TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-1:2009 (ISO 6107-1 : 2004) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 1

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8184-1 : 2009

ISO 6107-1 : 2004

CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 1

Water quality – Vocabulary – Part 1

Lời nói đầu

TCVN 8184-1 : 2009 thay thế TCVN 5980 : 1995

TCVN 8184-1 : 2009 hoàn toàn tương đương với ISO 6107-1 : 2004.

TCVN 8184-1 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/ TC 147 Chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ tiêu chuẩn TCVN 8184Chất lượng nước – Thuật ngữ gồm các tiêu chuẩn sau:

– TCVN 8184-1 : 2009 (ISO 6107-1:2004), Phần 1;

– TCVN 8184-2 : 2009 (ISO 6107-2 : 2006), Phần 2;

– TCVN 5982 : 1995 (ISO 6107-3 : 1993), Phần 3;

– TCVN 5983 : 1995 (ISO 6107-4 : 1993), Phần 4;

– TCVN 8184-5 : 2009 (ISO 6107-5 : 2004), Phần 5;

– TCVN 8184-6 : 2009 (ISO 6107-6 : 2004), Phần 6;

– TCVN 8184-7 : 2009 (ISO 6107-7 : 2004), Phần 7;

– TCVN 8184-8 : 2009 (ISO 6107-8 : 1993/Amd 1 : 2001), Phần 8.

Bộ tiêu chuẩn ISO 6107 “Water quality – Vocabulary” còn tiêu chuẩn sau:

– ISO 6107-9 : 1997, Part 9: Alphabetical list and subject index

Lời giới thiệu

Những định nghĩa trong các phần của tiêu chuẩn TCVN 8184 (ISO 6107) không nhất thiết phải hoàn toàn tương đương với định nghĩa trong các tiêu chuẩn có liên quan hoặc trong văn từ của sách khoa học hoặc từ điển. Những định nghĩa này được xây dựng vì mục đích kỹ thuật cũng như để thông hiểu và mang lại ích lợi cho người sử dụng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực chất lượng nước. Mặc dù đã rất cố gắng để đảm bảo các định nghĩa đúng đắn về mặt kỹ thuật, nhưng trong tiêu chuẩn này cũng không thể nêu ra đầy đủ mọi chi tiết. Vì thế, các thuật ngữ định nghĩa tiêu chuẩn này không nhằm cho mục đích tiến hành pháp lý và qui định trong hợp đồng. ISO không chịu trách nhiệm về các hậu quả có thể phát sinh từ việc sử dụng các định nghĩa này cho những mục đích không định trước. TCVN 8184 (ISO 6107) được hạn chế ở những định nghĩa cho các thuật ngữ đã lựa chọn có trong tiêu chuẩn của Ban kỹ thuật TCVN/TC 147 Chất lượng nước.

 

CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 1

Water quality – Vocabulary – Part 1

Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này định nghĩa các thuật ngữ sử dụng trong các lĩnh vực nhất định về mô tả đặc tính chất lượng nước.

Thuật ngữ và định nghĩa

1 Xử lý bùn hoạt hóa

Quá trình xử lí sinh học nước thải trong đó hỗn hợp nước thải và bùn hoạt hóa được khuấy và sục khí.

CHÚ THÍCH: Bùn hoạt hóa được tách khỏi nước thải đã xử lý bằng cách để lắng và được chuyển đi hoặc đưa trở lại quá trình xử lí tùy theo yêu cầu.

2 Bùn hoạt hóa

Sinh khối tích tụ (kết tủa) được tạo ra trong xử lí nước thải do sự phát triển của vi khuẩn và các vi sinh vật khác khi có mặt oxy hòa tan

3 Sự hấp phụ lên bùn hoạt hóa

Phần trăm khối lượng chất thử được bùn hoạt tính loại ra về định lượng có mặt từ lúc bắt đầu phép thử dưới các điều kiện của một phép thử trong nước theo mẻ.

4 Sục khí

Sự dẫn không khí vào trong một chất lỏng

5 Điều kiện hiếu khí

Điều kiện tạo ra mà trong đó có oxy hòa tan

6 Điều kiện kỵ khí

ĐIều kiện được tạo ra mà trong đó không có oxy hòa tan, nitrat và nitrit.

7 Lớp vi khuẩn

Loại lớp màng có hoạt tính sinh học

Xem: lớp lọc sinh học (9)

8 Chất lắng đáy/ trầm tích đáy

Sự tích tụ các chất lắng trên đáy của sông suối, hồ hoặc biển, có thể chứa các chất hữu cơ được sinh ra do các nguyên nhân như xói mòn tự nhiên, các quá trình sinh học hoặc xả nước thải

9 Lớp lọc sinh học

Lớp lọc nhỏ giọt

Lớp lọc thấm

Lớp vật liệu trơ có các lỗ rộng để cho nước thải được thấm qua vì mục đích làm sạch nhờ một lớp lọc có hoạt tính sinh học (Lớp vi khuẩn) trên vật liệu trơ đó

10 Nước nồi hơi

Nước có chất lượng phù hợp có trong một nồi hơi khi nồi hơi đã hoặc đang vận hành

11 Sự li tâm

Dùng lực ly tâm để tách một phần nước ra khỏi bùn nước thải / sự tách một phần nước ra khỏi bùn nước thải bằng lực ly tâm.

12 Xử lí bằng hóa học

Quá trình xử lí có cho thêm các hóa chất để thu được kết quả cụ thể.

13 Sự keo tụ hóa học

Quá trình thêm một hóa chất (chất làm keo tụ) để gây ra sự mất ổn định và tụ tập chất keo đã bị phân tán thành những cụm xốp

14 Sự cô đặc các chất rắn lơ lửng của bùn hoạt hóa

Lượng chất rắn thu được bằng cách sấy một thể tích bùn hoạt hóa đã lọc (kích thước lỗ 30 μm) ở nhiệt độ khoảng 105oC đến khối lượng không đổi.

CHÚ THÍCH: Xem dịch hỗn hợp chất rắn lơ lửng trong TCVN 5982 (ISO 6107-3)

15 Nước làm mát

Nước được dùng để hấp thụ và chuyển nhiệt

16 Sự loại không khí

Sự tách từng phần hay hoàn toàn không khí hòa tan ra khỏi nước, do các điều kiện tự nhiên hoặc bằng quá trình vật lí học.

17 Sự loại clo

Sự tách từng phần hay hoàn toàn clo còn dư ra khỏi nước bằng quá trình vật lý học hoặc hóa học

18 Sự loại khí

Sự loại bỏ từng phần hoặc toàn các chất khi đã hòa tan, thường bằng quá trình vật lý.

19 Sự loại ion

Sự loại bỏ từng phần hoặc gần như hoàn toàn các loại ion, đặc biệt bằng cách sử dụng các nhựa trao đổi ion.

Xem thêm sự loại khoáng (20), sự loại muối (23)

20 Sự loại khoáng

Sự làm giảm hàm lượng các loại ion và các chất vô cơ hòa tan trong nước bằng các quá trình sinh học, hóa học hoặc vật lí.

Xem thêm sự loại ion (19), sự loại muối (23)

21 Sự loại nitơ

Sự khử nitrat và/hoặc nitrit thành nitơ hoặc nitơ oxit (N2O), thông thường nhờ sự hoạt động của vi khuẩn

22 Sự loại oxy

Sự tách từng phần hoặc hoàn toàn oxy hòa tan ra khỏi nước, do các điều kiện tự nhiên hoặc bằng các quá trình hóa học hoặc vật lý.

23 Sự loại muối

Sự tách từng phần hoặc hoàn toàn các loại ion ra khỏi nước, thông thường để làm cho nước có thể uống được hoặc có thể sử dụng được như là nước dùng cho công nghiệp hoặc nước làm mát.

Xem thêm sự loại ion (19) và sự loại khoáng (20)

24 Chất tan rữa

(Trong sinh học) Các xác sinh vật và những hạt chất hữu cơ, lắng được hoặc không.

25 Chất tan rữa

(Trong thực tế xử lí nước cống) Vật liệu chất vô cơ thô liên kết với chất hữu cơ, có khả năng bị trôi theo dòng nước chảy.

26 Sự loại nước

Quá trình làm giảm hàm lượng nước trong bùn ướt, thông thường được điều hòa bằng một tác nhân đông kết bằng phương pháp vật lý.

27 Sự chuyển hóa sinh học

Sự ổn định các chất hữu cơ trong bùn bằng các quá trình sinh học, thường bằng một quá trình kỵ khí.

28 Sự tẩy trùng nước

Xử lí nước nhằm loại bỏ hoặc làm mất (vô hiệu hóa) hoạt tính của tất cả các vi sinh vật gây bệnh

29 Sự cất nước

Quá trình làm nước bay hơi rồi ngưng tự, ví dụ được dùng để điều chế nước tinh khiết.

30 Nước uống

Nước uống được

Nước có chất lượng phù hợp để uống

31 Nước thải

Nước hoặc nước thải được thải ra từ một nơi chứa như một nhà máy xử lí, quá trình công nghiệp hoặc hồ chứa nước.

32 Thẩm tách điện

Quá trình được sử dụng để loại ion của nước, trong đó dưới ảnh hưởng của một điện trường các ion được loại khỏi một khối nước này và được chuyển sang một khối nước khác qua một màng trao đổi ion

33 Tầng epilimnion / Tầng mặt

Nước phía trên tầng biến nhiệt trong một vùng nước bị phân tầng

34 Vùng nước phú dưỡng

Vùng nước giàu dinh dưỡng và có một ít loài thủy sinh vật, mỗi loài có số lượng tương đối nhiều.

CHÚ THÍCH: Xem thêm phú dưỡng hóa trong TCVN 8184-2 (ISO 6107-2)

35 Quần xã tự nhiên dự kiến

Quần xã sinh vật có mặt tại một địa điểm trong dòng nước nơi chỉ có các tác động tự nhiên xảy ra và tác động do con người gây ra là tối thiểu.

CHÚ THÍCH: Theo TCVN 6966-1 (ISO 8689-1)

36 Sự lọc

Quá trình xử lý bằng cách cho nước chảy qua một lớp vật liệu xốp để loại bỏ hạt lơ lửng trong nước.

37 Kết tủa keo

Những hạt có kích thước lớn được hình thành trong chất lỏng do sự keo tụ, thường có thể tách ra bằng cách lắng hoặc làm nổi.

38 Sự keo tụ

Sự hình thành các hạt lớn có thể tách ra được do các hạt nhỏ tập hợp lại; quá trình này thường được tăng cường như các biện pháp sinh học, hóa học, lí học hoặc cơ học.

39 Sự làm nổi

Làm nổi các chất lơ lửng trong nước lên bề mặt, ví dụ dùng khí lôi cuốn chất lơ lửng

40 Flo hóa

Sự bổ sung hợp chất chứa flo vào nguồn cung cấp nước uống để duy trì nồng độ ion florua nằm trong giới hạn được chấp nhận

41 Nước dưới đất/ Nước ngầm

Nước đang được giữ trong một kiến tạo ngầm và thông thường có thể lấy ra được từ kiến tạo ngầm

42 Nước quá giàu dinh dưỡng

Loại nước giàu dinh dưỡng nói chung là đề cập đến nước được làm giàu quá mức không đặc trưng và được đặc thù bằng sự nở hoa của tảo.

Xem thêm vùng nước phú dưỡng (34)

CHÚ THÍCH: Xem “nước mesosaprobic” trong TCVN 8184-8.

43 Tầng hypolimnion/ Tầng dưới

Tầng nước ở phía dưới tầng biến nhiệt trong một vùng nước bị phân tầng

44 Nước thải công nghiệp

Nước được thải ra sau khi đã sử dụng trong một quá trình công nghiệp hoặc nước được tạo ra do một quá trình công nghiệp và không còn giá trị sử dụng trực tiếp cho quá trình đó nữa.

45 Nước dùng cho công nghiệp

Tất cả các loại nước được dùng cho, hoặc dùng trong một quá trình công nghiệp.

46 Trao đổi ion

Quá trình các anion hoặc cation nào đó trong nước được thay thế bằng các ion khác bằng cách cho nước đi qua lớp vật liệu trao đổi ion (ionit)

47 Vật liệu trao đổi ion

Vật liệu có khả năng trao đổi thuận nghịch các ion giữa chính vật liệu đó với một chất lỏng tiếp xúc với nó (mà không làm thay đổi cấu trúc cơ bản)

48 Lớp hỗn hợp

<Trao đổi ion> Hỗn hợp thích hợp về mặt vật lý của vật liệu trao đổi anion và vật liệu trao đổi cation.

Xem thêm vật liệu trao đổi ion (47)

49 Sự nitrat hóa

Sự oxy hóa các chất nitơ bằng các vi khuẩn

CHÚ THÍCH: Thông thường, sản phẩm trung gian của sự oxy hóa là nitrit và sản phẩm cuối cùng là nitrat

50 Nước nghèo dinh dưỡng

Mô tả vùng nước có chất dinh dưỡng thấp và được đặc trưng bởi độ trong cao, nồng độ oxy cao ở lớp nước phía trên, có số lượng ít loài thủy sinh và chất lắng ở đáy thường có màu nâu và chỉ chứa một lượng nhỏ các chất hữu cơ.

51 Ao (hồ) oxy hóa

Vùng trũng dùng để lưu giữ nước thải trước khi thải bỏ hoàn toàn, trong đó quá trình oxy hóa sinh học của các chất hữu cơ được oxy di chuyển từ không khí vào trong nước tác động đến một cách tự nhiên hoặc do được thúc đẩy nhân tạo.

52 Ôzôn hóa

Thêm ôzôn vào nước hoặc nước thải nhằm mục đích như tiệt trùng, oxy hóa các chất hữu cơ hoặc để loại mùi và vị khó chịu.

53 Xử lý bằng phương pháp hóa – lý

Sự kết hợp của các phương pháp xử lý vật lý và phương pháp xử lý hóa học để đạt được kết quả đặc biệt.

54 Chất đa điện ly

Các polyme có các nhóm ion hóa, trong đó có một số loại được dùng để làm đông tụ các hạt keo và/hoặc làm kết tủa các chất rắn lơ lửng.

55 Nước hôi thối

Nước cực kỳ bị ô nhiễm đặc trưng bằng sự suy giảm oxy nghiêm trọng, có số lượng động vật không xương sống rất ít và số lượng vi khuẩn nhiều.

CHÚ THÍCH: Xem thêm “nước mesosaprobic” trong TCVN 8184-8

56 Clo hóa trước/ clo hóa sơ bộ

Xử lí sơ bộ nước thô với clo để kìm hãm hoặc làm giảm một cách đáng kể sự phát triển của vi khuẩn, thực vật hoặc động vật, để oxy hóa chất hữu cơ và vô cơ, để keo tụ và/hoặc để giảm bớt mùi.

57 Nước mưa

Nước sinh ra do lắng đọng trong khí quyển, trong đó còn chưa tích tụ các chất hòa tan từ đất

58 Nước thải sinh hoạt (nước cống) thô

Nước thải sinh hoạt (nước cống) chưa được xử lí

59 Nước thô

Nước chưa qua bất cứ xử lí nào hoặc nước được đưa vào nhà máy để xử lí hoặc phải xử lý thêm

60 Sự tái sinh

<Trao đổi ion> Quá trình phục hồi một vật liệu trao đổi ion sau khi sử dụng về trạng thái hoạt động có hiệu quả.

61 Thẩm thấu ngược

Dòng nước chuyển từ một dung dịch đậm đặc hơn sang một dung dịch loãng hơn qua một màng nhờ tác dụng lên dung dịch đặc hơn một áp suất lớn hơn áp suất thẩm thấu bình thường

62 Sự lắng kết

Quá trình lắng và kết tụ các chất lơ lửng trong nước hoặc nước thải do ảnh hưởng của trọng lực

63 Tự làm sạch

Quá trình làm sạch tự nhiên trong một vùng nước bị ô nhiễm.

64 Bể tự hoại/ Bể phốt

Thông thường là một bể lắng kết kín và có lỗ thoát, dòng nước thải sinh hoạt/ nước cống chảy qua bể và các chất rắn được lắng lại bị phân hủy do sự hoạt động của vi khuẩn kỵ khí.

CHÚ THÍCH: Vì vậy mà tần suất cần để lấy cặn bùn trong bể phốt ra được giảm bớt.

65 Nước cống

Nước thải sinh hoạt

Các chất thải của một cộng đồng dân cư truyền theo đường nước

66

Dòng nước cống đã xử lí

Dòng nước thải đã xử lí

Nước cống (nước thải) đã được xử lí được thải ra từ các trạm xử lý.

67 Bùn

Chất rắn tách ra từ những loại nước khác nhau do các quá trình tự nhiên hoặc nhân tạo được lắng và tích tụ lại.

68 Sự làm mềm nước

Sự loại một phần hoặc hoàn toàn các ion canxi (Ca**) và magie (Mg**) là các ion gây tính cứng ra khỏi nước

69 Sự khử khuẩn (tiệt trùng)

Quá trình làm vô hiệu hoặc loại bỏ tất cả các sinh vật sống (kể các dạng thực vật và bào tử) cũng như các vi rút trong nước

70 Nước mưa bão

Nước mưa lũ

Nước mặt do mưa to chảy tháo vào lưu vực sông suối.

71 Nước cống lũ

Sự hòa trộn của nước cống và nước mặt do mưa to hoặc tuyết (băng) tan.

72 Sự phân tầng

Sự tồn tại hoặc hình thành các tầng nước khác biệt nhau trong một vùng nước (thủy vực) được phân biệt bởi các đặc tính nhiệt độ hoặc độ mặn hoặc bởi sự khác nhau về hàm lượng oxy hoặc chất dinh dưỡng.

73 Nước cấp

Thường là nước đã qua xử lí và chuyển vào mạng lưới phân phối hoặc bể chứa

74 Nước mặt

Nước chảy qua hoặc đọng lại trên bề mặt của một khu vực đất đai rộng lớn.

75 Tầng biến nhiệt

Tầng nước có gradien nhiệt độ lớn nhất trong một vùng nước (thủy vực) bị phân tầng theo nhiệt.

76 Sự làm đặc (sự nén bùn)

Quá trình làm tăng nồng độ các chất rắn trong bùn bằng cách loại bỏ nước

77 Nước cống đã xử lý

Nước thải đã xử lý

Nước cống (nước thải) đã được xử lý một phần hoặc xử lý hoàn toàn để loại bỏ và vô cơ hóa chất hữu cơ và các chất khác.

78 Chuẩn mực chất lượng nước

Tập hợp những thông số được xác định đặc trưng cho chất lượng của nước để đánh giá tính phù hợp của nước với các mục đích sử dụng cụ thể.

79 Tiêu chuẩn chất lượng nước

Các giá trị của chuẩn mực chất lượng nước cho phép đối với các loại hình sử dụng nước cụ thể.

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] TCVN 8184-2, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 2;

[2] TCVN 5982, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 3;

[3] TCVN 5983, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 4;

[4] TCVN 8184-5, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 5;

[5] TCVN 8184-6, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 6;

[6] TCVN 8184-7, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 7;

[7] TCVN 8184-8, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 8;

[8] ISO 6107-9, Water quality – Vocabulary – Part 9: Alphabetical list and subject index

[9] TCVN 6966-1 : 2001, Chất lượng nước – Phân loại sinh học sông – Phần 1: Hướng dẫn diễn giải các dữ liệu chất lượng sinh học thu được từ các cuộc khảo sát động vật đáy không xương sống cỡ lớn.

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-1:2009 (ISO 6107-1 : 2004) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 1
Số, ký hiệu văn bản TCVN8184-1:2009 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - môi trường
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản