2.4].
5.9 Điều khiển dừng phun bằng tay
Mỗi máy phải được trang bị bộ phận điều khiển dừng phun bằng tay tại vị trí người lái để đảm bảo an toàn khi dừng dòng chảy (ví dụ như nối 2 van nối tiếp). Khi tác động bộ phận điều khiển dừng phun thì lượng nhỏ giọt từ mỗi vòi phun phải giảm đến mức tối thiểu.
5.10 Thùng chứa nước sạch
Máy phun phải trang được bị thùng chứa nước sạch cho người lái sử dụng (ví dụ như trong trường hợp tiếp xúc với hóa chất) có dung tích tối thiểu 15 lít. Thùng chứa phải hoàn toàn độc lập với các bộ phận khác của máy và phải trang bị khóa có thể mở dễ dàng mà không cần dụng cụ và không cần tác động liên tục.
Xem thêm 7.2.2.
5.11 Móc nối và khoảng trống
Với các máy treo, khoảng trống thích hợp ở giữa máy phun và máy kéo phải đảm bảo để nối các bộ phận truyền động (ví dụ bộ truyền công suất), nếu được cung cấp, và/hoặc các bộ phận điều khiển (ví dụ bộ phận điều khiển từ xa bằng điện/thủy lực). Khoảng trống phải đạt được một trong hai điều kiện sau:
– Áp dụng kích thước như thể hiện trên Hình 2 với tối thiểu một mặt, sao cho có thể kết nối bộ phận truyền động và/hoặc điều khiển sau khi nối máy phun, hoặc
– Kết cấu của bộ phận truyền động và/hoặc điều khiển sao cho kết nối của chúng có thể thực hiện trước khi nối máy phun trong khoảng trống như thể hiện trên Hình 2.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 2 – Khoảng không gian trống
5.12 Bảo dưỡng và chăm sóc
Bơm và lưới lọc phải được bảo dưỡng và chăm sóc mà không có sự rò rỉ từ thùng khi nạp đến thể tích danh nghĩa. Công việc này có thể thực hiện được đối với các bộ phận ở vị trí thích hợp được ngăn cách bằng khóa hoặc van.
Xem thêm 7.1 và 7.2.3.
5.13 Giảm tiếng ồn trong giai đoạn thiết kế
Nguồn chính phát ra tiếng ồn khi máy phun hoạt động là máy kéo và quạt (khi được lắp). Kết cấu thích hợp của bánh răng, bộ truyền động, cánh quạt và bơm là biện pháp để làm giảm tiếng ồn trong giai đoạn thiết kế.
6 Kiểm tra yêu cầu an toàn và/hoặc biện pháp bảo vệ
Kiểm tra các yêu cầu cho trong Điều 5 có thể thực hiện theo các phương pháp kiểm tra, tính toán, hoặc thử nghiệm. Các phương pháp kiểm tra theo quy định trong TCVN 6818-1 (ISO 4254-1) hoặc các biện pháp kiểm tra cho trong Bảng 2.
Bảng 2 – Các biện pháp kiểm tra yêu cầu an toàn và/hoặc biện pháp bảo vệ
Điều |
Kiểm tra |
Kiểm tra bằng quan sát |
Phép thử kiểm tra đặc tính |
Đo |
Quy trình/tham chiếu |
5.2.1 | Độ ổn định |
|
X |
|
Phải kiểm tra theo 6.2.1, TCVN 6818-1 : 2010, với các thùng chứa đầy nước.
Giàn phun ở trạng thái gập vào. Máy qua thử nghiệm nếu vẫn ổn định theo bất kỳ hướng nào. |
5.2.2 | Lật đổ của máy treo lắp con lăn để điều khiển bằng tay khi hạ xuống |
|
X |
|
Vị trí máy nằm ngang và bằng phẳng.
Đẩy máy theo một hướng sao cho lăn với tốc độ 1 m/s, đập vào chướng ngại hình chữ nhật vật cố định có chiều cao 50 mm và đặt vuông góc với hướng di chuyển của máy. Máy phải không bị lật. |
5.3.1 | Bảo vệ người vận hành máy phun có giàn phun lắp phía trước |
X |
|
X |
|
5.3.2.1 | Giàn phun gập vào khi làm việc |
|
|
X |
Độ cao 4 m phải đo với máy nằm ngang và song song với mặt đất |
5.3.2.2 | Tay cầm |
|
|
X |
|
5.3.2.2 | Thiết bị hạn chế |
X |
|
|
|
5.3.3 | Điều chỉnh độ cao của giàn phun |
|
X |
X |
|
5.3.3 | Điều chỉnh độ cao của giàn phun |
|
X |
X |
|
5.4.1 | Hạn chế người rơi vào thùng và tiếp xúc với hóa chất |
X |
|
X |
|
5.4.2 | Ngăn ngừa vãi và tràn |
X |
|
|
|
5.4.3 | Bảo vệ tránh tiếp xúc với hỗn hợp phun khi xả thùng chứa |
X |
|
|
|
5.4.3 | Thiết bị xả khô thùng chứa |
|
X |
|
Phần còn lại xem như được xả hết, nếu không còn nước ở dưới đáy thùng sau 5 min tháo. |
5.5 | Đồng hồ áp suất (áp kế) |
X |
|
X |
|
5.6 | Bảo vệ chống quá áp suất |
X |
|
|
|
5.7 | Quạt |
X |
|
X |
Các Bảng 1, 2, 4 và 6, ISO 13857:2008 |
5.8 | Ống dẫn hóa chất phun |
X |
|
|
|
5.9 | Điều khiển dừng phun bằng tay |
|
X |
|
Khi cơ cấu điều khiển dừng phun đã được kích hoạt, thì lượng nhỏ giọt qua mỗi vòi không được vượt quá 2 ml trong thời gian 5 min. Phép đo phải bắt đầu khi dòng chảy đến giàn phun đã khóa sau 8 s |
5.10 | Thùng chứa nước sạch |
X |
X |
|
|
5.11 | Móc nối và khoảng trống |
X |
|
X |
|
5.12 | Bảo dưỡng và chăm sóc |
X |
|
|
7 Thông tin sử dụng
7.1 Sổ tay hướng dẫn vận hành
Nhà chế tạo phải cung cấp sổ tay hướng dẫn vận hành cho từng máy.
Bao gồm các hướng dẫn và thông tin đầy đủ về tất cả các khía cạnh bảo dưỡng và sử dụng an toàn của máy, bao gồm các yêu cầu về quần áo và trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) thích hợp, cũng như yêu cầu tập huấn nếu cần thiết, phải cung cấp trong sổ tay hướng dẫn vận hành. Thông tin hữu ích đối với việc biên soạn sổ tay hướng dẫn vận hành đã cho trong 6.5, ISO 3600 và TCVN 7383-2 : 2004 (ISO 12100-2: 2003).
Trong các trường hợp riêng, phải bao gồm cả các thông tin sau:
a) Quy trình khởi động đối với máy sau khi nghỉ đông;
b) Phương pháp điều chỉnh áp suất;
c) Đặc điểm điều chỉnh máy phun khi sử dụng các vòi phun khác nhau;
d) Quy trình gập vào/duỗi ra và vận chuyển giàn phun;
e) Quy trình xử lý khi tắc kẹt vòi phun và hư hỏng khác trên đồng;
f) Khuyến cáo liên quan đến ngăn ngừa tiếp xúc và/hoặc hít phải hóa chất độc hại, nghĩa là máy phun lắp trên máy kéo có buồng lái phải được trang bị bộ lọc không khí, trang bị bảo hộ cá nhân, sử dụng thiết bị thuận tiện cho việc nạp hóa chất và phân bón lỏng vào trong thùng chứa v.v.., sau mỗi giai đoạn sử dụng như:
– Nạp đầy thùng và bổ sung thêm hóa chất;
– Phun;
– Điều chỉnh;
– Xả và làm sạch thùng;
– Thay đổi hóa chất;
– Bảo dưỡng.
g) Áp dụng theo 5.3.1, thông tin về tác động của giàn phun treo, không được sử dụng trước máy kéo không có buồng lái, và các cửa sổ và cửa buồng lái phải đóng kín;
h) Các mối nguy hiểm khi toàn bộ cơ thể rơi vào trong thùng;
i) Sự cần thiết không có người khác đứng cạnh máy, kể cả bên cạnh quạt;
j) Thông tin về nguy hiểm khi vô tình chạm phải đường dây điện lưới trên không có thể xảy ra khi phun (ví dụ do mặt đất không bằng phẳng hoặc sử dụng các thiết bị nâng giàn phun), yêu cầu người lái phải quan sát toàn bộ cánh đồng để chọn phương pháp làm việc tốt nhất liên quan đến gập vào/duỗi ra của giàn phun trước khi làm việc;
k) Quy trình đỗ máy;
l) Biện pháp phòng ngừa (đặc biệt để giới hạn sự lan truyền ô nhiễm) được thực hiện đối với việc làm sạch máy;
m) Hướng dẫn bảo quản máy phun trong mùa đông;
n) Áp suất làm việc lớn nhất trong hệ thống;
Ngoài ra, các điểm dưới đây phải được nhấn mạnh (thông tin thêm đối với người sử dụng):
o) Yêu cầu bảo dưỡng chỉ thực hiện sau khi các bộ phận của máy phun đã được làm sạch;
p) Các hướng dẫn và đặc điểm kỹ thuật của bơm cần thiết để thay thế an toàn.
7.2 Ghi nhãn
7.2.1 Quy định chung
Nhãn mác phải tuân theo như quy định tại 6.4, TCVN 7383-2: 2004 (ISO 12100-2: 2003).
Tất cả các máy phải có nhãn rõ ràng và không thể xóa được bao gồm ít nhất các thông tin chỉ rõ từ 7.2.2 đến 7.2.4.
7.2.2 Đối với máy phun
Nhãn máy phun phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:
– Tên công ty và đầy đủ địa chỉ của nhà chế tạo và phù hợp với đại diện ủy quyền của nó;
– Tên máy;
– Năm sản xuất;
– Ký hiệu máy hay kiểu loại;
– Số loạt sản xuất, nếu có;
– Áp suất làm việc lớn nhất trong hệ thống;
– Khối lượng máy khi không có dung dịch phun;
– Khối lượng máy khi đầy dung dịch phun;
– Tốc độ quay danh nghĩa và chiều quay khớp nối đầu vào của bộ truyền công suất (đóng nhãn dấu mũi tên), khi áp dụng;
– Dung tích danh nghĩa của thùng phun;
– Công suất danh nghĩa tính bằng kilôoát (đối với máy tự hành).
Ngoài ra, máy phun phải có:
– Cảnh báo ở miệng thùng phun có kích thước để người có thể rơi vào, sau khi tháo hoặc gỡ lưới chắn ra, phải chỉ ra các nguy cơ người rơi vào thùng.
– Cảnh báo tại vị trí của người lái – tại vị trí của người lái đối với máy tự hành, gần các bộ phận điều khiển đối với các máy khác – phải đưa ra chú ý các nguy cơ khi vô tình chạm phải đường dây điện lưới trên không;
– Cảnh báo thùng chứa nước sạch chỉ được nạp đầy bằng nước sạch.
7.2.3 Đối với bơm
Nhãn của các bơm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:
– Tên và địa chỉ của nhà sản xuất;
– Số hiệu loạt sản xuất;
– Áp suất bơm lớn nhất;
– Tốc độ quay danh nghĩa.
7.2.4 Đối với vòi phun
Phải ghi áp suất làm việc lớn nhất trên vòi phun.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] ISO 3600 : 1996, Tractors, machinery for agriculture and forestry, powered lawn and garden equipment – Operators manuals – Content and presentation (Máy kéo, máy nông lâm nghiệp, thiết bị làm cỏ và làm vườn – Sách hướng dẫn – Nội dung và cách trình bày).
[2] ISO 14982 : 1998, Agriculture and forestry machinery – Electromagnetic compatibility – Test methods and acceptance criteria (Máy nông lâm nghiệp – Tương thích điện từ – Phương pháp thử và chỉ tiêu nghiệm thu).
[3] EN 12761-2 : 2001, Agriculture and forestry machinery – Sprayers and liquid fertilizer distributors – Environmental protection – Past 2: Field crop sprayers (Máy nông lâm nghiệp – Máy phun và bộ phận phân phối phân bón lỏng – Bảo vệ môi trường – Phần 2: Máy phun dùng cho cây trồng).
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6818-6:2011 (ISO 4254-6:2009) VỀ MÁY NÔNG NGHIỆP – AN TOÀN – PHẦN 6: MÁY PHUN VÀ PHÂN PHỐI PHÂN BÓN DẠNG LỎNG | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN6818-6:2011 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |