TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7699-2-43:2014 (IEC 60068-2-43:2003) VỀ THỬ NGHIỆM MÔI TRƯỜNG – PHẦN 2-43: CÁC THỬ NGHIỆM – THỬ NGHIỆM KD: THỬ NGHIỆM BẰNG HYĐRO SULFUA ĐỐI VỚI CÁC TIẾP ĐIỂM VÀ MỐI NỐI

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TCVN 7699-2-43:2014

IEC 60068-2-43:2003

THỬ NGHIỆM MÔI TRƯỜNG PHẦN 2-43: CÁC THỬ NGHIỆM – THỬ NGHIỆM KD: THỬ NGHIỆM BẰNG HYĐRO SULFUA ĐỐI VỚI CÁC TIẾP ĐIỂM VÀ MỐI NỐI

Environmental testing – Part 2-43: Tests – Test Kd: Hydrogen sulphide test for contacts and connections

 

Lời nói đầu

TCVN 7699-2-43:2014 hoàn toàn tương đương với IEC 60068-2-43:2003;

TCVN 7699-2-43:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E3 Thiết bị điện tử dân dụng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

THỬ NGHIỆM MÔI TRƯỜNG – PHẦN 2-43: CÁC THỬ NGHIỆM – THỬ NGHIỆM KD: THỬ NGHIỆM BẰNG HYĐRO SULFUA ĐỐI VỚI CÁC TIẾP ĐIỂM VÀ MỐI NỐI

Environmental testing – Part 2-43: Tests – Test Kd: Hydrogen sulphide test for contacts and connections

1. Phạm vi áp dụng

Thử nghiệm này:

– nhằm cung cấp phương tiện tăng tốc để đánh giá các tác động làm mờ bạc và các hợp kim của bạc sử dụng cho các tiếp điểm và các mối nối;

– đặc biệt thích hợp cho việc cung cấp thông tin trên cơ sở so sánh;

– không thích hợp với đối với thử nghiệm ăn mòn thông thường, tức là thử nghiệm này có thể không tiên đoán được đặc tính của các tiếp điểm và mối nối trong khí quyển công nghiệp.

CHÚ THÍCH: Thông tin nhận được từ các thử nghiệm ăn mòn tăng tốc là có giới hạn, do đó cần chú ý đặc biệt đến phần hướng dẫn về thử nghiệm này được đưa ra trong IEC 60068-2-46. Cũng cần tham khảo tiêu chuẩn IEC 60355.

Mục đích của thử nghiệm này là:

a) xác định ảnh hưởng của khí quyển có chứa hyđro sulfur lên đặc tính tiếp xúc của các tiếp điểm làm bằng:

– bạc hoặc hợp kim bạc;

– bạc được bảo vệ bởi một lớp khác;

– các kim loại khác được phủ bạc hoặc hợp kim bạc.

b) kiểm tra các mối nối không có mối hàn làm từ cùng vật liệu như ở mục a) liên quan đến độ kín hoặc tính hiệu quả của chúng.

Trong tất cả các thử nghiệm, tiêu chí chính của tính năng sẽ là sự thay đổi về điện trở tiếp xúc gây ra bởi phơi nhiễm khí quyển thử nghiệm có chứa hyđro sunfua.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất (kể cả các sửa đổi).

IEC 60512-2-1:2002, Connectors for electronic equipment – Tests and measurements – Part 2-1: Electrical continuity and contact resistance tests – Test 2a: Contact resistance – Millivolt level method (Bộ nối dùng cho thiết bị điện tử – Thử nghiệm và phép đo – Phần 2-1: Thử nghiệm tính liên tục về điện và thử nghiệm điện trở tiếp xúc – Thử nghiệm 2a: Điện trở tiếp xúc – Phương pháp mức milivon)

3. Thiết bị thử nghiệm

Thiết bị thử nghiệm bao gồm hệ thống khí hậu, buồng thử nghiệm, hệ thống phân phối khí và phương tiện đo nồng độ khí, được trình bày chi tiết ở Phụ lục A.

3.1. Tủ thử nghiệm

Tủ thử nghiệm và các phần hỗ trợ của tủ phải được làm từ các vật liệu không phản ứng hoặc hấp thụ hyđro sunfua và không ảnh hưởng đến tác dụng ăn mòn của khí quyển thử nghiệm. Hỗn hợp này phải đi vào và đi ra khỏi tủ qua các ống có đường kính đủ rộng sao cho lưu lượng tổng qua tủ thử nghiệm ít nhất bằng 3 lần, nhưng không nhiều hơn 5 lần thay đổi khí quyển mỗi giờ. Không để khí ra khỏi tủ đi vào phòng thí nghiệm.

Kết cấu chi tiết của tủ, kể cả phương pháp tạo ra khí quyển thử nghiệm là tùy chọn, với điều kiện:

a) các điều kiện trong phần tủ đặt các mẫu thử phải nằm trong các giới hạn quy định;

b) mẫu thử phải được bảo vệ khỏi tác động trực tiếp của luồng khí đi vào;

c) bố trí phương tiện di chuyển mẫu thử qua khí quyển với tốc độ trung bình từ 20 m/h đến 60 m/h (xấp xỉ 6 mm/s đến 17 mm/s) hoặc theo cách khác, khuấy nhẹ khí quyển để đạt được vận tốc tương đối tương tự giữa khí quyển và các mẫu thử;

d) không xảy ra ngưng tụ bên trong vách tủ thử nghiệm;

e) tủ thử nghiệm không bị phơi nhiễm trực tiếp ánh sáng mặt trời và mức chiếu sáng (do ánh sáng ban ngày hoặc đèn nung sáng hoặc đèn huỳnh quang) đo được bên trong tủ thử nghiệm ở bề mặt bị phơi nhiễm bất kỳ là 50 lx đến 300 lx.

Ví dụ về tủ thử nghiệm phù hợp được đưa ra trong Phụ lục A.

4. Khí quyển thử nghiệm

Thành phần của khí quyển bên trong tủ thử nghiệm phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

– hyđro sunfua: 10 x 10-6 đến 15 x 10-6 thể tích/thể tích (phần triệu);

– nhiệt độ: 25oC ± 2oC;

– độ ẩm tương đối: 75 %.

Độ ẩm tương đối phải được duy trì càng gần với 75 % càng tốt, nhưng trong mọi trường hợp phải không lớn hơn 80 % và cũng không thấp hơn 70 %.

Khí quyển thử nghiệm có thể nhận được bằng cách trộn trực tiếp hyđro sunfua (từ nguồn thuận tiện bất kỳ) với không khí và hơi nước sao cho đảm bảo có được một hỗn hợp đồng nhất. (Có thể cần nhiều hơn một giai đoạn để nhận được sự phân bố đồng nhất của một lượng nhỏ hyđro sunfua).

5. Ổn định trước

Không được làm sạch các mẫu cần thử nghiệm bằng bất cứ cách nào, trừ khi được yêu cầu bởi các chỉ dẫn của nhà chế tạo, bởi quy định kỹ thuật chi tiết liên quan, hoặc theo thỏa thuận của các bên liên quan.

6. Phương pháp

6.1. Phép đo ban đầu

Quy định kỹ thuật thuật liên quan có thể yêu cầu rằng, trước và sau thử nghiệm, phải thực hiện một phép đo điện trở kết hợp với các thử nghiệm cơ khí (ví dụ các thử nghiệm xóc hoặc rung).

Mẫu phải được đo, kiểm tra cơ học và chịu thử độ bền cơ học theo yêu cầu của quy định kỹ thuật liên quan.

Điện trở tiếp xúc phải được đo theo IEC 60512-2-1, để tránh làm hư hại các màng mỏng tạo ra trên các bề mặt tiếp xúc.

6.2. Quy trình

Trước khi bắt đầu thử nghiệm, phải xác định bằng các phép đo phù hợp rằng đã đạt được các điều kiện ổn định về nồng độ hyđro sunfua, nhiệt độ và độ ẩm tương đối. Trong quá trình thử nghiệm, phải thực hiện kiểm tra định kỳ để đảm bảo rằng các điều kiện này được duy trì.

Phải thận trọng đặt các mẫu thử sao cho chúng không tiếp xúc với nhau và không che phủ lên nhau hoặc che lấp nhau khỏi khí quyển thử nghiệm.

Phải áp dụng các biện pháp dự phòng thích hợp để đảm bảo các tiếp điểm không bị xáo trộn trong suốt thời gian phơi nhiễm.

Mẫu thử phải được phơi nhiễm với các tiếp điểm ở trạng thái mở và/hoặc đóng theo yêu cầu của quy định kỹ thuật chi tiết liên quan.

Mẫu thử phải được phơi nhiễm mà không mang bất cứ tải điện nào hoặc được mang tải theo yêu cầu của quy định kỹ thuật chi tiết.

Mẫu thử phải được phơi nhiễm liên tục khí quyển thử nghiệm trong 4, 10 hoặc 21 ngày theo yêu cầu của quy định kỹ thuật chi tiết.

6.3. Phép đo kết thúc

Mẫu phải được lấy ra khỏi tủ và được bảo quản trong các điều kiện phục hồi tiêu chuẩn trong thời gian không ngắn hơn 1 h và không dài hơn 2 h trước khi thực hiện các phép đo điện trở tiếp xúc.

Phải áp dụng các biện pháp dự phòng thích hợp để đảm bảo các tiếp điểm không bị xáo trộn. Phương pháp sử dụng để đo điện trở tiếp xúc nên giống như phương pháp đã sử dụng cho phép đo ban đầu.

CHÚ THÍCH: Nếu không thể thực hiện được các phép đo cần thiết trong thời gian quy định, có thể kéo dài khoảng thời gian bảo quản trong các điều kiện phục hồi tối đa đến 24 h; việc kéo dài như vậy phải được ghi trong báo cáo.

Nói chung, đối với các mẫu thử được phơi nhiễm với các tiếp điểm ở trạng thái khớp với nhau, phải đo điện trở tiếp xúc của các tiếp điểm trước khi rút ra. Các mẫu thử được phơi nhiễm với các tiếp điểm ở trạng thái không khớp với nhau phải được cho khớp với nhau một lần và sau đó phải đo điện trở tiếp xúc.

Việc xử lý các tiếp điểm trước các phép đo kết thúc và các chi tiết về phép đo phải được thực hiện như yêu cầu bởi quy định kỹ thuật liên quan.

Kiểm tra bằng mắt mẫu thử có thể được yêu cầu bởi quy định kỹ thuật chi tiết.

7. Chi tiết cần được quy định

Quy định kỹ thuật liên quan phải thể hiện các chi tiết dưới đây:

a) các phép đo, các kiểm tra và độ bền cơ học cần được thực hiện trước thử nghiệm;

b) liệu các tiếp điểm có được khớp với nhau hoặc không khớp với nhau trong quá trình thử nghiệm;

c) các điều kiện mang tải điện hoặc vận hành của mẫu thử, nếu thuộc phạm vi áp dụng;

d) khoảng thời gian thử nghiệm;

e) các phép đo, kiểm tra và kiểm tra bằng mắt cần được thực hiện ở cuối thử nghiệm.

 

Phụ lục A

(tham khảo)

Tạo khí quyển ổn định trước

Như một ví dụ, Phụ lục này mô tả sơ đồ một thiết bị thích hợp để tạo ra khí quyển thử nghiệm bằng cách pha trộn trực tiếp các thành phần cần thiết. Có thể sử dụng các thiết bị và phương pháp pha trộn và kiểm soát khác, với điều kiện chúng phù hợp với tất cả các yêu cầu của quy định kỹ thuật này.

Thiết bị thử nghiệm thể hiện trên Hình A.1 bao gồm một khối ổn định trước không khí, một nguồn cấp khí cùng với bơm định lượng, một tủ thử nghiệm, một chai làm sạch khí để loại trừ hyđro sunfua trong khí thải, một đồng hồ đo lưu lượng không khí và một bơm hút.

Hình A.1 – Bản vẽ sơ đồ thiết bị để tạo ra quyển ổn định trước

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] TCVN 7699-1:2007 (IEC 60068-1:1988), Thử nghiệm môi trường – Phần 1: Quy định chung và

hướng dẫn

[2] IEC 60068-2-46:1982, Environmental testing – Part 2: Tests. Guidance to Test Kd: Hydrogen sulphide test for contacts and connections (Thử nghiệm môi trường – Phần 2: Các thử nghiệm. Hướng dẫn để thử nghiệm Kd: Thử nghiệm bằng hyđro sulfua đối với các tiếp điểm và mối nối)

[3] IEC 60355:1971, An appraisal of the problems of accelerated testing for atmospheric corrosion (Đánh giá các vấn đề của thử nghiệm tăng tốc đối với ăn mòn khí quyển)

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thiết bị thử nghiệm

4. Khí quyển thử nghiệm

5. Ổn định trước

6. Phương pháp

7. Chi tiết cần được quy định

Phụ lục A (tham khảo) – Tạo khí quyển ổn định trước

Thư mục tài liệu tham khảo

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7699-2-43:2014 (IEC 60068-2-43:2003) VỀ THỬ NGHIỆM MÔI TRƯỜNG – PHẦN 2-43: CÁC THỬ NGHIỆM – THỬ NGHIỆM KD: THỬ NGHIỆM BẰNG HYĐRO SULFUA ĐỐI VỚI CÁC TIẾP ĐIỂM VÀ MỐI NỐI
Số, ký hiệu văn bản TCVN 7699-2-43:2014 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản