TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7576-6:2010 (ISO 4548-6:1985) VỀ PHƯƠNG PHÁP THỬ BỘ LỌC DẦU BÔI TRƠN TOÀN DÒNG CHO ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG – PHẦN 6: THỬ ÁP SUẤT NỔ TĨNH
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7576-6:2010
ISO 4548-6:1985
PHƯƠNG PHÁP THỬ BỘ LỌC DẦU BÔI TRƠN TOÀN DÒNG CHO ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG – PHẦN 6: THỬ ÁP SUẤT NỔ TĨNH
Methods of test for full-flow lubricating oil filters for internal combustion engines – Part 6: Static burst pressure test
Lời nói đầu
TCVN 7576-6:2010 thay thế TCVN 7576-6:2006.
TCVN 7576-6:2010 hoàn toàn tương đương với ISO 4548-6:1985 và đính chính kỹ thuật 1:1990.
TCVN 7576-6:2010 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 70 Động cơ đốt trong biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 7576 (ISO 4548), Phương pháp thử bộ lọc dầu bôi trơn toàn dòng cho động cơ đốt trong, gồm các phần sau:
– Phần 1: Độ chênh áp suất/Đặc tính dòng chảy.
– Phần 2: Đặc tính của van thoát dầu.
– Phần 3: Khả năng chịu chênh áp cao và nhiệt độ cao.
– Phần 5: Thử mô phỏng sự khởi động nguội và thử độ bền chịu xung thủy lực.
– Phần 6: Thử áp suất nổ tĩnh.
– Phần 7: Thử mỏi do rung.
– Phần 9: Thử van chống chảy ngược ở cửa vào và ở cửa ra.
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn này quy định các quy trình thử để đo đặc tính của bộ lọc dầu bôi trơn toàn dòng dùng cho các động cơ đốt trong. Tiêu chuẩn đã được soạn thảo thành các phần riêng, mỗi phần liên quan đến một đặc tính cụ thể.
Các phép thử cung cấp đồng thời thông tin cần thiết để đánh giá đặc tính của bộ lọc, nhưng nếu có thỏa thuận giữa khách hàng và nhà sản xuất, các phép thử có thể được tiến hành riêng biệt.
PHƯƠNG PHÁP THỬ BỘ LỌC DẦU BÔI TRƠN TOÀN DÒNG CHO ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG – PHẦN 6: THỬ ÁP SUẤT NỔ TĨNH
Methods of test for full-flow lubricating oil filters for internal combustion engines – Part 6: Static burst pressure test
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp thử các bộ lọc dầu bôi trơn toàn dòng cho động cơ đốt trong để xác định khả năng của bộ lọc chịu một áp suất tĩnh và để xác định áp suất nổ của chúng và dạng hư hỏng liên quan.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các bộ lọc dùng trong ngành hàng không.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi (nếu có).
TCVN 7576-1:2006 (ISO 4548-1:1997), Phương pháp thử bộ lọc dầu bôi trơn toàn dòng cho động cơ đốt trong – Phần 1: Độ chênh áp suất /đặc tính dòng chảy.
3. Định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các định nghĩa trong TCVN 7576-1:2006 (ISO 4548-1:1997).
4. Thiết bị thử
Thiết bị gồm bơm tay thủy lực với các van và các đường ống cao áp, áp kế với phạm vi đo từ 0 bar đến 30 bar1) hoặc cao hơn nếu áp suất chỉ định yêu cầu (xem 6.6), đồ gá để gá lắp bộ lọc hoàn chỉnh. Khi thử cần sử dụng một tấm chắn an toàn trong suốt.
5. Chất lỏng thử
Sử dụng dầu SAE 5W ở nhiệt độ môi trường.
6. Quy trình chuẩn bị và thử
6.1. Lắp bộ lọc hoàn chỉnh với mô men xiết quy định. Nếu khoảng mô men xiết đã biết thì áp dụng mô men xiết tối thiểu. Việc lắp bộ lọc lên thiết bị gá lắp trung gian phải tương đương các điều kiện gá lắp khi chế tạo.
6.2. Nối bơm với cửa vào của bộ lọc hoặc của thiết bị gá trung gian và nối cửa ra của bộ lọc hoặc của thiết bị gá trung gian với một van mỏ. Cửa ra của van phải ở vị trí cao nhất của hệ thống.
6.3. Vận hành bơm để cho dầu vào hệ thống cho đến khi nhìn thấy dầu tràn ra ở cửa ra của van. Điều này cho thấy toàn bộ khí đã được xả khỏi hệ thống.
6.4. Đóng van và đặt tấm chắn an toàn giữa ngời quan sát và bộ lọc.
6.5. Tăng áp suất từ từ đến 2 bar, duy trì khoảng 1 min, và kiểm tra bộ lọc và toàn bộ các mối nối để phát hiện rò rỉ.
6.6. Tăng áp suất từ từ với bước tăng khoảng 2 bar, duy trì áp suất sau mỗi bước khoảng 1 min, và kiểm tra bộ lọc để phát hiện rò rỉ hoặc biến dạng. Tiếp tục cho đến khi đạt áp suất quy định (hoặc nếu không thì xảy ra sự cố hư hỏng).
6.7. Giảm áp suất về 0. Kiểm tra bộ lọc về biến dạng và mô men xiết. Ghi lại momen xiết dư và nếu mối ghép bị lỏng ra thì xiết lại tối mô men ban đầu.
6.8. Lại tăng áp suất từ từ cho đến khi đạt áp suất trước đó, sau đó tiếp tục tăng áp suất với bước tăng 0,5 bar và duy trì khoảng 10 s ở mỗi bước. Tiếp tục cho đến cuối cùng xảy ra sự cố hư hỏng, nghĩa là nổ hoặc rò rỉ.
6.9. Kiểm tra bộ lọc về các dạng hư hỏng chi tiết.
7. Báo cáo kết quả thử
Bản báo cáo kết quả thử cần có nội dung sau đây:
a) Số hiệu tiêu chuẩn này;
b) Tên của tổ chức thử nghiệm;
c) Kiểu bộ lọc (số model, nhà sản xuất và số lô);
d) Ngày thử;
e) Mô tả về bộ lọc, bộ lọc mới hay đã sử dụng (nếu đã sử dụng thì đưa ra khoảng thời gian đã sử dụng);
f) Mô men xiết ban đầu (xem 6.1);
g) Áp suất chỉ định và có đạt được áp suất đó không (xem 6.6);
h) Mô men xiết dư (xem 6.7);
i) Sự biến dạng thấy rõ (xem 6.7);
j) Áp suất nổ (xem 6.8);
k) Dạng hư hỏng và vị trí của nó.
1) 1 bar = 100 kPa
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7576-6:2010 (ISO 4548-6:1985) VỀ PHƯƠNG PHÁP THỬ BỘ LỌC DẦU BÔI TRƠN TOÀN DÒNG CHO ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG – PHẦN 6: THỬ ÁP SUẤT NỔ TĨNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN7576-6:2010 | Ngày hiệu lực | 29/12/2010 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | 29/12/2010 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |