TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-7:2009 (ISO 6107 – 7 : 2004) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 7
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8184 – 7 : 2009
ISO 6107 – 7 : 2004
CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 7
Water quality – Vocabulary – Part 7
Lời nói đầu
TCVN 8184-7:2009 thay thế ISO 5986 : 1995
TCVN 8184-7:2009 hoàn toàn tương đương với ISO 6107-7 : 2004.
TCVN 8184-7:2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 147 Chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 8184, Chất lượng nước – Thuật ngữ gồm các tiêu chuẩn sau:
– TCVN 8184-1 : 2009 (ISO 6107-1:2004), Phần 1;
– TCVN 8184-2 : 2009 (ISO 6107-2 : 2006) , Phần 2;
– TCVN 5982 : 1995 (ISO 6107-3 : 1993),Phần 3;
– TCVN 5983 : 1995 (ISO 6107-4 : 1993), Phần 4;
– TCVN 8184-5 : 2009 (ISO 6107-5 : 2004), Phần 5;
– TCVN 8184-6 : 2009 (ISO 6107-6 : 2004), Phần 6;
– TCVN 8184-7 : 2009 (ISO 6107-7 : 2004), Phần 7;
– TCVN 8184-8 : 2009 (ISO 6107-8 : 1993/Amd 1 : 2001), Phần 8.
Bộ tiêu chuẩn ISO 6107 “Water quality – Vocabulary” còn có tiêu chuẩn sau:
– ISO 6107-9:1997, Part 9: Alphabetical list and subject index
Lời giới thiệu
Những định nghĩa trong các phần của tiêu chuẩn TCVN 8184 (ISO 6107) không nhất thiết phải hoàn toàn tương đương với định nghĩa trong các tiêu chuẩn có liên quan hoặc trong văn từ của sách khoa học hoặc từ điển. Những định nghĩa này được hình thành vì mục đích kỹ thuật cũng như để thông hiểu và mang lại lợi ích cho người sử dụng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực chất lượng nước. Mặc dù đã rất cố gắng để đảm bảo các định nghĩa đúng đắn về mặt kỹ thuật, nhưng trong tiêu chuẩn này cũng không thể nêu ra đầy đủ chi tiết. Vì thế, các định nghĩa và thuật ngữ của tiêu chuẩn này không nhằm cho mục đích tiến hành pháp lý và qui định trong hợp đồng TCVN 8184 (ISO 6107) được hạn chế ở những định nghĩa cho các thuật ngữ đã lựa chọn xuất hiện trong tiêu chuẩn của Ban kỹ thuật TCVN/TC 147 Chất lượng nước.
CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 7
Water quality – Vocabulary – Part 7
Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này định nghĩa các thuật ngữ sử dụng trong các lĩnh vực nhất định về mô tả đặc tính chất lượng nước.
Thuật ngữ và định nghĩa
1.
Sự phân hủy bùn hiếu khí
Quá trình sinh học, trong đó bùn hoạt hóa bậc một hoặc bùn lắng bị oxy hóa từng phần nhờ sự sục khí kéo dài, quá trình này về cơ bản được kết thúc bằng sự hô hấp nội sinh và sự hoạt động của các sinh vật ăn mồi
2.
Tảo
Nhóm lớn các sinh vật đơn hoặc đa bào, kể cả vi khuẩn được gọi là vi khuẩn tảo lam, thường chứa diệp lục hoặc các sắc tố khác.
CHÚ THÍCH Tảo thường sống trong nước và có khả năng quang hợp.
3.
Hiện tượng đối kháng/Hiện tượng cạnh tranh
Sự giảm cường độ của một ảnh hưởng (hóa học hoặc sinh học) do một chất hoặc sinh vật vì sự có mặt chất hoặc sinh vật khác.
CHÚ THÍCH ảnh hưởng kết hợp sẽ thấp hơn so với các ảnh hưởng bổ sung thêm của các chất hoặc sinh vật riêng biệt
4.
Vi khuẩn
Nhóm lớn các vi sinh vật, có hoạt động trao đổi chất, đơn bào với các nhân phân tán (không phải gián đoạn) phần lớn sống tự do và thường sinh sản bằng cách phân đôi.
5.
Mẫu vi khuẩn
Mẫu được lấy một cách vô trùng vào trong một bình chứa tiệt trùng và được bảo quản, lưu giữ một cách phù hợp để khảo nghiệm vi khuẩn.
6.
Thực khuẩn thể
Nhóm các tác nhân virus đặc biệt mà chu trình sống của chúng diễn ra trong các vi khuẩn ký chủ nhất định.
CHÚ THÍCH Xem thêm virus (49)
7.
Vùng đáy
Nhìn chung là vùng thấp nhất của khối nước, kể cả trầm tích và lớp đá nền, ở đó có mặt các sinh vật sống.
CHÚ THÍCH Xem thêm TCVN 8184-1
8.
Nước đen
Nước thải và chất bài tiết từ nhà xí, trừ nước thải từ bồn tắm, vòi sen, bồn rửa tay và bồn rửa bát.
9.
Lưu vực
Khu vực có nước chảy một cách tự nhiên đến một dòng nước hoặc đến một điểm đã biết.
[TCVN 5982 : 1995]
10.
Sinh vật dạng coli
Tổng số sinh vật dạng coli
Nhóm vi khuẩn hiếu khí và có khả năng yếm khí, Gram âm, không hình thành bào tử, lên men lactozơ, thường cư trú trong ruột già (đại tràng) của người và động vật.
CHÚ THÍCH 1 Xem thêm TCVN 6187-1 (ISO 9308-1)
CHÚ THÍCH 2 Nói chung, ngoài E.coli rất nhiều loài trong số sinh vật dạng coli có khả năng tồn tại và sinh sản trong môi trường tự nhiên.
11.
Khoảng tin cậy
Khoảng các giá trị mà trong đó giá trị đo được hoặc được tính được là chắc chắn có mặt trong một mức tin cậy đã nêu, ví dụ 95 %.
12.
Cầu khuẩn
Cầu khuẩn phân
Nhóm vi khuẩn Gram dương, hiếu khí và có khả năng yếm khí, thường cư trú ở ruột già của người và động vật máu nóng, có kháng nguyên (antigen) nhóm D của Lancefield, âm tính với enzim xúc tác (catalase), có khả năng phát triển ở 45 oC và thủy phân aesculin khi có 40 % các muối của dịch mật và 4-metyl-umbeliferyl-b-D – glucosid (MUD) và tali axetat và axit nadilix.
CHÚ THÍCH 1 Xem thêm TCVN 6189-1 (ISO 7899-1) và TCVN 6189-2 (ISO 7899-2).
CHÚ THÍCH 2 Trong môi trường nước, nhóm vi khuẩn này chủ yếu gồm chủng Enterococcus faecalis, E. Faecium, E. Durans, và E. hirae. Các chủng này không phát triển được trong hầu hết các môi trường tự nhiên, nhưng có thể sống lâu hơn Eschenrichia coli. Vì thế, sự có mặt của chúng trong nước ngay cả khi không có E.coli, thông thường là chỉ báo cho biết nước ô nhiễm phân.
13.
Escherichia coli
E.coli
Sinh vật dạng coli phân (14) hiếu khí và có khả năng yếm khí, làm lên men lactoza hoặc đường manitol cùng với việc tạo ra cả axit và khí, sản sinh ra indol từ triptophan, thủy phân 4-metyl-umbeliferyl-b-D – glucuronid (MUG) ở 44 oC.
CHÚ THÍCH 1 Xem thêm TCVN 6187-1 (ISO 9308-1) và TCVN 6187-2 (ISO 6187-2 (ISO 9308-2)
CHÚ THÍCH 2 E.coli thường cư trú trong ruột già của người và động vật máu nóng, thường không có khả năng sinh sản trong môi trường nước. Sự có mặt của E. coli trong nước, vì thế cho biết nước mới bị ô nhiễm phân.
14.
Sinh vật dạng coli phân
Sinh vật dạng coli chịu nhiệt
Sinh vật dạng coli (10) có thể phát triển, có các tính chất sinh hóa và lên men ở 44 oC giống như ở 37 oC
Xem Escherichia coli (13)
CHÚ THÍCH Xem thêm TCVN 6187-1 và TCVN 6187-2
15.
Streptococci phân
Các loài streptococci hiếu khí và có khả năng yếm khí, có kháng nguyên (antigen) nhóm D của Lancefield và thường cư trú ở ruột già của người và/hoặc động vật.
CHÚ THÍCH Sự tồn tại của chúng ở trong môi trường nước, ngay cả khi không có E.coli, cho biết có sự ô nhiễm do phân.
16.
Chu kì làm việc của cái lọc
Độ dài thời gian giữa một lần rửa cái lọc và lần rửa tiếp theo.
17.
Dòng nước ngọt
Dòng nước ngọt có tốc độ tương đối cao trong một thời gian ngắn ở trong một con suối, gây ra do mưa to hoặc tuyết tan nhanh.
18.
Ranh giới nước ngọt
Điểm ở một cửa sông mà thông thường nước biển không xâm nhập tới trong điều kiện thủy văn và thủy triều xác định.
19.
Thực khuẩn thể enzym RNA đặc hiệu F
Thực khuẩn thể (6) có khả năng nhiễm vào các chủng vi khuẩn ký chủ đặc hiệu có F – hoặc polip sinh dục.
CHÚ THÍCH 1 Xem thêm ISO 10705-1
CHÚ THÍCH 2 Thông thường những virus này giết chết vi khuẩn ký chủ, điều này được minh chứng bằng sự xuất hiện các vùng trống trong khi nuôi cấy vi khuẩn ký chủ ở những điều kiện phù hợp. Nhiễm vào vi khuẩn ký chủ và tạo ra các vùng trống là do vi khuẩn ký chủ bị enzym RNaza ức chế trong môi trường nuôi cấy.
20.
Nấm
Nhóm lớn các sinh vật dị dưỡng, thường tạo thành nên bào tử và có nhân rõ rệt nhưng thiếu chất quang hợp, như clorophyl.
CHÚ THÍCH Men là nấm đơn bào được sản sinh bằng nảy chồi. Loại nấm khác là đa bào có cấu trúc hình sợi, chẳng hạn loài Fusarium là loài gây tắc các lớp lọc sinh học và loài Geotrichum là loại gây ra sự tạo khối xốp bùn hoạt hóa.
21.
Nước xám
Nước bùn
Nước thải từ bồn tắm, vòi sen, và bồn rửa bát, trừ nước thải và chất bài tiết từ nhà xí.
22.
Chất tẩy rửa khó phân hủy
Chất tẩy rửa có hoạt chất hoạt động bề mặt là loại không bị phân hủy sinh học bậc một và các tính chất hoạt động bề mặt của nó bị giảm không đáng kể khi xử lí nước thải bằng sinh học.
23.
Nước rỉ rác
Nước thấm qua bãi rác hay các vật liệu đặc biệt dễ thẩm thấu khác.
24.
Vi khuẩn phát quang
Nhóm các vi khuẩn có khả năng chuyển đổi một phần năng lượng thoát ra từ quá trình đồng hóa thành ánh sáng.
CHÚ THÍCH Xem thêm TCVN 6831 (ISO 11348)
25.
Vi sinh vật ưa nhiệt độ trung bình
Các vi sinh vật mà nhiệt độ phát triển tối ưu của chúng nằm trong khoảng 20 oC và 45 oC.
26.
Bệnh thừa metahemoglobin
Tình trạng của máu xảy ra ở lứa tuổi trẻ em do sự dư thừa metahemoglobin khi nitrit được tạo thành trong dạ dày chủ yếu do sự khử nitrat bởi vi khuẩn, kết hợp với hồng cầu và làm rối loạn sự nhận và vận chuyển oxy, kết quả là tạo ra bệnh bầm tím cơ thể.
27.
Vi khuẩn của chu trình nitơ
Các vi khuẩn tham gia vào chu trình nitơ
CHÚ THÍCH Xem thêm Chu trình nitơ trong TCVN 8184-3
28.
Ngưỡng mùi
Mức cực tiểu của mùi mà giác quan khứu giác của một nhóm người đánh giá cảm nhận được.
CHÚ THÍCH Không có giá trị tuyệt đối của ngưỡng mùi do sự khác nhau về độ nhạy của cơ quan khứu giác ở những người khác nhau, song một giá trị mùi được ước lượng bằng cách pha loãng mẫu thành loạt với nước không mùi cho đến khi mùi không còn được nhận ra nữa.
29.
Vùng nước giàu dinh dưỡng
Nói đến một vùng trong dòng nước, trong vùng đó quá trình khoáng hóa đã hoàn thành.
CHÚ THÍCH Vùng này có lượng oxy hòa tan nhiều, giúp cho nhiều loại thực vật và động vật sinh sống, chủ yếu là các thực vật tự quang hợp và động vật cần oxy.
30.
Thế oxy hóa khử
Thế khử
ORP
Điện thế giữa một cực bằng kim loại trơ, chẳng hạn như platin hoặc cacbon và một điện cực hydro tiêu chuẩn.
CHÚ THÍCH Thế oxy hóa khử càng dương thì môi trường có tính oxy hóa càng mạnh và thế oxy hóa khử càng âm thì tính khử của môi trường càng mạnh.
31.
Đồ thị sụt giảm oxy
Đồ thị được lập để biểu thị nồng độ oxy hòa tan theo khoảng cách hoặc thời gian của dòng chảy ở hạ lưu một con sông tính từ nguồn ô nhiễm cần tiêu thụ oxy.
32.
Vi khuẩn tự dưỡng quang hợp
Vi khuẩn thu nhận năng lượng từ ánh sáng và nguồn cacbon duy nhất của chúng là cacbon vô cơ, chẳng hạn như CO2
33.
Xử lí sơ bộ
(nước cống) Loại bỏ hoặc phân tách chất thải rắn thô trong nước cống và loại bỏ sỏi sạn cát.
CHÚ THÍCH Xử lí sơ bộ có thể bao gồm cả việc loại bỏ dầu và mỡ khỏi nước cống trước khi để lắng, sục khí sơ bộ và trung hòa.
34.
Xử lí bậc một
(nước cống) Giai đoạn xử lí thường liên quan đến việc loại bỏ phần lớn chất rắn có thể lắng.
CHÚ THÍCH Trong trường hợp nước cống, giai đoạn lí bậc một diễn ra ngay sau khi xử lí sơ bộ.
35.
Liều xung
Bổ sung thêm gần như tức thời một lượng đã biết hóa chất đánh dấu hoặc thuốc thử vào dòng nước đang chảy, ví dụ, bằng cách úp ngược bình chứa.
36.
Sự hô hấp
Sự trao đổi khí giữa một sinh vật và môi trường xung quanh của nó, xảy ra do sự oxy hóa của chất nền và giải phóng năng lượng.
CHÚ THÍCH Sự hô hấp có thể được thực hiện theo cách hiếu khí hoặc kị khí
37.
Loài Salmonella
Salmonella
Giống vi khuẩn hình que ưa khí và có khả năng kị khí, Gram âm, không tạo bào tử, có khả năng gây bệnh đường ruột vì không thể lên men đường lactoza.
CHÚ THÍCH 1 Xem thêm ISO 6340
CHÚ THÍCH 2 Salmonella có thể được phân định thêm theo huyết thanh học, bằng kỹ thuật phân loại thực khuẩn hoặc kỹ thuật phân tử cho mục đích bệnh dịch học và các mục đích khác. Salmonella gây ra nhiễm trùng đường ruột (salmonellosis) cho người và động vật, và là một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm độc thực phẩm cho con người. Các loài Salmonella được bài tiết ra trong phân người bệnh hoặc người và động vật khỏe mạnh có mang mầm bệnh, do đó có thể có trong nước thải sinh hoạt và trong các chất thải của nông trại.
38.
Tích tụ thành lớp
Tích tụ vô cơ bám dính lên các bề mặt, do nước trở nên quá bão hòa với một hoặc nhiều chất tan, hoặc do mất cân bằng vì bị mất đi cacbon dioxit, ví dụ do đun sôi
39.
Khu vực nước khép kín
(thuật ngữ về môi trường) Một khối (vùng) nước khép kín, đóng vai trò như là nơi tái chứa một chất ô nhiễm
40.
Chất tẩy rửa dễ phân hủy
Chất tẩy rửa có chứa tác nhân hoạt động bề mặt dễ bị phân hủy sinh học và tính hoạt động bề mặt của nó giảm đi rõ rệt khi xử lí nước cống bằng phương pháp sinh học.
41.
Clostridia khử sunfit
Nhóm lớn các vi khuẩn kị khí, Gram dương, tạo bào tử.
CHÚ THÍCH 1 Xem thêm TCVN 6191-1 và TCVN 6191-2
CHÚ THÍCH 2 Nơi sống trong tự nhiên của chúng là trong đất hoặc ruột già cùa người và động vật. Đa số loài trong nhóm là các sinh vật hoạt sinh trong đất. Bào tử của chúng có thể sống một thời gian dài trong phân, đất, bụi, và nước. Sự có mặt của chúng trong nước có thể dùng để phát hiện sự ô nhiễm do phân từ xa hoặc gián đoạn. Chúng có khả năng khử sunfit thành sunfua.
42.
Tốc độ chịu tải bề mặt
Thể tích nước hoặc nước thải được xử lí trong một ngày trên một đơn vị diện tích bề mặt của phần đang xem xét của nhà máy xử lí.
CHÚ THÍCH Năng suất này thường được biểu diễn bằng mét khối trên mét vuông trên ngày
43.
Tác dụng hiệp đồng (cộng hưởng)
Sự tăng cường độ của một ảnh hưởng (hóa học hoặc sinh học) của một chất hoặc một sinh vật do sự có mặt của một chất hoặc một sinh vật khác, khi đó ảnh hưởng tổ hợp sẽ mạnh hơn tổng các ảnh hưởng của các chất hoặc sinh vật riêng rẽ.
44.
Giới hạn thủy triều
(sông) Vị trí bên cạnh một con sông mà tại đó sự dâng lên và rút xuống của nước tại thời điểm thủy triều tiết xuân phân là có thể nhận biết.
CHÚ THÍCH Nếu ở đó có đập nước hoặc cửa cống thì chúng có thể được coi là giới hạn thủy triều.
45.
Nước thủy triều
Phần bất kì của nước biển hoặc nước sông trong khoảng dâng và rút của thủy triều tiết xuân phân.
46.
Cacbon tổng số/Tổng cacbon
Tổng số của toàn bộ cacbon vô cơ và toàn bộ cacbon hữu cơ có trong nước
47.
Cacbon vô cơ tổng số
Toàn bộ cacbon trong các chất vô cơ bị hòa tan và lơ lửng trong nước
48.
Tổng nitơ bị oxy hóa
Toàn bộ lượng nitơ nguyên tố có mặt ở dạng nitrat và nitrit trong nước, được biểu thị theo nồng độ
49.
Virus
Nhóm lớn các tác nhân vô cùng nhỏ (đường kính từ 20 nm đến 300 nm), cấu tạo chủ yếu từ axit nucleic được bao bọc trong một vỏ protein và chỉ sinh sản trong các tế bào sống.
CHÚ THÍCH Virus có thể lọt qua các lớp bọc mà vi khuẩn thì bị giữ lại.
50.
Dòng nước
Đường kênh trên bề mặt hoặc dưới bề mặt đất mà nước có thể chảy theo đó.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 8184-1 : 2009 (ISO 6107-1:2004), Chất lượng nước – Thuật ngữ, Phần 1;
[2] TCVN 5982 : 1995 (ISO 6107-3 : 1993), Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 3;
[3] ISO 6340 : 1995, Water quality – Detection and enumeration of Salmonella
[4] TCVN 6191-1 : 1996), Chất lượng nước – Phát hiện và đếm số bào tử vi khuẩn kị khí khử sunfit (clostridia) – Phần 1: Phương pháp tăng sinh trong môi trường cấy lỏng
[5] TCVN 6191-2 : 1996 (ISO 6461-2:1986), Chất lượng nước – Phát hiện và đếm số bào tử vi khuẩn kị khí khử sunfit (clostridia) – Phần 2: Phương pháp màng lọc
[6] TCVN 6189-1 : 2009 (ISO 7899-1:1998), Chất lượng nước – Phát hiện và đếm khuẩn đường ruột – Phần 1: Phương pháp thu nhỏ (số có xác suất lớn nhất) đối với nước mặt và nước thải
[7] TCVN 6189-2 : 2009 (ISO 7899-2:2000), Chất lượng nước – Phát hiện và đếm khuẩn đường ruột – Phần 2: Phương pháp màng lọc
[8] TCVN 6187-1 : 2009, Chất lượng nước – Phát hiện và đếm vi khuẩn coliform chịu nhiệt và Escherichia coli giả định – Phần 1: Phương pháp màng lọc (ISO 9308-1:2000/Cor 1:2007)
[9] TCVN 6187-2 : 2009, Chất lượng nước – Phát hiện và đếm vi khuẩn coliform chịu nhiệt và Escherichia coli giả định – Phần 1: Phương pháp nhiều ống (có xác suất cao nhất)
[10] ISO 10705-1:1995, Water quality – Detection and enumeration of bacteriophages – Part 1: Enumeration of F-specific RNA bacteriophages
[11] TCVN 6831-1 : 2001 (ISO 11348-1:1998), Chất lượng nước – Xác định ảnh hưởng ức chế của mẫu nước đến sự phát quang của vi khuẩn Vibrio Fischeri (phép thử vi khuẩn phát quang) – Phần 1: Phương pháp sử dụng vi khuẩn tươi
[12] TCVN 6831-2 : 2001 (ISO 11348-2:1998), Chất lượng nước – Xác định ảnh hưởng ức chế của mẫu nước đến sự phát quang của vi khuẩn Vibrio Fischeri (phép thử vi khuẩn phát quang) – Phần 2: Phương pháp sử dụng vi khuẩn khô lỏng
[13] TCVN 6831-3 : 2001 (ISO 11348-3:1998), Chất lượng nước – Xác định ảnh hưởng ức chế của mẫu nước đến sự phát quang của vi khuẩn Vibrio Fischeri (phép thử vi khuẩn phát quang) – Phần 3: Phương pháp sử dụng vi khuẩn đông – khô
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-7:2009 (ISO 6107 – 7 : 2004) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 7 | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8184-7:2009 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |