TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7722-2-3:2019 (IEC 60598-2-3:2011) VỀ ĐÈN ĐIỆN – PHẦN 2-3: YÊU CẦU CỤ THỂ – ĐÈN ĐIỆN DÙNG CHO CHIẾU SÁNG ĐƯỜNG VÀ PHỐ
TCVN 7722-2-3:2019
IEC 60598-2-3:2011
ĐÈN ĐIỆN –
PHẦN 2-3: YÊU CẦU CỤ THỂ –
ĐÈN ĐIỆN DÙNG CHO CHIẾU SÁNG ĐƯỜNG VÀ PHỐ
Luminaires – Part 2-3: Particular requirements – Luminaires for road and street lighting
Lời nói đầu
TCVN 7722-2-3:2019 thay thế TCVN 7722-2-3:2007;
TCVN 7722-2-3:2019 hoàn toàn tương đương với IEC 60598-2-3:2011;
TCVN 7722-2-3:2019 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E11 Chiếu sáng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7722 (IEC 60598), Đèn điện có các phần sau:
TCVN 7722-1:2017, Phần 1: Yêu cầu chung và các thử nghiệm
TCVN 7722-2-1:2013, Phần 2-1: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện thông dụng lắp cố định
TCVN 7722-2-2:2007, Phần 2: Yêu cầu cụ thể – Mục 2: Đèn điện lắp chìm
TCVN 7722-2-3: 2019, Phần 2-3: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện dùng cho chiếu sáng đường và phố
TCVN 7722-2-4:2013, Phần 2-4: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện thông dụng di động
TCVN 7722-2-5:2007, Phần 2: Yêu cầu cụ thể – Mục 5: Đèn pha
TCVN 7722-2-6:2009, Phần 2: Yêu cầu cụ thể – Mục 6: Đèn điện có biến áp hoặc bộ chuyển đổi lắp sẵn dùng cho bóng đèn sợi đốt
TCVN 7722-2-7:2013, Phần 2-7: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện di động dùng trong vườn
TCVN 7722-2-8:2013, Phần 2-8: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện cầm tay
TCVN 7722-2-12:2013, Phần 2-12: Yêu cầu cụ thể – Đèn ngủ cắm vào ổ cắm nguồn lưới
TCVN 7722-2-13:2013, Phần 2-13: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện lắp chìm trong đất
TCVN 7722-2-20:2013, Phần 2-20: Yêu cầu cụ thể – Chuỗi đèn
TCVN 7722-2-22:2013, Phần 2-22: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện dùng cho chiếu sáng khẩn cấp
TCVN 7722-2-24:2013, Phần 2-24: Yêu cầu cụ thể – Đèn điện có giới hạn nhiệt độ bề mặt
ĐÈN ĐIỆN – PHẦN 2-3: YÊU CẦU CỤ THỂ – ĐÈN ĐIỆN DÙNG CHO CHIẾU SÁNG ĐƯỜNG VÀ PHỐ
Luminaires – Part 2-3: Particular requirements – Luminaires for road and street lighting
3.1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với
– đèn điện dùng cho chiếu sáng đường, phố và các ứng dụng chiếu sáng ngoài trời công cộng khác;
– chiếu sáng đường hầm;
– đèn điện liền cột có chiều cao tổng tối thiểu so với mức mặt đất chuẩn là 2,5 m;
và sử dụng với các nguồn sáng dùng điện trên các điện áp nguồn không quá 1 000 V.
CHÚ THÍCH: Đèn điện liền cột có chiều cao tổng nhỏ hơn 2,5 m đang được xem xét.
3.1.1 Tài liệu viện dẫn
Áp dụng tài liệu viện dẫn trong Mục 0 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) và các tài liệu viện dẫn dưới đây.
TCVN 7447-7-714:2011 (IEC 60364-7-714:1996), Hệ thống lắp đặt điện hạ áp – Phần 7-714: Yêu cầu cụ thể đối với hệ thống lắp đặt đặc biệt hoặc khu vực đặc biệt – Hệ thống lắp đặt dùng cho chiếu sáng bên ngoài
TCVN 7699-2-75:2011 (IEC 60068-2-75:1997), Thử nghiệm môi trường – Phần 2-75: Các thử nghiệm – Thử nghiệm Eh: Thử nghiệm búa
IEC 62262:2002, Degrees of protection provided by enclosures for electrical equipment against external mechanical impacts (IK code) (Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài đối với thiết bị điện chống các va đập về cơ từ bên ngoài)
3.2 Yêu cầu thử nghiệm chung
Áp dụng quy định trong Mục 0 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
Các thử nghiệm được mô tả trong từng mục thích hợp của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) phải được tiến hành theo trình tự được liệt kê trong mục đó của tiêu chuẩn này.
Để tạo thuận lợi cho thử nghiệm, và do các kích thước của mẫu thử, cho phép chỉ sử dụng các phần thích hợp của đèn điện (điều này chủ yếu áp dụng cho đèn điện liền cột).
3.3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong Mục 1 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) và các thuật ngữ và định nghĩa sau.
3.3.1
Dây khẩu độ (span wire)
Dây giữa các cơ cấu đỡ chính mang trọng lượng của toàn bộ khối lắp đặt.
CHÚ THÍCH: Dây khẩu độ có thể bao gồm một số đèn điện, cáp nguồn và dây néo.
3.3.2
Dây treo (suspension wire)
Dây được gắn vào dây khẩu độ và mang trọng lượng của đèn điện.
3.3.3
Dây néo (stay wire)
Dây được căng giữa các cơ cấu đỡ chính để giới hạn chuyển động sang các bên và chuyển động quay của đèn điện loại treo.
3.3.4
Đèn điện liền cột (column-integrated luminaires)
Hệ thống chiếu sáng có đèn điện lắp liền với cột chiếu sáng được cố định vào đất.
3.3.5
Bộ phận bên ngoài dùng để phản xạ hoặc trang trí của đèn điện liền cột (reflective or decorative external part of a column-integrated luminaire)
Cơ cấu để phản xạ ánh sáng theo một hướng nhất định hoặc để trang trí, được lắp bên ngoài khoang bóng đèn, thường ở đỉnh của đèn điện liền cột.
CHÚ THÍCH: Trong tiêu chuẩn này, các cơ cấu này được gọi là “bộ phận bên ngoài”.
3.3.6
Cột chiếu sáng (lighting column)
Cơ cấu đỡ được thiết kế để đỡ một hoặc nhiều đèn điện, bao gồm một hoặc nhiều bộ phận: cột, có thể có chi tiết để vươn rộng ra, và một công xon, nếu cần. Cột chiếu sáng không bao gồm các cột dùng để chăng dây đèn.
3.3.7
Chiều cao danh nghĩa của đèn điện liền cột (nominal height of a column-integrated luminaire)
Khoảng cách giữa đường tâm của điểm gá lắp đèn hoặc bộ phận bên ngoài và mức mặt đất dự kiến, đối với đèn điện liền cột chôn xuống đất, hoặc đáy của mặt bích đối với đèn điện liền cột có mặt bích.
3.3.8
Cửa cột đèn của đèn điện liền cột (door opening of a column-integrated luminaire)
Lỗ ở cột đèn điện liền cột để tiếp cận với thiết bị điện.
3.3.9
Lỗ luồn cáp ngầm của đèn điện liền cột (cable entry slot of a column integrated luminaire)
Lỗ ở phần đèn điện liền cột nằm thấp hơn mặt đất để cáp đi vào.
3.3.10
Hộp nối của đèn điện liền cột (connection box of a column integrated luminaire)
Hộp chứa các khối đầu nối: cơ cấu bảo vệ và cho phép đấu nối đèn điện liền cột với lưới điện chính và đường gấp cáp.
3.3.11
Đèn điện trong hầm (tunnel luminaires)
Đèn điện dùng để chiếu sáng trong các đường hầm được lắp trực tiếp hoặc trên khung gắn trên vách hầm hoặc nóc hầm.
3.4 Phân loại đèn điện
Đèn điện phải được phân loại phù hợp với các quy định trong Mục 2 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
CHÚ THÍCH: Đèn điện chiếu sáng đường và phố thường phù hợp với một hoặc nhiều phương thức lắp đặt sau đây:
a) trên một ống (công xon) hoặc cơ cấu tương tự;
b) trên một xà (cột) đỡ;
c) trên đỉnh cột;
d) trên dây khẩu độ hoặc dây treo;
e) trên tường.
3.5 Ghi nhãn
Áp dụng các quy định trong Mục 3 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1). Ngoài ra, phải cung cấp các thông tin dưới đây trong tờ hướng dẫn đi kèm đèn điện:
a) tư thế đặt theo thiết kế (tư thế làm việc bình thường);
b) khối lượng kể cả bộ điều khiển nếu có;
c) kích thước tổng thể;
d) nếu được thiết kế để lắp đặt cao hơn mặt đất 8 m, diện tích cản gió lớn nhất (hình chiếu lớn nhất chịu tải trọng gió) (xem 3.6.3.1);
e) dải tiết diện của dây treo thích hợp với đèn điện, nếu thuộc đối tượng áp dụng;
f) sự phù hợp đề sử dụng trong nhà với điều kiện là không giảm đi 10 °C từ giá trị nhiệt độ đo được để tính đến các ảnh hưởng của lưu thông không khí tự nhiên (xem 3.12.1);
g) kích thước của ngăn đặt hộp nối;
h) giá trị mô men xoắn, tính bằng Niu tơn mét (Nm), cần xiết bu lông hoặc vít bất kỳ dùng để cố định đèn điện vào cơ cấu đỡ;
i) chiều cao lắp đặt lớn nhất liên quan đến phương pháp bảo vệ được chọn chống rơi các mảnh kính.
3.6 Kết cấu
Áp dụng các quy định của Mục 4 trong TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) cùng với các yêu cầu từ điều 3.6.1 đến điều 3.6.5.
3.6.1 Tất cả đèn điện phải có bảo vệ tối thiểu là IPX3 chống sự xâm nhập có hại của hơi ẩm, ngoài ra đối với đèn điện chiếu sáng trong đường hầm và đèn điện liền cột có lắp kính cho bộ phận bên ngoài có cửa bên thì yêu cầu cấp bảo vệ IPX5.
Đối với đèn điện liền cột có cửa cột đèn, phải có cấp IP như sau:
1) các bộ phận thấp hơn 2,5 m : IP3X (xem TCVN 7447-7-714 (IEC 60364-7-714))
2) các bộ phận cao hơn 2,5 m : IP2X (khi các bộ phận bên ngoài có cửa bên, cấp IP của chỗ lắp kính phải là 5X)
3.6.2 Đèn điện dùng để treo trên dây khẩu độ phải có lắp các cơ cấu kẹp và trong tờ hướng dẫn đi kèm đèn điện phải nêu dãy kích thước dây khẩu độ thích hợp với cơ cấu kẹp. Cơ cấu này phải kẹp chặt dây khẩu độ để ngăn ngừa dịch chuyển của đèn điện so với dây khẩu độ.
Cơ cấu treo không được làm hỏng dây khẩu độ trong quá trình lắp đặt và sử dụng bình thường của đèn điện.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét sau khi lắp đèn điện lên dây khẩu độ lớn nhất và nhỏ nhất nằm trong dải công bố của nhà chế tạo đèn điện.
CHÚ THÍCH: Phải chú ý để tránh ăn mòn điện hoá giữa cơ cấu kẹp và dây khẩu độ.
3.6.3 Phương tiện để gắn đèn điện hoặc bộ phận bên ngoài lên cơ cấu đỡ của nó phải phù hợp với khối lượng của đèn điện hoặc bộ phận bên ngoài đó. Mối nối phải được thiết kế để chịu được vận tốc gió là 150 km/h trên bề mặt chiếu của cụm lắp ráp mà không bị lệch đi quá mức.
Cơ cấu cố định để mang trọng lượng của đèn điện hoặc bộ phận bên ngoài và các phụ kiện bên trong phải có phương tiện để ngăn ngừa sự bật ra do rung của bộ phận bất kỳ của đèn điện hoặc bộ phận bên ngoài, cả trong vận hành và bảo trì.
Các bộ phận của đèn điện hoặc các bộ phận bên ngoài nếu không được cố định bằng ít nhất bằng hai cơ cấu cố định, ví dụ, vít hoặc phương tiện tương tự có đủ độ bền thì phải có bảo vệ bổ sung nhằm ngăn ngừa các bộ phận này rơi xuống và gây nguy hiểm cho người, động vật và các vật xung quanh do cơ cấu cố định bị hỏng trong điều kiện bình thường.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và, đối với đèn điện hoặc bộ phận bên ngoài được lắp trên đỉnh cột hoặc xà đỡ, bằng thử nghiệm 3.6.3.1.
Không yêu cầu thử nghiệm về sức gió đối với các đèn điện trong đường hầm.
CHÚ THÍCH: Khi nghiên cứu ảnh hưởng có thể có của rung, đèn điện phải được nghiên cứu cùng với bóng đèn và cột, mà chúng sẽ sử dụng với nhau.
3.6.3.1 Thử nghiệm tải tĩnh đối với đèn điện hoặc các bộ phận bên ngoài được lắp trên xà đỡ hoặc đỉnh cột.
Đèn điện hoặc các bộ phận bên ngoài được lắp sao cho bề mặt đáng lo ngại nhất phải mang tải.
Bề mặt đáng lo ngại nhất được xác định bằng cách tính giá trị lớn nhất của Cd x S
trong đó:
Cd là hệ số cản gió;
S là diện tích bề mặt mang tải (m2).
Hệ số cản gió phụ thuộc vào hình dạng bề mặt. Đối với đèn điện hoặc bộ phận bên ngoài mà Cd không đo được thì phải lấy giá trị là 1,2.
CHÚ THÍCH 1: Xem Phụ lục A về cách đo Cd.
Các phương tiện gá lắp phải được xiết chặt theo hướng dẫn của nhà chế tạo.
Đặt một tải không đổi, phân bố đều lên bề mặt đáng lo ngại nhất trong 10 min.
CHÚ THÍCH 2: Xem Hình 1 về phương pháp phân bố đều của tải. Trong trường hợp sử dụng các túi thì các túi này có thể đổ đầy cát, viên chì hoặc các viên bi nhỏ.
Tải phải bằng
F = 1/2 Rh × S × Cd × V2 (N)
trong đó:
Rh bằng 1,225 kg/m3 (khối lượng theo thể tích của không khí);
V là vận tốc gió (m/s).
Vận tốc gió ứng với chiều cao lắp đặt của đèn điện hoặc các bộ phận bên ngoài phải là:
V = 45 m/s (163 km/h) đối với chiều cao đến 8 m;
V = 52 m/s (188 km/h) đối với chiều cao trong khoảng từ 8 m đến 15 m;
V = 57 m/s (205 km/h) đối với chiều cao trên 15 m;
CHÚ THÍCH 3: Ở một số quốc gia, vận tốc gió được xác định theo quy phạm của quốc gia (ví dụ, Nhật Bản)
Hệ số cản gió là 1,2 (hoặc giá trị chính xác đo theo Phụ lục A).
Sau khi thử nghiệm, không được có hỏng hóc nhìn thấy được làm mất an toàn, cơ cấu gá lắp không được biến dạng vĩnh viễn với độ võng quá 2 cm/m, và không bị xoay quanh điểm gá lắp.
3.6.4 Nếu sử dụng đui đèn mà không đảm bảo vị trí đúng của bóng đèn thì phải có cơ cấu đỡ thích hợp. Đối với đui đèn hoặc các bộ phận quang điều chỉnh được, phải có các dấu hiệu nhận biết thích hợp. Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét.
3.6.5 Tương ứng với chiều cao lắp đặt của đèn điện, áp dụng các yêu cầu dưới đây để giảm thiểu rủi ro bị thương do kính vỡ.
Trong trường hợp đèn điện được lắp đặt dưới 5 m, không có yêu cầu bổ sung cho các nắp đậy bằng kính.
Đối với đèn điện dùng cho đường hầm, áp dụng các yêu cầu trong 3.6.5.1 mà không có ngoại lệ.
Trong trường hợp đèn điện được lắp đặt cao hơn 5 m, các nắp đậy bằng kính phải
a) được làm bằng kính mà khi vỡ thì vỡ thành các mảnh nhỏ, hoặc
b) được làm bằng kính có khả năng chịu xóc va đập cao, hoặc
c) được bảo vệ bằng phương tiện để giữ lại các mảnh vỡ trong trường hợp bị vỡ (ví dụ bằng tấm chắn, màng phủ).
Kiểm tra sự phù hợp
– đối với điểm a) bằng thử nghiệm và kiểm tra theo 3.6.5.1;
– đối với điểm b) bằng thử nghiệm và kiểm tra theo 3.6.5.2;
– đối với điểm c) bằng cách xem xét.
Nhà chế tạo đèn điện phải công bố cho phòng thử nghiệm phương pháp bảo vệ được sử dụng.
3.6.5.1 Bảo vệ bằng cách sử dụng kính mà khi vỡ sẽ vỡ thành các mảnh nhỏ
Không yêu cầu ổn định trước đèn điện và nắp đậy bằng kính trước khi thử nghiệm.
Đối với kính phẳng, phần kính được đỡ trên toàn bộ diện tích để đảm bảo rằng các mảnh vỡ không bị văng ra khi vỡ và không cho các mảnh vỡ di chuyển. Đập vỡ kính bằng một mũi đột tại điểm trên một trong các cạnh dài hơn và lùi vào 30 mm về giữa tấm kính.
CHÚ THÍCH 1: Mũi đột là dụng cụ làm bằng thép có một điểm nhọn.
Đối với kính không phẳng, phần kính được đỡ trên toàn bộ bề mặt (ví dụ phương pháp thử nghiệm có thể sử dụng vật liệu tương tự cát hoặc khuôn đúc). Chiều dày của vật liệu được sử dụng làm bề mặt đỡ phải lớn hơn 30 mm. Bề mặt kính phải được che phủ hoàn toàn bằng một lớp màng dính để tránh mọi dịch chuyển bất kỳ của các mảnh vỡ. Đập vỡ kính (từ bên trong hoặc bên ngoài) bằng một mũi đột tại điểm giữa của nắp đậy bằng kính.
Trong vòng 5 min sau khi vỡ, đếm các mảnh vỡ nằm trong một hình vuông có cạnh 50 mm, ở xấp xỉ tâm của vùng có các mảnh vỡ to nhất nhưng vẫn nằm trong giới hạn tấm kính này.
Sự phù hợp: Tấm kính được coi là đáp ứng thử nghiệm này, nếu trong hình vuông có cạnh 50 mm, số mảnh vỡ nhiều hơn 40 mảnh; không đếm các mảnh kính vụn và các mảnh vỡ nhỏ hơn chiều dày toàn phần của tấm kính. Đối với tấm kính có kích thước nhỏ hơn mà ở đó vùng 50 mm x 50 mm là không thực hiện được thì số mảnh vỡ yêu cầu khi đếm có thể giảm tương ứng theo tỷ lệ. Tất cả các kích thước của các mảnh vỡ phải nhỏ hơn 50 mm.
Khi đếm tổng số các mảnh vỡ trong hình vuông có cạnh 50 mm, đếm các mảnh vỡ tại trung tâm của hình vuông cộng với các mảnh vỡ ở mép. Để đếm các mảnh vỡ tại mép của hình vuông, nên đếm tất cả các mảnh nằm trên hai cạnh liền kề còn bỏ qua các mảnh nằm trên hai cạnh còn lại (xem Hình 2).
CHÚ THÍCH 2: Phương pháp phù hợp để đếm các mảnh vỡ là đặt một hình vuông có cạnh 50 mm bằng vật liệu trong suốt lên tấm kính và dùng mực đánh dấu một chấm cho mỗi mảnh vỡ trong hình vuông đếm được.
CHÚ THÍCH 3: Khi mẫu thử nghiệm vẫn giữ được ở dạng tấm thì các đường nứt thường được sử dụng để thể hiện đã vở và do đó ước tính được kích thước và số lượng mảnh vỡ, trừ khi sử dụng cốt gia cường hoặc mảng mỏng.
CHÚ THÍCH 4: Trong trường hợp có thể, diện tích đo không nên nằm trong phạm vi 30 mm đến mép bất kỳ, lỗ hoặc phần gia công của kính hoặc trong vòng tròn bán kính 50 mm xung quanh điểm va đập.
3.6.5.2 Bảo vệ bằng cách sử dụng kính có khả năng chịu va đập cao
3.6.5.2.1 Nắp đậy bằng kính phải có độ bền cơ cao.
Đèn điện và nắp đậy bằng kính phải được ổn định trước bằng thử nghiệm độ bền nhiệt trong 12.3 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
Thử nghiệm được thực hiện trên một mẫu và trên bề mặt bên ngoài (phía đối diện với bóng đèn) của phần kính được lắp trên đèn điện.
Quy trình thử nghiệm phải theo IEC 62262, và trang thiết bị thử nghiệm được sử dụng là búa kiểu con lắc hoặc búa thẳng đứng theo TCVN 7699-2-75 (IEC 60068-2-75).
Sự phù hợp: Kính không được vỡ sau khi chịu năng lượng va đập là 5 J (IK08).
3.6.5.2.2 Các nắp đậy bằng kính không được vỡ thành các mảnh lớn.
Các nắp đậy bằng kính phải được thử nghiệm theo cùng quy trình thử nghiệm trong 3.6.5.1.
Sự phù hợp: Tấm kính được coi là đáp ứng thử nghiệm này nếu trong hình vuông có cạnh 50 mm, số mảnh vỡ nhiều hơn 20 mảnh; không đếm các mảnh kính vụn và các mảnh vỡ nhỏ hơn chiều dày toàn phần của tấm kính. Đối với tấm kính có kích thước nhỏ hơn mà ở đó vùng 50 mm x 50 mm là không thực hiện được thì số mảnh vỡ yêu cầu khi đếm có thể giảm tương ứng theo tỷ lệ. Tất cả các kích thước của các mảnh vỡ phải nhỏ hơn 50 mm.
3.6.6 Khoang nối của đèn điện liền cột phải có đủ không gian trong phạm vi cửa cột đèn để chứa:
– các đầu nối của đèn điện;
– các cơ cấu bảo vệ;
– đầu nối và mạch cáp cung cấp điện;
– hộp nối (nếu có).
Khoang nối phải cỏ đủ phương tiện để gắn các thiết bị trên đây. Khi các phương tiện là kim loại thì khoang nối phải bằng vật liệu chống ăn mòn hoặc phải có bảo vệ phù hợp chống ăn mòn.
3.6.7 Liên quan đến việc tính tải và kiểm tra thiết kế về cấu trúc bằng thử nghiệm, các đèn diện liền cột, không kể các bộ phận bên ngoài của chúng, phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia trong trường hợp có sẵn hoặc có thể áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn nước ngoài khác, nếu thuộc đối tượng áp dụng.
CHÚ THÍCH: Ở châu Âu áp dụng EN 40, ở Nhật Bản áp dụng JIL 1003 và ở Bắc Mỹ áp dụng ANSI C136.
3.6.8 Cánh cửa của đèn điện liền cột phải được xử lý chống ăn mòn phù hợp với cách xử lý áp dụng cho đèn điện liền cột.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng các thử nghiệm quy định trong 4.18 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
Việc mở cửa phải được thiết kế sao cho chỉ người được ủy quyền mới mở được nó.
Thử nghiệm điển hình được thực hiện trên mẫu cửa. Thiết bị thử nghiệm phải là thiết bị búa dạng con lắc, thử nghiệm rơi thẳng đứng, thử nghiệm va đập theo nguyên lý làm việc kiểu lò xo quy định trong TCVN 7699-2-75 (IEC 60068-2-75) hoặc bằng các phương tiện phù hợp khác để cho kết quả tương đương. Năng lượng va đập là 5 Nm phải được đặt ba lần.
Va đập phải được đặt ở tâm của cánh cửa trên mặt rộng nhất khi cửa có nhiều mặt.
Sau thử nghiệm, mẫu thử không bị hỏng, cụ thể là:
– cơ cấu khóa vẫn phải hoạt động;
– không có vết nứt nhìn thấy được trên mẫu thử;
– mức bảo vệ IP phải không bị giảm (xem 3.6.1).
3.6.9 Đối với đèn điện liền cột:
– lỗ luồn cáp ngầm không được nhỏ hơn 50 mm x 150 mm;
– tuyến cáp từ lỗ luồn cáp ngầm tới khoang nối không được nhỏ hơn 50 mm và không có vật cản trở, gờ sắc, gờ ráp, ba via, và các chi tiết tương tự mà có thể mài mòn cáp.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng phép đo.
CHÚ THÍCH: Ở Mỹ, kích thước lỗ luồn cáp ngầm phải phù hợp với ANSI C136.
3.7 Chiều dài đường rò và khe hở không khí
Áp dụng các quy định trong Mục 11 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
3.8 Quy định nối đất
Áp dụng các quy định trong Mục 7 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) cùng với các yêu cầu của 3.8.1.
3.8.1 Đồ gá của bộ phận cố định đầu nối phải được thiết kế và thực hiện sao cho khi tháo bộ phận kẹp chặt thì đầu nối không bị xoay.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách xem xét và bằng thử nghiệm về cơ quy định trong các Mục 14 và Mục 15 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
3.9 Đầu nối
Áp dụng các quy định trong Mục 14 và và Mục 15 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
Các đầu nối để nối tới nguồn cung cấp phải cho phép nối dây dẫn có mặt cắt danh nghĩa theo Bảng 14.1 trong Mục 14 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1), không kể cáp nguồn có mặt cắt nhỏ hơn 1 mm2.
Kiểm tra sự phù hợp bằng cách lắp dây dẫn có mặt cắt nhỏ nhất và lớn nhất quy định.
3.10 Dây dẫn bên ngoài và dây dẫn bên trong
Áp dụng các quy định trong Mục 5 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) cùng với các yêu cầu của 3.10.1.
3.10.1 Đèn điện chiếu sáng đường và phố phải có cơ cấu chặn dây sao cho ruột dẫn của cáp nguồn không chịu ứng lực tại nơi đấu nối chúng với các đầu nối, nếu như không có cơ cấu chặn dây thì trọng lượng của cáp nguồn sẽ tác dụng ứng lực lên các mối nối.
Kiểm tra sự phù hợp bằng thử nghiệm liên quan ở Mục 5 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1), nhưng với lực kéo là 60 N và mômen xoắn là 0,25 Nm.
Các giá trị lực kéo và mômen xoắn phụ thuộc vào khối lượng của cáp nguồn. Nhìn chung, các giá trị quy định này là phù hợp, nhưng đối với đèn điện được thiết kế lắp đặt cao hơn 20 m và khi khối lượng của cáp nguồn tác dụng lên cơ cấu chặn dây vượt quá 4 kg thì áp dụng giá trị lực kéo là 100 N và mômen xoắn là 0,35 Nm.
3.11 Bảo vệ chống điện giật
Áp dụng các quy định trong Mục 8 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
3.12 Thử nghiệm độ bền và thử nghiệm về nhiệt
Áp dụng các quy định trong Mục 12 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) cùng với các yêu cầu sau:
3.12.1 Khi áp dụng các giới hạn cho trong các bảng trong Mục 12 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1), nhiệt độ đo được trên đèn điện trong vỏ thử nghiệm được phép giảm đi 10 °C để tính đến các ảnh hưởng của sự dịch chuyển không khí tự nhiên xảy ra trong môi trường làm việc của đèn điện.
Các sản phẩm được thiết kế chỉ để sử dụng ngoài trời phải được thử nghiệm tại nhiệt độ công bố ta ± 5 °C. Khi đó có thể giảm nhiệt độ đo được sau thử nghiệm xuống 10 °C.
3.12.2 Đèn điện có IP lớn hơn IP20 phải chịu các thử nghiệm liên quan quy định ở 12.4, 12.5 và 12.6 trong Mục 12 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) được thực hiện sau (các) thử nghiệm theo 9.2 nhưng trước (các) thử nghiệm theo 9.3 trong Mục 9 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) được quy định trong 3.13 của tiêu chuẩn này.
3.12.3 Nắp đậy bằng kính phải được sử dụng trong các giới hạn nhiệt được nhà chế tạo kính công bố. Các giới hạn nhiệt này phải bao gồm nhiệt độ nhỏ nhất, nhiệt độ lớn nhất và ∆t lớn nhất cho phép trên kính đó.
3.13 Khả năng chống bụi và ẩm
Áp dụng các quy định trong Mục 9 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) cùng với yêu cầu sau.
3.13.1 Đối với đèn điện có IP lớn hơn IP20 trình tự thử nghiệm quy định trong Mục 9 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1) cũng phải như quy định trong 3.12 của tiêu chuẩn này.
3.14 Điện trở cách điện và độ bền điện
Áp dụng các quy định trong Mục 10 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
3.15 Khả năng chịu nhiệt, chịu cháy và chịu phóng điện
Áp dụng các quy định trong Mục 13 của TCVN 7722-1 (IEC 60598-1).
CHÚ DẪN
1 Túi cát
2 Lưới
3 Vật nặng
Hình 1 – Các quy trình khác nhau để thử nghiệm sức gió tĩnh
Hình 2 – Đếm các mảnh vỡ tại cạnh hình vuông
Phụ lục A
(tham khảo)
Phép đo hệ số cản gió
A.1 Phương pháp đo
Phép đo hệ số cản gió được thực hiện bằng phương pháp giống như phương pháp xác định hệ số cản gió trong ISO 4354.
Phép đo trên đèn điện dễ dàng hơn phép đo trên cấu trúc phức tạp (đèn điện thử nghiệm tĩnh tại đại diện cho kích thước thực tế của đèn điện).
Thông thường đặt đèn điện trong đường hầm thử nghiệm gió, như nêu trong qui tắc lắp đặt của nhà chế tạo.
Đường hầm thử nghiệm gió cần sao cho bề mặt S của đèn điện chiếm không quá 5 % tiết diện lớn nhất của đường hầm thử nghiệm gió.
Vận tốc gió dùng trong phép đo phải càng gần thực tế càng tốt, theo 3.6.3.1. Vận tốc 25 m/s được xem là tối thiểu.
Sau phép đo này, không được có hỏng hóc nhìn thấy được làm mất an toàn của đèn điện.
A.2 Tài liệu tham khảo
ISO 4354: 1997, Wind action on structures (Tác động của gió lên kết cấu).
Phụ lục B
(quy định)
Các điều được sửa đổi có các yêu cầu quan trọng đòi hỏi sản phẩm cần được thử nghiệm lại
Tiêu chuẩn này mở rộng phạm vi áp dụng cho các yêu cầu của đèn điện liền cột. Đối với các kiểu đèn điện khác dùng cho chiếu sáng đường và phố, tiêu chuẩn này không đưa ra các yêu cầu cao hơn. Do đó, đèn điện dùng cho chiếu sáng đường và phố, nếu đã phù hợp với TCVN 7722-2-3:2007 (IEC 60598-2-3:2002) vẫn có thể được coi là phù hợp với tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH: Trong trường hợp các yêu cầu cao hơn sẽ được đưa vào các sửa đổi/phiên bản mới của tiêu chuẩn này thì các điều đó sẽ được đánh dấu là ‘R’ và sẽ được đưa vào phụ lục này.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
3.1 Phạm vi áp dụng
3.2 Yêu cầu thử nghiệm chung
3.3 Thuật ngữ và định nghĩa
3.4 Phân loại đèn điện
3.5 Ghi nhãn
3.6 Kết cấu
3.7 Chiều dài đường rò và khe hở không khí
3.8 Quy định nối đất
3.9 Đầu nối
3.10 Dây dẫn bên ngoài và dây dẫn bên trong
3.11 Bảo vệ chống điện giật
3.12 Thử nghiệm độ bền và thử nghiệm về nhiệt
3.13 Khả năng chống bụi và ẩm
3.14 Điện trở cách điện và độ bền điện
3.15 Khả năng chịu nhiệt, chịu cháy và chịu phóng điện
Phụ lục A (tham khảo) – Phép đo hệ số cản gió
Phụ lục B (quy định) – Các điều được sửa đổi có các yêu cầu quan trọng đòi hỏi sản phẩm cần được thử nghiệm lại
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7722-2-3:2019 (IEC 60598-2-3:2011) VỀ ĐÈN ĐIỆN – PHẦN 2-3: YÊU CẦU CỤ THỂ – ĐÈN ĐIỆN DÙNG CHO CHIẾU SÁNG ĐƯỜNG VÀ PHỐ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN7722-2-3:2019 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Điện lực |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |