TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7834:2007(ISO 22198 : 2006) VỀ VẬT LIỆU DỆT – VẢI – XÁC ĐỊNH CHIỀU RỘNG VÀ CHIỀU DÀI

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 7834 : 2007

ISO 22198 : 2006

VẬT LIỆU DỆT – VẢI – XÁC ĐỊNH CHIỀU RỘNG VÀ CHỀU DÀI

Textiles – Fabrics – Determination of width and length

Lời nói đầu

TCVN 7834 : 2007 thay thế TCVN 1751 : 1986.

TCVN 7834 : 2007 hoàn toàn tương đương với ISO 22198 : 2006.

TCVN 7834 : 2007 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC 38 Hàng dệt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

VẬT LIỆU DỆT – VẢI – XÁC ĐỊNH CHIỀU RỘNG VÀ CHỀU DÀI

Textiles – Fabrics – Determination of width and length

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này qui định phương pháp xác định chiều dài và chiều rộng của vải dệt ở trạng thái không bị kéo căng. Phép thử áp dụng cho vải ở dạng nguyên khổ, hoặc được gập lại một nửa theo chiều dọc, hoặc ở dạng ống nhưng không được dài hơn 100 m. Tiêu chuẩn này không qui định phương pháp xác định hoặc mô tả các khuyết tật về kết cấu hoặc các khuyết tật khác. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho vải tráng phủ.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

ISO 1748:2007 (ISO 139:2005), Vật liệu dệt – Môi trường chuẩn để điều hòa và thử

ISO 10012-1, Quality assurance requirements for measuring equipment – Part 1: Metrological confirmation system for measuring equipment (Các yêu cầu về đảm bảo chất lượng của thiết bị đo – Phần 1: Hệ thống kiểm tra về đo lường của thiết bị đo)

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

3.1. Chiều dài mẫu (length of piece)

Khoảng cách giữa điểm đầu và điểm cuối của mẫu theo chiều dọc hoặc theo hướng máy.

3.2. Chiều rộng mẫu (overall width of piece)

Khoảng cách giữa các mép ngoài cùng của mẫu được đo vuông góc với các mép dọc.

3.3. Chiều rộng hiệu dụng của mẫu (usable width of piece)

Chiều rộng của vải loại trừ phần biên vải, các dấu, dấu kim giữ vải hoặc các vùng không đồng nhất của vải.

CHÚ THÍCH: Tùy theo mục đích sử dụng cuối cùng hoặc các qui định kỹ thuật được thỏa thuận giữa các bên liên quan, chiều rộng hiệu dụng có thể được định nghĩa khác.

4. Nguyên tắc

Mẫu thử vải được điều hòa ở trạng thái phục hồi tự do trong môi trường chuẩn để thử được đặt trên một bề mặt nhẵn. Sử dụng một thước đo chia độ để xác định chiều dài và chiều rộng của miếng mẫu thử. Để xác định chiều dài của mẫu thử, có thể cần phải đo từng phần chiều dài. Sau đó chiều dài tổng của mẫu thử là tổng cộng của các phần chiều dài đó.

5. Lấy mẫu

Mẫu thử phải được chọn theo quy trình qui định về vật liệu cho vải hoặc theo thỏa thuận giữa các bên liên quan.

6. Thiết bị, dụng cụ

6.1. Thước chia độ, phù hợp với ISO 10012-1, có chiều dài lớn hơn chiều rộng của vải hoặc lớn hơn 1m, được chia độ theo milimét.

6.2. Bàn đo, có bề mặt phẳng nhẵn, có chiều dài và chiều rộng lớn hơn miếng vải được đo. Bàn phải dài ít nhất 3m để có thể đo được mẫu thử có chiều dài lớn hơn 2 m. Dọc theo hai cạnh song song lớn nhất của bàn phải được đánh dấu liên tục với khoảng cách là 1m ± 1mm.

Khoảng cách đánh dấu đầu tiên ở đầu bàn gần nhất phải là 0,5m, để có thể đặt mẫu thử được thích hợp. Đối với mẫu thử dài phải đo từng phần, toàn bộ mẫu thử phải được đặt trên bàn trong khi tiến hành đo từng phần chiều dài (xem phụ lục A).

7. Môi trường để điều hòa, thử và phục hồi tự do

Môi trường để điều hòa sơ bộ, điều hòa và thử phải theo qui định trong TCVN 1748 (ISO 139).

Vải phải được điều hòa và đo ở trạng thái phục hồi tự do. Để đảm bảo được điều này, mẫu thử phải được đặt ở trạng thái không bị kéo căng khi ở dạng để nguyên khổ, hoặc được gập đôi theo chiều dọc của vải, hoặc ở dạng ống, phụ thuộc vào cấu tạo của mẫu thử.

CHÚ THÍCH: Minh họa về cách để vải có chiều dài lớn được nêu trong phụ lục A.

Để đảm bảo đạt được trạng thái phục hồi tự do, đặt ghim đánh dấu ở hai khoảng dọc theo vải. Mẫu thử được coi là ở trạng thái hoàn toàn phục hồi tự do nếu sự sai khác giữa các lần đo chiều dài trong khoảng 24 h nhỏ hơn 0,25%. Nếu vải dệt kim đem thử không giống như khi nhận mà sau xử lý đặc biệt thì điều này phải được sự đồng ý của các bên liên quan và phải nêu trong báo cáo thử nghiệm.

8. Cách tiến hành

8.1. Qui định chung

Mẫu thử được đặt nằm phẳng trên mặt bàn đo. Phép thử được thực hiện khi mẫu thử ở dạng nguyên khổ hoặc được gập đôi theo chiều dọc hoặc ở dạng ống. Tránh không làm xô lệch bề mặt của mẫu thử.

8.2. Đo chiều dài của mẫu thử

8.2.1. Mẫu thử ngắn hơn 1 m

Với các mẫu thử ngắn hơn 1 m phải đo bằng cách đặt thước đo (xem 6.1) song song với cạnh dài của mẫu, chính xác đến milimet. Lặp lại qui trình đo toàn bộ chiều dài của mẫu thử ba lần tại các vị trí khác nhau dọc theo chiều rộng của mẫu.

8.2.2. Mẫu thử dài hơn 1 m

Đánh dấu các mép vải. Đánh dấu thứ hai ở khoảng cách là 1 m bằng dụng cụ đánh dấu ở trên bàn như nêu trong 6.2. Đánh dấu toàn bộ mẫu với các số gia liên tiếp của 1 m. Đo chiều dài còn lại nhỏ hơn 1m bằng thước chia độ trong mô tả trong 6.1. Chiều dài tổng của mẫu thử là tổng các số gia của 1 m cộng với chiều dài còn lại. Nếu cần thiết, lặp lại qui trình đo ba lần với chiều dài đánh dấu mới trên mẫu thử.

Các bên liên quan phải đồng ý trước là các mãnh vải nối ở phần đầu và phần cuối của mẫu thử có được tính vào phép đo chiều dài mẫu hay không.

8.3. Đo chiều rộng của mẫu thử

Chiều rộng của mẫu thử là khoảng cách giữa các mép ngoài cùng được đo vuông góc với các đường mép. Chiều rộng của mẫu vải được gập đôi là hai lần khoảng cách từ mép được gập đến hai mép bên ngoài chồng lên nhau, được đo vuông góc với cạnh được gập.

Nếu hai mép bên ngoài không chồng khít lên nhau thì phải đo từ mép gập đến mép gần nó nhất. Phải nêu vấn đề này trong báo cáo thử nghiệm. Chiều rộng của mẫu dạng ống là khoảng cách tính từ đường mép này đến đường mép kia, được đo vuông góc với các đường mép khi mẫu thử được đặt đúng cách và các mép được giữ phẳng. Đo chiều rộng của mẫu thử phân bố đồng đều trên toàn bộ chiều dài của mẫu thử

– Đối với mẫu thử dài đến 5 m: 5 lần đo

– Đối với mẫu thử dài đến 20 m: 10 lần đo

– Đối với mẫu thử dài hơn 20 m: ít nhất 10 lần đo với bước khoảng cách là 2m.

Nếu chiều rộng của mẫu thử ở dạng nguyên khổ không được đo từ đường này mép đến đường mép kia thì các bên liên quan cần phải thống nhất định nghĩa về chiều rộng hiệu dụng. Điều này phải được nêu trong báo cáo thử nghiệm.

Nếu đo chiều rộng hiệu dụng, thì phép đo phải được thực hiện trên toàn bộ chiều rộng của mẫu và tránh các phần biên, v.v. như mô tả trong 3.3. Chiều rộng hiệu dụng có thể được định nghĩa khác vì sự khác nhau trong cấu trúc dệt hoặc do các yêu cầu đặc biệt của nhà sản xuất quần áo hoặc các sản phẩm khác.

9. Tính toán và biểu thị kết quả

9.1. Chiều dài của mẫu thử

Tính giá trị trung bình số học của chiều dài mẫu thử bằng mét, chính xác đến centimét. Nếu có yêu cầu, tính hệ số sai khác theo phần trăm, chính xác đến 1% và giới hạn tin cậy 95% chính xác đến centimét hoặc báo cáo kết quả của từng phép đo bằng mét, chính xác đến centimét.

9.2. Chiều rộng của mẫu thử

Tính giá trị trung bình số học của chiều rộng mẫu thử theo mét, chính xác đến centimét và nếu có yêu cầu tính hệ số sai khác theo phần trăm chính xác đến 1% và giới hạn tin cậy 95% chính xác đến centimét.

10. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) thông tin chung

1) viện dẫn tiêu chuẩn này và ngày thử;

2) nhận dạng mẫu thử và qui trình lấy mẫu;

3) hình dạng của mẫu thử (nguyên khổ, gập đôi dọc theo chiều dọc mẫu hoặc dạng ống) và báo cáo nếu mẫu thử được thử sau khi xử lý đặc biệt;

4) bất kỳ sai khác nào so với qui trình đã đưa ra;

b) chiều dài của mẫu thử

1) trung bình số học của chiều dài, tính bằng mét;

2) nếu có yêu cầu, hệ số sai khác, tính bằng phần trăm, và giới hạn tin cậy 95%, tính bằng mét hoặc các kết quả của từng phép đo, tính bằng mét;

3) báo cáo nếu chiều dài của các cạnh khác nhau, ví dụ do một cạnh bị kéo giãn và nếu các mảnh vải nối được tính đến trong phép đo;

c) chiều rộng của mẫu thử

1) báo cáo nếu chiều rộng mẫu thử được đo dưới dạng nguyên khổ hoặc chiều rộng hiệu dụng hoặc chiều rộng được thỏa thuận và định nghĩa khác;

2) giá trị trung bình số học của chiều rộng, tính bằng mét;

3) nếu có yêu cầu, hệ số sai khác, tính bằng phần trăm, và giới hạn tin cậy 95 % tính bằng mét;

4) chiều rộng tối thiểu, tính bằng mét.

 

PHỤ LỤC A

(tham khảo)

CÁCH ĐẶT MẪU THỬ ĐỂ ĐIỀU HÒA, PHỤC HỒI TỰ DO VÀ ĐO

Phương pháp thích hợp và hiệu quả để đặt một mẫu vải dài để điều hòa sao cho mẫu không bị kéo căng và được tiếp xúc tốt với môi trường điều hòa là mở cuộn vải ra và trải chúng ra dưới dạng các nếp gấp lỏng ở kích thước phù hợp (xem hình A.1).

Trong suốt quá trình đánh dấu và đo, mẫu vải được xác định chiều rộng phải không bị kéo căng khi để chúng trên bàn đo. Để đạt được điều này, cách thuận lợi là gấp kiểu xếp gập ở hai đầu của mẫu thử về hai phía so với phần được đo, do vậy tạo thành một chồng vải ở mỗi đầu của phần được đo.

Nếu bàn đo quá ngắn để có thể sử dụng phương pháp này thì phải sử dụng thêm bàn ở mẫu đầu của bề mặt đo sao cho bàn kê thêm phải có cùng chiều cao và ít nhất là phải rộng bằng bàn chính và bàn này được kê thêm vào sao cho tạo thành một bề mặt vuông liên tục với bàn đo.

Hình A.1 – Gấp lỏng

Hình A.2 – Gấp kiểu xếp gập

 

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7834:2007(ISO 22198 : 2006) VỀ VẬT LIỆU DỆT – VẢI – XÁC ĐỊNH CHIỀU RỘNG VÀ CHIỀU DÀI
Số, ký hiệu văn bản TCVN7834:2007 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nặng
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản