TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7517:2005 (ISPM NO.8 : 1998 , CÓ SỬA ĐỔI) VỀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG DỊCH HẠI TRONG MỘT VÙNG
TCVN 7517 : 2005
XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG DỊCH HẠI TRONG MỘT VÙNG
Determination of pest status in an area
Lời nói đầu
TCVN 7517 : 2005 tương đương có sửa đổi ISPM No.8 : 1998 (Tiêu chuẩn Quốc tế về các biện pháp Kiểm dịch thực vật);
TCVN 7517 : 2005 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/F7/SC1 Kiểm dịch thực vật biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG DỊCH HẠI TRONG MỘT VÙNG
Determination of pest status in an area
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này qui định nội dung của một hồ sơ dịch hại và việc sử dụng các hồ sơ dịch hại và các thông tin khác để xác định tình trạng dịch hại trong một vùng. Việc mô tả về sự phân cấp tình trạng dịch hại được đưa ra để thực hiện báo cáo đúng qui định.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.
TCVN 3937, Kiểm dịch thực vật – Thuật ngữ và định nghĩa.
TCVN 6907 : 2001, Các nguyên tắc kiểm dịch thực vật liên quan đến thương mại quốc tế.
TCVN 6908 : 2001, Biện pháp kiểm dịch thực vật – Phần 1: Những qui định về nhập khẩu – Hướng dẫn phân tích nguy cơ dịch hại.
TCVN 7515 : 2005, Yêu cầu để thiết lập các vùng không nhiễm dịch hại.
TCVN 7516 : 2005, Hướng dẫn giám sát dịch hại.
International Plant Protection Convention, 1992. FAO, Rome (Công ước Quốc tế về Bảo vệ thực vật, 1992, Tổ chức nông lương thế giới, Roma).
New revised text of the International plant protection convention, 1997. FAO, Rome (Bản mới sửa đổi của Công ước Quốc tế về bảo vệ thực vật, 1997. Tổ chức nông lương thế giới, Roma).
Guidelines for pest eradication programmes, 1999. ISPM Pub. No. 9, FAO, Rome (Hướng dẫn đối với chương trình diệt trừ dịch hại, 1999, ISPM Pub. Số 9, FAO, Roma).
3. Thuật ngữ và chữ viết tắt
3.1. Vùng (area)
Một quốc gia, một địa phận của một quốc gia, hoặc toàn bộ hoặc nhiều địa phận của một số quốc gia được công nhận chính thức.
3.2. Điều tra khoanh vùng (delimiting survey)
Điều tra để thiết lập phạm vi của một vùng được xem là nhiễm hoặc không nhiễm một loài dịch hại.
3.3. Điều tra phát hiện (detection survey)
Điều tra để xác định sự có mặt của dịch hại trong một vùng.
3.4. Thiết lập (một loài dịch hại) (establishment)
Sự tồn tại và khả năng phát triển thành quần thể của một loài dịch hại trong một vùng sau khi du nhập.
3.5. Ngăn ngừa du nhập (một loài dịch hại) [interception (of a pest)]
Sự phát hiện dịch hại trong khi kiểm tra hoặc xét nghiệm một chuyến hàng nhập khẩu.
3.6. IPPC
Chữ viết tắt của Công ước Quốc tế về bảo vệ thực vật được qui định năm 1951 bởi Tổ chức nông lương thế giới tại Roma và được sửa đổi tiếp.
3.7. Điều tra theo dõi (monitoring survey)
Điều tra thường xuyên để xác định đặc điểm của một quần thể dịch hại.
3.8. Tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia (TCBVTVQG) [National Plant Protection Organization (NPPO)]
Cơ quan chính thức được Chính phủ thành lập để thực hiện những nhiệm vụ được quy định bởi Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật.
3.9. Xuất hiện (occurrence)
Sự có mặt của một loài dịch hại trong một vùng được báo cáo chính thức là loại bản xứ hoặc du nhập và/hoặc không được báo cáo chính thức là đã được diệt trừ.
3.10. Cơ quan chính thức (official)
Được tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia thành lập, ủy quyền hoặc thực hiện.
3.11. Bùng phát (outbreak)
Một quần thể dịch hại tách biệt, mới được phát hiện và có thể tồn tại trong thời gian tới.
3.12. Dịch hại (pest)
Bất cứ loài, chủng hoặc dạng sinh học thực vật, động vật hoặc vi sinh vật gây hại cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật.
3.13. Vùng không nhiễm dịch hại (VKNDH) [pest free area (PFA)]
Một vùng mà ở đó một loài dịch hại cụ thể không xuất hiện khi được chứng minh bằng các bằng chứng khoa học, và ở những nơi thích hợp các điều kiện này sẽ được duy trì một cách chính thức.
3.14. Hồ sơ dịch hại (pest record)
Một tài liệu cung cấp thông tin liên quan đến sự có mặt hoặc không có mặt một loài dịch hại cụ thể vào một thời gian và địa điểm nhất định trong một vùng (thường là một quốc gia) tại hoàn cảnh xác định.
3.15. Tình trạng dịch hại (trong một vùng) [pest status (in an area)]
sự có mặt hoặc không có mặt của một loài dịch hại ở thời điểm hiện tại trong một vùng bao gồm sự phân bố của chúng tại nơi phù hợp, được xác định chính thức bằng ý kiến chuyên gia trên cơ sở các hồ sơ dịch hại hiện tại và trước đó cũng như các thông tin khác.
3.16. Biện pháp KDTV [phytosanitary measure]
Luật pháp, qui định hoặc quy trình chính thức nhằm mục đích ngăn ngừa sự du nhập và/hoặc lan rộng của đối tượng KDTV.
3.17. Quy định KDTV (phytosanitary regulation)
Luật lệ chính thức nhằm ngăn ngừa sự du nhập và/hoặc lan rộng của đối tượng KDTV bằng việc kiểm soát sản xuất, vận chuyển, hoặc lưu trữ hàng hóa, hoặc các vật thể khác hoặc hoạt động bình thường của con người, và bằng thiết lập qui trình chứng nhận KDTV.
3.18. Đối tượng KDTV (quarantine pest)
Một loài dịch hại có tiềm năng gây hại kinh tế nghiêm trọng cho một vùng mà ở đó nó chưa có mặt hoặc có mặt nhưng phân bố hẹp và được chính thức kiểm soát.
3.19. Tổ chức Bảo vệ thực vật vùng [regional plant protection organization (RPPO)]
Một tổ chức liên Chính phủ có các chức năng được quy định trong điều IX của Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật.
3.20. Dịch hại thuộc diện kiểm soát (regulated pest)
Một đối tượng KDTV hoặc một loài dịch hại không thuộc đối tượng KDTV nhưng cần phải kiểm soát.
3.21. Giám sát dịch hại (surveillance)
Một quá trình chính thức thu thập và ghi chép dữ liệu về sự xuất hiện hoặc không xuất hiện dịch hại bằng việc điều tra, theo dõi, hoặc các quy trình khác.
3.22. Điều tra (survey)
Một quy trình chính thức được thực hiện qua một thời gian qui định để xác định các đặc điểm của một quần thể dịch hại hoặc để xác định loài dịch hại xuất hiện trong một vùng.
3.23. Tính nhất thời (transience)
Sự có mặt của một loài dịch hại mà ít có khả năng thiết lập quần thể.
4. Khái quát về các yêu cầu
Hồ sơ dịch hại là các thông tin thiết yếu được sử dụng để xác định tình trạng của dịch hại trong một vùng. Tất cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu đều cần các thông tin liên quan đến tình trạng dịch hại để phân tích nguy cơ dịch hại (PTNCDH), ban hành và thực hiện các quy định nhập khẩu, thiết lập và duy trì các VKNDH.
Hồ sơ dịch hại cung cấp các thông tin liên quan đến sự có mặt hoặc không có mặt của một loài dịch hại, thời gian và địa điểm quan sát, các ký chủ tại những nơi phù hợp, những thiệt hại quan sát được, cũng như tài liệu tham khảo hoặc thông tin về từng sự quan sát đơn lẻ. Độ tin cậy của các hồ sơ dịch hại dựa vào việc xem xét dữ liệu liên quan đến người thu thập/người giám định, phương pháp giám định kỹ thuật, thời gian và địa điểm lập hồ sơ và việc ghi chép/công bố các hồ sơ dịch hại.
Việc xác định tình trạng dịch hại yêu cầu phải có sự đánh giá của chuyên gia đối với các thông tin sẵn có về thời gian xuất hiện của một loài dịch hại hiện tại trong một vùng. Tình trạng dịch hại được xác định bằng việc sử dụng thông tin từ các hồ sơ dịch hại riêng biệt, các hồ sơ điều tra dịch hại, dữ liệu về sự không có mặt của dịch hại, kết quả của sự giám sát tổng thể, các công bố khoa học và các cơ sở dữ liệu.
Tình trạng dịch hại được quy định trong tiêu chuẩn này đề cập đến 3 phạm trù khác nhau:
– sự có mặt của dịch hại – dẫn đến các xác định như “có mặt trong tất cả các vùng của quốc gia”, “chỉ có mặt ở một số vùng”, v.v…
– sự không có mặt của dịch hại – dẫn đến các xác định như “không có ghi nhận về dịch hại”, “dịch hại được diệt trừ”, “dịch hại không có mặt nữa”, v.v…
– tính nhất thời của dịch hại – dẫn đến các xác định như “không coi là dịch hại”, “được coi là dịch hại cần giám sát”, và “được coi là dịch hại cần phải diệt trừ”.
Để tạo thuận lợi hợp tác quốc tế giữa các bên tham gia trong việc thực hiện các nghĩa vụ báo cáo về sự xuất hiện, bùng phát hoặc lan rộng dịch hại, các TCBVTVQG, hoặc các tổ chức khác hoặc những người liên quan đến việc ghi nhận về sự có mặt, không có mặt hoặc nhất thời của các loài dịch hại, nên phải thực hiện báo cáo đúng qui định. Báo cáo này phải sử dụng dữ liệu tin cậy và chính xác của các hồ sơ dịch hại, việc chia sẻ các thông tin tình trạng dịch hại phải kịp thời, tôn trọng lợi ích hợp pháp của tất cả các bên liên quan và có tuân thủ các qui định về tình trạng dịch hại trong tiêu chuẩn này.
5. Yêu cầu chung để xác định tình trạng dịch hại
5.1. Mục đính của việc xác định tình trạng dịch hại
Một hồ sơ dịch hại là bằng chứng chứng minh[1]) sự có mặt hay không có mặt của một loài dịch hại cụ thể tại một địa điểm và thời gian xác định trong một vùng, thường là ở một nước, trong những hoàn cảnh được xác định. Các hồ sơ dịch hại được dùng có sự kết hợp với các thông tin khác nhau nhằm xác định tình trạng dịch hại cụ thể trong vùng.
Nói chung, việc cung cấp các hồ sơ dịch hại đáng tin cậy và việc xác định các tình trạng dịch hại là phần quan trọng trong số các hoạt động được qui định bởi Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật, TCVN 6907 : 2001 và các tiêu chuẩn về các biện pháp KDTV được xây dựng từ những nguyên tắc nói trên.
Các nước nhập khẩu cần thông tin tình trạng dịch hại để:
– thực hiện PTNCDH đối với một loài dịch hại ở nước khác.
– xây dựng các quy định về KDTV để ngăn ngừa sự du nhập, thiết lập hoặc lan rộng của một loài dịch hại.
– thực hiện một PTNCDH đối với một loài dịch hại không phải đối tượng KDTV của nước mình nhằm xem xét để kiểm soát chúng.
Các nước xuất khẩu cần thông tin tình trạng dịch hại để:
– phù hợp với các quy định nhập khẩu bằng việc không xuất khẩu các lô hàng bị nhiễm dịch hại bị kiểm soát của nước nhập khẩu
– đáp ứng các yêu cầu về thông tin từ các nước khác nhau cho mục đích PTNCDH về các loài dịch hại trong lãnh thổ của họ.
Tất cả các nước có thể sử dụng thông tin về tình trạng dịch hại để:
– PTNCDH
– lập kế hoạch cho các chương trình quản lý dịch hại của quốc gia, vùng hoặc quốc tế
– xây dựng các danh mục dịch hại quốc gia
– thiết lập và duy trì các VKNDH.
Thông tin về tình trạng của một loài dịch hại trong các vùng, quốc gia hoặc khu vực có thể đuợc dùng để lập bản đồ phân bố toàn cầu của một loài dịch hại.
5.2. Hồ sơ dịch hại
5.2.1. Hồ sơ dịch hại
TCVN 7516 : 2005 mô tả những nội dung thông tin của giám sát tổng thể và điều tra cụ thể trong một hồ sơ dịch hại. Thông tin cơ bản cần thiết trong một hồ sơ dịch hại bao gồm:
– tên khoa học đang sử dụng của sinh vật gồm, nếu thích hợp, gồm cả những đơn vị dưới loài (chủng, dạng sinh học, v.v…)
– pha phát dục hoặc trạng thái sống của chúng
– nhóm phân loại
– phương pháp giám định
– năm và tháng được ghi nhận được, nếu biết; thông thường thì chỉ cần ghi ngày đối với các trường hợp cụ thể. (ví dụ: sự phát hiện lần đầu một loài dịch hại cụ thể, giám sát dịch hại)
– địa điểm, ví dụ: mã vùng, địa chỉ, tọa độ; các điều kiện quan trọng như: nếu trồng trọt trong điều kiện được bảo vệ (ví dụ: nhà kính) phải được chỉ rõ
– tên khoa học của ký chủ
– sự gây thiệt hại cho ký chủ, cách thu thập (ví dụ, đặt bẫy hoặc lấy mẫu đất)
– mức độ phổ biến, và mức độ có mặt hoặc số lượng của chúng
– tài liệu tham khảo, nếu có.
Danh mục tài liệu tham khảo được nêu ra trong phụ lục của tiêu chuẩn này để tra cứu khi lập hồ sơ dịch hại.
5.2.2. Độ tin cậy
Thông tin về hồ sơ dịch hại sẵn có từ nhiều nguồn và có mức độ tin cậy khác nhau. Một số nội dung chủ yếu được chỉ rõ trong bảng hướng dẫn sau đây. Mặc dù bảng hướng dẫn xếp hạng nhóm thực hiện theo thứ tự độ tin cậy giảm dần tương đối, điều này phải không cứng nhắc và sự phân chia như vậy cốt để cung cấp các hướng dẫn để đánh giá tài liệu thu thập. Đặc biệt, cần lưu ý rằng các loài dịch hại khác nhau đòi hỏi mức độ chuyên sâu cần thiết để giám định chúng.
TCBVTVQG có trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin chính xác về các hồ sơ dịch hại khi được yêu cầu.
Bảng hướng dẫn đánh giá mức độ tin cậy của một hồ sơ dịch hại (Nguồn được thống kê từ độ tin cậy giảm dần).
1. Người thu thập/người giám định |
2. Giám định kỹ thuật |
3. Địa điểm và thời gian |
4. Ghi chép/công bố |
a. Chuyên gia phân loại | a. Chẩn đoán bằng phản ứng sinh hoá hoặc sinh học phân tử (nếu sẵn có) | a. Điều tra phát hiện hoặc điều tra khoanh vùng | a. Hồ sơ của TCBVTVQG/ công bố của tổ chức bảo vệ thực vật vùng (để tham khảo) |
b. Chuyên gia chuyên ngành, chẩn đoán viên | b. Tiêu bản hoặc mẫu nuôi cấy được giữ trong bộ sưu tập chính thức, mô tả phân loại của chuyên gia | b. Điều tra đồng ruộng hoặc nơi sản xuất khác | b. Tạp chí khoa học hoặc kỹ thuật để tham khảo |
c. Nhà khoa học | c. Tiêu bản trong bộ sưu tập chung | c. Giám sát không định kỳ hoặc ngẫu nhiên ở đồng ruộng, có thể không xác định rõ địa điểm /thời gian | c. Hồ sơ lưu trữ chính thức |
d. Kỹ thuật viên | d. Mô tả và ảnh chụp | d. Quan sát trên sản phẩm hoặc phụ phẩm; ngăn ngừa sự du nhập | d. Tạp chí khoa học hoặc kỹ thuật không dùng để tham khảo |
e. Chuyên gia nghiệp dư | e. Chỉ mô tả theo trực quan | e. Không xác định được thời gian và địa điểm chính xác | e. ấn phẩm nghiệp dư chuyên ngành |
f. Không phải chuyên gia | f. Không xác định phương pháp giám định | f. Các tài liệu khoa học hoặc kỹ thuật chưa công bố | |
g. Không xác định được người thu thập/người giám định | g. Báo và các ấn phẩm khác không phải là ấn phẩm kỹ thuật; tạp chí/báo | ||
h. Trao đổi cá nhân; chưa công bố |
6. Tình trạng dịch hại trong một vùng
6.1. Mô tả tình trạng dịch hại trong một vùng
Xác định tình trạng dịch hại trong một vùng yêu cần có sự đánh giá của chuyên gia về sự phân bố hiện tại của một loài dịch hại trong một vùng. Sự đánh giá này dựa trên việc tổng hợp các hồ sơ dịch hại và thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Cả hồ sơ hiện tại và trước đó được sử dụng trong việc đánh giá tình huống hiện tại. Tình trạng dịch hại có thể được mô tả theo:
6.1.1. Sự có mặt
Một loài dịch hại được coi là có mặt nếu hồ sơ chỉ ra rằng nó là loài bản địa hoặc du nhập. Nếu một loài dịch hại có mặt và các hồ sơ đủ độ tin cậy sẵn có, khi đó có thể cụ thể hoá sự phân bố của chúng bằng các cụm từ sau:
Có mặt: trong tất cả các địa phận của vùng
Có mặt: chỉ có ở một số vùng[2])
Có mặt: trừ những vùng không nhiễm loài dịch hại cụ thể
Có mặt: trong tất cả các địa phận của vùng nơi có các cây trồng là ký chủ
Có mặt: chỉ có ở một số vùng mà các cây trồng ký chủ được trồng 2)
Có mặt: chỉ trong khu vực canh tác được bảo vệ Có mặt: mùa vụ
Có mặt: nhưng được quản lý [3])
Có mặt: được kiểm soát chính thức
Có mặt: đang được diệt trừ
Có mặt: ít phổ biến
Các cụm từ mô tả tương tự khác cũng có thể được sử dụng nếu phù hợp. Nếu không có nhiều hồ sơ đáng tin cậy, thì sẽ khó khăn cho việc cụ thể hoá sự phân bố của dịch hại.
Nếu thích hợp, việc xác định mức độ phổ biến của dịch hại (ví dụ: phổ biến, không phổ biến, ít gặp), mức độ gây hại và/hoặc tổn thất do dịch hại gây ra cho các cây ký chủ.
6.1.2. Không có mặt
Nếu không có các hồ sơ về sự có mặt của dịch hại trong dữ liệu giám sát tổng thể của một vùng, thì có thể hợp lý khi kết luận rằng một loài dịch hại là không có mặt. Kết luận này có thể được hỗ trợ bằng các hồ sơ cụ thể về sự không có mặt.
Cũng có thể kết luận một loài dịch hại không có mặt thậm chí ngay cả khi có những hồ sơ trái ngược nhau. Các tình huống khác nhau đó được mô tả dưới đây. Sự không có mặt của dịch hại có thể cũng được khẳng định bằng điều tra cụ thể (xem TCVN 7516 : 2005) và trong trường hợp đó, cụm từ “được khẳng định bằng điều tra” nên được bổ sung. Tương tự, khi một VKNDH được thiết lập theo tiêu chuẩn thích hợp (xem TCVN 7515 : 2005) cụm từ “vùng không nhiễm dịch hại đã khai báo” nên được bổ sung.
Sự không có mặt: không có hồ sơ về dịch hại
Giám sát tổng thể chỉ ra rằng hiện thời dịch hại không có mặt và chưa bao giờ được ghi nhận.
Sự không có mặt: dịch hại đã bị tiêu diệt
Các hồ sơ về dịch hại chỉ ra rằng dịch hại đã xuất hiện trước đây. Một chương trình diệt trừ dịch hại đã được chứng minh là có kết quả (xem ISPM : 9 Hướng dẫn đối với các chương trình diệt trừ dịch hại).
Sự không có mặt: dịch hại không xuất hiện nữa
Hồ sơ dịch hại cho biết rằng dịch hại đã xuất hiện hoặc được thiết lập trong quá khứ, nhưng kết quả giám sát tổng thể xác định dịch hại không còn có mặt. Những lý do có thể là:
– điều kiện khí hậu hoặc tự nhiên khác với sự tồn tại của dịch hại
– thay đổi trong việc canh tác cây trồng là ký chủ
– thay đổi giống
– thay đổi trong sản xuất nông nghiệp.
Sự không có mặt: hồ sơ dịch hại không có giá trị
Hồ sơ về dịch hại cho biết sự có mặt của một loài dịch hại, nhưng kết quả nghiên cứu lại cho thấy những hồ sơ đó không có hoặc không còn giá trị nữa theo những trường hợp sau:
– thay đổi trong phân loại
– giám định sai
– hồ sơ không chính xác
– sự thay đổi về đường biên giới quốc gia khi đó hồ sơ có thể cần được bổ sung.
Sự không có mặt: Hồ sơ của dịch hại không tin cậy
Hồ sơ dịch hại chỉ ra sự có mặt của một loài dịch hại, nhưng việc xác định dẫn đến kết luận rằng các hồ sơ đó có hoặc không đáng tin cậy, theo những trường hợp sau:
– thuật ngữ khó hiểu
– phương pháp chẩn đoán hoặc giám định không còn giá trị
– hồ sơ không tin cậy (xem ở bảng).
Sự không có mặt: bằng việc ngăn chặn
Dịch hại chỉ được báo cáo trên các chuyến hàng tại điểm nhập khẩu hoặc điểm đến đầu tiên hoặc ở nơi lưu giữ trước khi giải phóng hàng, xử lý hoặc tiêu hủy. Việc giám sát khẳng định dịch hại không thiết lập được.
6.1.3. Tính nhất thời
Tình trạng dịch hại được xem là nhất thời khi một loài dịch hại xuất hiện nhưng sự thiết lập là không xảy ra căn cứ vào sự đánh giá kỹ thuật. Có 3 loại nhất thời:
Nhất thời: không được coi là dịch hại
Dịch hại chỉ được phát hiện như là một quần thể xuất hiện đơn lẻ hoặc cách ly không hy vọng sống sót và không cần áp dụng biện pháp KDTV.
Nhất thời: được coi là dịch hại nhưng đang bị giám sát
Dịch hại được phát hiện như một quần thể xuất hiện đơn lẻ hoặc cách ly mà có thể sống sót trong tương lai gần, nhưng ít có khả năng thiết lập quần thể. Cần phải áp dụng các biện pháp KDTV thích hợp, kể cả việc điều tra.
Nhất thời: được coi là dịch hại nhưng đang bị diệt trừ
Dịch hại được phát hiện như một quần thể cách ly mà có thể sống sót trong tương lai gần, có khả năng thiết lập quần thể, và không có các biện pháp KDTV để diệt trừ. Cần áp dụng các biện pháp KDTV thích hợp để diệt trừ.
6.2. Xác định tình trạng dịch hại trong một vùng
Xác định tình trạng một loài dịch hại được TCBVTVQG thực hiện. Kết quả được quyết định ngay sau khi có mô tả thích hợp nhất về tình trạng dịch hại trong một vùng (xem 7.1) dựa trên thông tin hỗ trợ. Việc xác định này có thể bao gồm:
– hồ sơ dịch hại
– hồ sơ điều tra dịch hại
– hồ sơ hoặc các tài liệu khác cho thấy không có dịch hại
– kết quả của giám sát tổng thể
– thông tin từ những ấn phẩm khoa học và cơ sở dữ liệu
– biện pháp KDTV đã sử dụng để ngăn ngừa sự du nhập hoặc lan rộng của dịch hại
– thông tin khác liên quan đến đánh giá có mặt hoặc không có mặt của dịch hại.
Độ tin cậy và nhất quán của các thông tin phải được xem xét. Đặc biệt, khi có thông tin trái ngược nhau, cần phải ý kiến của chuyên gia.
7. Chế độ báo cáo
Các bên tham gia có các nghĩa vụ theo quy định của TCBVTVQG (xem bản soát xét mới: Điều VIII 1a) để báo cáo “sự xuất hiện, bùng phát hoặc lan rộng các loài dịch hại”, trong đó đề cập tới tiêu chuẩn này, các thông tin gắn liền với “tình trạng dịch hại trong một vùng” là một phần. Tiêu chuẩn này không liên quan đến các nghĩa vụ báo cáo nhưng lại quan tâm tới chất lượng thông tin báo cáo. Những báo cáo chính xác là một phần thiết yếu của việc hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho thương mại. Sai sót trong việc phát hiện và báo cáo dịch hại, hoặc không chính xác, không kịp thời, hoặc các báo cáo bị sai lệch có thể dẫn đến việc thết lập các rào cản thương mại, hoặc dẫn đến sự du nhập và/hoặc lan rộng của dịch hại.
Các tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến việc thu thập các hồ sơ dịch hại nên theo những khuyến nghị trong tiêu chuẩn này và cung cấp cho TCBVTVQG các chi tiết chính xác, đầy đủ trước khi báo cáo thông tin chung.
Để thực hiện báo cáo đúng, TCBVTVQG phải:
– căn cứ vào sự xác định tình trạng dịch hại trong một vùng về các thông tin đáng tin cậy và cập nhật sẵn có.
– có tính đến sự phân cấp và xác định tình trạng dịch hại đuợc quy định trong tiêu chuẩn này khi có sự trao đổi thông tin tình trạng dịch hại giữa các nước.
– thông báo cho TCBVTVQG của các đối tác thương mại càng sớm càng tốt và cho các tổ chức bảo vệ thực vật vùng, khi thích hợp về những thay đổi liên quan đến tình trạng dịch hại và đặc biệt báo cáo về loài dịch hại mới thiết lập.
– thông báo sự ngăn chặn đối với các loài dịch hại kiểm soát trong đó đề xuất một sự thay đổi về tình trạng dịch hại ở nước xuất khẩu cho các nước khác chỉ sau khi có sự tham vấn với nước xuất khẩu.
– khi đã xác định được hồ sơ dịch hại tại quốc gia khác không được thông báo, TCBVTVQG có thể báo cáo điều đó cho các quốc gia hoặc tổ chức bảo vệ thực vật vùng khác ngay sau khi có thông báo và tham vấn cho TCBVTVQG liên quan.
– việc trao đổi các thông tin tình trạng dịch hại phải phù hợp với điều VII (2j) và VIII (1a và 1c) của Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật tới phạm vi có thể thực thi, mức độ và ngôn ngữ có thể chấp thuận đối với cả hai nước.
– chỉnh sửa các hồ sơ sai sót càng sớm càng tốt.
[1] kể cả tài liệu điện tử.
[2] Chỉ rõ nơi có thể.
[3] Theo những chi tiết được liệt kê.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7517:2005 (ISPM NO.8 : 1998 , CÓ SỬA ĐỔI) VỀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG DỊCH HẠI TRONG MỘT VÙNG | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN7517:2005 | Ngày hiệu lực | 25/01/2006 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 25/01/2006 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |