TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7070:2002 VỀ GIẤY – XÁC ĐỊNH SỰ THAY ĐỔI KÍCH THƯỚC SAU KHI NGÂM TRONG NƯỚC

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 07/08/2002

TCVN 7070:2002

GIẤY – XÁC ĐỊNH SỰ THAY ĐỔI KÍCH THƯỚC SAU KHI NGÂM TRONG NƯỚC

Paper – Measurement of dimensional change after immersion in water

 

Lời nói đầu

TCVN 7070:2002 được biên soạn trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn ISO 5635:1978.

TCVN 7070:2002 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC6 Giấy và cáctông biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành;

Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

 

GIẤY – XÁC ĐỊNH SỰ THAY ĐỔI KÍCH THƯỚC SAU KHI NGÂM TRONG NƯỚC

Paper – Measurement of dimensional change after immersion in water

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định sự thay đổi kích thước của giấy sau khi ngâm trong nước. Tính chất này khác với tính giãn nở ẩm.

Phương pháp này được áp dụng cho phần lớn các loại giấy. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với một số loại giấy mà khi ngâm nước giấy bị hỏng hoặc bị quăn lại quá nhiều.

2. Tiêu chuẩn viện dẫn

TCVN 3649:2000 Giấy và cáctông – Lấy mẫu để xác định chất lượng trung bình.

TCVN 6725:2001 Giấy và cáctông – Môi trường chuẩn để điều hòa và thử nghiệm.

3. Định nghĩa

Sự thay đổi kích thước (dimensional change): Sự thay đổi độ dài của chiều dọc hoặc chiều ngang giấy sau khi ngâm trong nước so với độ dài của nó ở trạng thái điều hòa, được biểu thị bằng phần trăm.

4. Nguyên tắc

Ngâm các dải giấy đã được điều hòa vào nước cho tới khi độ dài không thay đổi nữa và đo sự thay đổi của độ dài.

Yêu cầu cơ bản của phép thử này là giấy không chịu bất kì một lực tác động nào khi đang ướt; phần lớn các loại giấy rất dễ hỏng khi ướt và chỉ một lực tác động rất nhỏ cũng đủ làm giấy bị giãn.

5. Thiết bị, dụng cụ

5.1. Dụng cụ đánh dấu mẫu thử

Dụng cụ đánh dấu mẫu gồm một thanh cứng được làm bằng vật liệu phù hợp với điều kiện thử nghiệm và có kích thước xấp xỉ 250 mm x 40 mm x 5 mm, hai đầu có hai chốt kim loại dạng lưỡi đục mà khoảng cách giữa hai lưỡi của chúng là 200 mm ± 2 mm (xem Hình 1).

Kích thước tính bằng milimet

Hình 1 – Dụng cụ đánh dấu mẫu thử

5.2. Kính lúp

5.3. Thước đo

Thước đo có độ chính xác tới 0,2 mm.

6. Lấy mẫu

Lấy mẫu theo TCVN 3649:2000.

7. Điều hòa mẫu

Điều hòa mẫu theo TCVN 6725:2000.

8. Chuẩn bị mẫu

Cắt năm mẫu thử cho mỗi chiều giấy (chiều dọc và chiều ngang) với kích thước chiều dài 250 mm, chiều rộng 15 mm hoặc 20 mm. Chiều dài của mẫu thử là chiều thử nghiệm.

9. Cách tiến hành

Đặt mẫu thử lên một mặt phẳng và vạch hai vết cắt vào mẫu thử có khoảng cách 200 mm bằng lưỡi chốt của dụng cụ đánh dấu (5.1). Sau đó đặt mẫu thử vào đĩa và ngâm trong nước cất ở nhiệt độ như nhiệt độ điều hòa mẫu cho tới khi sự thay đổi kích thước lớn nhất xẩy ra, thường là sau 15 phút.

Lấy mẫu thử ra, cẩn thận đặt lên trên mặt phẳng (chú ý không làm mẫu thử bị căng). Ngay sau đó đặt dụng cụ đánh dấu (5.1) với một đầu lưỡi chốt vào một vết cắt trước của mẫu thử và song song với đường thẳng nối hai vết cắt cũ. Vạch vết cắt mới bằng lưỡi chốt ở đầu kia của dụng cụ.

Đo khoảng cách giữa vết cắt lần thứ nhất và vết cắt lần thứ hai bằng thước (5.3) với sự trợ giúp của kính lúp (5.2). Vết cắt trên mẫu thử theo phương thẳng đứng. Đo khoảng cách giữa hai vết cắt thẳng đứng.

10. Biểu thị kết quả

Sự thay đổi chiều dài so với chiều dài ban đầu được biểu thị bằng phần trăm, khi chiều dài của mẫu thử là 200 mm ± 2 mm như yêu cầu của phương pháp này, tính theo công thức sau:

.100= 0,5 x ∆L %

Trong đó:

∆L là sự thay đổi chiều dài, tính bằng milimét.

11. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm gồm các thông tin sau:

a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) Chiều tiến hành thử của giấy;

c) Môi trường điều hòa mẫu;

d) Thời gian ngâm nước và nhiệt độ nước sử dụng;

e) Giá trị trung bình của năm lần đo lấy chính xác tới 0,1 %;

f) Các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm.

 

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7070:2002 VỀ GIẤY – XÁC ĐỊNH SỰ THAY ĐỔI KÍCH THƯỚC SAU KHI NGÂM TRONG NƯỚC
Số, ký hiệu văn bản TCVN7070:2002 Ngày hiệu lực 07/08/2002
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo 15/09/2002
Lĩnh vực Công nghiệp nặng
Ngày ban hành 07/08/2002
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản