TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8160-1:2016 VỀ THỰC PHẨM – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG NITRAT VÀ/HOẶC NITRIT – PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8160-1:2016
THỰC PHẨM – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG NITRAT VÀ/HOẶC NITRIT – PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG
Foodstuffs – Determination of nitrate and/or nitrite content – Part 1: General considerations
Lời nói đầu
TCVN 8160-1:2016 được xây dựng trên cơ sở tham khảo EN 12014-1:1997;
TCVN 8160-1:2016 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F13 Phương pháp phân tích và lấy mẫu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố;
Bộ TCVN Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit gồm có các phần sau:
– TCVN 8160-1:2016, Giới thiệu chung;
– TCVN 7814:2007 (EN 12014-2:1997), Xác định hàm lượng nitrat trong rau và sản phẩm rau bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao/trao đổi ion;
– TCVN 8160-3:2010 (EN 12014-3:2005), Xác định hàm lượng nitrat và nitrit trong sản phẩm thịt bằng đo phổ sau khi khử nitrat thành nitrit bằng enzym;
– TCVN 8160-4:2009 (EN 12014-4:2005), Phương pháp xác định hàm lượng nitrat và nitrit trong sản phẩm thịt bằng sắc ký trao đổi ion;
– TCVN 8160-5:2010 (EN 12014-5:1997), Xác định hàm lượng nitrat trong thực phẩm chứa rau dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng phương pháp enzym;
– TCVN 8160-7:2010 (EN 12014-7:1998), Xác định hàm lượng nitrat trong rau và sản phẩm rau bằng phương pháp phân tích dòng liên tục sau khi khử bằng cadimi.
THỰC PHẨM – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG NITRAT VÀ/HOẶC NITRIT – PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG
Foodstuffs – Determination of nitrate and/or nitrite content – Part 1: General considerations
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này tóm tắt từng phạm vi áp dụng, nguyên tắc và giới thiệu chung về việc áp dụng các tiêu chuẩn sau đây của bộ TCVN Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 6268-1:2007 (ISO 14673-1:2004), Sữa và sản phẩm sữa – Xác định hàm lượng nitrat và nitrit – Phần 1: Phương pháp khử bằng cadimi và đo phổ.
TCVN 6268-2:2007 (ISO 14673-2:2004), Sữa và sản phẩm sữa – Xác định hàm lượng nitrat và nitrit- Phần 2: Phương pháp phân tích dòng phân đoạn (Phương pháp thông thường).
TCVN 6268-3:2007 (ISO 14673-3:2004), Sữa và sản phẩm sữa – Xác định hàm lượng nitrat và nitrit – Phần 3: Phương pháp khử bằng cadimi và phân tích bơm dòng có thẩm tách nối tiếp (Phương pháp thông thường).
TCVN 7814:2007 (EN 12014-2:1997) Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit – Phần 2: Xác định hàm lượng nitrat trong rau và sản phẩm rau bằng sắc kí lỏng hiệu năng cao/trao đổi ion.
TCVN 8160-3:2010 (EN 12014-3:2005) Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit – Phần 3: Xác định hàm lượng nitrat và nitrit trong sản phẩm thịt bằng phương pháp đo phổ sau khi khử nitrat thành nitrit bằng enzym.
TCVN 8160-4:2009 (EN 12014-4:2005) Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit – Phần 4: Phương pháp xác định hàm lượng nitrat và nitrit trong sản phẩm thịt bằng sắc kí trao đổi ion.
TCVN 8160-5:2010 (EN 12014-5:1997) Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit – Phần 5: Xác định hàm lượng nitrat trong thực phẩm chứa rau dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng phương pháp enzym.
TCVN 8160-7:2010 (EN 12014-7:1998) Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit – Phần 7: Xác định hàm lượng nitrat trong rau và sản phẩm rau bằng phương pháp phân tích dòng liên tục sau khi khử bằng cadimi.
3 Nguyên tắc và phạm vi áp dụng của các phần khác của bộ TCVN Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit
3.1 TCVN 7814:2007 (EN 12014-2:1997), Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit – Phần 2: Xác định hàm lượng nitrat trong rau và sản phẩm rau bằng sắc kí lỏng hiệu năng cao/trao đổi ion
Nitrat trong mẫu thực phẩm được chiết bằng nước nóng và các chất gây nhiễu được loại bỏ bằng cách làm sạch với thuốc thử Carrez hoặc bằng cách tinh sạch với các cột chiết pha rắn. Xác định bằng HPLC pha đảo có phát hiện bằng cực tím (UV) hoặc bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao trao đổi ion (IC) có phát hiện bằng tính dẫn điện.
Phương pháp này áp dụng để phân tích hàm lượng nitrat trong rau và sản phẩm rau và phương pháp này đã được xác nhận giá trị sử dụng đối với các sản phẩm chứa hàm lượng nitrat trong dải nồng độ từ 50 mg/kg đến 3 000 mg/kg.
Phương pháp này được thử nghiệm thành công trong phép thử liên phòng thử nghiệm trên cải bó xôi, nước củ cải đường, sản phẩm cải bó xôi và sản phẩm cà rốt dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
3.2 TCVN 8160-3:2010 (EN 12014-3:2005) Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit
– Phần 3: Xác định hàm lượng nitrat và nitrit trong sản phẩm thịt bằng phương pháp đo phổ sau khi khử nitrat thành nitrit bằng enzym
Nitrit trong dịch chiết của mẫu phân tích được xử lý bằng sulfanilamit và N-1-naphtyl-etylendiamin dihydroclorua. Đo độ hấp thụ của hợp chất màu đỏ tạo thành tại bước sóng 540 nm.
Nitrat trong dịch chiết của mẫu phân tích được chuyển thành nitrit bằng enzym nitrat reductase. Nitrit được chuyển cùng với nitrit có sẵn trong mẫu phân tích sẽ phản ứng với sulfanilamit và N-1-naphtyl- etylendiamin dihydroclorua. Cường độ màu của hợp chất màu đỏ tạo thành này được đo bằng máy đo phổ ở bước sóng 540 nm. Hàm lượng nitrat được tính từ chênh lệch kết quả giữa các phép đo phổ.
Phương pháp này đã được xác nhận giá trị sử dụng trên các sản phẩm thịt khác nhau có hàm lượng nitrit từ 9 mg/kg đến 22 mg/kg tính theo natri nitrit và hàm lượng nitrat từ 23 mg/kg đến 48 mg/kg tính theo natri nitrat1).
CHÚ THÍCH: Kinh nghiệm cho thấy rằng, phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các sản phẩm chứa tổng hàm lượng nitrat và nitrit trong khoảng từ 5 mg/kg đến 125 mg/kg tính theo natri nitrit 2).
3.3 TCVN 8160-4:2009 (EN 12014-4:2005) Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit – Phần 4: Phương pháp xác định hàm lượng nitrat và nitrit trong sản phẩm thịt bằng sắc kí trao đổi ion
Nitrat và nitrit được chiết ra khỏi mẫu thử bằng nước nóng. Dung dịch nước được xử lý bằng axetonitril để loại bỏ các chất gây nhiễu. Hàm lượng nitrat và nitrit của dung dịch sau đó được xác định bằng sắc ký trao đổi ion (IC) và detector tử ngoại (UV) ở bước sóng 205 nm.
Phương pháp này áp dụng để xác định hàm lượng nitrat và nitrit trong các sản phẩm có chứa hàm lượng nitrat từ 50 mg/kg đến 300 mg/kg tính theo ion nitrat và hàm lượng nitrit khoảng 40 mg/kg tính theo ion nitrit.
CHÚ THÍCH: Các dữ liệu khảo nghiệm thu được từ các nghiên cứu liên phòng thử nghiệm cho thấy rằng phương pháp này có thể dùng để xác định nitrat trong rau và thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, phương pháp này có thể dùng để xác định nitrit trong các sản phẩm thịt với hàm lượng cao hơn 40 mg/kg.
Phương pháp này đã được thử nghiệm thành công trong phép thử liên phòng thử nghiệm trên sản phẩm thịt bò.
3.4 TCVN 8160–5:2010 (EN 12014-5:1997), Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit- Phần 5: Xác định hàm lượng nitrat trong thực phẩm chứa rau dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng phương pháp enzym
Hàm lượng nitrat trong dịch chiết mẫu được xác định bằng phương pháp enzym thông qua việc đo lượng NADPH được sử dụng theo phản ứng dưới đây:
trong đó lượng NADPH được sử dụng hết là tương đương với lượng nitrat.
Phương pháp này áp dụng để phân tích thực phẩm có chứa rau dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có chứa hàm lượng nitrat trong khoảng từ 50 mg/kg đến 200 mg/kg.
Phương pháp được thử nghiệm thành công trong phép thử liên phòng thử nghiệm trên sản phẩm cải bó xôi và nước cà rốt.
3.5 TCVN 6268-1:2007 (ISO 14673-1:2004), Sữa và sản phẩm sữa – Xác định hàm lượng nitrat và nitrit – Phần 1: Phương pháp khử bằng cadimi và đo phổ
Phần mẫu thử được hòa tan trong nước ấm, cho kết tủa chất béo và protein, sau đó lọc. Các ion nitrat trong phần dịch lọc được khử về ion nitrit bằng cadimi mạ đồng. Thêm sulfanilamit và N-1 -naphtyl- etylendiamin dihydroclorua để tạo màu đỏ trong cả hai phần dịch lọc chưa khử và dung dịch khử nitrat và đo phổ ở bước sóng 538 nm.
Tính hàm lượng nitrit của mẫu thử và hàm lượng nitrit tổng số sau khi khử các ion nitrat bằng cách so sánh độ hấp thụ đo được với độ hấp thụ của dãy dung dịch hiệu chuẩn natri nitrit. Tính hàm lượng nitrat từ sự chênh lệch của hai hàm lượng này.
Phương pháp này có thể áp dụng cho:
– sữa bột nguyên chất, sữa bột tách một phần chất béo và sữa bột gầy;
– phomat mềm, bán cứng và cứng;
– phomat nấu chảy;
– phomat whey, casein và caseinat và whey bột.
Phương pháp này có thể thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị tự động, cụ thể là bằng cách phân tích dòng phân đoạn (SFA) hoặc phân tích bơm dòng (FIA), như vậy giảm được nhiễm bẩn cadimi trong khu vực thử nghiệm và nước thải.
3.6 TCVN 6268-2:2007 (ISO 14673-2:2004), Sữa và sản phẩm sữa – Xác định hàm lượng nitrat và nitrit – Phần 2: Phương pháp phân tích dòng phân đoạn (Phương pháp thông thường)
Phần mẫu thử được hòa tan trong nước. Phần huyền phù được chuyển sang máy phân tích để thẩm tách. Các ion nitrat được khử thành nitrit. Hàm lượng nitrit được xác định bằng phương pháp đo phổ. Các dung dịch chuẩn nitrat được xác định bằng cùng một quy trình. Hàm lượng nitrat tính được bằng cách so sánh số đọc thu được từ phần mẫu thử và số đọc thu được từ các dung dịch chuẩn.
CHÚ THÍCH: Bất kỳ nitrit nào có mặt đều được xác định là nitrat. Lượng nitrit thường nhỏ so với lượng nitrat. Thực phẩm cho trẻ sơ sinh chứa các protein đậu tương có thể Không theo quy tắc này. Sau khi xác định hàm lượng nitrit có thể cần hiệu chỉnh sự có mặt của nitrit
Phương pháp này có thể áp dụng cho sữa, phomat, sản phẩm sữa dạng lỏng và dạng khô và thức ăn cho trẻ sơ sinh.
3.7 TCVN 6268-3:2007 (ISO 14673–3:2004), Sữa và sản phẩm sữa – Xác định hàm lượng nitrat và nitrit – Phần 3: Phương pháp khử bằng cadimi và phân tích bơm dòng có thẩm tách nối tiếp (Phương pháp thông thường)
Phần mẫu thử được hòa tan trong dung dịch đệm chiết ấm. Chất béo được tách bằng ly tâm và làm nguội nhanh. Tiến hành phân tích trên các phần nhỏ của dung dịch đã loại chất béo bằng phương pháp phân tích bơm dòng (FIA). Thẩm tách nối tiếp được dùng để loại protein và chất béo còn giữ lại. Các ion nitrat được khử về ion nitrit bằng cadimi. Các ion nitrit phản ứng với sulfanilamit và N-1-naphtyl- etylendiamin dihydroclorua để tạo màu đỏ thuốc nhuộm azo. Màu này được đo trong cuvet dòng chảy ở độ hấp thụ tối đa của thuốc nhuộm ở bước sóng 540nm so sánh với độ hấp thụ đo được ở bước sóng 620nm.
Hàm lượng nitrat và nitrit của mẫu thử tính được theo các độ hấp thụ đo được đối với dãy dung dịch chuẩn nitrit và nitrat tương ứng. Nếu hàm lượng nitrit vượt quá 0,5mg/kg, hoặc hàm lượng nitrat vượt quá 10%, thì hiệu chỉnh hàm lượng nitrat bằng cách lấy kết quả nitrat thu được trừ đi hàm lượng nitrit.
Phương pháp này có thể áp dụng cho phomat cứng, phomat bán cứng và phomat mềm có các thời gian ủ chín khác nhau và phomat nấu chảy. Các giới hạn phát hiện của phương pháp này là 0,5 mg ion nitrat trên kilogam và 1,0 mg ion nitrit trên kilogam.
Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho bột whey, bột sữa và thực phẩm từ sữa dành cho trẻ sơ sinh.
3.8 TCVN 8160-7:2010 (EN 12014-7:1998), Thực phẩm – Xác định hàm lượng nitrat và/hoặc nitrit- Phần 7: Xác định hàm lượng nitrat trong rau và sản phẩm rau bằng phương pháp phân tích dòng liên tục sau khi khử bằng cadimi
Phần mẫu thử được chiết bằng nước và lọc. Dịch lọc được chuyển sang máy thẩm tách của hệ thống phân tích dòng liên tục (CF). Một phần ion nitrat khuếch tán trong bộ thẩm tách có màng thấm vào dung dịch đệm có tính kiềm nhẹ mà trong đó nitrat được khử về nitrit bằng cadimi kim loại. Các ion nitrit phản ứng với sulfanilamit và N-1 -naphtyl-etylendiamin dihydroclorua cho chất màu azo đỏ-tía.
Độ hấp thụ của chất màu này được xác định bằng đo phổ tại bước sóng từ 520 nm đến 540 nm, tốt nhất là tại bước sóng có độ hấp thụ cực đại.
Phương pháp áp dụng để xác định các loại rau và sản phẩm rau có hàm lượng nitrat từ 900 mg/kg đến 5 200 mg/kg (tính theo ion nitrat).
CHÚ THÍCH: Kinh nghiệm cho thấy rằng phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các loại rau và sản phẩm rau có hàm lượng nitrat lớn hơn 50 mg/kg (tính theo ion nitrat).
Phương pháp được thử nghiệm thành công trong phép thử liên phòng thử nghiệm trên của cải đường, rau xà lách, rau diếp xoăn và cải bó xôi.
4 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải nêu rõ:
a) mọi thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu thử;
b) viện dẫn tiêu chuẩn này hoặc phương pháp sử dụng;
c) kết quả thử nghiệm thu được và đơn vị tính;
d) ngày lấy mẫu và phương pháp lấy mẫu đã sử dụng (nếu biết);
e) ngày phòng thử nghiệm nhận được mẫu;
f) ngày thử nghiệm;
g) nêu độ lặp lại, nếu độ lặp lại được kiểm tra;
h) mọi chi tiết đặc biệt quan sát được trong khi thử nghiệm;
i) mọi chi tiết thao tác khác với quy định trong tiêu chuẩn này hoặc những điều được coi là tùy ý cũng như các sự cố bất kỳ mà có thể ảnh hưởng đến kết quả.
1) Nội dung của EN 12014-3:1997: Phương pháp đã được xác nhận giá trị sử dụng trên các sản phẩm thịt có hàm lượng nitrat và nitrit tổng số 25 mg/kg tính theo ion nitrit.
2) Nội dung của EN 12014-3:1997: Kinh nghiệm cho thấy rằng, phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các sản phẩm chứa tổng hàm lượng nitrat và nitrit trong khoảng từ 10 mg/kg đến 50 mg/kg tính theo ion nitrit.
Phương pháp này đã được thử nghiệm thành công trong phép thử liên phòng thử nghiệm trên xúc xích.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8160-1:2016 VỀ THỰC PHẨM – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG NITRAT VÀ/HOẶC NITRIT – PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8160-1:2016 | Ngày hiệu lực | 30/12/2016 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
An toàn thực phẩm |
Ngày ban hành | 30/12/2016 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |