TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7835-X07:2014 (ISO 105-X07:1994) VỀ VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN X07: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NHUỘM PHỦ: LEN

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TCVN 7835-X07:2014

ISO 105-X07:1994

VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN X07: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NHUỘM PHỦ: LEN

Textiles – Tests for colour fastness – Part X07: Colour fastness to cross-dyeing: Wool

 

Lời nói đầu

TCVN 7835-X07:2014 hoàn toàn tương đương với ISO 105-X07:1994. ISO 105-X07:1994 đã được rà soát và phê duyệt lại vào năm 2009 với bố cục và nội dung không thay đổi.

TCVN 7835-X07:2014 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN X07: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NHUỘM PHỦ: LEN

Textiles – Tests for colour fastness – Part X07: Colour fastness to cross-dyeing: Wool

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền màu của vật liệu dệt đối với tác động của các quy trình đã sử dụng để nhuộm len.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 4536:2002 (ISO 105-A01:1994)1), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A01: Quy định chung

TCVN 5466:2002 (ISO 105-A02:1993), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu

TCVN 5467:2002 (ISO 105-A03:1993), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A03: Thang màu xám để đánh giá sự dây màu

ISO 105-F:19852), Textiles – Tests for colour fastness – Part F: Standard adjacent fabrics(Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần F: Các vải thử kèm chuẩn)

3. Nguyên tắc

Mẫu thử vật liệu dệt tiếp xúc với các vải thử kèm được xử lý trong các loại dung dịch nhuộm len khác nhau, nhưng không có thuốc nhuộm. Sau đó mẫu thử được giũ và sấy khô. Sự thay đổi màu của mẫu thử và sự dây màu của các vải thử kèm được đánh giá bằng cách so sánh với các thang xám.

4. Thiết bị, dụng cụ và thuốc thử

4.1. Bình nhuộm được lắp ống sinh hàn

4.2. Axit axetic, dung dịch nước (300 g/l)

4.3. Axit sulfuric, (ρ 1,84 g/ml)

4.4. Natri sulfat, decahydrat (Na2SO4.10H2O)

4.5. Kali dicromat, (K2Cr2O7).

4.6. Mười miếng vải thử kèm xơ đơn, phù hợp với các phần có liên quan từ F01 đến F08 của ISO 105-F:1985, mỗi miếng có kích thước 40 mm x 100 mm, năm miếng làm từ loại xơ giống như xơ của vật liệu dệt được thử, hoặc là các xơ có tỷ lệ pha lớn trong vải pha, và năm miếng làm từ xơ được nêu trong Bảng 1, hoặc trong trường hợp vải pha, năm miếng làm từ loại xơ thứ hai theo thứ tự về tỷ lệ pha, hoặc là theo quy định khác.

4.7. Thang xám để đánh giá sự thay đổi màu phù hợp với TCVN 5466 (ISO 105-A02), và thang xám để đánh giá sự dây màu phù hợp với TCVN 5467 (ISO 105-A03).

Bảng 1 – Vải thử kèm xơ đơn

Nếu miếng thứ nhất là

Thì miếng thứ hai là

Bông

Len

Tơ tằm

Lanh

Viscô

Axetat

Polyamit

Polyeste

Acrylic

Len

Bông

Len

Len

Len

Len

Len

Len

Len

5. Mẫu thử

5.1. Chuẩn bị năm mẫu thử ghép theo cách thức mô tả dưới đây:

5.2. Nếu vật liệu dệt được thử là vải, đặt một mẫu thử giữa hai miếng vải thử kèm (4.6) mỗi loại một miếng, mỗi miếng có kích thước 40 mm x 100 mm và khâu dọc theo một cạnh ngắn để tạo được mẫu thử ghép.

5.3. Nếu vật liệu dệt được thử là sợi thì đan sợi thành vải và xử lý như trong 5.2, hoặc tạo thành một lớp có các chiều dài sợi song song giữa hai miếng vải thử kèm (4.6), mỗi loại một miếng, lượng sợi sử dụng gần bằng một nửa khối lượng kết hợp của các vải thử kèm. Khâu dọc theo tất cả bốn cạnh để giữ sợi tại chỗ và tạo thành một mẫu thử ghép.

5.4. Nếu vật liệu dệt được thử là xơ rời, chải thẳng và ép một lượng xơ gần bằng một nửa khối lượng kết hợp của hai miếng vải thử kèm (4.6), mỗi loại một miếng, thành một tấm 40 mm x 100 mm.

Đặt tấm này giữa hai miếng vải thử kèm và khâu dọc theo tất cả bốn cạnh để giữ các xơ tại chỗ và tạo thành một mẫu thử ghép.

6. Cách tiến hành

6.1. Quy định chung

Thực hiện theo các quy trình được mô tả từ 6.2 đến 6.7, ở dung tỷ 50:1. Dung tỷ và tỷ lệ phần trăm của thuốc thử trong bể nhuộm tùy thuộc vào khối lượng của mẫu thử ghép. Nếu không sử dụng ống sinh hàn thì thay bằng hơi nước.

6.2. Nhuộm phủ trung tính

Đặt một mẫu thử ghép vào trong bể nhuộm có chứa 20 % natri sulfat decahydrat (4.4). Gia nhiệt trong 30 min đến nhiệt độ 98oC ± 2oC, và duy trì ở nhiệt độ này trong 90 min.

6.3. Nhuộm phủ axit axetic

Đặt một mẫu thử ghép vào trong bể nhuộm có chứa 5 % dung dịch axit axetic (4.2) và 20 % natri sulfat decahydrat (4.4). Gia nhiệt trong 30 min đến nhiệt độ 98oC ± 2oC, và duy trì ở nhiệt độ này trong 90 min.

6.4. Nhuộm phủ axit sulfuric

Đặt một mẫu thử ghép vào trong bể nhuộm có chứa 20 % natri sulfat decahydrat (4.4) và 4 % axit sulfuric (4.3). Gia nhiệt trong 30 min đến nhiệt độ 98oC ± 2oC, và duy trì ở nhiệt độ này trong 90 min.

6.5. Nhuộm phủ axit axetic/crom

Đặt một mẫu thử ghép vào trong bể nhuộm có chứa 20 % natri sulfat decahydrat (4.4) và 5 % dung dịch axit axetic (4.2). Gia nhiệt trong 30 min đến nhiệt độ 98oC ± 2oC, và duy trì ở nhiệt độ này trong 30 min. Cho thêm 2 % kali dicromat (4.5) và duy trì bể nhuộm ở 98oC ± 2oC thêm 60 min nữa.

6.6. Nhuộm phủ axit sulfuric/crom

Đặt một mẫu thử ghép vào trong bể nhuộm có chứa 20 % natri sulfat decahydrat (4.4) và 5 % dung dịch axit axetic (4.2). Gia nhiệt trong 30 min đến nhiệt độ 98oC ± 2oC, và duy trì ở nhiệt độ này trong 30 min. Cho thêm 2 % axit sulfuric (4.3) và duy trì bể nhuộm ở 98oC ± 2oC thêm 15 min. Cho thêm 2 % kali dicromat (4.5) và duy trì ở 98oC ± 2oC thêm 60 min nữa.

6.7. Sấy khô

Mở các mẫu thử ghép (bằng cách tháo đường khâu ở tất cả các cạnh, để lại một cạnh ngắn, nếu cần thiết) và sấy khô các mẫu thử bằng cách treo trong không khí ở nhiệt độ không quá 60oC, với các phần chỉ tiếp xúc ở đường khâu còn lại.

6.8. Đánh giá

Đánh giá sự thay đổi màu của từng mẫu thử và sự dây màu của các vải thử kèm bằng cách so sánh với các thang xám.

7. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) Tất cả các chi tiết cần thiết để nhận biết mẫu đã thử;

c) Các phương pháp nhuộm phủ sử dụng;

d) Số của cấp màu thang xám đối với sự thay đổi màu của mẫu thử

e) Số của cấp màu thang xám đối với sự dây màu của từng loại vải thử kèm sử dụng.

 



1) TCVN 4536:2002 (ISO 105-A01:1994) hiện nay đã hủy và thay thế bằng TCVN 7835-A01:2011 (ISO 105-A01:2010)

2) ISO 105-F:1985 thay thế bằng ISO 105-F01 đến ISO 105-F10 (được chấp nhận thành TCVN 7835-F01 đến TCVN 7835-F10)

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7835-X07:2014 (ISO 105-X07:1994) VỀ VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN X07: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NHUỘM PHỦ: LEN
Số, ký hiệu văn bản TCVN 7835-X07:2014 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản