TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8191:2009 (ISO 14943 : 2004) VỀ CÔNG NGHỆ NHIÊN LIỆU HẠT NHÂN – TIÊU CHÍ QUẢN LÝ LIÊN QUAN TỚI AN TOÀN TỚI HẠN HẠT NHÂN
TCVN 8191 : 2009
ISO 14943 : 2004
CÔNG NGHỆ NHIÊN LIỆU HẠT NHÂN – TIÊU CHÍ QUẢN LÝ LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN TỚI HẠN HẠT NHÂN
Nuclear fuel technology – Administrative criteria related to nuclear criticality safety
Lời nói đầu
TCVN 8191 : 2009 hoàn toàn tương đương với ISO 14943 : 2004
TCVN 8191 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 85 Năng lượng hạt nhân biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Một chương trình an toàn tới hạn hạt nhân hiệu quả bao gồm sự phối hợp giữa các cán bộ quản lý, người giám sát công việc, cán bộ an toàn tới hạn hạt nhân và sự tuân thủ đúng các quy trình làm việc của từng nhân viên vận hành. Mặc dù quy mô và sự phức tạp của các hoạt động liên quan đến an toàn có thể rất khác nhau tùy theo kích thước và dạng công việc sử dụng vật liệu phân hạch, một số yếu tố an toàn vẫn là cơ bản. Tiêu chuẩn này quy định các yếu tố liên quan đến an toàn tới hạn hạt nhân. Hướng dẫn chung cho an toàn tới hạn hạt nhân được trình bày cụ thể trong TCVN 8192 (ISO 1709).
CÔNG NGHỆ NHIÊN LIỆU HẠT NHÂN – TIÊU CHÍ QUẢN LÝ LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN TỚI HẠN HẠT NHÂN
Nuclear fuel technology – Administrative criteria related to nuclear criticality safety
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này cung cấp các tiêu chí cho việc quản lý các hoạt động có liên quan đến an toàn tới hạn hạt nhân được tiến hành bên ngoài lò phản ứng và có khả năng xảy ra tai nạn do vấn đề tới hạn.
Tiêu chuẩn này đề cập đến trách nhiệm của người quản lý, giám sát và đội ngũ cán bộ an toàn tới hạn hạt nhân. Tiêu chuẩn này cũng đưa ra mục tiêu, đặc điểm của các quy trình làm việc và ứng phó sự cố.
2. Trách nhiệm
2.1. Ban quản lý
Ban quản lý phải xây dựng chính sách quản lý an toàn tới hạn hạt nhân và phổ biến tới từng nhân viên làm việc với vật liệu phân hạch.
Ban quản lý phải chịu toàn bộ trách nhiệm về an toàn tới hạn hạt nhân đối với các hoạt động của mình.
Ban quản lý phải thành lập và giao trách nhiệm cho một bộ phận tương xứng để thực hiện chính sách đã đề ra. Việc giao trách nhiệm về an toàn tới hạn hạt nhân cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt giống như đối với các quy tắc an toàn khác.
Ban quản lý phải cung cấp đội ngũ cán bộ an toàn tới hạn hạt nhân nắm vững kiến thức về vật lý tới hạn hạt nhân, kết hợp các thực hành an toàn có liên quan để có thể đưa ra được các hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với phạm vi công việc. Chức năng này trong mức độ khả thi cần phải độc lập về mặt quản lý đối với bộ phận vận hành.
Ban quản lý phải thiết lập các biện pháp monitoring chương trình an toàn tới hạn hạt nhân.
Ban quản lý phải thiết lập một quy trình xác định và một quy trình kiểm soát sự thay đổi thiết bị.
Ban quản lý phải tham gia xem xét định kỳ tính hiệu quả của chương trình an toàn tới hạn hạt nhân của mình.
Ban quản lý phải xây dựng quy trình vận hành và việc sửa đổi chúng.
2.2. Người giám sát hoạt động
Mỗi người giám sát sẽ phải chịu trách nhiệm về an toàn cho các công việc thuộc quyền giám sát của mình.
Mỗi người giám sát phải hiểu rõ các thông số kiểm soát và các giới hạn có liên quan đối với các công việc thuộc quyền giám sát của mình. Ngoài ra, người giám sát cần có kiến thức làm việc về phương pháp kiểm soát tới hạn cơ bản (ví dụ: khối lượng, mật độ, hình dáng…). Người giám sát cũng cần được đào tạo và hỗ trợ về các phương pháp kiểm soát tới hạn cơ bản từ các cán bộ an toàn tới hạn hạt nhân.
Mỗi người giám sát phải tổ chức đào tạo và yêu cầu các nhân viên dưới quyền kiểm soát nắm vững các quy trình làm việc, quy tắc an toàn để đảm bảo thực thi các nhiệm vụ của mình tránh các rủi ro không đáng có. Hồ sơ đào tạo và chứng chỉ đào tạo của các nhân viên cần phải được lập và lưu giữ.
Mỗi người giám sát phải xây dựng hoặc tham gia vào quá trình xây dựng các quy trình làm việc bằng văn bản áp dụng cho các công việc thuộc trách nhiệm giám sát của mình. Việc duy trì các quy trình này để phản ánh những thay đổi trong quá trình tiến hành công việc là trách nhiệm của người giám sát.
Người giám sát với sự hỗ trợ của các cán bộ an toàn tới hạn hạt nhân sẽ phải kiểm tra xác nhận việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn tới hạn hạt nhân của các quy trình mới, các quy trình được sửa đổi hoặc các thiết bị mới trước khi đưa vào sử dụng. Việc kiểm tra xác nhận có thể dựa vào các báo cáo thanh tra hoặc các đặc tính của hệ thống quản lý chất lượng.
Mỗi người giám sát phải yêu cầu việc tuân thủ theo các thực hành tốt, bao gồm việc nhận dạng chính xác các vật liệu phân hạch và tổ chức quản lý tốt nơi làm việc.
2.3. Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân phải cung cấp và chịu trách nhiệm cho các tài liệu hướng dẫn an toàn tới hạn hạt nhân đối với thiết kế thiết bị và các quá trình và cho việc xây dựng các quy trình làm việc.
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân phải cập nhật các phát triển mới của các chỉ dẫn và tiêu chuẩn an toàn tới hạn hạt nhân. Các kiến thức thông tin cập nhật về tới hạn hạt nhân và các chương trình tính toán cần phải được duy trì.
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân cần xin ý kiến tư vấn của người có trình độ để có được sự hỗ trợ kỹ thuật khi cần.
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân phải hiểu rõ các hoạt động sử dụng vật liệu phân hạch trong phạm vi họ chịu trách nhiệm cho an toàn tới hạn hạt nhân.
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân phải hỗ trợ người giám sát công việc trong đào tạo cho các nhân viên.
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân có trách nhiệm thực hiện hoặc tham gia kiểm tra việc thực hiện các quy tắc an toàn tới hạn hạt nhân, sự tuân thủ với các quy trình do cấp quản lý ban hành.
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân, cùng với bộ phận giám sát, sẽ trực tiếp thực hiện hoặc tham gia trong việc điều tra các hành vi vi phạm quy trình làm việc và các sai phạm khác để hoàn thiện các thực hành an toàn và các yêu cầu quy trình theo chỉ đạo của cấp quản lý.
Nhân viên an toàn tới hạn hạt nhân, khi có yêu cầu phải tham gia kiểm tra xác nhận việc tuân thủ các quy định an toàn tới hạn hạt nhân của các quy trình, thiết bị mới hoặc được chỉnh sửa.
3. Quy trình làm việc
Mục đích của quy trình làm việc bằng văn bản là để tạo thuận lợi và chứng minh cho việc tiến hành công việc an toàn và hiệu quả. Các quy trình cần được tổ chức để thuận tiện sử dụng cho các nhân viên và bảo đảm luôn có sẵn sàng. Các quy trình này cần tránh các thông tin thừa không liên quan đến an toàn và hiệu quả của việc tiến hành công việc.
Các quy trình cần bao gồm biện pháp kiểm soát và các giới hạn quan trọng về an toàn tới hạn hạt nhân của các hoạt động và cần nhận dạng chúng một cách chính xác.
Nếu việc thay đổi là cần thiết, các quy trình sửa đổi hoặc bổ sung cần phải được làm cho thuận tiện hơn.
Các quy trình đang được sử dụng cần được người giám sát định kỳ xem xét lại.
Các quy trình mới hoặc quy trình được chỉnh sửa có ảnh hưởng đến an toàn tới hạn hạt nhân phải được cán bộ an toàn tới hạn hạt nhân và nhóm giám sát công việc xem xét lại và được cấp quản lý phê duyệt.
Các quy trình cần được bổ sung bảng chỉ dẫn về các giới hạn an toàn tới hạn hạt nhân hoặc các giới hạn đưa vào trong nội dung bảng kê hướng dẫn vận hành, phiếu mô tả tiến trình hay các hệ thống kiểm soát tự động.
Sự sai lệch so với quy trình làm việc và sự thay đổi bất thường trong điều kiện làm việc ảnh hưởng tới an toàn tới hạn hạt nhân phải được báo cáo cho người giám sát và người quản lý, phải được điều tra ngay, hiệu chỉnh một cách thích hợp và lập thành hồ sơ. Phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc tái xảy ra lại.
Các công việc phải được định kỳ xem xét (ít nhất một năm một lần) để đảm bảo rằng các quy trình vận hành được tuân thủ và các điều kiện làm việc liên quan không bị thay đổi gây ảnh hưởng tới đánh giá an toàn tới hạn hạt nhân.
4. Đánh giá quá trình tiến hành công việc về an toàn tới hạn hạt nhân
Trước khi bắt đầu một việc mới với vật liệu phân hạch hoặc trước khi một công việc đang thực hiện được thay đổi, phải xác định và lập thành hồ sơ khẳng định rằng toàn bộ quá trình công việc sẽ là dưới tới hạn cả trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện không bình thường có thể xảy ra.
Việc đánh giá an toàn tới hạn hạt nhân phải xác định và nhận dạng rõ các thông số cần được kiểm soát và các ngưỡng giới hạn liên quan của chúng mà an toàn tới hạn hạt nhân sẽ phụ thuộc vào các giá trị đó. Ảnh hưởng của sự thay đổi của các thông số này hoặc thay đổi điều kiện gắn với chúng phải được đánh giá và lập thành hồ sơ.
Đánh giá an toàn tới hạn hạt nhân phải được lập thành hồ sơ với đầy đủ chi tiết, rõ ràng và không bị hiểu nhầm để có thể có được sự đánh giá các kết quả một cách độc lập.
Tất cả các thiết bị, quy trình, dữ liệu và phương pháp đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá an toàn tới hạn hạt nhân phải bảo đảm đúng với mục đích sử dụng của chúng.
Trước khi bắt đầu một quy trình mới với vật liệu phân hạch hoặc trước khi một quy trình đang thực hiện được thay đổi, phải có một xem xét độc lập để khẳng định chắc chắn sự phù hợp của các đánh giá an toàn tới hạn hạt nhân.
5. Kiểm soát vật liệu
Sự di chuyển của các vật liệu phân hạch phải được kiểm soát như quy định trong các quy trình đã được phê duyệt. Việc vận chuyển các vật liệu phân hạch trong khu dân cư phải tuân thủ với các quy định quốc gia hoặc quốc tế.
Các nhận dạng phù hợp đối với vật liệu phải được duy trì.
Phải kiểm soát người tiếp cận vào các khu vực ở đó vật liệu hạt nhân đang được xử lý, chế biến hoặc lưu giữ.
Việc kiểm soát khoảng cách, khối lượng, mật độ và cấu trúc hình học của các vật liệu phân hạch phải được duy trì để đảm bảo trạng thái dưới tới hạn cả trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện không bình thường có thể xảy ra như đã được nêu trong tài liệu đánh giá an toàn tới hạn hạt nhân.
Việc thỏa thuận thích hợp phải được thống nhất giữa bên gửi và bên nhận trước khi vật liệu phân hạch được vận chuyển ra khỏi một cơ sở. Mọi sự khác biệt phát hiện khi nhận hàng phải được giải quyết. Cần phải có các quy định liên quan đến nhận kiện hàng bị hư hỏng.
6. Kế hoạch ứng phó sự cố tới hạn hạt nhân
Hướng dẫn sử dụng hệ thống cảnh báo về sự cố tới hạn hạt nhân và thiết kế thiết bị được trình bày chi tiết trong tiêu chuẩn ISO 7753 và IEC 60860.
Quy trình ứng phó khẩn cấp phải được xây dựng và phê duyệt bởi người quản lý. Các tổ chức, có thể thuộc bên trong cơ sở hoặc bên ngoài cơ sở, dự kiến sẽ là người cung cấp sự hỗ trợ trong trường hợp xảy ra sự cố phải được thông báo về các điều kiện mà họ có thể gặp phải. Các tổ chức này cần được các nhân viên của cơ sở giúp đỡ trong việc chuẩn bị quy trình ứng phó sự cố.
Các quy trình ứng phó phải chỉ rõ lộ trình sơ tán. Việc sơ tán nên theo đường ngắn nhất và trực tiếp nhất có thể được có xem xét đến việc hạn chế liều chiếu xạ. Lộ trình này phải được xác định một cách rõ ràng và nên tránh những khu vực được xác định có rủi ro cao.
Khu vực tập trung nhân viên nằm ngoài khu vực sơ tán cũng phải được chỉ định rõ có xem xét đến khả năng bị chiếu xạ. Cách thức để bố trí các nhân viên này phải được xác lập.
Nhân viên trong khu vực để được sơ tán phải được huấn luyện về phương pháp sơ tán, phổ biến về lộ trình sơ tán và địa điểm tập trung, cần phải có các quy định cho việc sơ tán các nhân viên làm việc hợp đồng ngắn ngày. Các bài tập an toàn phải được thực hành định kỳ để mọi người nắm được các quy trình ứng phó khẩn cấp. Để tránh tình trạng lộn xộn mất trật tự, các bài tập an toàn nên được giới thiệu trước.
Cần có sự bố trí trước các phương án cho việc chăm sóc, xử lý cho người bị thương hoặc bị chiếu xạ. Khả năng bị nhiễm bẩn phóng xạ của các nhân viên cần phải được quan tâm xem xét.
Việc lập kế hoạch phải bao gồm một chương trình để xác định ngay các cá nhân bị chiếu xạ và nên bao gồm việc xác định liều chiếu cho các nhân viên.
Phải cung cấp thiết bị đo và quy trình để xác định cường độ bức xạ tại khu vực tập trung.
Cần có kế hoạch và bố trí sắp xếp để lập một điểm điều hành trung tâm nhằm phối hợp thông tin trong ứng phó khẩn cấp.
Quy trình ứng phó khẩn cấp phải nhấn mạnh đến các thủ tục vào trở lại và tư cách thành viên của đội ứng phó. Các kênh chỉ đạo và thông tin liên lạc cũng phải được quy định trong quy trình.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8191:2009 (ISO 14943 : 2004) VỀ CÔNG NGHỆ NHIÊN LIỆU HẠT NHÂN – TIÊU CHÍ QUẢN LÝ LIÊN QUAN TỚI AN TOÀN TỚI HẠN HẠT NHÂN | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8191:2009 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |